Trách nhiệm của báo chí

Khi báo điện tử VietnamPlus đăng tải các bài viết đầu tiên về vấn đề tin tức giả mạo vào giữa tháng 4/2016, không nhiều độc giả cũng như những người trong giới báo chí quan tâm đến vấn đề này. Hơn nửa năm sau, nó trở thành một vấn nạn toàn cầu.

Đặc biệt, những tranh cãi xung quanh kết quả của cuộc bầu cử Mỹ hồi đầu tháng 11/2016 cũng như việc truyền thông nước này đăng tải thông tin trước và sau cuộc bầu cử làm dấy lên vấn đề ngày càng trở nên nhức nhối: đó là tin giả cũng như vai trò của các nhà xuất bản tin tức và các nền tảng trong cuộc chiến chống lại những thông tin sai lệch trên Internet.

Một nghiên cứu đăng tải trên BuzzFeed gần đây cho thấy những câu chuyện bịa đặt, hay còn gọi là “tin vịt,” về cuộc bầu cử ở Mỹ khi lan truyền thì thu hút sự tương tác trên Facebook nhiều hơn cả tin bài của các cơ quan báo chí tiếng tăm.

Theo một bài viết trên BBC, nhiều trang tin giả mọc lên trong chiến dịch bầu cử Mỹ vừa qua có nguồn gốc từ một thành phố nhỏ của Macedonia. Tại đó, các thiếu niên bung ra các câu chuyện giật gân để có tiền nhờ quảng cáo. Giống như hàng trăm người khác, cậu sinh viên 19 tuổi có tên giả là Goran bắt đầu đăng các chuyện giật gân, thường sao chép từ các trang web cánh hữu Mỹ, kể từ mùa hè năm ngoái.

Sau khi cắt và dán nhiều bài, cậu ta tổng hợp thành tin mới, trả tiền cho Facebook để chia sẻ với độc giả Mỹ khát tin về ông Donald Trump. Khi những người Mỹ bấm vào bài báo, hoặc thích, chia sẻ, cậu ta có tiền nhờ quảng cáo trên trang. Goran nói cậu chỉ mới làm được một tháng mà đã kiếm tới 1.800 euro. Cậu bảo các bạn mình còn kiếm mấy ngàn euro một ngày.

Tin giả trở thành vấn nạn toàn cầu

Đương nhiên, tin tức giả không chỉ xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nó đã xuất hiện từ lâu và ở khắp nơi trên thế giới. Nó cứ âm thầm đi vào cuộc sống của mỗi người dùng Internet nhưng chưa bị đánh động mà thôi.

Ví dụ rõ ràng nhẩt về tin giả ở Đức xảy ra hồi đầu năm , theo đó một bé gái gốc Nga 13 tuổi tên là Lisa F, bị những người tỵ nạn từ Trung Đông cưỡng hiếp tập thể ở Berlin. Cảnh sát đã nhanh chóng chỉ ra rằng đây là tin giả, nhưng trước đó nhiều báo của Đức và Nga đã đăng lại tin này, nó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, hàng trăm người xuống đường phản đối với sự hậu thuẫn của các nhóm cực hữu và chống Hồi giáo. Vụ này thậm chí suýt gây nên sự cố ngoại giao giữa Berlin và Moskva.

Tại Brazil, theo một báo cáo hồi tháng 4/2016, trong khi quá trình luận tội mà tổng thống Dilma Rousseff cùng những người ủng hộ bà gọi là một cuộc đảo chính có động cơ chính trị trở nên nóng hơn, trong số 5 tin được chia sẻ nhiều nhất trên Facebook thì có đến 3 tin vịt. Một hoang tin được trang Pensa Brasil chia sẻ nói rằng cảnh sát liên bang muốn biết lý do tại sao bà Rousseff trao 9 tỷ USD cho công ty thịt khổng lồ Friboi, và nó có đến 90.000 lượt share.

BuzzFeed Brasil vừa có bài hồi đầu tháng 12 về tình trạng tin vịt liên quan bê bối Petrobras, được gọi là Chiến dịch Car Wash – yếu tố then chốt dẫn đến việc luận tội tổng thống Rousseff – được đăng tải nhiểu hơn cả tin chính thống. Trong năm nay, 10 tin vịt được đọc nhiều nhất về vụ Car Wash được chia sẻ tới 3,9 triệu lần, trong khi 10 tin “đàng hoàng” chỉ nhận được 2,7 triệu lần.

Mới đây, một phóng viên Hồi giáo ở Myanmar trở thành nạn nhân của một chiến dịch do những kẻ kích động thù hận tôn giáo thực hiện. Một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đăng ảnh anh này bên cạnh ảnh của một du kích Hồi giáo vô danh người Rohingya rồi tuyên bố anh có can dự vào các vụ tấn công biên phòng, đồng thời kêu gọi bắt giữ ngay lập tức. Rất may chưa có chuyện gì xảy ra và status này sau đó đã bị gỡ xuống nhưng đã có hơn 3000 người chia sẻ.

Người Myanmar nói rằng thời xưa, họ ra quán trà để biết thông tin. Bây giờ họ lên Facebook. Nhưng trên newsfeed của người dùng lại đầy tin vịt.

Newsfeed của người dùng Facebook Việt Nam cũng chẳng ít tin vịt hơn. Đã phải có những lời kêu gọi “chia sẻ có ý thức” bởi rất nhiều người dùng – kể cả những người có học vấn cao – vội vàng chia sẻ những nội dung từ những nguồn không đáng tin cậy. Nó có thể là một nội dung vô thưởng vô phạt, cho đến thông tin về một bà lang chữa khỏi bệnh nan y, hay hoang tin về việc một nghệ sỹ nổi tiếng tử vong, thậm chí cả những câu chuyện bịa đặt nhằm vào chính quyền.

Ngày 31/10/2016, Công an tỉnh Bến Tre và Sở Thông tin truyền thông Bến Tre đã làm việc với Nguyễn Chí Khương , sinh năm 1993, là người đã quay và đăng tải lên Facebook 3 ngày trước đó đoạn video clip đoàn hơn 50 xe công vụ ở Bến Tre với phần đề dẫn bịa đặt sai sự thật là “Bà Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm quê hương Bến Tre.” Sau đó video clip này được nhiều người chia sẻ và bình luận xuyên tạc.

Làm việc với cơ quan chức năng, cậu trai trẻ này đã thừa nhận việc mình dùng điện thoại di động quay rồi đăng tải đoạn clip đoàn xe đang chạy lên mạng xã hội nhằm câu like chứ không có mục đích khác. Sau khi biết được việc làm của mình là vi phạm pháp luật, cậu ta đã gỡ bỏ đoạn clip trên khỏi Facebook cá nhân và đăng tải nội dung xin lỗi.

Ngày 7/12, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với ông Nguyễn Liên (trú tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô) vì đăng tải nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân. 20 ngày trước đó, ông này đăng tấm ảnh chụp cảnh một người đàn ông đang ôm ấp một người phụ nữ kèm theo lời bình luận: “Người ta gọi đây là những tên dâm quan, đây là hình ảnh một trong 21 cô giáo được chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh và Phòng giáo dục thị xã điều đi tiếp khách là quan chức Hà Tĩnh….” Chỉ trong vòng ít giờ, thông tin này đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, hàng ngàn lượt bình luận mắng chửi thậm tệ. Tuy nhiên, thực tế đây là tấm hình chụp hai người Trung Quốc.

Trong một diễn biến mới nhất, truyền thông thế giới đã thực sự dậy sóng trước thông tin kênh truyền hình nổi tiếng CNN đã vô tình phát sóng 30 phút phim khiêu dâm hạng nặng ở khu vực Boston, Mỹ vào ngày 24/11 vừa qua. Theo trang The Verge, sự hỗn loạn thông tin bắt đầu khi tờ The Independent đăng một bài về dòng tweet của một người xem truyền hình, và bài viết sau đó đã được Drudge Report chia sẻ trên Twitter. Sau đó, câu chuyện đã nhanh chóng lan ra.

Mashable, New York Post, Daily Mail, Esquire và Variety đều đã đăng bài về việc này, và gần như toàn bộ các bài viết đều chỉ dựa trên 1-2 dòng tweet của @solikearose – tài khoản Twitter kèm theo một bức ảnh chụp màn hình TV kênh CNN đang phát sóng phim khiêu dâm thay vì chương trình Parts Unknown của Anthony Bourdain. Hơn nữa, phần lớn các bài đăng gốc đều không bao gồm các tuyên bố chính thức từ CNN hay RCN, công ty truyền hình cáp được cho là đã phát sóng đoạn phim khiêu dâm nói trên.

Tin tức giả mạo không chỉ là những tác phẩm kém chất lượng, tính nghiêm trọng nằm ở chỗ nó truyền bá những thông tin sai lệch mà độc giả thường chỉ xem xét ở bề nổi. Câu hỏi về việc phải làm gì với tin tức giả và thông tin sai lệch đang khiến nhiều cơ quan báo chí trên thế giới phải đau đầu.

Tin tức giả thu hút rất nhiều sự chú ý

Các trang tin tức giả và các tài khoản mạng xã hội khiến việc phân biệt thật giả trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi rất nhiều trang tin tức giả có giao diện rất giống những trang tin điện tử truyền thống.

Alastair Reid, thư ký tòa soạn của First Draft News chia sẻ với Diễn đàn Biên tập viên Thế giới (GEN) rằng các câu chuyện tin tức giả mạo có thể có tầm ảnh hưởng rất lớn, bởi nhiều người đang cập nhật tin tức từ các mạng xã hội. Nếu tin tức giả hiện trên dòng thời gian bên cạnh một bản tin từ trang Washington Post chẳng hạn, mọi người có thể sẽ không nhận ra sự khác biệt.

Craig Silverman, biên tập viên của BuzzFeed Canada, đã phân tích 2 nghiên cứu về vấn đề này với kết luận là mất tới hơn 12 giờ, một tin tức giả mới được vạch trần trên mạng.

Năm 2015, Silverman đã đăng một bài viết cho Trung tâm Báo chí Điện tử Tow Center có tên “Những lời dối trá trắng trợn và nội dung có sức lây lan: Cách các trang tin lan truyền (và vạch trần) những lời đồn trên mạng, những khẳng định chưa được kiểm chứng, và thông tin sai lệch.”

Trong bài viết này, Silverman đã chỉ ra 10 bản tin vạch mặt tin tức giả về một nghệ sĩ ở Anh năm 2014. Tổng cộng số lượt chia sẻ 10 bản tin vạch trần này đạt 60.953 lượt, nhưng riêng tin giả đã có tới 60.402 lượt chia sẻ.

“Những tin tức giả ngày càng mang tính dễ lan truyền hơn, và vì thế có thể có sức ảnh hưởng lớn”

Silverman trích dẫn một ví dụ khác từ năm 2014, khi trang Huzlers.com đăng một câu chuyện giả mạo khẳng định Trái Đất sẽ chìm trong bóng tối trong 6 ngày liên tiếp. Bản tin giả này đã thu hút tới hơn 840.000 lượt chia sẻ và tương tác trên mạng xã hội, trong khi số lượt chia sẻ từ 7 bản tin vạch trần cộng lại chỉ đạt khoảng 127.000 lượt trên cùng mạng xã hội.

“Những tin tức giả ngày càng mang tính dễ lan truyền hơn, và vì thế có thể có sức ảnh hưởng lớn,” Silverman viết.

Đầu tháng 9/2016, một câu chuyện tin tức giả về một vườn thú ở Trung Quốc đặt tên cho một chú khỉ đột là “Harambe McHarambeface” theo một cuộc bình chọn đã thu hút một lượng độc giả lớn. Mặc dù câu chuyện đã gây ồn ào trên mạng xã hội, nhưng thực tế không có cuộc bình chọn nào, cũng chẳng có chú khỉ đột nào được đặt tên như vậy.

BuzzFeed và Huffington Post của Anh đã vạch trần những câu chuyện tin tức giả mạo bằng cách chỉ ra rằng The Leader Boston, trang tin đã đăng bản tin này không phải là một nguồn đáng tin cậy. The Leader Boston không có tài khoản mạng xã hội, và các trang đích của nó cũng chỉ toàn báo lỗi.

BuzzFeed cũng cho biết dòng khẩu hiệu của trang web này khoe khoang rằng sẽ “Mang lại những tin tức hay nhất của Boston từ năm 1932,” trong khi tên miền lại mới chỉ được đăng ký chưa đầy một tuần trước.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vì ngày càng nhiều người cho rằng những tin tức giả mạo đó là chính xác. Theo một khảo sát mới nhất do Ipsos Public Affairs thực hiện, có đến 75% người Mỹ trưởng thành nhìn thấy những tiêu đề tin vịt đó và tin là thật. Đặc biệt, những người càng coi Facebook là nguồn tin chủ yếu thì càng dễ bị mắc lừa. Tại Việt Nam, điều này cũng không phải hiếm hoi. Không ít người, kể cả các nhà báo có thâm niên, chia sẻ các đường link không rõ nguồn gốc, thậm chí với quan điểm “chia sẻ trước, xem sau.”

Cơ quan báo chí lớn cũng mắc lừa các trang tin tức giả mạo

Việc các hãng tin lớn mắc bẫy tin tức giả vẫn thường xuyên xảy ra. Hồi đầu năm ngoái, mục chính trị của Bloomberg đã có một bài viết dựa trên tin giả về việc bà Nancy Reagan ủng hộ Hillary Clinton làm tổng thống.

Năm 2013, tờ Washington Post cũng bị Daily Current, trang tin giả nổi tiếng lừa với tin Sarah Palin đã đầu quân cho Al-Jazeera. Cùng năm này, tin thất thiệt về việc cây bút Paul Krugman của New York Times bị phá sản cũng xuất hiện trên trang Boston.com.

Thông cáo báo chí giả, “người anh em” của tin tức giả cũng khiến tờ Los Angeles Times một phen lao đao khi đưa tin rằng Liên hợp Quốc đang chuẩn bị hợp pháp hóa cần sa, hay nghệ sỹ bí ẩn Banksy đã bị bắt…

Một bài viết gần đây đã tổng kết những vụ tồi tệ nhất về việc báo chí chính thống bị lừa hoặc tệ hại hơn là cố tình đăng tin giả. Chẳng hạn chuyện Newsweek đăng một bài viết nói rằng các nhân viên thẩm vấn phạm nhân tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo có hành động báng bổ kinh Koran; chương trình 60 Minutes của kênh truyền hình CBS phát sóng một bộ phim tài liệu nói về 6 tài liệu hiếm phê bình thời gian phục vụ của Tổng thống Mỹ George W. Bush trong lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ; Rolling Stone đăng một tin tấn công tình dục xảy ra trong khuôn viên trường đại học Virginia, dù chuyện này không có thực, v,v…

Tiền đề của những tin tức giả thường là những vấn đề nóng thu hút sự chú ý

Vậy tại sao các trang tin tức giả lại có thể lừa các nhà báo? Nhiều trang tin giả có những cái tên nghe rất kêu và đáng tin – National Report (Tin tức quốc gia), World News Daily Report (Báo cáo Tin tức Thế giới Hàng ngày), hay Empire News (Đế chế Tin tức).

Những trang tin giả khác lại nhái lại tên và logo của các hãng tin thật sự, như abcnews.com.co. Một số trang lại pha trộn cả tin thật và tin giả để lừa gạt. Chuyện này cũng xảy ra tại Việt Nam khi nhiều trang tin xuất hiện với cái tên na ná như tên của các tờ báo nổi tiếng.

Đa phần các tin tức giả đều dẫn nhiều nguồn, từ những cái tên người phát ngôn không có thật đến tên những tổ chức có thật để tỏ ra đáng tin hơn. Tiền đề của những tin tức giả cũng thường là những vấn đề nóng thu hút sự chú ý.

Một lý do nữa cho sự nhẹ dạ cả tin của các nhà báo là áp lực tin bài. Business Insider mới đây đã trở thành ví dụ rõ ràng nhất.

Trang CNN Money đã đăng tải một bài viết rằng ban phụ trách Business Insider yêu cầu các cây bút phải viết được 5 tin mỗi ngày. Số lượng tin bài đã quan trọng hơn chất lượng bài viết. Nhiều người còn phải thu hút tới 1 triệu lượt lượt truy cập mỗi tháng.

Shane Ferro, cựu nhân viên của Business Insider đã xác thực những khẳng định này, và nói rằng cô luôn phải đối mặt với những “buổi họp căng thẳng” khi không đạt được các mục tiêu nêu trên.

