Mỹ-Nga

Gần một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin “tay bắt mặt mừng” tại Helsinki, Phần Lan và có cuộc hội đàm kéo dài gần gấp đôi thời gian dự kiến, không ít hy vọng lớn dần lên về một tương lai hai bên sẽ có thể hòa cùng nhịp bước giải quyết nhiều vấn đề nhằm sưởi ấm mối quan hệ đang rơi vào giai đoạn ảm đạm nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, thế giới lại đang được chứng kiến hai bên đe dọa và chỉ trích lẫn nhau sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Nga với kết luận rằng Moskva đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc một cựu điệp viên Nga cùng với con gái của ông này tại Anh.

Thế giới lại đang được chứng kiến Mỹ-Nga đe dọa và chỉ trích lẫn nhau

Việc Washington vào thời điểm này trừng phạt Nga liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng với con gái là Yulia, được xác định là bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng Ba ở Anh, được cho là khá bất ngờ. Bởi câu chuyện vụ đầu độc kể trên cho tới nay vẫn gây tranh cãi, dù cả hai cha con cựu điệp viên đều đã bình phục.

Trước đó, Anh cùng các quốc gia phương Tây, trong đó có cả Mỹ, cho rằng chất độc Novichok được sản xuất tại Nga và cáo buộc Moskva đứng sau vụ việc, song Nga kiên quyết bác bỏ. Phương Tây cũng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh Nga đứng sau vụ đầu độc trên.

Cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal (trái) tại một phiên tòa ở Moskva, Nga ngày 9/8/2006. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal (trái) tại một phiên tòa ở Moskva, Nga ngày 9/8/2006. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lệnh trừng phạt trên ngay lập tức bị Nga chỉ trích, coi điều này trái với luật pháp quốc tế, và  “hoàn toàn không thân thiện,” đi ngược lại bầu không khí mang tính xây dựng trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng trước. Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng lý do Washington đưa ra để áp đặt trừng phạt là gượng ép đồng thời nhấn mạnh không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của Mỹ, trong khi phía Mỹ vẫn từ chối giải đáp các thắc mắc của Nga.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh bảo Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ được coi là một tuyên bố chiến tranh kinh tế và Nga cũng sẽ đáp trả về mặt kinh tế, chính trị cũng như mọi cách thức cần thiết khác.

Những động thái mới của Mỹ đang đẩy quan hệ với Nga trở lại vạch xuất phát trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Phần Lan

Những động thái mới của Mỹ đang đẩy hai quốc gia này trở lại vạch xuất phát trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Phần Lan mà sau đó hai nhà lãnh đạo đều tỏ ra rất hài lòng và mô tả với những mỹ từ như “mang tính xây dựng cao” hay “bước khởi đầu quan trọng “ hướng tới cải thiện quan hệ song phương.

Trên thực tế, Moskva đã không ít lần thử và cũng từng thành công trong việc làm mới những nỗ lực hàn gắn rạn nứt với Washington kể từ khi tỷ phú Trump lên nắm quyền tại Mỹ hồi năm 2016. Việc hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau trong cuộc hội đàm tại Helsinki từng được coi là một minh chứng cụ thể cho sự thành công của các nhà ngoại giao Nga trên con đường thực hiện mục tiêu này. Nhưng sự kiện tưởng như  một “chiến thắng ngọt ngào”này lại trở nên “đắng chát” sau tuyên bố mới của Washington.

Với Moskva, đây cũng là động thái cho thấy việc kỳ vọng vào một mối quan hệ song phương khởi sắc dưới thời ông Trump là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ của Mỹ đang cận kề.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Xét cho cùng thì đây cũng là bước đi để Tổng thống Trump xoa dịu những dư luận phản đối từ nội bộ chính giới Mỹ rằng ông đã không thể hiện lập trường cứng rắn với Moskva. Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã có những động thái “mềm mỏng” hơn với Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga tại Helsinki, ông cũng từ chối chỉ trích Moskva liên quan đến nghi vấn can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó, Tổng thống Trump một lần nữa chúc mừng ông Putin vì nước Nga đã tổ chức thành công ngày hội bóng đá thế giới. Ông chủ Nhà Trắng không hề nhắc tới các lệnh trừng phạt Nga hay vụ đầu độc cựu gián điệp hai mang Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury của Anh hồi đầu năm nay.

Nhưng vấn đề chi phối nằm ở chỗ nghị sỹ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã không hài lòng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh này, vì cho rằng đây là “cơ hội bị bỏ lỡ” để quy trách nhiệm cho Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vào thời điểm này có thể coi là bước đi cần thiết để đảm bảo đảng Cộng hòa cầm quyền giữ vững thế chủ động trong quốc hội Mỹ sau tháng 11 tới.

Bằng chứng là ngay sau thông báo này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ Ed Royce, người từng cáo buộc Tổng thống Trump cố tình lờ đi các cuộc tấn công tình báo của Nga, đã hoan nghênh động thái mới là việc làm đúng đắn nhằm đề cao những biện pháp trừng phạt quốc tế với việc sử dụng vũ khí hóa học.

Những biện pháp trừng phạt mới đồng nghĩa với việc hai bên đang “bước vào cuộc chiến tranh kinh tế” (Chuyên gia Vladimir Vasilyev)

Bên cạnh thông báo về các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới vụ đầu độc điệp viên Skripal, báo giới Mỹ gần đây cũng liên tục đưa thông tin Nhà Trắng đang soạn thảo một  sắc lệnh hành pháp cho phép Tổng thống Donald Trump trừng phạt những người nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ. Những bước đi rõ ràng cho thấy chính quyền Trump đang muốn dập tắt những chỉ trích có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, đặc biệt trong mối quan hệ với Nga.

Giới chuyên gia cũng nhìn nhận tuyên bố mới này hoàn toàn có thể đặt dấu chấm hết cho những hy vọng về một tương lai thuận hòa Nga-Mỹ.

Chuyên gia Vladimir Vasilyev, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Mỹ-Canada cho rằng những biện pháp trừng phạt mới đồng nghĩa với việc hai bên đang “bước vào cuộc chiến tranh kinh tế,” đưa quan hệ song phương bước tới điểm “không thể quay đầu.”

Chuyên gia này nhận định cuộc chiến kinh tế đòi hỏi những quyết định mang tính chiến lược từ phía người Mỹ và “họ đã thể hiện rất rõ rằng khi Nga vẫn do Tổng thống Putin lãnh đạo thì sẽ không có cải thiện quan hệ song phương.”

Theo chuyên gia này, bất chấp bầu không khí tốt đẹp mà hai nhà lãnh đạo đã xây dựng trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước, có thể đến cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Trump cũng không tạo ra được một sự thay đổi tích cực nào trong mối quan hệ Moskva-Washington.

Đại sứ quán Nga ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đại sứ quán Nga ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Nga Yevgeny Minchenko chỉ ra rằng đây là thời điểm quan trọng để chính quyền Tổng thống Trump thể hiện họ đang có những biện pháp mạnh mẽ hơn với Nga so với thời của cựu Tổng thống Barack Obama. Washington cũng cần nguyên tắc đoàn kết đồng lòng trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn vẹn nguyên bằng cách khẳng định “nếu đồng minh Anh nói Nga phải chịu trách nhiệm thì đó là sự thật.”

Đặt trong bối cảnh Mỹ liên tục sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các đối tác thương mại cũng như chính trị để gây sức ép tạo lợi thế đàm phán, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, Dmitri Trenin cho rằng những biện pháp trừng phạt này chẳng khác nào “loạt đạn mới“ trong “cuộc chiến” kiểu mới mà Mỹ đã tự lai tạo ra.

Những biện pháp trừng phạt chẳng khác nào “loạt đạn mới“ trong “cuộc chiến” kiểu mới mà Mỹ đã tự lai tạo ra (Chuyên gia Dmitri Trenin)

Theo cựu Đại tá quân đội Nga, các biện pháp trừng phạt được Mỹ sử dụng như vũ khí chiến đấu và Nga cần phải chuẩn bị đối phó với nhiều “loạt đạn” như vậy hơn nữa trong vài năm tới, thậm chí phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất hoặc rút lui khi cần thiết.

Những diễn biến trên một lần nữa cho thấy sự phức tạp trong những chính sách điều chỉnh quan hệ song phương giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga, mối quan hệ đặc biệt vốn được cho là có sức ảnh hưởng lớn tới tình hình địa chính trị toàn cầu. Mọi biểu hiện bề ngoài chưa chắc đã phản ánh đúng nội dung bên trong, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Trump vừa mới lên cầm quyền và cần khéo léo cả trong đối nội lẫn đối ngoại để nhận được sự ủng hộ từ chính nội bộ Mỹ.

Dù ông chủ Nhà Trắng từng khẳng định “là hai cường quốc, Nga và Mỹ cần đồng hành” vì tương lai tươi sáng, song khi nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng, rõ ràng quan hệ Nga và Mỹ vẫn trong tình thế bấp bênh chưa thể dự đoán trước./.

(Nguồn: The Moscow Times)
(Nguồn: The Moscow Times)

ASEAN tự cường và sáng tạo

Một năm sau chặng đường 50 năm đầu tiên trong quá trình phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu thúc đẩy và duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ để ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh đang nổi lên, từ đó giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tăng cường hội nhập kinh tế và xây dựng cộng đồng kết nối để biến ASEAN trở thành một khu vực thực sự năng động, nơi người dân thực sự gắn bó và đoàn kết.

Thông điệp “Một ASEAN Tự cường và Sáng tạo,” như chủ đề do nước Chủ tịch ASEAN năm 2018 Singapore đưa ra, đã được các nước ASEAN hiện thực hóa, thông qua việc phối hợp tự giải quyết các vấn đề đang tồn tại, đối phó với những thách thức chung và ngày càng khẳng định vai trò trung tâm của mình trong khu vực.

Thông điệp “Một ASEAN Tự cường và Sáng tạo” đã được các nước ASEAN hiện thực hóa

Những thành quả của ASEAN trong 1 năm qua kể từ khi bước sang tuổi 51 là minh chứng rằng việc phát huy và kết hợp tính tự cường và khả năng sáng tạo của cả 10 nước thành viên có thể tạo nên sức mạnh đoàn kết, đem lại lợi ích cho toàn khối cũng như từng thành viên.

Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, mục tiêu liên kết hướng tới khu vực kinh tế năng động đang đạt tiến triển với việc triển khai Kế hoạch hành động IAI (sáng kiến liên kết) lần thứ III. Đáng chú ý là 53,8% các mục tiêu trong 5 lĩnh vực chiến lược như: lương thực, nông nghiệp, xúc tiến thương mại, doanh nghiệp vừa-nhỏ-siêu nhỏ, giáo dục và y tế đã được giải quyết.

ASEAN cũng đạt được những bước tiến về hội nhập dịch vụ, hay hiện thực hóa tầm nhìn về một nền kinh tế kỹ thuật số, hướng tới một cộng đồng ASEAN bền vững, an toàn , sáng tạo, toàn diện và hợp nhất.

