Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Ngày 1/12, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Phạm Sanh Châu – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên họp cho biết, đây là lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ Việt Nam thông qua hình ảnh Thánh Mẫu. Hồ sơ đề cử di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có chất lượng cao, là 1 trong 18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận(trong khi 19 hồ sơ khác tranh luận quyết liệt).

Màu sắc văn hóa bản địa

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hình thành và phát triển trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền (trời, sông nước, rừng núi), sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.Trong quá trình phát triển, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng này vẫn luôn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, tài lộc, may mắn – những ước muốn vĩnh hằng của con người.

“Chính điều này góp phần quan trọng tạo nên màu sắc văn hóa bản địa, sự khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ so với những tín ngưỡng khác,” giáo sư Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho hay.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Ngô Đức Thịnh cho biết, đạo Mẫu (tên gọi khác của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ theo hướng tiếp cận từ góc độ văn hóa) coi tự nhiên là một người Mẹ, tôn thờ với tư cách là vị thần tối cao, có quyền năng sáng tạo, cai quản, phù trợ cho con người, mang lại cho con người sức khỏe, tài lộc trong đời sống trần gian.

Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước)

Trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác hướng đến sự siêu thoát, cuộc sống sau cái chết hoặc sự phù hộ của linh hồn người đã khuất với người còn sống thì đạo Mẫu hướng con người về cuộc sống thực tại với những nhu cầu thực tế, đời thường: Phúc-Lộc-Thọ.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương trong cả nước như: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

“Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian (trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một ‘bảo tàng sống’ lưu giữ lịch sử, và bản sắc văn hóa của người Việt. Qua đó, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người: cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe,” đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết.

Trình diễn các giá hát văn hầu đồng trong Lễ Tổng kết Liên Tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2014. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Trình diễn các giá hát văn hầu đồng trong Lễ Tổng kết Liên Tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2014. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hệ thống thần linh

Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, hệ thống điện thần đạo Mẫu bao gồm: Ngọc Hoàng, Phật Bà Quan Âm, Tam tòa Thánh Mẫu, Quan lớn (từ 5-10 vị), Chầu bà (từ 4-12 chầu bà), Ông Hoàng (từ 5-10 vị), Vương cô (12 vị), Vương cậu (12 vị), Ngũ hổ và Ông lốt (rắn). Sự khác nhau về số lượng các vị thánh trong từng hàng (quan, chầu, ông hoàng, cô, cậu) do tồn tại những khác biệt trong quan niệm ở các vùng miền khác nhau.

Ngọc Hoàng là vị Thánh được thờ với tư cách Vua Cha trong đạo Mẫu, có bàn thờ riêng trong các đền, phủ. Tuy nhiên, trong các nghi lễ, tâm thức dân gian, vai trò của Ngọc Hoàng lại khá mờ nhạt.

Phật Bà Quan Âm là vị Bồ Tát của đạo Phật. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, theo thư tịch cổ và huyền thoại, Phật Bà đã giải cứu công chúa Liễu Hạnh trong một trận kịch chiến. Từ ân đức đó, công chúa Liễu Hạnh đã quy y và mở đường cho sự hội nhập giữa đạo Mẫu dân gian và Phật giáo. Bởi vậy, trong điện thần đạo Mẫu (cũng như trong nhiều nghi lễ đạo Mẫu), Phật Bà Quan Âm đều hiện diện.

Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước).

Đứng đầu mỗi phủ là một vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp…; Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính của nhiều dân tộc thiểu số và Mẫu Thoải (Mẫu đệ tam) trông coi các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cho biết, trong điện thần Tam phủ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh luôn đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, ngồi chính giữa và mặc trang phục màu đỏ, bên trái là Mẫu Thoải (trang phục màu trắng) và bên phải là Mẫu Thượng Ngàn (trang phục màu xanh).

Về nguồn gốc, bà là tiên nữ giáng trần, sau đó quy y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ,” một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa thần linh và đời thường, giữa nhu cầu tâm linh, khát vọng hướng về các giá trị chân-thiện-mỹ với khát với việc chữa bệnh trừ tà, giúp đỡ con người trong những hoàn cảnh khó khăn…

Các Thánh Mẫu có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc thiểu số như người Tày, Nùng, Dao… Bên cạnh đó, trong khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão…

Điều đó cho thấy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc.

(Trích đoạn vở “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú)

Nhận diện hầu đồng

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua nghi lễ này, con người gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

“Tuy nhiên, hầu đồng từng bị cấm đoán khá nặng nề ở Việt Nam suốt một thời gian dài do không được hiểu đúng bản chất. Dư luận nhìn nghi lễ này qua bức màn huyền bí với thái độ đầy nghi hoặc (do những biến tướng xấu, theo hướng mê tín dị đoan nảy sinh trong quá trình thực hành),” ông Ngô Đức Thịnh cho hay.

Theo ông, hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh (lời ca trau chuốt) với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm; từ đó, đưa con người vào trạng thái ngây ngất.

Những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, hình thức này có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh. Lúc này, các thanh đồng đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Hầu dâng và cung văn là những người trực tiếp giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng. Hai (hoặc bốn) người hầu dâng ngồi hai bên thanh đồng trước bàn thờ Thánh, giúp các thanh đồng việc thắp hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…

Trong hầu đồng, cung văn giữ vai trò quan trọng: xướng nhạc và hát trong khi các thanh đồng trình diễn. Nhạc cụ chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt; bên cạnh đó còn có trống bang, cảnh đồng, phách, thanh la…

Đêm 26/2/2016, đoàn đại biểu (gồm hơn 20 vị Đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng trong nước) tham dự chương trình biểu diễn chầu văn-hầu đồng tại Phủ Tiên Hương (thuộc quần thể Khu di tích Phủ Dầy, Nam Định). Trong ảnh: Chương trình biểu diễn Chầu văn tại phủ Tiên Hương thuộc Quần thể Di tích Phủ Dầy. (Ảnh: Văn Đạt/ TTXVN)
Đêm 26/2/2016, đoàn đại biểu (gồm hơn 20 vị Đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng trong nước) tham dự chương trình biểu diễn chầu văn-hầu đồng tại Phủ Tiên Hương (thuộc quần thể Khu di tích Phủ Dầy, Nam Định). Trong ảnh: Chương trình biểu diễn Chầu văn tại phủ Tiên Hương thuộc Quần thể Di tích Phủ Dầy. (Ảnh: Văn Đạt/ TTXVN)

Hầu đồng lên sân khấu đương đại

Với những giá trị độc đáo về văn học, vũ đạo, âm nhạc và nghệ thuật trình diễn dân gian… hầu đồng đã trở thành nguồn cảm hứng lớn để các nghệ sỹ hiện đại khai thác, đưa lên sân khấu với những cách điệu độc đáo.

Đó là vở “Ba giá đồng” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Trần Minh, 2000), kịch hình thể “Tâm linh Việt” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Lan Hương, 2011) hay mới đây là “Tứ phủ” (đạo diễn Việt Tú) và “Ngũ biến” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Anh Tú).

Ở “Ngũ biến,” người nghệ sỹ đã hóa thân vào năm nhân vật trên cơ sở năm giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. “Ngũ biến”đã gây tiếng vang lớn, giành giải thưởng “Vở diễn xuất sắc” tại Liên hoan-Diễn đàn Sân khấu Trung Quốc-ASEAN lần thứ tư diễn ra từ ngày 17-23/9 tại thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc).

Bên cạnh đó, nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc (người trình diễn chính trong tiết mục “Ngũ biến”) đã được trao giải thưởng Nghệ sỹ biểu diễn xuất sắc.

“Tứ phủ” (đạo diễn Việt Tú) dẫn dắt người xem vào một chuyến du hành vào cõi tâm linh với sự kết hợp những nét đẹp của nghi lễ hầu đồng với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu. Tứ Phủ gồm ba chương: “Chầu Đệ Nhị,” “Ông Hoàng Mười,” và“Cô Bé Thượng Ngàn.”

Việc đưa hầu đồng lên sân khấu giúp khán giả khám phá những vẻ đẹp, giá trị của nghi lễ này. Từ đó, tín ngưỡng thờ Mẫu hòa nhập một cách tự nhiên vào đời sống hiện đại.

  • ngubien1-1481075650-18.jpg
  • ngubien3-1481075661-61.jpg
  • ngubien2-1481075670-20.jpg
  • tuphu1-1481075685-6.jpg
  • tuphu8-1481075729-48.jpg
  • tuphu2-1481075741-45.jpg
  • tuphu5-1481075752-84.jpg
  • tuphu3-1481075763-10.jpg
  • tuphu7-1481075776-9.jpg
  • tuphu4-1481075785-72.jpg
  • tuphu6-1481076029-42.jpg

Vinh danh ở tầm thế giới

Việc UNESCO ghi danh di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Thông báo từ Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

1/ Các thông tin trong hồ sơ đã chỉ ra rằng, di sản này đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra “sợi dây tinh thần” liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, nó đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo.

Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

2/ Các thông tin trong hồ sơ chỉ ra rằng, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau.

Bên cạnh đó, các bộ phận cấu thành di sản này cũng cho thấy những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng.

Khi di sản này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ giúp tăng cường đối thoại, sáng tạo và làm giàu vốn văn hóa; thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội – nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.

Việc UNESCO ghi danh di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

3/ Từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra, bao gồm: xây dựng chính sách hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.

Các hoạt động đó phản ánh cam kết của nhà nước, cộng đồng và các nhóm nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ.

4/ Đề cử này là kết quả của việc tham vấn và hợp tác của những người thực hành (thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, cung văn, con nhang, đệ tử,…), đại diện cộng đồng, nhà nghiên cứu, cùng với nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

Các tài liệu kèm theo hồ sơ cho thấy họ đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng cho việc đề cử di sản. Thông tin của Hồ sơ đã chứng minh rằng các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện luôn tôn trọng phong tục tập quán, quyền tham gia thực hành di sản.

5/ Thông tin hồ sơ cũng đã cung cấp một phụ lục chứng minh di sản đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.

Hoạt động kiểm kê đã được Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức thực hiện với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; kết quả kiểm kê đều được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê đã được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử…

Nghệ sỹ trình diễn vở Tứ phủ (đạo diễn Việt Tú) - vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Nghệ sỹ trình diễn vở Tứ phủ (đạo diễn Việt Tú) – vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chuyện đào nương 7 tuổi

“Hồng hồng Tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”

Với chất giọng dày dặn, cách nhả chữ tròn trịa, luyến láy tài tình cùng tay phách nhịp nhàng, ca nương nhí Thục Trinh thu hút sự chú ý đặc biệt của những ai có mặt tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 (diễn ra từ ngày 11-13/11 tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám).

Khi Thục Trinh cất giọng, những ánh mắt, đôi tai dưới hàng ghế giám khảo và khán giả hướng về cô bé 7 tuổi ấy một cách đầy thích thú. Giọng ca Thục Trinh vang vọng giữa không gian Nhà Thái Học, đối ngược hoàn toàn với vóc dáng nhỏ bé, mảnh mai của em.

Dường như, không thể kiềm lòng trước sức hút từ giọng ca ấy, nhiều khán giả ở những hàng ghế dưới đã đứng dậy để có thể nhìn cô gái nhỏ ấy “phiêu” theo nhịp phách, câu ca.

Ngược dòng… “phù suy”

Nguyễn Thục Trinh hiện đang là học sinh trường Tiểu học Liên Hà (Đông Anh, Hà Nội). Tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội, Thục Trinh đã giành Giải B (cá nhân) và Giải Thí sinh Tài năng Trẻ tuổi nhất.

Tuy mới 7 tuổi nhưng Thục Trinh đã có gần 3 năm theo học ca trù. Em sinh ra tại Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) – địa danh ca trù nức tiếng một thời. Làng Lỗ Khê có lịch sử hơn 600 năm gắn bó với ca trù. Các nghệ nhân cao tuổi vẫn truyền nhau câu chuyện về ông tổ ca trù Đinh Dự cùng vợ đã rời Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), tới Lỗ Khê lập nghiệp. Họ mở giáo phường và truyền dạy nghề hát ả đào cho dân làng.

Tuổi thơ của cô bé là những tháng ngày thường xuyên được nghe bà nội và bố hát ca trù. Cứ như thế, ca trù cổ ngấm vào Thục Trinh một cách tự nhiên theo thời gian.

Thục Trinh lên nhận giải tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội(Ảnh: Doãn Đức)
Thục Trinh lên nhận giải tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội(Ảnh: Doãn Đức)

“Khi Thục Trinh ngoài bốn tuổi, tôi bắt đầu dạy cháu những câu ca đầu tiên. Thời điểm đó, Thục Trinh chưa hề biết đọc, biết viết. Cháu học một cách khá bản năng, tự ghi nhớ lời ca, nhịp phách,” bà Nguyễn Thị Lâm (60 tuổi) – bà nội của cô bé chia sẻ.

Với vốn cổ cha ông truyền lại, sau những giờ lao động vất vả, bà Lâm lại dạy Thục Trinh gõ phách, tập hát. “Có thể, Trinh chưa hiểu được nhiều về ý nghĩa của những ca từ nhưng bé học khá nhanh. Nhiều đoạn luyến láy, ém hơi, nhả chữ… rất khó, Trinh vẫn kiên trì tập. Tiếng hát thường vang lên vào những buổi tối cuối tuần hoặc những lúc Trinh phụ giúp tôi việc nhà. Hai bà cháu vừa làm vừa học hát,” bà Lâm kể.

Giọng ca, tay phách của Thục Trinh được rèn luyện bài bản hơn khi đào nương Phạm Thị Mận (thành viên Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, đồng thời cũng là cô giáo dạy mầm non của Thục Trinh) phát hiện ra khả năng đặc biệt của cô bé.

Thế nhưng, với Thục Trinh, những kỹ thuật thanh nhạc hay ca từ bác học không thể làm khó cô bé bằng việc học gõ phách. “Việc gõ phách đòi hỏi phải phối hợp nhịp nhàng cả tay trái và tay phải, chỉ cần lỡ một nhịp là gần như bị hỏng cả tiết mục, bởi phách là để giữ nhịp cho lời hát. Nếu như với lời ca, con chỉ cần học khoảng ba, bốn buổi là thuộc thì với nhịp phách, thời gian tập để ghi nhớ phải nhiều hơn gấp ba, bốn lần,” nói rồi, Thục Trinh nhoẻn miệng cười, đôi bàn tay nhỏ nhắn chuyển động linh hoạt theo những nhịp phách Âm-Dương trầm-bổng.