“Theo một cách nào đó, Business Insider là phiên bản cực đoan của những gì mà các hãng tin bây giờ kỳ vọng ở nhà báo: những bài viết thu hút nhiều độc giả, được sản xuất trong thời gian ngắn và không cần biên tập,” Ferro cho hay.

Trách nhiệm của báo chí

Không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn trên thế giới là uy tín của báo chí đang giảm sút trong mắt người dân và ngày càng nhiều người coi truyền thông xã hội là nguồn thông tin chính mỗi ngày. 44% số người tại 26 quốc gia trên thế giới tham gia cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford gần đây cho biết họ coi Facebook là nguồn tin chủ yếu. Tỷ lệ cho báo in tụt xuống mức thê thảm là 24%.

Nhiều người cho rằng việc để lan tràn tin giả, tin vịt trên mạng Internet trước hết thuộc về trách nhiệm của các nền tảng xã hội như Facebook hay công cụ tìm kiếm như Google. Nhiều chỉ trích đã nhắm vào ông chủ Mark Zuckerberg với 1,7 tỷ người dùng, yêu cầu phải thay đổi thuật toán và thậm chí phải dùng con người để lọc nội dung thay cho máy móc.

Những người khác thì có quan điểm rằng báo chí có vai trò rất nhỏ trong việc ngăn chặn tin giả, bởi người dùng mạng xã hội chủ động chia sẻ những thông tin sai lệch đó và khiến chúng phát tán mạnh mẽ hơn cả thông tin chính thống. Đương nhiên, báo chí cần phải kiểm tra thông tin kỹ càng hơn để tránh rơi vào bẫy của tin giả, tin vịt.

Nhưng cũng từ những tranh luận xem trách nhiệm thuộc về ai trong cuộc chiến chống vấn nạn tin giả mà vai trò “gác cổng” của báo chí lại được nhắc đến nhiều hơn.

Giành lại niềm tin của độc giả là giải pháp giúp giảm thiểu vấn nạn tin giả đang tràn lan

Walter Lippmann, nhà văn kiêm nhà báo người Mỹ từng đoạt 2 giải Pulitzer, cùng một số nhân vật khác vào nửa đầu thế kỷ 20 có quan điểm rằng công chúng cần được chỉ dẫn, hướng dẫn, hoặc thậm chí theo những khuôn mẫu nhất định. Quan điểm đó sau này bị cười nhạo, thậm chí bị chỉ trích kịch liệt, nhất là trong thời đại Web 2.0, khi công nghệ digital mang lại sức mạnh để các cá nhân có thể tạo lập nội dung, kết nối, chia sẻ và phát tán những không tin gốc mà không qua bất kỳ bộ lọc nào. Song vấn đề nằm ở chỗ công chúng, sau thời gian đầu hồ hởi với tin tức ngập tràn, đang phải bơi giữa một biển thông tin đầy những nội dung nhiễu loạn, nịnh bợ, bôi xấu, sai lệch, thậm chí bịa đặt. Không ít người thực sự mất phương hướng.

Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến cho sau vụ bầu cử Mỹ, số lượng người đăng ký trả phí để đọc New York Times và Wall Street Journal tăng vọt, số lượng thuê bao Washington Post cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua. Rõ ràng, công chúng vẫn quan tâm đến báo chí chất lượng cao và sẵn sàng trả tiền cho nó.

Facebook đang chật vật đối phó với vấn nạn tin giả được phát tán qua nền tảng này, và đang cố gắng bác bỏ ý kiến cho rằng họ là một nguồn tin tức chứ không chỉ là nền tảng phát hành. Twitter đang nhận thấy nền tảng của họ bị sử dụng như một cơ chế lan truyền sự thù hận và đang phải tìm cách khắc phục nếu không muốn bị mất người dùng và mất cả doanh thu. Và trong khi Google cũng như Facebook tìm cách xử lý về thuật toán cũng như tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn tin giả, họ sẽ hiểu rằng phát biểu của Walter Lippmann hoàn toàn đúng. Dù công nghệ có hiện đại thế nào đi chăng nữa thì không ai có thể thay thế những chuyên gia bằng xương bằng thịt trong việc phân tích thông tin, xác định những vấn đề đúng sai nhằm đảm bảo lợi ích của công chúng.

Trong diễn biến mới nhất, Facebook vừa thông báo kế hoạch tuyển dụng nhân sự có ít nhất 20 năm kinh nghiệm để phụ trách lĩnh vực hợp tác với các cơ quan báo chí.

Còn các nhà báo, hãy ngừng đuổi theo mạng xã hội. Hãy tập trung sản xuất nhiều nội dung chuyên sâu chất lượng cao để cung cấp cho xã hội những kiến thức cần thiết và những thông tin đúng sự thực. Giành lại niềm tin của độc giả là giải pháp giúp giảm thiểu vấn nạn tin giả đang tràn lan./.

Cô bé khiếm thị An Như

Âm thanh réo rắt, đan xen giữa các loại nhạc cụ truyền thống khiến cho không gian tĩnh mịch của một chiều Đông trở nên rộn ràng, sống động.

Chúng tôi đến Khoa Nhạc cụ Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia, cứ theo cái thanh âm trong trẻo, lảnh lót phát từ cây đàn tranh mà tìm đến lớp học của cô Phạm Hồng Hạnh.

Tại căn phòng rộng lớn, một cô – một trò lọt giữa trong khoảng không, bên cạnh là nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Bé Nguyễn An Như mảnh dẻ, thanh thoát ngồi trước cây đàn, nghiêng nghiêng đôi vành tai tập trung, lắng nghe cao độ. Những ngón bé tay thon dài, trắng muốt vừa rung, vừa gảy, nhấn nhá từng nốt nhạc trên mỗi dây đàn, khối âm thanh lanh lảnh, hòa quyện vang lên, lan ra khắp căn phòng.

Học viện Âm nhạc Quốc Gia là một trong những cái nôi tạo nên các tài năng âm nhạc của đất nước. Mỗi đứa trẻ theo học ở đây không chỉ đòi hỏi về năng khiếu mà các em còn phải trải qua một cuộc thi đầu vào khắt khe. Gọi là “chơi” nhạc nhưng thực chất lại là loại hình lao động vất vả, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa trí não, tâm hồn và sự khổ luyện.

“Một người bình thường học nhạc vốn không dễ dàng, vì vậy, người khiếm thị theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp lại càng khó khăn hơn,” cô Hồng Hạnh chia sẻ.

(Ảnh: Doãn Đức)
(Ảnh: Doãn Đức)

Cuộc chiến nhiều nghìn ngày

Vào năm 2003, gia đình nhỏ của chị Tuyết Anh đón thêm thành viên mới trong không khí tràn đầy hạnh phúc. Như bao đứa trẻ khác, bé An Như xinh xắn, đáng yêu chập chững lớn lên trong vòng tay yêu thương chăm sóc của mẹ.

Nhưng số phận quả là nghiệt ngã, một tai họa khủng khiếp đã giáng xuống đứa bé con non nớt, mới mười một tháng tuổi. Chị Tuyết Anh kể, đó là ngày đi học đầu tiên của con. Tại nhà riêng của một bà giữ trẻ, họ đã làm ngã con và giấu không cho gia đình chị biết. Buổi chiều, con về nhà rất bình thường, nhưng tối đến bắt đầu nôn và sốt. Gia đình cho An Như đi khám, bác sĩ chẩn đoán con bị bệnh thông thường nên hôm sau thấy con đỡ, lại cho đi học tiếp.

Song triệu chứng sốt và biếng ăn của bé vẫn không dứt. Phải đến ngày thứ tám, thứ chín, bác sĩ mới phát hiện con bị vỡ sọ não, nguyên nhân do ngã đập đầu vào vật cứng. Ngay lập tức, một cuộc phẫu thuật được thực hiện. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ lấy đi được một lượng máu đọng và không thể lường được, đây chỉ là sự khởi đầu của một cuộc tranh đấu “bền bỉ” diễn ra nhiều nghìn ngày sau đó.

“Con vẫn có mệnh làm người, bởi bác sĩ đã kịp thời mổ não, hút máu tụ lưu lại. Nhưng mười bốn ngày sau, An Như lại phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật khác để đặt van úng thủy, và mặc dù sinh mạng được cứu nhưng toàn bộ cơ mặt, mắt, mũi, miệng của bé đều không cử động được,” chị lặng lẽ kể, rồi bất giác cười nhẹ.

Nghe tiếp câu chuyện của chị, tôi học được một điều “con người muốn thoát ra khỏi sự tuyệt vọng giữa bể khổ mông lung, không thể là những giọt nước mắt mà phải bằng nụ cười, nó thắp sáng tâm can, kéo người ta đứng lên bước tiếp.”

Chị Tuyết Anh nhớ lại: “Giai đoạn khó khăn đó, tôi tưởng như hai mẹ con ôm nhau đang trên máy bay phi xuống biển. Hơn 13 năm chữa bệnh, bảy năm đầu hầu như sống trong bệnh viện. Sau hai cuộc đại phẫu thuật, con bé tiếp tục thực hiện hơn 20 cuộc điều trị. Chúng tôi đi khắp các bệnh viện, từ Tây y đến Đông y, vào miền Nam, tới miền Trung, ra miền Bắc. Tôi chủ động tìm hiểu thông tin, gặp gỡ các giáo sư, tiến sỹ trong ngành cả trong nước và quốc tế, nhờ họ tư vấn. Nhờ đi đúng hướng, con dần bình phục, nhưng đôi mắt thì vĩnh viễn mất đi ánh sáng.”

Thời gian đó, chị Tuyết Anh bị khủng hoảng tinh thần nên cũng phải nằm viện gần một năm để điều trị căn bệnh suy sụp về tâm lý.

“Cuộc sống cực kỳ đẹp phải không cô!”

“Cảm xúc của mình hoang mang lắm, mỗi cái nạn dội xuống con người là khác nhau. Với mình chẳng có đường mà cựa. Nạn rơi vào ai, người đó chịu. Cố gắng làm hết sức mình, có thể để không phải áy náy. Nếu như trước đây, tôi luôn tự trách bản thân thì bây giờ đã ổn hơn và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Hơn nữa, con rất lạc quan chứ không như mẹ,” chị Tuyết Anh chia sẻ.

Đứa trẻ vì trải qua nhiều cuộc trị liệu, tinh thần trở nên yếu ớt. Chứng tự kỷ theo đó xuất hiện, con liên tục la hét, gào khóc, đập phá. Chị Tuyết Anh tìm đến các bác sỹ tâm lý, tư vấn phương pháp chữa bệnh an thần và phát hiện ra con mình rất thích âm thanh. Bất kỳ vận dụng nào đến tay, con đều gõ để tạo ra âm thanh. Vì vậy, vật dụng trong nhà, từ bàn ghế, xoong nồi, đồ chơi… con đều gõ nát.

Ba tuổi, An Như bắt đầu tiếp cận với thế giới âm nhạc. Theo chị Tuyết Anh, khó khăn đầu tiên là chọn nhạc cụ, vì quá trình chữa bệnh cho con chi phí quá tốn kém, nên điều kiện kinh tế gia đình lúc đó khá khó khăn. “Tôi định mua cho con cây đàn organ, song chuyên gia tư vấn với các cháu khiếm thị không nhìn được, nếu cho tiếp cận với âm thanh điện tử thì lãng phí đôi tai, tốt nhất nên dùng đàn cơ. Từ đó, con có thể tiếp cận âm thanh thật hơn đồng thời thể hiện cảm xúc cũng thật hơn. Vì cơ duyên đó, tôi lại cố gắng chạy vạy, mua cho con một chiếc đàn piano.”

Quá trình học đàn của con là cả sự kỳ công, kết hợp giữa con, mẹ và cô. Mỗi buổi học kéo dài 60 phút, nhưng nỗ lực lắm cô cũng chỉ có thể giúp con tiếp cận âm thanh khoảng 5-15 phút và sự tiến bộ của con theo từng nấc thang rất nhỏ và thời gian phải chờ cả năm. May mắn thay, hai năm sau hệ thần kinh của con bắt đầu ổn định.

An Như có thể chơi thành thạo đàn tranh, sáo và piano. Con còn là ca nương của Giáo phường Ca trù Thăng Long, tham gia biểu diễn thường xuyên tại đền Quan Đế

An Như tâm sự, âm nhạc giúp cho con thư thái hơn. Đầu tiên học piano là rất khó, bởi con không nhìn được các nốt nhạc và cô giáo phải cầm tay chỉ cho từng phím đàn. Hiện tại, khó khăn lớn nhất của cô bé vẫn là việc không đọc được bản nhạc. Quá trình học, giáo viên phải thu âm bài và hướng dẫn kỹ thuật, sau đó con tập đi tập lại rất nhiều mới có thể trau chuốt và mỗi ngày con tập đàn khoảng hai giờ.

“Trong các nhạc cụ, con thích nhất đàn tranh, vì nó rất réo rắt và thánh thót. Mỗi lần chơi nhạc, con thường tưởng tượng ra rất màu sắc. Con không biết định nghĩa màu sắc như thế nào, khi đánh đàn con tưởng tượng ra những dòng nước chảy róc rách có cá, tôm bơi lội, những đám mây trắng bồng bềnh… Cuộc sống cực kỳ đẹp phải không cô! Con nghĩ, tất cả mọi người trên đời đều tốt và rất hòa đồng,” cô bé thỏ thẻ chia sẻ.

Bất giác, tôi mỉm cười và nhớ đến dòng trạng thái của con trên Facebook cá nhân, “chỉ ăn ngủ… đi học về lại tập, tập, tập, diễn, diễn, tập, tập và luyện!”

Kết quả đã không phụ công người, mặc dù khiếm thị và phải chữa bệnh trong một thời gian rất dài, song bé An Như, học sinh năm 3 hệ trung cấp 6 năm chuyên ngành Đàn tranh, Khoa Nhạc cụ Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc Gia luôn đạt thành tích học sinh xuất sắc và năm 2016, con vinh dự được nhận học bổng Vallet dành cho những học sinh ưu tú. Ngoài ra, An Như có thể chơi thành thạo các nhạc cụ khác như sáo, piano. Thêm vào đó, con còn là ca nương của Giáo phường Ca trù Thăng Long, tham gia biểu diễn thường xuyên tại đền Quan Đế.

Về điều này, cô Hạnh là giáo viên chuyên ngành theo giảng con trong suốt ba năm qua cũng ghi nhận, “thế giới âm nhạc mang lại nhiều màu sắc cho con. Con không còn bận tâm – mình là người khiếm thị và có thể bình thản bước đi trong cuộc đời cũng như con đường nghệ thuật rộng lớn phía trước.”

(Ảnh: Doãn Đức)
(Ảnh: Doãn Đức)

Truyền cảm hứng cho các bạn bè

Không chỉ học nhạc, An Như còn theo học văn hóa tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Cô Nguyễn Quỳnh Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1 cho biết, do con học một lúc hai trường (nghệ thuật và văn hóa) nên rất vất vả và cần phải cố gắng nhiều hơn các bạn. Đôi khi, con phải nghỉ học văn hóa để tham dự các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ tại Học viện.

“Tuy nhiên, cô giáo và các bạn luôn tạo điều kiện giúp đỡ con. Nhờ đó, con luôn nhanh chóng hoàn thiện lượng các kiến thức thiếu hụt trong các lần nghỉ học. Tinh thần lạc quan và sự hiếu học của con đã truyền cảm hứng tới các bạn, từ đó cùng nhau nỗ lực vươn lên,” cô Nga xúc động chia sẻ.

Nguyễn Đình Chiều là ngôi trường đặc biệt, ở đây các học trò khiếm thị được học chung với các bạn sáng mắt. Cô Nga cho biết, chính môi trường học như vậy đã tạo cho các con một thế giới hòa đồng, thân thiện và chia sẻ. Một số học sinh khiếm thị ban đầu còn tự ti, nhưng nhờ sự thân thiện của các bạn trong lớp mà khoảng cách đã dần được xóa bỏ.

“Các em đã quen với sự hòa nhập và sẵn lòng sẻ chia, giúp đỡ các bạn khiếm thị trong học tập, vui chơi, sinh hoạt. Vào đây giao tiếp cùng với các con, mình có thêm nhiều kỹ năng sống, vì thế tình yêu thương luôn ở vị trí hàng đầu và nó đều có ở mỗi thày, cô giáo trong trường,” cô Nga nói.