Nghi thức thượng cờ ASEAN tại Trụ sở Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Nghi thức thượng cờ ASEAN tại Trụ sở Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Những bước tiến trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với việc thống nhất các ưu tiên mà ASEAN dành cho RCEP với tư cách là một trung tâm trong mối quan hệ kinh tế ngoại khối, đã thể hiện vai trò chủ động của ASEAN như một trong những đầu tàu tăng trưởng và kết nối kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn hệ thống thương mại quốc tế đang đối mặt với những bất ổn khó lường.

Từ cam kết tại Hội nghị bộ trưởng các nước đàm phán RCEP hồi tháng Bảy vừa qua ở Tokyo, Nhật Bản, tới sự nhất trí tại Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN +3 vừa diễn ra ở Singapore, về việc sớm hoàn tất RCEP để đạt được một thỏa thuận hợp tác kinh tế tân tiến, toàn diện, có chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, cơ hội thành lập khối thương mại lớn nhất thế giới mà ASEAN là trung tâm đang ngày càng hiện rõ.

Một ASEAN đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng đang được các nước thành viên xây dựng trong lộ trình hoàn thành các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025

Một ASEAN đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng đang được các nước thành viên xây dựng trong lộ trình hoàn thành các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN ra đời theo đề xuất được các nhà lãnh đạo ASEAN công bố tại hội nghị cấp cao diễn ra tháng 5/2018, là bước đi phù hợp với xu hướng của thời đại trong bối cảnh đô thị hóa đang phát triển rất mạnh, cùng quá trình phát triển như vũ bão của công nghệ và số hóa.

Với sự tham gia của 26 thành phố, trong đó Việt Nam có 3 thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), ASEAN đang triển khai đúng hướng kế hoạch cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái chung, tận dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện đời sống của người dân tại các thành phố tham gia mạng lưới cũng như tạo sự liên kết với các thành phố khác trong khu vực, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của mỗi quốc gia và cả khu vực. Đây cũng là minh chứng sinh động cho tính tự cường và sáng tạo của ASEAN trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Năng lực “tự cường và sáng tạo” của ASEAN còn được thể hiện trong việc 10 quốc gia thành viên cùng đồng hành ứng phó với các mối đe dọa, hay giải quyết những thách thức chung. Việc 10 nước ASEAN ký Tuyên bố Singapore về môi trường bền vững hồi tháng Bảy vừa qua, trong đó đưa ra những cam kết trong vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… có thể coi là “hình mẫu” của sự chung tay và liên kết cùng vượt qua khó khăn để trở thành một khối thống nhất.

Trong khi đó, việc ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về “văn bản duy nhất” đàm phán COC là kết quả những nỗ lực kiên trì của khối trong đối thoại mang tính chất xây dựng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cao vị trí hàng đầu của ASEAN trong chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”

Trên bình diện khu vực, vai trò của ASEAN càng được khẳng định trong bối cảnh tổ chức này đang là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ và các đồng minh chủ chốt đang triển khai.

Tại Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa đề cao vị trí hàng đầu của ASEAN trong chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Washington; Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhấn mạnh ASEAN có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt ở khu vực Đông Nam Á và có kết nối mạnh mẽ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Ấn Độ, Hàn Quốc… đều coi ASEAN là một trong những trọng tâm chính sách đối ngoại.

(Nguồn: AFP/TTXVN)
(Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, giai đoạn phát triển mới cũng đồng nghĩa với những thách thức mới. Những diễn biến phức tạp trong môi trường địa chính trị cùng sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tại một khu vực có vai trò chiến lược như ASEAN cũng đặt ra bài toán buộc ASEAN phải cân bằng được các mối quan hệ với các đối tác để tiếp tục duy trì môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.

Bên cạnh đó, việc các nước ASEAN chưa thể thu hẹp đáng kể khoảng cách phát triển cũng trở thành rào cản, đôi khi khiến những nỗ lực nhằm dung hòa, cân bằng lợi ích chung với lợi ích của từng nước khó thành công. Những mối đe dọa an ninh cũng ngày càng tăng, trong đó có những vấn đề cấp thiết như an ninh mạng, khủng bố… Bản thân cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội phát triển to lớn song cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho từng nước ASEAN trong chặng đường cùng phát triển…

Mong ước chung về một ASEAN có tiềm lực cả về chính trị và kinh tế, có vai trò trung tâm, một ASEAN gắn kết, đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng… đã trở thành cầu nối để các nước ASEAN cùng quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong giai đoạn phát triển mới, rõ ràng ASEAN cần tích cực và chủ động hơn nữa để biến mong ước sớm thành hiện thực./.

Xây dựng thương hiệu

Thương hiệu lần đầu tiên được sử dụng tại Ai Cập cổ đại. Đó là việc người ta nung sắt đỏ với các hình dáng để đánh dấu quyền sở hữu trên các con thú. 

Việc xây dựng một thương hiệu vững chắc luôn là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm kinh tế số bùng nổ. Thế nhưng, để xây dựng một thương hiệu thành công, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược bài bản.

Tại buổi tọa đàm “Xây dựng thương hiệu dẫn đầu dựa trên đổi mới sáng tạo” do Trung tâm sáng tạo và ươm tạo FTU (Trường Đại học Ngoại thương) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc điều hành Richard Moore Associates (Mỹ) cho hay, các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu qua 6 giác quan.

Thương hiệu lần đầu tiên được sử dụng tại Ai Cập cổ đại thông qua ta nung dấu sắt đỏ với các hình dáng để đánh dấu quyền sở hữu trên các con thú. Tuy nhiên, đó chỉ là cách làm thương hiệu cổ xưa. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số cùng nhiều thách thức. Với một sản phẩm, có thể có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà cung cấp. Do đó, vai trò của thương hiệu trở nên hết sức quan trọng, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Ông Sơn cho rằng, thương hiệu cần tương tác trực tiếp vào các giác quan, thông qua các công cụ điển hình như bộ nhận diện, phong cách quảng cáo sáng tạo hoặc các nội dung thu hút khách hàng.

Sáu giác quan mà ông Sơn nói tới trong việc xây dựng thương hiệu chính là thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác và cảm xúc (cảm nhận).

Ông Sơn kể ra câu chuyện về một cửa hàng của Nike đã tăng khả năng bán hàng lên 80% khi sử dụng một mùi hương, giúp khách hàng dễ chịu, khiến họ ở lại cửa hàng lâu hơn và qua đó có thời gian để tìm kiếm thêm sản phẩm. Hoặc, một câu chuyện nhãn rượu vang của Austrailia thành công tại thị trường Mỹ khi có kiểu dáng, thiết kế bên ngoài tách biệt và nổi bật so với những chai rượu vang truyền thống…

Nói về tác động tới thính giác, ông Sơn đưa ra ví dụ về một nhà hàng ở Mỹ đã bị giảm tới 24% doanh thu khi tắt những âm thanh tác động tới thực khách. Hoặc, bia Huda đã tạo ra một ý tưởng lớn trong việc làm thương hiệu là tự hào miền Trung với một bài hát sôi động…

Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của công nghệ, các cách làm thương hiệu của doanh nghiệp hiện nay đa dạng và phong phú hơn. Ngay chuyện chọn kênh nhận diện thương hiệu cũng là vấn đề trở nên dễ dàng vì ngoài các phương tiện truyền thống như quảng cáo báo in, đài truyền hình, đài tiếng nói, báo điện tử… thì còn các kênh mới như mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin, di động…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rõ ràng những dấu hiệu nhận biết qua các giác quan là cực kỳ quan trọng trong quá trình làm thương hiệu của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch cộng đồng Keieijjuku Việt Nam – Nhật Bản, Tổng Giám đốc công ty điện tử Hanel PT, Chủ tịch tập đoàn nông nghiệp hữu cơ Orgen bổ sung, muốn phát triển thì các sản phẩm phải thay đổi để tránh những điểm dừng. Do đó, làn sóng đổi mới sáng tạo sẽ tạo cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp.

Shop Nike đã tăng doanh thu khi sử dụng mùi hương. (Ảnh minh họa: behance.net)
Shop Nike đã tăng doanh thu khi sử dụng mùi hương. (Ảnh minh họa: behance.net)

Trong khi đó, ông Hidetaka Yoshikawa, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Takara Belmont (Nhật Bản) thì khẳng định, việc tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường chính là tạo cơ hội phát triển cho cả doanh nghiệp và thị trường.

Theo các chuyên gia, việc tạo dựng thương hiệu đã khó, nhưng giữ được thương hiệu để phát triển được xem là bài toán sống còn của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, đã có một số đơn vị học được những bài học “xương máu” từ câu chuyện này. Đơn cử như càphê Trung Nguyên năm 2000 bị “thâu tóm” bởi một công ty đăng kí bảo hộ thương hiệu tại Mỹ và một số quốc gia trên thế giới thông qua Văn phòng WIPO (Tổ chức Trí tuệ thế giới). Sau hai năm đàm phán, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này; hay chuyện nước mắm Phú Quốc bị đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ và cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc và Australia…

Việc tạo dựng thương hiệu đã khó, nhưng giữ được thương hiệu để phát triển được xem là bài toán sống còn của doanh nghiệp  

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, luật sư Tám Trần, Giám đốc Công ty IPCOM cho hay, thực tế tại Việt Nam đã có những đơn vị bị ảnh hưởng lớn do xây dựng thương hiệu không dựa trên tài sản trí tuệ.

Theo luật sư Tám Trần, xây dựng thương hiệu dựa trên nền tảng tài sản trí tuệ là quan hệ phát triển bền vững. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đảm bảo cho cho các chủ thể yên tâm đầu tư tiền bạc, công sức và thời gian xây dựng danh tiếng và uy tín cho dịch vụ của mình. Và, đến lượt mình, thương hiệu sẽ tạo ra giá trị to lớn cho tài sản trí tuệ bằng việc các chủ thể thu được lợi nhuận từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ hoặc cho phép người khác cung cấp dịch vụ mang tên mình.

“Cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt và kinh tế hiện đại sẽ thưởng công xứng đáng cho những chủ thể am hiểu về tầm quan trọng và những quy tắc gia tăng giá trị sản phẩm/dịch vụ dựa trên tài sản trí tuệ mà họ nắm giữ,” luật sư Tám Trần cho biết./.

Café Trung Nguyên từng bị một doanh nghiệp đăng ký thương hiệu và phải rất vất vả để lấy lại. (Ảnh: caphechontrungnguyen.blogspot.com)
Café Trung Nguyên từng bị một doanh nghiệp đăng ký thương hiệu và phải rất vất vả để lấy lại. (Ảnh: caphechontrungnguyen.blogspot.com)

Tân Tổng thống Colombia Ivan Duque

Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque đã chính thức đảm nhận trọng trách nặng nề, tiếp tục đưa quốc gia Nam Mỹ này hoàn tất tiến trình hòa bình và hòa hợp dân tộc mà người dân mong mỏi trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, sau lễ nhậm chức trọng thể tại thủ đô Bogota ngày 7/8.

