Những chiến thuật của Việt Nam trước “giặc” COVID-19

vnapotaltr1-1587376295-85.jpg

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 làm chấn động toàn thế giới. Chỉ trong hơn 4 tháng, dịch bệnh này đã lây lan ra 211 quốc gia và vùng lãnh thổ. Virus SARS-CoV-2 là mối đe dọa khủng khiếp, nhiều quốc gia đã phải ra lệnh đóng cửa biên giới, đóng của đường bay, ban bố tình trạng khẩn cấp, phong toả toàn lãnh thổ…

Tính tới sáng 20/4, toàn thế giới có hơn 2,4 triệu ca nhiễm với 165.059 trường hợp tử vong. Riêng tại Mỹ, ngày 21/1, đất nước này đã thông báo xác nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh, đến 20/4 đã có tổng số hơn 764.000 ca mắc, hơn 40.000 trường hợp tử vong.

Việt Nam cũng có ca bệnh đầu tiên mắc COVID-19 vào cùng thời điểm với nước Mỹ (ngày 22/1). Hiện Việt Nam có 268 bệnh nhân mắc COVID-19 (chưa có tử vong).

Việt Nam cũng có ca bệnh đầu tiên mắc COVID-19 vào cùng thời điểm với nước Mỹ (ngày 22/1). Sau 3 tháng có ca bệnh đầu tiên, hiện Việt Nam có 268 bệnh nhân mắc COVID-19 (chưa có tử vong). Đặc biệt, trong 4 ngày qua, Việt Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh mới nào.

Điều gì làm nên một Việt Nam vững vàng trước đại dịch COVID-19 đang làm “điên đảo” nhiều nước trên thế giới, trong đó có những cường quốc đứng đầu về kinh tế cũng như hệ thống y tế? Phóng viên VietnamPlus có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế để hiểu rõ hơn về những “chiến thuật” của Việt Nam trước “giặc” COVID-19.

Hà Nội tổ chức xét nghiệm nhanh cho hơn 200 nhân viên, tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Long Biên. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Hà Nội tổ chức xét nghiệm nhanh cho hơn 200 nhân viên, tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Long Biên. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Những “đòn đánh” riêng

Thưa Thứ trưởng, thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19 tại Việt Nam đang giảm rất nhanh, đặc biệt bốn ngày liên tiếp vừa qua không ghi nhận trường hợp mắc mới, ông nghĩ sao về tín hiệu đáng mừng này?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Số trường hợp mắc COVID-19 giảm trong thời gian gần đây là một điều tích cực nhưng vẫn còn quá sớm để yên tâm bởi xu hướng giảm mới xuất hiện trong khoảng hơn 10 ngày gần đây, trong khi thời gian ủ bệnh là 14 ngày, thậm chí còn kéo dài hơn với một số trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, chúng ta cũng đã phát hiện những trường hợp mắc tại cộng đồng mà chưa rõ nguồn lây nhiễm.

Khi các trường hợp nhiễm mới giảm, chúng ta không được chủ quan mà cần phải duy trì, tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa, phải tính đến phương án mở cửa trở lại chứ không thể mãi tự đóng cửa.

Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch với việc thực hiện triệt để các biện pháp cách ly, quản lý các trường hợp từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc vòng 1, vòng 2 và áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Khi các trường hợp nhiễm mới giảm, chúng ta không được chủ quan mà cần phải duy trì, tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khi chúng ta phải tính đến phương án mở cửa trở lại chứ không thể mãi tự đóng cửa.

Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ rất cao do có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài tới 1.435 km. Tuy nhiên đến nay số trường hợp mắc bệnh của Việt Nam chỉ bằng số lẻ của nhiều nước. Theo thứ trưởng, điều gì làm nên những “kỳ tích” trên?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Trước diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm của dịch và nguy cơ có thể bùng phát dịch tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương và toàn dân đã vào cuộc mạnh mẽ với tinh thần chống dịch như chống giặc, luôn chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản chỉ đạo quan trọng, đóng vai trò tiên quyết trong công cuộc chống dịch. Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Giáo sư Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tinh thần chống dịch như chống giặc được thể hiện qua việc thực hiện các biện pháp quyết liệt từ Trung ương đến địa phương đồng thời được truyền thông liên tục để lan tỏa đến từng người dân để người dân hiểu, đồng lòng, ủng hộ và cùng tham gia vào công cuộc phòng chống dịch của cả nước.

