Không dừng lại ở việc đưa ra những xu hướng thời trang tóc, Davines còn là người bạn đồng hành với nghệ thuật trong sứ mệnh mang các tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và quảng bá những nghệ sỹ thực sự tài năng. Davines Art Series đã ra đời với tinh thần ấy từ năm 2012 để đến thời điểm hiện tại, chuỗi hoạt động nghệ thuật DAS được công nhận như một món ăn tinh thần bổ sung vào đời sống văn hóa nghệ thuật của công chúng.
Điểm đặc biệt của Davines Art Series nằm ở chính không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật: không phải nhà triển lãm, không phải viện bảo tàng. Phá bỏ rào cản bác học của những không gian thưởng lãm nghệ thuật thông thường, Davines chọn địa điểm là những nơi mà ai cũng có thể đến, để có cơ hội thưởng thức nghệ thuật một cách tự nhiên nhất. Có thể, họ sẽ có cách tiếp cận khác với những người trong giới chuyên môn. Nhưng vốn dĩ, cái đẹp và nghệ thuật là đa chiều. Và theo cách này, nghệ thuật uyên bác đã tiến gần hơn, thở cùng một nhịp với đời sống hàng ngày của đại đa số công chúng.
Davines Art Series số 5 trở lại với những người yêu nghệ thuật cùng những mảng màu cuộc sống thật khác biệt đến từ những nghệ sỹ đời thường: Trần Vũ Hải, Phạm Trần Quân và Nguyễn Vũ Xuân Lan, Trần Quốc Khánh và Nguyễn Thị Phương Thảo. Mỗi nghệ sỹ mang đến cho Davines Art Series số 5 một loại hình nghệ thuật đặc trưng, không thể nhầm lẫn.
Trong lần trở lại này với chủ đề “Nghệ thuật là gì nếu không phải là một trạng thái của cuộc sống” đồng thời khai thác câu chuyện nghệ thuật của 5 nghệ sỹ đời thường, Davines Art Series mong muốn công chúng cảm nhận được nghệ thuật đang ở gần hơn bao giờ hết để rồi hiểu rằng, nghệ thuật hiển hiện xung quanh mỗi chúng ta và ai cũng có thể trở thành nghệ sỹ. Cùng khám phá 5 mảng màu cuộc sống trong bức tranh nghệ thuật mà Davines Art Series số 5 mang đến cho công chúng.
Giám tuyển: Hoạ sĩ Lê Thiết CươngĐạo diễn: Nguyễn Phi Phi Anh


X.LAN
Người đưa chuyện đời bằng truyện tranh
Họa sĩ trẻ Nguyễn Vũ Xuân Lan, hay được nhắc đến với cái tên X.Lan, sẽ mang đến cho khán giả một góc nhìn về truyện tranh hoàn toàn khác biệt, đó là truyện tranh gắn với đời thường, các nhân vật dường như được bước ra từ cuộc sống xã hội, hoàn toàn tự nhiên và chân thực.
Tranh của X.Lan chẳng trừu tượng. Nội dung những bức tranh của cô hết sức đời thường, xoay quanh mối quan hệ của cô với người thân, đôi khi chỉ là những mẩu hội thoại đơn giản và được thể thiện qua nét vẽ đáng yêu, dễ xem và dễ cảm. Tranh của X.Lan lôi cuốn bởi đó là những trải nghiệm, tâm sự của chính bản thân cô với mọi điều cô thấy quanh cuộc sống này. Từ đó, người xem như thấy được phần nào câu chuyện của mình trong đó, thấy được một cuộc sống vô cùng chân thực và vui tươi qua những nét vẽ đơn giản, mộc mạc.
Nói đến nghệ thuật, Xuân Lan không coi nghệ thuật là thứ vĩ đại hay xa vời mà chính nằm trong cách con người thực hiện mọi thứ trong cuộc sống. Cô tâm niệm, chỉ cần làm mọi thứ thật chỉn chu với thái độ trân trọng nhất thì ai cũng có thể trở thành một người nghệ sỹ!
X.Lan hiện lên qua tranh là một cô gái trẻ dễ thương, năng động, đam mê nghệ thuật. Ít ai biết rằng công việc chính của cô từng là giảng viên tiếng Anh tại một trường Đại học. Song song với việc tiếp tục kể chuyện đời mình qua tranh vẽ, mục tiêu của Lan là bảo vệ thành công luận án thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ.
