Hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 tới trong bối cảnh dư luận đang tập trung sự chú ý vào cuộc gặp mang tính lịch sử này với hy vọng nó có thể mở đường giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo kế hoạch được hai bên nhất trí tại cuộc đối thoại cấp cao liên Triều ngày 29/3 để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Nhà Hòa bình ở phía Nam làng đình chiến Panmunjom.

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon nêu rõ hội nghị thượng đỉnh này sẽ là mở đầu cho một hành trình lớn hướng tới phi hạt nhân hóa và mang lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như sự phát triển của quan hệ hai miền.

Trong khi đó, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh này có thể trở thành một cơ hội đột phá nhằm thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ khi ký hiệp định đình chiến năm 1953, hai miền Triều Tiên mới chỉ tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2 lần vào các năm 2000 và 2007.

Kể từ khi ký hiệp định đình chiến năm 1953, hai miền Triều Tiên mới chỉ tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2 lần vào các năm 2000 và 2007.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên ông Ri Son Gwon cho rằng “trong 80 ngày qua, nhiều sự kiện chưa có tiền lệ trong quan hệ hai miền Triều Tiên đã diễn ra.” Trên thực tế, đây là diễn biến mới nhất trong một loạt những chuyển biến tích cực từ đầu năm đến nay giữa hai miền, khởi đầu bằng thông điệp chào mừng Năm mới 2018 đầy bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong thông điệp này, ông Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Seoul về khả năng tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa Đông Pyeongchang 2018, đồng thời cho rằng hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ. Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc đã ngay lập tức hưởng ứng và tích cực xúc tiến các biện pháp xây dựng lòng tin, như tuyên bố không tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ trong thời gian diễn ra Olympic mùa Đông PyeongChang.

Bà Kim Yo-jong chuyển thư của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp tại Seoul ngày 10/2. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)
Bà Kim Yo-jong chuyển thư của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp tại Seoul ngày 10/2. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Kể từ đó, diễn biến trong quan hệ liên Triều đã dần chuyển từ “tình trạng đóng băng” sang xu thế đối thoại và hòa giải, được thể hiện bằng thiện chí của cả hai phía. Từ việc hai bên mở lại đường dây liên lạc liên Triều và tiến hành cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên sau 2 năm, mở lại đường dây nóng quân sự, tới các hoạt động giao lưu nhân Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Đặc biệt, chuyến thăm của phái 2 đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc nhân dịp này, trong đó có bà Kim Yo-jong, em gái và cũng được coi là “đặc phái viên” của nhà lãnh đạo Triều Tiên, tiếp đó là chuyến thăm của phái đoàn các đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã thực sự tạo “bước ngoặt” cho quan hệ liên Triều.

Việc hai miền Triều Tiên thông báo ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có thể coi là thành công ngoại giao lớn cho Tổng thống Moon Jae-in, người lên nắm quyền năm ngoái với chính sách “bắt tay với Triều Tiên” và đã thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho tình trạng bế tắc liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Những diễn biến tích cực trong quan hệ liên Triều thời gian qua phần nào xuất phát từ việc nhà lãnh đạo Hàn Quốc kiên trì, khôn khéo theo đuổi chính sách bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Những diễn biến tích cực trong quan hệ liên Triều thời gian qua phần nào xuất phát từ việc nhà lãnh đạo Hàn Quốc kiên trì, khôn khéo theo đuổi chính sách bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thực hiện hòa giải, cùng thịnh vượng giữa hai miền. Với việc ấn định thời gian và địa điểm cụ thể cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới, có vẻ xu thế đối thoại và hòa giải giữa hai miền đang đưa mọi chuyện đi đúng hướng.

Sau thỏa thuận tại cuộc đối thoại cấp cao, bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đang được quan tâm đặc biệt, bởi việc tổ chức được cuộc gặp này cũng sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên, dự kiến vào tháng 5 tới.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố Seoul “sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng sẽ không có gì bị bỏ qua trong các bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh trong thời gian còn lại.” Tuy nhiên, dư luận vẫn tỏ ra thận trọng, đặc biệt khi có thông tin Triều Tiên bắt đầu hoạt động lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Yongbyon là địa điểm đặt cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng khẳng định đây là những cơ sở sản xuất điện, song Mỹ và nhiều nước nghi ngờ đây là các hoạt động sản xuất plutoni, vốn được dùng cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Việc tổ chức được cuộc gặp này cũng sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên, dự kiến vào tháng 5 tới.