Quan sát một giờ chơi của các con, chúng tôi thấy nhiều đứa trẻ không chạy ùa ra sân trường mà chúng lưu lại trong lớp, từng nhóm quẩn quanh bên một người bạn khiếm thị. Điều đặc biệt hơn, các con có những cử chỉ giao tiếp giao tiếp rất đẹp, mấy đứa mắt sáng cầm nắm đôi bàn tay bạn mình rất nhẹ nhàng, rồi chúng thì thào nói cười, rúc rích chỉ cho nhau chơi một trò chơi nào đó.

(Ảnh: Doãn Đức)
(Ảnh: Doãn Đức)

Bạn Lê Thanh An (học sinh lớp 8A1) chia sẻ, “cô ơi, An Như vui tính và hiền lắm ạ. Các chương trình văn nghệ của trường, bạn tham gia rất nhiệt tình. Con rất ngưỡng mộ bạn vì có thể học tốt văn hóa lại chơi được nhiều nhạc cụ âm nhạc điêu luyện. Bạn khó khăn hơn chúng con rất nhiều, nhất là các môn cần trí tưởng tượng như hình học hay chia đa thức. Nhưng, An Như chăm học, khi có vấn đề không hiểu là bạn hỏi cô hoặc chúng con luôn. An Như rất vui vẻ và dễ gần nên con thích chơi với bạn.”

Cô bé Nguyễn Quỳnh Chi (học sinh lớp 8A1) đứng kế bên cũng nhoẻn miệng cười và khoe, “bạn Như rất tốt bụng và hòa đồng với các bạn mắt sáng. Bạn quan tâm đến chúng con. Rất hay cô nhé, chỉ cần nắm bàn tay là Như có thể nhận ra mỗi đứa chúng con. Những lúc học bài thể dục mới, con hay giúp bạn các động tác. Đối với các bạn khiếm thị, con có cảm nhận các bạn ý luôn cố gắng vui vẻ và học tập.”

An Như biểu diễn ca khúc “Nhật ký của Mẹ” bằng tiếng Nhật

Tôi chia sẻ với mẹ của An Như về những câu chuyện của bạn bè và cô giáo trong trường, lúc này nụ cười của chị đã ánh lên trong giọt nước mắt. Chị xúc động nói, “Tôi quan sát, các con học trong trường Nguyễn Đình Chiểu có tâm rất sáng, có tính cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ và nhân hậu. Hơn 200 cháu khiếm thị học tại đây, mỗi người một hoàn cảnh, do đó bản thân các con vẫn là chính. Vì vậy, tôi luôn dạy cho An Như về ý thức tự lập và tinh thần lạc quan với cuộc sống.”

Dừng lại dòng suy nghĩ, lắng nghe giai điệu sâu lắng, tiếng ca nỉ non mà trong sáng của cô bé An Như hát tặng mẹ, “Watashi no… naka ni…yadottab inochi… omae ga umareru asa o matteita. Kono mune ni daite tsutawaru nukumori, kegare no, nai utsuk, shii hitomi…/ Bao ngày Mẹ ngóng… bao ngày Mẹ trông… bao ngày Mẹ mong con chào đời… ấp trong đáy lòng có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần. Mẹ chợt tỉnh giấc và Mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần, tiếng con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhòa, cảm ơn vì con đến bên Mẹ…” [Bài hát ‘Nhật ký của Mẹ,’ sáng tác Nguyễn Văn Chung, lời tiếng Nhật Yoshimoto Kayo]

Gặp gỡ chị Tuyết Anh và bé An Như, chúng tôi có thêm một góc nhìn về tình yêu trong cuộc sống, ở đó có chân-thiện-mỹ, có sự khát khao mãnh liệt của một “nụ mầm” nỗ lực vươn lên giữa bốn bề là tầng tầng đá, sỏi trơ cứng. Rồi “khối đá” định mệnh kia cũng phải tách ra, nhường chỗ cho chiếu lá non tơ ngửng đầu hướng cao tới vầng dương chói lóa, đôi bàn tay bé xinh sẽ xòe ra hứng từng giọt sương mai và đó chính là sự sống./.

(Ảnh: Doãn Đức)
(Ảnh: Doãn Đức)

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Dưới thời đại Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một áng hùng văn kiệt xuất. Tiếp đó, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng là áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài chín năm kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ.

Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ 3 tuần sau, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta.

Tuy vậy, Chính phủ ta vẫn tiếp tục chủ trương hòa bình, ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), nhận Việt Nam là nước tự do (chưa phải độc lập), nhượng bộ cho quân Pháp ra đóng ở miền Bắc (sẽ rút dần trong 5 năm).

Ta lại ký Tạm ước 14/9/1946 mong duy trì đàm phán hòa bình. Song ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Thực dân Pháp không chịu ngừng bắn ở miền Nam (từ 0 giờ 30 ngày 30/10/1946) theo quy định trong Tạm ước mà chúng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, đổ thêm quân vào Đà Nẵng, tăng cường khiêu khích ngay ở Thủ đô.

Ngày 18 và 19/12/1946, đại diện Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta. Thực tế cho thấy khả năng hòa hoãn không còn. Địch đã công khai tuyên bố chúng sẽ hành động sáng 20/12/1946 nếu Chính phủ ta khước từ những điều nêu trong tối hậu thư của chúng.

Các chiến sỹ tự vệ ở Hà Nội đào hầm hào, xây công sự chuẩn bị chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sỹ tự vệ ở Hà Nội đào hầm hào, xây công sự chuẩn bị chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)

Tình hình đã đến lúc cực kỳ căng thẳng, bởi vì từ sau Hiệp định sơ bộ 6/3, hơn 6.500 quân Pháp đã vào đóng xen kẽ với ta ở 45 điểm trong thành phố Hà Nội. Để quân Pháp nổ súng đánh trước thì ta sẽ lâm vào bị động và thế trận dễ bị chia cắt.

Từ những ngày cuối tháng 11/1946, để tránh những hành động uy hiếp của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển ra ngoại thành Hà Nội, và từ tối 3/12/1946, Người về ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.

Để có thể kéo dài hơn những giờ phút hòa bình quý giá và thể hiện thiện chí của ta, sáng 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cho Xanhtơny, ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc Đông Dương: yêu cầu cùng ông Hoàng Minh Giám “tìm giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”.

Khi Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám yêu cầu gặp, Xanhtơny đã khước từ, nói là sẽ tiếp vào hôm sau. Nhưng hôm sau là 20/12 – ngày mà quân đội Pháp đã đơn phương quyết định “Tự mình đảm nhiệm việc duy trì an ninh trong thành phố”.

Thấy trước được khả năng tất yếu sẽ phải xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tích cực và chủ động chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến. Đến lúc này, việc di chuyển các cơ sở sản xuất, đặc biệt là máy móc cơ khí, các trạm quân y, các cơ quan không có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu đã cơ bản hoàn thành. Hàng vạn tấn muối cũng đã được đồng chí Nguyễn Lương Bằng tổ chức chuyển lên chiến khu.

Thế trận đã bố trí sẵn sàng, toàn dân, toàn quân tuy trang bị vũ khí chưa đầy đủ, còn rất thiếu thốn do hoàn cảnh của ta khi ấy, nhưng về tinh thần đều đã đồng lòng trên dưới chung một lời thề ”Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!”

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Để động viên hơn nữa khí thế của toàn dân, để biểu lộ ý chí kiên quyết chiến đấu hy sinh cho độc lập tự do của toàn thể dân tộc, trong những ngày ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ chuẩn bị lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi của Người viết rất súc tích, ngắn gọn, chỉ có hơn 200 chữ nhưng đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta, biểu lộ rõ càng thiết tha với hòa bình, càng kiên quyết đập tan mọi âm mưu quỷ kế của bọn phá hoại hòa bình.

Trong Lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày quan điểm “chiến tranh toàn dân” một cách vô cùng giản dị và hào hùng. Có thể nói, nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở hai chữ “toàn dân”.

Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.

Chỉ thị này được coi như một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự về khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân là lực lượng vũ trang ba thứ quân. Tiếp theo Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai mang tính cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân. “Toàn dân” theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn dân tộc.

Người cũng đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thắng lợi vẻ vang.

Hai buổi chiều liên tiếp 18 và 19/12, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã được triệu tập ở làng Vạn Phúc. Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng đã nhận xét việc quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn hồi tháng 11, việc khiêu khích ở Thủ đô chứng tỏ Pháp đã cắt mọi con đường đàm phán và cố tình gây ra chiến tranh xâm lược.

Hội nghị cũng thấy rằng ta đã hết sức nhân nhượng, nhưng hiện nay không còn con đường nào khác là phải đứng lên tiến hành kháng chiến trên quy mô cả nước.

Đáp lại lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sỹ Thủ đô đào giao thông hào (trong Bắc Bộ phủ), xây dựng chiến lũy quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Đáp lại lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sỹ Thủ đô đào giao thông hào (trong Bắc Bộ phủ), xây dựng chiến lũy quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Hội nghị đã nghiên cứu và thông qua văn kiện “Toàn dân kháng chiến” do Tổng Bí thư Trường Chinh dự thảo. Đây là bản chỉ thị nêu rõ đường lối, chính sách và cách tiến hành cũng như lực lượng của cuộc kháng chiến.

Chỉ thị của Đảng cũng đã khẳng định cuộc kháng chiến tuy lâu dài, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang. Đặc biệt, Hội nghị Thường vụ Trung ương đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị góp ý kiến cho lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo. Các đồng chí đã thảo luận và được Người đồng ý cho sửa thêm một số chữ vào lời kêu gọi. Đây là một cách làm việc dân chủ và là nền nếp thường xuyên của Người.

Trưa 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các khu và các tỉnh: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí khí giới của Quân đội, Tự vệ, Công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy, như vậy chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Tất cả hãy sẵn sàng!”

Quyết giành chủ động trong chiến tranh, phá tan ngay từ đầu âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang đã quyết định mở cuộc tiến công lớn trên quy mô toàn quốc. Cuộc tiến công đó sẽ bắt đầu vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các báo về chủ trương trường kỳ kháng chiến của ta, chiều ngày 23/12/1946. (Nguồn: TTLTQG III, Khối tài liệu sưu tầm, hồ sơ 17, tờ 01)
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các báo về chủ trương trường kỳ kháng chiến của ta, chiều ngày 23/12/1946. (Nguồn: TTLTQG III, Khối tài liệu sưu tầm, hồ sơ 17, tờ 01)

Tại Hà Nội, đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, anh em công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ phá máy; 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh ta từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào Thành.

Sáng 20/12, Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Cứu quốc và các báo Hà Nội như Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Cảm Tử, Tiền phong, Chiến thắng đều đăng trang trọng Lời kêu gọi của Bác Hồ.

Lời kêu gọi cứu nước của Bác đã thúc giục triệu người nhất quyết xông tới với lời thề quyết tử: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang Nam Định đã bao vây giam giữ 800 quân Pháp trong nhà máy sợi gần ba tháng; ta đã đánh phá giao thông quyết liệt ở đường số 5; ở thị xã Vinh ngay từ đêm nổ súng quân Pháp đã phải hàng quân ta; ở Huế, sau 50 ngày vây đánh, ta đã diệt gần 200 tên Pháp; ở Đà Nẵng, mặc dù quân Pháp gần 1 vạn tên nhưng ta cũng đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây.

Ở Hà Nội, trong hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khó khăn và chênh lệch về vũ khí, trung đoàn Thủ đô mãi đêm 17/2/1947 mới rút ra khỏi nội thành, sau 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây, tiêu diệt địch, tạo thời gian cần thiết để di chuyển các cơ quan, công xưởng lên vùng chiến khu, vượt trước thời gian so với lời hứa của Bộ trưởng Quốc phòng với Bác Hồ gần một tháng.

Hơn nửa thế kỷ đi qua, ngày 19/12/1946 mãi mãi ghi vào lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bằng cuộc tiến công tối 19/12/1946, mở đầu theo lệnh từ Hà Nội, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thực hiện nguyên tắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam: Không để cho kẻ địch đánh theo cách đánh của chúng, mà buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Nguyên tắc đó đã chỉ đạo quân dân ta suốt 30 năm chiến tranh giải phóng./.

Toàn cảnh lễ Chào cờ tại Cột cờ Hà Nội trong ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Toàn cảnh lễ Chào cờ tại Cột cờ Hà Nội trong ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hữu Thắng, Công Vinh

Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng khép lại giải đấu lớn đầu tiên cùng đội tuyển Việt Nam bằng một đoạn kết buồn đầy bi tráng. Nhưng AFF Cup 2016 chưa từng là mục tiêu cao nhất của Hữu Thắng còn đội tuyển này vẫn đang hướng về ga cuối ở phía xa: SEA Games 2017 tại Malaysia.

Hữu Thắng chưa từng là lựa chọn số một

Trước khi huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng lên cầm quyền, chưa một huấn luyện viên nội nào đưa được U23 Việt Nam và đội tuyển quốc gia vượt qua vòng bảng AFF Cup hoặc SEA Games. Muốn nói về Hữu Thắng, chúng ta không thể quên chi tiết này.

Thống kê đáng sợ ấy khiến mọi huấn luyện viên nội đều e dè, sợ hãi “ghế nóng” ở đội tuyển. Một thất bại ở tuyển Việt Nam có thể nhấn chìm sự nghiệp của bất kỳ ai. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hiểu rõ điều đó. Các huấn luyện viên hiểu rõ điều đó. Sự đáng sợ của chiếc ghế ấy tạo nên một cục diện hiếm thấy vào tháng 2/2016 khi các huấn luyện viên nội liên tiếp từ chối hoặc không mặn mà với vị trí được trọng vọng nhất làng bóng đá nội.

Ngày 3/2, huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức từ chối “ghế nóng” lần thứ 2. Đó không phải lần đầu tiên Huỳnh Đức phũ phàng với đội tuyển Việt Nam. Ông Đức thà ở lại SHB Đà Nẵng còn hơn lên đội tuyển. Gần một tháng sau, VFF công bố quyết định chọn Nguyễn Hữu Thắng. Kết luận: ông Thắng chưa bao giờ là lựa chọn số một của bóng đá Việt Nam.

Trong sự nghiệp cầm quân, thành tích ấn tượng nhất của Hữu Thắng là chức vô địch V-League 2011. Sông Lam Nghệ An dưới thời ông Thắng chưa bao giờ nổi tiếng với lối chơi ban bật, bóng ngắn. Nhưng ngày ra mắt đội tuyển, một trong những câu đầu tiên Hữu Thắng đã nói: “Tôi khẳng định chắc chắn 100% rằng tôi sẽ chọn lối chơi phù hợp với thể trạng con người Việt Nam. Với thể hình, thể lực hiện tại, chúng ta phải thực hiện lối chơi kiểm soát bóng, đá cự ly ngắn, cự ly trung bình. Chúng ta phải học cách chịu đựng áp lực từ đối thủ, phải tập nhuần nhuyễn phản công. Đó là triết lý của tôi.”

Để hiện thực hóa lối chơi ấy, Hữu Thắng gọi hàng loạt cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai và trao “ấn chỉ huy” vào tay bộ đôi Tuấn Anh-Xuân Trường. Vinh quang và cả cay đắng sau này của ông đều bắt đầu từ những quyết định ngày hôm ấy.

Ông Thắng chưa bao giờ là lựa chọn số một ở tuyển Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Ông Thắng chưa bao giờ là lựa chọn số một ở tuyển Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

AFF Suzuki Cup 2016 chưa bao giờ là mục tiêu hàng đầu

Ngày 17/2 – hai tuần trước khi Hữu Thắng chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam. Tổng thư ký Lê Hoài Anh xác nhận trong cuộc trao đổi với Báo Thanh niên: “Chúng tôi không đặt nặng thành tích cho đội tuyển ở AFF Cup 2016 mà muốn giải đấu này là một trong những bước đệm chuẩn bị cho SEA Games 29 năm 2017.”

Chiều 3/3, trong ngày nhậm chức, Hữu Thắng một lần nữa khẳng định: “Mục tiêu của tôi là chung kết AFF Cup và vô địch SEA Games.”

