Thanh Lam

“Bình minh” – Đêm nhạc của Thanh Lam tối 1- 2/12 tại Cung Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) là cái tên gieo hi vọng về sự khởi đầu, tươi sáng, tích cực. Sau hai đêm diễn, “Bình minh” không phải là chân dung của Thanh Lam “mây trắng bay về” mà ló rạng bình minh âm nhạc đang lên.

1. Ngay từ sảnh dẫn vào sân khấu là băng rôn Thanh Lam cùng những cộng sự trong “Bình minh”: giám đốc âm nhạc Quốc Trung, Thanh Phương (guitar), Lưu Hà An (piano), Hùng Cường (trống), Hoàng Hải Bằng (bass), Hoàng Anh (sáo), nhóm bè, đã dự báo về một “Bình minh” đầy khí thế.

Sân khấu bục bệ tối giản, giữa lờ mờ ánh sáng, Thanh Lam xuất hiện cất lên “Giọt nắng bên thềm.” Khoảnh khắc ấy, dưới ánh đèn In the spotlight, Lam là “Queen” (nữ hoàng) với tiếng hát biến ảo và sắc đẹp quyền năng.

Liền sau đó, vệt ca khúc Thanh Tùng “Em và tôi,” “Hoa tím ngoài sân” chính thức mang “nữ hoàng nhạc nhẹ” trở về hiển hiện trên sân khấu, gợi nhớ một cách xúc động Thanh Lam thời tour xuyên Việt “Em và tôi” năm 1999 cùng ban nhạc Phương Đông. 

“Thanh Lam là một giọng hát rất khác biệt, một nghệ sỹ rất khác biệt, khác biệt khiến chúng ta phải suy nghĩ. Một bài hát, một câu hát, Thanh Lam hát không bao giờ lặp lại. Đó chính là sự sáng tạo tuyệt vời của người nghệ sỹ đích thực…” (Nhạc sỹ Bảo Chấn)

Hào quang nhạc nhẹ trôi qua nhanh chóng, Thanh Lam tiếp tục trở lại chiếm lĩnh sân khấu với miền âm nhạc dân gian đương đại và world music. Lần đầu tiên, thứ âm nhạc mềm mại, nữ tính của cố nhạc sỹ Thuận Yến được Quốc Trung “thử nghiệm” hòa âm lại biến hóa lạ lẫm và hiện đại như vậy. Nghe Thanh Lam “Đi trong Hương Tràm,” “Khát vọng,” “Đợi chờ” vừa khát khao bứt phá vừa huyền bí, vang vọng, trộm nghĩ nhạc sỹ Thuận Yến mà còn sống hẳn ông cũng khó lòng tưởng tượng nổi. Đêm nhạc tiếp tục chuyển màu rực rỡ hơn bởi “Tò vò” (Lưu Hà An) và “Tự tình.” Đặc biệt, màn hóa thân “Thị Mầu” căng tràn một Thanh Lam nông nổi và đầy tính cách.

Nỗi buồn và sự cô đơn thường mang lại cho người nghệ sỹ khả năng sáng tạo. Sự tung tẩy, chông chênh hát ngả nghiêng như say ở Thanh Lam là khát khao bứt phá, nổi loạn. Có lúc, tiếng hát đẩy ngọn lửa thăng hoa lên đến tận cùng, rồi sau đó cũng tiếng hát ấy lại đắm sâu trong nỗi buồn miên man.

Thanh Lam biến ảo trong màu sắc âm nhạc dân gian đương đại và world music. (Ảnh: Giang Huy) 
Thanh Lam biến ảo trong màu sắc âm nhạc dân gian đương đại và world music. (Ảnh: Giang Huy) 

Không gian world music của những “Tiến thoái lưỡng nan,” “Mây trắng bay về,” “Lời tôi ru” càng làm giọng hát Lam ma mị, đa đoan chạm đến mọi cung bậc cảm xúc khiến người nghe có cảm giác đang được thưởng thức kiệt tác sống động của tự nhiên như tiếng chim hót, thác chảy. Sự hoàn hảo đã biến tiếng hát và người nghệ sỹ ấy trở thành một “nghệ phẩm.”

Thanh Lam cũng minh chứng cho sự kết tụ giữa những gì bản năng không mất đi theo thời gian với kỹ thuật điêu luyện, thượng thừa của nghề hát. Nhưng, bên cạnh những tài năng, thiên bẩm, điều quý giá nhất và khác biệt nhất đưa Thanh Lam lên vị trí số một và duy nhất là bởi Lam có tâm hồn hát đầy thuần khiết. Sự thuần khiết giúp Lam luôn hồn nhiên và kiêu hãnh để lớp công chúng ngày hôm nay khi được thưởng lãm nguồn năng lượng ngùn ngụt, ngẫu hứng, đa đoan, man dại ấy nhìn thấy sức ảnh hưởng Thanh Lam đến lứa ca sỹ kế cận như Mỹ Linh, Tùng Dương, Trần Thu Hà… từ khi họ bắt đầu sự nghiệp.

Thanh Lam thăng hoa cạnh tay guitar Thanh Phương... (Ảnh: Giang Huy) 
Thanh Lam thăng hoa cạnh tay guitar Thanh Phương… (Ảnh: Giang Huy) 

Nói Lam không quyết liệt để năng lượng phân tán không hẳn là không đúng. Bởi sau thời “Nắng lên,” Lam chững lại. Nhưng ở chiều ngược lại, phải chăng những thành tựu âm nhạc Việt Nam đương đại chưa có cái tên nào đủ nội lực khơi dậy nguồn cảm hứng mới cho “người đàn bà hát?”

Trong “Đêm Hè Lam” năm 2017, người viết có dịp trò chuyện với nhạc sỹ Bảo Chấn về dấu ấn Thanh Lam, ông nói “Thanh Lam là một giọng hát rất khác biệt, một nghệ sỹ rất khác biệt, khác biệt khiến chúng ta phải suy nghĩ. Một bài hát, một câu hát, Thanh Lam hát không bao giờ lặp lại. Đó chính là sự sáng tạo tuyệt vời của người nghệ sỹ đích thực, sinh ra để hát. Nguồn năng lượng dồi dào của Thanh Lam như thỏi nam châm tỏa ra một hấp lực khiến người ta muốn lại gần, nhưng lại ngại ngần, chỉ dám đứng từ xa thưởng lãm. Nhạc sỹ nào cũng mong Thanh Lam hát bài của mình, ngoài chuyện Thanh Lam hát hay, còn là để thấy bài hát trở thành tác phẩm nghệ thuật.”

Cũng chính bởi nguồn năng lượng luôn ngùn ngụt, muốn thiêu đốt mọi thứ mỗi lần lên sân khấu, Thanh Lam vẫn là cái tên giữa hai luồng yêu ghét. Bên cạnh lớp khán giả luôn thấy được chia sẻ khi nghe Lam hát thì vẫn còn một lượng lớn không đồng cảm với tiếng hát Lam và thấy được chạm tới tận cùng sâu thẳm. Cũng bởi nguồn năng lượng luôn dư thừa ấy, người ta luôn không ngừng kỳ vọng ngọn lửa đam mê và cống hiến cho nghệ thuật sẽ không bao giờ tắt ở người nghệ sỹ này. Nói Lam không quyết liệt để năng lượng phân tán không hẳn là không đúng. Bởi sau thời “Nắng lên,” Lam chững lại. Nhưng ở chiều ngược lại, phải chăng những thành tựu âm nhạc Việt Nam đương đại chưa có cái tên nào đủ nội lực khơi dậy nguồn cảm hứng mới cho “người đàn bà hát?”

Thanh Lam hát ‘Bụi trời’. (Vietnam+)

Phải đến khi được chứng kiến một Thanh Lam “trẻ hóa” ngùn ngụt năng lượng, đốt nóng sân khấu với bản pop rock “Bụi trời” về cuối của Lưu Thiên Hương, thầm nghĩ, sau những Quốc Trung, Lưu Hà An, Lê Minh Sơn, liệu Lưu Thiên Hương có trở thành miền âm nhạc tươi mới thức dậy bình minh âm nhạc “người đàn bà hát” sau “nắng lên”?

2. Không chỉ nhấc “Mây trắng bay về,” “Bình minh” đưa Quốc Trung trở về đúng nghĩa trái tim Trung với không gian âm nhạc đẫm màu world music. Việc hòa âm mới lại toàn bộ ca khúc khiến “Bình minh” mang tinh thần âm nhạc xuyên suốt. Hiệu quả là, dù nhạc mục quen thuộc, “Bình minh” vẫn tươi mới, dầy dặn và đậm đầy với nhiều mảng miếng.

Cái tài của Quốc Trung không chỉ tiết chế một Thanh Lam tinh tế, thăng hoa, không hú hét “lên đồng” trong “Bình minh.” Nghe Lam hát “Bay vào ngày xanh” thênh thang nhẹ bẫng, hát “Tre xanh ru” nâng niu và vuốt ve từng câu từng chữ mà thấy nơi đó bình minh thật yên tĩnh và dịu ngọt. Sau tất cả, Trung – Lam vẫn chơi nhạc nồng nàn và bình yên như thế. Họ đồng điệu, nương tựa vào nhau, chứa chan cảm xúc, đóng góp cho âm nhạc “cặp đôi” đưa người nghe tới tận cùng những xúc cảm đẹp.

  • anhbiasol-1543829879-16.jpg
  • huy1816-1543829923-33.jpg
  • huy1843-1543829952-59.jpg
  • huy1914-1543829986-84.jpg
  • huy2006-1543830082-95.jpg
  • huy2179-1543830130-74.jpg
  • huy2113-1543830164-3.jpg
  • huy2167-1543830349-22.jpg

Biệt tài của Quốc Trung còn ở lựa chọn đặt để Hà Trần làm khách mời song ca với Thanh Lam “Bài hát ru mùa Đông” biến hóa, quyện chặt. Vẫn tiếc là, lúc gặp nhạc sỹ Dương Thụ ngay sau đêm diễn người viết chưa kịp hỏi lúc ngồi dưới hàng ghế khán giả, ông có “sốc” khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình sau nhiều thập kỷ được Quốc Trung biến báo ngoạn mục đến thế?

Trong sáng tạo âm nhạc, Quốc Trung vẫn cho thấy một tâm hồn nghệ sỹ bay bổng và lãng mạn cùng sự chỉn chu, chính xác. Sự kỹ tính, tinh tế đến cực đoan của Quốc Trung vừa khiến lớp nghệ sỹ ngày hôm nay “ngại” bắt tay với anh, nhưng ở góc độ làm concert, Quốc Trung vẫn là cái tên số một với sự cấp tiến, cập nhật.

Sau tất cả, Quốc Trung và Thanh Lam vẫn là lựa chọn tốt nhất của nhau trong quan hệ cộng sinh âm nhạc. (Ảnh: Giang Huy)
Sau tất cả, Quốc Trung và Thanh Lam vẫn là lựa chọn tốt nhất của nhau trong quan hệ cộng sinh âm nhạc. (Ảnh: Giang Huy)

Nếu theo dõi hoạt động trên trang cá nhân của ê kíp cũng như nhà sản xuất Thanh Việt trước “Bình minh” sẽ thấy kỷ luật gắt gao của đêm nhạc này. Họ tập trước hai tháng. Cứ thế, mỗi tháng toàn ê kíp tập ròng rã 10 ngày, tập ngày, tập đêm, tập cả trong bóng tối chỉ để đáp ứng yêu cầu… thuộc bài, để công chúng có cơ hội được thưởng thức mãn nhãn mãn nhĩ trước những người nghệ sỹ biểu diễn thực thụ và đẳng cấp khi chơi nhạc “ăn rơ” từng milimet, trong không gian sân khấu hiện đại, chất lượng âm thanh chơi live đầm, đã như bật đĩa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sau nhiều thập kỷ, từ những người đặt nền móng cho nhạc nhẹ, ngày hôm nay khi đã qua bình minh cuộc đời, họ vẫn là lực lượng nòng cốt cống hiến cho đời sống âm nhạc, định hướng và xác lập một tiêu chuẩn về thưởng thức và sản xuất âm nhạc.

Đó là lý do cho đến ngày hôm nay, dù mỗi người một sân, nhưng Quốc Trung vẫn là “thủ lĩnh” có khả năng cầm trịch và quy tụ giới làm nghề. Hình ảnh cuối khi toàn ê kíp đứng sau Thanh Lam hát tri ân khép lại đêm nhạc nhưng lại ló rạng một “bình minh” đang lên của âm nhạc.

Sau nhiều thập kỷ, từ những người đặt nền móng cho nhạc nhẹ, ngày hôm nay khi đã qua bình minh cuộc đời, họ vẫn là lực lượng nòng cốt cống hiến cho đời sống âm nhạc, định hướng và xác lập một tiêu chuẩn về thưởng thức và sản xuất âm nhạc.

Sau một ca sỹ là những bài hát. Sau một ngôi sao, một biểu tượng văn hóa đại chúng là nhà sản xuất âm nhạc và ê kíp âm nhạc chuyên nghiệp. “Người đàn bà hát tình ca khi giấc mơ về” trong “Bình minh” mãi mãi là “nữ hoàng” như biểu tượng nữ thần Esculape chữa lành “hát cho nỗi buồn bay đi… hát cho những người yêu thương…”

‘Thời hoàng kim’ của smartphone sắp hết?

Blackberry đã có những bước tiến đầy tiềm năng vào đầu những năm 2000, nhưng mọi thứ thay đổi khi iPhone ra đời và theo sau là Android. Để rồi trong hơn một thập kỷ sau, các nhà sản xuất smartphone nỗ lực đưa sản phẩm của mình ngày càng vượt trội so với các đối thủ với mỗi mẫu điện thoại mới được ra mắt theo từng năm. Nhưng điều này không có nghĩa thị trường smartphone sẽ tăng trưởng mãi mãi. Một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu Future Today Institute (FTI) nhận định rằng, kỷ nguyên của các smartphone truyền thống sắp kết thúc và sản phẩm công nghệ này sắp nhường đường cho các thiết bị thông minh khác. Liệu đây có phải là cảnh báo nhất thời khi doanh số bán smartphone toàn cầu đã chững lại, hay đó thực sự là dấu hiệu cho thấy sản phẩm này sắp “hết thời” như những “tiền bối” trước đó?

Kỷ nguyên của các smartphone truyền thống sắp kết thúc và sản phẩm công nghệ này sắp nhường đường cho các thiết bị thông minh khác. (Future Today Institute – FTI)

Smartphone – Thăng hoa rồi bão hòa

Không thể phủ nhận rằng điện thoại cá nhân đã bước sang trang mới khi Blackberry kết hợp những tính năng của một máy nhắn tin trong thập niên 1990 vào một chiếc điện thoại của thế kỷ 21, để từ đó phát triển các mẫu di động của họ cũng có thể xử lý các email và lướt web đến một mức độ nào đó.

Nhưng sự ra đời của iPhone vào năm 2007 đã mở ra kỷ nguyên hoàn toàn mới cho truyền thông di động. iPhone đã biến smartphone từ một thiết bị phục vụ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh trở thành một sản phẩm đại chúng ai cũng có thể sử dụng.

Mẫu điện thoại đình đám của Apple cũng đặt dấu chấm hết cho những chiếc điện thoại màn hình nhỏ, có trackball (bi xoay điều khiển chuột) và bàn phím vật lý.

(Nguồn: Mashable)
(Nguồn: Mashable)

Khi Android ra mắt thế giới vào năm 2008 với HTC Dream, việc bổ sung các tính năng mới trở nên phổ biến hơn. Truy cập Internet, soạn e-mail, nhắn tin, chụp ảnh và định vị GPS không phải những công nghệ di động mới, nhưng việc tích hợp vào các mẫu smartphone hiện đại giúp chúng trở nên thuận tiện và dễ sử dụng hơn nhiều.

Sau đó, các nhà sản xuất smartphone lần lượt giới thiệu thêm những công nghệ đột phá vào sản phẩm của mình như kiểm soát bằng giọng nói, bên cạnh các “trợ lý ảo” như Siri của Apple, Bixby của Samsung, hay Google Assistant của Google.

Những cách thức mới để tương tác với màn hình cũng được phát triển cùng những mẫu smartphone sau này, đi kèm với công nghệ sạc không dây và những cải tiến về bảo mật như quét vân tay và võng mạc.