Ở độ tuổi 42, ông Duque trở thành nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trong lịch sử cận đại Colombia. Bất chấp những chỉ trích và những quan điểm chính trị khác nhau trong các tầng lớp xã hội Colombia, đa số ý kiến đều phải công nhận rằng ông Duque là chính trị gia sắc sảo, uyên bác và có tầm nhìn sâu rộng đối với tương lai đất nước.

Mặc dù vậy, vẫn có những luồng dư luận e dè về các chính sách mới trong chính quyền của ông Duque, cũng như con đường mà đất nước Colombia sẽ phải đi qua trong 4 năm tới đây.

Ở độ tuổi 42, ông Duque trở thành nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trong lịch sử cận đại Colombia.

Những quan điểm trái ngược nhau về vị tân Tổng thống cũng là điều dễ hiểu bởi cách đây 1 năm, ông Duque vẫn là một thượng nghị sỹ chưa mấy tên tuổi.

Được sự hậu thuẫn của cựu Tổng thống Alvaro Uribe cùng với năng lực cá nhân và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hoạt động, ông Duque từng bước ghi dấu ấn trong suốt quá trình tranh cử với tư cách là ứng cử viên của đảng Trung tâm Dân chủ.

Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque (phải, phía trước) và Phó Tổng thống Marta Lucia Ramirez (trái, phía trước) tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Bogota ngày 7/8. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque (phải, phía trước) và Phó Tổng thống Marta Lucia Ramirez (trái, phía trước) tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Bogota ngày 7/8. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Tân Tổng thống Duque tiếp nhận một đất nước Colombia đã thay đổi rất nhiều trong 2 nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Juan Manuel Santos, trong đó đáng chú ý nhất là thỏa thuận đã được Chính phủ Colombia ký kết với Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) hồi cuối năm 2016, giúp chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài trong suốt hơn nửa thế kỷ và cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người.

Tuy nhiên, Colombia mà ông Duque tiếp quản vẫn là một đất nước chia rẽ sâu sắc trong cách nhìn nhận về thỏa thuận hòa bình này, cũng vì vậy mà những gì người dân quốc gia Nam Mỹ nhận được trong hai năm qua chỉ là một nền hòa bình chưa ổn định. Đấy là chưa kể tiến trình đàm phán với một nhóm vũ trang khác là Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa đạt được kết quả khi nhiệm kỳ của ông Santos khép lại.

Colombia mà ông Duque tiếp quản vẫn là một đất nước chia rẽ sâu sắc trong cách nhìn nhận về thỏa thuận hòa bình với FARC.

Trong suốt quá trình tranh cử, ông Duque luôn giữ quan điểm cứng rắn trong cách đánh giá về thỏa thuận hòa bình, cho rằng chính phủ tiền nhiệm đã quá nhượng bộ trong đàm phán với FARC, đồng thời cam kết ngay sau khi lên nắm quyền sẽ tiến hành điều chỉnh một số điều khoản trong thỏa thuận này để đem lại công lý cho người dân Colombia.

Thậm chí ông Duque còn khẳng định sẽ buộc các cựu thủ lĩnh của FARC phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ không được tham gia các hoạt động với tư cách là nghị sỹ quốc hội.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới quan sát, những phát biểu của ông Duque trong quá trình tranh cử không hẳn sẽ diễn ra trên thực tế khi ông lên nắm quyền, vì việc “cài số lùi” đối với một thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi cả trong nước và quốc tế có thể khiến nhà lãnh đạo này phải trả một cái giá rất đắt.

Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Bogota ngày 7/8. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Bogota ngày 7/8. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Những tuyên bố sau khi thắng cử của ông Duque cũng cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi này dường như sẽ có cách tiếp cận cân bằng và thực tế hơn, cho dù có xem xét lại thỏa thuận hòa bình hay không.

Khác với quan điểm cứng rắn trong nội bộ đảng Trung tâm Dân chủ, ông Duque đã bày tỏ cam kết sẽ không đi ngược lại với những cơ chế đã được thông qua trong thỏa thuận hòa bình với FARC và những điều chỉnh, nếu có, vẫn sẽ đáp ứng được nguyện vọng hòa bình chính đáng của chính phủ và các tầng lớp xã hội. Mặt khác, ông Duque cũng khẳng định sẽ tôn trọng thỏa thuận cho phép các cựu thành viên của FARC được tái hòa nhập cuộc sống xã hội.

Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ Latinh ở Hamburg (Đức) Sabine Kurtenbach cho rằng nếu không muốn hành động một cách vi hiến thì chính phủ mới ở Colombia cần phải thừa nhận rằng Tòa án Hiến pháp đã đồng ý coi thỏa thuận hòa bình là một chính sách nhà nước trong 3 khóa quốc hội tới và cũng cần phải thừa nhận rằng tiến trình hòa bình là một giải pháp ngay lập tức.

Việc “cài số lùi” đối với một thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi cả trong nước và quốc tế có thể khiến ông Duque phải trả một cái giá rất đắt.

Có thể thấy cách ông Duque “ứng xử” với thỏa thuận đã ký với FARC cũng sẽ tác động tới quá trình đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa Chính phủ Colombia với ELN, bởi vậy nhà lãnh đạo Colombia chắc chắn sẽ phải thận trọng.

Bản thân tân Tổng thống Duque cũng khẳng định Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực thi những chính sách phù hợp với pháp luật để giải giáp hoàn toàn các nhóm vũ trang và đưa họ tái hòa nhập với xã hội.

Trong một thông điệp hòa giải dân tộc, ông Duque cũng kêu gọi nhân dân Colombia từng bước gác lại quá khứ bạo lực, cùng chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, đặc biệt là các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột vũ trang.

(Nguồn: Getty Images)
(Nguồn: Getty Images)

Một thách thức không nhỏ nữa đối với tân Tổng thống Colombia, mà ông từng nhiều lần tuyên bố coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, là vấn nạn ma túy. Diện tích trồng cây coca làm nguyên liệu cho ma túy ở Colombia vẫn gia tăng, trên thực tế là một “cái gai” nhức nhối đối với nhiều đời tổng thống Colombia.

Tân Tổng thống Duque coi đây sẽ là một cuộc chiến trực diện và không khoan nhượng, trong đó để loại bỏ được hoàn toàn nạn buôn bán ma túy thì cũng cần phải có những biện pháp chấm dứt mối quan hệ giữa hoạt động phạm pháp này với chính trị.

Với một chính phủ trẻ trung từ tổng thống cho tới các bộ trưởng, người dân Colombia hy vọng sẽ được bước vào một giai đoạn hòa bình thực sự để tập trung cho công cuộc phát triển kinh tế.

Ngoài ra, chính phủ mới của Colombia cũng sẽ triển khai một cách đồng bộ các biện pháp xóa bỏ và thay thế diện tích trồng những loại cây phi pháp trong cộng đồng nông dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ truyền thống của Mỹ trong các chiến dịch triệt phá các cánh trồng cây coca rộng lớn ở các vùng rừng núi, cũng như các cơ sở sản xuất ma túy của các băng nhóm có ảnh hưởng lớn tại quốc gia Nam Mỹ này.

Với một chính phủ trẻ trung từ tổng thống cho tới các bộ trưởng, người dân Colombia hy vọng sẽ được bước vào một giai đoạn hòa bình thực sự để tập trung cho công cuộc phát triển kinh tế. Giải quyết được sự chia rẽ trong xã hội sẽ giúp cho ông Duque có cơ sở để thực thi những chính sách kinh tế trên cơ sở sự công bằng xã hội, chấm dứt được đói nghèo và nâng cao đời sống của người dân./.

(Nguồn: EPE)
(Nguồn: EPE)

Mỹ trừng phạt Iran

Gói biện pháp tái trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran, có hiệu lực từ ngày 7/8, thực sự đã đẩy căng thẳng giữa Washington và Tehran lên một nấc thang mới với nhiều hệ lụy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng đã “phớt lờ” cảnh báo của cộng đồng quốc tế, không ngần ngại “đứng riêng một bên” trong vấn đề Iran, bất chấp quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu vì động thái này của Mỹ càng thêm sứt mẻ.

Có thể thấy mục đích của Washington tái áp đặt 2 gói trừng phạt Iran trong vòng 90 ngày và 180 ngày sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5 vừa qua, là nhằm “gây sức ép tối đa về mặt kinh tế” đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Thậm chí, Mỹ còn không ngại ngần công khai quyết tâm “bóp nghẹt” nền kinh tế Iran khi muốn thông qua gói trừng phạt “triệt tiêu” toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu – nguồn thu chủ lực của Tehran.

Dù đây không phải lần đầu tiên Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, và gói biện pháp đầu tiên này, nhằm vào các giao dịch mua USD, các kim loại quý và các mặt hàng xuất khẩu của Iran, cũng được đánh giá là không mạnh tay bằng gói biện pháp thứ hai có hiệu lực từ ngày 4/11 tới, song trong bối cảnh Tehran đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, đây thực sự là “đòn hiểm” của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên thực tế, kể từ tháng Tư đến nay, đồng rial của Iran đã mất giá khoảng 50% do nền kinh tế sa sút trước nguy cơ Mỹ tái áp đặt trừng phạt, lạm phát leo thang, khó khăn tài chính tại các ngân hàng trong nước và nhu cầu của người dân mua đồng USD tăng cao, kéo theo các cuộc biểu tình đường phố.

Nếu hoạt động xuất khẩu dầu bị ngưng trệ và Iran không thể tiếp tục xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu thô/ngày hoặc giá dầu giảm hơn 70 USD/thùng, chắc chắn Tehran sẽ không đủ tiền để trả lương cho người lao động, nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa và hơn 16 triệu người sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp, kéo theo khoảng cách giàu nghèo và nạn đói gia tăng. Áp lực về kinh tế sẽ đe dọa đến sự ổn định chính trị của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Hàng loạt doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại quốc gia Trung Đông này cũng “dính đòn.” Ước tính khoảng 50 công ty lớn của châu Âu và quốc tế đang làm ăn với Iran trong ngành thác khí đốt tự nhiên, xuất xưởng máy bay, ôtô sẽ bị ảnh hưởng trong khi 10 đối tác kinh doanh hàng đầu gồm Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Nga và Singapore bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp đã phải chọn giải pháp rút khỏi thị trường Iran.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ vẫn có thể bị “gậy ông đập lưng ông” trong chiến lược cứng rắn với Iran   

Các đòn trừng phạt của Mỹ còn tác động tới thị trường dầu khí, do Iran hiện đứng thứ 2 trên thế giới về trữ lượng khí tự nhiên, đứng thứ 4 về trữ lượng dầu thô, đặc biệt nắm giữ lợi thế địa chiến lược khi kiểm soát Eo biển Hormuz – nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới đi qua.

Theo dự báo của giới phân tích, giá dầu có thể biến động mạnh mẽ khi các nhà sản xuất dầu không có khả năng bù đắp khoản thâm hụt khoảng 2,7 triệu thùng mỗi ngày nếu hoạt động xuất khẩu dầu của Iran xuống còn 0 như Mỹ đã tuyên bố. Trong phiên giao dịch ngày 7/8, giá dầu tại hai sàn giao dịch New York và London đều tăng so với các phiên giao dịch trước.