Cô họa sỹ trẻ hài hước này nhìn cuộc sống thật giản dị khi bộc bạch “Mình vẽ là vì mình thấy vui khi vẽ, nếu cố gắng vẽ để kiếm tiền thì có thể áp lực từ việc kiếm tiền hay yêu cầu của khách hàng sẽ khiến cho mình bị căng thẳng và mất đi niềm vui ấy”. Nghệ thuật với X.Lan đơn giản chỉ là niềm vui khi được khắc họa bức tranh của cuộc sống qua những nét vẽ dễ thương mà nghịch ngợm ấy.
Những bức vẽ biết nói hết sức đời thường của Lan không chỉ được các bạn trẻ trong nước biết đến mà còn vươn ra ngoài thế giới. Bắt đầu từ việc tham gia cộng đồng nghệ thuật Hitrecord, khởi xướng bởi diễn viên nổi tiếng Joseph Gordon Levitt, cũng là thần tượng của Lan, cô đăng một số tác phẩm mình vẽ lên đó. Bất ngờ đến với Lan khi cô được chính thần tượng của mình chia sẻ lại những tác phẩm đó lên Facebook với hàng triệu lượt người theo dõi của anh, Lan cảm thấy như mình đang mơ vậy.
Khi những tranh vẽ của cô bắt đầu được biết đến, X.Lan đã có một trang riêng bên cạnh Facebook cá nhân của mình, chuyên để đăng những tác phẩm cô vẽ. Mỗi tranh vẽ của cô được đăng tải nhận được rất nhiều phản hồi của người xem, người khen Lan vẽ đẹp quá, người lại chia sẻ mình cũng đã gặp tình huống y hệt như tranh. Với X.Lan, mỗi fan hâm mộ, mỗi follower đều rất có ý nghĩa với cô, vượt qua ranh giới của mạng xã hội, họ hiểu và chia sẻ với từng câu chuyện của cuộc đời cô.
Hãy cùng khám phá những mảng màu cuộc sống mà X.Lan mang đến qua video dưới đây
HẢI TRÒN
Người gửi tâm hồn trẻ thơ vào đồng nát
Nếu ai đó đưa cho bạn một chiếc ghế cũ, một chiếc lốp xe thủng hay một bình rượu thủy tinh bám đầy bụi, bạn sẽ làm gì với chúng? Ấy thế mà những món đồ tưởng chừng như không còn sử dụng được nữa lại được Hải Tròn – phù thủy tái chế đồ cũ – nhận ra được vẻ đẹp và khiến cho chúng được sinh ra một lần nữa tại Đồng Nát Décor.
Nghệ thuật đối với Hải Tròn là những món đồ phủ đầy bụi, là khi cảm nhận nét thời gian không gì xoá nhoà được từ chúng, là lúc được thoả sức sáng tạo để biến chúng trở nên đẹp đẽ hơn. Hải Tròn làm nghệ thuật nhưng không coi mình là nghệ sỹ, anh chỉ cho mình là một người bình thường thích mày mò sáng tạo từ những thứ cũ kỹ của cuộc sống. Có lẽ chính vì vậy mà những món đồ qua bàn tay anh mang những vẻ đẹp rất khác nhau, rất “đời”, gợi lên trong lòng chúng ta chút hoài niệm của những ngày xưa cũ.
“Đối với tôi, bản thân những món đồ cũ chứa đựng tình cảm mà người chủ cũ gửi gắm trong đó…” – lời chia sẻ rất “đời” từ Hải Tròn – phù thủy đồ tái chế. Từ thời sinh viên Hải Tròn đã bị mê hoặc bởi thế giới nội thất tái chế: những chai rượu cũ được biến hóa thành đèn trần đầy tinh tế hay khung máy may quần áo thành giá đỡ trưng bày đồ trang sức… Chúng ta thường có cảm tình với những đồ vật đã dùng lâu năm, Hải Tròn hiểu điều đó, anh thổi hồn vào những món đồ bình thường ấy bằng màu sắc, bằng những nét cá tính riêng biệt để chúng trở thành những tác phẩm độc nhất.
Những món đồ hoài cổ hay được chế tác lại theo phong cách của thời bao cấp dường như là một dấu ấn của Hải Tròn. Ít ai biết niềm yêu thích ấy xuất phát từ tuổi thơ của anh. Với người cha trong ngành hậu cần quân đội, từ nhỏ Hải Tròn đã thường xuyên được tiếp xúc với những món đồ chơi làm từ đồ dùng hậu cần bỏ đi như vỏ súng, vỏ xe, … Niềm yêu thích với những đồ vật ấy, kết hợp với kiến thức nền tảng từ trường Đai học, giúp Hải Tròn tạo ra được những không gian hoài cổ đẹp, tỉ mỉ đến từng cái cốc cái chai.