Không khó hiểu tại sao người dùng đã dần bớt hứng khởi với việc bỏ nhiều tiền hơn cho một sản phẩm chỉ có một số cải tiến tương đối so với chiếc smartphone họ đang có.

Nhưng mỗi năm, thị trường đều đón nhận hàng chục mẫu smartphone được trang bị bộ vi xử lý nhanh hơn, bộ nhớ lớn hơn và nhiều ống kính camera mặt sau hơn. Trong khi đó, phần lớn khách hàng tiêu dùng đều đã sở hữu một chiếc smartphone có tốc độ xử lý nhanh, bộ nhớ khá ổn và có chất lượng chụp ảnh tốt. Vì vậy không khó hiểu tại sao người dùng đã dần bớt hứng khởi với việc bỏ nhiều tiền hơn cho một sản phẩm chỉ có một số cải tiến tương đối so với chiếc smartphone họ đang có.

Dự báo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường IDC cho thấy doanh số bán smartphone trên toàn cầu ước sẽ giảm 0,7% trong năm 2018 xuống 1,455 tỷ chiếc, với nhiều thị trường lớn đã ở ngưỡng bão hòa.

Tại Mỹ, 91% người trưởng thành dưới 50 tuổi sử dụng smartphone và 95% thanh thiếu niên có khả năng tiếp cận vào một chiếc smartphone. Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động thế giới (GSMA), ở châu Âu có khoảng 465 triệu thuê bao di động (tương đương 85% tổng dân số) tính đến cuối năm 2017, với hơn 2/3 trong số này là smartphone.

Smartphone có “sống sót” trong thời đại công nghệ mới?

Trong báo cáo thường niên của FTI về xu hướng công nghệ thế giới, chuyên gia Amy Webb cho biết năm 2018 có thể đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc của kỷ nguyên smartphone truyền thống.

Báo cáo FTI cho biết sự chuyển đổi từ smartphone sang thiết bị đeo thông minh (smart wearable) và các sản phẩm công nghệ cao như tai nghe có cảm biến sinh trắc học, nhẫn và vòng tay có thể cảm nhận chuyển động từ người đeo, kính thông minh có thể ghi lại và hiển thị thông tin… sẽ thay đổi cách người dùng trải nghiệm sản phẩm công nghệ, qua đó khiến những yêu cầu về smartphone của họ cũng sẽ dần phát triển theo.

Nếu không thực sự có bước đột phá mới, smartphone hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng “tăng trưởng đóng băng” tương tự như máy tính cá nhân (PC) và laptop, không hoàn toàn biến mất trên bản đồ công nghệ nhưng bị “che khuất” bởi những sản phẩm mới mẻ và hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng smartphone vẫn còn đủ thời gian để “tự cứu mình” trước khi viễn cảnh không mấy lạc quan đó diễn ra. Nhà phân tích David McQueen tại công ty nghiên cứu ABI Research cho biết smartphone sẽ không biến mất mà thay vào đó sẽ biến đổi hình dạng và tính năng của mình.

Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế hỗn hợp (Mix Reality) và điều khiển bằng cử chỉ hoàn toàn có thể giúp smartphone có thêm những động lực tăng trưởng mới.

Chuyên gia Bob O’Donnell, người sáng lập ra công ty chuyên về nghiên cứu và phân tích các xu hướng công nghệ Technalysis Research, cho rằng smartphone vẫn được người tiêu dùng ưa thích bất chấp sự xuất hiện của các thiết bị mới như loa thông minh của Amazon và Google.

Smartphone sẽ không biến mất mà thay vào đó sẽ biến đổi hình dạng và tính năng của mình.(Nhà phân tích David McQueen tại công ty nghiên cứu ABI Research)

Ông cũng cho biết những cải tiến tiếp theo có thể mang đến các thiết bị cầm tay thậm chí còn thông minh hơn so với thế hệ thiết bị hiện tại khi chúng được tích hợp với AI, qua đó giúp người dùng thực hiện rất nhiều công việc mà không cần kết nối mạng.

Chuyên gia O’Donnell cũng lưu ý cạnh tranh giữa các công ty công nghệ hiện đang tập trung xung quanh việc phát triển các “trợ lý ảo” như Alexa của Amazon, Google Assistant của Google, Siri của Apple, và Bixby của Samsung cũng như một số trợ lý khác.

Ngoài ra, công nghệ 5G cũng hứa hẹn sẽ thu hút thêm nhiều người dùng chuyển sang các mẫu smartphone mới có hỗ trợ nền tảng này.

Nhưng tương lai có quá nhiều biến số để có thể đoán định. Liệu smartphone có thể đứng vững trước những thử thách của thời gian, hay sẽ phải chấp nhận lùi về phía sau và nhường chỗ cho các sản phẩm mới hơn như vòng đeo tay thông minh hoặc loa thông minh? Không ai có thể nói chắc chắn, song với tốc độ phát triển công nghệ nhanh như hiện tại, không quá lời khi nói rằng lịch sử có thể sẽ lặp lại với smartphone như đã từng với PC và laptop.

Xứ tuyết Iiyama

Tôi còn nhớ vào mùa Đông năm 2015, Nagano chào đón tôi với những đồng tuyết trắng mênh mang, một chuyến đi trải nghiệm đã khiến tôi mặc định Nagano đích thị là xứ tuyết.

Chính vì vậy, khi đến thành phố Iiyama của tỉnh Nagano vào những ngày đầu Thu năm 2018, tôi đã tự hỏi không biết có điều gì thú vị đến với chúng tôi khi xứ sở này chưa khoác chiếc áo choàng tuyết trắng. Chỉ ít phút sau khi xuống tàu Shinkansen, chúng tôi đã có câu trả lời đầu tiên.

Iiyama là một thành phố cao nguyên nhỏ nằm ở vùng núi phía Bắc tỉnh Nagano. Việc đến thành phố nhỏ này trở nên vô cùng thuận tiện khi tuyến đường sắt cao tốc Shinkansen phục vụ cho Olympic mùa Đông Nagano được khai trương vào năm 1997, với thời gian di chuyển từ ga Tokyo đến ga Iiyama chỉ mất khoảng hai giờ đồng hồ.

Vốn quen với nhịp sống ồn ào, hối hả và đông đúc tại một đô thị lớn như Tokyo, chúng tôi cảm thấy có một chút chững lại khi đặt chân xuống nhà ga Iiyama vắng vẻ và yên tĩnh.

Một người bạn Nhật Bản, chị Sahori Shibata, đón chúng tôi tại nhà ga Iiayama với nụ cười ấm áp. Lỉnh kỉnh những hành lý phục vụ cho một chuyến công tác dài ngày, chúng tôi bước chân lên một chiếc thang cuốn lớn tại nhà ga để đến bãi đỗ ôtô. Trong lúc tôi còn đang mải ngắm nội thất của nhà ga được trang trí bằng gỗ và giấy washi (giấy Nhật) đầy màu sắc, giọng nói nhỏ nhẹ của chị Shibata chợt vẳng đến từ phía sau “chúng ta đang sử dụng chiếc thang cuốn duy nhất trong thành phố Iiyama.”

Thang cuốn duy nhất của thành phố tại nhà ga IIyama. 
Thang cuốn duy nhất của thành phố tại nhà ga IIyama. 

Tôi đã không nghe nhầm. Thành phố có diện tích 202,43km2 với dân số khoảng 21.000 người, mật độ dân cư thưa thớt chỉ 104 người/km2. Vì vậy, trong thành phố không có tòa nhà nào có diện tích rộng và chiều cao đủ cần thiết để lắp thang cuốn, ngoại trừ nhà ga, nơi không chỉ để đón các chuyến tàu cao tốc Shinkansen, mà còn là trung tâm giới thiệu quảng bá du lịch của thành phố.  

Vốn nổi tiếng là địa danh du lịch dành cho những người yêu thích tuyết trắng, song lần này IIyama đón chúng tôi bằng màu xanh tươi mát của thiên nhiên với những cao nguyên, vườn cây, cánh đồng lúa mỳ và rừng cây đang vào độ rực rỡ nhất.

Khu vườn cổ tích

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là trang trại Shiozaki, cách ga Iiyama chỉ bảy phút đi bộ. Nông trại nổi tiếng với các giống táo Koogyoku (Hồng Ngọc), Shinano Sweet (Vị ngọt Shina), Akibae, Sekaiichi, Yoko, Shinano Gold, Orin, Sun Fuji… Nghề trồng táo tại trang trại Shiozaki có xuất xứ từ Aomori, xứ sở trồng táo nổi tiếng nhất tại Nhật Bản.

Tận dụng khí hậu lạnh và nhiều tuyết gần giống với Aomori, gia đình Shiozaki đã tạo ra những quả táo có hương vị đặc sắc, từ những quả táo ngọt có độ đường cao đến những quá táo có vị chua thanh đặc biệt phù hợp để làm bánh táo. Nho của trang trại Shiozaki cũng nổi tiếng với vị ngọt thanh mát, rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản.

Những quả táo chín mọng trên cành. 
Những quả táo chín mọng trên cành. 

Thời gian thu hoạch táo mùa Thu thường bắt đầu từ giữa cuối tháng Tám đến đầu tháng 12. Sự ưa chuộng của khách hàng Nhật Bản dành cho táo của trang trại Shiozaki là động lực để chủ trang trại Makoto Shiozaki quyết định mở một dịch vụ du lịch mới.

Từ năm 2017, nông trại Shiozaki mở cửa từ ngày 25/9 đến 16/11 hằng năm để đón du khách đến tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn. Giá cho một lần vào thưởng thức nho tại vườn đối với người lớn là 1.500 yen. Mức giá để vào vườn táo thưởng thức là 600 yen và sẽ nâng lên mức từ 1.000-1.500 yen nếu khách muốn đem táo về sau khi đã thưởng thức tại vườn.

Chúng tôi đến vườn táo đúng thời điểm đẹp nhất, cuối tháng Chín. Ký ức tuổi thơ được chơi đùa thoải mái giữa thiên nhiên xanh chợt ùa về khi tôi thả mình giữa vườn táo xanh tốt với những trái táo lúc lỉu, ửng hồng, ngang tầm tay với. Những trái táo đẹp như tranh vẽ.

Chủ trang trại, anh Makoto Shiozaki, mang theo bộ dao gọt táo chuyên dụng, gọt táo ngay tại vườn để mời chúng tôi. Giây phút thư giãn giữa vườn cây xanh, tận hưởng vị ngọt của quả táo khiến tôi tưởng mình đang ở trong một khu vườn cổ tích.

Hồng ngọc - giống táo đỏ vùng Iiyama. 
Hồng ngọc – giống táo đỏ vùng Iiyama. 

Câu chuyện Forest Therapy

Rời trung tâm thành phố Iiyama, chúng tôi tiến về cao nguyên Nabekura, nơi được đánh giá là một trong những địa điểm thiên nhiên đặc sắc nhất của Nhật Bản. Điểm đến của chúng tôi là Morinoie (tạm dịch là Ngôi nhà rừng xanh).  

Đón tiếp chúng tôi tại nhà chính của Morinoie là anh Tomoki Kobayashi, người đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu điều đặc biệt nhất của Morinoie, đó chính là Forest Therapy.

Theo chân anh Kobayashi, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Morinoie. Tuyến đường đi bộ dài khoảng 2km bắt đầu từ hồ Tamogi, được hướng dẫn chi tiết trên bản đồ dựng dọc theo lộ trình. Tất nhiên, vì đó là một khu rừng nên với những người mới đến, đi xuyên qua rừng là một điều không hề dễ dàng. Chính vì vậy, du khách được khuyến khích nên đi cùng người hướng dẫn.

Con đường đi bộ được trải bằng vụn gỗ, hầu như không gây tiếng động và rất êm chân. Khi mới bắt đầu lộ trình, những cây to trước mắt tôi hầu hết là tuyết tùng. Chỉ có một số ít cây dẻ gai thấp và mảnh dẻ. Tôi hít thở từng hơi thật sâu để cảm nhận bầu không khí trong lành, mát rượi. Vò nhẹ một chiếc lá từ bụi cây bên đường, hương thơm dịu dìu lan tỏa. Anh Tomoki Kobayashi nói hầu hết các cây trong rừng đều là loại cây có dược tính tốt.    

Đi hết rừng tuyết tùng, mở ra trước mắt chúng tôi là rừng dẻ gai với nhiều cây cao vút, có tuổi đời từ 100 đến 200 năm.  

Rừng dẻ gai tại Iiyama
Rừng dẻ gai tại Iiyama

Cho đến những năm 50 của thế kỷ trước, rừng dẻ gai vẫn còn ở nhiều nơi trên khắp Nhật Bản, đặc biệt phổ biến ở những vùng tuyết rơi nhiều dọc theo Biển Nhật Bản. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Thế giới thứ II, bắt đầu xuất hiện quan điểm cho rằng dẻ gai là loại cây không có ích, vì đặc tính mềm và dễ bị cong vênh khiến cho gỗ cây dẻ gai không phù hợp sử dụng cho các mục đích như xây dựng và làm mộc. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1960, nhiều rừng dẻ gai đã bị chặt hạ và được thay thế bằng tuyết tùng Nhật Bản.

Nhưng tại cao nguyên Nabekura, rừng dẻ gai vẫn được bảo tồn nhờ người dân địa phương đã truyền nhau kinh nghiệm lâu đời về tầm quan trọng của rừng dẻ gai, đặc biệt là đối với việc cung cấp nguồn nước. Cư dân Nabekura đã không chặt hạ dẻ gai, giúp rừng dẻ gai ở đây tránh được chiến dịch phá rừng diện rộng lúc đó.  

Cây 300 tuổi tại Iiyama.
Cây 300 tuổi tại Iiyama.

Năm 1986, cơ quan lâm nghiệp thành phố Iiyama công bố kế hoạch phá rừng dẻ gai tại cao nguyên Nabekura. Đó là vào giai đoạn kinh tế phát triển bong bóng vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20, chính quyền địa phương tập trung vào việc xây dựng các đường trượt tuyết trên sườn núi, trong đó có kế hoạch phát triển khu nghỉ dưỡng quy mô lớn để phát triển du lịch.

Tranh cãi nổ ra giữa những người bảo vệ rừng dẻ gai và những người muốn phá rừng. Cuối cùng, thắng lợi đã thuộc về những người bảo vệ rừng. Năm 1990, thị trưởng mới nhậm chức lúc đó là ông Kunitake Koyama đã hủy bỏ kế hoạch phá rừng làm khu nghỉ dưỡng với lý do cần bảo vệ các rừng dẻ gai mà người dân địa phương đã trân trọng gìn giữ. Rừng dẻ gai tại Nabekura tiếp tục được duy trì và phát triển.

Đối với người dân địa phương, cây dẻ gai là giống cây bảo vệ nguồn nước. Đối với động vật hoang dã sinh sống trong rừng như sóc và gấu, hạt dẻ gai bùi, thơm và ngọt là nguồn thức ăn quan trọng.

Nỗ lực của người dân đã giúp thành phố Iiyama trở thành địa phương hiếm hoi bảo tồn được rừng dẻ gai với nhiều cây có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Được mệnh danh “thung lũng cây khổng lồ,” Morinoie đã trở thành một địa điểm hấp dẫn, thu hút hàng chục nghìn du khách yêu thích môn thể thao đi bộ đường dài tìm đến nơi đây.

Đặc biệt hơn, năm 2005, Morinoie được chứng nhận là “Forest Therapy Base,” đưa thành phố Iiyama trở thành địa phương đầu tiên tại Nhật Bản sở hữu giấy chứng nhận này. Forest Therapy (tạm dịch “Liệu pháp rừng an dưỡng”) là không gian rừng được xác nhận có “nguồn năng lượng xanh,” có khả năng giúp con người thư giãn, tái tạo sức khỏe.

Kết quả thực nghiệm cho thấy nếu dành một thời gian trải nghiệm tại cánh rừng này, lượng hormone gây căng thẳng sẽ giảm xuống. Không chỉ vậy, nghỉ dưỡng tại rừng còn đem lại những tác động tích cực cho sức khỏe, trong đó có kích thích hệ miễn dịch giúp tiêu diệt ung thư. Những kết quả này là những bằng chứng thuyết phục đầu tiên trên thế giới cho thấy sức mạnh của rừng xanh trong việc hàn gắn, điều trị sức khỏe cho con người.