Theo trang thediplomat, Chính phủ của ông Moon Jae-in nên giữ cách tiếp cận thận trọng và lạc quan trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Trong bối cảnh kinh tế Triều Tiên còn khó khăn và nhà lãnh đạo Triều Tiên đang chú trọng vấn đề an nình, thì một chiến lược thành công sẽ tận dụng được những vấn đề này.

Trang này cho rằng Hàn Quốc có thể khởi đầu bằng chương trình viện trợ thực phẩm thông qua Chương trình lương thực thế giới. Chính quyền Hàn Quốc có thể yêu cầu Triều Tiên thực hiện chính sách không gây hấn quân sự trong nhiều lĩnh vực, cũng như có những động thái cụ thể nhằm thể hiện sự chân thành về mong muốn phi hạt nhân hóa trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Moon Jae-in có thể khuyến khích nhà lãnh đạo Triều Tiên phi hạt nhân hóa để nhận được những thành quả quan trọng như mở lại khu công nghiệp Kaesong và nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Như vậy, Seoul sẽ không chỉ đáp ứng được lợi ích quốc gia trong việc nỗ lực duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên, mà còn thể hiện được vai trò trong việc thúc đẩy chính sách của Mỹ về phi hạt nhân hóa Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao.

Với những diễn biến tích cực trong quan hệ liên Triều, chuyên gia Vương Lâm Xương thuộc Hội Nghiên cứu bán đảo Triều Tiên, Hiệp hội Nghiên cứu châu Á (Trung Quốc) cho rằng “băng cứng đã được phá thủng, tuyến hàng hải đang được khơi thông”, đây sẽ là tiền đề thuận lợi để xu thế hòa giải tạo được những bước đột phá trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nếu các bên đều có thiện chí./.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) và Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên Ri Son-gwon tại cuộc đối thoại cấp cao liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom ngày 29/3. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) và Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên Ri Son-gwon tại cuộc đối thoại cấp cao liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom ngày 29/3. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Mekong

Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) được tổ chức từ ngày 29-31/3 tại Hà Nội.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài viết: “Mekong: Dòng sông hợp tác và phát triển.”

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của Thủ tướng.

Tiếp theo thành công của Hội nghị APEC 2017, bước vào năm mới 2018, chúng ta vinh dự là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 với sự tham gia của Lãnh đạo 6 nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Hội nghị cấp cao về Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) lần thứ 10, tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 30-31/3/2018. Đây là 2 sự kiện quốc tế đa phương quan trọng hàng đầu của nước ta trong năm nay.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đưa ra Sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Sáng kiến này đã nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN…

Điều rất vui mừng là sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự (đây là quy mô lớn tương đương với Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC năm 2017). Điều này thể hiện sự hứng khởi kinh doanh, niềm tin của các doanh nhân, nhà đầu tư vào các chính sách đổi mới, cởi mở, thông thoáng của các Chính phủ và các cơ hội kinh doanh thuận lợi đang mở ra trong khu vực GMS, CLV rất giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh châu Á đang nổi lên là một động lực tăng trưởng của toàn cầu trong thế kỷ 21.

Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 11 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tháng 12/2017. (Nguồn: TTXVN)
Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 11 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tháng 12/2017. (Nguồn: TTXVN)

Hợp tác Mekong-thúc đẩy kết nối khu vực

Khu vực Mekong bao gồm 5 quốc gia gắn kết bởi dòng sông Mekong là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Từ đầu những năm 1990 đến nay, trong xu thế khu vực hóa và trước nhu cầu đẩy mạnh liên kết kinh tế, hợp tác tại Mekong đã có sự chuyển mình to lớn. Nếu trong giai đoạn đầu, hợp tác Mekong chỉ tập trung trong nội bộ các nước ven sông thì đến nay mở rộng thêm nhiều cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong với các đối tác lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc… đã được thành lập. Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển xuất phát từ vị trí chiến lược cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ của khu vực này.

Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là cơ chế đầu tiên được thành lập ở khu vực vào năm 1992, bao gồm năm nước Mekong và Trung Quốc (với hai tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây) có mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước, đưa khu vực Mekong trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.

