Truyền cảm hứng qua những dòng thư

bachduongcv-1543465412-8.jpg

Cô Diệp cẩn thận từng chữ trong tin nhắn trả lời để hướng dẫn học sinh, bởi cô biết, ở đầu số điện thoại bên kia, học trò nhỏ của mình đang say sưa với những ý tưởng và thao thức chờ đợi sự góp ý.

Giữa tháng Mười năm nay, bức thư của Nguyễn Thị Bạch Dương, học sinh lớp 8, trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đã mang về vinh dự cho Việt Nam khi đoạt giải ba cuộc thi Viết thư UPU quốc tế lần thứ 47.

“Biết tin được giải, em đã khóc vì hạnh phúc, vì sự nỗ lực cố gắng của em đã được đền đáp,” Bạch Dương xúc động nói.

“Dương không phải là một học sinh giỏi văn nhất trường, nhưng em xứng đáng đoạt giải bởi em đã nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bức thư,” cô Quỳnh Diệp chia sẻ.

Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 được phát động tại Việt Nam từ tháng 10/2017. Cuộc thi có đề tài: “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc lá thư ấy?”

Tháng 11/2017, khi cô giáo chủ nhiệm, cũng là cô giáo dạy văn Trần Thị Quỳnh Diệp phổ biến về chủ đề cuộc thi, Bạch Dương đã rất hào hứng. Sự hào hứng ấy càng tăng lên gấp bội khi cô Diệp mở cho cả lớp xem hình ảnh tại Lễ trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, em Nguyễn Thị Thu Trang, cũng là học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, Hải Dương, đọc lại toàn văn bức thư mà Trang đã đoạt giải nhất cuộc thi. Phía dưới hàng ghế đại biểu, những đôi mắt rưng rưng xúc động, nhiều người đã bật khóc.

“Lúc đó, em cảm thấy có một cảm xúc rất lạ, đó vừa là sự xúc động, vừa là niềm tự hào, vừa là sự tự tin, vừa là khát khao có thể đạt giải, dù là không phải giải cao nhất như chị Trang. Và em bắt đầu không ngừng nghĩ ý tưởng cho bức thư của mình,” Dương chia sẻ.

Dương bảo, ban đầu, em có rất nhiều ý tưởng. Đó là vấn đề bạo lực gia đình, về trẻ em, về những bất công, về tình yêu thương… Những ý tưởng luôn thường trực và đầy trăn trở trong từng bước đi, từng suy nghĩ của cô gái nhỏ, để rồi khi bất ngờ nghe tiếng chuông ngân lên từ nhà thờ cạnh nhà, Dương đã nghĩ ngay đến hình ảnh ông già Noel. Em lập tức lên internet tìm hiểu tất cả các thông tin về hình tượng này.

“Mắt em sáng lên khi bắt gặp thông tin về bức thư của biên tập Francis P.Church viết năm 1897 trả lời câu hỏi “Ông già Noel có thật không” của một bé gái ở New York tên là Virginia O’Hanlon. Sau 120 năm, bức thư ấy vẫn được đăng tải lại, được mọi người nhớ đến mỗi dịp Giáng sinh. Đó là một bức thư xuyên thời gian có thật, đúng với chủ đề của cuộc thi. Và với hình tượng ông già Noel thì em có thể lồng ghép tất cả những ý tưởng trên của mình,” Dương xúc động kể.

Cô Diệp cũng vô cùng bất ngờ khi nghe Dương kể về bức thư của Francis P. Church. Sau bất ngờ là niềm vui vỡ òa vì cô biết Dương đã tìm được một hạt vàng để phát triển. Trong khi đa số các bạn khác đều đặt một bức thư tưởng tượng thì em đã tìm được một chiếc đinh rất chắc chắn để neo vào, một bức thư có thật, và là một bức thư nổi tiếng thế giới. Vấn đề tiếp theo là viết như thế nào?

Dương tìm hiểu kỹ về thể lệ cuộc thi, tham khảo những bài viết UPU đã đoạt giải trước đó, đọc báo, xem tivi để tìm hiểu thêm về những vấn đề nóng đang diễn ra trên thế giới. Tất cả những điều đó đã làm chất liệu chân thực cho bức thư, cho Dương thêm những suy nghĩ, trở trăn về cuộc sống khi thấy còn rất nhiều trẻ em trên thế giới đang phải chịu thiệt thòi. Đó là hình ảnh những em bé đói khát trong trại tỵ nạn, trong khói bom chiến tranh, với những ước mơ nhỏ nhoi đến nhói lòng…

“Cứ viết hết, viết tất cả những gì em nghĩ, tất cả những ý tưởng,” cô Diệp động viên học trò.