Đi vào rừng dẻ gai...
Đi vào rừng dẻ gai…

Tìm về truyền thống

Bức tranh Iiyama càng trở nên hoàn hảo hơn khi chúng tôi tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống của thành phố nhỏ bé này. Thành phố nhỏ với hơn 20 ngôi đền, tàn tích của lâu đài Iiyama và những khu phố cổ được mệnh danh là Tiểu Kyoto vì vẻ cổ kính.

Cùng với chị Sahori, chúng tôi đến khu phố có tên hành chính là Atago. Nơi đây từng là trung tâm phố cổ của Iiyama, nổi tiếng với các cửa hiệu chuyên sản xuất bàn thờ Phật có hàng trăm năm lịch sử. Chính vì vậy, người dân nơi đây còn gọi phố Atago là phố Butsudan trong tiếng Nhật có nghĩa là bàn thờ Phật.

Tuyến phố dài khoảng 300m với điểm nhấn nổi bật là mái che gỗ chắc chắn toàn bộ vỉa hẻ hai bên đường. Chị Sahori nói rằng thời tiết tuyết rơi nhiều ở Iiyama là lý do chính để các ngôi nhà ở Iiyama có mái nhà vươn ra che kín vỉa hè, gọi là “gangi,” nhằm giúp cho khách bộ hành có thể đi dọc theo phố mà không bị tuyết cản trở.  Đây chính là nguồn gốc của cách gọi thứ ba mà người dân địa phương dành cho con phố này, phố Gangi.

Dọc theo phố Butsudan hay còn được gọi là phố Gangi, có hàng chục cửa hiệu sản xuất bàn thờ Phật có truyền thống hàng trăm năm. Vào thế kỷ thứ 14, Phật giáo đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương vì vậy việc sản xuất bàn thờ Phật đã trở nên phổ biến.

Bước vào cửa hiệu Yamazaki, chúng tôi choáng ngợp khi nhìn thấy hàng loạt bàn thờ Phật lộng lẫy được trưng bày khắp các cửa hàng. Điều khiến chúng tôi kinh ngạc hơn là mức giá của mỗi bàn thờ Phật, có những chiếc lên tới 45.000 USD (1 tỷ đồng).

Một góc của cửa hiệu có lịch sử 250 năm bán bàn thờ.
Một góc của cửa hiệu có lịch sử 250 năm bán bàn thờ.

Chị Yamazaki, chủ cửa hiệu Yamazaki có bề dày 250 năm lịch sử, cho biết bàn thờ Phật tại phố Butsudan nổi tiếng khắp Nhật Bản vì sự kỳ công, tinh xảo, độ bền và thời gian chế tác kéo dài nhiều tháng. Bàn thờ có chiều cao khoảng 1m50, rộng khoảng 1m, có cửa đóng mở, được sơn mài và khảm đồng đỏ, đồng vàng. Vật liệu làm bàn thờ là gỗ thông trắng Nhật hoặc tuyết tùng Nhật. Đối với những sản phẩm cấp cao, gỗ làm bàn thờ được lấy từ cây bách.

Chị Yamazaki cho biết một bàn thờ được xuất đi từ IIyama có thể sử dụng được cả trăm năm, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, bên cạnh việc sản xuất ra các bàn thờ Phật mới, các cơ sở sản xuất ở Yamazaki còn nhận phục chế các bàn thờ cũ. Ngày nay, trung bình một năm, làng nghề sản xuất bàn thờ tại Iiyama bán ra thị trường 1.000 sản phẩm.

Từ phố Butsudan, chúng tôi được giới thiệu đến gặp nghệ nhân Washimoto, người có gần 50 năm làm nghề khảm những lá kim loại bằng đồng để gắn trang trí trên bàn thờ Phật. Đôi tay khéo léo của nghệ nhân chỉ trong chốc lát đã tạo ra những nét khảm tinh xảo trên một lá đồng mỏng. Sau khi hoàn thành tác phẩm của mình, nghệ nhân Washimoto hướng dẫn cho chúng tôi những dụng cụ đặc biệt để khảm các hình hoa sakura, hoa cúc, chim muông… nhỏ xíu lên lá đồng.

Ngay sau đó, chúng tôi được thực hành, tự tay làm một sản phẩm khảm đồng riêng cho mình. Theo sự hướng dẫn của nghệ nhân Washimoto, tôi chọn mũi khảm mà ông bảo là dễ nhất cho người lần đầu sử dụng, đó là mũi khảm có hình hoa sakura.

Nghệ nhân chế tác hoa văn trên lá đồng. 
Nghệ nhân chế tác hoa văn trên lá đồng. 

Nhìn nghệ nhân gõ những nhát búa nhè nhẹ và các bông hoa, chim muông cứ thế xuất hiện một cách đơn giản trên lá đồng, tôi cảm giác như đó là công việc khá dễ dàng. Cầm trên tay mũi khảm tí xíu và chiếc búa bé xinh, tôi tự tin đặt mũi khảm lên lá đồng mỏng và gõ một nhát búa xuống. Tuy nhiên, thay vì bông hoa hoàn chỉnh, trên lá đồng của tôi xuất hiện một bông hoa chỉ có hai cánh.

Nhát búa tôi giáng không dứt khoát và bị lệch chiều đã không tạo đủ lực để mũi khảm in bông hoa sakura đủ bảy cánh lên lá đồng. Lúc đó tôi mới thực sự hiểu được để có được những lá đồng khảm tinh xảo trang trí lên bàn thờ Phật, đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm và tay nghề cao như thế nào.

Sau khi gõ gõ vài nhát búa, tôi cũng hoàn thành sản phẩm của mình với những họa tiết mà nếu không phải là tác giả thì không ai biết là hình gì. Nghệ nhân Washimoto đem lá đồng của tôi vào đánh bóng và chỉ vài phút sau tôi nhận lại sản phẩm của mình. Nó trở nên sáng loáng, bóng bẩy đến mức tôi có thể lờ đi được những nét khảm vụng về của mình trên đó.

Chị Sahori nói rằng có những lúc muốn thư giãn, chị lại đến đây, đăng ký tham gia buổi trải nghiệm khảm đồng dành cho du khách. Chương trình này đã trở thành một hoạt động được du khách yêu thích trong tour du lịch đến Iiyama.

Những lá đồng được chạm trổ cầu kỳ dùng để trang trí bàn thờ.
Những lá đồng được chạm trổ cầu kỳ dùng để trang trí bàn thờ.

Cùng với khóa trải nghiệm khảm đồng, Iiyama còn có buổi trải nghiệm làm bưu thiếp bằng giấy washi (giấy Nhật) tại xưởng giấy Uchiyama. Giấy washi của Uchiyama được làm từ vỏ cây dâu, được đánh giá có độ bền cao hơn hẳn các loại giấy hiện đại làm tự bột giấy.

Hơn nữa, người Nhật Bản rất ưa chuộng washi Uchiyama vì kết cấu thanh nhã, độ mịn màng, thông thoáng, giữ nhiệt tốt và tính bền màu. Bí quyết làm washi ở Iiyama được lưu truyền đã hơn 400 năm, vốn bắt đầu từ một thợ thủ công của Iiyama đến Mino, vùng làm giấy nổi tiếng của tỉnh Gifu để học nghề.

Trở về quê hương, những người thợ làm giấy Iiyama đã tận dụng yếu tố thời tiết lạnh giá nhiều tuyết, rải vỏ cây dâu lên các cồn tuyết, phơi khô dưới ánh Mặt Trời. Đây chính là công đoạn tẩy trắng (được gọi là yuki zarashi) và làm bền vỏ cây, giúp cho vỏ cây dâu có màu trắng đặc biệt và độ bên cao. Tất nhiên, thợ làm giấy ở Iiyama còn có thêm những bí quyết riêng để tạo ra một tấm washi Uchiyama hoàn chỉnh, mịn màng được yêu thích trên khắp Nhật Bản.

Washi Uchiyama được đánh giá cao về chất lượng thường được sử dụng dán các ô trong cửa kéo kiểu Nhật và một số sản phẩm khác. Đặc biệt, washi Uchiyama còn được sử dụng để trang trí nội thất, kể cả các công trình lớn như nhà ga Shinkansen của Iiyama.  

Các nghệ nhân đang làm bưu thiếp từ bột giấy.
Các nghệ nhân đang làm bưu thiếp từ bột giấy.

Sự ưa chuộng của người dân Nhật Bản đối với washi Uchiyama đã khiến cho xưởng giấy trở thành một địa điểm tham quan thú vị trong hành trình khám phá thành phố này. Tại xưởng giấy Uchiyama, du khách sẽ được giới thiệu các công đoạn làm giấy và sau đó sẽ tự mình làm bưu thiếp. Mỗi du khách sẽ được phát một khay gỗ, sau đó tự mình nhúng vào trong bể nước chứa bột vỏ cây dâu.

Sau khi khay đã chứa một lượng bột vửa đủ và đã được lắc đều, phẳng, du khách sẽ đặt khay gỗ lên bàn, gỡ nhẹ thành khay. Công đoạn cuối cùng là chọn hoa văn gồm lá khô, hoa khô… để thả nhẹ lên mặt lớp bột giấy phẳng và ướt. Sau khi bột giấy khô, du khách sẽ có một tấm thiếp kỷ niệm xinh xắn bằng chất liệu giấy Uchiyama.

Không chỉ là địa danh du lịch nổi tiếng với tuyết trắng, hành trình ba ngày khám phá Iiyama đã cho chúng tôi thấy vẻ đẹp đầy sức sống song cũng rất cổ kính của thành phố nhỏ này. Ý thức bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa truyền thống chính là điều cốt lõi mà mỗi người dân IIyama luôn thực hiện để bảo vệ và xây dựng thành phố quê hương của mình trở thành một điểm đến du lịch ấn tượng của xứ sở Mặt Trời mọc./.

Dốc trượt tuyết dành cho người chuyên nghiệp tại Iiyama.
Dốc trượt tuyết dành cho người chuyên nghiệp tại Iiyama.

Hướng tiếp cận mềm

Vấn đề người di cư Trung Mỹ, vốn là tâm điểm trong quan hệ giữa Mexico và Mỹ, đang ngày một nóng thêm với những diễn biến dồn dập khiến tình hình khu vực biên giới hai nước trở nên căng thẳng và phức tạp.

Trong động thái mới nhất thể hiện chính sách cứng rắn của Nhà Trắng trong vấn đề nhập cư, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/11 đã dọa sẽ đóng cửa biên giới “vĩnh viễn” với Mexico nếu cần thiết, khẳng định đoàn xe chở người di cư từ Trung Mỹ sẽ không thể vào nước Mỹ, đồng thời yêu cầu Mexico hồi hương những người di cư này.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được cho sẽ tạo thêm áp lực cho chính quyền Mexico trong bối cảnh nước này đang phải “gồng mình” giải quyết dòng người di cư, ước tính đã vượt qua con số 10.000, từ khu vực Trung Mỹ đổ qua Mexico để tìm cách vào Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ đóng cửa biên giới “vĩnh viễn” với Mexico nếu cần thiết  

Những phản ứng khá gay gắt của Tổng thống Donald Trump một lần nữa cho thấy ông chủ Nhà Trắng sẽ tiếp tục “không khoan nhượng” trong vấn đề người di cư Trung Mỹ. Cho tới nay, Mỹ đã triển khai khoảng 5.800 binh sỹ dọc biên giới với Mexico nhằm ứng phó với dòng người di cư, song tình hình hỗn loạn tại đây vẫn tái diễn.

Ngày 25/11, khoảng 500 người di cư đã phá hàng rào thép gai giữa biên giới chung giữa Mexico và Mỹ tại cửa khẩu San Ysidro ở thành phố Tijuana, miền Bắc Mexico, giáp ranh với thành phố San Diego, bang California của Mỹ. Hậu quả là lực lượng tuần tra biên giới Mỹ đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để ngăn cản những người di cư tìm cách vượt biên, động thái gây lo ngại cho phía Mexico. Bộ Ngoại giao Mexico sau đó đã gửi công hàm yêu cầu Chính phủ Mỹ tiến hành “một cuộc điều tra toàn diện” về việc sử dụng “vũ khí không sát thương” hướng vào lãnh thổ Mexico.

Người di cư Trung Mỹ vượt đoạn sông Tijuana để tới cửa khẩu El Chaparral, gần biên giới Mỹ-Mexico, ngày 25/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư Trung Mỹ vượt đoạn sông Tijuana để tới cửa khẩu El Chaparral, gần biên giới Mỹ-Mexico, ngày 25/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mexico từ vài tháng nay “bất đắc dĩ” bị đặt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi nước này nằm trên tuyến trung chuyển của dòng người di cư từ các quốc gia thuộc “Tam giác phía Bắc” của Trung Mỹ, gồm El Salvador, Guatemala và Honduras, muốn trốn tránh nghèo đói và bạo lực tại quê nhà và tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại Mỹ.

Với quan điểm cứng rắn coi dòng người di cư Trung Mỹ là “mối đe dọa” đối với an ninh nước Mỹ bởi “nhiều phần tử khủng bố Trung Đông đã trà trộn vào những nhóm người này,” Tổng thống Donald Trump không ít lần đưa ra những tuyên bố cảnh báo và đe dọa nhằm vào Mexico.

Tổng thống Trump từng chỉ trích quốc gia láng giềng phía Nam “xúi giục” và “kiếm lời” từ dòng người di cư bất hợp pháp khi nước này cho phép các đoàn người di cư từ các nước Trung Mỹ đi qua để vào Mỹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông Trump kiên trì thúc ép xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, dù kế hoạch gây tranh cãi này cũng khiến quan hệ với quốc gia láng giềng bị rạn nứt.

Phản ứng của Mexico đối với những yêu cầu và áp lực từ Mỹ được đánh giá là mềm mỏng

Trong khi đó, dòng người di cư không ngớt đổ vào lãnh thổ Mexico và tập trung ở khu vực biên giới miền Bắc nước này cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cả về an ninh, kinh tế lẫn xã hội, nhân đạo đối với quốc gia Bắc Mỹ. Cư dân thành phố biên giới Tijuana đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình và có những hành động khá quyết liệt để phản đối tình trạng “hàng nghìn người xa lạ” trú chân tại đây để xin tị nạn ở Mỹ. Việc xử lý dòng người di cư này thực sự là sức ép to lớn đối với Mexico.

Cho tới nay, Chính phủ Mexico vẫn tuyên bố theo đuổi và thi hành chính sách di cư an toàn, có quy tắc và trật tự, trên cơ sở “tôn trọng hoàn toàn quyền của những người di cư và Luật nhân đạo quốc tế.” Phản ứng của Mexico đối với những yêu cầu và áp lực từ Mỹ được đánh giá là mềm mỏng khi Mexico City luôn khẳng định mong muốn giữ mối quan hệ hợp tác, cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc tìm ra giải pháp đối với hiện tượng người di cư Trung Mỹ.

Bên cạnh kêu gọi sự trợ giúp của Liên hợp quốc, Chính phủ Mexico một mặt tăng cường quân đội và cảnh sát tại biên giới phía Nam với Guatemala và kêu gọi các nước Trung Mỹ tìm cách hạn chế dòng người di cư, mặt khác đưa ra những chính sách như tư vấn pháp lý và kế hoạch “Bạn đang ở nhà” nhằm giúp đỡ những người di cư Trung Mỹ.

Người di cư tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico ở Tijuana, bang Baja California, Mexico ngày 25/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico ở Tijuana, bang Baja California, Mexico ngày 25/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thông qua kênh tư vấn, hơn 1.900 người di cư đã tự nguyện hồi hương và phần lớn đã chấp nhận xin tị nạn tại Mexico trong trường hợp không đến được Mỹ. Chính phủ Mexico đã dành nhiều nguồn lực từ con người cho đến tài chính để tạo ra công ăn việc làm cũng như ổn định cuộc sống và giúp những người di cư này hòa nhập với xã hội.

Tuy nhiên, “bài toán” người di cư Trung Mỹ vẫn tỏ ra nan giải đối với Mexico và dòng người đổ vào quốc gia này để tìm đường tới Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Cuối tháng 10 vừa qua, nhiều vụ xung đột giữa những người di cư và lực lượng chức năng Mexico đã xảy ra ở khu vực biên giới với Guatemala, khi hàng nghìn người phá đổ rào chắn biên giới và tấn công nhân viên cơ quan di trú và cảnh sát Mexico bằng gạch đá và bom xăng để tràn vào lãnh thổ nước này. Vụ việc đã khiến 1 người Honduras thiệt mạng. Ngay cả vụ phía Mỹ bắn hơi cay vào người di cư tại cửa khẩu San Ysidro hôm 25/11 cũng bắt đầu từ việc cảnh sát Mexico trấn áp một cuộc biểu tình của người di cư Trung Mỹ nổ ra tại khu vực biên giới này, gây ra cảnh tượng hỗn loạn.