AFF Cup 2016, từ khởi điểm, chưa từng là mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam dưới thời kỳ Hữu Thắng. Thực tế cũng chứng minh điều đó. Tuổi trung bình của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2016 chỉ là 24,95 – rất trẻ. Thế hệ Xuân Trường, Văn Toàn… chỉ xấp xỉ 21-20 trong khi thế hệ 2008 chỉ còn sót lại đúng Công Vinh và Thành Lương.

Đặt mục tiêu chung kết, VFF đã ngầm ám chỉ AFF Cup 2016 chỉ là một giải đấu dọn đường, là sân chơi lớn để giúp lứa Công Phượng, Xuân Trường… trưởng thành, làm bàn đạp cho SEA Games năm sau.

Sau này, khi tuyển Việt Nam xưng hùng ở Aya Bank Cup, thắng như chẻ tre trước thềm AFF Cup, men say thắng trận đã làm nhiều người quên mất kế hoạch ấy.

Thất bại ở bán kết AFF Cup để lại nỗi tiếc nuối lớn. Nhưng nó không thể và không nên là thước đo đánh giá thành tựu của Hữu Thắng. Đêm 7/12 tại Mỹ Đình, ông Thắng mới đi được một nửa chặng đường.

AFF Suzuki Cup 2016 chỉ là mục tiêu phụ trong đích ngắm SEA Games 2019 của tuyển Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
AFF Suzuki Cup 2016 chỉ là mục tiêu phụ trong đích ngắm SEA Games 2019 của tuyển Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Với Hữu Thắng, Gia Lai là tương lai

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Hữu Thắng và cựu huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam Toshiya Miura chỉ nằm ở bốn chữ: Hoàng Anh Gia Lai.

Đêm 20/1 tại vòng chung kết Giải U23 châu Á 2016 ở Qatar, sau rất nhiều chỉ trích, ông Miura lần đầu tiên để Tuấn Anh đá chính. Phút 68, tiền vệ này ghi một bàn thắng tuyệt đẹp giữa vòng vây của ba hậu vệ U23 UAE. Lịch sử sang trang từ khoảnh khắc ấy. Sau giải, ông Miura bị sa thải còn mọi huấn luyện viên kế tiếp của tuyển Việt Nam đều hiểu rằng họ không còn có thể làm ngơ “Những đứa trẻ của bầu Đức”.

Bất chấp sự khác biệt rất lớn về triết lý, ông Thắng đã quyết định chọn nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai và lối chơi của họ làm nòng cốt cho đội tuyển Việt Nam. Nếu Tuấn Anh không chấn thương, anh sẽ cùng với Xuân Trường chiếm hai vị trí bất khả xâm phạm ở tuyến giữa tuyển Việt Nam.

Dưới thời Hữu Thắng, bốn cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đồng loạt chiếm suất đá chính. Hai người còn lại là Văn Toàn và Văn Thanh. Công thức “Hoàng Anh Gia Lai + Sông Lam Nghệ An + phần còn lại” đã định hình tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2016.

Cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai nổi tiếng nhất và cũng là người duy nhất ngồi dự bị là Nguyễn Công Phượng. Chuyện về Phượng sẽ cần một bài viết khác để kể hết.

Cầu thủ hưởng lợi nhiều nhất từ lựa chọn Hoàng Anh Gia Lai của Hữu Thắng là Lương Xuân Trường. Tiền vệ người Tuyên Quang trở về Việt Nam sau mùa giải đầu tiên thành công tại Incheon United – nơi anh trở thành cầu thủ Việt Nam duy nhất có suất đá chính ở một giải vô địch quốc gia hàng đầu châu lục. Tại AFF Cup 2016, Xuân Trường chơi cực hay. Nếu giữ đà thăng tiến ấy, Trường sẽ là thủ lĩnh tuyến giữa của tuyến Việt Nam trong một thập kỷ tới. Đề cử Quả bóng Vàng Việt Nam 2016 là tưởng thưởng xứng đáng cho sự trưởng thành của Xuân Trường.

Lựa chọn Hoàng Anh Gia Lai cũng giúp Hữu Thắng có được sự ủng hộ tuyệt đối từ VFF và người hâm mộ – những người luôn khát khao được thấy lối đá ban bật, chuyền ngắn ở đội tuyển. Từ ngày Hữu Thắng lên tuyển, bầu Đức không còn lên tiếng chỉ trích. Lãnh đạo VFF tạo mọi điều kiện. Đội tuyển có Giám đốc kỹ thuật, có huấn luyện viên thể lực, được tập huấn nước ngoài cả tháng trời.

Lựa chọn Hoàng Anh Gia Lai, vì thế, không chỉ mang tới luồng sinh khí mới cho tuyển Việt Nam trên sân cỏ. Nó còn giúp ổn định hậu trường và mang tới nhiều sự ủng hộ thực tế hơn cho đội tuyển.

Cầu thủ hưởng lợi nhiều nhất từ lựa chọn Hoàng Anh Gia Lai của Hữu Thắng là Lương Xuân Trường. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Cầu thủ hưởng lợi nhiều nhất từ lựa chọn Hoàng Anh Gia Lai của Hữu Thắng là Lương Xuân Trường. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Công Vinh, Hữu Thắng và mối quan hệ cộng sinh

Chiều ngày 23/3, trong cuộc họp báo trước thềm trận Việt Nam-Đài Loan, một phóng viên đã hỏi đội trưởng Công Vinh về những phát ngôn của Anh Đức.

Nguyễn Anh Đức khi đó là đội trưởng của Công Vinh ở Bình Dương. Anh Đức từ chối lên tuyển trong khi Công Vinh vẫn tiếp tục cống hiến. Anh Đức đá chính ở Bình Dương trong khi Công Vinh thường xuyên ngồi ngoài. Anh Đức là biểu tượng bản địa còn Công Vinh là ngôi sao được mua về. Giữa họ là nước với lửa, là đỉnh và đáy, là sự xung khắc không thể dung hòa.

Thời điểm ấy, hai cầu thủ này đang có những cuộc đấu khẩu “đốt cháy” các mặt báo. Khi nhận được câu hỏi, Công Vinh cầm mic, mặt anh đanh lại, nụ cười biến mất. Anh chuẩn bị nói điều gì đó, chuẩn bị đổ thêm dầu vào đám cháy lớn. Đúng lúc ấy, Hữu Thắng ngắt lời anh: “Tôi nghĩ đây là vấn đề cá nhân của từng người thì hãy để họ nói chuyện riêng với nhau. Hai người đàn ông thì cứ nói chuyện thẳng thắn với nhau để giải quyết, có vấn đề gì đâu. Đây là buổi họp báo đội tuyển, Công Vinh không nên có những phát biểu cá nhân ở đây.”

Nhờ Công Vinh, Hữu Thắng có một nguồn cung bàn thắng chất lượng và ổn định, có một người đội trưởng mẫu mực.

Đó là một chi tiết điển hình nói lên rất nhiều điều trong mối quan hệ Hữu Thắng-Công Vinh. Với Công Vinh, Hữu Thắng vừa là người thầy, người anh em, người đồng đội cũ (tại Sông Lam Nghệ An). Ông Thắng bảo vệ Công Vinh. Đáp lại, Công Vinh hết mình vì “anh Thắng.”

Cho tới đêm 7/12 tại Mỹ Đình, Công Vinh đã ghi đúng 10 bàn sau 14 trận trong năm 2016 cho đội tuyển Việt Nam (không kể các trận đấu tập). Đó là hiệu suất ghi bàn cao nhất trong sự nghiệp của cầu thủ 31 tuổi và chỉ xuất hiện dưới thời Hữu Thắng. Lưu ý, trong cùng thời gian ấy, cả bốn tiền đạo còn lại của tuyển Việt Nam là Văn Quyết, Văn Toàn, Công Phượng, Văn Thắng chỉ có tổng cộng 9 bàn.

Nhờ Công Vinh, Hữu Thắng có một nguồn cung bàn thắng chất lượng và ổn định, có một người đội trưởng mẫu mực. Với kinh nghiệm chinh chiến trải đều qua bốn đội V-League khác nhau, Công Vinh cũng là người kết nối cả đội bóng, liên kết nhóm cầu thủ Nghệ An với các vùng miền khác.

Sự ra đi của Công Vinh, vì thế, sẽ là tổn thất không thể bù đắp được của Hữu Thắng trong năm 2017.

Với Công Vinh, Hữu Thắng vừa là người thầy, người anh em, người đồng đội cũ. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Với Công Vinh, Hữu Thắng vừa là người thầy, người anh em, người đồng đội cũ. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Chọn Nghệ An, Hữu Thắng đúng hay sai?

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa cách đây ít ngày, cựu danh thủ Phan Văn Tài Em từng nói: “Mình muốn huấn luyện viên nội phải làm việc như huấn luyện viên nước ngoài, phải công tâm hơn. Huấn luyện viên Việt Nam nhiều lúc hơi cục bộ địa phương, hơi tình cảm. Họ giúp đỡ anh em câu lạc bộ của họ lên tuyển nhiều quá.”

Chia sẻ của Phan Văn Tài Em đến sau một kỳ AFF Cup 2016 rất đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm Tiger Cup – AFF Cup, tuyển Việt Nam không có một cái tên nào tới từ miền Nam. Ngược lại, với 10 người được chọn, Nghệ An trở thành địa phương đóng góp nhiều gương mặt nhất cho đội tuyển.

Những nguồn tin thân cận của VietnamPlus khẳng định mâu thuẫn đã từng nổ ra trong nội bộ tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 giữa một cầu thủ Nghệ An với một cầu thủ địa phương khác. Đúng như Tài Em đã nói, mâu thuẫn, những sự bất đồng là có thật.

Đương nhiên, Hữu Thắng có quyền lựa chọn đội hình mà không ai có thể chỉ trích anh. Nhưng rõ ràng, đã có những sự thiên vị của Hữu Thắng dành cho nhóm cầu thủ Nghệ An. Điển hình là trường hợp của Công Phượng với Minh Tuấn. Tiền đạo 21 tuổi có bốn lần ra sân, không để lại bất kỳ dấu ấn nào nhưng vẫn được trao cơ hội. Trong khi đó, Vũ Minh Tuấn chỉ được vào sân đúng hai trận nhưng đã kịp ghi bàn thắng lịch sử vào lưới Indonesia tại Mỹ Đình.

Bán kết lượt về AFF Cup 2016, 7/12 tại Mỹ Đình: Việt Nam 2-2 Indonesia (Nguồn: VFF)

Lựa chọn Nghệ An, huấn luyện viên Hữu Thắng cũng buộc phải gạch tên hàng loạt tài năng sáng giá như Huy Hùng, Hải Huy, Duy Long… Nếu có Huy Hùng ở đó, tuyến giữa của tuyển Việt Nam sẽ không phải đau đầu khi Hoàng Thịnh dính chấn thương. Ông Thắng sẽ không phải gò Trọng Hoàng vào vị trí trái sở trường còn Xuân Trường có thể yên tâm dâng cao. Nếu có Huy Hùng, đoạn kết của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2016 có thể đã được viết lại…

Phần còn lại của câu chuyện sau đó đã trở thành lịch sử. Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng và tuyển Việt Nam toàn thắng ở vòng bảng. Hai cái tên sáng chói nhất là đội trưởng Công Vinh và tiền vệ trụ Lương Xuân Trường. Đội tuyển áo đỏ dừng bước ở bán kết. Những kẻ mắc sai lầm đều là những người ông Thắng tin tưởng nhất: nhóm cầu thủ Nghệ An. Ngọc Hải “biếu” hai bàn ở lượt đi, Đình Đồng “tặng” một bàn ở lượt về trước khi Nguyên Mạnh nhận tấm thẻ đỏ tai hại.

Chúng tôi xin mượn một câu trong bài viết của FOX Sport thay cho lời kết bài viết này: “Tuyển Việt Nam bị loại nhưng họ không phải cúi đầu.”

Đội bóng này, thế hệ này còn cả tương lai ở phía trước. Và AFF Cup 2016 mới chỉ là điểm bắt đầu./.

Vũ Minh Tuấn không được trọng dụng nhưng vẫn kịp để lại dấu ấn với bàn thắng vào lưới Indonesia ở phút 90+3 trận bán kết lượt về. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Vũ Minh Tuấn không được trọng dụng nhưng vẫn kịp để lại dấu ấn với bàn thắng vào lưới Indonesia ở phút 90+3 trận bán kết lượt về. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

So sánh số trận thắng/thua tại các kỳ AFF Cup 2016 gần đây

Thành Nhà Hồ

Ngày 16/12/2016, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 5 năm Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2011-2016). Sự kiện Thành Nhà Hồ được vinh danh là di sản văn hóa thế giới cách đây 5 năm là niềm vinh dự và sự tự hào to lớn của đất nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng.

Thành Nhà Hồ và lịch sử hình thành

Thành Nhà Hồ – tên thường gọi của tòa thành bằng đá độc đáo còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành còn có các tên gọi khác như: An Tôn, Tây Đô, thành Phủ Thanh Hoá, Tây Kinh, Thạch Thành, Tây Giai.

Thành Nhà Hồ là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn. Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ vẫn là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.

Theo sử liệu, năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.

Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Thành Nhà Hồ được kết cấu gồm 3 phần: La thành, Hào thành và Hoàng thành.

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính. Các phiến đá dài trung bình 1,5m, có tấm dài tới 6m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.

  • thanhnhaho8-1481507470-82.jpg
  • thanhnhaho2-1481507506-8.jpg
  • thanhnhaho5-1481507535-50.jpg
  • thanhnhaho9-1481507584-36.jpg
  • thanhnhaho3-1481507610-57.jpg
  • thanhnhaho10-1481507692-65.jpg

Cũng theo sử sách trong thành còn rất nhiều công trình được xây dựng, như: Điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng… rất nguy nga, chẳng khác gì kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, qua hơn sáu thế kỷ tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành biểu tượng của Thành Nhà Hồ vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây.

Ngày nay, bên cạnh phần di tích lộ thiên, tiến hành khảo cổ tổng thể di tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông khác, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng nghìn di vật và nhiều mảng kiến trúc thể hiện sự giao thoa, tiếp biến kiến trúc các thời Trần, Hồ và Lê sơ như sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua… Đó là những lớp trầm tích văn hóa, thể hiện sự tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các triều đại phong kiến mà vương triều Hồ là một mắt xích không thể thiếu.

Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, Thành Nhà Hồ trở thành một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.

Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, trải qua thời gian hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Thành Nhà Hồ vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng như quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á.

Những chứng tích để xây dựng và bảo vệ Thành nhà Hồ được trưng bày phía trước cổng phía Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Những chứng tích để xây dựng và bảo vệ Thành nhà Hồ được trưng bày phía trước cổng phía Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Thành nhà Hồ

Thành Nhà Hồ được vinh danh là di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự và sự tự hào to lớn của đất nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Tuy nhiên, việc tôn vinh mới chỉ là một mặt của vấn đề, mặt quan trọng còn lại là bảo tồn và phát huy cao nhất giá trị di sản. Chính vì vậy, ngay sau khi được công nhận, năm 2013 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện cam kết chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ bằng việc cụ thể hóa kế hoạch Nghiên cứu khai quật tổng thể Di sản Thành Nhà Hồ, giai đoạn 2013-2020.

Kết quả nghiên cứu Thành nhà Hồ đã từng bước hé lộ thêm nhiều sử liệu bằng hiện vật quý báu. Đáng kể nhất là kiến trúc cơ bản và tương đối toàn diện của đàn Nam Giao đã được khai quật, với diện tích hàng chục nghìn m2. Các nhà khoa học đã đánh giá đây là đàn tế được bảo tồn nguyên vẹn nhất Việt Nam hiện nay với hàng loạt các di tích như đường Thần Đạo, Giếng Vua, hệ thống cống thoát nước…

Năm 2014, sự kiện khai mạc trưng bày “Di sản thế giới tại Việt Nam” (21/4/2014) là kết quả phối hợp giữa Thành Nhà Hồ và UNESCO, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của UNESCO với di sản Thành Nhà Hồ từ năm 2011-2014.

Năm 2015, nhận thức sâu sắc thương hiệu di sản thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm du lịch quốc gia tại Thanh Hóa với chủ đề: “Kết nối các di sản thế giới”. Một lần nữa Thành Nhà Hồ lại trở thành trung tâm trong chuỗi các sự kiện năm du lịch quốc gia. Cũng trong năm này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” (Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12-8-2015). Quyết định này là cơ sở pháp lý cho toàn bộ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ.