Một số cơ chế hợp tác khác cũng đã được thành lập như Hợp tác khu vực Tam giác Phát triển (TGPT) Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) giữa Thái Lan, Myanmar-Campuchia, Lào, Việt Nam, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ các nước Mekong hội nhập hơn vào kinh tế khu vực và tăng cường hợp tác trong ứng phó các thách thức chung. Trong các cơ chế này, hợp tác CLV được thành lập vào năm 1999 với mục tiêu tăng cường đoàn kết và hợp tác; đảm bảo an ninh, ổn định chính trị; xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam.

Các cơ chế hợp tác Mekong có đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển của khu vực

Các cơ chế hợp tác Mekong đã có đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển của khu vực. Các khuôn khổ hợp tác Mekong, thực chất là cơ chế phối hợp chính sách, là diễn đàn để các nước Mekong củng cố lòng tin, tăng cường đối thoại để cùng nhau xử lý các thách thức chung trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên mà nỗ lực riêng lẻ của từng nước hoặc hợp tác song phương không thể giải quyết được.

Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác Mekong, thông qua các chương trình, dự án cụ thể, cũng đóng góp thiết thực cho kết nối khu vực, thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế của các nước Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong quá trình này, các đối tác phát triển đã đóng vai trò quan trọng. Trong khuôn khổ hợp tác GMS, các quốc gia và các đối tác phát triển đã huy động khoảng 21 tỷ USD cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại sáu nước thành viên.

Nhật Bản đã hỗ trợ các nước Mekong khoảng 1.100 tỷ yen (khoảng 13 tỷ đôla Mỹ) giai đoạn 2009-2015, và đã giải ngân khoảng 2/3 khoản cam kết hỗ trợ 750 tỷ yen (khoảng 6,5 tỷ đôla Mỹ) cho giai đoạn 2016-2018. Hoa Kỳ đã tài trợ 50 triệu USD cho Sáng kiến Hạ nguồn Mekong giai đoạn 2013-2015 và cam kết tài trợ 1,25 triệu USD để khởi động Chương trình Đối tác cơ sở hạ tầng bền vững (SIP) giai đoạn 2016-2018.

Ấn Độ đóng góp thường niên 1 triệu USD vào Quỹ Dự án hiệu quả nhanh cho các nước CLMV và tiếp tục dành học bổng cho các nước Mekong. Hàn Quốc cam kết đóng góp mỗi năm 1 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mekong-Hàn Quốc và dự kiến sẽ tăng lên 2 triệu đô la Mỹ trong thời gian tới.

Vừa qua, Trung Quốc có kế hoạch sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ đôla Mỹ cho tiểu vùng, nhất là các dự án kết nối giao thông tuyến Bắc-Nam. Trung Quốc cũng cam kết đóng góp 300 triệu đô la Mỹ cho Quỹ đặc biệt hợp tác Mekong-Lan Thương cùng nhiều khoản vay ưu đãi và tín dụng bên mua.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Trong tổng thể chung, khu vực Mekong là “không gian an ninh và phát triển” trực tiếp của Việt Nam. Bên cạnh việc góp phần tạo dựng môi trường hòa bình thuận lợi ở khu vực, qua đó, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của Việt Nam, hợp tác Mekong cũng đang triển khai tại Việt Nam với nhiều lợi ích cụ thể.

Thứ nhất, các cơ chế hợp tác Mekong là kênh quan trọng giúp Việt Nam thu hút được nguồn lực từ các đối tác phát triển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng, liên kết vùng, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt ở các khu vực biên giới. Tính đến tháng 12/2017, riêng các dự án hợp tác hướng đến mục tiêu kết nối trong khuôn khổ GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ đôla (chiếm khoảng 30% tổng số các khoản huy động của GMS).

Những tên gọi quen thuộc như tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, hầm đường bộ Hải Vân, dự án nâng cấp cảng Đà Nẵng, cầu quốc tế Mekong thứ hai nối liền đường bộ từ Thái Lan-Lào-Việt Nam đi ra Biển Đông, Dự án Hành lang Côn Minh-Hải Phòng, Dự án đường cao tốc dài nhất Việt Nam Nội Bài-Lào Cai và rất nhiều chương trình, dự án khác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Mekong.