Thục Trinh tự tập ở nhà (Ảnh: Doãn Đức)
Thục Trinh tự tập ở nhà (Ảnh: Doãn Đức)

“Thục Trinh vẫn say sưa học ca trù – một loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính bác học, rất kén người nghe; trong khi, em hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một bộ môn nghệ thuật khác dễ tìm kiếm khán giả và xây dựng hình ảnh hơn. Đó thực sự là một điều đáng quý và một tín hiệu đáng mừng cho tương lai của bộ môn nghệ thuật này,” nhạc sỹ Đặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chia sẻ.

Năm 2009, ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.”Điều đó đã khẳng định những giá trị độc đáo của ca trù nhưng cũng báo động về sự mai một của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Cách lấy hơi và nhả chữ trong ca trù tinh tế và đòi hỏi phức tạp hơn rất nhiều so với những lối hát cổ truyền khác. Nếu như khi hát chèo, nghệ sỹ chủ yếu lấy hơi từ khoang miệng, khi hát quan họ, người hát lấy hơi từ khoang miệng và cổ họng thì với ca trù, ca nương không chỉ lấy hơi ở khoang miệng, cổ họng mà còn phải lấy hơi từ khoang mũi và vận hơi từ đan điền lên.

Khó khăn đến khắc nghiệt là vậy nhưng chưa khi nào Thục Trinh nghĩ sẽ chọn cho mình một bộ môn khác ca trù. “Khi tới trường, nhiều bạn cười chê, giễu cợt khi thấy con mặc áo dài, vấn tóc, học ca trù. Ban đầu, con cũng rất buồn, khóc vì tủi thân nhưng khi học hát, hòa theo nhịp phách, lời ca, con lại quên đi tất cả. Dù ca trù khó nhưng con thực sự thấy hay, hấp dẫn,” Thục Trinh trải lòng.

Theo dõi chặng đường gắn bó với ca trù của Thục Trinh từ khi đào nương nhí này tham gia Liên hoan Ca trù Toàn quốc (2014) đến nay, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan chia sẻ: “Thục Trinh có chất giọng Trời cho để hát ca trù. Đó có thể là ưu ái đặc biệt của tổ nghề dành cho cô bé: một chất giọng dày dặn, phong lưu, tao nhã. Giọng hát ấy, cách hát ấy đích thực là của ca trù. Bên cạnh đó, Thục Trinh còn có tay phách rất mềm mại. Đây sẽ là một tài năng thực sự nếu chúng ta biết nuôi dưỡng mầm tài năng ấy.”

“Tại Liên hoan Ca trù Toàn quốc 2014, có lẽ, do Thục Trinh còn quá nhỏ tuổi nên chưa thể hiện được hết khả năng. Chúng ta mới thấy được ở cô bé một vài chi tiết năng khiếu như nhân tố tiềm năng. Thế nhưng, sau 2 năm, Thục Trinh đã hoàn toàn khác, trưởng thành vượt bậc về giọng hát và tay phách. Nếu tiếp tục duy trì được điều này, trong phạm vi 2 năm nữa, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một ca nương Thục Trinh có sức hát vượt trội,” nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan khẳng định.

Kết thúc liên hoan, Thục Trinh cũng như những đào nương nhí khác trở về với trường học, bài vở. (Ảnh: Doãn Đức)
Kết thúc liên hoan, Thục Trinh cũng như những đào nương nhí khác trở về với trường học, bài vở. (Ảnh: Doãn Đức)

Chông chênh nhịp phách, câu ca

Hy vọng vào tương lai như vậy nhưng thực tế “không đùa với khách thơ.”

Khép lại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội, Thục Trinh ra về, gương mặt không giấu được vẻ mệt mỏi. Ba ngày diễn ra liên hoan, việc phải dồn sức trình diễn nhiều tiết mục cùng với việc phải di chuyển liên tục từ xã Liên Hà (Đông Anh) về Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã khiến cô gái nhỏ 7 tuổi với vóc dáng mảnh mai cảm thấy mệt nhoài; và em đã… khóc!

Hình ảnh hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt hao gầy của cô bé khiến những ai có mặt tại sân Thái Học hôm ấy (Lễ tổng kết và trao giải liên hoan diễn ra chiều 13/11) không khỏi chạnh lòng.

Kết thúc liên hoan, Thục Trinh cũng như những đào nương nhí khác trở về với trường học, bài vở. Đến với liên hoan, cô bé cũng đã nghỉ hai buổi học chính khóa.

“Trước thềm Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 khoảng một tháng, Thục Trinh mới đến nhà đào nương Phạm Thị Mận ba buổi tối/tuần để học bài bản các tiết mục dự thi. Sau liên hoan, lịch học này sẽ rất khó có thể duy trì đều đặn vì việc học chính khóa đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của cháu. Thục Trinh sẽ tiếp tục học ca trù ở nhà với bà nội theo lối truyền khẩu. Ngoài ra, Thục Trinh sẽ tham dự các buổi sinh hoạt, hoạt động của Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê,” anh Nguyễn Tuấn Tâm, bố của ca nương nhí Thục Trinh cho biết.

Bước qua những trở ngại, khó khăn về thời gian, kinh phí, các đào nương, kép đàn đến với liên hoan bằng sự say mê nhịp phách, câu ca, tiếng đàn… “Chúng tôi cảm thấy rất xúc động vì điều đó. Vì nhiều lý do khách quan, ban tổ chức chỉ hỗ trợ các câu lạc bộ tham gia liên hoan một khoản tiền nhỏ cho việc di chuyển,” ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết.

Thục Trinh cũng như nhiều đào nương khác xúng xính trên sân khấu trong những bộ áo dài, chiếc vòng tay đẹp đẽ do gia đình hoặc bản thân… tự sắm. “Đó có thể coi như một sự đầu tư cho nghệ thuật chăng! Chúng tôi đã trót yêu ca trù thì luôn muốn được thỏa đam mê biểu diễn. Sau những bươn bả ngược xuôi của cuộc sống, nhịp phách, tiếng đàn giúp tôi tìm lại sự tĩnh tại, cân bằng. Thế nên, đầu tư váy áo, nhạc cụ cũng là vì muốn giữ cho mình một thứ ‘của để dành’,” một ca nương đến từ Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên) chia sẻ.

Ban tổ chức đặt ra kỳ vọng, liên hoan là dịp để phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ, thúc đẩy việc truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở; từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù, đưa loại hình nghệ thuật này ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, nguy cơ mai một.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) đều vui mừng nói về sự trở lại của ca trù trong đời sống đương đại, đặc biệt là trong giới trẻ. Chỉ tính riêng trong kỳ liên hoan dành cho các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Thủ đô này, có 35 đào nương, kép đàn (trong độ tuổi từ 6-30 tuổi) đăng ký tham dự.

Lịch học hát ca trù sẽ rất khó có thể duy trì đều đặn vì việc học chính khóa đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của Thục Trinh (Ảnh: Doãn Đức)
Lịch học hát ca trù sẽ rất khó có thể duy trì đều đặn vì việc học chính khóa đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của Thục Trinh (Ảnh: Doãn Đức)

Nhưng thực tế là, những kỳ liên hoan diễn ra giống như các hoạt động bề nổi. Sau những ngày rộn rã hát ca, các vấn đề đặt ra từ liên hoan “đâu lại vào đó” hoặc tiến triển với tốc độ rất chậm.

Ông Trương Minh Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta đã đặt ra vấn đề cần phải có chế độ chính sách cụ thể với các nghệ nhân – ‘những báu vật nhân văn sống’ trong việc truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay, điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Việc bảo tồn ca trù không thể tiếp tục chỉ nói suông mãi về tấm lòng nghệ nhân.”

Thêm vào đó, số câu lạc bộ ca trù tại Hà Nội đã tăng từ 9 lên 14 câu lạc bộ trong thời gian từ năm 2009-2016. Tuy nhiên, lịch sinh hoạt của các câu lạc bộ lại khá nhỏ giọt, mỗi năm đôi ba lần (thường là vào những dịp giỗ tổ nghề hay hội làng…). Đơn cử như Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê có lịch sinh hoạt định kỳ theo quý (vào ngày Thứ Bảy cuối cùng trong quý) tại Nhà thờ Ca công Lỗ Khê.

“Với nghệ thuật, nếu không được rèn luyện thường xuyên thì sẽ rất khó để đạt được sự tiến bộ. Để ca trù ‘sống’ dậy mạnh mẽ và phát triển bền vững thì cần có sự đầu tư cho việc đào tạo, thực hành ở các cơ sở, câu lạc bộ, có lịch diễn định kỳ ở những địa điểm cố định,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh./.

(Ảnh: Doãn Đức)
(Ảnh: Doãn Đức)

Modern Talking

Năm 2016 có thể được coi là năm của dòng âm nhạc hoài niệm khi hàng loạt nhóm nhạc, ca sĩ yêu thích của người Việt những năm 1980 lần lượt đến Việt Nam biểu diễn, từ Boney M, Chris Norman, Scorpions và nhất là Thomas Anders của Modern Talking.

Không quá lời khi nói rằng chính âm nhạc của Modern Talking đã “khai hóa” cho người Việt biết thế nào là nhạc “Disco,” mà thế hệ yêu nhạc ở miền Bắc thời bao cấp còn gọi là “nhạc xập xình” hay “nhạc đám cưới.” Đám cưới thời đó có thể thiếu bánh kẹo hạt dưa chứ không thể thiếu nhạc Modern Talking!

Ban nhạc Đức bán nhiều đĩa nhất trong lịch sử

Tới Việt Nam để tham gia hai đêm diễn “Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” vào ngày 26 và 27/11 tới đây sẽ chỉ có giọng ca chính Thomas Anders. Ở tuổi 53, Anders giờ đã mang vẻ từng trải, phong trần của một người đàn ông đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp lẫn cuộc đời, chứ không còn là một lãng tử tóc dài hào hoa từng làm hàng triệu người say mê ba thập niên trước. Dẫu vậy, giọng ca này vẫn giữ nguyên được nụ cười thường trực trên môi và niềm say mê đứng trên sân khấu thuở nào.

Thomas Anders thực chất chỉ là nghệ danh, còn tên thật của người đàn ông này là Bern Weidung. Weidung sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả với cha làm trong lĩnh vực tài chính. Khi còn bé, anh thường xuyên phụ giúp mẹ trong cửa hàng của gia đình. Năm Weidung lên 7 tuổi, một vị khách đã hỏi cậu bé này rằng khi lớn lên cậu thích làm nghề gì. Weidung đã trả lời không ngần ngại: “Cháu muốn trở thành một ca sĩ nổi tiếng!”

Năm lên 7 tuổi cũng là lần đầu Weidung đứng trên sân khấu ca nhạc và bộc lộ những tố chất ca hát. Dù gia đình ra sức khuyên ngăn anh không nên theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng Weidung vẫn kiên quyết theo đuổi đam mê khi bắt đầu đi hát vào năm 17 tuổi. Anh tự hứa với bản thân rằng sẽ tự đứng trên đôi chân mình và thành danh trước năm 25 tuổi.

Ca khúc bất hủ “You’re My Heart, You’re My Soul”

Sau một thời gian hát ở các sàn nhảy khắp nước Đức, số phận đã đưa đẩy cho Weidung gặp gỡ Dieter Bohlen. Khi đó Bohlen đang là giọng hát chính của nhóm Sunday và muốn đổi gió bằng cách thành lập một ban nhạc mới trong đó anh sẽ đóng vai trò của người viết nhạc kiêm cả ông bầu. Tên ban nhạc đã có (Modernes Gesprach) nhưng thành viên còn lại thì vẫn chưa thấy đâu.

Cho tới một ngày nọ, Weidung tìm tới phòng thu gặp Bohlen và thể hiện giọng hát. Ngay sau khi nghe giọng hát của Weidung, Bohlen đã nhận ra đây chính là cộng sự mà mình hằng tìm kiếm bấy lâu. Weidung được nhận vào nhóm nhạc và đổi tên thành Thomas Anders. Ban nhạc Modernes Gesprach cũng chính thức được đổi tên thành Modern Talking nhằm phù hợp hơn với mộng vươn xa tầm quốc tế của hai thành viên.

Đĩa đơn đầu tiên “You’re My Heart, You’re My Soul” nằm trong album ra mắt của nhóm là “The 1st Album” thành công muộn nhưng rực rỡ. Đĩa đơn này được trình làng vào cuối tháng 10/1984 nhưng mãi cho tới đầu năm 1985 mới thực sự tạo ra một cơn sốt. Vào ngày 28/1/1985, “You’re My Heart, You’re My Soul” lọt vào danh sách 10 đĩa nhạc bán chạy nhất nước Đức. Năm tuần sau đó, đĩa đơn này vươn lên ngôi vị đầu bảng và bám trụ tại đó tận sáu tuần liền. Cho tới nay, đĩa đơn này vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của Modern Talking với số lượng đĩa bán ra trên toàn cầu ước đạt khoảng 8 triệu bản!

Một bản remix các nhạc phẩm nổi tiếng của Modern Talking

Thành công của “You’re My Heart, You’re My Soul” đã mở đường cho Modern Talking tấn công hàng loạt bảng xếp hạng âm nhạc và những vũ trường của thập niên 1980. Giai đoạn từ 1985 tới 1987, Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco với đĩa nhạc được bán như tôm tươi không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều quốc gia khác như Thụy Sĩ, Áo, Na Uy hay Thụy Điển… Trong hơn hai năm ngắn ngủi ấy, đã có 65 triệu đĩa nhạc của Modern Talking được tiêu thụ!

Theo một thống kê vào năm 2010 thì lượng đĩa bán ra của Modern Talking trên toàn cầu đã lên tới con số 120 triệu đĩa và giúp bộ đôi Bohlen-Anders trở thành nhóm nhạc thành công nhất lịch sử nước Đức xét về lượng đĩa được tiêu thụ!

Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco
Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco

Làn gió mới từ phương Tây

Những ca khúc với giai điệu rộn ràng khiến người nghe khó có thể đứng yên mà không nhún nhảy như “Cheri, Cheri Lady”, “Brother Louie” hay “You Can Win If You Want” được bật ở khắp mọi nơi. Modern Talking là một trường hợp đặc biệt khi vô danh tại Mỹ vì chưa từng lọt vào bảng xếp hạng các ca khúc ăn khách dù singler “Brother Louie” từng có vị trí cao tại Anh, Canada.

Chẳng sao cả, bộ đôi huyền thoại người Đức nhưng lại có hàng triệu fan ở những thị trường khác như Châu Âu, Châu Á, Nam Phi và cả ở Iran. Tại quốc gia Hồi giáo ấy, âm nhạc phương Tây đã bị cấm kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979. Song bằng cách nào đó, thứ âm nhạc disco của Modern Talking vẫn len lỏi được vào thị trường bị đóng cửa này.