Bức thư đầu tiên của Dương dài tới hơn 2.000 chữ, gấp đôi so với quy định không quá 1.000 chữ của ban tổ chức. Cô học trò nhỏ ngồi vò đầu bứt tai, không biết phải bỏ ý nào, gọt chữ ra sao? Dương bảo, đó thực sự là một việc rất khó khăn. Em phải gạch lại từng ý, xem phần nào có thể gộp với nhau, gạch từng chữ, xem chữ nào có thể cắt bớt. Từng câu từ được nâng lên đặt xuống, sắp xếp bố cục sao cho chặt chẽ và liền mạch, dùng từ sao cho “đắt” và cô đọng.

Dương cứ viết, nhờ cô giáo góp ý, rồi viết lại, viết lại, và viết lại…

Sau bốn tháng, em mới hoàn thành được bức thư.

“Cũng có khi mệt mỏi, em muốn bỏ cuộc, nhưng em lại nghĩ em chỉ còn duy nhất năm nay để tham gia cuộc thi. Năm sau lên lớp 9, em sẽ phải tập trung ôn thi học sinh giỏi tỉnh và thi vào lớp 10. Vì thế, em lại tự động viên mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa,” Dương chia sẻ.

“Có những hôm cô trò ngồi trao đổi thông trưa đến gần 13 giờ chiều mới về ăn cơm. Có hôm em thao thức đến hai giờ sáng và vội vàng nhắn tin cho cô rằng em vừa nghĩ ra một ý mới. Dương đã viết thư UPU không phải vì hy vọng giải thưởng mà bằng cả sự say mê,” cô Quỳnh Diệp nói.

Dương bảo, thành quả lớn nhất mà em đạt được sau khi tham gia cuộc thi Viết thư UPU không phải chỉ là giải nhất quốc gia, giải ba quốc tế, mà là “em tự thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.”

Việc viết đi viết lại bức thư giúp em rèn luyện việc viết văn tốt hơn, biết diễn đạt cô đọng mà vẫn thể hiện tốt nhất ý tưởng. Em cũng học được bài học về sự nỗ lực hết mình cho mục tiêu mà mình hướng đến.

Và đặc biệt là em biết trân quý hơn cuộc sống khi hiểu được rằng ở ngoài kia còn biết bao em nhỏ có cuộc sống khó khăn, đói khát, thậm chí là cận kề cái chết. Em thấy mình cần mở rộng lòng hơn để cho đi nhiều yêu thương hơn, bao dung hơn, hạnh phúc hơn.

Đó cũng chính là thông điệp nhân văn mà Dương đã gửi gắm trong bức thư dự thi của mình, bức thông điệp vì trẻ em, mang đến cho trẻ em cuộc sống tốt đẹp: “Dù bạn là ai, ở đâu, địa vị sang hèn thế nào, bên cạnh bạn có một đứa trẻ, hãy trở thành ông già Noel của chúng”, hãy yêu thương chăm sóc, mang đến cho trẻ cuộc sống bình yên vì “nếu mọi đứa trẻ đều được nuôi dưỡng trong đủ đầy yêu thương, có tâm hồn trong sáng và hướng thiện thì liệu thế giới này còn có chiến tranh, bạo lực, vô cảm, tham lam, hay bất công?”

Theo cô Trần Thị Quỳnh Diệp, giúp cho học sinh trưởng thành hơn về kỹ năng viết văn, kỹ năng biểu đạt và vun đắp những giá trị nhân văn trong tâm hồn mỗi học sinh cũng là mục tiêu mà trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi hướng đến khi rất chú trọng việc khuyến khích học sinh tham gia cuộc thi Viết thư UPU quốc tế.

Trong khi ở nhiều trường, đây chỉ là một cuộc thi mang tính phong trào, thậm chí đối phó, thì tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Viết thư UPU lại là một chủ trương rất lớn, nằm trong mục tiêu đầu năm học và được tổ chức bài bản từ trường về tổ xã hội, từ tổ xã hội về các giáo viên dạy ngữ văn và từ các giáo viên đến học sinh.

Không yêu cầu học sinh toàn trường tham gia mà chỉ khuyến khích những em thực sự say mê, giáo viên sẽ giúp đỡ các em hết mình khi các em cần góp ý. Mỗi bức thư là một sự kỳ công rất lớn của cả cô và trò.