Vấn đề phối hợp với Mỹ cũng gặp nhiều trục trặc. Tờ Washington Post đưa tin Mỹ đã đạt một thỏa thuận về vấn đề trên với chính quyền kế nhiệm ở Mexico của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, người sẽ nhậm chức vào ngày 1/12 tới. Trong khi đó, bà Olga Sanchez Cordero, nhân vật giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trong chính quyền mới, lại nói rằng “không có bất cứ thỏa thuận nào giữa chính quyền sắp tới của Mexico và Mỹ.”

Vấn đề người di cư Trung Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục làm “đau đầu” chính quyền mới của Mexico

Những diễn biến này cho thấy vấn đề người di cư Trung Mỹ sẽ tiếp tục làm “đau đầu” chính quyền mới của Mexico, nhất là khi các bên cho tới nay chưa triển khai được toàn diện những giải pháp hiệu quả liên quan tới nguyên nhân gốc rễ đẩy người dân các nước Trung Mỹ phải di cư.

Tổng thống đắc cử Mexico Andres Manuel Lopez Obrador khẳng định ông không muốn một cuộc chiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề di cư và cho rằng vấn đề này không thể giải quyết bằng việc xây dựng bức tường biên giới hay sử dụng vũ lực, mà chỉ có thể bằng con đường ngoại giao và sự tôn trọng.

Ông Andres Manuel nhấn mạnh cần phải tìm kiếm một giải pháp lâu dài về người di cư Trung Mỹ, trong đó tập trung giúp đỡ các nước trên phát triển kinh tế, xã hội. Dù vậy, với quan điểm “không khoan nhượng” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện, nhà lãnh đạo Mexico có lẽ sẽ gặp khó khăn khi muốn dùng cách tiếp cận “mềm mỏng” trên để “làm dịu” chính sách cứng rắn về nhập cư của ông chủ Nhà Trắng./.

Hàng rào ngăn cách biên giới Mỹ-Mexico tại San Diego, California, Mỹ ngày 17/11/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hàng rào ngăn cách biên giới Mỹ-Mexico tại San Diego, California, Mỹ ngày 17/11/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Truyền cảm hứng qua những dòng thư

Cô Diệp cẩn thận từng chữ trong tin nhắn trả lời để hướng dẫn học sinh, bởi cô biết, ở đầu số điện thoại bên kia, học trò nhỏ của mình đang say sưa với những ý tưởng và thao thức chờ đợi sự góp ý.

Giữa tháng Mười năm nay, bức thư của Nguyễn Thị Bạch Dương, học sinh lớp 8, trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đã mang về vinh dự cho Việt Nam khi đoạt giải ba cuộc thi Viết thư UPU quốc tế lần thứ 47.

“Biết tin được giải, em đã khóc vì hạnh phúc, vì sự nỗ lực cố gắng của em đã được đền đáp,” Bạch Dương xúc động nói.

“Dương không phải là một học sinh giỏi văn nhất trường, nhưng em xứng đáng đoạt giải bởi em đã nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bức thư,” cô Quỳnh Diệp chia sẻ.

Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 được phát động tại Việt Nam từ tháng 10/2017. Cuộc thi có đề tài: “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc lá thư ấy?”

Tháng 11/2017, khi cô giáo chủ nhiệm, cũng là cô giáo dạy văn Trần Thị Quỳnh Diệp phổ biến về chủ đề cuộc thi, Bạch Dương đã rất hào hứng. Sự hào hứng ấy càng tăng lên gấp bội khi cô Diệp mở cho cả lớp xem hình ảnh tại Lễ trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, em Nguyễn Thị Thu Trang, cũng là học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, Hải Dương, đọc lại toàn văn bức thư mà Trang đã đoạt giải nhất cuộc thi. Phía dưới hàng ghế đại biểu, những đôi mắt rưng rưng xúc động, nhiều người đã bật khóc.

“Lúc đó, em cảm thấy có một cảm xúc rất lạ, đó vừa là sự xúc động, vừa là niềm tự hào, vừa là sự tự tin, vừa là khát khao có thể đạt giải, dù là không phải giải cao nhất như chị Trang. Và em bắt đầu không ngừng nghĩ ý tưởng cho bức thư của mình,” Dương chia sẻ.

Dương bảo, ban đầu, em có rất nhiều ý tưởng. Đó là vấn đề bạo lực gia đình, về trẻ em, về những bất công, về tình yêu thương… Những ý tưởng luôn thường trực và đầy trăn trở trong từng bước đi, từng suy nghĩ của cô gái nhỏ, để rồi khi bất ngờ nghe tiếng chuông ngân lên từ nhà thờ cạnh nhà, Dương đã nghĩ ngay đến hình ảnh ông già Noel. Em lập tức lên internet tìm hiểu tất cả các thông tin về hình tượng này.

“Mắt em sáng lên khi bắt gặp thông tin về bức thư của biên tập Francis P.Church viết năm 1897 trả lời câu hỏi “Ông già Noel có thật không” của một bé gái ở New York tên là Virginia O’Hanlon. Sau 120 năm, bức thư ấy vẫn được đăng tải lại, được mọi người nhớ đến mỗi dịp Giáng sinh. Đó là một bức thư xuyên thời gian có thật, đúng với chủ đề của cuộc thi. Và với hình tượng ông già Noel thì em có thể lồng ghép tất cả những ý tưởng trên của mình,” Dương xúc động kể.

Cô Diệp cũng vô cùng bất ngờ khi nghe Dương kể về bức thư của Francis P. Church. Sau bất ngờ là niềm vui vỡ òa vì cô biết Dương đã tìm được một hạt vàng để phát triển. Trong khi đa số các bạn khác đều đặt một bức thư tưởng tượng thì em đã tìm được một chiếc đinh rất chắc chắn để neo vào, một bức thư có thật, và là một bức thư nổi tiếng thế giới. Vấn đề tiếp theo là viết như thế nào?

Dương tìm hiểu kỹ về thể lệ cuộc thi, tham khảo những bài viết UPU đã đoạt giải trước đó, đọc báo, xem tivi để tìm hiểu thêm về những vấn đề nóng đang diễn ra trên thế giới. Tất cả những điều đó đã làm chất liệu chân thực cho bức thư, cho Dương thêm những suy nghĩ, trở trăn về cuộc sống khi thấy còn rất nhiều trẻ em trên thế giới đang phải chịu thiệt thòi. Đó là hình ảnh những em bé đói khát trong trại tỵ nạn, trong khói bom chiến tranh, với những ước mơ nhỏ nhoi đến nhói lòng…

“Cứ viết hết, viết tất cả những gì em nghĩ, tất cả những ý tưởng,” cô Diệp động viên học trò.

Bức thư đầu tiên của Dương dài tới hơn 2.000 chữ, gấp đôi so với quy định không quá 1.000 chữ của ban tổ chức. Cô học trò nhỏ ngồi vò đầu bứt tai, không biết phải bỏ ý nào, gọt chữ ra sao? Dương bảo, đó thực sự là một việc rất khó khăn. Em phải gạch lại từng ý, xem phần nào có thể gộp với nhau, gạch từng chữ, xem chữ nào có thể cắt bớt. Từng câu từ được nâng lên đặt xuống, sắp xếp bố cục sao cho chặt chẽ và liền mạch, dùng từ sao cho “đắt” và cô đọng.

Dương cứ viết, nhờ cô giáo góp ý, rồi viết lại, viết lại, và viết lại…

Sau bốn tháng, em mới hoàn thành được bức thư.

“Cũng có khi mệt mỏi, em muốn bỏ cuộc, nhưng em lại nghĩ em chỉ còn duy nhất năm nay để tham gia cuộc thi. Năm sau lên lớp 9, em sẽ phải tập trung ôn thi học sinh giỏi tỉnh và thi vào lớp 10. Vì thế, em lại tự động viên mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa,” Dương chia sẻ.

“Có những hôm cô trò ngồi trao đổi thông trưa đến gần 13 giờ chiều mới về ăn cơm. Có hôm em thao thức đến hai giờ sáng và vội vàng nhắn tin cho cô rằng em vừa nghĩ ra một ý mới. Dương đã viết thư UPU không phải vì hy vọng giải thưởng mà bằng cả sự say mê,” cô Quỳnh Diệp nói.

Dương bảo, thành quả lớn nhất mà em đạt được sau khi tham gia cuộc thi Viết thư UPU không phải chỉ là giải nhất quốc gia, giải ba quốc tế, mà là “em tự thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.”

Việc viết đi viết lại bức thư giúp em rèn luyện việc viết văn tốt hơn, biết diễn đạt cô đọng mà vẫn thể hiện tốt nhất ý tưởng. Em cũng học được bài học về sự nỗ lực hết mình cho mục tiêu mà mình hướng đến.

Và đặc biệt là em biết trân quý hơn cuộc sống khi hiểu được rằng ở ngoài kia còn biết bao em nhỏ có cuộc sống khó khăn, đói khát, thậm chí là cận kề cái chết. Em thấy mình cần mở rộng lòng hơn để cho đi nhiều yêu thương hơn, bao dung hơn, hạnh phúc hơn.

Đó cũng chính là thông điệp nhân văn mà Dương đã gửi gắm trong bức thư dự thi của mình, bức thông điệp vì trẻ em, mang đến cho trẻ em cuộc sống tốt đẹp: “Dù bạn là ai, ở đâu, địa vị sang hèn thế nào, bên cạnh bạn có một đứa trẻ, hãy trở thành ông già Noel của chúng”, hãy yêu thương chăm sóc, mang đến cho trẻ cuộc sống bình yên vì “nếu mọi đứa trẻ đều được nuôi dưỡng trong đủ đầy yêu thương, có tâm hồn trong sáng và hướng thiện thì liệu thế giới này còn có chiến tranh, bạo lực, vô cảm, tham lam, hay bất công?”

Theo cô Trần Thị Quỳnh Diệp, giúp cho học sinh trưởng thành hơn về kỹ năng viết văn, kỹ năng biểu đạt và vun đắp những giá trị nhân văn trong tâm hồn mỗi học sinh cũng là mục tiêu mà trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi hướng đến khi rất chú trọng việc khuyến khích học sinh tham gia cuộc thi Viết thư UPU quốc tế.

Trong khi ở nhiều trường, đây chỉ là một cuộc thi mang tính phong trào, thậm chí đối phó, thì tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Viết thư UPU lại là một chủ trương rất lớn, nằm trong mục tiêu đầu năm học và được tổ chức bài bản từ trường về tổ xã hội, từ tổ xã hội về các giáo viên dạy ngữ văn và từ các giáo viên đến học sinh.

Không yêu cầu học sinh toàn trường tham gia mà chỉ khuyến khích những em thực sự say mê, giáo viên sẽ giúp đỡ các em hết mình khi các em cần góp ý. Mỗi bức thư là một sự kỳ công rất lớn của cả cô và trò.

Cô Diệp bảo, có hai điều cô luôn tâm đắc khi hướng dẫn học sinh viết thư UPU.

Thứ nhất là rèn cho học sinh khả năng viết văn. Khi các em phải viết đi viết lại là khi rèn văn mạnh mẽ nhất, biết viết ngắn gọn, cô đọng, xúc động, chắt lọc ý và từ ngữ.

Thứ hai là rèn cho các em biết quan sát cuộc sống xung quanh, biết thể hiện cảm xúc, bày tỏ quan điểm cá nhân, biết sống yêu thương và nhân văn, biết mở rộng trái tim mình, biết nghĩ cho mọi người và sống cho mọi người, sống có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội, biết đam mê và phấn đấu hết mình cho mục tiêu mình đặt ra.

“Sau mỗi lần tham gia cuộc thi, các em đều trưởng thành hơn rất nhiều. Chỉ là giải phong trào và trong ngành giáo dục, thành tích cuộc thi thậm chí không được đánh giá bằng một cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhưng chúng tôi vẫn say mê vì trường hướng đến những mục tiêu khác cho học trò,” cô Diệp nói.

Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 năm 2018 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức với đề tài: “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc lá thư ấy?”

Ở một nơi nào đó đêm Noel năm 2017,

“Jingle bells, Jingle bells, Jingle all the ways!”

Khúc nhạc giáng sinh rộn ràng vang lên và tôi ở đây viết bức thư này cho bạn.

Tôi xin giới thiệu tôi là bức thư mà biên tập viên Francis Pharcellus, tờ báo The Sun ở Mỹ viết trả lời cô bé Virginia O’Halon cho câu hỏi “Ông già Noel có thực không?”, “… Chưa ai từng nhìn thấy ông già Noel cả. Nhưng điều đó cũng chẳng nói lên rằng Santa Claus không có thật. Ông già Noel tồn tại để chắc chắn tình yêu và lòng nhân ái có tồn tại. Dù 10 năm, 100 năm hay 10 ngàn năm Santa Claus vẫn là một phép màu của Lễ Giáng sinh…”.

Bạn nhớ ra tôi rồi chứ? Từ năm 1897, trải qua hàng thế kỷ, tôi vẫn sống trong những trang sách, báo, tem thư, tranh ảnh và trong tình yêu thương rộng lớn của con người. Mỗi mùa Giáng sinh, tờ The Sun lại trang trọng đưa tôi lên trang nhất. Bởi thế, chẳng cần đôi cánh thần kỳ, tôi vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống, được du hành xuyên không gian và thời gian.

Bạn biết không? Có những ước mơ xúc động thế này: “… Mẹ nói bố đang làm ở thiên đường chỗ ông già Noel. Cháu xin ông cho bố cháu nghỉ làm để đi coi sở thú”, “Cháu chỉ ước một ngày không bị cười nhạo… vì liệt não và có đôi chân cà nhắc”, “Cháu thích búp bê nhưng ông hãy cho cháu một quả bóng để hai chị em cháu có thể chơi chung vì chúng cháu chưa bao giờ có đồ chơi”…

Có những đứa trẻ không biết chữ và khi được biết về ông già Noel đã gửi gắm: “Ông cho cháu biết mẹ cháu là ai, gia đình cháu ở đâu, cháu muốn về nhà, muốn được đi học…” Lại cũng có những đứa trẻ bên hàng rào thép gai ở trại tị nạn viết rằng: “Xin ông sáng mai hãy cho chúng cháu một ổ bánh mỳ kẹp thị nướng, đã bảy tháng cháu không biết mùi thị nướng và ngày nào cũng nhặt vụn bánh mỳ lẫn trên đất.” Hay đứa trẻ ngồi thất thần trên đống đổ nát khi tận mắt chứng kiến cái chết của người thân, ao ước trong tuyệt vọng: “Ông già Noel, nếu ông có thật thì hãy dừng ngay chiến tranh và quét sạch máu trên quê hương của cháu…”

Thế đấy, đói khát, khổ đau, mất mát, trẻ em vẫn không thôi mơ ước. Ước mơ của trẻ em nói với ta về thế giới tâm hồn trong như pha lê về cuộc sống còn bao thiếu thốn, khổ đau. Những mơ ước ấy của bất cứ đứa trẻ nào cũng cao đẹp, đáng trân trọng như nhau. Và ông già Noel là phép màu giúp chúng thực hiện những ước mơ mà người lớn không làm được. Đó cũng là chỗ bấu víu của những đứa trẻ bất hạnh. Xin đừng tước đi của chúng!.

Còn nếu như một ngày nào đó những đứa trẻ phát hiện ra chẳng có ông già Noel với phép màu nào cả, đó là ba mẹ, là chú nhân viên bưu điện… Không sao! Đó là một cơ hội khác cho tình yêu thương! Mẹ, ba, chú nhân viên… đúng là người đã mặc bộ quần áo đỏ, đeo râu trắng, là người đã đặt những món quà bên lò sưởi. Lạ thay, ông già Noel gần gũi và bình dị vô cùng! Là ta khi chìa tay cho một cô bé bán vé số trong đêm giáng sinh, là cậu bạn cùng lớp mang đến cho người bạn của mình một chiếc ô tô đồ chơi với lý do: “Nhà bạn không có ống khói ông già Noel không chui vào được”. Một em bé tiết kiệm tiền làm ngôi nhà cho người vô gia cư, một bạn nhỏ nuôi tóc dài trong 2 năm để giúp đỡ các bệnh nhi ung thư, các tổ chức lãnh đạo, hàng ngàn người thiện nguyện vì trẻ nhỏ… Đó chẳng phải là những ông già Noel có thực trong cuộc đời này sao? Ai có được con trẻ tin tưởng gửi gắm những ước mơ mang đến cho trẻ niềm vui, ai yêu thương trẻ,… thì đó là những ông già Noel của chúng rồi!