Nhưng nếu nói đến thị trường âm nhạc ưa chuộng Modern Talking hơn cả thì phải nói tới Liên Xô, thậm chí là vào thời điểm bức tường Berlin vẫn tạo ra ngăn cách giữa Đông và Tây. Làn sóng “disco new wave” tràn tới Liên Xô đúng vào thời điểm các sàn nhảy bùng nổ tại quốc gia này. Modern Talking được ưa chuộng nhất không chỉ vì âm nhạc của họ bắt tai, chủ yếu đề cập đến tình yêu mà còn bởi Dieter Bohlen cũng mang trong mình dòng máu Nga (bà ngoại của anh là người Nga, vẫn sống ở Kaliningrad)!

Có một giai đoạn hầu như mọi đám cưới đều bật nhạc Modern Talking, tới mức nhiều người còn ngỡ Modern Talking là… tên một thể loại nhạc.

Disco New Wave ở Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay có sức sống lâu bền đến nỗi cho đến tận bây giờ, những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc này như Modern Talking (và cả Boney M nữa) vẫn được mời tới Moskva biểu diễn ở sân vận động! Đám đông khán giả hầu hết đã ngoại ngũ tuần vẫn cuồng nhiệt nhảy múa “để nhớ một thời ta đã yêu”.

Từ Liên Xô, những đĩa nhạc than hay băng cassette của Modern Talking tiếp tục lan toả đến Việt Nam, theo chân những du học sinh hoặc dân lao động xuất khẩu về nước. Có một giai đoạn hầu như mọi đám cưới đều bật nhạc Modern Talking, tới mức nhiều người còn ngỡ Modern Talking là… tên một thể loại nhạc.

Vào cuối thập niên 1980s và đầu 1990s, đi khắp đường làng ngõ xóm đều có thể bắt gặp hình ảnh của Thomas Anders với mái tóc dài lãng tử với giọng mềm mại như rót mật bên tai cùng người đàn anh Dieter Bohlen trong bộ đồ da và chiếc guitar quen thuộc. Chương trình ca nhạc quốc tế (nhạc Nga có chương trình riêng) được phát tối thứ Năm hàng tuần của Đài Truyền hình Việt Nam hầu như bao giờ cũng có “Modern Talking” xen kẽ với ABBA, Boney M hay Joy.

Thời điểm đó không phải ai cũng biết rõ và hiểu lời những ca khúc của Modern Talking. Thậm chí suốt một thời gian dài, nhiều người Việt gọi họ là “Mô-đen Tắc-kinh.” Song âm nhạc là thứ ngôn ngữ toàn cầu. Từ trẻ em, thanh niên cho tới cả người già đều không thể ngồi yên khi nghe những đoạn nhạc dạo xập xình quen thuộc của “Geromino Cadillac,” “Atlantis is Calling (S.O.S for Love),” “You Can Win If You Want,” “Cheri Cheri Lady,””Brother Louie” và đặc biệt là “You’re My Heart, You’re My Soul” được bật lên.

Đông đảo khán giả Việt Nam đang trông ngóng một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời...
Đông đảo khán giả Việt Nam đang trông ngóng một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời…

Chưa phải là kết thúc

Ở đỉnh cao của danh vọng vào năm 1987, hai thành viên của Modern Talking đã bất ngờ đường ai nấy đi và để lại nuối tiếc cho hàng triệu người hâm mộ. Nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Modern Talking, dù cho vẫn đang làm mưa làm gió tại các bảng xếp hạng lẫn những vũ trường, được cho là sự xuất hiện của Nora-Isabelle Balling.

Người đẹp này là vợ của Thomas Anders và được Anders ưu ái tới mức anh luôn đeo chiếc dây chuyền gắn tên Nora khi lên sân khấu. Bohlen cho rằng Nora khiến Anders chểnh mảng chuyên môn và thọc sâu vào nội bộ của nhóm nhạc, và nhất là xâm phạm tới những đặc quyền của “ông bầu” Bohlen. Kết quả là Bohlen dứt áo ra đi và dùng tài năng sản xuất của mình để thành lập nhóm nhạc mới Blue System.

Trong khi đó, Anders chuyển sang ca hát solo và lưu diễn với cái tên Modern Talking tại nhiều quốc gia. Sau một thời gian, Anders chuyển tới Los Angeles với mục đích chuyển hướng sự nghiệp sang… đóng phim truyền hình.

Gần một thập niên kể từ sau khi tan rã, hai thành viên có số phận rất khác nhau: Bohlen vẫn gặt hái những thành công với nhóm Blue System và vai trò ông bầu của nhiều ca sĩ khác, còn Anders vẫn níu kéo hào quang của Modern Talking và lạc lối khi thiếu đi sức sáng tạo của Bohlen. Điểm chung của họ là cả hai đều không thể nào đạt tới đỉnh cao như khi cùng đi hát dưới cái tên Modern Talking.

Thomas Anders của Modern Talking đã tự quay một đoạn video thay lời chào gửi đến khán giả Việt Nam. (Nguồn: BTC)

Vào năm 1994, Anders quyết định chào tạm biệt Los Angeles và trở về sống tại Koblenz (Đức). Ngày trở về, anh đã nhận được một cú điện thoại từ Bohlen với chủ đích dàn hòa, quên đi những cãi vã nổ ra trên mặt báo khi Modern Talking tan rã và ngỏ lời tái hợp.

Bốn năm sau đó, Anders và Bohlen lại một lần nữa đứng trên sân khấu dưới cái tên Modern Talking như năm nào. Dù nhóm có thêm thành viên Eric Singleton hát rap cho… hợp xu hướng mới, nhưng người hâm mộ vẫn chỉ để ý tới bộ đôi huyền thoại nói trên.

Màn tái xuất đầu tiên diễn ra vào tháng 3/1998 trên chương trình “Wetten, dass…?” của Đức và được tiếp nối bởi album “Back for Good”. Album này bao gồm những ca khúc mới kèm theo những bản nhạc cũ được phối lại theo phong cách mới mẻ hơn.

Cộng đồng fan của Modern Talking nhanh chóng hưởng ứng thần tượng và giúp “Back for Good” trụ ở ngôi đầu bảng xếp hạng những album bán chạy nhất trong năm tuần liên tiếp. Album này còn đứng đầu ở 15 quốc gia khác và được tiêu thụ ba triệu bản chỉ tính riêng tại Châu Âu.

Modern Talking cho ra đời thêm năm album khác trước khi một lần nữa tuyên bố tan rã vào năm 2003 ngay trên sân khấu. Lần này, Bohlen chuyển sang làm nhà sản xuất và kiếm tìm tài năng âm nhạc trong khi Anders một lần nữa theo đuổi nghiệp hát solo. Vào năm 2006, ca khúc “Bizarre Bizarre” của Bohlen có một thông điệp ngầm “Sẽ không bao giờ có điểm kết thúc với Modern Talking.”

Đêm nhạc “Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” sẽ diễn ra vào hồi 20 giờ ngày 26 và 27/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi các chương trình “VP Bank Concert” gây được nhiều tiếng vang trong những năm qua, khi lần lượt đưa các huyền thoại âm nhạc như Richard Clayderman, Kenny G tới Việt Nam biểu diễn. Sáng 25/11, Thomas Anders đã đặt chân đến sân bay Nội Bài để chuẩn bị cho đêm diễn. Theo dự kiến, Anders sẽ dành 30 phút trước đêm diễn để gặp mặt người hâm mộ Việt Nam, những người đã đắm mình với âm nhạc của Modern Talking trong suốt tuổi thanh xuân. 

Khi được người hâm mộ khám phá ra và đặt câu hỏi về khả năng của một lần tái hợp nữa, Bohlen đã giải thích: “Khi viết ra thông điệp đó, tôi muốn nói rằng âm nhạc của Modern Talking sẽ sống mãi”.

Bohlen đã không sai, ít nhất cho tới thời điểm này. Theo dự kiến thì chương trình ”Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” mà người bạn Thomas Anders mang tới Việt Nam sẽ chỉ có duy nhất một đêm diễn, song ban tổ chức đã phải tăng thêm một đêm diễn nữa để phục vụ nhu cầu của đông đảo khán giả Việt Nam muốn được một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời./.

Cùng nghe một số ca khúc bất hủ của Modern Talking

Tình thầy trò

Tháng 11, tháng của những heo may, nắng vàng cuối thu rơi rớt, tháng của những se lạnh đầu đông bất chợt, kéo lòng người gần lại.

Tháng 11, tháng của cúc họa mi dịu dàng tinh khôi mong manh thoảng hương thơm ngát, tháng của những rộn ràng màu áo học trò ôm hoa tươi bay bay trong gió, tháng của ánh mắt, nụ cười thầy cô hạnh phúc rạng lên trong nắng.

Tháng 11, tháng của yêu thương, tháng của tình người, của nghĩa thầy trò. Tháng của ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam.

Để rồi, mỗi năm, cứ đến ngày 20/11, lòng mỗi người lại thấy xao xuyến nghĩ về những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, về những 20/11 đã chìm trong quá khứ, về bạn bè, trường lớp, về một thời “nhất quỷ nhì ma,” và đặc biệt là về những người thầy.

20/11 trong tôi là những ngày tiết trời hơi se se cái lạnh đầu Đông, cả lớp mỗi đứa góp vài đồng ít ỏi, vào một nhà trồng hoa ven đường, mua bó thược dược đỏ, vàng rực rỡ, thêm quyển sổ và cây bút đỏ. Cả lũ đạp xe rồng rắn trên đường, đến nhà từng thầy cô để chúc mừng Ngày nhà giáo, vừa đi vừa nô đùa chọc ghẹo. Tiếng cười vang không dứt.

Bên cánh cổng đã rộng mở đón lũ học trò, cô giáo cười tươi mủm mỉm. Trong nhà, hoa quả, bánh kẹo đã sẵn sàng. Khi ấy, không còn những lo toan bài vở, không còn ánh mắt cô nghiêm khắc hàng ngày, chỉ có lời chúc, tiếng cười rộn rã. Quà trò tặng cô thì ít, mà cô mua quà tiếp trò thì nhiều. Nhiều khi, hàng chục cái miệng chỉ mong đến nhà cô để được ăn bánh kẹo. Cô ngồi nhìn đám trẻ “nhất quỷ nhì ma” ăn uống, trêu nhau chí chóe, lòng ngập tràn yêu thương và bao dung dịu dàng. Khoảng cách thầy trò như ngắn lại, gần gũi và thân thương như tình yêu mẹ cha-con cái.

Những vết phấn in hằn trên bảng của người thầy đã đưa biết bao thế hệ học trò trưởng thành. Trong ảnh: Lớp học viết chữ đẹp của thầy Dương Tuấn, số 10 Hàng Mành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nay đã được 16 năm. Cả gia đình thầy đã 3 đời dạy viết chữ đẹp cho các em học sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những vết phấn in hằn trên bảng của người thầy đã đưa biết bao thế hệ học trò trưởng thành. Trong ảnh: Lớp học viết chữ đẹp của thầy Dương Tuấn, số 10 Hàng Mành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nay đã được 16 năm. Cả gia đình thầy đã 3 đời dạy viết chữ đẹp cho các em học sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những hy sinh lặng thầm

Ngày nay, đâu đó, có những thông tin tiêu cực về người thầy. Đâu đó, ngày 20/11 đã bị thương mại hóa như một dịp lễ lạt lấy lòng thầy cô, phụ huynh phải toan tính phong bì.

Nhưng chỉ là thiểu số, vẫn có rất nhiều, rất nhiều những người thầy đang ngày đêm miệt mài với học trò mà không hề tính toan, vụ lợi.

Đó là hình ảnh của cô giáo Y Thách (người dân tộc Bana, giáo viên trường Mầm non Thủy Tiên, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), mỗi ngày cố gắng dậy thật sớm, lụi cụi mang lúc trái bí, khi quả bầu, củ mì… ra chợ bán, đổi lấy trứng, thịt nấu cho học trò những bữa cơm trưa.

Đó là hình ảnh của thầy Nguyễn Hồng Hiệp (giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) với 15 năm cắm bản ở các điểm trường vùng khó. Học trò hầu hết là người dân tộc thiểu số, thầy phải tự học thêm bốn thứ tiếng là Thanh, Thái, H’mông, Khơ mú mới có thể giao tiếp với các em và vận động phụ huynh cho con đến lớp.

Để đến Trường Tiểu học Tri Lễ, nơi công tác hiện tại, từ nhà ở thị trấn Quế Phong, thầy Hiệp phải vượt qua gần 50km. Trước đây, cung đường này chỉ có thể đi xe máy 30km, còn lại 20km, thầy phải cuốc bộ một ngày đường.

Những ánh mắt học trò miền núi thơ ngây đã là sợi dây níu giữ những người thầy, người cô gắn bó hơn với những điểm trường, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)
Những ánh mắt học trò miền núi thơ ngây đã là sợi dây níu giữ những người thầy, người cô gắn bó hơn với những điểm trường, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)

“Bây giờ đã có đường do dân tự đào nên đi lại thuận lợi hơn một chút. Ngày nắng, đi xe máy mất hai tiếng. Nhưng ngày mưa đường sình lên đặc quánh bùn đất, mọi người phải hẹn nhau cùng đi để đẩy xe, khó có thể tính được mất bao lâu và ngã là chuyện thường. Nếu mưa nhiều ngày liền thì không có cách nào khác là đi bộ,” thầy Hiệp chia sẻ.

Thầy Hiệp gọi trường mình là trường nhiều không: Không đường ôtô, không nước, không điện, không sóng điện thoại, không internet, không có phòng học kiên cố, không thiết bị phục vụ học tập… Và không có một giáo viên nữ nào vì các cô không đủ sức để vượt qua những cung đường khắc nghiệt ấy.

Thương đám học trò nghèo thiếu từ cái ăn, cái mặc, thầy lại cặm cụi tìm mọi cách kết nối những tấm lòng từ thiện, gom góp từng manh áo mỏng, từng đôi dép nhựa, từng món đồ chơi, và băng rừng mang đến cho các em.

“Tôi vẫn ám ảnh mãi trước ánh mắt phấn khích của các em khi nhìn thấy một cái chân thú bông nhú ra ngoài bao tải quà từ thiện mà thầy vừa mang lên trường, chưa kịp mở ra. Thú bông là đồ chơi quá bình thường với học sinh miền xuôi nhưng là thứ rất xa xỉ ở đây nên không thể diễn tả được các em hạnh phúc đến thế nào. Nhìn trò mà ứa nước mắt vì thương cảm, xót xa,” thầy Hiệp xúc động kể.

