Đêm Hè diệu kỳ của PPAN và “đồng bọn”

1. “Vẫn ngồi đây không muốn xa rời… Những đêm hè đã qua, đã qua rồi…”

“Đêm hè sau cuối” – vở nhạc kịch khai màn dự án “HOPE” (Mộng ước) gồm 35 đêm tại L’Espace (Hà Nội) đã kết thúc được hai tuần lễ. Công diễn tổng cộng 13 đêm thay vì 6 đêm như dự định bởi lý do sốt… vé, đó không còn là câu chuyện mở thêm bao nhiêu đêm, bán ra bao nhiêu vé, thu hút bao nhiêu khán giả, mà quan trọng hơn là “Đêm Hè sau cuối” đã phô bày được cộng đồng gồm Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) và “đồng bọn” – những người trẻ không chuyên làm nghệ thuật nhưng lại đang trở thành “hiện tượng” hiếm thấy, khó tìm, đánh động và khích tướng đời sống kịch nghệ cựa quậy và hồi sinh.

Nói thêm về PPAN và “đồng bọn”: PPAN sinh năm 1991, đã tốt nghiệp chuyên ngành Sân khấu-Điện ảnh, Đại học Hampshire (Massachusetts, Mỹ). PPAN đảm đương cả ba vai trò là biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất của dự án “HOPE.”

“Đồng bọn” của PPAN là gần 100 bạn trẻ. Thành phần chủ chốt gồm 35 diễn viên, 17 nhạc công, 15 thành viên tổ kiến tạo. Điểm chung về “đồng bọn” của PPAN thì tất cả đều là những người nghiệp dư, có chút năng khiếu và đam mê theo đuổi nghệ thuật.

Nhưng “Đêm Hè sau cuối” lại trở thành minh chứng tiêu biểu và gây xúc động về tính tập thể. Điều mà chính những người trong nghề như nhạc sỹ Thanh Phương cũng đồng cảm và ghi nhận, đến nỗi bần thần thốt lên sau khi xem xong, là “cực khó trong làm nghệ thuật ở Việt Nam.”

(Ảnh: Dương Mai Việt Anh)
(Ảnh: Dương Mai Việt Anh)

Nhờ tính tập thể và cường lực tập luyện mà PPAN và “đồng bọn” đã làm được điều đáng kinh ngạc là biến cái không chuyên nghiệp (con người) thành chuyên nghiệp (tác phẩm và bộ máy). Đây thực sự là điều-không-tưởng trong nghệ thuật và làm sân khấu, vì đa phần nhà hát chuyên nghiệp hiện vẫn hoạt động rất èo uột và phập phù trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, trong buổi họp báo ra mắt dự án, chính PPAN cũng phải thừa nhận rằng mình chưa từng làm việc với diễn viên chuyên nghiệp, nên sẽ không có bất cứ ngôi sao nào trong ba vở nhạc kịch của HOPE. Trong điều kiện Việt Nam chưa có một môi trường đào tạo về nhạc kịch thì “Đêm hè sau cuối” cũng không có một nhân tố nào hội tụ đủ ba tiêu chuẩn hát, vũ đạo, diễn xuất.

“Đêm hè sau cuối” như “xứ sở diệu kỳ” mà ở đó PPAN là cậu bé thủ lĩnh, với khả năng truyền cảm hứng, cảm hóa và “đồng bọn” chính là là rừng xanh của cậu.

PPAN tỏ ra không chỉ là một người “nhạc trưởng” tài ba và có nghề trong việc vận hành bộ máy, sử dụng nguồn lực vô cùng đắt giá mà còn là “bếp trưởng” nhen nhóm, kích hoạt nguồn cảm hứng, lửa đam mê cho “đồng bọn.”

Chẳng thế mà sau nhiều tháng ròng rã miệt mài trong phòng tập, PPAN cùng “đồng bọn” lại “cày tã nát nhau” trên sân khấu, trước và sau mỗi đêm công diễn. 13 đêm trong suốt hai tuần liên tiếp, nhưng chiều nào cũng vậy cứ vào lúc 3 giờ chiều PPAN và “đồng bọn” lại có mặt tại sân khấu L’Espace để chạy âm thanh, ráp sân khấu, diễn viên tổng duyệt lại kịch bản.