Tại địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch được thành lập do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban để có thể huy động tối đa nguồn lực.

Có thể nói, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có đáp ứng phù hợp để kiểm soát dịch bệnh với việc triển khai đồng bộ giải pháp chuyên môn kỹ thuật y tế phù hợp, kết hợp chặt chẽ với các giải pháp hành chính theo sát với diễn biến tình hình dịch bệnh. Đây cũng là sự khác biệt với các quốc gia khác khi chúng ta là quốc gia duy nhất áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu, là quốc gia đầu tiên có hướng dẫn và triển khai cách ly tại nhà, nơi cư trú và cơ sở tập trung và là quốc gia thứ hai sau Trung Quốc áp dụng biện pháp thiết lập vùng kiểm soát khoanh vùng, dập dịch.

Chúng ta là quốc gia duy nhất áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu, là quốc gia đầu tiên có hướng dẫn và triển khai cách ly tại nhà, nơi cư trú và cơ sở tập trung

– Có thể nói, Việt Nam đang là điểm sáng về phòng chống dịch. Còn nhớ năm 2003, chúng ta cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới được công nhận khống chế thành công dịch SARS. Trong cuộc chiến với “giặc COVID” này, đâu là điểm khác biệt nhất của Việt Nam so với các nước khác?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Ngay từ đầu dịch, chúng ta đã chủ động áp dụng giải pháp hành chính ở mức cao nhất – đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

Trong khi các quốc gia khác, giai đoạn đầu dịch tập trung chủ yếu vào các giải pháp chuyên môn y tế, các nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thì Việt Nam đã kết hợp hài hòa được giải pháp hành chính và chuyên môn y tế để thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương, tại tất cả các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

[Video] về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam:

Sự tham gia của thành viên của các Bộ, ban ngành trong Ban chỉ đạo Quốc gia đã tạo điều kiện để có sự thống nhất cao với các biện pháp phòng chống dịch mà có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, kinh tế, xã hội và ngoại giao mà không mất nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận…

Kiên định “5 nguyên tắc vàng”

Các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài liên tục có những bài bình luận khen ngợi nỗ lực của Việt Nam trong việc kiềm chế sự lây lan của COVID-19 với 5 nguyên tắc kiên định. Ông có thể nói rõ hơn về 5 nguyên tắc này?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Tính đến nay, về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận việc chúng ta đã xử lý dịch bệnh COVID-19 rất tốt với năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất phải kiên định với 5 nguyên tắc đã thực hiện từ đầu mùa dịch là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Việt Nam kết hợp hài hòa được giải pháp hành chính và chuyên môn y tế để thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương, tại tất cả các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

Đây là chiến lược không thay đổi, phải quyết liệt thực hiện, không được chủ quan, mất cảnh giác. Bộ Y tế đã xác định rõ các mục tiêu cho từng giai đoạn và xác định được giai đoạn vàng để kiểm soát dịch, từ đó có các biện pháp đáp ứng phù hợp.

Cụ thể, giai đoạn chưa xuất hiện trường hợp bệnh thì mục tiêu là ngăn chặn sự xâm nhập của trường hợp bệnh và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ. Giai đoạn có xuất hiện trường hợp bệnh thì mục tiêu là kiểm soát, khống chế ổ dịch và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Với giai đoạn phát hiện lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì mục tiêu là kiểm soát ổ dịch triệt để không để lây lan rộng.