Đó là chưa kể những hệ lụy đối với an ninh khu vực Trung Đông, khi Iran có thể nối lại hoạt động làm giàu urani cũng như theo đuổi lại chương trình hạt nhân. Nếu điều này xảy ra, căng thẳng giữa Iran-Israel, Iran-Saudi Arabia lại bùng phát, Trung Đông có thể lại thành “chảo lửa” và Mỹ có nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến không có hồi kết như tại Iraq hay Afghanistan.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ vẫn có thể bị “gậy ông đập lưng ông” trong chiến lược cứng rắn với Iran.

Công nhân làm việc tại nhà máy thép Alloy ở Yazd, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy thép Alloy ở Yazd, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cựu Phó Giám đốc Văn phòng Tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Wayne White khẳng định dù Iran bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt này của Mỹ, song sẽ không bị mất ổn định nghiêm trọng. Bản thân giới chức Iran cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế nước này, bởi Tehran đã quá “có kinh nghiệm” trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ từ trong quá khứ.

Trên thực tế thì Iran đã chuẩn bị các “đòn đáp trả” trong trường hợp Mỹ tái áp đặt trừng phạt, từ tìm kiếm những bạn hàng mua dầu lớn như Trung Quốc tới đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz nếu nước này bị cô lập trên thị trường dầu toàn cầu. Eo biển địa chiến lược này được coi là một vũ khí đáp trả lợi hại của Tehran bởi nếu Iran đóng cửa Hormuz, thế giới bị thiếu đến 19 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Tình trạng hỗn loạn trên thị trường dầu thế giới hoàn toàn có thể gây bất ổn nền kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ mà đây rõ ràng không phải điều Tổng thống Trump mong muốn trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Trong khi đó, các nước vốn được coi là đồng minh thân cận của Mỹ, đặc biệt là EU, cũng không thể “khoanh tay đứng nhìn” những thành quả của mình bị phá hoại, cũng quyết tâm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn hợp pháp với Iran, cam kết duy trì các kênh tài chính hiệu quả với Iran, đặc biệt là sẽ tiếp tục mua dầu và khí đốt từ nước này. Phản ứng mạnh mẽ của EU và các nước thành viên bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran cho thấy Mỹ lại một lần nữa đặt mình vào tình thế bị cô lập.

Đồng Rial của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng Rial của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia John Glaser thuộc Viện Cato cho rằng nếu Mỹ coi các biện pháp trừng phạt là một công cụ để gây sức ép Iran quay trở lại bàn đàm phán nhằm đưa ra một thỏa thuận hạt nhân với các điều khoản chiều theo ý muốn của Tổng thống Trump hơn, thì điều đó sẽ không xảy ra.

Còn nếu Nhà Trắng muốn gia tăng áp lực tối đa để cản đường Teheran chế tạo bom nguyên tử, để kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực hay với ý đồ thay đổi chế độ tại quốc gia Hồi giáo này, thì với “sự khôn khéo” đã thể hiện trong suốt quá trình thương lượng với phương Tây về hồ sơ hạt nhân của mình, Tehran hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế. Không chỉ vậy, các biện pháp trừng phạt này có thể càng làm người dân Iran có thêm quyết tâm chống Mỹ, nhất là sau khi họ cảm thấy “bị phản bội” khi Mỹ rút khỏi JCPOA.

Do đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran “bất kỳ lúc nào”, cũng được đánh giá là cách tiếp cận đa chiều của ông chủ Nhà Trắng trong vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Trump chưa hẳn định dồn Iran tới chân tường, mà muốn áp dụng chiến thuật tương tự như với Triều Tiên

Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Trump chưa hẳn định dồn Iran tới chân tường, mà muốn áp dụng chiến thuật tương tự như với Triều Tiên khi dùng những lời lẽ đao to búa lớn đe dọa đối phương, đẩy căng thẳng leo thang, để rồi dịu giọng, chìa “cành ôliu” tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh.

Thậm chí, việc chia các biện pháp trừng phạt thành 2 gói có lẽ cũng nằm trong tính toán của Tổng thống Trump, chừa một “khoảng lặng” để hai bên cùng có thời gian xem xét, đánh giá, cân nhắc trước khi có hành động tiếp theo. Dẫu vậy, còn quá sớm để khẳng định phương thức này sẽ đạt hiệu quả như đã từng áp dụng đối với Bình Nhưỡng, bởi thực tế Iran có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, trong khi các đồng minh chủ chốt của Mỹ rõ ràng không ủng hộ giải pháp tái trừng phạt Tehran./.

Thời cơ cho da giày Việt trong cuộc chiến thương mại

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chính thức được kích hoạt từ ngày 6/7 bằng việc Mỹ áp mức thuế mới đối với các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc (chủ yếu là các loại ôtô).

Đối với ngành da giày của Việt Nam, cả Mỹ và Trung Quốc đều là những bạn hàng lớn và là thị trường xuất khẩu chủ lực trong những năm gần đây, chính vì vậy khi cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia kéo dài, dự báo sẽ có nhiều tác động tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.

Để có một cách nhìn đa chiều, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) đã có một số chia sẻ với VietnamPlus nhằm đánh giá những cơ hội và thách thức đối với ngành da giày cùa Việt Nam cũng như các giải pháp để doanh nghiệp có thể ứng phó phù hợp trước những biến động của thị trường thế giới.

Công nhân sản xuất giày da. (Nguồn: TTXVN)
Công nhân sản xuất giày da. (Nguồn: TTXVN)

– Thưa bà, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực này?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Hiện nay Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với ngành da giày Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc lại là thị trường cung cấp chủ yếu nguyên phụ liệu cho ngành da giày, do vậy cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ-Trung Quốc sẽ gây ra những lo ngại rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Cụ thể đối với Trung Quốc, khi cuộc chiến xảy ra, việc phá giá đồng nhân dân tệ của nước này sẽ tác động đến nhập khẩu nguyên phụ liệu của Việt Nam.

Trong khi đó, với thị trường Mỹ, khi cuộc chiến thương mại xảy ra, đây cũng là cơ hội nhưng đan xen cả thách thức đối với doanh nghiệp của Việt Nam trong ngành da giày.

Tuy vậy, theo đánh giá chủ quan của Hiệp hội, trong giai đoạn đầu, mức độ ảnh hưởng gần như chưa thấy rõ, còn về lâu dài, phía Hiệp hội sẽ phối hợp với doanh nghiệp để đánh giá một cách thực tế hơn qua đó có thể hỗ trợ và cung cấp cho doanh nghiệp trong ngành có sự chuẩn bị tốt hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso). 
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso). 

Trong giai đoạn này, các sản phẩm từ nguyên liệu cho đến các mặt hàng giầy dép chưa phải là những mặt hàng nằm trong danh mục sẽ bị áp thuế giữa hai nước Mỹ-Trung Quốc, phía Hiệp hội sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo để có ứng phó phù hợp.

Dù vậy, khi cuộc chiến kéo dài, chắc chắn sẽ có nhiều tác động đối với ngành. Đơn cử hiện nay, chúng ta đang phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, những mặt hàng này có thể bị ảnh hưởng về giá cả thậm chí việc xuất sang một số thị trường khác cũng bị tác động đáng kể.

Thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp của chúng ta cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, tỷ trọng này đã tăng 20% trong những năm gần đây. Như vậy, một mặt chúng ta vừa nhập khẩu nguyên phụ liệu thì mặt khác chúng ta cũng xuất khẩu được sản phẩm vào Trung Quốc. Chính vì vậy, cơ hội và thách thức sẽ song hành nhau chứ không phải chỉ có tác động tiêu cực ảnh hưởng đến ngành da giày.

Với thực tế đang diễn ra cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tập trung hơn vào việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như trước đây.

– Bà có thể nói rõ hơn những tác động của doanh nghiệp trong nước, nhất là việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ra sao đối với hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Theo số liệu khảo sát thực tế, một năm ngành da giầy nhập trung bình khoảng 5,5 tỷ USD nguyên phụ liệu và 60% nhập từ Trung Quốc, do vậy khi biến động về tỷ giá sẽ thấy ngay những bất lợi như thế nào.

Với bất lợi như vậy, các doanh nghiệp trong ngành thay vì nhập khẩu sẽ đẩy mạnh đầu tư vào nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, đây cũng là cơ hội để ngành nguyên phụ liệu của Việt Nam phát triển thay thế dần cho việc nhập khẩu.

Như vậy, đây có thể được nhìn nhận là một cơ hội tốt để doanh nghiệp của chúng ta có động lực phát triển đầu tư, tự chủ cho sản xuất trong nước.

Xưởng sản xuất giả da. (Nguồn: Giadinhgroup.com.vn)
Xưởng sản xuất giả da. (Nguồn: Giadinhgroup.com.vn)

– Liệu có phải cuộc chiến thương mại diễn ra chúng ta mới nghĩ đến việc đầu tư cho nguyên phụ liệu hay không?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Đúng là trước đây chúng ta vẫn nói nhiều đến việc phải đầu tư nguyên phụ liệu trong nước, song việc định hướng và kết quả đạt được vẫn chưa mong muốn, tỷ lệ nội địa hóa của chúng ta còn thấp.

Có thể thấy, một trong những lý do mà các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư nguyên phụ liệu sản xuất trong nước vì quy mô sản xuất trong nước những năm trước đây còn nhỏ, do vậy chưa mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.

Tuy vậy, bức tranh này đã thay đổi khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp cơ hội xuất khẩu của chúng ta mở rộng hơn kéo theo quy mô tăng trưởng cũng rất lớn.

Đơn cử vào năm 2000, mức độ của ngành giầy dép chỉ đạt con số khoảng 1 tỷ USD nhưng tới năm 2017 đã tăng gấp 16 lần. Điều đó cho thấy, với qui mô lớn như vậy thì mức đầu tư cho phát triển nguyên phụ liệu mới hấp dẫn và thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào.

Bên cạnh đó, khi các hiệp định thương mại tự do ký kết đã mở ra các ưu đãi về thuế quan, kèm theo đó là các điều kiện về quy tắc xuất xứ và chúng ta phải đảm bảo được một tỷ trọng các nguyên vật liệu sản xuất giá trị gia tăng ở trong nước thì chúng ta mới đảm bảo thực hiện quy tắc xuất xứ để xuất khẩu và đây cũng là động lực để doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này.

Hơn nữa, khi chúng ta quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu ở một thị trường, đơn cử như Trung Quốc, khi thị trường biến động sẽ gây ra một tổn thất cho doanh nghiệp nếu chúng ta không tự chủ được và đó cũng là động lực giúp doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào khâu nguyên phụ liệu.

Lý do cuối cùng là tính chủ động trong sản xuất, nếu chúng ta nắm về công nghệ và triển khai được nguyên phụ liệu ở trong nước thì tính chủ động trong sản xuất sẽ được nâng lên rất nhiều và cơ hội thị trường sẽ mở ra rất lớn.