Khi chiếc rèm nhung khép lại, chẳng kể hay dở, khán giả vỗ tay nhiều hay ít, thay vì về nghỉ thì PPAN và “đồng bọn” đóng cửa họp kín với nhau. Nhưng trông vào bộ dạng hớt ha hớt hải của các diễn viên thì cũng nắm được cơ bản về tinh thần. Nói là họp nhưng về bản chất thì ly kỳ và căng thẳng chẳng khác mục “tòa tuyên án” là mấy. Nhiều buổi “tòa tuyên án” được diễn ra chóng vánh, nhưng không ít đêm đồng hồ đã điểm sang ngày mới; hôm rầm rì, ríu ran tiếng cười; hôm đặc bầu im lặng, thi thoảng văng vẳng những tràng quát tháo…

Lạ là, với “đồng bọn” của PPAN đó vừa là “nỗi khiếp sợ” vừa là phút mong chờ nhất sau một đêm diễn. Chẳng biết người khác định nghĩa thế nào về sự chuyên nghiệp, riêng người viết bài thì xin ngả mũ trước quy trình bài bản và sự kỷ luật của những người trẻ không chuyên này.

Nhưng cũng nhờ kỷ luật mà “Đêm Hè sau cuối” dần trở thành “lò-luyện-tuổi-trẻ” giúp các diễn viên phát huy, hoàn thiện các tố chất “hát-diễn-múa” và “mặn” dần lên, duy trì được phong độ để “lên đồng” trên sân khấu mỗi đêm như những “artistar” thứ thiệt.

Chẳng thế mà, dư âm của sân khấu “Đêm Hè sau cuối” thì không chỉ bởi những diễn viên chính như mợ Vân, bà Tị mà tuyến diễn viên phụ như cu Bin, đám hầu gái cũng được nhắc nhớ với những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Những dòng cảm nhận “tôi yêu Vân,” “tôi thích Đào,” “tôi yêu Thiện,” “tôi yêu Tị”… mà những khán giả lưu lại trên hai tấm ảnh được đặt ở tiền sảnh sân khấu đã phần nào chứng minh cho hiệu ứng tập thể “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hiếm thấy khó tìm đó.

Thật khó mà tưởng tượng nổi, nhiều trong số “đồng bọn” đang là sinh viên các trường chẳng có tí liên quan gì đến nghệ thuật. Và cũng không ít trong số đó buổi ngày vẫn đi làm đủ thứ nghề mưu sinh, tối đến lại hăm hở và nhiệt thành đổ về sân khấu L’Espace chỉ để được “sống” thành những “mợ Vân,” “chú Thiện” trong những “Đêm Hè” ít ỏi quý giá.

Càng những đêm hè dần về sau cuối, người viết có cảm nhận PPAN cứ xa dần giới hạn đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất. Thay vào đó “Đêm hè sau cuối” như “xứ sở diệu kỳ” mà ở đó PPAN là cậu bé thủ lĩnh, với khả năng truyền cảm hứng, cảm hóa và “đồng bọn” chính là là rừng xanh của cậu.

(Ảnh: Dương Mai Việt Anh)
(Ảnh: Dương Mai Việt Anh)

2. Nhạc kịch “kiểu Phi Anh”

Viết tên mình trên con đường nghệ thuật, chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng. Nhạc kịch và sân khấu có thể chỉ là dấu chân trên ga khởi hành của PPAN nhưng cũng có thể là con đường nghệ thuật, chẳng ai đoán định được tương lai.

Ngay thời điểm họp báo công bố dự án HOPE với chuỗi 35 đêm hướng đến 10.000 khán giả, người viết đã cảm nhận cái mộng ước ấy khủng khiếp và điên rồ như thế nào trên vai chàng đạo diễn 9x này. Nhưng sau 13 đêm, lại thấy mộng ước đó không còn xa vời, mà dần hiển hiện bởi nguồn năng lượng tập thể.

Thành công không đến từ may mắn, “Đêm Hè sau cuối” – vở nhạc kịch “hồn Tây xác Việt” từ phong cách đến công thức không giống bất cứ ai đã làn trước đó thiết nghĩ xứng đáng được cộp mác “nhạc kịch kiểu Phi Anh.”