Năm 2016, đúng tròn 5 năm ngày được UNESCO vinh danh, Thành Nhà Hồ lại đón nhận thêm tin vui mới, được chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề án: “Khai thác và phát triển du lịch di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ” (Quyết định số 1967/QĐ-UBND, ngày 08-6-2016) nhằm mục tiêu đưa Thành Nhà Hồ trở thành trọng điểm trên bản đồ du lịch quốc gia.

Hy vọng trong thời gian tới, di sản thế giới Thành Nhà Hồ sẽ mãi tỏa sáng như nhân loại đã tôn vinh.

Bên cạnh đó, để quảng bá và khai thác Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm đưa hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật của Thành nhà Hồ tới bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản như: chương trình nghệ thuật “Sắc xuân trên thành cổ”; Lễ hội làng Đông Môn và Liên hoan nghệ thuật vùng di sản Thành Nhà Hồ 2016; tổ chức cuộc thi “Khám phá di sản thế giới tại Việt Nam và các nước ASEAN”; phát động trồng 20.000 cây xanh tại Di sản Thành Nhà Hồ và Di tích Đàn tế Nam Giao;…

Kết quả cho thấy, từ một di tích ít người biết đến mỗi năm chỉ có vài nghìn lượt khách ghé thăm, đến năm 2015, Thành Nhà Hồ đã đón hơn 100.000 du khách trong và ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã thuyết minh và giới thiệu cho 46.000 lượt khách trong và ngoài nước.

Có thể khẳng định, sau 5 năm Thành Nhà Hồ được công nhận di sản thế giới, công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản đã thực hiện được nhiều công việc lớn đúng như khuyến nghị của UNESCO. Di sản đã được cộng đồng quan tâm bảo vệ và bước đầu được hưởng lợi từ giá trị của di sản. Thành Nhà Hồ được hiểu biết sâu sắc hơn về quy mô, kiến trúc, các giá trị phi vật thể của vùng Tây Đô từng bước được phục hồi.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 5 năm chưa đủ để những người làm công tác quản lý bảo tồn giải quyết hết các mong muốn, bởi việc phục dựng, tôn tạo, bảo vệ di tích trước sự hủy hoại của thiên nhiên và con người là nhiệm vụ không hề đơn giản. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, sự quan tâm từ UNESCO, di sản thế giới Thành Nhà Hồ sẽ mãi tỏa sáng như nhân loại đã tôn vinh.

Bình minh trên cổng Tây Thành nhà Hồ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Bình minh trên cổng Tây Thành nhà Hồ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Ngày 1/12, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Phạm Sanh Châu – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên họp cho biết, đây là lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ Việt Nam thông qua hình ảnh Thánh Mẫu. Hồ sơ đề cử di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có chất lượng cao, là 1 trong 18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận(trong khi 19 hồ sơ khác tranh luận quyết liệt).

Màu sắc văn hóa bản địa

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hình thành và phát triển trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền (trời, sông nước, rừng núi), sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.Trong quá trình phát triển, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng này vẫn luôn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, tài lộc, may mắn – những ước muốn vĩnh hằng của con người.

“Chính điều này góp phần quan trọng tạo nên màu sắc văn hóa bản địa, sự khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ so với những tín ngưỡng khác,” giáo sư Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho hay.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Ngô Đức Thịnh cho biết, đạo Mẫu (tên gọi khác của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ theo hướng tiếp cận từ góc độ văn hóa) coi tự nhiên là một người Mẹ, tôn thờ với tư cách là vị thần tối cao, có quyền năng sáng tạo, cai quản, phù trợ cho con người, mang lại cho con người sức khỏe, tài lộc trong đời sống trần gian.

Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước)

Trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác hướng đến sự siêu thoát, cuộc sống sau cái chết hoặc sự phù hộ của linh hồn người đã khuất với người còn sống thì đạo Mẫu hướng con người về cuộc sống thực tại với những nhu cầu thực tế, đời thường: Phúc-Lộc-Thọ.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương trong cả nước như: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

“Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian (trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một ‘bảo tàng sống’ lưu giữ lịch sử, và bản sắc văn hóa của người Việt. Qua đó, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người: cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe,” đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết.

Trình diễn các giá hát văn hầu đồng trong Lễ Tổng kết Liên Tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2014. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Trình diễn các giá hát văn hầu đồng trong Lễ Tổng kết Liên Tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2014. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hệ thống thần linh

Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, hệ thống điện thần đạo Mẫu bao gồm: Ngọc Hoàng, Phật Bà Quan Âm, Tam tòa Thánh Mẫu, Quan lớn (từ 5-10 vị), Chầu bà (từ 4-12 chầu bà), Ông Hoàng (từ 5-10 vị), Vương cô (12 vị), Vương cậu (12 vị), Ngũ hổ và Ông lốt (rắn). Sự khác nhau về số lượng các vị thánh trong từng hàng (quan, chầu, ông hoàng, cô, cậu) do tồn tại những khác biệt trong quan niệm ở các vùng miền khác nhau.

Ngọc Hoàng là vị Thánh được thờ với tư cách Vua Cha trong đạo Mẫu, có bàn thờ riêng trong các đền, phủ. Tuy nhiên, trong các nghi lễ, tâm thức dân gian, vai trò của Ngọc Hoàng lại khá mờ nhạt.

Phật Bà Quan Âm là vị Bồ Tát của đạo Phật. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, theo thư tịch cổ và huyền thoại, Phật Bà đã giải cứu công chúa Liễu Hạnh trong một trận kịch chiến. Từ ân đức đó, công chúa Liễu Hạnh đã quy y và mở đường cho sự hội nhập giữa đạo Mẫu dân gian và Phật giáo. Bởi vậy, trong điện thần đạo Mẫu (cũng như trong nhiều nghi lễ đạo Mẫu), Phật Bà Quan Âm đều hiện diện.

Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước).

Đứng đầu mỗi phủ là một vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp…; Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính của nhiều dân tộc thiểu số và Mẫu Thoải (Mẫu đệ tam) trông coi các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cho biết, trong điện thần Tam phủ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh luôn đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, ngồi chính giữa và mặc trang phục màu đỏ, bên trái là Mẫu Thoải (trang phục màu trắng) và bên phải là Mẫu Thượng Ngàn (trang phục màu xanh).

Về nguồn gốc, bà là tiên nữ giáng trần, sau đó quy y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ,” một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa thần linh và đời thường, giữa nhu cầu tâm linh, khát vọng hướng về các giá trị chân-thiện-mỹ với khát với việc chữa bệnh trừ tà, giúp đỡ con người trong những hoàn cảnh khó khăn…

Các Thánh Mẫu có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc thiểu số như người Tày, Nùng, Dao… Bên cạnh đó, trong khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão…

Điều đó cho thấy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc.

(Trích đoạn vở “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú)

Nhận diện hầu đồng

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua nghi lễ này, con người gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

“Tuy nhiên, hầu đồng từng bị cấm đoán khá nặng nề ở Việt Nam suốt một thời gian dài do không được hiểu đúng bản chất. Dư luận nhìn nghi lễ này qua bức màn huyền bí với thái độ đầy nghi hoặc (do những biến tướng xấu, theo hướng mê tín dị đoan nảy sinh trong quá trình thực hành),” ông Ngô Đức Thịnh cho hay.

Theo ông, hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh (lời ca trau chuốt) với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm; từ đó, đưa con người vào trạng thái ngây ngất.

Những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, hình thức này có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh. Lúc này, các thanh đồng đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Hầu dâng và cung văn là những người trực tiếp giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng. Hai (hoặc bốn) người hầu dâng ngồi hai bên thanh đồng trước bàn thờ Thánh, giúp các thanh đồng việc thắp hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…

Trong hầu đồng, cung văn giữ vai trò quan trọng: xướng nhạc và hát trong khi các thanh đồng trình diễn. Nhạc cụ chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt; bên cạnh đó còn có trống bang, cảnh đồng, phách, thanh la…

Đêm 26/2/2016, đoàn đại biểu (gồm hơn 20 vị Đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng trong nước) tham dự chương trình biểu diễn chầu văn-hầu đồng tại Phủ Tiên Hương (thuộc quần thể Khu di tích Phủ Dầy, Nam Định). Trong ảnh: Chương trình biểu diễn Chầu văn tại phủ Tiên Hương thuộc Quần thể Di tích Phủ Dầy. (Ảnh: Văn Đạt/ TTXVN)
Đêm 26/2/2016, đoàn đại biểu (gồm hơn 20 vị Đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng trong nước) tham dự chương trình biểu diễn chầu văn-hầu đồng tại Phủ Tiên Hương (thuộc quần thể Khu di tích Phủ Dầy, Nam Định). Trong ảnh: Chương trình biểu diễn Chầu văn tại phủ Tiên Hương thuộc Quần thể Di tích Phủ Dầy. (Ảnh: Văn Đạt/ TTXVN)

Hầu đồng lên sân khấu đương đại

Với những giá trị độc đáo về văn học, vũ đạo, âm nhạc và nghệ thuật trình diễn dân gian… hầu đồng đã trở thành nguồn cảm hứng lớn để các nghệ sỹ hiện đại khai thác, đưa lên sân khấu với những cách điệu độc đáo.

Đó là vở “Ba giá đồng” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Trần Minh, 2000), kịch hình thể “Tâm linh Việt” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Lan Hương, 2011) hay mới đây là “Tứ phủ” (đạo diễn Việt Tú) và “Ngũ biến” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Anh Tú).

Ở “Ngũ biến,” người nghệ sỹ đã hóa thân vào năm nhân vật trên cơ sở năm giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. “Ngũ biến”đã gây tiếng vang lớn, giành giải thưởng “Vở diễn xuất sắc” tại Liên hoan-Diễn đàn Sân khấu Trung Quốc-ASEAN lần thứ tư diễn ra từ ngày 17-23/9 tại thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc).

Bên cạnh đó, nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc (người trình diễn chính trong tiết mục “Ngũ biến”) đã được trao giải thưởng Nghệ sỹ biểu diễn xuất sắc.

“Tứ phủ” (đạo diễn Việt Tú) dẫn dắt người xem vào một chuyến du hành vào cõi tâm linh với sự kết hợp những nét đẹp của nghi lễ hầu đồng với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu. Tứ Phủ gồm ba chương: “Chầu Đệ Nhị,” “Ông Hoàng Mười,” và“Cô Bé Thượng Ngàn.”

Việc đưa hầu đồng lên sân khấu giúp khán giả khám phá những vẻ đẹp, giá trị của nghi lễ này. Từ đó, tín ngưỡng thờ Mẫu hòa nhập một cách tự nhiên vào đời sống hiện đại.

  • ngubien1-1481075650-18.jpg
  • ngubien3-1481075661-61.jpg
  • ngubien2-1481075670-20.jpg
  • tuphu1-1481075685-6.jpg
  • tuphu8-1481075729-48.jpg
  • tuphu2-1481075741-45.jpg
  • tuphu5-1481075752-84.jpg
  • tuphu3-1481075763-10.jpg
  • tuphu7-1481075776-9.jpg
  • tuphu4-1481075785-72.jpg
  • tuphu6-1481076029-42.jpg

Vinh danh ở tầm thế giới

Việc UNESCO ghi danh di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Thông báo từ Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

1/ Các thông tin trong hồ sơ đã chỉ ra rằng, di sản này đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra “sợi dây tinh thần” liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, nó đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo.

Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

2/ Các thông tin trong hồ sơ chỉ ra rằng, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau.

Bên cạnh đó, các bộ phận cấu thành di sản này cũng cho thấy những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng.

Khi di sản này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ giúp tăng cường đối thoại, sáng tạo và làm giàu vốn văn hóa; thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội – nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.

Việc UNESCO ghi danh di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

3/ Từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra, bao gồm: xây dựng chính sách hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.

Các hoạt động đó phản ánh cam kết của nhà nước, cộng đồng và các nhóm nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ.

4/ Đề cử này là kết quả của việc tham vấn và hợp tác của những người thực hành (thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, cung văn, con nhang, đệ tử,…), đại diện cộng đồng, nhà nghiên cứu, cùng với nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

Các tài liệu kèm theo hồ sơ cho thấy họ đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng cho việc đề cử di sản. Thông tin của Hồ sơ đã chứng minh rằng các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện luôn tôn trọng phong tục tập quán, quyền tham gia thực hành di sản.

5/ Thông tin hồ sơ cũng đã cung cấp một phụ lục chứng minh di sản đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.

Hoạt động kiểm kê đã được Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức thực hiện với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; kết quả kiểm kê đều được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê đã được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử…

Nghệ sỹ trình diễn vở Tứ phủ (đạo diễn Việt Tú) - vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Nghệ sỹ trình diễn vở Tứ phủ (đạo diễn Việt Tú) – vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chuyện đào nương 7 tuổi

“Hồng hồng Tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”

Với chất giọng dày dặn, cách nhả chữ tròn trịa, luyến láy tài tình cùng tay phách nhịp nhàng, ca nương nhí Thục Trinh thu hút sự chú ý đặc biệt của những ai có mặt tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 (diễn ra từ ngày 11-13/11 tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám).

Khi Thục Trinh cất giọng, những ánh mắt, đôi tai dưới hàng ghế giám khảo và khán giả hướng về cô bé 7 tuổi ấy một cách đầy thích thú. Giọng ca Thục Trinh vang vọng giữa không gian Nhà Thái Học, đối ngược hoàn toàn với vóc dáng nhỏ bé, mảnh mai của em.

Dường như, không thể kiềm lòng trước sức hút từ giọng ca ấy, nhiều khán giả ở những hàng ghế dưới đã đứng dậy để có thể nhìn cô gái nhỏ ấy “phiêu” theo nhịp phách, câu ca.

Ngược dòng… “phù suy”

Nguyễn Thục Trinh hiện đang là học sinh trường Tiểu học Liên Hà (Đông Anh, Hà Nội). Tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội, Thục Trinh đã giành Giải B (cá nhân) và Giải Thí sinh Tài năng Trẻ tuổi nhất.

Tuy mới 7 tuổi nhưng Thục Trinh đã có gần 3 năm theo học ca trù. Em sinh ra tại Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) – địa danh ca trù nức tiếng một thời. Làng Lỗ Khê có lịch sử hơn 600 năm gắn bó với ca trù. Các nghệ nhân cao tuổi vẫn truyền nhau câu chuyện về ông tổ ca trù Đinh Dự cùng vợ đã rời Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), tới Lỗ Khê lập nghiệp. Họ mở giáo phường và truyền dạy nghề hát ả đào cho dân làng.

Tuổi thơ của cô bé là những tháng ngày thường xuyên được nghe bà nội và bố hát ca trù. Cứ như thế, ca trù cổ ngấm vào Thục Trinh một cách tự nhiên theo thời gian.

Thục Trinh lên nhận giải tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội(Ảnh: Doãn Đức)
Thục Trinh lên nhận giải tại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội(Ảnh: Doãn Đức)

“Khi Thục Trinh ngoài bốn tuổi, tôi bắt đầu dạy cháu những câu ca đầu tiên. Thời điểm đó, Thục Trinh chưa hề biết đọc, biết viết. Cháu học một cách khá bản năng, tự ghi nhớ lời ca, nhịp phách,” bà Nguyễn Thị Lâm (60 tuổi) – bà nội của cô bé chia sẻ.

Với vốn cổ cha ông truyền lại, sau những giờ lao động vất vả, bà Lâm lại dạy Thục Trinh gõ phách, tập hát. “Có thể, Trinh chưa hiểu được nhiều về ý nghĩa của những ca từ nhưng bé học khá nhanh. Nhiều đoạn luyến láy, ém hơi, nhả chữ… rất khó, Trinh vẫn kiên trì tập. Tiếng hát thường vang lên vào những buổi tối cuối tuần hoặc những lúc Trinh phụ giúp tôi việc nhà. Hai bà cháu vừa làm vừa học hát,” bà Lâm kể.

Giọng ca, tay phách của Thục Trinh được rèn luyện bài bản hơn khi đào nương Phạm Thị Mận (thành viên Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, đồng thời cũng là cô giáo dạy mầm non của Thục Trinh) phát hiện ra khả năng đặc biệt của cô bé.

