Tìm liều thuốc “trị thương” cho các nước nghèo

ttxvn2104ng-1587441280-39.jpg

Hội nghị mùa Xuân trực tuyến đầu tiên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kết thúc ngày 19/4 với cam kết đẩy mạnh những nỗ lực “giảm tổn thương” cho nền kinh tế toàn cầu trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó tăng cường các chương trình hoãn trả nợ cho các nước nghèo và đang phát triển.

Tuy nhiên, hội nghị lần này mới chỉ dừng lại ở những cam kết, thay vì đưa ra những giải pháp cụ thể để giúp các quốc gia nghèo và đang phát triển, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi “cơn sóng thần” COVID-19 càn quét, vượt qua giai đoạn cam go này.

Hội nghị mùa Xuân trực tuyến đầu tiên của IMF và WB mới chỉ dừng lại ở những cam kết, thay vì đưa ra những giải pháp cụ thể để giúp các quốc gia nghèo và đang phát triển ứng phó với dịch COVID-19.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải “căng mình” chống dịch COVID-19, được ví như một một cơn đại hồng thủy dữ dội và bất ngờ, đã và đang làm đảo lộn thế giới, gây ra suy thoái và nguy cơ khủng hoảng kinh tế, với những ảnh hưởng nặng nề, khó lường.

Nhân viên y tế Maroc kiểm tra trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện quân y vùng Benslimane, ngày 17/4/2020.(Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế Maroc kiểm tra trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện quân y vùng Benslimane, ngày 17/4/2020.(Ảnh: AFP/TTXVN)

Không những tấn công mạnh mẽ các quốc gia giàu có với nền kinh tế phát triển, dịch COVID-19 còn để lại những hệ lụy kinh tế-xã hội-y tế nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia nghèo và đang phát triển.

Hơn 100 tỷ USD tiền vốn đầu tư đã chảy khỏi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, cao gần gấp 5 lần so với mức thoái vốn năm 2008.

Hơn bao giờ hết, việc tìm giải pháp để chủ động ứng phó, tháo gỡ khó khăn, chặn đà suy giảm, giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển cũng như hỗ trợ các quốc gia nghèo và đang phát triển vượt qua dịch bệnh là một vấn đề mang tính cấp bách, đòi hỏi những giải pháp cụ thể và hiệu quả từ các thể chế tài chính đa phương lớn như IMF và WB, cũng như các quốc gia giàu có trên thế giới.

Tại hội nghị lần này, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Chủ tịch WB David Malpass đều nhấn mạnh 2 thể chế nhận thức rõ về mối đe dọa đang gia tăng từ cuộc khủng hoảng COVID-19, được dự đoán sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào đợt suy thoái sâu nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 4/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 4/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với việc mô tả khủng hoảng COVID-19 là cuộc đại phong tỏa, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu có nguy cơ sụt giảm 3% trong năm nay.

IMF và WB cam kết tăng cường các nỗ lực nhằm giảm bớt những tác động mà dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi các nước thành viên cung cấp thêm các khoản tài trợ để có thể giúp đỡ những người nghèo và các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Dù cam kết như vậy, IMF và WB chưa đưa ra lộ trình cụ thể nào để giúp các nước dễ bị tổn thương đủ năng lực khắc phục hậu quả kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra.

Việc tăng cường các chương trình giãn nợ cũng như cung cấp các khoản tín dụng hỗ trợ các các nước nghèo và đang phát triển được xem là “phao cứu hộ” vào thời điểm hiện tại, song là giải pháp thiếu bền vững nếu xét về lâu dài bởi nguy cơ có thể làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ của các quốc gia này.

Đấy là chưa nói đến việc WB và IMF mới chỉ dừng lại ở cam kết tăng cường hỗ trợ, còn việc thực hiện cam kết tới đâu và như thế nào vẫn còn lại câu hỏi còn bỏ ngỏ.

 Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 4/4/2020 thông báo viện trợ 5,8 triệu USD cho Chính quyền Palestine (PA) để hỗ trợ các nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện dã chiến, nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, tại thành phố Bethlehem, Bờ Tây, ngày 22/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
 Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 4/4/2020 thông báo viện trợ 5,8 triệu USD cho Chính quyền Palestine (PA) để hỗ trợ các nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện dã chiến, nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, tại thành phố Bethlehem, Bờ Tây, ngày 22/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Như đánh giá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại hội nghị, rằng chương trình hoãn trả nợ cho các nước nghèo nhất là bước khởi đầu, nhưng cần phải thực hiện quyết liệt hơn trước sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Không thể phủ nhận thời gian qua, IMF và WB đang tích cực thúc đẩy hỗ trợ tài chính cho các nước trước những tác động y tế và kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19.

IMF đang xử lý các đơn yêu cầu cho vay khẩn cấp từ gần một nửa trong số 189 quốc gia thành viên. Gần đây, năng lực hỗ trợ khẩn cấp của IMF đã tăng gấp đôi, lên 100 tỷ USD, thông qua hai kênh: Công cụ Cấp vốn nhanh (RFI-tất cả các thành viên đều có thể tiếp cận được mà không cần thương lượng một chương trình cho vay truyền thống) và Công cụ Tín dụng nhanh (RCF-không tính lãi suất và các thành viên có thu nhập thấp có thể tiếp cận).

IMF cũng tận dụng Quỹ Cứu trợ và phòng ngừa thảm họa (CCRT) để cấp nhiều khoản viện trợ nhằm giảm nợ cho các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, bằng những ràng buộc với IMF trong công tác hỗ trợ giải quyết thảm họa.

Bà Georgieva cũng yêu cầu hỗ trợ bổ sung 17 tỷ USD nhằm củng cố Quỹ tín thác tăng trưởng và giảm nghèo (PRGT), qua đó cun cấp khoản vay ưu đãi cho các nước có thu nhập thấp.

Chủ tịch WB David Malpass phát biểu tại một cuộc họp báo ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch WB David Malpass phát biểu tại một cuộc họp báo ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phần mình, WB tung 160 tỷ USD trong vòng 15 tháng tới để tài trợ các quốc gia như Ethiopia, Afghanistan, Haiti hay Ecuador tăng cường các nguồn lực y tế nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế trước mắt và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ngân hàng này đã đẩy mạnh hoạ động cấp vốn nhanh, bằng các chương trình đang được thực hiện tại 25 nước với tổng trị giá 1,9 tỷ USD, và các chương trình khác được xúc tiến tại 40 nước với tổng trị giá 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những nỗ lực này dù tích cực, song là chưa đủ để có thể hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế.

Dịch COVID-19 đã lột tả sự bất bình đẳng giữa các nước, song quan trọng hơn là những hậu quả nghiêm trọng của một trật tự kinh tế không công bằng. Trong khi các nước giàu hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và suy giảm kinh tế song có tất cả nguồn lực để phục hồi, các nước nghèo và đang phát triển thì không.

Hồi tháng Ba, các bộ trưởng Tài chính các nước châu Phi đã kêu gọi gói kích thích kinh tế lên tới 100 tỷ USD, trong đó gồm miễn trừ các khoản thanh toán nợ trị giá 44 tỷ USD.

Bản thân WB và IMF cũng thừa nhận dù đã nhận được nhiều gói hỗ trợ lớn, cũng như các cam kết về giãn, giảm, xoá các khoản nợ, nhưng châu lục nghèo nhất thế giới vẫn cần thêm 44 tỷ USD để khắc phục hậu quả, cũng như thoát khỏi đại dịch.

Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Damascus, Syria ngày 28/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Damascus, Syria ngày 28/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Với 2/3 dân số thế giới sống ở các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) phải đối mặt với thiệt hại kinh tế chưa từng có do dịch COVID-19, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng đã kêu gọi gói cứu trợ trị giá 2.500 tỷ USD nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế tại các nước đang phát triển.