Vì sao? Ở cương vị là đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất, việc mở cánh cửa của nhạc kịch (musical) và tiếp cận đại chúng khán giả rất nhiều cái tên thích hợp hơn PPAN. So sánh với các cây đa cây đề trong làng sân khấu Việt, PPAN đều thua kém về thâm niên tuổi nghề và tay nghề.

PPAN đảm đương cả ba vai trò là biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất của dự án (Ảnh: Đô Tăng)
PPAN đảm đương cả ba vai trò là biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất của dự án (Ảnh: Đô Tăng)

Nhạc kịch đậm “hồn Tây xác Việt” này dễ thấy nhất ở đề tài bi kịch gia đình, tình tiền nhưng theo phong cách trinh thám. Yếu tố thứ hai thể hiện nằm ở âm nhạc khi PPAN sử dụng hoàn toàn nhạc nước ngoài rồi soạn lời Việt. Yếu tố thứ ba là sự phá cách về sân khấu.

Về sân khấu, có thể nói “Đêm hè sau cuối” đã đạt đến cấp độ cao về thiết kế sân khấu ở Việt Nam với tư duy bục bệ đa năng. Để có sân khấu thông minh và gây ấn tượng mạnh tới thị giác này, xin dành lời khen cho đội kiến tạo cần mẫn và âm thầm. Mỗi người một nghề nhưng cùng chung đam mê làm sân khấu, đội kiến tạo của “Đêm Hè sau cuối” như những người kiến trúc sư thực thụ xây dựng nên không gian sân khấu độc đáo và “khó nhằn.” Vì lịch công diễn gián đoạn, trong suốt 13 đêm diễn, đội kiến tạo phải năm lần bảy lượt hết tháo ra lại lắp vào.

Chính vì thế, nỗ lực của PPAN vận hành cỗ máy có tên Mộng ước với “đồng bọn” thật khó gọi thành tên. Có lần PPAN chia sẻ trên trang cá nhân rằng, hạnh phúc âm thầm mà cậu trải qua cùng với những “đồng bọn” của mình sẽ không ai có thể hiểu được. PPAN đã đi con đường cậu muốn. Con đường mà cậu tin. Nhờ sự hăng say trong lao động, sự cởi mở trong tư duy và khả năng sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu, PPAN luôn thực hiện các dự án một cách chỉn chu với kinh phí và thời hạn “không tưởng.” PPAN không ngừng tự “đào bới” những người trẻ quanh mình, nhìn sâu mãi vào chính họ, khai thác, tận dụng họ một cách triệt để. Đi qua những “góc phố” nhưng “đêm hè,” PPAN là người thấu hiểu “đồng bọn” sâu sắc nhất.

Buổi đầu chẳng ai muốn tin cùng PPAN. Cậu vừa mong manh, vừa ngoan cố bởi những áp lực và rủi ro đến nghẹt thở. Điều kết nối PPAN với “đồng bọn” hẳn là sợi dây vô hình của bản năng, sự mách bảo và ước vọng tuổi trẻ. Thực tế, dù bạn có giỏi về kỹ năng bao nhiêu, khôn ngoan bao nhiêu, mà trái tim, tâm hồn bạn không thuộc về nghệ thuật, không mang theo cái kỳ bí lôi cuốn của nghệ thuật, thì sẽ không thể có phép màu khiến từng ấy con người trẻ tuổi “lăn lê bò toài” suốt bốn năm qua từ “góc phố” đến những “đêm hè.”

Phải đến hơn một lần đêm hè mới thấy hết nỗ lực ở tập thể này. Chỉ có những người trẻ tràn đầy tình yêu và hi vọng vào nghệ thuật mới đam mê không giới hạn, và chân thật đến thế. Họ đến với “Đêm hè” không phải để hát, để múa, cũng không để diễn. Họ đi theo PPAN để nghĩ cho nhau, yêu thương nhau, để mang đến những điều tử tế cho nhau, để nhớ lúc mình được nói, thì rất nhiều người khác im lặng, nhớ có những lúc phải đứng lại để người bên cạnh được tỏa sáng, nhớ rất nhiều người nhạt để mình mặn trong một phút… để nhớ là một tập thể, để là-người-có-liêm-sỉ không ích kỷ, háo danh, vô trách nhiệm.