Thế nhưng, với Thục Trinh, những kỹ thuật thanh nhạc hay ca từ bác học không thể làm khó cô bé bằng việc học gõ phách. “Việc gõ phách đòi hỏi phải phối hợp nhịp nhàng cả tay trái và tay phải, chỉ cần lỡ một nhịp là gần như bị hỏng cả tiết mục, bởi phách là để giữ nhịp cho lời hát. Nếu như với lời ca, con chỉ cần học khoảng ba, bốn buổi là thuộc thì với nhịp phách, thời gian tập để ghi nhớ phải nhiều hơn gấp ba, bốn lần,” nói rồi, Thục Trinh nhoẻn miệng cười, đôi bàn tay nhỏ nhắn chuyển động linh hoạt theo những nhịp phách Âm-Dương trầm-bổng.

Thục Trinh tự tập ở nhà (Ảnh: Doãn Đức)
Thục Trinh tự tập ở nhà (Ảnh: Doãn Đức)

“Thục Trinh vẫn say sưa học ca trù – một loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính bác học, rất kén người nghe; trong khi, em hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một bộ môn nghệ thuật khác dễ tìm kiếm khán giả và xây dựng hình ảnh hơn. Đó thực sự là một điều đáng quý và một tín hiệu đáng mừng cho tương lai của bộ môn nghệ thuật này,” nhạc sỹ Đặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chia sẻ.

Năm 2009, ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.”Điều đó đã khẳng định những giá trị độc đáo của ca trù nhưng cũng báo động về sự mai một của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Cách lấy hơi và nhả chữ trong ca trù tinh tế và đòi hỏi phức tạp hơn rất nhiều so với những lối hát cổ truyền khác. Nếu như khi hát chèo, nghệ sỹ chủ yếu lấy hơi từ khoang miệng, khi hát quan họ, người hát lấy hơi từ khoang miệng và cổ họng thì với ca trù, ca nương không chỉ lấy hơi ở khoang miệng, cổ họng mà còn phải lấy hơi từ khoang mũi và vận hơi từ đan điền lên.

Khó khăn đến khắc nghiệt là vậy nhưng chưa khi nào Thục Trinh nghĩ sẽ chọn cho mình một bộ môn khác ca trù. “Khi tới trường, nhiều bạn cười chê, giễu cợt khi thấy con mặc áo dài, vấn tóc, học ca trù. Ban đầu, con cũng rất buồn, khóc vì tủi thân nhưng khi học hát, hòa theo nhịp phách, lời ca, con lại quên đi tất cả. Dù ca trù khó nhưng con thực sự thấy hay, hấp dẫn,” Thục Trinh trải lòng.

Theo dõi chặng đường gắn bó với ca trù của Thục Trinh từ khi đào nương nhí này tham gia Liên hoan Ca trù Toàn quốc (2014) đến nay, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan chia sẻ: “Thục Trinh có chất giọng Trời cho để hát ca trù. Đó có thể là ưu ái đặc biệt của tổ nghề dành cho cô bé: một chất giọng dày dặn, phong lưu, tao nhã. Giọng hát ấy, cách hát ấy đích thực là của ca trù. Bên cạnh đó, Thục Trinh còn có tay phách rất mềm mại. Đây sẽ là một tài năng thực sự nếu chúng ta biết nuôi dưỡng mầm tài năng ấy.”

“Tại Liên hoan Ca trù Toàn quốc 2014, có lẽ, do Thục Trinh còn quá nhỏ tuổi nên chưa thể hiện được hết khả năng. Chúng ta mới thấy được ở cô bé một vài chi tiết năng khiếu như nhân tố tiềm năng. Thế nhưng, sau 2 năm, Thục Trinh đã hoàn toàn khác, trưởng thành vượt bậc về giọng hát và tay phách. Nếu tiếp tục duy trì được điều này, trong phạm vi 2 năm nữa, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một ca nương Thục Trinh có sức hát vượt trội,” nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan khẳng định.

Kết thúc liên hoan, Thục Trinh cũng như những đào nương nhí khác trở về với trường học, bài vở. (Ảnh: Doãn Đức)
Kết thúc liên hoan, Thục Trinh cũng như những đào nương nhí khác trở về với trường học, bài vở. (Ảnh: Doãn Đức)

Chông chênh nhịp phách, câu ca

Hy vọng vào tương lai như vậy nhưng thực tế “không đùa với khách thơ.”

Khép lại Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội, Thục Trinh ra về, gương mặt không giấu được vẻ mệt mỏi. Ba ngày diễn ra liên hoan, việc phải dồn sức trình diễn nhiều tiết mục cùng với việc phải di chuyển liên tục từ xã Liên Hà (Đông Anh) về Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã khiến cô gái nhỏ 7 tuổi với vóc dáng mảnh mai cảm thấy mệt nhoài; và em đã… khóc!

Hình ảnh hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt hao gầy của cô bé khiến những ai có mặt tại sân Thái Học hôm ấy (Lễ tổng kết và trao giải liên hoan diễn ra chiều 13/11) không khỏi chạnh lòng.

Kết thúc liên hoan, Thục Trinh cũng như những đào nương nhí khác trở về với trường học, bài vở. Đến với liên hoan, cô bé cũng đã nghỉ hai buổi học chính khóa.

“Trước thềm Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 khoảng một tháng, Thục Trinh mới đến nhà đào nương Phạm Thị Mận ba buổi tối/tuần để học bài bản các tiết mục dự thi. Sau liên hoan, lịch học này sẽ rất khó có thể duy trì đều đặn vì việc học chính khóa đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của cháu. Thục Trinh sẽ tiếp tục học ca trù ở nhà với bà nội theo lối truyền khẩu. Ngoài ra, Thục Trinh sẽ tham dự các buổi sinh hoạt, hoạt động của Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê,” anh Nguyễn Tuấn Tâm, bố của ca nương nhí Thục Trinh cho biết.

Bước qua những trở ngại, khó khăn về thời gian, kinh phí, các đào nương, kép đàn đến với liên hoan bằng sự say mê nhịp phách, câu ca, tiếng đàn… “Chúng tôi cảm thấy rất xúc động vì điều đó. Vì nhiều lý do khách quan, ban tổ chức chỉ hỗ trợ các câu lạc bộ tham gia liên hoan một khoản tiền nhỏ cho việc di chuyển,” ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết.

Thục Trinh cũng như nhiều đào nương khác xúng xính trên sân khấu trong những bộ áo dài, chiếc vòng tay đẹp đẽ do gia đình hoặc bản thân… tự sắm. “Đó có thể coi như một sự đầu tư cho nghệ thuật chăng! Chúng tôi đã trót yêu ca trù thì luôn muốn được thỏa đam mê biểu diễn. Sau những bươn bả ngược xuôi của cuộc sống, nhịp phách, tiếng đàn giúp tôi tìm lại sự tĩnh tại, cân bằng. Thế nên, đầu tư váy áo, nhạc cụ cũng là vì muốn giữ cho mình một thứ ‘của để dành’,” một ca nương đến từ Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên) chia sẻ.

Ban tổ chức đặt ra kỳ vọng, liên hoan là dịp để phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ, thúc đẩy việc truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở; từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù, đưa loại hình nghệ thuật này ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, nguy cơ mai một.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) đều vui mừng nói về sự trở lại của ca trù trong đời sống đương đại, đặc biệt là trong giới trẻ. Chỉ tính riêng trong kỳ liên hoan dành cho các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Thủ đô này, có 35 đào nương, kép đàn (trong độ tuổi từ 6-30 tuổi) đăng ký tham dự.

Lịch học hát ca trù sẽ rất khó có thể duy trì đều đặn vì việc học chính khóa đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của Thục Trinh (Ảnh: Doãn Đức)
Lịch học hát ca trù sẽ rất khó có thể duy trì đều đặn vì việc học chính khóa đã chiếm phần lớn quỹ thời gian của Thục Trinh (Ảnh: Doãn Đức)

Nhưng thực tế là, những kỳ liên hoan diễn ra giống như các hoạt động bề nổi. Sau những ngày rộn rã hát ca, các vấn đề đặt ra từ liên hoan “đâu lại vào đó” hoặc tiến triển với tốc độ rất chậm.

Ông Trương Minh Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta đã đặt ra vấn đề cần phải có chế độ chính sách cụ thể với các nghệ nhân – ‘những báu vật nhân văn sống’ trong việc truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay, điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Việc bảo tồn ca trù không thể tiếp tục chỉ nói suông mãi về tấm lòng nghệ nhân.”

Thêm vào đó, số câu lạc bộ ca trù tại Hà Nội đã tăng từ 9 lên 14 câu lạc bộ trong thời gian từ năm 2009-2016. Tuy nhiên, lịch sinh hoạt của các câu lạc bộ lại khá nhỏ giọt, mỗi năm đôi ba lần (thường là vào những dịp giỗ tổ nghề hay hội làng…). Đơn cử như Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê có lịch sinh hoạt định kỳ theo quý (vào ngày Thứ Bảy cuối cùng trong quý) tại Nhà thờ Ca công Lỗ Khê.

“Với nghệ thuật, nếu không được rèn luyện thường xuyên thì sẽ rất khó để đạt được sự tiến bộ. Để ca trù ‘sống’ dậy mạnh mẽ và phát triển bền vững thì cần có sự đầu tư cho việc đào tạo, thực hành ở các cơ sở, câu lạc bộ, có lịch diễn định kỳ ở những địa điểm cố định,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh./.

(Ảnh: Doãn Đức)
(Ảnh: Doãn Đức)

Modern Talking

Năm 2016 có thể được coi là năm của dòng âm nhạc hoài niệm khi hàng loạt nhóm nhạc, ca sĩ yêu thích của người Việt những năm 1980 lần lượt đến Việt Nam biểu diễn, từ Boney M, Chris Norman, Scorpions và nhất là Thomas Anders của Modern Talking.

Không quá lời khi nói rằng chính âm nhạc của Modern Talking đã “khai hóa” cho người Việt biết thế nào là nhạc “Disco,” mà thế hệ yêu nhạc ở miền Bắc thời bao cấp còn gọi là “nhạc xập xình” hay “nhạc đám cưới.” Đám cưới thời đó có thể thiếu bánh kẹo hạt dưa chứ không thể thiếu nhạc Modern Talking!

Ban nhạc Đức bán nhiều đĩa nhất trong lịch sử

Tới Việt Nam để tham gia hai đêm diễn “Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” vào ngày 26 và 27/11 tới đây sẽ chỉ có giọng ca chính Thomas Anders. Ở tuổi 53, Anders giờ đã mang vẻ từng trải, phong trần của một người đàn ông đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp lẫn cuộc đời, chứ không còn là một lãng tử tóc dài hào hoa từng làm hàng triệu người say mê ba thập niên trước. Dẫu vậy, giọng ca này vẫn giữ nguyên được nụ cười thường trực trên môi và niềm say mê đứng trên sân khấu thuở nào.

Thomas Anders thực chất chỉ là nghệ danh, còn tên thật của người đàn ông này là Bern Weidung. Weidung sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả với cha làm trong lĩnh vực tài chính. Khi còn bé, anh thường xuyên phụ giúp mẹ trong cửa hàng của gia đình. Năm Weidung lên 7 tuổi, một vị khách đã hỏi cậu bé này rằng khi lớn lên cậu thích làm nghề gì. Weidung đã trả lời không ngần ngại: “Cháu muốn trở thành một ca sĩ nổi tiếng!”

Năm lên 7 tuổi cũng là lần đầu Weidung đứng trên sân khấu ca nhạc và bộc lộ những tố chất ca hát. Dù gia đình ra sức khuyên ngăn anh không nên theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng Weidung vẫn kiên quyết theo đuổi đam mê khi bắt đầu đi hát vào năm 17 tuổi. Anh tự hứa với bản thân rằng sẽ tự đứng trên đôi chân mình và thành danh trước năm 25 tuổi.

Ca khúc bất hủ “You’re My Heart, You’re My Soul”

Sau một thời gian hát ở các sàn nhảy khắp nước Đức, số phận đã đưa đẩy cho Weidung gặp gỡ Dieter Bohlen. Khi đó Bohlen đang là giọng hát chính của nhóm Sunday và muốn đổi gió bằng cách thành lập một ban nhạc mới trong đó anh sẽ đóng vai trò của người viết nhạc kiêm cả ông bầu. Tên ban nhạc đã có (Modernes Gesprach) nhưng thành viên còn lại thì vẫn chưa thấy đâu.

Cho tới một ngày nọ, Weidung tìm tới phòng thu gặp Bohlen và thể hiện giọng hát. Ngay sau khi nghe giọng hát của Weidung, Bohlen đã nhận ra đây chính là cộng sự mà mình hằng tìm kiếm bấy lâu. Weidung được nhận vào nhóm nhạc và đổi tên thành Thomas Anders. Ban nhạc Modernes Gesprach cũng chính thức được đổi tên thành Modern Talking nhằm phù hợp hơn với mộng vươn xa tầm quốc tế của hai thành viên.

Đĩa đơn đầu tiên “You’re My Heart, You’re My Soul” nằm trong album ra mắt của nhóm là “The 1st Album” thành công muộn nhưng rực rỡ. Đĩa đơn này được trình làng vào cuối tháng 10/1984 nhưng mãi cho tới đầu năm 1985 mới thực sự tạo ra một cơn sốt. Vào ngày 28/1/1985, “You’re My Heart, You’re My Soul” lọt vào danh sách 10 đĩa nhạc bán chạy nhất nước Đức. Năm tuần sau đó, đĩa đơn này vươn lên ngôi vị đầu bảng và bám trụ tại đó tận sáu tuần liền. Cho tới nay, đĩa đơn này vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của Modern Talking với số lượng đĩa bán ra trên toàn cầu ước đạt khoảng 8 triệu bản!

Một bản remix các nhạc phẩm nổi tiếng của Modern Talking

Thành công của “You’re My Heart, You’re My Soul” đã mở đường cho Modern Talking tấn công hàng loạt bảng xếp hạng âm nhạc và những vũ trường của thập niên 1980. Giai đoạn từ 1985 tới 1987, Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco với đĩa nhạc được bán như tôm tươi không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều quốc gia khác như Thụy Sĩ, Áo, Na Uy hay Thụy Điển… Trong hơn hai năm ngắn ngủi ấy, đã có 65 triệu đĩa nhạc của Modern Talking được tiêu thụ!

Theo một thống kê vào năm 2010 thì lượng đĩa bán ra của Modern Talking trên toàn cầu đã lên tới con số 120 triệu đĩa và giúp bộ đôi Bohlen-Anders trở thành nhóm nhạc thành công nhất lịch sử nước Đức xét về lượng đĩa được tiêu thụ!

Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco
Modern Talking là đại diện tiêu biểu nhất của thể loại Euro Disco

Làn gió mới từ phương Tây

Những ca khúc với giai điệu rộn ràng khiến người nghe khó có thể đứng yên mà không nhún nhảy như “Cheri, Cheri Lady”, “Brother Louie” hay “You Can Win If You Want” được bật ở khắp mọi nơi. Modern Talking là một trường hợp đặc biệt khi vô danh tại Mỹ vì chưa từng lọt vào bảng xếp hạng các ca khúc ăn khách dù singler “Brother Louie” từng có vị trí cao tại Anh, Canada.

Chẳng sao cả, bộ đôi huyền thoại người Đức nhưng lại có hàng triệu fan ở những thị trường khác như Châu Âu, Châu Á, Nam Phi và cả ở Iran. Tại quốc gia Hồi giáo ấy, âm nhạc phương Tây đã bị cấm kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979. Song bằng cách nào đó, thứ âm nhạc disco của Modern Talking vẫn len lỏi được vào thị trường bị đóng cửa này.

Nhưng nếu nói đến thị trường âm nhạc ưa chuộng Modern Talking hơn cả thì phải nói tới Liên Xô, thậm chí là vào thời điểm bức tường Berlin vẫn tạo ra ngăn cách giữa Đông và Tây. Làn sóng “disco new wave” tràn tới Liên Xô đúng vào thời điểm các sàn nhảy bùng nổ tại quốc gia này. Modern Talking được ưa chuộng nhất không chỉ vì âm nhạc của họ bắt tai, chủ yếu đề cập đến tình yêu mà còn bởi Dieter Bohlen cũng mang trong mình dòng máu Nga (bà ngoại của anh là người Nga, vẫn sống ở Kaliningrad)!

Có một giai đoạn hầu như mọi đám cưới đều bật nhạc Modern Talking, tới mức nhiều người còn ngỡ Modern Talking là… tên một thể loại nhạc.