Dù tạo ra những sản phẩm “độc” như vậy nhưng Hải Tròn không nhận mình là một người nghệ sỹ, cũng không gọi công việc mình làm là làm nghệ thuật, chỉ đơn thuần là người làm ra những tác phẩm được nhiều người yêu thích. Với tác phong chuyên nghiệp, Hải Tròn đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu. Anh tâm sự rằng, cũng vì điều này mà nhiều người cho rằng anh rất khó tính.
Hải Tròn làm nghệ thuật thầm lặng, nhưng chỉ cần nhìn vào những sản phẩm của anh, người ta nhận ra ngay “chất” của Hải Tròn trong đó, rất cá tính mà không hề bị trộn lẫn. Nghệ thuật là thế, chẳng cầu kỳ, chẳng phô trương nhưng làm người ta nhớ lâu, làm người ta dễ cảm được cái đẹp từ những thứ bình dị nhất.
Hải Tròn chia sẻ như thế nào về việc sáng tác nghệ thuật qua những món đồ cũ? Hãy cùng lắng nghe lời tâm sự từ anh – Người đưa tâm hồn trẻ thơ vào đồng nát.
PHẠM TRẦN QUÂN
Người dụng võ trong tranh vẽ
Niềm đam mê nghệ thuật nảy nở trong Phạm Trần Quân từ thuở thiếu thời. Nếu ai đã có dịp ghé qua triển lãm đầu tay vào năm 2005 của họa sỹ trẻ Phạm Trần Quân khi đó tại Gallery 39, chắc hẳn chưa thể quên nỗi bâng khuâng, trầm mặc của một tâm hồn nghệ sỹ được khắc họa qua những mảng màu. Mỗi bức tranh đều chú tâm miêu tả những ngón tay. Đâu đó trên những bức họa là những dấu hỏi về thân phận, về cõi nhân sinh, về hạnh phúc và bất hạnh, về nghệ thuật.
Mỗi bức tranh của Phạm Trần Quân là những cuộc dạo chơi của những hình khối màu sắc, cần người xem chậm lại hồi lâu, chiêm ngưỡng và cảm nhận bằng cả trái tim mình.
Là một nghệ sỹ, cảm hứng đối với Phạm Trần Quân rất quan trọng và anh tìm thấy điều này từ ngay trong chính những người yêu tranh, hâm mộ tranh của mình. Những cái nhìn mới lạ, những cảm xúc, phản ứng, biểu cảm khác nhau của người xem tranh chính là nguồn độc lực vô giá giúp anh kiên trì theo đuổi con đường nghệ thuật.
Xem tranh của Phạm Trần Quân, người ta sẽ lạc vào thế giới của những băn khoăn từ chính tác giả với những câu hỏi trăn trở về cuộc sống và con đường nghệ thuật. Mỗi bức tranh của Phạm Trần Quân là những cuộc dạo chơi của những hình khối màu sắc, cần người xem chậm lại hồi lâu, chiêm ngưỡng và cảm nhận bằng cả trái tim mình.
Trước khi trở thành họa sỹ như công chúng biết tới ngày nay, Phạm Trần Quân đã từng có ý định buông xuôi với nghệ thuật để theo đuổi đam mê với võ thuật. 20 năm tập võ, võ thuật gắn bó với anh và khai sáng cho anh những triết lý của cuộc sống. Anh nhận ra võ không phải chỉ là xuống tấn hay tung cước, võ là một cách thể hiện bản lĩnh, cái tôi của mình. Thái độ của người tập võ thuât cũng phản ánh cách hành xử của họ với cuộc đời. Hội họa cũng vậy. Người nghệ sỹ không nhất thiết phải làm ra tác phẩm xuất sắc nhất, và kiệt tác cũng không có ý nghĩa gì nếu anh không để lại được dấu ấn, cái bản lĩnh của mình ở trong đó.
Người ta nói tranh của Phạm Trần Quân chứa đựng nhiều câu hỏi. Anh nói đó là những câu hỏi anh dành cho chính mình, tìm kiếm cái cốt lõi tâm hồn mình trong hội họa. Bao nhiêu năm cầm cọ là bấy nhiêu năm Phạm Trần Quân trải lòng, mải miết vẽ, mải miết thể hiện những cá tính khác nhau của mình. Có lẽ vì vậy tranh của anh thường hiện lên nhiều xung đột giữa các mảng màu, khối hình, đường nét như phản ánh sự dữ dội của chất nghệ sỹ chảy tràn trong con người anh.