– Phương châm 4 tại chỗ có phải cũng là một trong những mũi tên chiến lược của chúng ta?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Phương châm 4 tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống dịch, bao gồm: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Việc này nhằm mục đích huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nâng cao năng lực cán bộ tại các tuyến, hạn chế tối đa các rủi ro, nguy cơ trong phòng, chống dịch bệnh.

Tôi đơn cử như về khoanh vùng dập dịch, Việt Nam xác định quy mô dịch bệnh ở mức độ nào thì tổ chức cách ly, khoanh vùng ở mức độ đó. Chẳng hạn như ở xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), quy mô dịch ở cấp xã thì khoanh vùng toàn xã chứ không khoanh vùng rộng hơn… Qua đó, tổ chức cách ly theo các vành đai chặt chẽ (cách ly tập trung, cách ly tại nhà…) từ vòng trong ra vòng ngoài để tránh lây nhiễm.

Về chuyên môn, Việt Nam tập trung giám sát phát hiện sớm ca bệnh để điều trị tại chỗ; thực hiện giám sát, xét nghiệm sàng lọc; tổ chức cách ly y tế theo các lớp; điều trị trên toàn tuyến, tránh tình trạng tập trung về Trung ương. Việt Nam cũng đã chữa thành công các ca nhiễm COVID-19 cả ở y tế tuyến huyện và không để tập trung quá đông người ở một địa điểm.

– Truyền thông quốc tế bình luận Việt Nam đã trở thành “hình mẫu” chống dịch COVID-19 khi thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và các nước có thể học tập kinh nghiệm. Việt Nam có sẵn sàng chia sẻ những “bí quyết” đó không thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Những tháng qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh. Việt Nam vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Trong thời gian qua, mặc dù công tác phòng, chống dịch luôn rất căng thẳng vất vả nhưng Việt Nam vẫn luôn duy trì vấn đề hợp tác quốc tế thông qua các cuộc trao đổi, điện đàm, họp trực tuyến song phương, đa phương.

Phải kiên định với 5 nguyên tắc đã thực hiện từ đầu mùa dịch là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Những cuộc họp, trao đổi đó giúp chúng ta chủ động học tập các kinh nghiệm, mô hình của thế giới đồng thời sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Người dân một lòng chống “giặc COVID-19”

– Nhìn lại chặng đường 3 tháng phòng chống dịch với ba giai đoạn, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Về cơ bản, Việt Nam đã đạt được thành công bước đầu trong kiểm soát dịch COVID-19. Điều thuận lợi lớn nhất giúp chúng ta có được thành công này là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn dân với tinh thần chống dịch như chống giặc.

Đặc biệt, sự ủng hộ của người dân đóng vai trò rất lớn. Điều này thể hiện thông qua việcngười dân tin tưởng tuyệt đối và thực hiện nghiêm túc các giải pháp, các yêu cầu, hướng dẫn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.

Ngay giai đoạn đầu của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp sớm, cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh từ Trung Quốc vào ngày 25/1/2020 và với tất cả những người nhập cảnh từ ngày 7/3/2020. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia thực hiện biện pháp ngừng miễn thị thực, hạn chế nhập cảnh và áp dụng hình thức cách ly tập trung với người nhập cảnh từ hoặc đi qua các vùng dịch và với tất cả mọi người nhập cảnh từ ngày 21/3/2020…

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 741 lau chùi lại toàn bộ vật dụng trong phòng các công dân cách ly đã ở. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 741 lau chùi lại toàn bộ vật dụng trong phòng các công dân cách ly đã ở. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Các biện pháp nói trên được thực hiện mạnh mẽ, triệt để đã góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, đặc biệt là giúp ngăn chặn việc lây nhiễm từ các trường hợp mắc bệnh xâm nhập từ nước ngoài.

Trước nguy cơ số trường hợp mắc có liên quan đến các ổ dịch điểm có thể sẽ gia tăng và có nguy cơ phát hiện các trường hợp mắc không rõ nguồn lây trong cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 thực hiện biện pháp giãn ly toàn xã hội nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch trong cộng đồng.