Disco New Wave ở Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay có sức sống lâu bền đến nỗi cho đến tận bây giờ, những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc này như Modern Talking (và cả Boney M nữa) vẫn được mời tới Moskva biểu diễn ở sân vận động! Đám đông khán giả hầu hết đã ngoại ngũ tuần vẫn cuồng nhiệt nhảy múa “để nhớ một thời ta đã yêu”.

Từ Liên Xô, những đĩa nhạc than hay băng cassette của Modern Talking tiếp tục lan toả đến Việt Nam, theo chân những du học sinh hoặc dân lao động xuất khẩu về nước. Có một giai đoạn hầu như mọi đám cưới đều bật nhạc Modern Talking, tới mức nhiều người còn ngỡ Modern Talking là… tên một thể loại nhạc.

Vào cuối thập niên 1980s và đầu 1990s, đi khắp đường làng ngõ xóm đều có thể bắt gặp hình ảnh của Thomas Anders với mái tóc dài lãng tử với giọng mềm mại như rót mật bên tai cùng người đàn anh Dieter Bohlen trong bộ đồ da và chiếc guitar quen thuộc. Chương trình ca nhạc quốc tế (nhạc Nga có chương trình riêng) được phát tối thứ Năm hàng tuần của Đài Truyền hình Việt Nam hầu như bao giờ cũng có “Modern Talking” xen kẽ với ABBA, Boney M hay Joy.

Thời điểm đó không phải ai cũng biết rõ và hiểu lời những ca khúc của Modern Talking. Thậm chí suốt một thời gian dài, nhiều người Việt gọi họ là “Mô-đen Tắc-kinh.” Song âm nhạc là thứ ngôn ngữ toàn cầu. Từ trẻ em, thanh niên cho tới cả người già đều không thể ngồi yên khi nghe những đoạn nhạc dạo xập xình quen thuộc của “Geromino Cadillac,” “Atlantis is Calling (S.O.S for Love),” “You Can Win If You Want,” “Cheri Cheri Lady,””Brother Louie” và đặc biệt là “You’re My Heart, You’re My Soul” được bật lên.

Đông đảo khán giả Việt Nam đang trông ngóng một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời...
Đông đảo khán giả Việt Nam đang trông ngóng một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời…

Chưa phải là kết thúc

Ở đỉnh cao của danh vọng vào năm 1987, hai thành viên của Modern Talking đã bất ngờ đường ai nấy đi và để lại nuối tiếc cho hàng triệu người hâm mộ. Nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Modern Talking, dù cho vẫn đang làm mưa làm gió tại các bảng xếp hạng lẫn những vũ trường, được cho là sự xuất hiện của Nora-Isabelle Balling.

Người đẹp này là vợ của Thomas Anders và được Anders ưu ái tới mức anh luôn đeo chiếc dây chuyền gắn tên Nora khi lên sân khấu. Bohlen cho rằng Nora khiến Anders chểnh mảng chuyên môn và thọc sâu vào nội bộ của nhóm nhạc, và nhất là xâm phạm tới những đặc quyền của “ông bầu” Bohlen. Kết quả là Bohlen dứt áo ra đi và dùng tài năng sản xuất của mình để thành lập nhóm nhạc mới Blue System.

Trong khi đó, Anders chuyển sang ca hát solo và lưu diễn với cái tên Modern Talking tại nhiều quốc gia. Sau một thời gian, Anders chuyển tới Los Angeles với mục đích chuyển hướng sự nghiệp sang… đóng phim truyền hình.

Gần một thập niên kể từ sau khi tan rã, hai thành viên có số phận rất khác nhau: Bohlen vẫn gặt hái những thành công với nhóm Blue System và vai trò ông bầu của nhiều ca sĩ khác, còn Anders vẫn níu kéo hào quang của Modern Talking và lạc lối khi thiếu đi sức sáng tạo của Bohlen. Điểm chung của họ là cả hai đều không thể nào đạt tới đỉnh cao như khi cùng đi hát dưới cái tên Modern Talking.

Thomas Anders của Modern Talking đã tự quay một đoạn video thay lời chào gửi đến khán giả Việt Nam. (Nguồn: BTC)

Vào năm 1994, Anders quyết định chào tạm biệt Los Angeles và trở về sống tại Koblenz (Đức). Ngày trở về, anh đã nhận được một cú điện thoại từ Bohlen với chủ đích dàn hòa, quên đi những cãi vã nổ ra trên mặt báo khi Modern Talking tan rã và ngỏ lời tái hợp.

Bốn năm sau đó, Anders và Bohlen lại một lần nữa đứng trên sân khấu dưới cái tên Modern Talking như năm nào. Dù nhóm có thêm thành viên Eric Singleton hát rap cho… hợp xu hướng mới, nhưng người hâm mộ vẫn chỉ để ý tới bộ đôi huyền thoại nói trên.

Màn tái xuất đầu tiên diễn ra vào tháng 3/1998 trên chương trình “Wetten, dass…?” của Đức và được tiếp nối bởi album “Back for Good”. Album này bao gồm những ca khúc mới kèm theo những bản nhạc cũ được phối lại theo phong cách mới mẻ hơn.

Cộng đồng fan của Modern Talking nhanh chóng hưởng ứng thần tượng và giúp “Back for Good” trụ ở ngôi đầu bảng xếp hạng những album bán chạy nhất trong năm tuần liên tiếp. Album này còn đứng đầu ở 15 quốc gia khác và được tiêu thụ ba triệu bản chỉ tính riêng tại Châu Âu.

Modern Talking cho ra đời thêm năm album khác trước khi một lần nữa tuyên bố tan rã vào năm 2003 ngay trên sân khấu. Lần này, Bohlen chuyển sang làm nhà sản xuất và kiếm tìm tài năng âm nhạc trong khi Anders một lần nữa theo đuổi nghiệp hát solo. Vào năm 2006, ca khúc “Bizarre Bizarre” của Bohlen có một thông điệp ngầm “Sẽ không bao giờ có điểm kết thúc với Modern Talking.”

Đêm nhạc “Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” sẽ diễn ra vào hồi 20 giờ ngày 26 và 27/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi các chương trình “VP Bank Concert” gây được nhiều tiếng vang trong những năm qua, khi lần lượt đưa các huyền thoại âm nhạc như Richard Clayderman, Kenny G tới Việt Nam biểu diễn. Sáng 25/11, Thomas Anders đã đặt chân đến sân bay Nội Bài để chuẩn bị cho đêm diễn. Theo dự kiến, Anders sẽ dành 30 phút trước đêm diễn để gặp mặt người hâm mộ Việt Nam, những người đã đắm mình với âm nhạc của Modern Talking trong suốt tuổi thanh xuân. 

Khi được người hâm mộ khám phá ra và đặt câu hỏi về khả năng của một lần tái hợp nữa, Bohlen đã giải thích: “Khi viết ra thông điệp đó, tôi muốn nói rằng âm nhạc của Modern Talking sẽ sống mãi”.

Bohlen đã không sai, ít nhất cho tới thời điểm này. Theo dự kiến thì chương trình ”Modern Talking ft. Thomas Anders Live In Concert” mà người bạn Thomas Anders mang tới Việt Nam sẽ chỉ có duy nhất một đêm diễn, song ban tổ chức đã phải tăng thêm một đêm diễn nữa để phục vụ nhu cầu của đông đảo khán giả Việt Nam muốn được một lần chứng kiến thần tượng bằng xương bằng thịt và hòa mình vào những giai điệu disco vang bóng một thời./.

Cùng nghe một số ca khúc bất hủ của Modern Talking

Tình thầy trò

Tháng 11, tháng của những heo may, nắng vàng cuối thu rơi rớt, tháng của những se lạnh đầu đông bất chợt, kéo lòng người gần lại.

Tháng 11, tháng của cúc họa mi dịu dàng tinh khôi mong manh thoảng hương thơm ngát, tháng của những rộn ràng màu áo học trò ôm hoa tươi bay bay trong gió, tháng của ánh mắt, nụ cười thầy cô hạnh phúc rạng lên trong nắng.

Tháng 11, tháng của yêu thương, tháng của tình người, của nghĩa thầy trò. Tháng của ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam.

Để rồi, mỗi năm, cứ đến ngày 20/11, lòng mỗi người lại thấy xao xuyến nghĩ về những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, về những 20/11 đã chìm trong quá khứ, về bạn bè, trường lớp, về một thời “nhất quỷ nhì ma,” và đặc biệt là về những người thầy.

20/11 trong tôi là những ngày tiết trời hơi se se cái lạnh đầu Đông, cả lớp mỗi đứa góp vài đồng ít ỏi, vào một nhà trồng hoa ven đường, mua bó thược dược đỏ, vàng rực rỡ, thêm quyển sổ và cây bút đỏ. Cả lũ đạp xe rồng rắn trên đường, đến nhà từng thầy cô để chúc mừng Ngày nhà giáo, vừa đi vừa nô đùa chọc ghẹo. Tiếng cười vang không dứt.

Bên cánh cổng đã rộng mở đón lũ học trò, cô giáo cười tươi mủm mỉm. Trong nhà, hoa quả, bánh kẹo đã sẵn sàng. Khi ấy, không còn những lo toan bài vở, không còn ánh mắt cô nghiêm khắc hàng ngày, chỉ có lời chúc, tiếng cười rộn rã. Quà trò tặng cô thì ít, mà cô mua quà tiếp trò thì nhiều. Nhiều khi, hàng chục cái miệng chỉ mong đến nhà cô để được ăn bánh kẹo. Cô ngồi nhìn đám trẻ “nhất quỷ nhì ma” ăn uống, trêu nhau chí chóe, lòng ngập tràn yêu thương và bao dung dịu dàng. Khoảng cách thầy trò như ngắn lại, gần gũi và thân thương như tình yêu mẹ cha-con cái.

Những vết phấn in hằn trên bảng của người thầy đã đưa biết bao thế hệ học trò trưởng thành. Trong ảnh: Lớp học viết chữ đẹp của thầy Dương Tuấn, số 10 Hàng Mành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nay đã được 16 năm. Cả gia đình thầy đã 3 đời dạy viết chữ đẹp cho các em học sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những vết phấn in hằn trên bảng của người thầy đã đưa biết bao thế hệ học trò trưởng thành. Trong ảnh: Lớp học viết chữ đẹp của thầy Dương Tuấn, số 10 Hàng Mành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nay đã được 16 năm. Cả gia đình thầy đã 3 đời dạy viết chữ đẹp cho các em học sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những hy sinh lặng thầm

Ngày nay, đâu đó, có những thông tin tiêu cực về người thầy. Đâu đó, ngày 20/11 đã bị thương mại hóa như một dịp lễ lạt lấy lòng thầy cô, phụ huynh phải toan tính phong bì.

Nhưng chỉ là thiểu số, vẫn có rất nhiều, rất nhiều những người thầy đang ngày đêm miệt mài với học trò mà không hề tính toan, vụ lợi.

Đó là hình ảnh của cô giáo Y Thách (người dân tộc Bana, giáo viên trường Mầm non Thủy Tiên, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), mỗi ngày cố gắng dậy thật sớm, lụi cụi mang lúc trái bí, khi quả bầu, củ mì… ra chợ bán, đổi lấy trứng, thịt nấu cho học trò những bữa cơm trưa.

Đó là hình ảnh của thầy Nguyễn Hồng Hiệp (giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) với 15 năm cắm bản ở các điểm trường vùng khó. Học trò hầu hết là người dân tộc thiểu số, thầy phải tự học thêm bốn thứ tiếng là Thanh, Thái, H’mông, Khơ mú mới có thể giao tiếp với các em và vận động phụ huynh cho con đến lớp.

Để đến Trường Tiểu học Tri Lễ, nơi công tác hiện tại, từ nhà ở thị trấn Quế Phong, thầy Hiệp phải vượt qua gần 50km. Trước đây, cung đường này chỉ có thể đi xe máy 30km, còn lại 20km, thầy phải cuốc bộ một ngày đường.

Những ánh mắt học trò miền núi thơ ngây đã là sợi dây níu giữ những người thầy, người cô gắn bó hơn với những điểm trường, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)
Những ánh mắt học trò miền núi thơ ngây đã là sợi dây níu giữ những người thầy, người cô gắn bó hơn với những điểm trường, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)

“Bây giờ đã có đường do dân tự đào nên đi lại thuận lợi hơn một chút. Ngày nắng, đi xe máy mất hai tiếng. Nhưng ngày mưa đường sình lên đặc quánh bùn đất, mọi người phải hẹn nhau cùng đi để đẩy xe, khó có thể tính được mất bao lâu và ngã là chuyện thường. Nếu mưa nhiều ngày liền thì không có cách nào khác là đi bộ,” thầy Hiệp chia sẻ.

Thầy Hiệp gọi trường mình là trường nhiều không: Không đường ôtô, không nước, không điện, không sóng điện thoại, không internet, không có phòng học kiên cố, không thiết bị phục vụ học tập… Và không có một giáo viên nữ nào vì các cô không đủ sức để vượt qua những cung đường khắc nghiệt ấy.

Thương đám học trò nghèo thiếu từ cái ăn, cái mặc, thầy lại cặm cụi tìm mọi cách kết nối những tấm lòng từ thiện, gom góp từng manh áo mỏng, từng đôi dép nhựa, từng món đồ chơi, và băng rừng mang đến cho các em.

“Tôi vẫn ám ảnh mãi trước ánh mắt phấn khích của các em khi nhìn thấy một cái chân thú bông nhú ra ngoài bao tải quà từ thiện mà thầy vừa mang lên trường, chưa kịp mở ra. Thú bông là đồ chơi quá bình thường với học sinh miền xuôi nhưng là thứ rất xa xỉ ở đây nên không thể diễn tả được các em hạnh phúc đến thế nào. Nhìn trò mà ứa nước mắt vì thương cảm, xót xa,” thầy Hiệp xúc động kể.

15 năm gắn bó với những điểm trường heo hút, lại là giáo viên giỏi, chỉ cần viết đơn, thầy Hiệp sẽ được chuyển về nơi công tác thuận lợi hơn, nhưng thầy bảo, đã quen gắn với học sinh nơi đây, nên chuyện về… chưa tính.

Lớp học tạm với nền đất và phên gỗ của thầy và trò mầm non điểm trường Thẩm Xét, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)
Lớp học tạm với nền đất và phên gỗ của thầy và trò mầm non điểm trường Thẩm Xét, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)

Cũng hy sinh cả tuổi xuân cho những học sinh nghèo vùng khó, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên trường Tiểu học Lại Sơn (Kiên Giang) đã có 29 năm gắn bó với xã đảo này.

Tốt nghiệp trường sư phạm, cô xung phong ra đảo khi mới 20 tuổi. Cả ngày dạy học sinh trên lớp, buổi tối cô tranh thủ đến nhà các em để kèm cặp thêm và dạy chữ xóa “mù” cho cả phụ huynh. Trên đảo không có điện, chỉ có ánh đèn dầu. Cô cứ đốt đèn hay mượn ánh trăng soi sáng mà đi, vượt qua những cung đường khó khăn, ngoằn nghoèo, đến với từng mái nhà lẩn khuất.

Mùa hè, trong khi nhiều giáo viên tranh thủ để về quê với gia đình thì cô tình nguyện ở lại. Trẻ em Lại Sơn đã có những ngày hè hạnh phúc khi ban ngày được cô Thủy kèm cặp những phần kiến thức còn hổng, buổi tối, cô tổ chức các chương trình sinh hoạt hè cho các em vui chơi.

Ra đảo khi 20 tuổi, giữa thì xuân sắc nhất của người con gái, thấm thoắt đến 20 năm sau, 40 tuổi, cô vẫn một mình đi về với đám học trò.

Cứ như thế, suốt từ sáng đến đêm, ngày nối ngày, tháng tiếp tháng, năm gối năm, cô giáo trẻ ấy cứ mải mê với hết thế hệ học trò này đến lứa học trò khác trên đảo Lại Sơn mà quên mất tuổi xuân của mình đã qua tự lúc nào. Ra đảo khi 20 tuổi, giữa thì xuân sắc nhất của người con gái, thấm thoắt đến 20 năm sau, 40 tuổi, cô vẫn một mình đi về với đám học trò.

Cũng vì thương những học trò xã đảo, thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết, sinh năm 1990, đã không nhớ đã bao lần viết đơn tình nguyện ra Trường Sa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Được đào tạo về giáo dục tiểu học, nhưng khi ra đảo Song Tử Tây, cả đảo chỉ có hai thầy giáo nên phải kiêm nhiệm cả bậc mầm non, thầy Quyết không khỏi ngỡ ngàng, lóng ngóng khi lần đầu tiên chăm sóc những em nhỏ 3, 4 tuổi.