15 năm gắn bó với những điểm trường heo hút, lại là giáo viên giỏi, chỉ cần viết đơn, thầy Hiệp sẽ được chuyển về nơi công tác thuận lợi hơn, nhưng thầy bảo, đã quen gắn với học sinh nơi đây, nên chuyện về… chưa tính.

Lớp học tạm với nền đất và phên gỗ của thầy và trò mầm non điểm trường Thẩm Xét, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)
Lớp học tạm với nền đất và phên gỗ của thầy và trò mầm non điểm trường Thẩm Xét, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)

Cũng hy sinh cả tuổi xuân cho những học sinh nghèo vùng khó, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên trường Tiểu học Lại Sơn (Kiên Giang) đã có 29 năm gắn bó với xã đảo này.

Tốt nghiệp trường sư phạm, cô xung phong ra đảo khi mới 20 tuổi. Cả ngày dạy học sinh trên lớp, buổi tối cô tranh thủ đến nhà các em để kèm cặp thêm và dạy chữ xóa “mù” cho cả phụ huynh. Trên đảo không có điện, chỉ có ánh đèn dầu. Cô cứ đốt đèn hay mượn ánh trăng soi sáng mà đi, vượt qua những cung đường khó khăn, ngoằn nghoèo, đến với từng mái nhà lẩn khuất.

Mùa hè, trong khi nhiều giáo viên tranh thủ để về quê với gia đình thì cô tình nguyện ở lại. Trẻ em Lại Sơn đã có những ngày hè hạnh phúc khi ban ngày được cô Thủy kèm cặp những phần kiến thức còn hổng, buổi tối, cô tổ chức các chương trình sinh hoạt hè cho các em vui chơi.

Ra đảo khi 20 tuổi, giữa thì xuân sắc nhất của người con gái, thấm thoắt đến 20 năm sau, 40 tuổi, cô vẫn một mình đi về với đám học trò.

Cứ như thế, suốt từ sáng đến đêm, ngày nối ngày, tháng tiếp tháng, năm gối năm, cô giáo trẻ ấy cứ mải mê với hết thế hệ học trò này đến lứa học trò khác trên đảo Lại Sơn mà quên mất tuổi xuân của mình đã qua tự lúc nào. Ra đảo khi 20 tuổi, giữa thì xuân sắc nhất của người con gái, thấm thoắt đến 20 năm sau, 40 tuổi, cô vẫn một mình đi về với đám học trò.

Cũng vì thương những học trò xã đảo, thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết, sinh năm 1990, đã không nhớ đã bao lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Được đào tạo về giáo dục tiểu học, nhưng khi ra đảo Song Tử Tây, cả đảo chỉ có hai thầy giáo nên phải kiêm nhiệm cả bậc mầm non, thầy Quyết không khỏi ngỡ ngàng, lóng ngóng khi lần đầu tiên chăm sóc những em nhỏ 3, 4 tuổi.

Ở đảo, cái gì cũng thiếu. Thầy giáo trẻ rưng rưng khi kể về giấc mơ bánh mì của học trò mình: “Em đang mơ sắp được ăn bánh mì thì mẹ bất ngờ gọi dậy.” Chiếc bánh mì rơi ngay trong cả giấc mơ.

Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Cô Thảo đã gắn bó gần 20 năm với các em học sinh khuyết tật bẩm sinh trường Phổ thông cơ sở Hy Vọng, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Cô Thảo đã gắn bó gần 20 năm với các em học sinh khuyết tật bẩm sinh trường Phổ thông cơ sở Hy Vọng, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không chỉ tình nguyện hy sinh vì những học sinh vùng khó, nhiều thầy cô sẵn sàng gắn bó cả cuộc đời mình với những mảnh đời bất hạnh, những học sinh khuyết tật, thiểu năng.

Như cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh, đang là một giáo viên trường điểm, một lần đến thăm người quen dạy học sinh khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì (Phú Thọ), cô đã không thể cầm lòng trước những em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi nơi đây.

Trở về nhà, cô đưa ra quyết định khiến tất cả mọi người bàng hoàng: Chuyển về dạy tại Trung tâm bảo trợ.

“Đang là giáo viên dạy giỏi của trường điểm lại về dạy học sinh khuyết tật, ai cũng bảo thần kinh tôi chắc… có vấn đề,” cô Nguyễn Thị Kim Thanh nhớ lại.

Nghĩ về những ngày đầu chuyển tới Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì năm 2003, cô Thanh vẫn nhớ cảm giác hụt hẫng và chới với khi mọi thứ quá khó khăn.

Lớp học rất đặc biệt với toàn học sinh khiếm thính. Cô nói, trò nhìn nhau ngơ ngác. Trò nói, cô đứng ngây không hiểu. “Giây phút đó, tôi thực sự cảm thấy mình bất lực, nước mắt cứ thế ứa ra,” cô Thanh xúc động kể.

Để hiểu và dạy được những học trò đặc biệt của mình, cô lại phải tự tìm tòi học chữ nổi, học ngôn ngữ cử chỉ.

Giống như cô Thanh, cô giáo Loan cũng chỉ tình cờ đi qua làng trẻ Hữu Nghị (Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhưng đã quyết định làm tình nguyện viên không lương dạy những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở nơi đây. Với các em, chỉ học ăn, học nói đã là cả một thách thức lớn lao, tính bằng tháng, bằng năm. Những nhọc nhằn của các cô vì thế không thể nào kể hết.

Người ta vẫn hay ví thầy cô như người lái đò đưa khách sang sông, hết lớp người này đến lớp người khác. Các thế hệ học sinh lớn lên, ra đi đắp xây tương lai phía trước, người thầy vẫn cặm cụi âm thầm. Trong ảnh: Thầy Nguyễn Quốc Bình, người Hiệu trưởng được hàng ngàn học sinh trường THPT Việt Đức yêu quý vì tính cách hoà đồng gần gũi của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người ta vẫn hay ví thầy cô như người lái đò đưa khách sang sông, hết lớp người này đến lớp người khác. Các thế hệ học sinh lớn lên, ra đi đắp xây tương lai phía trước, người thầy vẫn cặm cụi âm thầm. Trong ảnh: Thầy Nguyễn Quốc Bình, người Hiệu trưởng được hàng ngàn học sinh trường THPT Việt Đức yêu quý vì tính cách hoà đồng gần gũi của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Hạnh phúc dung dị lắm”

Hạnh phúc với các thầy cô chính là sự trưởng thành hơn của mỗi học trò, để thấy những nỗ lực của mình là không uổng phí.

“Ở đây, hạnh phúc dung dị lắm, chỉ đơn giản là khi thấy các em nói tròn vành rõ chữ hơn, hay hôm nay đã đọc được một bài thơ, ngày mai vẫn nhớ được đôi chút điều hôm nay cô dạy,” cô Loan chia sẻ.

Còn với cô Bích Thủy, cô vẫn dõi theo từng bước chân học trò ngay cả khi các em đã ra trường. Để rồi, mỗi khi có cánh chim nào đó trở về chính ngôi trường xưa và trở thành đồng nghiệp thì cô lại xúc động đến nghẹn lời.

Và niềm vui ngày 20/11 với các thầy cô là những món quà đơn giản nhưng chan chứa tình cảm của học trò.

Hạnh phúc với các thầy cô chính là sự trưởng thành hơn của mỗi học trò, để thấy những nỗ lực của mình là không uổng phí.

“Món quà tôi ấn tượng nhất là những bó hoa rừng. Ở đây học sinh rất nghèo, không có tiền, nhưng chỉ một bó hoa rừng bình dị thôi cũng đủ để thầy cô ấm lòng,” cô Thủy xúc động nói.

Còn với thầy Lê Xuân Quyết, niềm vui 20/11 giản dị trong những tấm thiệp tự chế nho nhỏ với những lời chúc ngăn ngắn, nét chữ học trò nghuệch ngoạc: “Em chúc thầy khỏe mạnh để dạy dỗ chúng em” hay “Em chúc thầy luôn vui vẻ”. Chỉ thế thôi mà mỗi lần nhắc đến, ánh mắt thầy lại như thêm lấp lánh.

Món quà của cô Chu Thị Nga, trường Vùng cao Việt Bắc, cũng không kém phần đặc biệt khi có thể chút mật mía được các em giấu trong ngăn bàn cô mà nhiều khi mật chảy ra cô mới biết mình có quà. Cũng có thể là những trái mận chín đỏ mọng đặt trong mũ lưỡi trai còn ướt đẫm mồ hôi vì các em phải cuốc bộ hàng cây số đến trường.

Còn với cô giáo Vàng Thị Ghếnh (giáo viên trường mầm non Mán Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), thì thậm chí, ngay cả những bông hoa trong ngày này cũng là một điều xa xỉ.

“Một số phụ huynh nhớ đến thì mua hoa cho con mang đến tặng, thường chỉ một bông thôi, nhưng cũng đủ để tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi không có bông hoa nào, chỉ cần các em đi học đều, chỉ cần nhìn vào những ánh mắt thơ ngây ấy cũng đủ để người giáo viên như tôi thấy tự hào trong ngày lễ của ngành mình,” cô Ghếnh bùi ngùi nói.

Có lẽ, chỉ tình yêu thương vô hạn với học trò và lòng say nghề sâu sắc mới có thể giúp những người thầy ấy vượt qua được những khó khăn, thiếu thốn, những thách thức lớn lao không chỉ về vật chất mà cả tinh thần.

Để rồi đến khi về hưu, nhiều người trong số họ vẫn đi dạy, vẫn tới trường vì nhớ nghề, nhớ trò, nhớ cả những trang giáo án.

“Một con đò sang ngang, ôi lòng thầy mênh mang, cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao, và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng…”

Fidel Castro

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.

Con người huyền thoại

Trên thế giới, ít người đạt được niềm vinh quang ghi tên mình vào huyền thoại ngay khi đang sống. Fidel Castro là một trong số đó. Ông thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới thứ ba từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh, Nelson Mandela, Che Guevara… Fidel đã trở thành một người anh hùng, một nguồn cổ vũ tinh thần của những dân tộc nghèo đói và bị áp bức trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của vị “Tổng tư lệnh kính yêu” Fidel Castro, nhân dân Cuba đã vượt qua bức tường phong toả hơn 40 năm của Mỹ, đập tan thế “thuyền đơn giữa đại dương tư bản chủ nghĩa”, lập nên những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới.

Lãnh tụ Fidel Castro được chào đón khi tiến vào La Habana ngày 8/1/1959 (Ảnh: cpcml.ca)
Lãnh tụ Fidel Castro được chào đón khi tiến vào La Habana ngày 8/1/1959 (Ảnh: cpcml.ca)

Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926, trong một gia đình giàu có tại thị trấn nhỏ Biran, nhưng chàng thanh niên này lại quyết định đi theo con đường vô sản để tìm lại công bằng cho nhân dân lao động.

Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba kể từ khi ông khởi binh tấn công pháo đài Moncada ngày 26/7/1953 chống lại chính quyền quân sự do Batista đứng đầu. Tuy sau trận đánh này, Fidel và nhiều nghĩa quân bị chính quyền độc tài Batista bắt giữ, đưa ra xét xử, nhưng Fidel đã tự bào chữa cho mình một cách hùng hồn bằng bài biện hộ làm chấn động chính quyền phản động mang tên: “Lịch sử sẽ phán quyết tôi vô tội”.

Trận tiến công trại lính Moncada tuy thất bại nhưng là cuộc đấu tranh vũ trang đầu tiên của cách mạng Cuba và làm Fidel nhận thức một chân lý đúng đắn sau này được chứng minh là: “Kẻ thù sợ nhất nhân dân khi họ cầm vũ khí đấu tranh; đấu tranh vũ trang phải đi đầu”. Có thể nói, trận tiến công trại lính Moncada chính là hạt giống cách mạng Cuba do chính tay Fidel ươm trồng.

Ngày 1/1/1959, tên độc tài Batista cuối cùng đã phải tháo chạy ra nước ngoài, quân khởi nghĩa do Fidel lãnh đạo tiến vào thủ đô, chính quyền lâm thời được thành lập. Sự kiện này đã mở ra một kỉ nguyên mới cho nhân dân Cuba, kỉ nguyên làm chủ vận mệnh của chính mình.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tại thủ đô La Habana ngày 6/2/2006. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tại thủ đô La Habana ngày 6/2/2006. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay sau cách mạng Cuba thành công, các thế lực thù địch đã tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng bóp chết cuộc cách mạng non trẻ. Nhưng không hề nao núng, Fidel đã tích cực triển khai những hoạt động ngoại giao cấp cao, trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia được chú ý nhất trên vũ đài chính trị quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Cuba và phản đối chính sách cấm vận của Mỹ.

Kết quả là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba do Chủ tịch Fidel Castro đứng đầu, hơn 50 năm qua, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, Cuba có hệ thống y tế đứng hàng đầu thế giới. Tỷ lệ người dân Cuba biết đọc, biết viết đạt tới 98%. 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí.

Sau thành công của Đại hội Đảng cộng sản Cuba lần thứ VI (năm 2011), với hơn 300 cải cách được đưa ra, đất nước Cuba đang có những biến chuyển đáng kể. Năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Cuba là 2,7%, năm 2014 là 2,2% và năm 2015 là 4%. Xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế là ngành kinh tế lớn nhất, mang về cho Cuba khoảng 6-8 tỷ USD/năm… Đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ cấm vận phi lý, cuối cùng, chính quyền Mỹ đã phải dỡ bỏ lệnh cấm vận và tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba vào ngày 20/7/2015. Đây là một sự kiện tích cực trong lịch sử quan hệ Mỹ-Cuba.

Với những thành tựu này, hiện thực Cuba là bằng chứng sinh động khẳng định trong thế giới đương đại, hoàn toàn có thể và cần xây dựng một xã hội khác với xã hội tư bản để đem lại hòa bình, độc lập cho các dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Và trong những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới của Cuba này đều ghi dấu ấn đậm nét của vị lãnh tụ tài ba Fidel Castro.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro trả lời phỏng vấn tại thủ đô La Habana ngày 8/8/2010. (Ảnh: THX/TTXVN)
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro trả lời phỏng vấn tại thủ đô La Habana ngày 8/8/2010. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 18/2/2008, sau 49 năm lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã chính thức tuyên bố nghỉ hưu và thôi không giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba.

Trong bức thư gửi nhân dân Cuba đăng trên báo Granma, Chủ tịch Fidel Castro khẳng định, ông muốn mở đường để thế hệ trẻ hơn tiếp tục nắm quyền. “Đây không phải là lời chia tay của tôi gửi đồng bào. Ước nguyện lớn nhất của tôi là làm một người lính trên mặt trận ý tưởng”. Quyết định trên của Chủ tịch Fidel Castro được coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với đội ngũ lãnh đạo Cuba.