Đây chính là lý do tại sao mà cho đến bây giờ việc phát triển nguyên phụ liệu của chúng ta mới đạt được những thành tựu nhất định so với trước kia và dự báo sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất khuôn mẫu. (Nguồn: Giadinhgroup.com.vn)
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất khuôn mẫu. (Nguồn: Giadinhgroup.com.vn)

– Cùng với vấn đề nguyên phụ liệu thì khâu thiết kế được coi là lĩnh vực trọng yếu của ngành da giày, vậy ngành đã có hướng đi như thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu cho ngành?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Đúng là khâu thiết kế cũng là khâu vô cùng quan trọng vì thiết kế cũng gắn liền với phát triển nguyên phụ liệu. Vì muốn thiết kế ra sản phẩm đáp ứng được thị trường thì cần phải có được nguồn nguyên phụ liệu sẵn có để trên cơ sở đó doanh nghiệp đưa ra được các mẫu sản phẩm kịp thời cũng như đưa vào thực tế một cách nhanh chóng nhất.

Hiện nay, song song với việc phát triển nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp của chúng ta cũng đầu tư rất nhiều vào khâu phát triển thiết kế. Tuy vậy, để xây dựng được một thương hiệu riêng cho chính doanh nghiệp để tiếp cận với thị trường nước ngoài thì chúng ta còn hạn chế, nhưng bước tiến hiện nay là chính các doanh nghiệp cũng đã tạo ra được những bộ sưu tập và những bộ thiết kế để chào tới các khách hàng của mình chứ không phải phụ thuộc vào các mẫu thiết kế của khách hàng như trước đây nữa.

Một số doanh nghiệp đã cùng với khách hàng để xây dựng các mẫu thiết kế cho những mùa sắp tới, đó là bước tiến rất tốt của doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta đã dần dần đi từng bước một, từ lúc đầu phụ thuộc hoàn toàn vào mẫu thiết kế của khách hàng thì nay chúng ta đã cùng với khách hàng thiết kế và có doanh nghiệp đã tự xây dựng được bộ thiết kế để chào cho khách hàng.

Bước tiếp theo nữa là chúng ta sẽ cố gắng làm chủ được các bộ thiết kế đó, có nghĩa là chúng ta sẽ xây dựng được những thương hiệu sản phẩm riêng cho mình, nhưng hiện nay mức độ đó mới chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ, còn các doanh nghiệp lớn vẫn cần đến các thương hiệu lớn của quốc tế.

Nhưng ngược lại, nhờ việc chúng ta tham gia vào việc sản xuất các sản phẩm dưới các thương hiệu quốc tế thì chúng ta cũng khẳng định được dần các khía cạnh về chất lượng, uy tín cũng như thương hiệu của các nhà sản xuất Việt Nam. Với đà như vậy trong thời gian tới các doanh nghiệp của Việt Nam dần dần hoàn toàn có thể tiến tới bước là chúng ta tạo ra được những thương hiệu của chính mình.

Xưởng gia công đế. (Nguồn: Giadinhgroup.com.vn)
Xưởng gia công đế. (Nguồn: Giadinhgroup.com.vn)

Chúng tôi cũng thấy được một xu hướng hết sức mạnh mẽ hiện nay của thế giới đó là chúng ta không cần phải xây dựng ngay các thương hiệu từ đầu mà chúng ta đã mua được các thương hiệu quốc tế, với bề dầy cùng với lịch sử phát triển của thương hiệu mua được đó thì các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp tục phát triển các thương hiệu đó lên và làm chủ các thương hiệu đó.

Đây là một xu hướng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp cận và đã đạt được một số thành công nhất định ở ngay tại thị trường nội địa cũng như vươn ra thị trường quốc tế.

– Còn tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong ngành sẽ có định hướng như thế nào, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Để phát triển thị trường nội địa đối với các sản phẩm da giầy, Hiệp hội đã phối hợp với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) triển khai việc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ví dụ như Hội nghị kết nối cung-cầu; Kêu gọi doanh nghiệp tham gia các phiên chợ bình ổn giá…

Thời gian tới, Hiệp hội sẽ có phương án cụ thể hơn, đơn cử là việc quy tụ các thương hiệu giầy, dép, túi xách Việt Nam mà đạt được chất lượng, uy tín phía Hiệp hội sẽ xây dựng những bộ tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng và quy tụ các doanh nghiệp nào đạt được các tiêu chí đó thành chuỗi để đưa vào các trung tâm siêu thị, cửa hàng, đồng thời xây dựng các chương trình truyền thông để giới thiệu cho người tiêu dùng biết được các sản phẩm nào đạt được tiêu chuẩn, được sản xuất với quy trình ra sao nhằm bảo vệ được sức khỏe cho người tiêu dùng và mang lại sự an toàn cho xã hội trong quá trình sản xuất.

– Xin cảm ơn bà./.

Công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra. (Nguồn: TTXVN)
Công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra. (Nguồn: TTXVN)

Venezuela

Chính quyền Venezuela một lần nữa trải qua những giờ phút thử thách thực sự khi Tổng thống Nicolas Maduro trở thành mục tiêu của một vụ tấn công quy mô bằng thiết bị bay không người lái có gắn chất nổ trong buổi lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập lực lượng Phòng vệ Quốc gia diễn ra hôm 4/8.

Việc sử dụng tới 2 thiết bị bay không người lái được gắn chất nổ và được điều khiển từ xa để tấn công nhằm vào một sự kiện có mặt toàn bộ ban lãnh đạo Venezuela và các thành viên lực lượng Phòng vệ Quốc gia cho thấy đây là kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, bài bản và chi tiết.

Vụ tấn công sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn về an ninh, chính trị, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đương đầu với những khó khăn chồng chất.

Rất may, lực lượng an ninh Venezuela đã phát hiện kịp thời và bắn hạ trước khi các thiết bị này tiếp cận “mục tiêu”, bởi nếu không hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Không chỉ liên quan tới tính mạng của Tổng thống Maduro và ban lãnh đạo Venezuela có mặt tại buổi lễ, vụ tấn công sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn về an ninh, chính trị, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đương đầu với những khó khăn chồng chất.

Đây cũng là “kịch bản” mà các thế lực thù địch cả trong và ngoài Venezuela lâu nay vẫn tìm mọi cách và bằng mọi hình thức với ý đồ lật đổ chính quyền cách mạng Bolivar.

Hỗ trợ binh sỹ Venezuela bị thương tại hiện trường vụ nổ nhằm vào Lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Lực lượng Phòng vệ quốc gia ở Caracas ngày 4/8. (Nguồn: THX/TTXVN)
Hỗ trợ binh sỹ Venezuela bị thương tại hiện trường vụ nổ nhằm vào Lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Lực lượng Phòng vệ quốc gia ở Caracas ngày 4/8. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Maduro đã xuất hiện trên sóng truyền hình thông báo việc cơ quan an ninh Venezuela đã bắt giữ được một số đối tượng tham gia âm mưu đen tối này, đồng thời tố cáo các nhóm cực hữu trong nước đứng ra thực hiện kế hoạch tấn công với sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch ở nước ngoài hòng gây bất ổn tình hình tại Venezuela.

Đây không phải là lần đầu tiên Venezuela phải đối mặt với những âm mưu gây bất ổn của các thế lực thù địch. Trong suốt gần 20 năm theo đuổi con đường cách mạng theo tư tưởng của vị anh hùng giải phóng Simon Bolivar, kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999, đất nước Venezuela đã phải đối mặt với rất nhiều âm mưu phá hoại tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị và xã hội, trong đó có vụ đảo chính và bắt giam nhà lãnh đạo Hugo Chavez vào tháng 4/2002.

Đây không phải là lần đầu tiên Venezuela phải đối mặt với những âm mưu gây bất ổn của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, nhờ có sức mạnh của nhân dân và lực lượng quân đội trung thành nên nhà lãnh đạo cánh tả đã được giải thoát và trở lại nắm quyền chỉ sau đó 48 giờ.

Trong suốt thời gian ông nắm quyền cho tới khi ngã bệnh và qua đời vào đầu năm 2013, chính quyền của Tổng thống Chavez cũng phải đối mặt với hàng loạt vụ phá hoại ngành dầu khí, một mũi nhọn của nền kinh tế Venezuela, cũng như các vụ bạo loạn, gây bất ổn định xã hội do phe đối lập phát động.

Kể từ khi Tổng thống Maduro đắc cử lần đầu tiên năm 2013 và kế tục di sản mà nhà lãnh đạo cánh tả Chavez để lại, các hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền, phá hoại công cuộc cách mạng Bolivar cũng không ngừng gia tăng.

Biểu tình bạo động của phe đối lập ở Venezuela. (Nguồn: adn40.mx)
Biểu tình bạo động của phe đối lập ở Venezuela. (Nguồn: adn40.mx)

Ngay thời gian đầu sau cuộc bầu cử năm 2013, khi không thể thực hiện ý đồ phá hoại “con tàu” cách mạng bằng con đường bầu cử dân chủ, phe cánh hữu ở Venezuela, với sự kích động từ bên ngoài, đã phát động hàng loạt cuộc biểu tình bạo động, khiến tình hình xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng bất ổn trong nhiều tháng.

Không chỉ có vậy, các thế lực thù địch sau đó đã tiến hành hàng loạt chiến dịch phá hoại nền kinh tế và ổn định xã hội, từ hoạt động như phá hoại các nhà máy và hệ thống phân phối điện; đầu cơ, tích trữ quy mô lớn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường, cho tới tuồn trái phép đồng nội tệ Bolivar với số lượng lớn ra nước ngoài, gây khan hiếm tiền mặt ở trong nước hòng gây hỗn loạn thị trường tài chính tiền tệ.

Âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, kết hợp với các biện pháp đe dọa, gây sức ép từ bên ngoài, là một trong những nguyên nhân đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Mặc dù cơ quan chức năng Venezuela đã đấu tranh quyết liệt với những âm mưu phá hoại này, song cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch tiến hành đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Venezuela, vốn đã lâm vào khủng hoảng do giá dầu mỏ – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này – giảm mạnh. Âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, kết hợp với các biện pháp đe dọa, gây sức ép từ bên ngoài, là một trong những nguyên nhân đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Một số chuyên gia cho rằng những âm mưu chống phá liên tục suốt nhiều năm qua đã không đem lại kết quả, chính quyền cách mạng Bolivar vẫn trụ vững và đó cũng là lý do khiến các thế lực thù địch bắt đầu tính đến những chiến lược mới, kể cả thực hiện ý đồ ám sát lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Venezuela, trong bối cảnh nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Maduro mới chỉ bắt đầu.

Video khoảnh khắc Tổng thống Venezuela Maduro bị mưu sát.

Khi Chính phủ Venezuela đang phải giải quyết những “bài toán hóc búa” do tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, những vụ tấn công như vụ việc ngày 4/8 là minh chứng cho thấy các thế lực thù địch chưa chịu từ bỏ âm mưu phá hoại những thành quả của cuộc cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng.

Tuy nhiên, như chính Tổng thống Maduro đã khẳng định, dù thế nào đi nữa thì những âm mưu đen tối cũng sẽ không bao giờ có thể khuất phục được ý chí của nhân dân Venezuela.