Cùng khám phá đằng sau người hoạ sỹ này còn điều gì thú vị qua video sau đây.
TRẦN QUỐC KHÁNH
Người ca hát vui vẻ
Tìm đến nghệ thuật muộn hơn trong sô 5 nghệ sỹ mà Davines Art Series số 5 muốn giới thiệu, Quốc Khánh bén duyên với nghề ca hát từ cách đây 2 năm. Trước khoảng thời gian được tiếp xúc với nghệ thuật, anh đã trải qua nhiều công việc khác nhau ở nhiều lĩnh vực, nhưng chỉ đến khi dành thời gian cho âm nhạc, anh mới cảm nhận được dường như nghệ thuật đã là một phần con người anh.
Sau khi thử sức tại cuộc thi Giọng hát Việt năm 2015 như là một trải nghiệm, Quốc Khánh càng dành nhiều thời gian cho hoạt động nghệ thuật hơn nữa.
Có lẽ với Quốc Khánh, việc ca hát không bắt buộc phải đứng trên một sân khấu rực rỡ nào, đơn giản chỉ là khi anh được thả hồn với những giai điệu, những lời ca, được trải lòng cùng âm nhạc và những người trẻ có cùng đam mê, và khi đó anh mới thực sự là mình – Người hát ca vui vẻ.
Bên cạnh việc dành thời gian cho ca hát, Quốc Khánh vẫn hàng ngày làm việc tại tiệm bánh nhỏ, nơi anh được thoả sức sáng tạo trong việc làm bánh và tạo hình bánh. Quốc Khánh chia sẻ, trước khi đến với việc làm bánh và ca hát, anh đã thử sức trong nhiều ngành nghề như du lịch, báo chí, thu âm… Mỗi lần thay đổi công việc là một lần anh có được những trải nghiệm mới, gặp gỡ được những con người mới, trẻ và năng động.
Tiếp xúc và làm việc với họ khiến anh có nhiều động lực cũng như cảm hứng để sống trẻ, để ca những khúc ca vui vẻ của một tâm hồn yêu nghệ thuật cháy bỏng.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Vận động viên sân khấu
Nguyễn Thị Phương Thảo – cô gái trẻ đã dành được rất nhiều tình cảm từ những người yêu nghệ thuật tại Hà Nội qua vai diễn Bà Tị trong vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối của Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh. Trên sân khấu của Đêm hè sau cuối, khán giả ấn tượng với một Bà Tị tư duy sắc sảo, lối nói chuyện hài hước mà sâu sắc, thì ở ngoài đời, người ta lại nhớ đến một Phương Thảo vô cùng năng động, đa tài và cũng không kém phần hài hước so với nhân vật của mình.
Những người yêu mến Phương Thảo thường gọi cô bằng cái tên thân mật Thảo Tươi và cũng không lạ gì với việc cô là thủ lĩnh của đội Cheerleading của trường Đại học Ngoại thương, đạo diễn Phi Anh – người chọn cô cho vai Bà Tị đầy ấn tượng chia sẻ: “Nếu không có Tươi, tôi sẽ không bao giờ làm được “Góc phố” hay “Đêm hè”. Không phải vì vai diễn Chim Non hay vai diễn bà Tị, mà là vì nguồn năng lượng bừng bừng mà bạn ấy tỏa ra, nó khiến tất cả những người khác đều phải sống động theo. Nó làm tất cả mọi người nghiệp dư trong đoàn tôi cũng muốn đứng lên để diễn thật sâu, thật hay”.
Có lẽ không phải chỉ riêng với Cheerleading hay với nhạc kịch, Thảo Tươi luôn là cô gái hết mình vì nghệ thuật. Cô gái bé nhỏ mà đa tài từng tham gia Câu lạc bộ Hiphop của trường, bên cạnh đó cô còn thi tuyển vào Câu lạc bộ Âm nhạc nữa, nhưng có lẽ Cheerleading vẫn là mối duyên khó dứt của cô.
Cô gái biết nhảy, biết hát, biết múa và diễn xuất này đặc biệt ở chỗ cô không coi nghệ thuật chỉ là đam mê đơn thuần mà nghệ thuật là động lực khiến cô thức dậy và tiếp tục làm việc mỗi ngày. Với Phương Thảo, làm nghệ thuật không phải vì sở thích, càng không phải là để đạt mục đích gì, đơn giản vì nghệ thuật vốn đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.
Lắng nghe chia sẻ của cô gái nhỏ nhưng tràn đầy năng lượng và sống hết mình vì nghệ thuật này qua video sau đây.