Dù không trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vì lý do sức khỏe, song Fidel vẫn được tham khảo ý kiến trong mọi quyết định chiến lược đối với sự sống còn của cách mạng Cuba. Kể từ khi rời khỏi các chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, Fidel Castro vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ông liên tục có những bài viết phản ánh sắc sảo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Tất cả những sự kiện quan trọng ông đều có bài phản ánh, như sự kiện Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, khủng hoảng nợ ở Mỹ và một số nước thành viên EU, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan…

Với những cống hiến trọn đời cho đất nước Cuba, Fidel mãi mãi là một vị lãnh tụ, là linh hồn của cách mạng Cuba. Nhân dân Cuba không bao giờ quên ơn và yêu mến, kính phục ông. Trong lòng nhân dân Cuba, Fidel mãi mãi là lãnh tụ tinh thần, mãi mãi là Tổng Tư lệnh.

Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam

Từ hàng chục năm qua, trong trái tim mỗi người Việt Nam, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn dành cho nhân dân Cuba, cho vị lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục và đồng cảm sâu sắc.

Trong lịch sử, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12/1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9/1963), là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7/1967).

“Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối.” Fidel Castro

Những năm đó, Cuba khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều thiếu thốn, có kẻ ác ý tung tin dân Cuba thiếu đường, thiếu sữa là vì có bao nhiêu Fidel gửi cả cho Việt Nam.

Nhưng trong một cuộc mittinh quần chúng với hàng chục vạn người tham gia tại thủ đô La Habana, Fidel Castro đã nói: “Đáng tiếc là chúng ta – những người Cuba – không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có, không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam.”

Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng”. Năm 1972, đê điều ở miền Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ, Cuba đã lấy ngày 28/8/1972 làm “Ngày đê điều” và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố cáo tội ác đế quốc. Fidel một lần nữa khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối.”

Lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam (Ảnh: vtv.vn)
Lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam (Ảnh: vtv.vn)

Tháng 9/1973, Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, đem đến cho chiến sỹ và nhân dân Việt Nam lời động viên chiến đấu và lời hứa đóng góp thực hiện mong ước của Bác Hồ xây dựng Việt Nam 10 lần to đẹp hơn. Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục màu xanh ôliu đứng trên nóc một lô cốt cũ của địch, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến sĩ ta lúc đó.

“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cũng là câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, câu nói ấy đã làm rung động bao trái tim của nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam, cũng như hàng triệu người có lương tri trên thế giới.

Thủ tướng Fidel Castro thăm Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Fidel Castro thăm Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: TTXVN)

Câu nói đó thực sự phát ra từ trái tim của Fidel và nhân dân Cuba, cùng với sự giúp đỡ hết lòng của Cuba là một nguồn động viên vô cùng to lớn đối với nhân dân Việt Nam giữa lúc bom đạn ác liệt, khó khăn đủ bề vì cuộc chiến tranh kéo dài. Càng quý hơn khi chúng ta biết được lúc đó đất nước Cuba đang chịu sự cấm vận, cũng khó khăn mà vẫn sẵn lòng giúp chúng ta vô điều kiện với một tình cảm anh em ruột thịt. Fidel và nhân dân Cuba đã xem cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam như của chính mình.

Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên này của Fidel đến Việt Nam, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), Đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ Đại học và cao học và vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc…. Sự nhường cơm sẻ áo chí tình này thật nghĩa hiệp và đúng lúc.

“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cũng là câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên.

Tháng 12/1995 và tháng 2/2003, Fidel Castro có chuyến thăm lần thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Trong những chuyến thăm này, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước Việt Nam-Cuba tiếp tục đạt được nhiều mốc son mới.

Qua những chuyến thăm, chủ tịch Fidel luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.

Phát huy những tình cảm quý báu giữa Đảng và nhân dân hai nước, trong hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp những biến động của tình hình chính trị thế giới, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam-Cuba vẫn không ngừng được củng cố, trở thành mẫu mực của tình cảm thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá mà hai Ðảng và nhân dân hai nước luôn giữ gìn, vun đắp./.

Fidel Castro phát biểu trước biển người tại Quảng trường Cách mạng ở La Habana vào tháng 9/1960 (Ảnh: cpcml.ca)
Fidel Castro phát biểu trước biển người tại Quảng trường Cách mạng ở La Habana vào tháng 9/1960 (Ảnh: cpcml.ca)

Việt Nam-Cuba

Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2-12-1960. Kể từ đó đến nay, quan hệ đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam-Cuba không ngừng được củng cố và phát triển.

Mối quan hệ đặc biệt hiếm có

Việc Chính phủ Cộng hòa Cuba và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao đã mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc nằm ở hai nửa Đông – Tây của địa cầu. Sự kiện này diễn ra như một tất yếu lịch sử, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của cách mạng mỗi nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, phán ánh tính hiện thực của chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Cuba trở thành quốc gia châu Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong lịch sử thế giới đương đại, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt như quan hệ hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam – Cuba. Trong suốt nửa thế kỷ qua, hai nước đã luôn kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do.

Ngày nay, hai nước luôn sát cánh bên nhau vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Đây thực sự là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, anh em, trước sau như một, mối quan hệ đã trở thành biểu tượng của thời đại, là tài sản vô giá mà hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba luôn giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.”

Trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em luôn sát cánh và dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, có hiệu quả cả tinh thần và vật chất. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu của những người đồng chí, anh em Cuba thực sự là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho toàn quân, toàn dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước.

Với Cuba, thời kỳ 1990, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đất nước bước vào “thời kỳ đặc biệt trong hòa bình,” giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi cách mạng thành công. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Cuba anh em sự ủng hộ hết lòng, góp phần khiêm tốn cùng bạn vượt qua khó khăn như tổ chức các đợt quyên góp gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh, máy tính và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác.

Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Cuba là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng hành động nhất quán của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em.

Chủ tịch Cuba Raul Castro trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012 duyệt đội danh dự cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Cuba Raul Castro trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012 duyệt đội danh dự cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: AFP)

Hợp tác toàn diện

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cuba hiện đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật… Sự củng cố và phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Cuba là một trong những nhân tố góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước trong những năm qua. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam và quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cuba đã tạo tiền đề, tương tác và bổ sung lẫn nhau trên cả bình diện lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Lãnh đạo cấp cao hai Đảng và Nhà nước thường xuyên thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau.

Sự củng cố và phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Cuba là một trong những nhân tố góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước trong những năm qua.

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tới thủ đô La Habana, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày 15-17/11/2016. Chuyến thăm Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện Việt Nam coi trọng và quyết tâm tiếp tục tăng cường mối quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Hai bên duy trì hoạt động thường niên của cơ chế Ủy ban hợp tác liên Chính phủ, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Bộ Ngoại giao hai nước cũng duy trì thường xuyên cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng.

Năm 2015, Việt Nam và Cuba đã có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Về ngoại giao đa phương, hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc.

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước có nhiều phát triển. Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cuba là 218,2 triệu USD, tăng 4,65% so với năm 2014 (đạt 208,5 triệu USD). Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cuba đạt 214,6 triệu USD, tăng 4,07% và nhập khẩu từ Cuba đạt 3,6 triệu USD, tăng 50%. Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Cuba chủ yếu là gạo, cà phê, sản phẩm hóa chất, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng và nhập khẩu của Cuba sản phẩm sinh học, thuốc chữa bệnh.

Việt Nam và Cuba đã chủ động vừa tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại, vừa bổ sung phát triển kinh tế song phương với nội dung, cơ chế, hình thức mới phù hợp với những cải cách kinh tế ở cả hai nước.

Hai bên cũng quan tâm phát triển hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại Cuba, thúc đẩy khả năng hợp tác giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Công ty Viễn thông Nhà nước Cuba ETECSA… Nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác cũng đã được ký kết, tạo cơ sở sâu rộng và căn cứ pháp lý cho hoạt động hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp trước mắt cũng như lâu dài.

  • 891272resi-1479288990-17.jpg
  • 1945resize-1479289024-82.jpg
  • 1978resize-1479289067-29.jpg
  • 3426resize-1479289085-10.jpg
  • m042269res-1479289248-76.jpg
  • 7937resize-1479289151-20.jpg
  • m038515res-1479289205-15.jpg

Về đầu tư, trong bối cảnh tình hình mới ở Cuba, các doanh nghiệp Việt Nam đang thúc đẩy các dự án đầu tư tại Cuba về xây dựng hạ tầng du lịch, vật liệu xây dựng và sản xuất hàng tiêu dùng. Cuba hiện đứng thứ 75 trong tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Về hợp tác nông nghiệp, dự án hợp tác hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo giai đoạn 2011-2015 đạt kết quả tích cực. Các dự án hỗ trợ Cuba sản xuất tác ngô, đậu tương và nuôi trồng thủy sản đã kết thúc giai đoạn 1 và hiện đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Hai bên tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án nông nghiệp-thủy sản khác trong thời gian tới.

Cuba đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 1.500 cán bộ trình độ đại học và trên đại học trong nhiều ngành nghề khác nhau. Hàng năm, Cuba cấp cho Việt Nam khoảng 20 suất học bổng đại học.

Từ năm 2007, Việt Nam dành cho Cuba 10 suất học bổng mỗi năm để đào tạo sinh viên học tiếng Việt, văn hoá Việt Nam và một số chuyên ngành khác. Hai nước luôn duy trì và tăng cường trao đổi các đoàn chuyên gia học tập kinh nghiệm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, y tế, nuôi trồng thuỷ sản, y dược.

Mối quan hệ hữu nghị, anh em, đoàn kết và hợp tác Việt Nam đã được xây dựng và thử thách trong khói lửa đấu tranh cách mạng, là tài sản vô cùng quý báu cho nhân dân hai nước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Với tài sản vô giá đó, Việt Nam và Cuba sẽ tiếp tục giữ gìn, viết tiếp những trang mới, làm cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác anh em giữa hai nước ngày càng sâu sắc, bền chặt và đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, vào hòa bình, ổn định và phát triển tại mỗi khu vực và trên thế giới./.

Nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Cuba (2/12/1960-2/12/2015), ngày 2/12/2015, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội), Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Trưng bày ảnh với chủ đề “Việt Nam-Cuba, 55 năm Đoàn kết và Hợp tác” với 55 bức ảnh là những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước hơn nửa thế kỷ qua. Trong ảnh: Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, đồng chí Đại sứ Cu Ba, Herminio Lopez Diaz và cán bộ nhân viên Đại sứ quán xem khu trưng bày ảnh. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Cuba (2/12/1960-2/12/2015), ngày 2/12/2015, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 Lý Thường Kiệt – Hà Nội), Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Trưng bày ảnh với chủ đề “Việt Nam-Cuba, 55 năm Đoàn kết và Hợp tác” với 55 bức ảnh là những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước hơn nửa thế kỷ qua. Trong ảnh: Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, đồng chí Đại sứ Cu Ba, Herminio Lopez Diaz và cán bộ nhân viên Đại sứ quán xem khu trưng bày ảnh. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Phố đi bộ

Cứ mỗi cuối tuần, Hà Nội lại đông vui hơn với những dòng người nườm nượp đổ về các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Từ sáng đến tối, phố xá đông đúc bỗng mang dáng vẻ khang khác, dòng xe cộ tấp nập đã nhường lại không gian cho những bước chân, cho những hoạt động văn hóa, nghệ thuật. 16 tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã và đang được triển khai bước đầu khiến người dân Thủ đô phấn khởi.

Tại đây, người dân được chìm đắm trong không gian văn hóa nghệ thuật giao hoa giữa truyền thống và đương đại. Những trò chơi dân gian mang đậm hồn dân tộc, triển lãm ảnh, viết thư pháp, vẽ tranh ký họa, nặn tò he, giới thiệu sách phục vụ du khách tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, khu vực đối diện đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm,… Các hoạt động này chủ yếu diễn ra ban đêm tạo thành một điểm nhấn về văn hoá, được du khách nhiệt tình hưởng ứng.

Người đi bộ có những sự lựa chọn khá phong phú để khám phá, người trẻ có thể hòa vào các trò chơi dân gian ngay trên lòng phố, thưởng thức các trò xiếc, ảo thuật, người hoài cổ có thể thưởng thức nghệ thuật truyền thống, người yêu văn hoá đọc có thể dạo quanh phố sách Nguyễn Xí-Đinh Lễ.

Không chỉ là không gian nghệ thuật đa sắc màu, phố đi bộ mới này còn có tác động tích cực đến cuộc sống người dân. “Văn hóa đi bộ” đã từng bước được hình thành trên những tuyến phố.

Video 360 độ do VietnamPlus thực hiện. Quý khán giả hãy dùng con chuột để điều khiển trên máy tính (hiện tại chưa hỗ trợ xem trên thiết bị di động)

Chỉ mấy đêm dạo quanh phố đi bộ thôi, nhiều người sẽ cảm nhận được mình cởi mở hơn, hoà đồng hơn. Có những trò chơi cần sự tập thể như “ô ăn quan”, “nhảy dây” hay “nhảy lò cò” đã kéo người dân và du khách hồn nhiên bày cho nhau chơi, ngay giữa lòng đường. Các nhóm du ca đường phố lại khéo léo kéo người xem thành những ca sỹ “bất đắc dĩ” giữa con đường tấp nập và cùng hát cho nhau nghe.

Địa điểm thú vị này thực sự trở thành một địa điểm kết nối nhiều người ở nhiều độ tuổi, nhiều vùng miền cùng nhau tới đây thư giãn sau một tuần làm việc dài. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều nhiệt tình tham gia vào tất cả các trò chơi như đã quen nhau từ lâu.

Không phân biệt tuổi tác, từ người lớn tới trẻ nhỏ ai cũng tìm thấy một niềm vui riêng cho mình, nhiều người chia sẻ rằng họ như được trở lại tuổi thơ khi tham gia những trò chơi này, còn các em nhỏ thật sự đã có một buổi tối thật đáng nhớ.

Phố đi bộ không phải là điều gì mới mẻ ở những thành phố du lịch bởi người ta nhận rõ nhiều lợi ích từ mô hình này. Chính vì vậy, phố đi bộ hồ Gươm có giá trị đặc biệt từ vị trí, cho đến bề dày lịch sử, văn hóa nên việc tạo dựng không gian văn hóa nghệ thuật tại đây đang và sẽ là một cú hích lớn cho ngành du lịch Thủ đô./.