Thế nhưng, trái đất này rộng lớn, tình yêu thương lòng nhân ái dù có bao nhiêu vẫn chưa thể lấp đầy. Ai sẽ là những ông già Noel của những đứa trẻ lang thang, thất học, đói rét, ông nhau co ro nơi góc phố? Ai sẽ mang đến phép màu cho những đứa trẻ bơ vơ, hoảng loạn khi nhà cửa bị cuốn trôi sau cơn bão? Bao đứa trẻ vô tội không có tuổi thơ và cũng không biết tương lai sẽ ra sao khi chung quanh chỉ toàn bom đạn, mất mát và những cuộc trốn chạy khỏi quê hương… Liệu bao giờ chúng thực sự có một lễ Giáng sinh?

Và giờ thì bạn thấy đấy, dù bạn là ai, ở đâu, địa vị sang hèn thế nào, bên cạnh bạn có một đứa trẻ, hãy trở thành ông già Noel của chúng!

Bạn à, tương lai của nhân loại nằm trong tay những người mà giờ đang là đứa trẻ. Một vĩ nhân, một CEO danh tiếng, một chính trị gia quyền lực, thậm chí một trùm khủng bố, một người vô danh, hay một nhân vật nắm trong tay vận mệnh của nhân loại thì cũng từng là đứa trẻ thôi. Nếu mọi đứa trẻ đều được nuôi dưỡng trong đủ đầy yêu thương, có tâm hồn trong sáng và hướng thiện thì liệu thế giới này còn có chiến tranh, bạo lực, vô cảm, tham lam, hay bất công?

Thân ái!

Bức thư đến từ thế kỷ 19

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”

Nấc thang căng thẳng mới

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga ngày 25/11.

Vụ việc có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự quy mô lớn này được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen, mà sâu xa hơn là cuộc đối đầu âm ỉ giữa Nga với phương Tây liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Nga và Ukraine đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch, không để 2 tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển Kerch để vào Biển Azov.

Vụ việc không chỉ đơn thuần là căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen, mà sâu xa hơn là cuộc đối đầu âm ỉ giữa Nga với phương Tây

Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là “hành động có chủ định” của phía Nga.

Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nêu rõ 3 con tàu của Ukraine đã không phản hồi những yêu cầu hợp pháp của giới chức Nga, xâm phạm biên giới Nga để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải Nga. Phía Nga đánh giá đây là hành động khiêu khích.

Vụ việc đang khiến tình hình trong khu vực nóng lên từng giờ. Tại Ukraine, chiều 26/11 (tối cùng ngày giờ Việt Nam), Quốc hội nước này nhóm họp bất thường để xem xét quyết định áp đặt tình trạng chiến tranh trên toàn quốc trong 60 ngày, theo đề nghị của Tổng thống Petro Poroshenko.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng hành động của Moskva đe dọa an ninh các nước khu vực Biển Đen, do vậy cần có sự phản ứng rõ ràng từ phía cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng nước này Pavel Klimkin kêu gọi các đồng minh phương Tây “không hạn chế các tuyên bố liên quan vụ việc” và gia tăng sức ép với Nga.

Vụ việc đang khiến tình hình trong khu vực nóng lên từng giờ.

Lực lượng Hải quân Ukraine được đặt trong tình trạng báo động, trong khi toàn bộ quân đội Ukraine cũng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Về phần mình, Moskva đã triệu đại biện lâm thời Ukraine tại Nga để khiếu nại về vụ việc trên, sau khi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp. Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Pyotr Tolstoy cảnh báo giới chức Ukraine đang khơi mào cho một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, đồng thời tuyên bố Moskva sẽ không cho phép để xảy ra những hành động khiêu khích quân sự trong lãnh hải của mình.

Những diễn biến trên được xem là bước gia tăng đối đầu trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine, có nguy cơ đẩy hai nước tới bờ vực của cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành một cuộc họp khẩn vào 11 giờ ngày 26/11 (tức 23 giờ cùng ngày – giờ Việt Nam) theo đề nghị của cả Nga và Ukraine để thảo luận về vụ việc.

Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) về căng thẳng Nga-Ukraine ở eo biển Kerch, ngày 26/11/2018. (Nguồn: THX/TTXVN).
Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) về căng thẳng Nga-Ukraine ở eo biển Kerch, ngày 26/11/2018. (Nguồn: THX/TTXVN).

Trong khi đó, một số đồng minh của Ukraine đã nhanh chóng lên tiếng nhằm xoa dịu những căng thẳng mới nhất này. Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế tối đa nhằm giảm leo thang.

Trên thực tế căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan tới biển Azov bùng phát từ đầu năm nay sau một loạt vụ hai bên bắt giữ các tàu của nhau, đỉnh điểm là vụ Hải quân Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord của Nga cuối tháng 3 cùng 10 công dân Nga, hay tàu chở dầu Mechanic Pogodin hồi tháng 8. Đáp lại, Nga siết chặt việc kiểm tra các tàu nước ngoài qua eo biển Kerch, trong đó nhiều tàu thương mại của Ukraine cũng bị giữ.

Trên thực tế căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên quan tới biển Azov bùng phát từ đầu năm nay sau một loạt vụ hai bên bắt giữ các tàu của nhau.

Tháng 12/2003, hai nước đã ký hiệp định về hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, xác định đây là vùng nội thủy của hai nước, do đó các tàu thương mại, tàu chiến, cùng các loại tàu thuyền khác của Liên bang Nga hoặc Ukraine đều được hưởng quyền tự do hàng hải tại đây. Hiệp định cũng khẳng định mọi tranh cãi liên quan phải được giải quyết bằng đàm phán và thương lượng, cũng như các giải pháp hòa bình khác giữa hai nước.

Tuy nhiên, sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 với việc Crimea được sáp nhập vào Nga, các nghị sỹ Quốc hội Ukraine đã nhiều lần đề xuất hủy bỏ hiệp định này.

Ukraine cũng từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Azov, gia tăng số tàu hải quân và lực lượng tuần tra trên biển, triển khai thêm các lực lượng trên không, trên bộ, trên biển và pháo binh tới khu vực nhằm hiện thực hóa kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân tại đây trong năm 2018, kế hoạch vốn được đẩy mạnh sau khi Nga khánh thành một cây cầu bắc qua eo biển Kerch giữa Biển Đen và biển Azov, kết nối miền Nam nước Nga với bán đảo Crimea.

Tàu quân sự Ukraine bị lực lượng biên phòng trực thuộc FSB bắt giữ tại cảng Kerch ngày 26/11/2018.(Nguồn: AFP/TTXVN).
Tàu quân sự Ukraine bị lực lượng biên phòng trực thuộc FSB bắt giữ tại cảng Kerch ngày 26/11/2018.(Nguồn: AFP/TTXVN).

Chỉ trong tháng 9 vừa qua, Ukraine đã bổ sung 2 tàu chiến cho đội tàu trên biển Azov, quyết định phiên chế 2 tàu tuần tra lớp Island trang bị vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp tới đây và đóng cửa một số khu vực của biển Azov để bắn pháo.

Cùng với việc tiến hành các cuộc tập trận và lên kế hoạch tập trận với NATO tại biển Azov, Tổng thống Ukraine tuyên bố nước này sẽ chế tạo, sản xuất cũng như mua tên lửa có độ chính xác cao cùng nhiều vũ khí hiện đại để trang bị cho lực lượng hải quân được triển khai tại biển Azov.

Những động thái này được Ukraine tuyên bố là nhằm tăng cường an ninh quốc gia, song bị phía Nga coi là hành động khiêu khích với ý đồ “quân sự hóa” biển Azov, và đã triển khai thêm tàu cùng lực lượng tới khu vực này.

Có ý kiến cho rằng sự việc này như một tính toán của Tổng thống Ukraine Poroshenko nhằm gia tăng uy tín của mình trước kỳ bầu cử vào năm 2019.

Nhiều ngày trước, báo giới đã lưu ý rằng Ukraine sẽ có những động thái mang tính “gây hấn” trên biển Azov nhằm khởi động một cuộc chiến với Nga.

Có ý kiến cho rằng sự việc này như một tính toán của Tổng thống Ukraine Poroshenko nhằm gia tăng uy tín của mình trước kỳ bầu cử vào năm 2019, thậm chí có thể là hành động “gây nhiễu” trước cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo Nga và Mỹ tại Argentina cuối tháng 11.

Dù với mục đích gì thì biển Azov đã trở thành một điểm nóng mới trong quan hệ Nga và Ukraine, không chỉ khiến căng thẳng giữa hai nước càng khó hóa giải mà sẽ càng đẩy mối bất hòa giữa Nga và phương Tây đi xa và trầm trọng hơn, khi Ukraine đã nhiều lần đề xuất NATO và EU “can thiệp” vào vấn đề này, dù trên thực tế cả hai tổ chức nói chung không có bất cứ mối liên hệ nào đến biển Azov, vùng biển nội bộ giữa hai nước Nga và Ukraine.

Việc Nga và Ukraine kiềm chế và tuân thủ các điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hiệp định năm 2003 là điều cần thiết lúc này./.

Cuộc ‘ly dị” Anh-EU

Ngày 25/11, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã ký thỏa thuận lịch sử dài gần 600 trang để nước Anh rút khỏi EU (gọi là Brexit) với các điều kiện chi tiết của “cuộc ly dị,” cùng với một tuyên bố chính trị về quan hệ tương lai Anh-EU và một số phụ lục về vấn đề chủ quyền Gibraltar, đánh bắt cá cũng như là chống bán phá giá.

Văn bản thỏa thuận, là kết quả cuộc đàm phán 17 tháng ròng căng thẳng EU và Anh, sẽ được chuyển cho Quốc hội Anh và sau đó là Nghị viện châu Âu để phê chuẩn trước khi có hiệu lực ngày 29/3/2019, thời điểm nước Anh chính thức “dứt áo ra đi.”

Văn bản thỏa thuận Brexit là kết quả cuộc đàm phán 17 tháng ròng căng thẳng EU và Anh.

Hội nghị thượng đỉnh EU bất thường về Brexit diễn ra chớp nhoáng trong một buổi sáng 25/11, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng.

27 nước EU hẳn hài lòng khi đạt một thỏa thuận bảo toàn được lợi ích và tôn trọng các “ranh giới đỏ” như sự toàn vẹn của thị trường nội địa, quyền của các kiều dân, sự tôn trọng các cam kết tài chính từ phía Anh và tránh được một đường biên giới cứng tại đảo Ireland.

Thỏa thuận cho phép EU giảm thiểu được ảnh hưởng do Brexit gây ra cho các quốc gia thành viên, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của công dân EU. Với tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, nhấn mạnh thỏa thuận đạt được là “điều duy nhất có thể,” các nhà lãnh đạo EU đã chuyển một thông điệp không thể rõ ràng hơn cho những người vẫn còn gièm pha thỏa thuận tại Anh cũng như ảo tưởng về việc đàm phán một thỏa thuận khác.

Thủ tướng Anh Theresa May gần như đã “đặt cược” cả tương lai chính trị của mình khi nỗ lực kêu gọi nội các Anh thông qua, cũng như người dân Anh ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận Brexit. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Thủ tướng Anh Theresa May gần như đã “đặt cược” cả tương lai chính trị của mình khi nỗ lực kêu gọi nội các Anh thông qua, cũng như người dân Anh ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận Brexit. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Về phần nước Anh, có thể nói Thủ tướng Anh Theresa May gần như đã “đặt cược” cả tương lai chính trị của mình khi nỗ lực kêu gọi nội các Anh thông qua, cũng như người dân Anh ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận Brexit này, xem đây là một quyết định mang lại những lợi ích tốt nhất cho đất nước. Thủ tướng Anh nhiều lần khẳng định thỏa thuận sơ bộ đạt được với EU ngày 13/11 là “điều tốt nhất và duy nhất có thể.”

Thực tế thì nữ Thủ tướng Anh đã không còn đường lùi bởi thời hạn Anh rời EU vào ngày 29/3/2019 đã tới quá gần. Trong bối cảnh nước Anh chia rẽ sâu sắc về Brexit, việc không đạt được thỏa thuận chia tay với EU chẳng khác nào một “ngón đòn hiểm,” một mặt gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Anh, vốn nằm trong số 3 đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm 13% thương mại hàng hóa và dịch vụ của khối, mặt khác làm xói mòn nghiêm trọng uy tín chính trị của bà May.

Kết luận của Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo 27 nước EU ngày 25/11 ghi rõ EU muốn thiết lập mối quan hệ hậu Brexit gần gũi nhất có thể với nước Anh.

Để đi tới thỏa thuận này, Thủ tướng May đã phải nhượng bộ không ít trong các cuộc thương lượng với EU, hứng chịu khá nhiều “búa rìu” chỉ trích, bản thân nội các do bà đứng đầu cũng bị sứt mẻ khi hàng loạt bộ trưởng từ chức để phản đối chính sách Brexit của bà May.

Kết luận của Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo 27 nước EU ngày 25/11 ghi rõ EU muốn thiết lập mối quan hệ hậu Brexit gần gũi nhất có thể với nước Anh.

Trưởng đoàn đàm phán EU, Michel Barnier nhấn mạnh hai bên vẫn sẽ là “đồng minh, đối tác và bạn bè.” Tuy nhiên, bên cạnh hài lòng về kết quả đạt được, các nhà lãnh đạo EU cũng bày tỏ tâm trạng hối tiếc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đều chỉ rõ đây là khoảnh khắc đáng buồn và sự kiện này là “một bi kịch,” tương tự như những gì giới chức EU đã nói vào ngày 24/6/2016, khi cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý đã lựa chọn rời khỏi mái nhà chung EU, hay ngày 29/3/2017, khi nước Anh chính thức kích hoạt “cuộc chia tay” không thể đảo ngược giữa hai bên.

Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 25/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 25/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Về mặt nào đó, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này cũng giúp Thủ tướng Anh trong nhiệm vụ nặng nề đang đợi bà phía trước, đó là việc thuyết phục Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận vào giữa tháng 12 tới, trong khi còn xa mới được như sự hứa hẹn ban đầu của những người ủng hộ Brexit là “giành lại quyền kiểm soát” cho nước Anh.

Có vẻ những tuyên bố và hành động của giới lãnh đạo EU là ngầm biểu đạt một tuyên ngôn: “Đây là thời điểm để tất cả mọi người có trách nhiệm,” mà ở đây “quả bóng trách nhiệm” đã được chuyền cho Quốc hội Anh, nơi chắc chắn là cửa ải khó khăn nhất của Thủ tướng May và thỏa thuận Brexit.

Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận vào giữa tháng 12 tới, và căn cứ tình hình chính trị tại Anh hiện nay thì kết quả của cuộc bỏ phiếu này vẫn còn là một ẩn số khó lường, số phận của thỏa thuận vẫn còn rất bấp bênh.

“Quả bóng trách nhiệm” đã được chuyền cho Quốc hội Anh, nơi chắc chắn là cửa ải khó khăn nhất của Thủ tướng May và thỏa thuận Brexit. 

Trong trường hợp thỏa thuận được phê chuẩn thì sau ngày 29/3/2019, Anh rời khỏi EU, nhưng trên thực tế nước này vẫn tiếp tục tham gia vào thị trường chung, tự do đi lại, đóng góp ngân sách nhưng không tham dự ra quyết định. Lúc này Anh và EU bắt đầu đàm phán về mối quan hệ tương lai.

Dù các nhà lãnh đạo EU và Chính phủ Anh đã đạt được một thỏa thuận về việc ra đi có trật tự, nhưng bóng đen của một Brexit “cứng” vẫn luôn hiện hữu.

Lãnh đạo 27 nước EU lo ngại kịch bản đầu năm 2016 có thể lặp lại, lúc đó dù EU đã nhượng bộ nhiều trước chính phủ của cựu Thủ tướng David Cameron với hy vọng người dân Anh sẽ lựa chọn ở lại, song đa số cử tri nước này đã bỏ phiếu chọn Brexit.

