Thanh Lam

“Bình minh” – Đêm nhạc của Thanh Lam tối 1- 2/12 tại Cung Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) là cái tên gieo hi vọng về sự khởi đầu, tươi sáng, tích cực. Sau hai đêm diễn, “Bình minh” không phải là chân dung của Thanh Lam “mây trắng bay về” mà ló rạng bình minh âm nhạc đang lên.

1. Ngay từ sảnh dẫn vào sân khấu là băng rôn Thanh Lam cùng những cộng sự trong “Bình minh”: giám đốc âm nhạc Quốc Trung, Thanh Phương (guitar), Lưu Hà An (piano), Hùng Cường (trống), Hoàng Hải Bằng (bass), Hoàng Anh (sáo), nhóm bè, đã dự báo về một “Bình minh” đầy khí thế.

Sân khấu bục bệ tối giản, giữa lờ mờ ánh sáng, Thanh Lam xuất hiện cất lên “Giọt nắng bên thềm.” Khoảnh khắc ấy, dưới ánh đèn In the spotlight, Lam là “Queen” (nữ hoàng) với tiếng hát biến ảo và sắc đẹp quyền năng.

Liền sau đó, vệt ca khúc Thanh Tùng “Em và tôi,” “Hoa tím ngoài sân” chính thức mang “nữ hoàng nhạc nhẹ” trở về hiển hiện trên sân khấu, gợi nhớ một cách xúc động Thanh Lam thời tour xuyên Việt “Em và tôi” năm 1999 cùng ban nhạc Phương Đông. 

“Thanh Lam là một giọng hát rất khác biệt, một nghệ sỹ rất khác biệt, khác biệt khiến chúng ta phải suy nghĩ. Một bài hát, một câu hát, Thanh Lam hát không bao giờ lặp lại. Đó chính là sự sáng tạo tuyệt vời của người nghệ sỹ đích thực…” (Nhạc sỹ Bảo Chấn)

Hào quang nhạc nhẹ trôi qua nhanh chóng, Thanh Lam tiếp tục trở lại chiếm lĩnh sân khấu với miền âm nhạc dân gian đương đại và world music. Lần đầu tiên, thứ âm nhạc mềm mại, nữ tính của cố nhạc sỹ Thuận Yến được Quốc Trung “thử nghiệm” hòa âm lại biến hóa lạ lẫm và hiện đại như vậy. Nghe Thanh Lam “Đi trong Hương Tràm,” “Khát vọng,” “Đợi chờ” vừa khát khao bứt phá vừa huyền bí, vang vọng, trộm nghĩ nhạc sỹ Thuận Yến mà còn sống hẳn ông cũng khó lòng tưởng tượng nổi. Đêm nhạc tiếp tục chuyển màu rực rỡ hơn bởi “Tò vò” (Lưu Hà An) và “Tự tình.” Đặc biệt, màn hóa thân “Thị Mầu” căng tràn một Thanh Lam nông nổi và đầy tính cách.

Nỗi buồn và sự cô đơn thường mang lại cho người nghệ sỹ khả năng sáng tạo. Sự tung tẩy, chông chênh hát ngả nghiêng như say ở Thanh Lam là khát khao bứt phá, nổi loạn. Có lúc, tiếng hát đẩy ngọn lửa thăng hoa lên đến tận cùng, rồi sau đó cũng tiếng hát ấy lại đắm sâu trong nỗi buồn miên man.

Thanh Lam biến ảo trong màu sắc âm nhạc dân gian đương đại và world music. (Ảnh: Giang Huy) 
Thanh Lam biến ảo trong màu sắc âm nhạc dân gian đương đại và world music. (Ảnh: Giang Huy) 

Không gian world music của những “Tiến thoái lưỡng nan,” “Mây trắng bay về,” “Lời tôi ru” càng làm giọng hát Lam ma mị, đa đoan chạm đến mọi cung bậc cảm xúc khiến người nghe có cảm giác đang được thưởng thức kiệt tác sống động của tự nhiên như tiếng chim hót, thác chảy. Sự hoàn hảo đã biến tiếng hát và người nghệ sỹ ấy trở thành một “nghệ phẩm.”