(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)
(Ảnh: Lê Minh Sơn)

Đêm Hè diệu kỳ của PPAN và “đồng bọn”

1. “Vẫn ngồi đây không muốn xa rời… Những đêm hè đã qua, đã qua rồi…”

“Đêm hè sau cuối” – vở nhạc kịch khai màn dự án “HOPE” (Mộng ước) gồm 35 đêm tại L’Espace (Hà Nội) đã kết thúc được hai tuần lễ. Công diễn tổng cộng 13 đêm thay vì 6 đêm như dự định bởi lý do sốt… vé, đó không còn là câu chuyện mở thêm bao nhiêu đêm, bán ra bao nhiêu vé, thu hút bao nhiêu khán giả, mà quan trọng hơn là “Đêm Hè sau cuối” đã phô bày được cộng đồng gồm Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) và “đồng bọn” – những người trẻ không chuyên làm nghệ thuật nhưng lại đang trở thành “hiện tượng” hiếm thấy, khó tìm, đánh động và khích tướng đời sống kịch nghệ cựa quậy và hồi sinh.

Nói thêm về PPAN và “đồng bọn”: PPAN sinh năm 1991, đã tốt nghiệp chuyên ngành Sân khấu-Điện ảnh, Đại học Hampshire (Massachusetts, Mỹ). PPAN đảm đương cả ba vai trò là biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất của dự án “HOPE.”

“Đồng bọn” của PPAN là gần 100 bạn trẻ. Thành phần chủ chốt gồm 35 diễn viên, 17 nhạc công, 15 thành viên tổ kiến tạo. Điểm chung về “đồng bọn” của PPAN thì tất cả đều là những người nghiệp dư, có chút năng khiếu và đam mê theo đuổi nghệ thuật.

Nhưng “Đêm Hè sau cuối” lại trở thành minh chứng tiêu biểu và gây xúc động về tính tập thể. Điều mà chính những người trong nghề như nhạc sỹ Thanh Phương cũng đồng cảm và ghi nhận, đến nỗi bần thần thốt lên sau khi xem xong, là “cực khó trong làm nghệ thuật ở Việt Nam.”

(Ảnh: Dương Mai Việt Anh)
(Ảnh: Dương Mai Việt Anh)

Nhờ tính tập thể và cường lực tập luyện mà PPAN và “đồng bọn” đã làm được điều đáng kinh ngạc là biến cái không chuyên nghiệp (con người) thành chuyên nghiệp (tác phẩm và bộ máy). Đây thực sự là điều-không-tưởng trong nghệ thuật và làm sân khấu, vì đa phần nhà hát chuyên nghiệp hiện vẫn hoạt động rất èo uột và phập phù trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, trong buổi họp báo ra mắt dự án, chính PPAN cũng phải thừa nhận rằng mình chưa từng làm việc với diễn viên chuyên nghiệp, nên sẽ không có bất cứ ngôi sao nào trong ba vở nhạc kịch của HOPE. Trong điều kiện Việt Nam chưa có một môi trường đào tạo về nhạc kịch thì “Đêm hè sau cuối” cũng không có một nhân tố nào hội tụ đủ ba tiêu chuẩn hát, vũ đạo, diễn xuất.

“Đêm hè sau cuối” như “xứ sở diệu kỳ” mà ở đó PPAN là cậu bé thủ lĩnh, với khả năng truyền cảm hứng, cảm hóa và “đồng bọn” chính là là rừng xanh của cậu.

PPAN tỏ ra không chỉ là một người “nhạc trưởng” tài ba và có nghề trong việc vận hành bộ máy, sử dụng nguồn lực vô cùng đắt giá mà còn là “bếp trưởng” nhen nhóm, kích hoạt nguồn cảm hứng, lửa đam mê cho “đồng bọn.”

Chẳng thế mà sau nhiều tháng ròng rã miệt mài trong phòng tập, PPAN cùng “đồng bọn” lại “cày tã nát nhau” trên sân khấu, trước và sau mỗi đêm công diễn. 13 đêm trong suốt hai tuần liên tiếp, nhưng chiều nào cũng vậy cứ vào lúc 3 giờ chiều PPAN và “đồng bọn” lại có mặt tại sân khấu L’Espace để chạy âm thanh, ráp sân khấu, diễn viên tổng duyệt lại kịch bản.

Khi chiếc rèm nhung khép lại, chẳng kể hay dở, khán giả vỗ tay nhiều hay ít, thay vì về nghỉ thì PPAN và “đồng bọn” đóng cửa họp kín với nhau. Nhưng trông vào bộ dạng hớt ha hớt hải của các diễn viên thì cũng nắm được cơ bản về tinh thần. Nói là họp nhưng về bản chất thì ly kỳ và căng thẳng chẳng khác mục “tòa tuyên án” là mấy. Nhiều buổi “tòa tuyên án” được diễn ra chóng vánh, nhưng không ít đêm đồng hồ đã điểm sang ngày mới; hôm rầm rì, ríu ran tiếng cười; hôm đặc bầu im lặng, thi thoảng văng vẳng những tràng quát tháo…

Lạ là, với “đồng bọn” của PPAN đó vừa là “nỗi khiếp sợ” vừa là phút mong chờ nhất sau một đêm diễn. Chẳng biết người khác định nghĩa thế nào về sự chuyên nghiệp, riêng người viết bài thì xin ngả mũ trước quy trình bài bản và sự kỷ luật của những người trẻ không chuyên này.

Nhưng cũng nhờ kỷ luật mà “Đêm Hè sau cuối” dần trở thành “lò-luyện-tuổi-trẻ” giúp các diễn viên phát huy, hoàn thiện các tố chất “hát-diễn-múa” và “mặn” dần lên, duy trì được phong độ để “lên đồng” trên sân khấu mỗi đêm như những “artistar” thứ thiệt.

Chẳng thế mà, dư âm của sân khấu “Đêm Hè sau cuối” thì không chỉ bởi những diễn viên chính như mợ Vân, bà Tị mà tuyến diễn viên phụ như cu Bin, đám hầu gái cũng được nhắc nhớ với những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Những dòng cảm nhận “tôi yêu Vân,” “tôi thích Đào,” “tôi yêu Thiện,” “tôi yêu Tị”… mà những khán giả lưu lại trên hai tấm ảnh được đặt ở tiền sảnh sân khấu đã phần nào chứng minh cho hiệu ứng tập thể “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hiếm thấy khó tìm đó.

Thật khó mà tưởng tượng nổi, nhiều trong số “đồng bọn” đang là sinh viên các trường chẳng có tí liên quan gì đến nghệ thuật. Và cũng không ít trong số đó buổi ngày vẫn đi làm đủ thứ nghề mưu sinh, tối đến lại hăm hở và nhiệt thành đổ về sân khấu L’Espace chỉ để được “sống” thành những “mợ Vân,” “chú Thiện” trong những “Đêm Hè” ít ỏi quý giá.

Càng những đêm hè dần về sau cuối, người viết có cảm nhận PPAN cứ xa dần giới hạn đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất. Thay vào đó “Đêm hè sau cuối” như “xứ sở diệu kỳ” mà ở đó PPAN là cậu bé thủ lĩnh, với khả năng truyền cảm hứng, cảm hóa và “đồng bọn” chính là là rừng xanh của cậu.

(Ảnh: Dương Mai Việt Anh)
(Ảnh: Dương Mai Việt Anh)

2. Nhạc kịch “kiểu Phi Anh”

Viết tên mình trên con đường nghệ thuật, chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng. Nhạc kịch và sân khấu có thể chỉ là dấu chân trên ga khởi hành của PPAN nhưng cũng có thể là con đường nghệ thuật, chẳng ai đoán định được tương lai.

Ngay thời điểm họp báo công bố dự án HOPE với chuỗi 35 đêm hướng đến 10.000 khán giả, người viết đã cảm nhận cái mộng ước ấy khủng khiếp và điên rồ như thế nào trên vai chàng đạo diễn 9x này. Nhưng sau 13 đêm, lại thấy mộng ước đó không còn xa vời, mà dần hiển hiện bởi nguồn năng lượng tập thể.

Thành công không đến từ may mắn, “Đêm Hè sau cuối” – vở nhạc kịch “hồn Tây xác Việt” từ phong cách đến công thức không giống bất cứ ai đã làn trước đó thiết nghĩ xứng đáng được cộp mác “nhạc kịch kiểu Phi Anh.”

Vì sao? Ở cương vị là đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất, việc mở cánh cửa của nhạc kịch (musical) và tiếp cận đại chúng khán giả rất nhiều cái tên thích hợp hơn PPAN. So sánh với các cây đa cây đề trong làng sân khấu Việt, PPAN đều thua kém về thâm niên tuổi nghề và tay nghề.

PPAN đảm đương cả ba vai trò là biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất của dự án (Ảnh: Đô Tăng)
PPAN đảm đương cả ba vai trò là biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất của dự án (Ảnh: Đô Tăng)

Nhạc kịch đậm “hồn Tây xác Việt” này dễ thấy nhất ở đề tài bi kịch gia đình, tình tiền nhưng theo phong cách trinh thám. Yếu tố thứ hai thể hiện nằm ở âm nhạc khi PPAN sử dụng hoàn toàn nhạc nước ngoài rồi soạn lời Việt. Yếu tố thứ ba là sự phá cách về sân khấu.

Về sân khấu, có thể nói “Đêm hè sau cuối” đã đạt đến cấp độ cao về thiết kế sân khấu ở Việt Nam với tư duy bục bệ đa năng. Để có sân khấu thông minh và gây ấn tượng mạnh tới thị giác này, xin dành lời khen cho đội kiến tạo cần mẫn và âm thầm. Mỗi người một nghề nhưng cùng chung đam mê làm sân khấu, đội kiến tạo của “Đêm Hè sau cuối” như những người kiến trúc sư thực thụ xây dựng nên không gian sân khấu độc đáo và “khó nhằn.” Vì lịch công diễn gián đoạn, trong suốt 13 đêm diễn, đội kiến tạo phải năm lần bảy lượt hết tháo ra lại lắp vào.

Chính vì thế, nỗ lực của PPAN vận hành cỗ máy có tên Mộng ước với “đồng bọn” thật khó gọi thành tên. Có lần PPAN chia sẻ trên trang cá nhân rằng, hạnh phúc âm thầm mà cậu trải qua cùng với những “đồng bọn” của mình sẽ không ai có thể hiểu được. PPAN đã đi con đường cậu muốn. Con đường mà cậu tin. Nhờ sự hăng say trong lao động, sự cởi mở trong tư duy và khả năng sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu, PPAN luôn thực hiện các dự án một cách chỉn chu với kinh phí và thời hạn “không tưởng.” PPAN không ngừng tự “đào bới” những người trẻ quanh mình, nhìn sâu mãi vào chính họ, khai thác, tận dụng họ một cách triệt để. Đi qua những “góc phố” nhưng “đêm hè,” PPAN là người thấu hiểu “đồng bọn” sâu sắc nhất.

Buổi đầu chẳng ai muốn tin cùng PPAN. Cậu vừa mong manh, vừa ngoan cố bởi những áp lực và rủi ro đến nghẹt thở. Điều kết nối PPAN với “đồng bọn” hẳn là sợi dây vô hình của bản năng, sự mách bảo và ước vọng tuổi trẻ. Thực tế, dù bạn có giỏi về kỹ năng bao nhiêu, khôn ngoan bao nhiêu, mà trái tim, tâm hồn bạn không thuộc về nghệ thuật, không mang theo cái kỳ bí lôi cuốn của nghệ thuật, thì sẽ không thể có phép màu khiến từng ấy con người trẻ tuổi “lăn lê bò toài” suốt bốn năm qua từ “góc phố” đến những “đêm hè.”

Phải đến hơn một lần đêm hè mới thấy hết nỗ lực ở tập thể này. Chỉ có những người trẻ tràn đầy tình yêu và hi vọng vào nghệ thuật mới đam mê không giới hạn, và chân thật đến thế. Họ đến với “Đêm hè” không phải để hát, để múa, cũng không để diễn. Họ đi theo PPAN để nghĩ cho nhau, yêu thương nhau, để mang đến những điều tử tế cho nhau, để nhớ lúc mình được nói, thì rất nhiều người khác im lặng, nhớ có những lúc phải đứng lại để người bên cạnh được tỏa sáng, nhớ rất nhiều người nhạt để mình mặn trong một phút… để nhớ là một tập thể, để là-người-có-liêm-sỉ không ích kỷ, háo danh, vô trách nhiệm.

PPAN luôn bị ám ảnh bị người khác thấy sự gớm ghiếc về mình và đứa con nghệ thuật. Với ai và ở đâu, trong nghệ thuật hay cuộc sống, chuẩn mực của PPAN là hướng đến sự chân thật tuyệt đối. Là người rụt rè và và kiệm lời, PPAN có một trí tuệ nổi bật, tính ngay thẳng và óc hài hước. Trong con mắt của người viết bài, PPAN điển trai một cách trẻ thơ, bất chấp vẻ ngoài khắc khổ.

Giống như giấc mơ, “Đêm Hè sau cuối” của PPAN chứa những chi tiết hiện thực cùng với sự phi lý. Thông điệp hư cấu về người ngoài hình tinh mang ý nghĩa về một cuộc sống không giới hạn, cũng tượng trưng cho hình ảnh xã hội hiện đại hoang tàn hay sự cô độc, tha hóa về văn hóa, ý thức già cỗi, xuống cấp của con người hiện đại.

  • xkhangiaxe-1478498540-67.jpg
  • nsndlekhan-1478498671-84.jpg
  • hoasyleth-1478498691-82.jpg
  • daodienngu-1478498708-73.jpg
  • nhathonguy-1478498724-46.jpg
  • tiensynguy-1478498741-47.jpg

Tất nhiên, “Đêm Hè sau cuối” chưa phải là vở nhạc kịch hoàn hảo. Với một bộ phận công chúng khắt khe là những người thuộc giới nghệ thuật và làm sân khấu nếu chưa bằng lòng với “Đêm Hè sau cuối” ở yếu tố âm nhạc hay tính nghiệp dư thì hãy để âm thanh chơi live, sân khấu, kịch bản, thoại, diễn xuất của diễn viên thuyết phục họ.

Như PPAN có đôi lần nhắn nhủ, cậu và “đồng bọn” của mình luôn khuyến khích những khán giả đến với “Đêm Hè” đừng nhiều quá sự kỳ vọng. Cũng đừng nghĩ phải tìm thấy một tư tưởng hay triết lý trong tác phẩm này. Chỉ cần các vị cười vui vẻ trong khi xem là đủ rồi. Nghệ thuật không có gì để hiểu ngoài những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận. Nếu bạn bước ra khỏi nhà hát sau khi cười thoải mái, bạn có thể tự do theo đuổi những ý nghĩ về cuộc sống của riêng mình.