Trong trường hợp Quốc hội Anh từ chối thỏa thuận, tùy theo tiến triển của tình hình, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ sẵn sàng tại bất cứ thời điểm nào để công bố kế hoạch về các biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, không một quan chức nào của EU đề cập đến vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh bất thường vừa diễn ra.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (giữa) và Thủ tướng Anh Theresa May (trái) tại Brussels, Bỉ ngày 24/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (giữa) và Thủ tướng Anh Theresa May (trái) tại Brussels, Bỉ ngày 24/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trường hợp sau đêm định mệnh 29/3/2019 mà vẫn không có thỏa thuận, Anh sẽ trở thành một nước thứ 3 đối với EU và luật pháp EU sẽ ngừng áp dụng tại Anh. Công dân EU sống ở Anh không được hưởng các quyền lợi như trước. Thương mại giữa Anh và EU sẽ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới.

Một loạt tác động xấu sẽ xảy ra như các hãng hàng không Anh sẽ không thể hạ và cất cánh trong không gian EU; bằng cấp và chứng chỉ nghề nghiệp của Anh không được công nhận tại EU; người tiêu dùng đột ngột mất quyền chuyển vùng điện thoại miễn phí tại Anh; các dự án được Quỹ châu Âu tài trợ sẽ lập tức bị ảnh hưởng…

Trường hợp sau đêm định mệnh 29/3/2019 mà vẫn không có thỏa thuận, Anh sẽ trở thành một nước thứ 3 đối với EU và luật pháp EU sẽ ngừng áp dụng tại Anh.

Nếu tình huống rối loạn đó xảy ra, mỗi bên sẽ đưa ra các biện pháp ứng phó của mình riêng mình. EU dự kiến sẽ thông qua một loạt quy định để giảm thiểu những xáo trộn ghê gớm trong các lĩnh vực thiết yếu như vận chuyển hàng không, tài chính, hải quan hay giao thông đường bộ. Song song với đó, mỗi nước thành viên cũng đưa ra những biện pháp riêng để ngăn ngừa các ảnh hưởng bất lợi với nước mình.

Phía Anh chưa công bố kế hoạch nào cho khả năng này, nhưng các biện pháp khẩn cấp chắc chắn sẽ được đưa ra để giảm thiểu các nguy cơ trầm trọng như giá đồng bảng sụt giảm hay thực phẩm, thuốc men khan hiếm tăng giá.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn (trong ảnh) cho rằng văn kiện này nói lên sự thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng May trong suốt 2 năm đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn (trong ảnh) cho rằng văn kiện này nói lên sự thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng May trong suốt 2 năm đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuyên bố của lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn về thỏa thuận Brexit sơ bộ, gọi đây là “một bước nhảy vào bóng tối,” đã báo hiệu về tính cam go của “cuộc đấu” sắp tới tại Quốc hội khi thỏa thuận được đưa ra xem xét.

Bản thân đảng Bảo thủ của bà May cũng chia rẽ sâu sắc, trong khi liên minh của đảng này là đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland (DUP) đã tuyên bố sẽ không ủng hộ thỏa thuận.

Số phận của thỏa thuận sơ bộ cũng như tương lai mối quan hệ Anh-EU cho tới nay vẫn chưa thể ngã ngũ. Và dù gì đi chăng nữa, trong trường hợp Anh ra đi mà không có thỏa thuận, các cuộc đàm phán giữa EU và Anh sẽ phải được khởi động để hai bên cố gắng cùng nhau giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất./.

Điều ngọt ngào nhất của In The Spotlight

1. “Ngọt In The Spotlight” không phải là show hay nhất của Tâm điểm Âm nhạc trong suốt hành trình 7 năm qua với khoảng 12 số nhưng chắc chắn sẽ là điều ngọt ngào nhất. Ngọt ngào bởi tinh thần âm nhạc. Ngọt ngào bởi những con người cùng chơi nhạc. Ngọt ngào bởi sự cởi mở, nâng cánh cho tương lai âm nhạc.

Mở đầu cho chuỗi In The Spotlight Contemporary (đương đại), Ngọt đã chứng minh họ chính là lựa chọn khai cuộc chính xác của nhà sản xuất. Ngọt cũng chứng minh luôn rằng, chỉ những ai kiên nhẫn đi với họ đến cuối chặng sẽ được nếm trọn vị ngọt đậm đầy và chất lừ từ bốn chàng trai 9x.

Trên sân khấu Tâm điểm âm nhạc, được chơi với bản phối mới cùng dàn kèn, dây và phần bè theo phong cách big band – thế mạnh của giám đốc âm nhạc Hồng Kiên đã tiếp thêm hưng phấn để Thắng làm chủ cuộc chơi, càng hát càng sung, lội ngược dòng về cuối dữ dội như cá hồi vượt thác.

Nói như thế là bởi gần nửa đầu show diễn Ngọt bị nhạt. Cách sắp xếp một chặp 5-6 bài hát na ná những giai điệu bắt tai, chủ đề loanh quanh những ưu tư, xao động của người trẻ ở ngưỡng trưởng thành như “Không làm gì,” “Be cool,” “Cho tôi theo,” “Vì ai,” “Cho”… nhưng qua giọng hát bị mờ, không rõ lời của Thắng (trưởng nhóm, sáng tác, hát chính, chơi guitar) cộng với âm thanh lúc này không thật hiệu quả, khiến người nghe nếu không phải là “kẹo” (fan của Ngọt) bị oải.

Ngọt đã chứng minh mình là lựa chọn đúng của nhà sản xuất.
Ngọt đã chứng minh mình là lựa chọn đúng của nhà sản xuất.

Người viết từng hỏi giám đốc âm nhạc Hồng Kiên về lý do lựa chọn Ngọt trở thành Tâm điểm Âm nhạc, anh nói: “Nhạc của Ngọt thú vị ở chỗ bắt tai nhưng thông điệp rất kỹ về cuộc sống. Quan trọng là nó khác âm nhạc của bản thân tôi, thời của tôi. Nghe Ngọt, tôi thấy mình được cập nhật. Mọi người cứ hỏi, tôi sẽ làm mới Ngọt như thế nào? Làm sao có thể làm mới hơn một thứ đang rất mới? Hay khác vị một thứ đã có vị rồi? Vì vậy, chúng tôi sẽ cùng chơi nhạc với nhau, không áp chế, không thay đổi, không làm mới. Tâm điểm là Ngọt, là thứ âm nhạc của tương lai, là sự nới rộng về thể loại.”

Trên sân khấu In The Spotlight được thiết kế mở, không phông hậu, ánh sáng chơi tối giản nhưng lần lượt chuyển tông xanh, đỏ, tím, vàng bắt mắt như những viên kẹo đã làm nền để Ngọt trở thành tâm điểm. Phía sau Ngọt là dàn nhạc hùng hậu của In The Spotlight, được cầm trịch bởi “hai lão đại” Hồng Kiên và Đức Trí. Cứ thế, suốt hai giờ, phía trước, bốn chàng trai của Ngọt thỏa thuê đàn hát, phía sau là biết bao loa kèn, cầm thủ… dõi theo trìu mến. Họ đã cùng chơi nhạc hân hoan. Khán giả chốc chốc lại ồ lên biến không khí Cung Việt Xô bình thường nghiêm ngắn trở nên náo nhiệt như ngoài sân vận động.

Ngọt đã mở màn đầy Ngọt ngào đến với Tâm điểm âm nhạc.
Ngọt đã mở màn đầy Ngọt ngào đến với Tâm điểm âm nhạc.

Chính xác là từ hòa tấu “Em dạo này” được nhạc sỹ Hồng Kiên phối khí lại cho dàn nhạc chơi, đêm nhạc bắt đầu hay và âm nhạc của Ngọt cũng đậm dần. Khoảnh khắc đó, khi nhìn chếch ra mé cánh gà nơi bốn chàng trai của Ngọt đứng thưởng thức như khán giả, người viết tự hỏi không biết cảm xúc của họ, đặc biệt là Thắng đang cảm thấy thế nào? Có bất ngờ và lặng đi vì xúc động khi thấy đứa con tinh thần của chính mình được nâng tầm và biến hóa tài tình đến thế? Phía dưới, nhất là fan của Ngọt có vẻ rất phấn khích và tự hào. Tất cả reo hò khi những giai điệu quen thuộc vừa cất lên, cứ thế hưởng ứng nhiệt thành đến khi nốt nhạc cuối kết thúc.

“Nhạc của Ngọt thú vị ở chỗ bắt tai nhưng thông điệp rất kỹ về cuộc sống. Nghe Ngọt, tôi thấy mình được cập nhật. Mọi người cứ hỏi, tôi sẽ làm mới Ngọt như thế nào? Làm sao có thể làm mới hơn một thứ đang rất mới? Vì vậy, chúng tôi sẽ cùng chơi nhạc với nhau, không áp chế, không thay đổi, không làm mới.” (Nhạc sỹ Hồng Kiên) 

Bắt đầu từ đây, âm nhạc của Ngọt trở nên nhiều sắc thái, lớp lang, từ à ơi đồng dao đến du ca lãng đãng. Ca từ của Thắng cũng nhiều ưu tư hơn, chất chứa, mênh mang và sâu lắng hơn.

Gần về cuối, từ “Quan điểm” Ngọt độc diễn chất lừ. Trên sân khấu In The Spotlight, Ngọt trở nên đậm đặc với chùm sáng tác “nặng đô” nhất của Thắng với màu sắc kịch tính của những giằng xé, triết lý tăm tối “Kẻ thù,” “Drama Qeen,” “Bartender.” Đây cũng là những sáng tác hay nhất, bứt phá nhất của Thắng trong album thứ hai.

Nếu có điều gì không ổn ở đêm nhạc này,thì đó là màn đập đàn có vẻ gây hấn trên sân khấu của tay guitar Trần Thắng từ ban nhạc Ngũ Cung chơi cùng với Ngọt ở ca khúc “Drama Queen” khiến nhiều khán giả cảm thấy khó hiểu và giật mình.

Bù lại, sự xuất hiện bất ngờ (ngoài kịch bản) của diva Hà Trần “người mai mối” có công giới thiệu Ngọt với In The Spotlight ra sân khấu song ca với Thắng ca khúc “Cá hồi” vừa là sự ngụ ý của nhà sản xuất để Ngọt có một cái kết tròn đầy mỹ mãn.

Hà Trần song ca “Cá hồi” với thủ lĩnh ban nhạc Ngọt. (Vietnam+)

Khỏi nói, fan của Ngọt đã sung sướng cỡ nào khi lần đầu tiên họ được nghe Ngọt “mặn” đến thế. Không chỉ họ, trên sân khấu Tâm điểm âm nhạc, được chơi với bản phối mới cùng dàn kèn, dây và phần bè theo phong cách big band – thế mạnh của giám đốc âm nhạc Hồng Kiên đã tiếp thêm hưng phấn để Thắng làm chủ cuộc chơi, càng hát càng sung, lội ngược dòng về cuối dữ dội như cá hồi vượt thác. Và không chỉ Thắng, tay trống Nam Anh của Ngọt cũng lập tức trở thành tâm điểm với những màn solo để lại dấu ấn.

Đây không phải lần đầu tiên nhạc sỹ Hồng Kiên mắt đeo kính lão chơi nhạc hứng khởi với người trẻ, cách đây ít lâu anh cũng có màn vừa thổi kèn vừa nhún nhẩy theo vũ đạo cùng bốn nhạc công 9x đến từ Berklee trên sân khấu Mỹ Linh Tour 2018. Để thấy, giữa những người làm nhạc, dù khác nhau màu da, tiếng nói, tuổi tác nhưng nếu đồng cảm và hiểu được tư duy âm nhạc của nhau thì họ sẽ chơi âm nhạc cùng nhau, nể phục nhau, nói tiếng nói của nhau, kích hoạt lẫn nhau và nâng đỡ nhau.

Vũ Đình Trọng Thắng thăng hoa trên sân khấu.
Vũ Đình Trọng Thắng thăng hoa trên sân khấu.

Lại nhớ, trong buổi họp báo giới thiệu chương trình cách đây không lâu, Thắng thú nhận rằng cậu thật sự choáng khi lần đầu tiên gặp, được mắt thấy tai nghe cái cách mà nhạc sỹ Hồng Kiên chơi âm nhạc của Ngọt, hiểu âm nhạc của Ngọt, biến tấu âm nhạc của Ngọt: “Tôi không hiểu làm cách nào mà anh ấy lại có thể nghĩ ra một đoạn nhạc chỉ trong vài giây như thế, tôi rất nể và cứ thế đi theo thôi.”

Cứ thế đi theo, Ngọt trở thành Tâm điểm âm nhạc. Cứ thế, Ngọt đã có bữa tiệc âm nhạc hẳn hoi và tràn trề cảm xúc.

2. Lựa chọn Ngọt trở thành Tâm điểm Âm nhạc cho chuỗi In The Spotlight, khán phòng Cung Hữu nghị Việt Xô tối 24/11 còn nhiều ghế trống. Đó là điều tất yếu khi bài toán cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại của nhà sản xuất vẫn chưa tìm ra lời giải.

Việc mang Ngọt vào Nhà hát như Cung Việt Xô, đầu tư lớp lang bài bản với chi phí sản xuất như các đêm nhạc sao hạng A, rõ ràng giá vé phải lên đến vài triệu. Khi âm nhạc của Ngọt mới chỉ đang dành cho các “kẹo,” tất lẽ chưa đủ thuyết phục lớp khán giả thành đạt chi tiền triệu để mua vé. Ngược lại, khán giả của Ngọt sẽ chỉ đủ tiền mua hạng vé thấp nhất từ 300-500.000 đồng ở tầng hai.

Nhac sỹ Hồng Kiên.
Nhac sỹ Hồng Kiên.

Tại buổi họp báo, nhà sản xuất chia sẻ thêm, để fan Ngọt vẫn có cơ hội gần thần tượng, họ dành 300 suất vé VIP nhưng có giá ưu đãi 300-500.000 đồng và toàn bộ số vé này đã được bán hết chỉ trong hai giờ đồng hồ trên fanpage của chương trình. Đó là lí do vì sao ở tầng một vẫn có lượng khán giả trẻ là fan của Ngọt cổ vũ nhiệt tình.

Thời nào, nỗ lực làm nghệ thuật và âm nhạc tử tế, nâng đỡ nghệ sỹ trẻ, đặc biệt indie như nhà sản xuất In The Spostlight là điều xa xỉ và lãng mạn

Một phân khúc khác nhà sản xuất hướng tới là vé combo gia đình dành cho bố mẹ và fan cùng nhau đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật, theo quan sát của phóng viên khán phòng đêm của Ngọt, số này rất thưa thớt.

Giữa thời buổi bão hòa các show ca nhạc bán vé hiện nay, việc ngày càng xuất hiện nhiều “dấu cộng” phong cách nghệ sỹ và thể loại âm nhạc khiến đời sống âm nhạc có những tín hiệu phát triển sôi động và phong phú.

Hoà tấu “Em dạo này” của Ngọt band. (Vietnam+)

Nhưng thời nào, nỗ lực làm nghệ thuật và âm nhạc tử tế, nâng đỡ nghệ sỹ trẻ, đặc biệt indie [độc lập-pv] như nhà sản xuất In The Spotlight là điều xa xỉ và lãng mạn. Quyết định đưa Ngọt trở thành Tâm điểm âm nhạc mở đầu cho series cho In The Spotlight Contemporary của ê kíp Mỹ Thanh không chỉ cho thấy tình yêu hồn nhiên của họ dành cho âm nhạc, mà còn khiến người ta nể về tinh thần trẻ, độ nhiệt thành và “nghịch ngầm” trong những canh bạc nghệ thuật.

Cánh cửa này đóng lại sẽ có những cánh cửa khác mở ra, đó là quy luật phát triển tất yếu. Tiếp theo Ngọt, ai sẽ là Tâm điểm Âm nhạc tiếp theo của chuỗi In The Spotlight Contemporary? Là ai thì chắc chắn đó tiếp tục là cánh cửa mở thênh thang cho những ẩn số tiềm năng và cả nhiều thách thức. Thách thức cả ê kíp sản xuất và tâm điểm nghệ sỹ để tìm ra tiếng nói chung, tìm khán giả, nâng cánh cho âm nhạc phát triển.

Tay trống Nguyễn Hùng Nam Anh.
Tay trống Nguyễn Hùng Nam Anh.