Ở đảo, cái gì cũng thiếu. Thầy giáo trẻ rưng rưng khi kể về giấc mơ bánh mì của học trò mình: “Em đang mơ sắp được ăn bánh mì thì mẹ bất ngờ gọi dậy.” Chiếc bánh mì rơi ngay trong cả giấc mơ.

Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Cô Thảo đã gắn bó gần 20 năm với các em học sinh khuyết tật bẩm sinh trường Phổ thông cơ sở Hy Vọng, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Cô Thảo đã gắn bó gần 20 năm với các em học sinh khuyết tật bẩm sinh trường Phổ thông cơ sở Hy Vọng, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không chỉ tình nguyện hy sinh vì những học sinh vùng khó, nhiều thầy cô sẵn sàng gắn bó cả cuộc đời mình với những mảnh đời bất hạnh, những học sinh khuyết tật, thiểu năng.

Như cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh, đang là một giáo viên trường điểm, một lần đến thăm người quen dạy học sinh khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì (Phú Thọ), cô đã không thể cầm lòng trước những em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi nơi đây.

Trở về nhà, cô đưa ra quyết định khiến tất cả mọi người bàng hoàng: Chuyển về dạy tại Trung tâm bảo trợ.

“Đang là giáo viên dạy giỏi của trường điểm lại về dạy học sinh khuyết tật, ai cũng bảo thần kinh tôi chắc… có vấn đề,” cô Nguyễn Thị Kim Thanh nhớ lại.

Nghĩ về những ngày đầu chuyển tới Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật Việt Trì năm 2003, cô Thanh vẫn nhớ cảm giác hụt hẫng và chới với khi mọi thứ quá khó khăn.

Lớp học rất đặc biệt với toàn học sinh khiếm thính. Cô nói, trò nhìn nhau ngơ ngác. Trò nói, cô đứng ngây không hiểu. “Giây phút đó, tôi thực sự cảm thấy mình bất lực, nước mắt cứ thế ứa ra,” cô Thanh xúc động kể.

Để hiểu và dạy được những học trò đặc biệt của mình, cô lại phải tự tìm tòi học chữ nổi, học ngôn ngữ cử chỉ.

Giống như cô Thanh, cô giáo Loan cũng chỉ tình cờ đi qua làng trẻ Hữu Nghị (Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhưng đã quyết định làm tình nguyện viên không lương dạy những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở nơi đây. Với các em, chỉ học ăn, học nói đã là cả một thách thức lớn lao, tính bằng tháng, bằng năm. Những nhọc nhằn của các cô vì thế không thể nào kể hết.

Người ta vẫn hay ví thầy cô như người lái đò đưa khách sang sông, hết lớp người này đến lớp người khác. Các thế hệ học sinh lớn lên, ra đi đắp xây tương lai phía trước, người thầy vẫn cặm cụi âm thầm. Trong ảnh: Thầy Nguyễn Quốc Bình, người Hiệu trưởng được hàng ngàn học sinh trường THPT Việt Đức yêu quý vì tính cách hoà đồng gần gũi của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người ta vẫn hay ví thầy cô như người lái đò đưa khách sang sông, hết lớp người này đến lớp người khác. Các thế hệ học sinh lớn lên, ra đi đắp xây tương lai phía trước, người thầy vẫn cặm cụi âm thầm. Trong ảnh: Thầy Nguyễn Quốc Bình, người Hiệu trưởng được hàng ngàn học sinh trường THPT Việt Đức yêu quý vì tính cách hoà đồng gần gũi của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Hạnh phúc dung dị lắm”

Hạnh phúc với các thầy cô chính là sự trưởng thành hơn của mỗi học trò, để thấy những nỗ lực của mình là không uổng phí.

“Ở đây, hạnh phúc dung dị lắm, chỉ đơn giản là khi thấy các em nói tròn vành rõ chữ hơn, hay hôm nay đã đọc được một bài thơ, ngày mai vẫn nhớ được đôi chút điều hôm nay cô dạy,” cô Loan chia sẻ.

Còn với cô Bích Thủy, cô vẫn dõi theo từng bước chân học trò ngay cả khi các em đã ra trường. Để rồi, mỗi khi có cánh chim nào đó trở về chính ngôi trường xưa và trở thành đồng nghiệp thì cô lại xúc động đến nghẹn lời.

Và niềm vui ngày 20/11 với các thầy cô là những món quà đơn giản nhưng chan chứa tình cảm của học trò.

Hạnh phúc với các thầy cô chính là sự trưởng thành hơn của mỗi học trò, để thấy những nỗ lực của mình là không uổng phí.

“Món quà tôi ấn tượng nhất là những bó hoa rừng. Ở đây học sinh rất nghèo, không có tiền, nhưng chỉ một bó hoa rừng bình dị thôi cũng đủ để thầy cô ấm lòng,” cô Thủy xúc động nói.

Còn với thầy Lê Xuân Quyết, niềm vui 20/11 giản dị trong những tấm thiệp tự chế nho nhỏ với những lời chúc ngăn ngắn, nét chữ học trò nghuệch ngoạc: “Em chúc thầy khỏe mạnh để dạy dỗ chúng em” hay “Em chúc thầy luôn vui vẻ”. Chỉ thế thôi mà mỗi lần nhắc đến, ánh mắt thầy lại như thêm lấp lánh.

Món quà của cô Chu Thị Nga, trường Vùng cao Việt Bắc, cũng không kém phần đặc biệt khi có thể chút mật mía được các em giấu trong ngăn bàn cô mà nhiều khi mật chảy ra cô mới biết mình có quà. Cũng có thể là những trái mận chín đỏ mọng đặt trong mũ lưỡi trai còn ướt đẫm mồ hôi vì các em phải cuốc bộ hàng cây số đến trường.

Còn với cô giáo Vàng Thị Ghếnh (giáo viên trường mầm non Mán Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), thì thậm chí, ngay cả những bông hoa trong ngày này cũng là một điều xa xỉ.

“Một số phụ huynh nhớ đến thì mua hoa cho con mang đến tặng, thường chỉ một bông thôi, nhưng cũng đủ để tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi không có bông hoa nào, chỉ cần các em đi học đều, chỉ cần nhìn vào những ánh mắt thơ ngây ấy cũng đủ để người giáo viên như tôi thấy tự hào trong ngày lễ của ngành mình,” cô Ghếnh bùi ngùi nói.

Có lẽ, chỉ tình yêu thương vô hạn với học trò và lòng say nghề sâu sắc mới có thể giúp những người thầy ấy vượt qua được những khó khăn, thiếu thốn, những thách thức lớn lao không chỉ về vật chất mà cả tinh thần.

Để rồi đến khi về hưu, nhiều người trong số họ vẫn đi dạy, vẫn tới trường vì nhớ nghề, nhớ trò, nhớ cả những trang giáo án.

“Một con đò sang ngang, ôi lòng thầy mênh mang, cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao, và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng…”

Fidel Castro

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.

Con người huyền thoại

Trên thế giới, ít người đạt được niềm vinh quang ghi tên mình vào huyền thoại ngay khi đang sống. Fidel Castro là một trong số đó. Ông thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới thứ ba từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh, Nelson Mandela, Che Guevara… Fidel đã trở thành một người anh hùng, một nguồn cổ vũ tinh thần của những dân tộc nghèo đói và bị áp bức trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của vị “Tổng tư lệnh kính yêu” Fidel Castro, nhân dân Cuba đã vượt qua bức tường phong toả hơn 40 năm của Mỹ, đập tan thế “thuyền đơn giữa đại dương tư bản chủ nghĩa”, lập nên những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới.

Lãnh tụ Fidel Castro được chào đón khi tiến vào La Habana ngày 8/1/1959 (Ảnh: cpcml.ca)
Lãnh tụ Fidel Castro được chào đón khi tiến vào La Habana ngày 8/1/1959 (Ảnh: cpcml.ca)

Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926, trong một gia đình giàu có tại thị trấn nhỏ Biran, nhưng chàng thanh niên này lại quyết định đi theo con đường vô sản để tìm lại công bằng cho nhân dân lao động.

Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba kể từ khi ông khởi binh tấn công pháo đài Moncada ngày 26/7/1953 chống lại chính quyền quân sự do Batista đứng đầu. Tuy sau trận đánh này, Fidel và nhiều nghĩa quân bị chính quyền độc tài Batista bắt giữ, đưa ra xét xử, nhưng Fidel đã tự bào chữa cho mình một cách hùng hồn bằng bài biện hộ làm chấn động chính quyền phản động mang tên: “Lịch sử sẽ phán quyết tôi vô tội”.

Trận tiến công trại lính Moncada tuy thất bại nhưng là cuộc đấu tranh vũ trang đầu tiên của cách mạng Cuba và làm Fidel nhận thức một chân lý đúng đắn sau này được chứng minh là: “Kẻ thù sợ nhất nhân dân khi họ cầm vũ khí đấu tranh; đấu tranh vũ trang phải đi đầu”. Có thể nói, trận tiến công trại lính Moncada chính là hạt giống cách mạng Cuba do chính tay Fidel ươm trồng.

Ngày 1/1/1959, tên độc tài Batista cuối cùng đã phải tháo chạy ra nước ngoài, quân khởi nghĩa do Fidel lãnh đạo tiến vào thủ đô, chính quyền lâm thời được thành lập. Sự kiện này đã mở ra một kỉ nguyên mới cho nhân dân Cuba, kỉ nguyên làm chủ vận mệnh của chính mình.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tại thủ đô La Habana ngày 6/2/2006. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tại thủ đô La Habana ngày 6/2/2006. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay sau cách mạng Cuba thành công, các thế lực thù địch đã tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng bóp chết cuộc cách mạng non trẻ. Nhưng không hề nao núng, Fidel đã tích cực triển khai những hoạt động ngoại giao cấp cao, trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia được chú ý nhất trên vũ đài chính trị quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Cuba và phản đối chính sách cấm vận của Mỹ.

Kết quả là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba do Chủ tịch Fidel Castro đứng đầu, hơn 50 năm qua, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, Cuba có hệ thống y tế đứng hàng đầu thế giới. Tỷ lệ người dân Cuba biết đọc, biết viết đạt tới 98%. 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí.

Sau thành công của Đại hội Đảng cộng sản Cuba lần thứ VI (năm 2011), với hơn 300 cải cách được đưa ra, đất nước Cuba đang có những biến chuyển đáng kể. Năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Cuba là 2,7%, năm 2014 là 2,2% và năm 2015 là 4%. Xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế là ngành kinh tế lớn nhất, mang về cho Cuba khoảng 6-8 tỷ USD/năm… Đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ cấm vận phi lý, cuối cùng, chính quyền Mỹ đã phải dỡ bỏ lệnh cấm vận và tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba vào ngày 20/7/2015. Đây là một sự kiện tích cực trong lịch sử quan hệ Mỹ-Cuba.

Với những thành tựu này, hiện thực Cuba là bằng chứng sinh động khẳng định trong thế giới đương đại, hoàn toàn có thể và cần xây dựng một xã hội khác với xã hội tư bản để đem lại hòa bình, độc lập cho các dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Và trong những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới của Cuba này đều ghi dấu ấn đậm nét của vị lãnh tụ tài ba Fidel Castro.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro trả lời phỏng vấn tại thủ đô La Habana ngày 8/8/2010. (Ảnh: THX/TTXVN)
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro trả lời phỏng vấn tại thủ đô La Habana ngày 8/8/2010. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 18/2/2008, sau 49 năm lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã chính thức tuyên bố nghỉ hưu và thôi không giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba.

Trong bức thư gửi nhân dân Cuba đăng trên báo Granma, Chủ tịch Fidel Castro khẳng định, ông muốn mở đường để thế hệ trẻ hơn tiếp tục nắm quyền. “Đây không phải là lời chia tay của tôi gửi đồng bào. Ước nguyện lớn nhất của tôi là làm một người lính trên mặt trận ý tưởng”. Quyết định trên của Chủ tịch Fidel Castro được coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với đội ngũ lãnh đạo Cuba.

Dù không trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vì lý do sức khỏe, song Fidel vẫn được tham khảo ý kiến trong mọi quyết định chiến lược đối với sự sống còn của cách mạng Cuba. Kể từ khi rời khỏi các chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, Fidel Castro vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ông liên tục có những bài viết phản ánh sắc sảo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Tất cả những sự kiện quan trọng ông đều có bài phản ánh, như sự kiện Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, khủng hoảng nợ ở Mỹ và một số nước thành viên EU, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan…

Với những cống hiến trọn đời cho đất nước Cuba, Fidel mãi mãi là một vị lãnh tụ, là linh hồn của cách mạng Cuba. Nhân dân Cuba không bao giờ quên ơn và yêu mến, kính phục ông. Trong lòng nhân dân Cuba, Fidel mãi mãi là lãnh tụ tinh thần, mãi mãi là Tổng Tư lệnh.

Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam

Từ hàng chục năm qua, trong trái tim mỗi người Việt Nam, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn dành cho nhân dân Cuba, cho vị lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục và đồng cảm sâu sắc.

Trong lịch sử, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12/1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9/1963), là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7/1967).

“Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối.” Fidel Castro

Những năm đó, Cuba khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều thiếu thốn, có kẻ ác ý tung tin dân Cuba thiếu đường, thiếu sữa là vì có bao nhiêu Fidel gửi cả cho Việt Nam.

Nhưng trong một cuộc mittinh quần chúng với hàng chục vạn người tham gia tại thủ đô La Habana, Fidel Castro đã nói: “Đáng tiếc là chúng ta – những người Cuba – không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có, không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam.”

Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng”. Năm 1972, đê điều ở miền Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ, Cuba đã lấy ngày 28/8/1972 làm “Ngày đê điều” và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố cáo tội ác đế quốc. Fidel một lần nữa khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối.”

Lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam (Ảnh: vtv.vn)
Lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam (Ảnh: vtv.vn)

Tháng 9/1973, Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, đem đến cho chiến sỹ và nhân dân Việt Nam lời động viên chiến đấu và lời hứa đóng góp thực hiện mong ước của Bác Hồ xây dựng Việt Nam 10 lần to đẹp hơn. Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục màu xanh ôliu đứng trên nóc một lô cốt cũ của địch, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến sĩ ta lúc đó.

“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cũng là câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, câu nói ấy đã làm rung động bao trái tim của nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam, cũng như hàng triệu người có lương tri trên thế giới.

Thủ tướng Fidel Castro thăm Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Fidel Castro thăm Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: TTXVN)

Câu nói đó thực sự phát ra từ trái tim của Fidel và nhân dân Cuba, cùng với sự giúp đỡ hết lòng của Cuba là một nguồn động viên vô cùng to lớn đối với nhân dân Việt Nam giữa lúc bom đạn ác liệt, khó khăn đủ bề vì cuộc chiến tranh kéo dài. Càng quý hơn khi chúng ta biết được lúc đó đất nước Cuba đang chịu sự cấm vận, cũng khó khăn mà vẫn sẵn lòng giúp chúng ta vô điều kiện với một tình cảm anh em ruột thịt. Fidel và nhân dân Cuba đã xem cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam như của chính mình.

Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên này của Fidel đến Việt Nam, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), Đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ Đại học và cao học và vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc…. Sự nhường cơm sẻ áo chí tình này thật nghĩa hiệp và đúng lúc.

“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cũng là câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên.

Tháng 12/1995 và tháng 2/2003, Fidel Castro có chuyến thăm lần thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Trong những chuyến thăm này, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước Việt Nam-Cuba tiếp tục đạt được nhiều mốc son mới.

Qua những chuyến thăm, chủ tịch Fidel luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.

Phát huy những tình cảm quý báu giữa Đảng và nhân dân hai nước, trong hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp những biến động của tình hình chính trị thế giới, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam-Cuba vẫn không ngừng được củng cố, trở thành mẫu mực của tình cảm thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá mà hai Ðảng và nhân dân hai nước luôn giữ gìn, vun đắp./.

Fidel Castro phát biểu trước biển người tại Quảng trường Cách mạng ở La Habana vào tháng 9/1960 (Ảnh: cpcml.ca)
Fidel Castro phát biểu trước biển người tại Quảng trường Cách mạng ở La Habana vào tháng 9/1960 (Ảnh: cpcml.ca)