UNCTAD đề xuất một chiến lược biến các biểu hiện của sự đoàn kết quốc tế thành hành động cụ thể: Cung cấp một khoản thanh toán trị giá 1.000 tỷ USD thông qua việc sử dụng quyền rút vốn đặc biệt của IMF – SDR); xóa khoảng 1.000 tỷ USD nợ của các nước đang phát triển trong năm nay; thiết lập Kế hoạch Marshall trị giá 500 tỷ USD để phục hồi thể trạng kinh tế được giải ngân dưới dạng tài trợ.

Tuy nhiên, đề xuất của UNCTAD vấp phải sự miễn cưỡng của một số cường quốc lớn nhất thế giới. IMF, dưới sức ép của các thành viên có quyền bỏ phiếu cao nhất, không thể cung cấp các khoản vay dành cho Venezuela và Iran.

Mặt khác, việc IMF và WB không đề cập tới vấn đề xóa nợ đa phương mà các nước đang phát triển nợ 2 thể chế tài chính này lại mâu thuẫn với đề xuất của UNCTAD.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Aden, Yemen ngày 24/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Người dân di chuyển trên đường phố tại Aden, Yemen ngày 24/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Ngay trong tuyên bố chung của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về cam kết giãn nợ cho các quốc gia nghèo vừa qua cũng không đề cập tới việc IMF và WB cần xem xét xóa các khoản nợ đa phương này ít nhất trong năm 2020.

Tổ chức Eurodad có trụ sở tại Bỉ ước tính các khoản nợ song phương mà G20 cam kết giãn nợ cho các quốc gia nghèo vào khoảng 15,7 tỷ USD, không tính các khoản nợ trị giá 3,8 tỷ USD do IMF, WB và các tổ chức đa phương khác nắm giữ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thực tế là nợ vẫn phải thanh toán và việc đóng băng thanh toán chỉ áp dụng với nợ giữa các chính phủ, không áp dụng với nợ các ngân hàng tư nhân.

Eurodad cũng ước tính rằng ngay cả khi các khoản nợ song phương được xóa bỏ, các nền kinh tế thu nhập thấp sẽ buộc phải chuyển một khoản hỗ trợ khẩn cấp ước tính 9,4 tỷ USD để trả nợ.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng bị bỏ qua là việc xóa nợ khu vực tư nhân, làm dấy lên lo ngại rằng thay vì đáp ứng nhu cầu y tế và bảo trợ xã hội cấp bách, các nguồn lực được giải phóng thông qua xóa nợ có thể được sử dụng để trả nợ cho các chủ nợ tư nhân.

Một giải pháp hiệu quả và bền vững để hỗ trợ các nước nghèo vượt qua dịch COVID-19 đòi hỏi sự đoàn kết, hợp tác giữa tất cả các bên, từ tổ chức, thể chế tài chính đa phương, nước giàu cho tới chủ nợ của khu vực tư nhân.

Sẽ rất bất hợp lý nếu tất cả số tiền từ các tổ chức đa phương nhằm giúp đỡ các nước nghèo nhất không được sử dụng cho các biện pháp chăm sóc sức khỏe hoặc chống đói nghèo.

Có thể thấy, đối phó với một thách thức vừa là thảm họa về y tế, vừa gây khủng hoảng kinh tế-xã hội như đại dịch COVID-19, các nước nghèo đang bị đẩy vào tình trạng mong manh hơn bao giờ hết.

Vì vậy, một giải pháp hiệu quả và bền vững để hỗ trợ các nước nghèo dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng hiện này đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các bên, từ các tổ chức và thể chế tài chính đa phương, các nước giàu cho tới các chủ nợ của khu vực tư nhân./.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Algiers, Algeria ngày 25/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Algiers, Algeria ngày 25/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)