Ai đã từng biết đến âm nhạc của Ngọt, theo dõi cách sản xuất và phát hành của Ngọt, từng nhìn thấy Thắng và đồng bọn chơi nhạc tự nhiên, tung tăng trên các sân khấu quen thuộc của họ: Nhỏ thì ở quán cà phê vài chục người, lớn hơn ở sân khấu với sức chưa 2.000-3.000 người, sẽ hiểu áp lực của Thắng khi trở thành tâm điểm trong không gian sân khấu Cung Việt Xô với 1.200 ghế. Trở thành tâm điểm của In The Spotlight, có nghĩa, đó là lần ra quân chính thức đầu tiên của Ngọt trên một sân khấu được mặc định là maintream (chủ đạo).

Ngồi dưới nhìn lên sân khấu, ngắm dáng vẻ còm cõi của Thắng căng lên tự tin, chững chạc, ngông nghênh gảy đàn và hát làm chủ tâm điểm, chốc chốc vẫn không quên buông vài câu gọn lỏn hài hước làm khán giả cười ồ, sao mà thấy thương mến và khích lệ bóng dáng của một tài năng.

Điều ngọt ngào nhất ấy gieo một niềm hy vọng về một thế hệ âm nhạc tiếp nối, họ có nhân sinh quan, có tư duy âm nhạc cấp tiến, tươi tắn, tích cực. Tiếng nói ấy khác hoàn toàn với âm nhạc trẻ đương thời đang lên, hay hào quang quá khứ của thế hệ những cây đa cây đề, gạo cội…

Đó có thể là âm nhạc của tương lai như giám đốc âm nhạc Hồng Kiên kỳ vọng hay không, thật lòng tôi không biết. Bởi ngoài tài năng, ngoài những phân nhánh, sứ mệnh lớn nhất của người nghệ sỹ lớn là lan tỏa được âm nhạc của mình đến với số đông, góp phần tác động đến văn hóa đại chúng.

Dẫu sao, hãy cứ tin ở hoa hồng. Ngồi cạnh tôi đến phút cuối trong đêm nhạc của Ngọt là người chị chơi thân đi cùng cô con gái lớn. Chị khăn áo chỉnh tề và quý phái như một quý bà nhưng suốt tối hứng khởi vỗ tay như thuở mới đôi mươi.

Sau đêm nhạc, trên đường về, hòa vào dòng người đổ kín ngõ ngách ăn mừng Việt Nam chiến thắng, ca sỹ Tùng Dương mới tấm tắc “Chúng nó đáng yêu thế! ‘Cụ’ Trần Tiến [nhạc sỹ Trần Tiến-pv] ngồi cạnh tôi khoái nhạc của Ngọt lắm!”/.

Dàn nhạc của In The Spotlight.
Dàn nhạc của In The Spotlight.

Korean Rice Wine Association joins Korea-Vietnam Food Culture Festival

Korean Makgeolli (Korean rice wine) Association will be participating in the ‘10th Korea-Vietnam Food Culture Festival 2018’, scheduled for Nov. 30 to Dec. 2. The institute will establish an independent building to publicize their beverage, expecting increase in exports.

This Korean-Vietnam Food Culture Festival is one of the largest food festivals in Vietnam, joined by both private and public organizations such as Embassy of the Republic of Korea in Vietnam, aT, association of Korean residents in Vietnam, KOPIA and more.

Although the rice wine exports to Vietnam have been increasing over 30% in the last 3 years, it is mainly consumed by Korean residents, which they will unfold active publicizing and marketing toward the locals.

There will also be an event for both embassy guests and VIPs featuring rice wine from famous Korean breweries, to effectively globalize the products.

Korean Rice Wine Association joins Korea-Vietnam Food Culture Festival.
Korean Rice Wine Association joins Korea-Vietnam Food Culture Festival.

“Vietnam has a high consumption in alcoholic beverages with high preference in rice-made drinks, exports last year exceeding over $600,000 from $400,000 of 2015. we are predicting potential demands in Makgeolli with rising exports,” said Bae Hye Jeong, an executive director of the association.

“We planned this year’s event based on active publicizing of Makgeolli to expand its consumption, and we will display samples with new products based on high consumer preferences for future marketing strategies,” she added.

“From this festival we anticipate expansions in exchange through variety of fields, with prolonged friendly relationship in both countries,” the official of the Korean residents in Vietnam said.

Under the slogan ‘LET’S ENJOY FOOD & CULTURE’, there will be variety of events including a special K-Pop performance, introduction of Korean soul food and traditional culture, ‘new menu announcement’ that people from both countries could enjoy, with a pleasing food shop corners.

<한국막걸리협회> Korean Makgeolli Association

공식 페이스북 페이지: https://www.facebook.com/koreanmakgeolliassociation

Official Facebook page:

https://www.facebook.com/koreanmakgeolliassociation

The Korean Makgeolli Association was founded in 2013, under the civil law article 4 of the ‘establishment and supervision by corporation approved by minister of food and agriculture’.

The association has its purpose on helping corporations and groups or individuals related to the culture and industrial promotion of rice wine, achieving industrial improvement and to cultivate a desirable culture of rice wine.

Members are composed by individuals and groups who are approved by the board of directors; current manufacturers, including people who are considered helpful in improving rice wine culture.

As a mainstream activity, they exchange information and establish joint businesses with various communities of the society such as manufacturers, sellers and educational institutions to foster the general foundation.

With the first president of the association – Park Sung Ki at the center, the association maintains a cooperative relation with government organizations to improve regulations, and suggest policies in order to secure the competitiveness of rice wine as a representative Korean alcoholic beverage.

They are also forwarding a movement towards registration of the Makgeolli as a UNESCO World Heritage based on its historicity, sociality and functionality so that the quality standard competes with well-known liquors, such as Sake of Japan, Baijiu of China, Wine of France.

“For the last 10 years, we have seen impressive outcomes including general improvement in quality, increase of variations of Makgeolli, due to differentiations in design, packaging, and usage of local agricultural productions.” Bae Hye Jeung, 3rd president of the Association said.

“Since the size of current domestic rice wine industry is relatively small, there are limits in promotion and marketing,” She said, adding “We expect our participation in the Korea–Vietnam Food&Culture Festival as an opportunity to promote exports and globalize Makgeolli.”

< 서울장수주식회사 > Seoul Jangsoo. CO.,Ltd

Home Page: http://www.koreawine.co.kr/english/index.php

Seoul Jangsoo Corp. is the largest Makgeolli brewery in Korea, manufacturing various lineups of the company’s rice wines. Their product has been selected as a ‘masterpiece liquor’ by the National Tax Administration of Korea, after constructing a completely automated production system from beverage injection to packaging. They have also been certified by HACCP, which assures sanitation and safety in the process of Makgeolli production.

Jangsoo Raw Rice Wine, their representative product, has been loved by people for over 50 years together with the history of Seoul Takju. Major lineups of sterilized rice wines are ‘WEOLMAE Rice Makgeolli’, ‘Ee:FF Makgeolli’, and ‘Ginseng Makgeolli’, including the new ‘Cacao Nibs Makgeolli’, ‘D’shu (Pineapple rice wine)’, ‘Makgeolli of the lifetime’ which are favored by young customers.

Bae Yoon Sang, president of the company said “We are producing various Makgeollies on our brand,” adding “as well as a duty to continue the tradition of Makgeolli, we are trying our best to develop Makgeolli for new generations, and aiming to be a globally representative brand,”

1. 제품 소개

1) 월매막걸리

1. Product introduction

2) WEOLMAE Makgeolli

WEOLMAE Makgeolli, a representative export product, is the first Makgeolli to be carbonated. It was improved in production for longer storage, and is light-bodied with only 6% of alcohol.

Solid precipitates of rice fiber are formed at the bottom of the bottle are rich with nutrients helpful for preventing cancer.

With its creamy white color, this milky- sparking drink is enjoyed worldwide along with its soft texture.

[ 베트남(하노이) 수출용 월매막걸리 ] –제품명: 장수막걸리

[Vietnam exported Makgeolli]: Jangsoo Makgeolli

2) Makkao

‘Makkao’ is an alcoholic beverage made mainly from cacao nibs, with a chocolaty flavor. It is a sweet and soft drink with 4% of alcohol, enjoyed by the young ages of 20 to 30.

Considering a base of relatively young customers, a vintage logo with a brown color of cacao nibs was designed, giving a curious and comforting look.

With cacao nibs added to Makgeolli, Makkao has a soft taste with a pleasing, light scent of chocolate.

3) D’shu ‘D’shu’ is a Ready-To-Drink alcoholic beverage, a carbonated sour-sweet pineapple extract with 4% of alcohol. The product was developed to differentiate from the common image of Makgeolli thought by the new generation customers. Following the recent market trend of low alcohol beverages, ‘D’shu’ is also enjoyable by people who are sensitive to alcohol consumption.

D’shu has the unique soft texture of Makgeolli, and the pineapple extract is well balanced with the taste of rice wine, giving it a refreshing taste. Since the extract is made by 100% pure pineapple, people can enjoy the sweet drink without worrying about artificial additives.  

<국순당> KOOKSOONDANG BREWERY CO.,LTD.

Company & Products Kooksondang is a brewery famous for its line of Baekseju, which revived the consumption of traditional rice wine when fermented liquor in the public market was dominated by beer and soju.

Baekseju was presented at 1992, under a patented technology of uncooked rice fermentation method including various medical herbs such as ginseng, cornlian cherry, Magnolia berries.

Kooksondang is the continuing leader in the premium Makgeolli industry since 2009, launching ‘Kooksondang raw Makgeolli (750ml, 6% alcohol)’, the first line of raw rice wine able to be distributed around the whole country.

(Photo: an image showing the similar procedures taken to make Korean Makgeoli and traditional Vietnamese drinks)
(Photo: an image showing the similar procedures taken to make Korean Makgeoli and traditional Vietnamese drinks)

‘Daeback’, another line of Makgeolli released at 2013 has been complimented for their natural taste of raw rice wine, using yeast fermented through traditional methods.

Kooksondang has been exporting various products worldwide, from Vietnam, Japan and China, including United States.

Currently they have expanded their foreign market to Oceania and Africa, exporting Korean traditional liquors to more than 50 countries, adjusting its taste to the local people. Annual exports are estimated to excess $10,000,000.

“Good Makgeolli is made from good water, good rice, and good yeast,” head marketing director Lee Sang Yup said, adding “the value Kooksondang aims can be summed up to two key-words; insisting on good liquor and adjusting traditional values to recent ones”

“Yeast stands as the number one factor in Korean liquor. From continued research for over 50 years, we have developed various special yeasts currently used in our products, and we are also manufacturing environmentally friendly products certified by HACCP in all lineups of rice wine,”

(Photo: an image showing the similar procedures taken to make Korean Makgeoli and traditional Vietnamese drinks)
(Photo: an image showing the similar procedures taken to make Korean Makgeoli and traditional Vietnamese drinks)

KOOKSOONDANG Businesses ongoing in Vietnam

Sold in all parts of Vietnam –At Ho chi minh, Da Nang, Hanoi, Haiphong including other big cities

Sold in Big franchise marts (E-mart, Lotte Mart, AEON, Citymart)

Sold in convenience stores (Circle K, Ministop, GS25, etc)

Sold in franchise Korean food restaurants (in all Gogi house branches in Vietnam)

Major Makgeolli products sold in Vietnam

KOOKSOONDANG Raw Rice Makgeolli

KOOKSOONDANG Rice Makgeolli

KOOKSOONDANG Peach Makgeolli

KOOKSOONDANG Banana Makgeolli

KOOKSOONDANG Green grape MakgeolliKOOKSOONDANG Home Page

http://www.ksdb.co.kr/english/main.asp

KOOKSOONDANG Vietnamese Facebook page

https://www.facebook.com/ksdbvn

(Photo: an image of KOOKSOONDANG’s rice Makgeolli.)
(Photo: an image of KOOKSOONDANG’s rice Makgeolli.)

<우리술> WOORISOOL CO., LTD.

WOORISOOL is producing rice wines made from traditional recipes, and develops them into what can be enjoyed by modern people globally, since its founding in 1994.

The company’s second factory, the largest one in Gyeonggi-do province, is capable of making up to 100,000 liters a day, 30,000 tons of liquor annually. The factory is equipped with cutting edge facilities – cleaning rooms, automated label attachments, can injectors, carbonators, and so on.

The rice wine manufacturer has been designated as the first HACCP (Hazard Analysis Critical Control Points) certified factory in the industry, and is exporting its products to more than 20 countries worldwide, including Vietnam, Japan, China, Taiwan, Canada, etc.

“Our wines are made by natural bedrock waters, drawn from 250 meters underground, between the upper region of Han River and the foot of Unaksan Mountain,” said Park Sung Ki, president of WOORISOOL. “We have our own precision management based on basic ground rules, and we are pioneering a new culture of rice wines with our differentiated, standardized products, made by our newest technology,” he added.

Hiếu Thảo

Hiếu Thảo là một cô gái bốn không. Không tay, không chân, không cha và (gần như) không mẹ. Nhưng Thảo không cô đơn, vì em còn đó người bà tuyệt vời nhất thế gian và những tấm lòng yêu thương từ bốn phương trời.

Bốn năm kể từ khi xuất hiện trên truyền thông lần đầu, cuộc sống của cô bé cụt cả tứ chi Trần Thị Hiếu Thảo đã rất khác. Chiếc xe đạp cọc cạch năm nào ông ngoại chở em đến trường nay đã là một chiếc xe máy. Giữa cuộc trò chuyện, bà ngoại vào nhà lấy một chiếc mirco Bluetooth ra để Thảo hát tặng chúng tôi bài “Tình cha”, dẫu cho ký ức về người cha trong Thảo chỉ còn mờ như những bóng mây.

Vài tháng nữa, Thảo sẽ lên Sài Gòn, vì một tổ chức đã quyết định tài trợ tiền lắp tay và chân giả cho Thảo. Em mong đợi gì khi được có tay và có chân như các bạn, Thảo nói: “Em sẽ phụ giúp bà ngoại làm việc nhà, và sẽ… đấm lưng cho bà bớt mệt”.

Sau nhiều năm tiếp xúc với truyền thông, có lẽ Thảo cũng ý thức được ít nhiều sứ mệnh truyền cảm hứng đến cộng đồng. Cô bé đã xuất hiện trên VTV, đã xuất hiện trên gần như những tờ báo lớn nhất nước. Nhưng khi biết Thảo trên vai trò một người cháu của bà, chúng ta vẫn còn rất những câu chuyện để kể.

Thảo không có tay chân. Ở chỗ lẽ ra phải là bàn chân lành lặn, có một ngón chân lòi ra. Chúng tôi nói với Thảo đó là một ngón chân “hên”, cũng giống như chiếc vây “hên” của chú cá Nemo trong bộ phim Finding Nemo nổi tiếng của Pixar. Nemo hên vì em vẫn sống, vẫn có những người bạn dễ thương, vẫn có một người cha dám vượt qua nỗi sợ hãi mà băng qua cả đại dương để tìm mình.

Cũng như Nemo, Thảo vẫn sống. Và dù từng đau đớn hứng chịu những lời lẽ cay nghiệt từ các bạn cùng trang lứa (‘mày là đồ mồ côi,’ ‘mày không có tay có chân thì đi học làm gì’), Thảo vẫn còn đó một người bà thương em hết mực.

Bà ngoại em, Lý Thị Cho, kể lại:

“Thai kỳ của con gái tui bình thường. Dưới quê đâu có mỗi tháng mỗi khám như trên thành phố được. Nên nó siêu âm tổng cộng bốn lần. Lần thứ hai là hồi thai được bốn tháng mấy, bác sĩ bảo con bình thường. Đến bảy tháng rưỡi, bác sĩ vẫn bảo bình thường. Thai được 1,8 kg, giờ đã biết máy, đã biết xoay trở trong bụng mẹ rồi”.

Người nhà quê sinh nở đơn giản. Bản thân bà Cho sinh con bốn lần, đều sinh tại nhà, nói đẻ là đẻ, cùng lắm thì nhớ mấy bà hộ sinh làng đi qua rặn phụ, chứ làm gì biết đến không khí của nhà hộ sinh, làm gì biết thế nào là mổ.

Khi nghe con gái bảo: “Vú ơi con khó chịu quá”, bà chở con lên bệnh viện huyện Cù Lao Dung. Lúc này, người bác sĩ tiến hành siêu âm lần thứ tư. Người ấy nói: “Chà, cháu lớn dữ rồi. Giờ đang muốn ra ngoài đây nè”. Nhưng khựng lại một chút, người bác sĩ siêu âm kỹ hơn, nhìn vào màn hình lâu hơn rồi… bật khóc.