Việc nhân dân Venezuela, trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, một lần nữa bầu cho ứng cử viên của liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc mở rộng, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục làm người lãnh đạo cao nhất đất nước trong 6 năm tới, đã thể hiện rõ niềm tin của người dân vào tiến trình cách mạng mà cả dân tộc đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Đây sẽ là sức mạnh để Chính phủ Venezuela tiếp tục vượt qua thử thách, giữ vững thành quả cách mạng./.

Cánh đồng muối trên núi mặn đắng lòng vùng quê nghèo

Cả vùng quê đang yên bình bỗng chốc bị chìm dưới biển nước mặn mênh mông. Từ trên cao, nước muối như cơn lũ đổ xuống khu dân cư, trong tích tắc đã làm ngập hàng trăm ngôi nhà cấp bốn, khu vườn, giếng nước, làm đảo lộn cuộc sống của gần 1.000 hộ dân xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư ấy xảy ra từ năm 2010, nhưng đến nay nơi đây vẫn đang là một vùng “đất chết” do đất đai bị nhiễm mặn khủng khiếp, nhà cửa của người dân bị muối “ăn” nát tường, hàng trăm giếng nước phải bỏ hoang, môi trường đặc quánh không khí mặn chát, thiếu đất sản xuất, đói nghèo…

Về xã Phước Minh vào những ngày tháng Sáu, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những vườn cây chết đứng, đất nông nghiệp khô cằn hệt như vùng sa mạc. Trong khu dân cư, hàng trăm ngôi nhà cấp bốn đang chờ đổ sập do bị muối “ăn” nát tường, nhiều nhà sửa đi sửa lại nhiều lần vẫn còn dấu tích của muối.

Dưới cái nắng như đổ lửa ở thôn Quán Thẻ 1 (khu vực bị nhiễm mặn nặng nề nhất xã Phước Minh), bà Mai Thị Trang và cậu con trai đang cạo những mảng tường bị bong rộp do muối ăn mòn, sau đó dùng vữa xi măng trám lên thành từng mảnh vá.

Nhà của gia đình bà Trang mới xây cách đây vài năm nên vẫn còn “cơ hội” trám trét lại tường. Còn với những ngôi nhà xây từ lâu như của gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên ở kế bên thì đã quá dột nát, chỉ còn cách đập đi xây lại hoàn toàn.

Hiện tại, sau gần thập kỷ bị nước biển xâm thực, toàn bộ nền, tường, mái ngôi nhà cấp bốn của cụ bà 67 tuổi đang mủn ra do bị muối “ăn” nát, một số mảng tường đã bị đổ sập hoàn toàn. Giếng nước nhiễm mặn không thể dùng. Toàn bộ khu vườn ở trước sân cũng trống hoác, cằn cỗi.

Chia sẻ với phóng viên, bà Khuyên kể, gia đình trước có hơn 600 m2 đất trồng rau, ngày trước quanh năm xanh tốt, thu nhập từ bán rau và trái cây cũng đủ nuôi sống gia đình. Thế nhưng, từ khi xuất hiện Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, cuộc sống gia đình bà đã rơi vào tình cảnh trắng tay.

Theo lời bà Khuyên, xảy ra sự cố nhiễm mặn trên là do doanh nghiệp bơm nước biển lên các hồ chứa trên lưng chừng núi để sản xuất muối, sau đó nước mặn đã thẩm thấu vào làng, gây ra tình trạng nhiễm mặn không khí, đất, nguồn nước ngầm ở thôn Quán Thẻ và các thôn lân cận của xã Phước Minh.

“Đấy chú xem, ở đây cách biển tới gần 20km mà muối cứ phủ trắng khắp nơi như thế này có vô lý không? Có nơi nào làm muối ở trên đồi núi, còn dân ở dưới trũng như ở vùng này không? Sống ở đây mất hết nước ngọt, đất đai nhiễm mặn không trồng gì được, nhà cửa thì sắp đổ rồi, khổ lắm,” bà Khuyên rầu rĩ nói.

Sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư tại xã Phước Minh xảy ra từ năm 2010, nhưng đến nay nơi đây vẫn đang là một vùng “đất chết” do đất đai bị nhiễm mặn khủng khiếp, nhà cửa của người dân bị muối “ăn” nát tường, hàng trăm giếng nước phải bỏ hoang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư tại xã Phước Minh xảy ra từ năm 2010, nhưng đến nay nơi đây vẫn đang là một vùng “đất chết” do đất đai bị nhiễm mặn khủng khiếp, nhà cửa của người dân bị muối “ăn” nát tường, hàng trăm giếng nước phải bỏ hoang. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ với quy mô lớn nhất trong ngành sản xuất muối công nghiệp ở Việt Nam (diện tích 2.510 ha, công suất hơn 300.000 tấn muối/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.344 tỷ đồng) bắt đầu được triển khai từ năm 2000, do Tổng công ty Muối Việt Nam làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài triển khai ì ạch do nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động môi trường và chậm đền bù, năm 2008, dự án muối lớn nhất Việt Nam đã được chuyển giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long tiếp tục đầu tư, triển khai các hạng mục còn dang dở.

Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận dự án, đầu năm 2009, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đã chính thức cho ra mẻ muối đầu tiên, đây cũng là thời điểm xảy ra tình trạng nhiễm mặn ở trên địa bàn xã Phước Minh, và sau đó ngày càng trở nên trầm trọng và nhiễm mặn trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc triển khai dự án muối ở xã Phước Minh là do khu vực này không đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vì thế, dự án muối được coi là giải pháp để thay đổi mô hình sản xuất, đảm bảo an ninh muối quốc gia, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Để công tác quản lý cũng như khắc phục các hệ lụy do dự án muối gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển giao dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ về Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quản lý. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Để công tác quản lý cũng như khắc phục các hệ lụy do dự án muối gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển giao dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ về Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quản lý. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Tuy nhiên sau khi dự án được triển khai, vùng đất xã Phước Minh đã phát sinh tình trạng nhiễm mặn, nhiều diện tích đất đai không thể sử dụng,” ông Bính nói.

Kết quả quan trắc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước và Môi trường Bình Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, độ mặn nước mặt tại các thôn bị nhiễm mặn ở xã Phước Minh đã vượt so với tiêu chuẩn quy định từ 36,2 đến 42,7 lần; độ mặn nước ngầm vượt từ 40,7 đến 71,4 lần.

Còn theo khảo sát, đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, thì từ sau sự cố nước muối nhuốm mặn khu dân cư xã Phước Minh, phần lớn giếng nước ngọt trong vùng ảnh hưởng đã bị nhiễm mặn vượt tiêu chuẩn gấp 24-30 lần.

Số liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh cho thấy, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đã khiến 4 thôn (gồm Quán Thẻ 1, Quán Thẻ 2, Quán Thẻ 3 và Lạc Tiến) bị nhiễm mặn, gần 600 giếng nước không thể sử dụng; cây cối bị chết; các công trình dân sinh, công cộng như nhà cửa, đường sá, trường tiểu học, cột điện bị xuống cấp, hư hỏng nặng.

Ngoài ra, hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp ở ngoài vùng dự án cũng bị nhiễm mặn không thể sản xuất, trồng trọt, nay đang bị hoang hóa.

Vậy tại sao đất đai, nguồn nước ngầm trong và ngoài vùng Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ tại xã Phương Minh lại bị nhiễm mặn nặng nề và lan tỏa trên diện rộng như vậy?

Theo lý giải của ông Trần Mạnh Cương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh, nguyên nhân gây ra sự cố nhiễm mặn trên địa bàn là do cánh đồng muối cao hơn khu dân cư từ 5 đến 10m, địa chất trong vùng chủ yếu là đất cát pha. Trong quá trình xây dựng các ruộng muối, đơn vị sản xuất chỉ chống thấm bờ bao mà không chống thấm nền ruộng. Vì thế, khi nước biển được bơm vào đồng, một phần nước đã thấm xuống lòng đất, chảy về khu dân cư gây nhiễm mặn.

Hơn nữa, Ninh Thuận là địa phương có khí hậu khô hạn nhất nước và Quán Thẻ là vùng khô hạn nhất Ninh Thuận. Nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh nên khi nước mặn tràn vào khu dân cư, cả vùng giống như một lò hơi “khổng lồ” khiến cây cối chết, nhà cửa đều bị muối kết trắng xóa, không khí ngột ngạt, mặn chát.

Người dân thôn Quán Thẻ ” với tình trạng khát nước ngọt. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Người dân thôn Quán Thẻ ” với tình trạng khát nước ngọt. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài khả năng thẩm thấu nước mặn xuống lòng đất, theo ông Cương, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ còn để xảy ra sự cố vỡ bờ đê bao chứa nước mặn, khiến nước muối tràn thẳng vào khu dân cư, làm ngập hàng trăm hécta đất nông nghiệp, giếng nước và các hồ chứa nước ngọt trên địa bàn.

Điều đáng nói là, sau khi xảy ra sự cố nước muối nhuốm mặn” khu dân cư, hơn 90% số hộ dân trong xã đã bị thu hồi đất, số còn lại cũng bị nhiễm mặn không thể sản xuất. “Thực trạng này đã khiến Phước Minh trở thành xã ‘trắng’ về nông nghiệp, thiếu đất sản xuất,” ông Cương buồn rầu nói.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh cũng cho biết, từ khi dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đi vào hoạt động đến nay, thôn Quán Thẻ 1 đã có 292 hộ dân bị ảnh hưởng do đất vườn, đất nông nghiệp và nguồn nước nhiễm mặn, nhà cửa hư hỏng nặng nề.

“Đến nay, sau 18 năm dự án muối được triển khai và gây nhiễm mặn, toàn xã vẫn còn 220 ha đất phải bỏ hoang, người dân không thể sản xuất, nhưng hiện tại vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù, khiến người dân vô cùng bức xúc. Lý do của việc chậm đền bù ở đây là vì số tiền quá lớn, vào khoảng 140 tỷ đồng,” ông Cương nói thêm.

Hướng ánh mắt xa xăm về phía cánh đồng đã bỏ hoang nhiều năm trời vì nhiễm mặn, bà Trần Thị Huê, trưởng thôn Quán Thẻ 1, buồn rầu nói: “Bao năm qua, chúng tôi phải chịu cảnh ‘khát’ nước sạch, đất đai nhiễm mặn bỏ hoang, nhà cửa bị hư hỏng nặng nề do bị muối ‘ăn’ mòn phải sửa đi sửa lại quanh năm. Thế mà tiền đền bù đến nay vẫn chưa chi trả xong, khiến dân phải sống khốn khổ thế này.”

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận thừa nhận sự cố nhiễm mặn trên đã để lại hậu quả nặng nề. Nguyên nhân là do chủ đầu tư trước đây chưa có đánh giá tác động môi trường nghiêm túc. Tuy nhiên, những năm qua, công ty cũng đã khắc phục thiệt hại, tạo việc làm cho người dân…

“Vừa qua, công ty cũng đã thuê đơn vị tư vấn về đánh giá lại tác động môi trường, cũng như triển khai một số giải pháp để giảm thiểu độ nhiễm mặn. Hiện công việc hỗ trợ và khắc phục thiệt hại vẫn đang tiếp tục được triển khai,” vị đại diện Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận nhấn mạnh.