Cô Diệp bảo, có hai điều cô luôn tâm đắc khi hướng dẫn học sinh viết thư UPU.

Thứ nhất là rèn cho học sinh khả năng viết văn. Khi các em phải viết đi viết lại là khi rèn văn mạnh mẽ nhất, biết viết ngắn gọn, cô đọng, xúc động, chắt lọc ý và từ ngữ.

Thứ hai là rèn cho các em biết quan sát cuộc sống xung quanh, biết thể hiện cảm xúc, bày tỏ quan điểm cá nhân, biết sống yêu thương và nhân văn, biết mở rộng trái tim mình, biết nghĩ cho mọi người và sống cho mọi người, sống có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội, biết đam mê và phấn đấu hết mình cho mục tiêu mình đặt ra.

“Sau mỗi lần tham gia cuộc thi, các em đều trưởng thành hơn rất nhiều. Chỉ là giải phong trào và trong ngành giáo dục, thành tích cuộc thi thậm chí không được đánh giá bằng một cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhưng chúng tôi vẫn say mê vì trường hướng đến những mục tiêu khác cho học trò,” cô Diệp nói.

Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 năm 2018 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức với đề tài: “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc lá thư ấy?”

Ở một nơi nào đó đêm Noel năm 2017,

“Jingle bells, Jingle bells, Jingle all the ways!”

Khúc nhạc giáng sinh rộn ràng vang lên và tôi ở đây viết bức thư này cho bạn.

Tôi xin giới thiệu tôi là bức thư mà biên tập viên Francis Pharcellus, tờ báo The Sun ở Mỹ viết trả lời cô bé Virginia O’Halon cho câu hỏi “Ông già Noel có thực không?”, “… Chưa ai từng nhìn thấy ông già Noel cả. Nhưng điều đó cũng chẳng nói lên rằng Santa Claus không có thật. Ông già Noel tồn tại để chắc chắn tình yêu và lòng nhân ái có tồn tại. Dù 10 năm, 100 năm hay 10 ngàn năm Santa Claus vẫn là một phép màu của Lễ Giáng sinh…”.

Bạn nhớ ra tôi rồi chứ? Từ năm 1897, trải qua hàng thế kỷ, tôi vẫn sống trong những trang sách, báo, tem thư, tranh ảnh và trong tình yêu thương rộng lớn của con người. Mỗi mùa Giáng sinh, tờ The Sun lại trang trọng đưa tôi lên trang nhất. Bởi thế, chẳng cần đôi cánh thần kỳ, tôi vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống, được du hành xuyên không gian và thời gian.

Bạn biết không? Có những ước mơ xúc động thế này: “… Mẹ nói bố đang làm ở thiên đường chỗ ông già Noel. Cháu xin ông cho bố cháu nghỉ làm để đi coi sở thú”, “Cháu chỉ ước một ngày không bị cười nhạo… vì liệt não và có đôi chân cà nhắc”, “Cháu thích búp bê nhưng ông hãy cho cháu một quả bóng để hai chị em cháu có thể chơi chung vì chúng cháu chưa bao giờ có đồ chơi”…

Có những đứa trẻ không biết chữ và khi được biết về ông già Noel đã gửi gắm: “Ông cho cháu biết mẹ cháu là ai, gia đình cháu ở đâu, cháu muốn về nhà, muốn được đi học…” Lại cũng có những đứa trẻ bên hàng rào thép gai ở trại tị nạn viết rằng: “Xin ông sáng mai hãy cho chúng cháu một ổ bánh mỳ kẹp thị nướng, đã bảy tháng cháu không biết mùi thị nướng và ngày nào cũng nhặt vụn bánh mỳ lẫn trên đất.” Hay đứa trẻ ngồi thất thần trên đống đổ nát khi tận mắt chứng kiến cái chết của người thân, ao ước trong tuyệt vọng: “Ông già Noel, nếu ông có thật thì hãy dừng ngay chiến tranh và quét sạch máu trên quê hương của cháu…”

Thế đấy, đói khát, khổ đau, mất mát, trẻ em vẫn không thôi mơ ước. Ước mơ của trẻ em nói với ta về thế giới tâm hồn trong như pha lê về cuộc sống còn bao thiếu thốn, khổ đau. Những mơ ước ấy của bất cứ đứa trẻ nào cũng cao đẹp, đáng trân trọng như nhau. Và ông già Noel là phép màu giúp chúng thực hiện những ước mơ mà người lớn không làm được. Đó cũng là chỗ bấu víu của những đứa trẻ bất hạnh. Xin đừng tước đi của chúng!.