Bà Cho nhớ lại: “Tui đâu biết vì sao cô bác sĩ siêu âm lại khóc. Tui hỏi thì cổ chỉ nói bà về chuẩn bị, vì con bà chuẩn bị sinh rồi. Tui mới nói thôi con gái ở lại, để tui chạy về nhà lấy đồ đạc lên, chứ lúc đi vội quá đâu đã chuẩn bị gì được.”

Lúc bà Cho về nhà, người ta mới báo là con gái chuẩn bị phải lên bàn mổ vì đứa bé sẽ không thể chui ra theo cách bình thường. Người nhà quê nghe đến dao kéo là bủn rủn, bà sợ đến mức chạy xe không nổi, mới bảo đứa con thứ ba chở vào bệnh viện.

“Đứng chờ nó mổ, tui khóc quá trời,” bà Cho nói. “Tui không biết các bác sĩ làm gì ở trỏng. Cả đời tui cứ… đau bụng là đẻ, bây giờ gặp gảnh tượng này nghĩ tầm bậy tầm bạ chứ đâu bình tĩnh nổi. Tui vừa chờ vừa cầu nguyện thánh thần cho mẹ con nó bình an.”

Rồi người y tá ẵm đứa con ra. Vậy là con sống rồi, chắc mẹ nó cũng ổn. Bà mới đến hỏi giám đốc, người trực tiếp mổ cho con bà: “Trai hay gái vậy bác sĩ?” Khi bác sĩ trả lời là bé gái, bà thở phào nhẹ nhõm. Khi bác sĩ mang cháu gái bà vào phòng săn sóc đặc biệt, bà cũng chỉ nghĩ là bé sinh mổ nên sẽ yếu hơn mấy đứa sinh thường. Thế là bèn lật đật chạy vào chăm sóc cho con gái.

Ngồi cạnh con gái hai ba tiếng, mới có người đến thông báo với bà:

“Em bé nhà mình có tật bẩm sinh.”

Bà Cho nhớ lại: “Tôi nghe thế thì chỉ dám nghĩ là chắc tật gì đó nhẹ thôi, sứt môi, hay tay chân nó hơi dị dạng một chút. Đến khi cầm cháu trên tay rồi, lật khăn ra tôi mới kinh hoàng. Thánh thần ơi, sao nó… trụi lủi vậy nè, không có tay, cũng chẳng có chân. Cái đầu thì như trái bí hồ lô. Tôi như người mất hồn, chả còn biết phải nói gì nữa. Ngồi đó bần thần một hồi mới trở lên phòng coi con gái thế nào. Vừa dợm bước đi thì cháu nó khóc inh ỏi. Tôi bèn pha sữa cho cháu uống.”

Nhìn cháu uống sữa bình thường, người bà thương con thương cháu vừa mừng vừa tủi. Tối hôm ấy, Thảo khóc rất nhiều. Đứa bé như có linh tính mình sẽ bị bỏ rơi, cứ bà dợm bước ra khỏi phòng là khóc. Bà bèn để con gái nằm một mình ở phòng hậu phẫu, ôm đứa cháu ngoại ngủ trên sàn nhà lạnh lẽo.

Bà cứ ôm cháu trong lòng như thế được hai hôm thì bác sĩ nói: “Cháu là nạn nhân chất độc da cam. Bà làm giấy cho nhà nước nuôi đi.”

Câu chuyện của bà Cho và Thảo cứ thế diễn ra trước mắt chúng tôi. Bà gần như không nói gì tới mẹ của Thảo, và tuyệt nhiên không nói gì về cha. Có thể vì bà sợ nhắc đến cha mẹ, Thảo sẽ buồn. Chúng tôi cũng chẳng gặng hỏi, vì Thảo đang tròn xoe mắt ngồi kế bên. Câu chuyện cứ thế mà tiếp tục.

Bà Cho nói: “Tôi về làm giấy, ấp ký, xã ký, nhưng khi lên huyện, người ta nói: “Cháu vẫn còn cha mẹ, ông bà, thôi thì đem về nuôi đi.” Tôi nghe thế thì dẹp mớ giấy tờ sang một bên. Nuôi thì nuôi thôi chứ có gì đâu.”

Đi tới đi lui làm giấy, găp thêm tinh thần hoang mang bà Cho bị suy nhược phải nhập viện hết chín ngày. Trong viện, biết câu chuyện của bà, nhiều người xúi dại tui hãy bỏ đứa nhỏ đi, vì ba má thấy cũng đâu có mặn mà gì với nó. Có người lại bảo hay là mang Thảo đi cho người ta. Bà Cho nói: “Tui bảo dẫu gì nó cũng là cháu mình, mình ôm nó vào người, nó ngủ trên người mình, sao có thể nói bỏ là bỏ, nói cho là cho. Nhà nước không nuôi nó thì mình nuôi nó thôi. Bỏ đi thì tội nó, mà thân mình mang tội nữa.”

Lại có người xin… mượn cháu Thảo để đi ăn xin. Họ nói: “Cho tui xin đi, tui nuôi nó cho, tui đẩy nó đi xin rồi nó nuôi lại tui. Lớn lên tui trả nó về.” Bà nói với họ: “Đâu có được. Nó còn nhỏ xíu bắt nó ra đường dang nắng. Rồi sau này biết chuyện, nó oán ba mẹ, oán bà ngoại nó thì sao?”

“Bà ngoại ơi, sao mẹ sinh em con thì có tay có chân? Còn con sao lại thế này? Sao mẹ đẻ con chi cho con khổ cả đời vậy ngoại?”

Khi Thảo lên 10 tháng tuổi, cha của em bị tai nạn giao thông, tử vong trên đường về Nha Trang thăm quê. Khi Thảo đón thôi nôi thì đến lượt mẹ cũng rời em mà đi. Ngày ấy, mẹ em nói với bà ngoại:

– Vú ơi, hoàn cảnh khó khăn quá, con phải đi làm mướn kiếm đồng ra đồng vô chứ ngồi yên coi sao được.

Rồi cô vào Bình Dương sinh sống, làm việc, thỉnh thoảng gửi tiền về cho mẹ nuôi con mình. Ở đó, cô gặp được một người đàn ông mới. Năm Thảo 5 tuổi, cô xin mẹ đi thêm bước nữa. Người mẹ thương con cố phân trần với những người xung quanh, mà có khi là tự an ủi chính mình: “Con gái mình nó vẫn còn trẻ mà, giờ muốn lấy chồng mới không lẽ mình cản nó. Thế là tui mới gả nó lần nữa. Nó lo gia đình mới, tui nuôi bé Thảo cũng được.”

Cách kể chuyện bình thản của bà Cho có lẽ đã làm nên một Trần Thị Hiếu Thảo cũng vô cùng bình thản. Bé luôn thêm chữ “dạ” trước khi trả lời các câu hỏi của chúng tôi, luôn làm những gì chúng tôi yêu cầu, luôn để cho người đối diện thấy mình là một cô bé bình thường. Nhưng không phải là không có những phút tự vấn.

Ngày mẹ ruột sinh con đầu với chồng mới, thấy tấm hình của đứa em cùng mẹ khác cha, Thảo suy nghĩ cả ngày. Đến bốn giờ sáng một ngày nọ, em chịu hết nổi, bèn lay bà ngoại dậy mà hỏi:

– Bà ngoại ơi, sao mẹ sinh em con thì có tay có chân? Còn con sao lại thế này? Sao mẹ đẻ con chi cho con khổ cả đời vậy ngoại?

Bà Cho nói: “Lúc ấy tôi chỉ biết khóc, nước mắt tự động chảy ra, chứ còn biết trả lời gì nữa.”

Nhưng đấy chỉ là một trong những lần hiếm hoi bé than thân trách phận. Cuộc sống tước đi của Thảo tay, chân và bố. Người mẹ ruột chỉ về thăm một hoặc hai lần một năm. Nhưng cũng cuộc sống lại bù cho Thảo một nghị lực phi thường và sự lạc quan khủng khiếp.

Khi bà ngoại tủi thân nói với cháu: “Bà xin lỗi con, bà dốt quá không biết chữ. Con người ta học có cha mẹ chỉ bảo, học cùng, còn bà chả giúp gì được cho con.” Thảo đã nói: “Ngoại đừng lo, con học mình ên cũng vui mà”.

Chữ “ên” xuất hiện nhiều vô tỷ trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và em. Em múc cơm ăn mình ên, tắm mình ên và học bài mình ên. Em cũng có những tò mò như bất kỳ đứa trẻ nào đang tuổi ăn tuổi lớn. Em cũng có những người bạn và chỉ cảm thấy vui khi được đi học. “Đi học có bạn bè nói chuyện. Vui. Ở nhà mình ên. Buồn”.

Những người bạn ngày xưa chọc ghẹo Thảo bây giờ đã xem Thảo như một tấm gương để vươn lên. Thầy cô, ba mẹ của lũ trẻ chỉ cho chúng thấy: một người xui rủi đến từng đó vẫn tràn ngập ý chí vươn lên. Suốt ba năm đầu trên ghế nhà trường tiểu học, Thảo đều là học sinh giỏi. Cô học giỏi hơn những người bạn đầy đủ tay chân, cha mẹ. “Chắc tại mắt con gí sát vào tập, nên con nhớ dai hơn các bạn,” Thảo mỉm cười nói.

Mắt Thảo gí sát thật. Vì không có tay, khi đọc phải lấy cùi tay lật từng trang vở. Khi viết, bé dùng cổ và vai để viết. Vậy mà chữ Thảo rất đẹp, thậm chí còn được cô giáo chọn là một trong ba người đi thi viết chữ đẹp. Một người không tay lại đi thi viết chữ đẹp, còn câu chuyện nào lạ kỳ và cảm hứng hơn thế.

Tình bạn, tình người ánh lên trong hành trình lớn lên của Thảo. “Bạn giúp con lấy tập, lấy sách, lấy viết. Khi học xong bạn cất tập cho con,” Thảo nói. “Các bạn nói, nhìn con giống như một… ngôi sao,”

Thảo rất thích hát bài “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao,” bởi vì mỗi lần hát bài ấy, em lại nhớ mình là một ngôi sao. Cô bé chỉ có đầu, tứ chi bị cụt, nhìn từ xa quả thật giống với một ngôi sao năm cánh. Và chính em, với niềm lạc quan vô ngần, quả thực là một ngôi sao, tỏa ra thứ ánh sáng dễ chịu cho người đối diện. Em nói: “Con ước mơ được làm bác sĩ. Con sẽ đi cứu người, và chữa bệnh cho ngoại.”

Cô bé chỉ có đầu, tứ chi bị cụt, nhìn từ xa quả thật giống với một ngôi sao năm cánh.

Người bà ngoại ấy hiện đang bị đủ thứ chứng bệnh trong người, hệ lụy của những năm tháng làm việc không nghỉ ngơi. Người bà ấy vẫn mang em theo bên mình khi còn nhỏ, để tạm em ở dưới một gốc mai để làm đồng, xới đất cho vụ mùa mía tiếp theo, mỗi ngày kiếm vài chục đến một trăm nghìn.

Em nằm yên, không la hét, dù thỉnh thoảng có bị… kiến cắn. Năm em lên ba, bà ngoại nghèo quá không có tiền mua sữa cho em. Em nói: “Vậy thì con… không uống sữa nữa là được.” Nói bỏ là bỏ, từ đó em chuyển sang ăn cháo.

Cả cuộc đời em chưa từng biết đến sữa mẹ. Mẹ em mổ, sau đó mất sữa. Người mẹ ấy chả mấy khi ôm em vào lòng. Thỉnh thoảng nhớ mẹ, em dùng môi bấm điện thoại gọi cho mẹ, nhưng mẹ bận rộn cũng chả nói chuyện được nhiều. Riết cũng thành quen. “Ban đầu em cũng buồn, nhưng rồi em cảm thấy cũng bình thường,” Thảo nói. “Vì nếu mình buồn, thì cũng có thay đổi được gì đâu.”

Trao hết tình yêu thương cho bà ngoại, Thảo còn cố phụ giúp việc nhà cho bà đỡ nhọc. Câu hát “chổi to bà quét sân to, ấy còn chổi nhỏ dành bé chăm lo quét nhà” chưa bao giờ sống động đến thế. Vì bà Cho đã làm cho Thảo một cây chổi bé, Thảo kẹp vào cổ, cứ thế mà quét nhà. Bụi có bay vào mắt, vào mũi con không? Thảo nói: “Dạ ban đầu cũng bay, riết rồi không còn bay nữa”.

Câu hát “chổi to bà quét sân to, ấy còn chổi nhỏ dành bé chăm lo quét nhà” chưa bao giờ sống động đến thế. Vì bà Cho đã làm cho Thảo một cây chổi bé, Thảo kẹp vào cổ, cứ thế mà quét nhà.

Mỗi ngày Thảo được cho 5.000 đồng, theo thời gian Thảo chỉ ăn có 3.000, lấy 2.000 để dành. Những lúc bà không làm ra tiền, Thảo lấy tiền để dành ra xài. Bà hay chóng mặt, nhức đầu, đau khớp. Thảo đến kế bên, lấy “tay” xoa đầu cho ngoại, xoa xong thì thổi cái “phù” và nói:

– Rồi. Bác sĩ đã chữa xong. Ngoại mạnh lại rồi đó.

– Ngoại yếu quá. Ngoại sợ ngoại chết sớm quá Thảo ơi.

– Ngoại chết rồi con ở với ai? Ngoại chết chắc con khổ lắm ngoại ơi.

Những lúc nói đến đó, Thảo bảo chỉ ước mình có bàn tay, để ôm ngoại thật chặt. Một chương trình từ thiện đã quyên góp được gần 250 triệu đồng để lắp chân, tay giả cho Thảo. Họ đã mang thảo lên Sài Gòn một lần để lấy số đo. Điều tiếc nuối duy nhất của chuyến đi ấy là Thảo chưa được đi Thảo Cầm Viên, để tận mắt nhìn thấy những con thú mà em đã được học hoặc được thấy trên tivi. Thảo nói:

– Lần sau lên Sài Gòn. Em sẽ xin đi vào Thảo Cầm Viên, để thấy con cọp, con hưu cao cổ và con nhím nữa.

Có một con mà Thảo cũng muốn nhìn thấy, một con vật ở mùa đông lạnh lẽo mà người ta đã ví von với em: chim cánh cụt. Nhưng người viết không thích sự ví von này. Cách các bạn gọi Thảo gợi cảm hứng hơn nhiều: một ngôi sao.

Thảo đích thị là một ngôi sao, tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh của tình bà cháu, thứ tình cảm đã từng được mô tả tuyệt đẹp trong thơ của Bằng Việt. Để sau này em sẽ nhớ về ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn, ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng là Thảo sẽ khôn lớn. Ngọn lửa giúp bà nửa đời nuôi con, giờ lại dành nốt nửa đời còn lại để nuôi cháu. Đấy cũng là một ngôi sao bình dị, không màng quá nhiều quá khứ, chưa nhuốm mối lo của tương lai. Như Thảo nói: mỗi ngày thức dậy, thấy bà mạnh giỏi cũng đủ vui rồi.

Trần Thị Hiếu Thảo chào đời năm 2010. Bé lớn lên tại ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Mẹ của Thảo, Trần Thị Nhàn đi làm thuê ở Bình Dương thì quen biết và kết hôn với một người đàn ông. Người này gia đình chỉ gọi là Vũ, quê Nhà Trang. Sau khi Thảo được 10 tháng tuổi, Vũ bảo về quê thăm gia đình thì bị tai nạn, qua đời.

Ông ngoại của Thảo là Trần Văn Nhở. Bà ngoại là Lý Thị Cho, năm nay 64 tuổi. Bà Cho có ba người con gái và một người con trai. Ngoài bé Thảo, bà Cho còn nuôi thêm một cháu ngoại trai. Bé là con của chị Trần Thị Thúy An (em của Nhàn). Chị An và chồng đi làm thuê ở Sài Gòn. Nhưng chồng của chị An cũng bị đột quỵ khi đang làm phụ hồ. Gánh nặng lên vai bà Cho lại càng nặng hơn.

Hiện cháu Thảo đang theo học tại trường Tiểu học An Thạnh 2B (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung).

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”