Đây là biện pháp được nhiều nước áp dụng. Và, trên thực tế thực tế Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian qua được thực hiện khá tốt.

Sự ủng hộ của người dân đóng vai trò rất lớn. Người dân tin tưởng tuyệt đối và thực hiện nghiêm túc các giải pháp, các yêu cầu, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước.

Kết quả phân tích về các xu hướng di chuyển từ 1/4/2020 cho thấy xu hướng di chuyển đến các khu thương mại, giải trí, các bến tàu, xe hay khu vực công cộng (công viên, bãi biển…) giảm mạnh từ 40%-70%. Người dân cũng đã thực hiện tốt việc làm việc trực tuyến tại nhà khi xu hướng di chuyển đến các khu công sở cũng giảm đến hơn 30%. Trên các tuyến giao thông trọng điểm, tỷ lệ di chuyển đường dài cũng đã giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam là một trong số ít nước có hơn 200 ca bệnh mắc và chưa có trường hợp nào tử vong. Chúng ta có được kết quả này là do đâu thưa Thứ trưởng?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Việt Nam là một trong số 2 quốc gia, vùng lãnh thổ có trên 200 trường hợp mắc không có trường hợp COVID-19 tử vong dù đã có những ca bệnh nặng.

Có được kết quả này, thời gian qua, Bộ Y tế đã huy động các chuyên gia đầu ngành, hồi sức tích cực và chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo tất cả trang thiết bị cần thiết, cung cấp các hệ thống hỗ trợ việc hội chẩn, thăm khám trực tuyến để có thể chăm sóc, điều trị tích cực nhất cho các bệnh nhân COVID-19. Phác đồ điều trị của Việt Nam liên tục được cập nhật, bổ sung trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tế điều trị và cập nhật kinh nghiệm của thế giới.

Phun thuốc diệt khuẩn cho người giao hàng nhu yếu phẩm vào khu cách ly tại thôn Hạ Lôi. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Phun thuốc diệt khuẩn cho người giao hàng nhu yếu phẩm vào khu cách ly tại thôn Hạ Lôi. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Việt Nam cũng đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển các sinh phẩm để phục vụ cho việc chẩn đoán, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh không để nhập viện muộn khi tình trạng bệnh đã diễn biến nặng.

Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, chúng ta vẫn phải dồn tâm sức, trí tuệ, trang thiết bị, thuốc tốt nhất cho điều trị các bệnh nhân nặng nhất, liên tục cập nhật thông tin về các trường hợp này cũng như tình hình dịch bệnh.

Chung sống an toàn với dịch

– Xin Thứ trưởng tiết lộ kịch bản trong giai đoạn tới mà chúng ta có thể phải ứng phó?

Giáo sư Nguyễn Thanh Long: Việt Nam xác định tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài khi các quốc gia trên thế giới vẫn ghi nhận gia tăng số trường hợp mắc và tử vong. Bởi vậy, công tác phòng, chống dịch cũng phải chuyển sang thời kỳ mới, trong đó tập trung các vấn đề là kiểm soát dịch bệnh không chủ quan. Chúng ta tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh và thúc đẩy các điều chỉnh tích cực trong xã hội.

Tích cực điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Hồng Hà/TTXVN)
Tích cực điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Hồng Hà/TTXVN)

Trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục kiên định thực hiện theo nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực cho các bệnh nhân. Các biện pháp phòng chống dịch cần được thực hiện linh hoạt để có thể tiếp tục phát triển nhưng vẫn an toàn.

Để làm được điều này, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đưa ra những hướng dẫn an toàn cho từng hoạt động của ngành mình từ cơ sở y tế, giao thông vận tải, cơ sở sản xuất, giáo dục cho tới các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao… trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh.

Chúng ta đang có những điều chỉnh tích cực trong xã hội “từ trong ra ngoài” trong thời gian qua và công tác phòng, chống dịch vẫn còn nhiều vất vả nhưng chúng ta chắc chắn sẽ thành công.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

Phun khử khuẩn tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Phun khử khuẩn tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)