Nếu bạn bước ra khỏi nhà hát sau khi cười thoải mái, bạn có thể tự do theo đuổi những ý nghĩ về cuộc sống của riêng mình.

Tôi cũng đã đến với “Đêm Hè sau cuối” hơn một lần, không nhiều kỳ vọng nhưng lần nào xem cũng được thư giãn vì cười thật nhiều. Nếu hỏi tôi thích chi tiết nào nhất của “Đêm Hè sau cuối” thì đó là hai cô hầu gái. Nếu hỏi tôi ám ảnh bởi điều gì nhất, hẳn nhiên đó là bà Thìn, lúc hiện hồn về trong giấc mơ của Thiện và thoại về những hình phạt dưới âm ti.

Rằng, “kẻ nói dối thì bị kéo lưỡi. Kẻ sát nhân bị ném vào rừng đầy gươm giáo. Kẻ bất hiếu thì bị ném vào vòng lửa. Kẻ tham lam phải ăn ba cục sắt nung đỏ. Kẻ ích kỷ thì suốt kiếp bị nhốt vào hầm tối. Kẻ tàn nhẫn bị sống chung với rắn rết… sắp đến lượt bác rồi, không biết có bị Diêm Vương cho ăn cái gì không… hu… hu… hu…”

Đoạn thoại đã khiến tôi nghĩ đến những giờ phút đã sống. Có lẽ nó mang nhiều ý nghĩa về niềm hy vọng mà chúng ta vẫn khao khát hướng tới, hoặc đang tìm kiếm mục đích của cuộc sống.

Suy cho cùng, thành công và sức hấp dẫn của tác phẩm nghệ thuật là đem lại những sắc thái cảm nhận và trí tưởng tượng ở mỗi người khác nhau. Và “Đêm Hè sau cuối” thì làm được điều này./.

Toàn bộ êkíp “Đêm Hè sau cuối” (Ảnh: Thanh Trần)
Toàn bộ êkíp “Đêm Hè sau cuối” (Ảnh: Thanh Trần)

Khoảnh khắc nghệ thuật của cuộc sống

Không dừng lại ở việc đưa ra những xu hướng thời trang tóc, Davines còn là người bạn đồng hành với nghệ thuật trong sứ mệnh mang các tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và quảng bá những nghệ sỹ thực sự tài năng. Davines Art Series đã ra đời với tinh thần ấy từ năm 2012 để đến thời điểm hiện tại, chuỗi hoạt động nghệ thuật DAS được công nhận như một món ăn tinh thần bổ sung vào đời sống văn hóa nghệ thuật của công chúng.

Điểm đặc biệt của Davines Art Series nằm ở chính không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật: không phải nhà triển lãm, không phải viện bảo tàng. Phá bỏ rào cản bác học của những không gian thưởng lãm nghệ thuật thông thường, Davines chọn địa điểm là những nơi mà ai cũng có thể đến, để có cơ hội thưởng thức nghệ thuật một cách tự nhiên nhất. Có thể, họ sẽ có cách tiếp cận khác với những người trong giới chuyên môn. Nhưng vốn dĩ, cái đẹp và nghệ thuật là đa chiều. Và theo cách này, nghệ thuật uyên bác đã tiến gần hơn, thở cùng một nhịp với đời sống hàng ngày của đại đa số công chúng.

Davines Art Series số 5 trở lại với những người yêu nghệ thuật cùng những mảng màu cuộc sống thật khác biệt đến từ những nghệ sỹ đời thường: Trần Vũ Hải, Phạm Trần Quân và Nguyễn Vũ Xuân Lan, Trần Quốc Khánh và Nguyễn Thị Phương Thảo. Mỗi nghệ sỹ mang đến cho Davines Art Series số 5 một loại hình nghệ thuật đặc trưng, không thể nhầm lẫn.

Trong lần trở lại này với chủ đề “Nghệ thuật là gì nếu không phải là một trạng thái của cuộc sống” đồng thời khai thác câu chuyện nghệ thuật của 5 nghệ sỹ đời thường, Davines Art Series mong muốn công chúng cảm nhận được nghệ thuật đang ở gần hơn bao giờ hết để rồi hiểu rằng, nghệ thuật hiển hiện xung quanh mỗi chúng ta và ai cũng có thể trở thành nghệ sỹ. Cùng khám phá 5 mảng màu cuộc sống trong bức tranh nghệ thuật mà Davines Art Series số 5 mang đến cho công chúng.

Giám tuyển: Hoạ sĩ Lê Thiết CươngĐạo diễn: Nguyễn Phi Phi Anh

X.LAN

Người đưa chuyện đời bằng truyện tranh

Họa sĩ trẻ Nguyễn Vũ Xuân Lan, hay được nhắc đến với cái tên X.Lan, sẽ mang đến cho khán giả một góc nhìn về truyện tranh hoàn toàn khác biệt, đó là truyện tranh gắn với đời thường, các nhân vật dường như được bước ra từ cuộc sống xã hội, hoàn toàn tự nhiên và chân thực.

Tranh của X.Lan chẳng trừu tượng. Nội dung những bức tranh của cô hết sức đời thường, xoay quanh mối quan hệ của cô với người thân, đôi khi chỉ là những mẩu hội thoại đơn giản và được thể thiện qua nét vẽ đáng yêu, dễ xem và dễ cảm. Tranh của X.Lan lôi cuốn bởi đó là những trải nghiệm, tâm sự của chính bản thân cô với mọi điều cô thấy quanh cuộc sống này. Từ đó, người xem như thấy được phần nào câu chuyện của mình trong đó, thấy được một cuộc sống vô cùng chân thực và vui tươi qua những nét vẽ đơn giản, mộc mạc.

Nói đến nghệ thuật, Xuân Lan không coi nghệ thuật là thứ vĩ đại hay xa vời mà chính nằm trong cách con người thực hiện mọi thứ trong cuộc sống. Cô tâm niệm, chỉ cần làm mọi thứ thật chỉn chu với thái độ trân trọng nhất thì ai cũng có thể trở thành một người nghệ sỹ!

X.Lan hiện lên qua tranh là một cô gái trẻ dễ thương, năng động, đam mê nghệ thuật. Ít ai biết rằng công việc chính của cô từng là giảng viên tiếng Anh tại một trường Đại học. Song song với việc tiếp tục kể chuyện đời mình qua tranh vẽ, mục tiêu của Lan là bảo vệ thành công luận án thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ.

  • xl2-1478080156-27.jpg
  • xl3-1478080165-57.jpg
  • xl5-1478080184-46.jpg
  • xl4-1478080175-58.jpg
  • xl6-1478080193-33.jpg
  • xl1-1478080151-78.jpg

Cô họa sỹ trẻ hài hước này nhìn cuộc sống thật giản dị khi bộc bạch “Mình vẽ là vì mình thấy vui khi vẽ, nếu cố gắng vẽ để kiếm tiền thì có thể áp lực từ việc kiếm tiền hay yêu cầu của khách hàng sẽ khiến cho mình bị căng thẳng và mất đi niềm vui ấy”. Nghệ thuật với X.Lan đơn giản chỉ là niềm vui khi được khắc họa bức tranh của cuộc sống qua những nét vẽ dễ thương mà nghịch ngợm ấy.

Những bức vẽ biết nói hết sức đời thường của Lan không chỉ được các bạn trẻ trong nước biết đến mà còn vươn ra ngoài thế giới. Bắt đầu từ việc tham gia cộng đồng nghệ thuật Hitrecord, khởi xướng bởi diễn viên nổi tiếng Joseph Gordon Levitt, cũng là thần tượng của Lan, cô đăng một số tác phẩm mình vẽ lên đó. Bất ngờ đến với Lan khi cô được chính thần tượng của mình chia sẻ lại những tác phẩm đó lên Facebook với hàng triệu lượt người theo dõi của anh, Lan cảm thấy như mình đang mơ vậy.

Khi những tranh vẽ của cô bắt đầu được biết đến, X.Lan đã có một trang riêng bên cạnh Facebook cá nhân của mình, chuyên để đăng những tác phẩm cô vẽ. Mỗi tranh vẽ của cô được đăng tải nhận được rất nhiều phản hồi của người xem, người khen Lan vẽ đẹp quá, người lại chia sẻ mình cũng đã gặp tình huống y hệt như tranh. Với X.Lan, mỗi fan hâm mộ, mỗi follower đều rất có ý nghĩa với cô, vượt qua ranh giới của mạng xã hội, họ hiểu và chia sẻ với từng câu chuyện của cuộc đời cô.

Hãy cùng khám phá những mảng màu cuộc sống mà X.Lan mang đến qua video dưới đây

HẢI TRÒN

Người gửi tâm hồn trẻ thơ vào đồng nát

Nếu ai đó đưa cho bạn một chiếc ghế cũ, một chiếc lốp xe thủng hay một bình rượu thủy tinh bám đầy bụi, bạn sẽ làm gì với chúng? Ấy thế mà những món đồ tưởng chừng như không còn sử dụng được nữa lại được Hải Tròn – phù thủy tái chế đồ cũ – nhận ra được vẻ đẹp và khiến cho chúng được sinh ra một lần nữa tại Đồng Nát Décor.

Nghệ thuật đối với Hải Tròn là những món đồ phủ đầy bụi, là khi cảm nhận nét thời gian không gì xoá nhoà được từ chúng, là lúc được thoả sức sáng tạo để biến chúng trở nên đẹp đẽ hơn. Hải Tròn làm nghệ thuật nhưng không coi mình là nghệ sỹ, anh chỉ cho mình là một người bình thường thích mày mò sáng tạo từ những thứ cũ kỹ của cuộc sống. Có lẽ chính vì vậy mà những món đồ qua bàn tay anh mang những vẻ đẹp rất khác nhau, rất “đời”, gợi lên trong lòng chúng ta chút hoài niệm của những ngày xưa cũ.

“Đối với tôi, bản thân những món đồ cũ chứa đựng tình cảm mà người chủ cũ gửi gắm trong đó…” – lời chia sẻ rất “đời” từ Hải Tròn – phù thủy đồ tái chế. Từ thời sinh viên Hải Tròn đã bị mê hoặc bởi thế giới nội thất tái chế: những chai rượu cũ được biến hóa thành đèn trần đầy tinh tế hay khung máy may quần áo thành giá đỡ trưng bày đồ trang sức… Chúng ta thường có cảm tình với những đồ vật đã dùng lâu năm, Hải Tròn hiểu điều đó, anh thổi hồn vào những món đồ bình thường ấy bằng màu sắc, bằng những nét cá tính riêng biệt để chúng trở thành những tác phẩm độc nhất.

  • tvh1-1478080484-2.jpg
  • tvh2-1478080513-23.jpg
  • tvh3-1478080526-55.jpg
  • tvh4-1478080533-57.jpg
  • tvh5-1478080540-19.jpg

Những món đồ hoài cổ hay được chế tác lại theo phong cách của thời bao cấp dường như là một dấu ấn của Hải Tròn. Ít ai biết niềm yêu thích ấy xuất phát từ tuổi thơ của anh. Với người cha trong ngành hậu cần quân đội, từ nhỏ Hải Tròn đã thường xuyên được tiếp xúc với những món đồ chơi làm từ đồ dùng hậu cần bỏ đi như vỏ súng, vỏ xe, … Niềm yêu thích với những đồ vật ấy, kết hợp với kiến thức nền tảng từ trường Đai học, giúp Hải Tròn tạo ra được những không gian hoài cổ đẹp, tỉ mỉ đến từng cái cốc cái chai.

Dù tạo ra những sản phẩm “độc” như vậy nhưng Hải Tròn không nhận mình là một người nghệ sỹ, cũng không gọi công việc mình làm là làm nghệ thuật, chỉ đơn thuần là người làm ra những tác phẩm được nhiều người yêu thích. Với tác phong chuyên nghiệp, Hải Tròn đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu. Anh tâm sự rằng, cũng vì điều này mà nhiều người cho rằng anh rất khó tính.

Hải Tròn làm nghệ thuật thầm lặng, nhưng chỉ cần nhìn vào những sản phẩm của anh, người ta nhận ra ngay “chất” của Hải Tròn trong đó, rất cá tính mà không hề bị trộn lẫn. Nghệ thuật là thế, chẳng cầu kỳ, chẳng phô trương nhưng làm người ta nhớ lâu, làm người ta dễ cảm được cái đẹp từ những thứ bình dị nhất.

Hải Tròn chia sẻ như thế nào về việc sáng tác nghệ thuật qua những món đồ cũ? Hãy cùng lắng nghe lời tâm sự từ anh – Người đưa tâm hồn trẻ thơ vào đồng nát.

PHẠM TRẦN QUÂN

Người dụng võ trong tranh vẽ

Niềm đam mê nghệ thuật nảy nở trong Phạm Trần Quân từ thuở thiếu thời. Nếu ai đã có dịp ghé qua triển lãm đầu tay vào năm 2005 của họa sỹ trẻ Phạm Trần Quân khi đó tại Gallery 39, chắc hẳn chưa thể quên nỗi bâng khuâng, trầm mặc của một tâm hồn nghệ sỹ được khắc họa qua những mảng màu. Mỗi bức tranh đều chú tâm miêu tả những ngón tay. Đâu đó trên những bức họa là những dấu hỏi về thân phận, về cõi nhân sinh, về hạnh phúc và bất hạnh, về nghệ thuật.

Mỗi bức tranh của Phạm Trần Quân là những cuộc dạo chơi của những hình khối màu sắc, cần người xem chậm lại hồi lâu, chiêm ngưỡng và cảm nhận bằng cả trái tim mình.

Là một nghệ sỹ, cảm hứng đối với Phạm Trần Quân rất quan trọng và anh tìm thấy điều này từ ngay trong chính những người yêu tranh, hâm mộ tranh của mình. Những cái nhìn mới lạ, những cảm xúc, phản ứng, biểu cảm khác nhau của người xem tranh chính là nguồn độc lực vô giá giúp anh kiên trì theo đuổi con đường nghệ thuật.

Xem tranh của Phạm Trần Quân, người ta sẽ lạc vào thế giới của những băn khoăn từ chính tác giả với những câu hỏi trăn trở về cuộc sống và con đường nghệ thuật. Mỗi bức tranh của Phạm Trần Quân là những cuộc dạo chơi của những hình khối màu sắc, cần người xem chậm lại hồi lâu, chiêm ngưỡng và cảm nhận bằng cả trái tim mình.