Còn nếu như một ngày nào đó những đứa trẻ phát hiện ra chẳng có ông già Noel với phép màu nào cả, đó là ba mẹ, là chú nhân viên bưu điện… Không sao! Đó là một cơ hội khác cho tình yêu thương! Mẹ, ba, chú nhân viên… đúng là người đã mặc bộ quần áo đỏ, đeo râu trắng, là người đã đặt những món quà bên lò sưởi. Lạ thay, ông già Noel gần gũi và bình dị vô cùng! Là ta khi chìa tay cho một cô bé bán vé số trong đêm giáng sinh, là cậu bạn cùng lớp mang đến cho người bạn của mình một chiếc ô tô đồ chơi với lý do: “Nhà bạn không có ống khói ông già Noel không chui vào được”. Một em bé tiết kiệm tiền làm ngôi nhà cho người vô gia cư, một bạn nhỏ nuôi tóc dài trong 2 năm để giúp đỡ các bệnh nhi ung thư, các tổ chức lãnh đạo, hàng ngàn người thiện nguyện vì trẻ nhỏ… Đó chẳng phải là những ông già Noel có thực trong cuộc đời này sao? Ai có được con trẻ tin tưởng gửi gắm những ước mơ mang đến cho trẻ niềm vui, ai yêu thương trẻ,… thì đó là những ông già Noel của chúng rồi!

Thế nhưng, trái đất này rộng lớn, tình yêu thương lòng nhân ái dù có bao nhiêu vẫn chưa thể lấp đầy. Ai sẽ là những ông già Noel của những đứa trẻ lang thang, thất học, đói rét, ông nhau co ro nơi góc phố? Ai sẽ mang đến phép màu cho những đứa trẻ bơ vơ, hoảng loạn khi nhà cửa bị cuốn trôi sau cơn bão? Bao đứa trẻ vô tội không có tuổi thơ và cũng không biết tương lai sẽ ra sao khi chung quanh chỉ toàn bom đạn, mất mát và những cuộc trốn chạy khỏi quê hương… Liệu bao giờ chúng thực sự có một lễ Giáng sinh?

Và giờ thì bạn thấy đấy, dù bạn là ai, ở đâu, địa vị sang hèn thế nào, bên cạnh bạn có một đứa trẻ, hãy trở thành ông già Noel của chúng!

Bạn à, tương lai của nhân loại nằm trong tay những người mà giờ đang là đứa trẻ. Một vĩ nhân, một CEO danh tiếng, một chính trị gia quyền lực, thậm chí một trùm khủng bố, một người vô danh, hay một nhân vật nắm trong tay vận mệnh của nhân loại thì cũng từng là đứa trẻ thôi. Nếu mọi đứa trẻ đều được nuôi dưỡng trong đủ đầy yêu thương, có tâm hồn trong sáng và hướng thiện thì liệu thế giới này còn có chiến tranh, bạo lực, vô cảm, tham lam, hay bất công?

Thân ái!

Bức thư đến từ thế kỷ 19

Ở đất nước Hà Lan xa xôi, nơi mà phần lớn diện tích đất đai nằm dưới mực nước biển, người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một cậu bé không ngại đêm tối, giá lạnh, sự cô đơn và hiểm nguy để đút ngón tay nhỏ bé của mình vào lỗ thủng ở thân đê, cứu cho cả vùng khỏi trận đại hồng thủy. Đó chính là niềm cảm hứng để xứ sở kia làm nên những điều kỳ diệu, được cả thế giới ngưỡng mộ.

Những tấm gương như cậu bé ấy thật ra có ở khắp nơi, nhưng để lan tỏa nó lại là một câu chuyện khác.

Với ý nghĩa đó, Báo điện tử VietnamPlus cùng sữa Cô gái Hà Lan đã đồng hành trong chương trình Little Heroes, nhằm khích lệ những tấm gương “anh hùng nhí” trên mọi miền đất nước. Có thể đấy chỉ là những cô cậu bé bình dị, nhưng ẩn chứa nghị lực lớn lao, mà mỗi em chính là một hạt giống tâm hồn, được gieo mầm để tạo nên những cánh đồng nặng trĩu yêu thương.”