PPAN luôn bị ám ảnh bị người khác thấy sự gớm ghiếc về mình và đứa con nghệ thuật. Với ai và ở đâu, trong nghệ thuật hay cuộc sống, chuẩn mực của PPAN là hướng đến sự chân thật tuyệt đối. Là người rụt rè và và kiệm lời, PPAN có một trí tuệ nổi bật, tính ngay thẳng và óc hài hước. Trong con mắt của người viết bài, PPAN điển trai một cách trẻ thơ, bất chấp vẻ ngoài khắc khổ.

Giống như giấc mơ, “Đêm Hè sau cuối” của PPAN chứa những chi tiết hiện thực cùng với sự phi lý. Thông điệp hư cấu về người ngoài hình tinh mang ý nghĩa về một cuộc sống không giới hạn, cũng tượng trưng cho hình ảnh xã hội hiện đại hoang tàn hay sự cô độc, tha hóa về văn hóa, ý thức già cỗi, xuống cấp của con người hiện đại.

  • xkhangiaxe-1478498540-67.jpg
  • nsndlekhan-1478498671-84.jpg
  • hoasyleth-1478498691-82.jpg
  • daodienngu-1478498708-73.jpg
  • nhathonguy-1478498724-46.jpg
  • tiensynguy-1478498741-47.jpg

Tất nhiên, “Đêm Hè sau cuối” chưa phải là vở nhạc kịch hoàn hảo. Với một bộ phận công chúng khắt khe là những người thuộc giới nghệ thuật và làm sân khấu nếu chưa bằng lòng với “Đêm Hè sau cuối” ở yếu tố âm nhạc hay tính nghiệp dư thì hãy để âm thanh chơi live, sân khấu, kịch bản, thoại, diễn xuất của diễn viên thuyết phục họ.

Như PPAN có đôi lần nhắn nhủ, cậu và “đồng bọn” của mình luôn khuyến khích những khán giả đến với “Đêm Hè” đừng nhiều quá sự kỳ vọng. Cũng đừng nghĩ phải tìm thấy một tư tưởng hay triết lý trong tác phẩm này. Chỉ cần các vị cười vui vẻ trong khi xem là đủ rồi. Nghệ thuật không có gì để hiểu ngoài những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận. Nếu bạn bước ra khỏi nhà hát sau khi cười thoải mái, bạn có thể tự do theo đuổi những ý nghĩ về cuộc sống của riêng mình.

Nếu bạn bước ra khỏi nhà hát sau khi cười thoải mái, bạn có thể tự do theo đuổi những ý nghĩ về cuộc sống của riêng mình.

Tôi cũng đã đến với “Đêm Hè sau cuối” hơn một lần, không nhiều kỳ vọng nhưng lần nào xem cũng được thư giãn vì cười thật nhiều. Nếu hỏi tôi thích chi tiết nào nhất của “Đêm Hè sau cuối” thì đó là hai cô hầu gái. Nếu hỏi tôi ám ảnh bởi điều gì nhất, hẳn nhiên đó là bà Thìn, lúc hiện hồn về trong giấc mơ của Thiện và thoại về những hình phạt dưới âm ti.

Rằng, “kẻ nói dối thì bị kéo lưỡi. Kẻ sát nhân bị ném vào rừng đầy gươm giáo. Kẻ bất hiếu thì bị ném vào vòng lửa. Kẻ tham lam phải ăn ba cục sắt nung đỏ. Kẻ ích kỷ thì suốt kiếp bị nhốt vào hầm tối. Kẻ tàn nhẫn bị sống chung với rắn rết… sắp đến lượt bác rồi, không biết có bị Diêm Vương cho ăn cái gì không… hu… hu… hu…”

Đoạn thoại đã khiến tôi nghĩ đến những giờ phút đã sống. Có lẽ nó mang nhiều ý nghĩa về niềm hy vọng mà chúng ta vẫn khao khát hướng tới, hoặc đang tìm kiếm mục đích của cuộc sống.

Suy cho cùng, thành công và sức hấp dẫn của tác phẩm nghệ thuật là đem lại những sắc thái cảm nhận và trí tưởng tượng ở mỗi người khác nhau. Và “Đêm Hè sau cuối” thì làm được điều này./.

Toàn bộ êkíp “Đêm Hè sau cuối” (Ảnh: Thanh Trần)
Toàn bộ êkíp “Đêm Hè sau cuối” (Ảnh: Thanh Trần)