Thanh Lam cũng minh chứng cho sự kết tụ giữa những gì bản năng không mất đi theo thời gian với kỹ thuật điêu luyện, thượng thừa của nghề hát. Nhưng, bên cạnh những tài năng, thiên bẩm, điều quý giá nhất và khác biệt nhất đưa Thanh Lam lên vị trí số một và duy nhất là bởi Lam có tâm hồn hát đầy thuần khiết. Sự thuần khiết giúp Lam luôn hồn nhiên và kiêu hãnh để lớp công chúng ngày hôm nay khi được thưởng lãm nguồn năng lượng ngùn ngụt, ngẫu hứng, đa đoan, man dại ấy nhìn thấy sức ảnh hưởng Thanh Lam đến lứa ca sỹ kế cận như Mỹ Linh, Tùng Dương, Trần Thu Hà… từ khi họ bắt đầu sự nghiệp.

Thanh Lam thăng hoa cạnh tay guitar Thanh Phương... (Ảnh: Giang Huy) 
Thanh Lam thăng hoa cạnh tay guitar Thanh Phương… (Ảnh: Giang Huy) 

Nói Lam không quyết liệt để năng lượng phân tán không hẳn là không đúng. Bởi sau thời “Nắng lên,” Lam chững lại. Nhưng ở chiều ngược lại, phải chăng những thành tựu âm nhạc Việt Nam đương đại chưa có cái tên nào đủ nội lực khơi dậy nguồn cảm hứng mới cho “người đàn bà hát?”

Trong “Đêm Hè Lam” năm 2017, người viết có dịp trò chuyện với nhạc sỹ Bảo Chấn về dấu ấn Thanh Lam, ông nói “Thanh Lam là một giọng hát rất khác biệt, một nghệ sỹ rất khác biệt, khác biệt khiến chúng ta phải suy nghĩ. Một bài hát, một câu hát, Thanh Lam hát không bao giờ lặp lại. Đó chính là sự sáng tạo tuyệt vời của người nghệ sỹ đích thực, sinh ra để hát. Nguồn năng lượng dồi dào của Thanh Lam như thỏi nam châm tỏa ra một hấp lực khiến người ta muốn lại gần, nhưng lại ngại ngần, chỉ dám đứng từ xa thưởng lãm. Nhạc sỹ nào cũng mong Thanh Lam hát bài của mình, ngoài chuyện Thanh Lam hát hay, còn là để thấy bài hát trở thành tác phẩm nghệ thuật.”

Cũng chính bởi nguồn năng lượng luôn ngùn ngụt, muốn thiêu đốt mọi thứ mỗi lần lên sân khấu, Thanh Lam vẫn là cái tên giữa hai luồng yêu ghét. Bên cạnh lớp khán giả luôn thấy được chia sẻ khi nghe Lam hát thì vẫn còn một lượng lớn không đồng cảm với tiếng hát Lam và thấy được chạm tới tận cùng sâu thẳm. Cũng bởi nguồn năng lượng luôn dư thừa ấy, người ta luôn không ngừng kỳ vọng ngọn lửa đam mê và cống hiến cho nghệ thuật sẽ không bao giờ tắt ở người nghệ sỹ này. Nói Lam không quyết liệt để năng lượng phân tán không hẳn là không đúng. Bởi sau thời “Nắng lên,” Lam chững lại. Nhưng ở chiều ngược lại, phải chăng những thành tựu âm nhạc Việt Nam đương đại chưa có cái tên nào đủ nội lực khơi dậy nguồn cảm hứng mới cho “người đàn bà hát?”

Thanh Lam hát ‘Bụi trời’. (Vietnam+)

Phải đến khi được chứng kiến một Thanh Lam “trẻ hóa” ngùn ngụt năng lượng, đốt nóng sân khấu với bản pop rock “Bụi trời” về cuối của Lưu Thiên Hương, thầm nghĩ, sau những Quốc Trung, Lưu Hà An, Lê Minh Sơn, liệu Lưu Thiên Hương có trở thành miền âm nhạc tươi mới thức dậy bình minh âm nhạc “người đàn bà hát” sau “nắng lên”?

2. Không chỉ nhấc “Mây trắng bay về,” “Bình minh” đưa Quốc Trung trở về đúng nghĩa trái tim Trung với không gian âm nhạc đẫm màu world music. Việc hòa âm mới lại toàn bộ ca khúc khiến “Bình minh” mang tinh thần âm nhạc xuyên suốt. Hiệu quả là, dù nhạc mục quen thuộc, “Bình minh” vẫn tươi mới, dầy dặn và đậm đầy với nhiều mảng miếng.