Muối “ăn” nát tường nhà của người dân tại thôn Quán Thẻ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Muối “ăn” nát tường nhà của người dân tại thôn Quán Thẻ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về dự án nói trên, ông Lê Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, viêc sản xuất muối là cần thiết cho việc phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ vẫn còn để lại nhiều “khoảng tối” chưa được giải quyết đứt điểm.

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ gây nhiễm mặn đất đai, nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay việc hỗ trợ đền bù đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Thông báo Kết luận số 420-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, do ông Nguyễn Bắc Việt ký ngày 8/5/2017, cũng khẳng định: Dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia về muối và phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, việc làm, đời sống của nhân dân trong vùng dự án.

Muối “ăn” nát tường nhà của người dân tại thôn Quán Thẻ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Muối “ăn” nát tường nhà của người dân tại thôn Quán Thẻ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đặc biệt là việc triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn và hỗ trợ nhiễm mặn; đầu tư hạ tầng di dân, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn quán thẻ 2; phương án hoàn trả ngân sách đã đầu tư trực tiếp cho dự án…

Về mức độ thiệt hại, thống kê của cơ quan chức năng địa phương cho thấy, hệ lụy từ việc sản xuất muối không khoa học trên đã làm toàn bộ 600 giếng nước ngọt và các hồ chứa nước ngọt ở Phước Minh trở thành nơi chứa nước mặn, nhà cửa hư hỏng, cây cối chết khô, đất nông nghiệp đối diện dự án muối đang dần bị phủ trắng bởi muối.

Nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại do tình trạng nhiễm mặn gây ra, từ năm 2013 đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đã tiến hành thống kê và chi trả cho hơn 1.000 hộ dân với tổng số tiền hơn 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ giúp người dân giải quyết một số khó khăn trước mắt.

Ngoài ra, một kế hoạch tái định cư cho 200 hộ dân trong vùng bị nhiễm mặn nặng cũng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tính tới, tuy nhiên, do không có vốn nên dự án vẫn chưa thể thực hiện. Vì vậy, người dân nơi đây vẫn phải tự loay hoay đối phó với tình trạng nhiễm mặn, với nhiều vườn cây chết khô, nhà cửa bị muối “ăn” nát, hàng trăm giếng nước bị nhiễm mặn không thể sử dụng.

Để công tác quản lý, thực hiện dự án hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực, cũng như khắc phục các hệ lụy do dự án muối gây ra, tại Công văn số 1998/TTg-NN ngày 28/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các Bộ liên quan về việc chuyển giao dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quản lý.”

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thống nhất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về nội dung điều chuyển, thủ tục thanh quyết toán các hạng mục đã thực hiện của dự án, giải pháp xử lý triệt để những tồn tại trong quá trình bàn giao đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Công văn số 980/TTg-KTN ngày 8/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định pháp luật; chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đề xuất kế hoạch hoàn trả phân vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư trực tiếp cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Tuy nhiên, theo báo cáo số 1704/UBND-TCD ngày 26/4/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Tiến độ bàn giao dự án theo kế hoạch phải hoàn thành trước ngày 31/3/2018 là không khả thi, với lý do dự án còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm.”

Cánh đồng muối tại thôn Quán Thẻ có diện tích 2.510 ha, công suất hơn 300.000 tấn muối/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.344 tỷ đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cánh đồng muối tại thôn Quán Thẻ có diện tích 2.510 ha, công suất hơn 300.000 tấn muối/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.344 tỷ đồng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Do đó, để có thời gian nghiên cứu tổng thể các nội dung liên quan đến công tác bàn giao, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đồng ý lùi thời gian bàn giao dự án để có thời gian tập trung xử lý cơ bản các vấn đề còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc.

Hơn nữa, “đây là nhiệm vụ rất quan trọng, phức tạp cần phải bàn bạc thống nhất giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo tỉnh trong việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm xử lý lý, giải quyết các vấn đề phát sinh tại dự án sau khi bàn giao,” báo cáo nhấn mạnh.

Sau một thời gian lùi thời gian bàn giao vì lý do chưa thống nhất phương án đề bù, cũng như khả năng giải ngân vốn dự án, ngày 19/4/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất trong vùng dự án.

Sự cố nước mặn của cánh đồng muối tràn vào khu dân cư đã khiến tường rào của người dân bị phá hỏng nặng nề. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Sự cố nước mặn của cánh đồng muối tràn vào khu dân cư đã khiến tường rào của người dân bị phá hỏng nặng nề. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng giao Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (nay là Công ty Cổ phần Muối Cà Ná-Ninh Thuận) và các đơn vị liên quan thông báo tới người dân việc bàn giao dự án, sau đó tiến hành các thủ tục giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Trong khi chờ đợi một giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài, vấn đề cấp bách đối với chủ đầu tư và chính quyền địa phương hiện nay là phải quy hoạch lại vùng sản xuất, thu hẹp bớt diện tích đồng muối, đặc biệt là một số cánh đồng gần khu dân cư.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các đơn vị liên quan lên phương án tổ chức tiến hành chống thấm cho các ruộng muối, nạo vét và khơi thông các tuyến kênh, mương nhằm “rút bớt” nước mặn ra khỏi khu vực, hạn chế tình trạng nhiễm mặn lan rộng; nhanh chóng bố trí tái định cư và giải quyết tốt công ăn việc làm cho người dân trong vùng dự án./.

(Vietnam+)

Theo báo cáo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Phước Minh, từ khi Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đi vào sản xuất và “bức tử” môi trường sống của nhân dân đến nay, người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cũng theo đó tăng lên do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm…

Nếu giai đoạn 2004-2007, toàn xã có 5% số hộ đói nghèo, thì sau sự cố nhiễm mặn đã tăng lên 15% (năm 2010), và đến năm 2014 số hô đói nghèo đã tăng hơn 19%.

Thiết kế mỹ thuật: Thanh Trà

Kinh tế Mỹ

Giới chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/8 đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày với một tuyên bố nêu bật sức mạnh của thị trường lao động và nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Những đánh giá tích cực này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tươi sáng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngớt lời tung hô.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới, khi triển vọng kinh tế đang bị “phủ bóng” bởi những căng thẳng thương mại giữa Washington với nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã mô tả “hoạt động kinh tế đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ,” thay vì “vững chắc” như trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp hồi tháng 6 vừa qua

Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, ngân hàng trung ương Mỹ đã mô tả “hoạt động kinh tế đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ,” thay vì “vững chắc” như trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp hồi tháng 6 vừa qua, thời điểm Fed tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng nhất trí với nhận định chi tiêu hộ gia đình đã “gia tăng mạnh mẽ,” chứ không chỉ “khởi sắc” như mô tả trong thông báo lần trước.

Một điểm tích cực nữa là Fed đánh giá tỷ lệ lạm phát “duy trì gần” mức mục tiêu 2%, thay cho cụm từ “tiến gần tới” mức 2% trong báo cáo trước đó. Mặc dù quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,75-2% hiện nay tại cuộc họp lần này, song Fed để ngỏ khả năng tiến hành 2 đợt điều chỉnh lãi suất từ nay đến cuối năm, có thể vào tháng 9 và tháng 12 tới.

Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này là kết quả đồng thuận tuyệt đối của các thành viên FOMC. Kết quả này như một sự thừa nhận những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong thời gian gần đây dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với cam kết “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Theo một báo cáo của Chính phủ Mỹ, quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đã vượt qua con số 20.000 tỷ USD. Tăng trưởng GDP đạt 4,1% trong quý 2 đã giúp Mỹ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, dù Tổng thống Trump đã khẳng định rằng việc kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng nhanh nhất trong gần 4 năm qua là minh chứng thành công cho chính sách kinh tế của ông, song các chuyên gia kinh tế cảnh báo niềm vui này “ngắn chẳng tày gang” khi các chỉ số quý 2 cũng phản ánh sự vội vã trong động thái tăng nguồn cung và di chuyển hàng hóa tồn kho phòng trường hợp chiến tranh thương mại kéo giá thành đi lên.

Những gì tốt đẹp ở quý 2 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chúng tôi nghĩ 6 tháng còn lại sẽ cho thấy một cục diện khác, với tốc độ tăng trưởng giảm dần và lạm phát tăng trong một số lĩnh vực trọng điểm.(Chiến lược gia Andrew Sheets của Công ty chứng khoán Morgan Stanley)

Chiến lược gia Andrew Sheets của Công ty chứng khoán Morgan Stanley nhận định: “Những gì tốt đẹp ở quý 2 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chúng tôi nghĩ 6 tháng còn lại sẽ cho thấy một cục diện khác, với tốc độ tăng trưởng giảm dần và lạm phát tăng trong một số lĩnh vực trọng điểm.”

Thực tế cho thấy bên cạnh lý do chính phủ tăng chi tiêu và người tiêu dùng bắt đầu mạnh tay chi các khoản tiền có được từ gói cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD của chính phủ, một yếu tố giúp nền kinh tế Mỹ đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt trong quý 2, là hiệu ứng của những chính sách áp thuế của Washington đối với các mặt hàng nhập khẩu từ nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, và kéo theo các biện pháp trả đũa từ các đối tác của Mỹ.

Nỗi lo ngại về nguy cơ bùng phát “cuộc chiến” áp thuế giữa Mỹ và nhiều quốc gia đã khiến các nhà xuất khẩu nỗ lực cung ứng sản phẩm, qua đó góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, còn có các bằng chứng khác cho thấy các doanh nghiệp đang dự trữ hàng hóa để đối phó với giá nhập khẩu cao nếu phải chịu tác động do các hành động trả đũa đối với các mức thuế quan mà Mỹ đưa ra.

Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Mỹ. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Mỹ. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Ông Neal Dutta, nhà kinh tế trưởng của Renaissance Macro Research, nhận định: “Thật mỉa mai khi phần lớn các nhà kinh tế cho rằng căng thẳng thương mại hiện nay tạo đà cho sự tăng trưởng mặc dù nó có tác động tới mức tăng trưởng ở quý 2. Tuy nhiên, những tác động này chỉ là tạm thời.”

Do vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là liệu nền kinh tế của Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này hay không. Đa số các chuyên gia kinh tế dự đoán trong thời gian còn lại của năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không duy trì được mức tăng trưởng cao của quý 2.

Việc đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ vào gói cắt giảm thuế được đánh giá sẽ chỉ duy trì ngắn hạn, khi chính sách giảm thuế cùng dự luật chi tiêu tổng thể cho chính phủ, có vai trò kích thích sự tăng trưởng, sẽ bắt đầu hết tác dụng vào năm tới. Trong khi đó, lộ trình tăng lãi suất của Fed được dự báo cũng sẽ tạo thêm một rào cản nữa cho tăng trưởng.