  • ptq1-1478080930-1.jpg
  • ptq2-1478080935-2.jpg
  • ptq4-1478080944-37.jpg
  • ptq5-1478080951-20.jpg
  • ptq6-1478080958-14.jpg

Trước khi trở thành họa sỹ như công chúng biết tới ngày nay, Phạm Trần Quân đã từng có ý định buông xuôi với nghệ thuật để theo đuổi đam mê với võ thuật. 20 năm tập võ, võ thuật gắn bó với anh và khai sáng cho anh những triết lý của cuộc sống. Anh nhận ra võ không phải chỉ là xuống tấn hay tung cước, võ là một cách thể hiện bản lĩnh, cái tôi của mình. Thái độ của người tập võ thuât cũng phản ánh cách hành xử của họ với cuộc đời. Hội họa cũng vậy. Người nghệ sỹ không nhất thiết phải làm ra tác phẩm xuất sắc nhất, và kiệt tác cũng không có ý nghĩa gì nếu anh không để lại được dấu ấn, cái bản lĩnh của mình ở trong đó.

Người ta nói tranh của Phạm Trần Quân chứa đựng nhiều câu hỏi. Anh nói đó là những câu hỏi anh dành cho chính mình, tìm kiếm cái cốt lõi tâm hồn mình trong hội họa. Bao nhiêu năm cầm cọ là bấy nhiêu năm Phạm Trần Quân trải lòng, mải miết vẽ, mải miết thể hiện những cá tính khác nhau của mình. Có lẽ vì vậy tranh của anh thường hiện lên nhiều xung đột giữa các mảng màu, khối hình, đường nét như phản ánh sự dữ dội của chất nghệ sỹ chảy tràn trong con người anh.

Cùng khám phá đằng sau người hoạ sỹ này còn điều gì thú vị qua video sau đây.

TRẦN QUỐC KHÁNH

Người ca hát vui vẻ

Tìm đến nghệ thuật muộn hơn trong sô 5 nghệ sỹ mà Davines Art Series số 5 muốn giới thiệu, Quốc Khánh bén duyên với nghề ca hát từ cách đây 2 năm. Trước khoảng thời gian được tiếp xúc với nghệ thuật, anh đã trải qua nhiều công việc khác nhau ở nhiều lĩnh vực, nhưng chỉ đến khi dành thời gian cho âm nhạc, anh mới cảm nhận được dường như nghệ thuật đã là một phần con người anh.

Sau khi thử sức tại cuộc thi Giọng hát Việt năm 2015 như là một trải nghiệm, Quốc Khánh càng dành nhiều thời gian cho hoạt động nghệ thuật hơn nữa.

Có lẽ với Quốc Khánh, việc ca hát không bắt buộc phải đứng trên một sân khấu rực rỡ nào, đơn giản chỉ là khi anh được thả hồn với những giai điệu, những lời ca, được trải lòng cùng âm nhạc và những người trẻ có cùng đam mê, và khi đó anh mới thực sự là mình – Người hát ca vui vẻ.

Bên cạnh việc dành thời gian cho ca hát, Quốc Khánh vẫn hàng ngày làm việc tại tiệm bánh nhỏ, nơi anh được thoả sức sáng tạo trong việc làm bánh và tạo hình bánh. Quốc Khánh chia sẻ, trước khi đến với việc làm bánh và ca hát, anh đã thử sức trong nhiều ngành nghề như du lịch, báo chí, thu âm… Mỗi lần thay đổi công việc là một lần anh có được những trải nghiệm mới, gặp gỡ được những con người mới, trẻ và năng động.

Tiếp xúc và làm việc với họ khiến anh có nhiều động lực cũng như cảm hứng để sống trẻ, để ca những khúc ca vui vẻ của một tâm hồn yêu nghệ thuật cháy bỏng.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Vận động viên sân khấu

Nguyễn Thị Phương Thảo – cô gái trẻ đã dành được rất nhiều tình cảm từ những người yêu nghệ thuật tại Hà Nội qua vai diễn Bà Tị trong vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối của Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh. Trên sân khấu của Đêm hè sau cuối, khán giả ấn tượng với một Bà Tị tư duy sắc sảo, lối nói chuyện hài hước mà sâu sắc, thì ở ngoài đời, người ta lại nhớ đến một Phương Thảo vô cùng năng động, đa tài và cũng không kém phần hài hước so với nhân vật của mình.

Những người yêu mến Phương Thảo thường gọi cô bằng cái tên thân mật Thảo Tươi và cũng không lạ gì với việc cô là thủ lĩnh của đội Cheerleading của trường Đại học Ngoại thương, đạo diễn Phi Anh – người chọn cô cho vai Bà Tị đầy ấn tượng chia sẻ: “Nếu không có Tươi, tôi sẽ không bao giờ làm được “Góc phố” hay “Đêm hè”. Không phải vì vai diễn Chim Non hay vai diễn bà Tị, mà là vì nguồn năng lượng bừng bừng mà bạn ấy tỏa ra, nó khiến tất cả những người khác đều phải sống động theo. Nó làm tất cả mọi người nghiệp dư trong đoàn tôi cũng muốn đứng lên để diễn thật sâu, thật hay”.

Có lẽ không phải chỉ riêng với Cheerleading hay với nhạc kịch, Thảo Tươi luôn là cô gái hết mình vì nghệ thuật. Cô gái bé nhỏ mà đa tài từng tham gia Câu lạc bộ Hiphop của trường, bên cạnh đó cô còn thi tuyển vào Câu lạc bộ Âm nhạc nữa, nhưng có lẽ Cheerleading vẫn là mối duyên khó dứt của cô.

Cô gái biết nhảy, biết hát, biết múa và diễn xuất này đặc biệt ở chỗ cô không coi nghệ thuật chỉ là đam mê đơn thuần mà nghệ thuật là động lực khiến cô thức dậy và tiếp tục làm việc mỗi ngày. Với Phương Thảo, làm nghệ thuật không phải vì sở thích, càng không phải là để đạt mục đích gì, đơn giản vì nghệ thuật vốn đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.

Lắng nghe chia sẻ của cô gái nhỏ nhưng tràn đầy năng lượng và sống hết mình vì nghệ thuật này qua video sau đây.

Halloween

Ngày 31/10 hàng năm, lễ hội Halloween được tổ chức ở các quốc gia phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, Ireland, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Đây là lễ hội hoá trang lớn, thu hút được sự tham dự của rất nhiều người, kể cả trẻ em.

Lịch sử lễ hội Halloween

Lễ hội Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân tộc Celts sống cách đây khoảng 2.000 năm ở phần đất nay thuộc lãnh thổ nước Anh và phía Bắc nước Pháp.

Vào đêm ngày 31-10, buổi lễ “The Celtic Festival of Samhain” được người Celts tổ chức để tưởng nhớ và vinh danh Thánh Samhain, vị chúa tể cai quản những linh hồn người chết. Họ tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh hồn được trở về dương thế thăm gia đình và ăn tết vào đêm 31-10 này.

Cuối tháng 10 cũng là dịp để người Celts dâng cúng lễ vật cảm ơn những gì thiên nhiên đã ban tặng cho họ, cầu xin cho một năm mới thịnh vượng và mùa màng bội thu. Vào lễ vinh danh Thánh Samhain, người Celts thường đốt những đống lửa lớn trên đồi để tỏ lòng tôn kính tới các vị thần và xua đuổi tà ma. Sau đó, mỗi người sẽ lấy một hòn than hồng từ đống lửa đó, đặt trong củ cải hoặc những quả bầu, quả bí và mang về nhà. Để không bị những linh hồn lang thang quấy phá, họ hoá trang và khắc những khuôn mặt kinh dị lên những quả bầu, quả bí đó. Tục lệ này còn lưu truyền đến ngày nay vào ngày lễ Halloween.

Phong tục Halloween của người Ireland
Phong tục Halloween của người Ireland

Năm 43 (sau Công nguyên), dân tộc Celts bị người La Mã chinh phục và cai trị trong khoảng 400 năm. Trong suốt thời kỳ này, ngày hội Mùa Thu của người La Mã được tổ chức liền với ngày hội kỷ niệm Thánh Samhain của dân tộc Celts. Một trong hai ngày này có tên là Feralia để vinh danh người quá cố. Ngày hội thứ hai dùng để vinh danh Thần Pomona, tức là Nữ Thần Hoa Quả và Cây Cối. Có thể đây là nguyên nhân của tục lệ đoán vận mệnh tương lai được sử dụng trong trò chơi thi cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây vào ngày lễ Halloween.

Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, đạo Thiên chúa được phổ biến mạnh ở Châu Âu, số các vị thánh nhiều đến nỗi số ngày trong năm không đủ để làm lễ tôn kính cho từng vị. Vì vậy, Nhà thờ Thiên Chúa Giáo đã lập ra Ngày Các Chư Thánh (All Saints’Day) để để vinh danh các Thánh của đạo Thiên Chúa, đặc biệt đối với những Chư Thánh không có ngày dành riêng để kỷ niệm. Vào thời gian đầu, ngày này được tổ chức vào 13-5 hàng năm, sau đó đã được chuyển vào ngày 1-11, trước Ngày lễ các linh hồn (All Soul’s Day vào ngày 2-11).

Halloween có tên gốc là All Hallows’Eve, có nghĩa là đêm trước Ngày Các Chư Thánh. “Hallow” là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “thánh” và cuối cùng đổi là Halloween như chúng ta biết ngày nay.

Như vậy, lễ hội Halloween là kết quả của nhiều sự biến đổi trong hàng thế kỷ. Giờ đây, các ngày lễ trong lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà mọi người đều coi đó là một lễ hội vui chơi với những quả táo, mèo đen với những hình hóa trang “con ma”, “bộ xương”… của Ngày lễ các Thánh và Ngày lễ các linh hồn.

Một số phong tục trong lễ hội Halloween

Vào đêm Halloween, những người tham dự thường hóa trang thành các nhân vật “kinh dị” với mục đích làm cho quỷ dữ hoảng sợ bỏ chạy. Giới học trò nổi tiếng nhiều trò quậy đã nhanh chóng tận dụng lễ hội này để chứng tỏ mình còn “quái chiêu” hơn cả… quỷ ma. Chính vì vậy, những ngày này, các cửa hàng đồ chơi, quà lưu niệm, đồ hóa trang dường như chật kín những gương mặt trẻ trung đang hăm hở tìm cho mình những bộ đồ ưng ý.

Chủ đề chính của lễ Halloween thường là những điều rùng rợn như cái chết, phép thuật hay những quái vật bí ẩn. Các nhân vật thường gặp là ma, ma cà rồng, phù thuỷ, dơi, mèo đen, cú, yêu tinh, thây ma, bộ xương di động… Các gia đình thường trang trí những hình ảnh này trong ngày lễ Halloween.

Một video hướng dẫn cách trang điểm trong lễ hội Halloween thu hút hàng triệu lượt xem

Hai màu truyền thống của Halloween là đen và cam. Trong thế giới hiện đại, màu tía, xanh lục và đỏ cũng thường được sử dụng. Những vật phẩm đại diện của mùa thu như bí ngô và bù nhìn rơm cũng trở thành hình ảnh tiêu biểu của lễ Halloween.

Trong ngày lễ Halloween, những người tham gia thường đốt những đống lửa lớn với hy vọng mặt trời sẽ ngày ngày chiếu sáng và lưu lại trong thời gian lâu hơn, giúp cho mùa màng bội thu. Những đống lửa này sẽ thu hút nhiều muỗi, cú và dơi – những động vật được coi là cấu thành sự tích đêm các Thánh, lửa cũng là ánh sáng giúp con người tránh xa các linh hồn quỷ dữ.

Ngoài ra, người Ailen và người Xcốtlen đã hình thành phong tục làm “đèn ma”, thứ không thể thiếu trong ngày hội này. Ban đầu, họ tạo hình mặt người trên củ cải và khoai tây nhưng khi di cư sang Mỹ, họ bắt đầu khắc lên những quả bí. Ánh sáng của ngọn nến đặt trong những quả bí này giống như đống lửa của những tu sĩ Druid, chỉ lối cho mọi linh hồn và bảo vệ chúng thoát khỏi quỷ dữ.

Lễ hội Halloween tại một số quốc gia trên thế giới

Lễ hội Halloween ở Mexico

Vào mùa thu ở Mexico, những con bướm chúa lại bay về làm tổ trên những cây linh sam và người dân nơi đây tin rằng, những con bướm này là hiện thân của linh hồn những người quá cố.

Trong ngày Halloween, người Mexico trang trí những bệ thờ trong nhà với bánh mỳ, nến, hoa và quả. Những cây nến được thắp sáng để tưởng nhớ tổ tiên đã khuất. Buổi tối, họ hoá trang trong bộ quần áo hình ma quỷ và diễu hành trên đường phố với một người sống đặt trong một quan tài. Sau đó, họ sẽ tới thăm viếng nghĩa trang, trang trí mộ người thân và ở đó suốt đêm.

Lễ hội Halloween ở Bắc Mỹ

Halloween du nhập vào nước Mỹ do những người Ireland và Scotland di cư và đã trở thành một lễ hội dân gian lớn ở Mỹ và Canađa. Vào ngày lễ này trẻ em thường chơi trò “trick or treat”. Chúng sẽ mặc các trang phục hóa trang và đeo mặt nạ rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói “trick or treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.” Để tránh bị chơi xấu, chủ nhà thường đãi chúng kẹo, bánh, hoa quả, có thể họ còn cho chúng tiền nữa.

Lễ hội Halloween ở các nước Châu Âu

Tại Anh, tâm điểm của lễ hội Halloween chính là những đống lửa rực cháy trên các đường phố. Khác với những nơi khác, những đống lửa này không phải để xua đuổi các linh hồn lang thang mà để nhắc đến câu chuyện của Guy Fawkes, người có ý định làm nổ tung Toà nhà Hội đồng ở Luân Đôn vào năm 1605. Rất nhiều hình nộm của Guy Fawkes bị đốt cháy trong lễ hội.

Tại Đức, người dân mừng hội Halloween với sự vui vẻ tột bậc. Ngoài những chiếc đèn bằng bí đỏ thì lễ hội hoá trang là hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều người nhất. Trong những trang phục của những nhân vật truyền thống, của những mụ phù thuỷ…, họ nhảy múa, ca hát xung quanh những đống lửa lớn suốt ngày đêm…/.

Trang phục Halloween của các em nhỏ
Trang phục Halloween của các em nhỏ

Tự làm đồ trang trí cho Lễ hội Halloween

1. Ma bay

2. Những cánh cửa quái vật

3. Nến trôi

4. Đèn trong túi giấy

5. Lọ xác ướp

6. Ma phát sáng

7. Tường dơi

8. Bộ xương leo tường

Những trang phục Halloween ngộ nghĩnh

1. Nàng Bạch Tuyết và Hoàng hậu độc ác

2. Shrek và Fiona

3. Scooby Doo

4. Tôm hùm

5. Nàng tiên cá

6. Yoda

7. Phù thủy xứ Oz

8. Despicable Me

9. The Incredibles

10. The Joker