Cái tài của Quốc Trung không chỉ tiết chế một Thanh Lam tinh tế, thăng hoa, không hú hét “lên đồng” trong “Bình minh.” Nghe Lam hát “Bay vào ngày xanh” thênh thang nhẹ bẫng, hát “Tre xanh ru” nâng niu và vuốt ve từng câu từng chữ mà thấy nơi đó bình minh thật yên tĩnh và dịu ngọt. Sau tất cả, Trung – Lam vẫn chơi nhạc nồng nàn và bình yên như thế. Họ đồng điệu, nương tựa vào nhau, chứa chan cảm xúc, đóng góp cho âm nhạc “cặp đôi” đưa người nghe tới tận cùng những xúc cảm đẹp.

  • anhbiasol-1543829879-16.jpg
  • huy1816-1543829923-33.jpg
  • huy1843-1543829952-59.jpg
  • huy1914-1543829986-84.jpg
  • huy2006-1543830082-95.jpg
  • huy2179-1543830130-74.jpg
  • huy2113-1543830164-3.jpg
  • huy2167-1543830349-22.jpg

Biệt tài của Quốc Trung còn ở lựa chọn đặt để Hà Trần làm khách mời song ca với Thanh Lam “Bài hát ru mùa Đông” biến hóa, quyện chặt. Vẫn tiếc là, lúc gặp nhạc sỹ Dương Thụ ngay sau đêm diễn người viết chưa kịp hỏi lúc ngồi dưới hàng ghế khán giả, ông có “sốc” khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình sau nhiều thập kỷ được Quốc Trung biến báo ngoạn mục đến thế?

Trong sáng tạo âm nhạc, Quốc Trung vẫn cho thấy một tâm hồn nghệ sỹ bay bổng và lãng mạn cùng sự chỉn chu, chính xác. Sự kỹ tính, tinh tế đến cực đoan của Quốc Trung vừa khiến lớp nghệ sỹ ngày hôm nay “ngại” bắt tay với anh, nhưng ở góc độ làm concert, Quốc Trung vẫn là cái tên số một với sự cấp tiến, cập nhật.

Sau tất cả, Quốc Trung và Thanh Lam vẫn là lựa chọn tốt nhất của nhau trong quan hệ cộng sinh âm nhạc. (Ảnh: Giang Huy)
Sau tất cả, Quốc Trung và Thanh Lam vẫn là lựa chọn tốt nhất của nhau trong quan hệ cộng sinh âm nhạc. (Ảnh: Giang Huy)

Nếu theo dõi hoạt động trên trang cá nhân của ê kíp cũng như nhà sản xuất Thanh Việt trước “Bình minh” sẽ thấy kỷ luật gắt gao của đêm nhạc này. Họ tập trước hai tháng. Cứ thế, mỗi tháng toàn ê kíp tập ròng rã 10 ngày, tập ngày, tập đêm, tập cả trong bóng tối chỉ để đáp ứng yêu cầu… thuộc bài, để công chúng có cơ hội được thưởng thức mãn nhãn mãn nhĩ trước những người nghệ sỹ biểu diễn thực thụ và đẳng cấp khi chơi nhạc “ăn rơ” từng milimet, trong không gian sân khấu hiện đại, chất lượng âm thanh chơi live đầm, đã như bật đĩa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sau nhiều thập kỷ, từ những người đặt nền móng cho nhạc nhẹ, ngày hôm nay khi đã qua bình minh cuộc đời, họ vẫn là lực lượng nòng cốt cống hiến cho đời sống âm nhạc, định hướng và xác lập một tiêu chuẩn về thưởng thức và sản xuất âm nhạc.

Đó là lý do cho đến ngày hôm nay, dù mỗi người một sân, nhưng Quốc Trung vẫn là “thủ lĩnh” có khả năng cầm trịch và quy tụ giới làm nghề. Hình ảnh cuối khi toàn ê kíp đứng sau Thanh Lam hát tri ân khép lại đêm nhạc nhưng lại ló rạng một “bình minh” đang lên của âm nhạc.

Sau nhiều thập kỷ, từ những người đặt nền móng cho nhạc nhẹ, ngày hôm nay khi đã qua bình minh cuộc đời, họ vẫn là lực lượng nòng cốt cống hiến cho đời sống âm nhạc, định hướng và xác lập một tiêu chuẩn về thưởng thức và sản xuất âm nhạc.

Sau một ca sỹ là những bài hát. Sau một ngôi sao, một biểu tượng văn hóa đại chúng là nhà sản xuất âm nhạc và ê kíp âm nhạc chuyên nghiệp. “Người đàn bà hát tình ca khi giấc mơ về” trong “Bình minh” mãi mãi là “nữ hoàng” như biểu tượng nữ thần Esculape chữa lành “hát cho nỗi buồn bay đi… hát cho những người yêu thương…”