Việc nhiều người Mỹ thiếu sự an toàn về mặt tài chính vẫn là một mối lo ngại, dù bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ khá khả quan.(Người đứng đầu chi nhánh Fed ở New York John Williams)

Mặt khác, thể trạng tài chính của nền kinh tế Mỹ cũng xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại khi chi tiêu tiêu dùng tăng trái ngược với tốc độ tăng trưởng “ì ạch” của tiền lương, đặc biệt ở nhóm người có thu nhập thấp và nhóm tầng lớp trung lưu.

Kết quả là chỉ trong một năm qua, những dấu hiệu bộc lộ khả năng dễ bị tổn thương về mặt tài chính của nền kinh tế Mỹ đã gia tăng theo cấp số nhân, khi các khoản nợ quá hạn qua thẻ tín dụng và tiền vay mua ôtô của người dân đang trên đà leo thang, còn tiết kiệm lại sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Người đứng đầu chi nhánh Fed ở New York John Williams nhận định rằng việc nhiều người Mỹ thiếu sự an toàn về mặt tài chính vẫn là một mối lo ngại, dù bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ khá khả quan.

Trong khi đó, mối đe dọa hàng đầu đối với mục tiêu tăng trưởng tối đa của Tổng thống Trump lại là chính sách thương mại mà ông đang theo đuổi.

Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thực tế các nhà đầu tư vẫn lo ngại về “bóng ma” của một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cận kề, trong bối cảnh Tổng thống Trump xem xét khả năng áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, thay cho mức thuế 10% như thông báo trước đây, kéo theo nguy cơ Bắc Kinh có động thái trả đũa tương tự.

Một cuộc chiến thương mại bùng phát sẽ đe dọa tốc độ tăng trưởng không chỉ của hai quốc gia này mà cả nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến các chỉ số chủ lực trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới đồng loạt sụt giảm trong ngày 1/8, bất chấp những ngôn từ tích cực trong tuyên bố của Fed.

Như nhận định của ông Jim O’Sullivan, chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại High Frequency Economics: “Một cuộc chiến thương mại leo thang trong giai đoạn sắp tới sẽ tiếp tục là một rủi ro lớn nhất khiến kinh tế Mỹ đi xuống”./.

Hiện thực hóa giấc mơ Mỹ

Vào giữa tháng Bảy, Tập đoàn FPT chính thức sở hữu 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Đây là lần đầu tiên 1 công ty công nghệ thông tin Việt Nam mua 1 công ty tư vấn của Mỹ. Việc mua bán, sáp nhập (M&A) được xem là một trong những bước đi chiến lược của FPT Software để hiện thực hóa tham vọng 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã trao đổi với Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến về vấn đề này.

“MẮT XÍCH” HOÀN THIỆN DỊCH VỤ

– Thưa ông, đâu là lý do FPT mua lại Intellinet? FPT đã phải trả bao nhiêu tiền cho thương vụ này?

Ông Hoàng Nam Tiến: Chúng tôi tin rằng, Intellinet sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số…

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mua lại 90% vì bản thân Intellinet cũng muốn tham gia cùng “gia đình” FPT để hướng tới chiến lược cung cấp các giá trị cao hơn trong bối cảnh chuyển đổi số đang rất hot.

Về giá trị thương vụ thì tương đối linh hoạt. Tại thời điểm này, FPT trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD.

– Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình nói rằng:”Intellinet chính là giải pháp để FPT cung cấp giải pháp chuyển đổi số tổng thể,” xin ông nói rõ về vấn đề này? Sự kết hợp này liệu có giúp FPT “săn” được nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500 hay không?

Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi muốn nói thế này, thực tế FPT Software đã có 19 năm hoạt động trên thị trường toàn cầu. Chúng tôi đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm khách hàng là các tập đoàn lớn ở những nước giàu nhất trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore…

Chúng tôi cũng đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành… tạo ra các dịch vụ mới như chuyển đổi số (digital transformation). Và, những nghiên cứu này đã giúp chúng tôi có một vị thế khác khi nói chuyện với các tập đoàn lớn.

Trên thực tế, đã có những tập đoàn lớn chọn chúng tôi là đối tác cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho họ và thậm chí là cùng họ nghiên cứu, phát triển một số giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT như Airbus, GE, Siemen, Microsoft, AWS, Daiwa Institute of Research (DIR), Toppan, Toshiba…

Tuy nhiên, cũng phải nói một cách công bằng là chúng tôi chưa có những chuyên gia hàng đầu với 20-30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực tư vấn giải pháp quản trị hạ tầng thông tin cho doanh nghiệp, cho các thành phố và cho cao hơn nữa là cho các quốc gia.

Do đó, Intellinet là một lựa chọn của chúng tôi và từ nay chúng tôi có đủ năng lực để có thể thực hiện các dự án End – to – End (dự án hoàn chỉnh cho khách hàng từ khâu tư vấn, xây dựng dự án, tổ chức triển khai, vận hành nâng cấp…) cho khách hàng.

Khi kết hợp thế mạnh của Intellinet và FPT Software, tôi tin rằng tập khách hàng trong danh sách Fortune 500 của hai công ty sẽ tiếp tục được mở rộng, vượt xa con số 100 khách hàng như hiện nay. (FPT Software đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 80 khách hàng trong danh sách Fortune 500 và con số này của Intellinet là 20).

DẪN ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

– Xin ông tiết lộ con số kỳ vọng khi Intellinet về với FPT?

Ông Hoàng Nam Tiến: Thị trường dịch vụ chuyển đổi số thế giới được IDC dự báo sẽ đạt con số 2.000 tỷ USD vào năm 2020. Đây là cơ hội không giới hạn cho các doanh nghiệp phần mềm như FPT Software.

Bên cạnh cơ hội quy mô thị trường, chúng ta còn đang có cơ hội từ các xu hướng công nghệ mới. Nếu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thống như hệ thống quản trị nguồn lực ERP, hệ thống sản xuất… khoảng cách công nghệ thông tin của Việt Nam với các nước phát triển khoảng 20-30 năm, thì trong lĩnh vực tiên tiến nhất bây giờ như IoT, AI, BigData, Cloud Computing, khoảng cách chỉ là là 2-3 năm. Thậm chí, trong một số lĩnh vực FPT đứng trong hàng ngũ đối tác hàng đầu của các hãng lớn thế giới như AWS, GE Predix, Siemens Mindsphere…

Chúng tôi kỳ vọng với những cơ hội trên và sự kết hợp giữa thế mạnh của FPT và Intellinet, đây sẽ là đòn bẩy để chúng tôi vươn lên nhóm dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực chuyên đổi số và công nghệ mới.

Doanh thu chuyển đổi số của FPT Software đang tăng trưởng khoảng 50%. Và, với sự tham gia của Intellinet, con số này được kỳ vọng có thể tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

– Với kinh nghiệm của hai bên, FPT Software sẽ hoàn thiện dịch vụ của mình như thế nào?

Ông Hoàng Nam Tiến: Đối với khách hàng hiện có và trong tương lai của FPT Software, cùng với chuyên gia của Intellinet chúng tôi sẽ mang đến cho họ những chuyên gia tư vấn đẳng cấp quốc tế với 20-30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên sâu như hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng – tài chính, viễn thông, ôtô…

Còn đối với khách hàng hiện có và trong tương lai của Intellinet, với thế mạnh về nguồn nhân lực, kinh nghiệm triển khai dự án, năng lực công nghệ đặc biệt là các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành…, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ cho họ với chi phí cạnh tranh hơn hẳn.

GIẤC MƠ 1 TỶ USD

– Trước đây, FPT Software từng đặt ra mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020. Với việc mua Intellinet, kế hoạch này liệu có cán đích được không, thưa ông?

Ông Hoàng Nam Tiến: Hiện nay, số lượng các công ty phần mềm có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên trên thế giới có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ấn Độ – một quốc gia hùng mạnh về dịch vụ phần mềm, chỉ có 6 công ty đạt doanh thu trên 1 tỷ USD.

Tại thời điểm này, với doanh thu khoảng 300 triệu USD của FPT Software, chúng tôi đứng thứ 12 nếu ở Ấn Độ và đứng thứ 8 nếu ở Trung Quốc. Đây hoàn toàn là con số không tệ.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu năm 2018 của FPT Software sẽ đạt 400 triệu USD. Dựa trên tốc độ tăng trưởng cao của FPT Software là trung bình khoảng 25-30% trong nhiều năm qua thì chúng tôi sẽ đạt khoảng 70% mục tiêu 1 tỷ USD nhờ tăng trưởng tự thân (Organic growth), 30% còn lại sẽ đến từ các hợp đồng mua bán, sáp nhập (Inorganic growth).

Trước đó, chúng tôi đã thực hiện vụ mua bán sáp nhập (M&A) đầu tiên với một công ty tại châu Âu. Thương vụ đã mang về cho chúng tôi một hợp đồng lịch sử có trị giá 100 triệu USD với Innogy SE. Với thương vụ với Intellinet lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ FPT Software sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 1 tỷ USD.

– Ngoài ý nghĩa nâng cao năng lực tư vấn chiến lược, năng lực cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể, thúc đẩy tăng trưởng doanh số như ông đã nói ở trên, thương vụ này còn có ý nghĩa nào khác nữa với FPT Software, chẳng hạn như về cơ hội việc làm…?

Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi muốn nhấn mạnh, đây là thời đại của chuyển đổi số, là thời đại của những công nghệ 4.0. Do đó, việc học và nắm bắt nhanh các công nghệ mới là một ưu thế của các bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi rất khắt khe vì vậy sau khi qua thử thách số các bạn không đáp ứng được cũng rất lớn.

Năm 2018, chúng tôi dự kiến tuyển 6.500 người, trong 6 tháng đầu năm chúng tôi đã tuyển được khoảng 3.000 người. Dự kiến, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án với khách hàng, năm 2020 chúng tôi cần tuyển khoảng 10.000 người.

Và rõ ràng, những bạn trẻ có năng lực hoàn toàn có cơ hội đầu quân cho FPT Software, khai phá các thị trường trong và ngoài nước.

Hơn 3.000 nhân viên FPT đi bộ gây quỹ vì cộng đồng trong Ngày hội tình nguyện 2018. (Ảnh: FPT)
Hơn 3.000 nhân viên FPT đi bộ gây quỹ vì cộng đồng trong Ngày hội tình nguyện 2018. (Ảnh: FPT)

– Xin cảm ơn ông!

FPT Software thành lập năm 1999, là công ty thành viên của FPT – Tập đoàn Công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Sau 19 năm thành lập, FPT Software hiện đang là công ty phần mềm lớn nhất của Việt Nam và đứng trong Top 100 Nhà cung cấp dịch vụ Outsourcing toàn cầu do International Association of Outsourcing Professionals (IAOP) đánh giá.

FPT Software cung cấp các dịch vụ phát triển phần mềm và bảo trì, triển khai ERP, kiểm thử, chuyển đổi ứng dụng, hệ thống nhúng, điện toán di động, điện toán đám mây… trong nhiều lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, Viễn thông, Y tế, Chế tạo, Công nghiệp xe hơi, Dịch vụ công…

Doanh nghiệp này hiện đã và đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 550 khách hàng là các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có khoảng 80 khách hàng nằm trong danh sách Fortune Global 500.