Thành Nhà Hồ

thanhnhaho7-1481505571-96.jpg

Ngày 16/12/2016, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 5 năm Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2011-2016). Sự kiện Thành Nhà Hồ được vinh danh là di sản văn hóa thế giới cách đây 5 năm là niềm vinh dự và sự tự hào to lớn của đất nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng.

Thành Nhà Hồ và lịch sử hình thành

Thành Nhà Hồ – tên thường gọi của tòa thành bằng đá độc đáo còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành còn có các tên gọi khác như: An Tôn, Tây Đô, thành Phủ Thanh Hoá, Tây Kinh, Thạch Thành, Tây Giai.

Thành Nhà Hồ là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn. Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ vẫn là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.

Theo sử liệu, năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.

Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Thành Nhà Hồ được kết cấu gồm 3 phần: La thành, Hào thành và Hoàng thành.

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính. Các phiến đá dài trung bình 1,5m, có tấm dài tới 6m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.

  • thanhnhaho8-1481507470-82.jpg
  • thanhnhaho2-1481507506-8.jpg
  • thanhnhaho5-1481507535-50.jpg
  • thanhnhaho9-1481507584-36.jpg
  • thanhnhaho3-1481507610-57.jpg
  • thanhnhaho10-1481507692-65.jpg

Cũng theo sử sách trong thành còn rất nhiều công trình được xây dựng, như: Điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng… rất nguy nga, chẳng khác gì kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, qua hơn sáu thế kỷ tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành biểu tượng của Thành Nhà Hồ vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây.

Ngày nay, bên cạnh phần di tích lộ thiên, tiến hành khảo cổ tổng thể di tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông khác, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng nghìn di vật và nhiều mảng kiến trúc thể hiện sự giao thoa, tiếp biến kiến trúc các thời Trần, Hồ và Lê sơ như sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua… Đó là những lớp trầm tích văn hóa, thể hiện sự tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các triều đại phong kiến mà vương triều Hồ là một mắt xích không thể thiếu.

Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, Thành Nhà Hồ trở thành một công trình mang giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.

Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, trải qua thời gian hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Thành Nhà Hồ vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng như quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á.

Những chứng tích để xây dựng và bảo vệ Thành nhà Hồ được trưng bày phía trước cổng phía Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Những chứng tích để xây dựng và bảo vệ Thành nhà Hồ được trưng bày phía trước cổng phía Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Thành nhà Hồ

Thành Nhà Hồ được vinh danh là di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự và sự tự hào to lớn của đất nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Tuy nhiên, việc tôn vinh mới chỉ là một mặt của vấn đề, mặt quan trọng còn lại là bảo tồn và phát huy cao nhất giá trị di sản. Chính vì vậy, ngay sau khi được công nhận, năm 2013 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện cam kết chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ bằng việc cụ thể hóa kế hoạch Nghiên cứu khai quật tổng thể Di sản Thành Nhà Hồ, giai đoạn 2013-2020.

Kết quả nghiên cứu Thành nhà Hồ đã từng bước hé lộ thêm nhiều sử liệu bằng hiện vật quý báu. Đáng kể nhất là kiến trúc cơ bản và tương đối toàn diện của đàn Nam Giao đã được khai quật, với diện tích hàng chục nghìn m2. Các nhà khoa học đã đánh giá đây là đàn tế được bảo tồn nguyên vẹn nhất Việt Nam hiện nay với hàng loạt các di tích như đường Thần Đạo, Giếng Vua, hệ thống cống thoát nước…

Năm 2014, sự kiện khai mạc trưng bày “Di sản thế giới tại Việt Nam” (21/4/2014) là kết quả phối hợp giữa Thành Nhà Hồ và UNESCO, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của UNESCO với di sản Thành Nhà Hồ từ năm 2011-2014.

Năm 2015, nhận thức sâu sắc thương hiệu di sản thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm du lịch quốc gia tại Thanh Hóa với chủ đề: “Kết nối các di sản thế giới”. Một lần nữa Thành Nhà Hồ lại trở thành trung tâm trong chuỗi các sự kiện năm du lịch quốc gia. Cũng trong năm này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch” (Quyết định số 1316/QĐ-TTg, ngày 12-8-2015). Quyết định này là cơ sở pháp lý cho toàn bộ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ.

Năm 2016, đúng tròn 5 năm ngày được UNESCO vinh danh, Thành Nhà Hồ lại đón nhận thêm tin vui mới, được chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề án: “Khai thác và phát triển du lịch di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ” (Quyết định số 1967/QĐ-UBND, ngày 08-6-2016) nhằm mục tiêu đưa Thành Nhà Hồ trở thành trọng điểm trên bản đồ du lịch quốc gia.

Hy vọng trong thời gian tới, di sản thế giới Thành Nhà Hồ sẽ mãi tỏa sáng như nhân loại đã tôn vinh.

Bên cạnh đó, để quảng bá và khai thác Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm đưa hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật của Thành nhà Hồ tới bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản như: chương trình nghệ thuật “Sắc xuân trên thành cổ”; Lễ hội làng Đông Môn và Liên hoan nghệ thuật vùng di sản Thành Nhà Hồ 2016; tổ chức cuộc thi “Khám phá di sản thế giới tại Việt Nam và các nước ASEAN”; phát động trồng 20.000 cây xanh tại Di sản Thành Nhà Hồ và Di tích Đàn tế Nam Giao;…

Kết quả cho thấy, từ một di tích ít người biết đến mỗi năm chỉ có vài nghìn lượt khách ghé thăm, đến năm 2015, Thành Nhà Hồ đã đón hơn 100.000 du khách trong và ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã thuyết minh và giới thiệu cho 46.000 lượt khách trong và ngoài nước.

Có thể khẳng định, sau 5 năm Thành Nhà Hồ được công nhận di sản thế giới, công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản đã thực hiện được nhiều công việc lớn đúng như khuyến nghị của UNESCO. Di sản đã được cộng đồng quan tâm bảo vệ và bước đầu được hưởng lợi từ giá trị của di sản. Thành Nhà Hồ được hiểu biết sâu sắc hơn về quy mô, kiến trúc, các giá trị phi vật thể của vùng Tây Đô từng bước được phục hồi.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 5 năm chưa đủ để những người làm công tác quản lý bảo tồn giải quyết hết các mong muốn, bởi việc phục dựng, tôn tạo, bảo vệ di tích trước sự hủy hoại của thiên nhiên và con người là nhiệm vụ không hề đơn giản. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, sự quan tâm từ UNESCO, di sản thế giới Thành Nhà Hồ sẽ mãi tỏa sáng như nhân loại đã tôn vinh.

Bình minh trên cổng Tây Thành nhà Hồ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Bình minh trên cổng Tây Thành nhà Hồ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)