Hợp tác Mekong thúc đẩy liên kết kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực 

Thứ hai, hợp tác Mekong thúc đẩy liên kết kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Nhiều thỏa thuận hợp tác, quy hoạch phát triển chung quan trọng đã được ký kết, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên. Các chương trình hợp tác văn hóa, xã hội cũng đã giúp thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường sự hiểu biết, tình cảm và sự gắn bó của người dân ven sông.

Thứ ba, việc tham gia các khuôn khổ hợp tác Mekong giúp tạo thêm kênh đối thoại với các nước trong lưu vực sông Mekong và thu hút sự quan tâm, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các đối tác phát triển về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Bên cạnh kênh Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC), Việt Nam cũng phối hợp cùng các nước triển khai hợp tác bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước tại các khuôn khổ hợp tác Mekong khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp chuẩn bị Hội nghị GMS 6 và CLV 10. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp chuẩn bị Hội nghị GMS 6 và CLV 10. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Việt Nam – thành viên chủ động và tích cực

Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Mekong, Việt Nam đã và đang tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các khuôn khổ hợp tác Mekong, cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Có thể kể đến những đóng góp nổi bật của Việt Nam là:

Thứ nhất, trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Việt Nam đã tham gia các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ GMS, bao gồm Khung chiến lược hành động về thương mại và đầu tư (SFA-TFI) với nội dung chính là đơn giản hóa thủ tục hải quan, hài hòa quy định về tiêu chuẩn vệ sinh nhằm giảm thời gian kiểm tra tại các cửa khẩu, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ hậu cần (logistics) và đơn giản hóa thủ tục cấp visa cho thương nhân trong khu vực.

Bên cạnh hợp tác phát triển hạ tầng cứng, Việt Nam cũng cùng các nước tiểu vùng Mekong đã hoàn thành ký kết tất cả các nghị định thư, phụ lục của Hiệp định GMS nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển người, hàng hóa qua biên giới (Hiệp định CBTA-GMS); đồng thời đã ký bản ghi nhớ về triển khai “thu hoạch sớm” Hiệp định CBTA-GMS. Mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” đã được triển khai tại cặp cửa khẩu Lao Bảo-Đensavẳn giữa Việt Nam và Lào từ năm 2015. Hiện Việt Nam cũng đang đàm phán thực hiện thí điểm mô hình tại cặp cửa khẩu Mộc Bài-Bà Vẹt với Campuchia.

Việt Nam đã và đang tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các khuôn khổ hợp tác Mekong

Thứ hai, trong hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước trong các khuôn khổ hợp tác Mekong, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước thành viên MRC đàm phán và hoàn thành các quy định và thủ tục về chia sẻ số liệu, giám sát sử dụng nước hiện tại, thông báo và trao đổi ý kiến trước về sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mekong để cụ thể hóa Hiệp định Mekong và trách nhiệm của các nước thành viên trong việc bảo vệ nguồn nước sông Mekong.

Trong hợp tác ACMECS, Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng về việc thành lập nhóm công tác về môi trường, soạn thảo Kế hoạch hành động và đồng chủ trì nhóm công tác. Việt Nam cũng đóng vai trò chủ trì hợp tác về môi trường trong hợp tác Hạ nguồn Mekong-Hoa Kỳ; tham gia tích cực vào sáng kiến “Một thập kỷ Mekong Xanh” trong hợp tác Mekong-Nhật Bản.

Việt Nam cũng tham gia tích cực vào hợp tác nguồn nước trong cơ chế Mekong-Lan Thương. Trong GMS, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng Khuôn khổ chiến lược bảo vệ môi trường GMS; xây dựng hệ thống thông tin và giám sát môi trường; giảm đói nghèo và quản lý môi trường ở các vùng sâu, vùng xa, rừng đầu nguồn; quản lý, bảo vệ đất ngập mặn của hạ lưu sông Mekong và tăng cường thể chế, đào tạo về bảo vệ môi trường.

Từ đầu năm 2015, cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam)–Densavan (Savanakhet, Lào) là cặp cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam cũng như của 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mekong được chọn thí điểm thực hiện mô hình 'Một cửa, một lần dừng' theo Hiệp định GMS/CBTA về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa qua biên giới. (Nguồn: TTXVN)
Từ đầu năm 2015, cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam)–Densavan (Savanakhet, Lào) là cặp cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam cũng như của 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mekong được chọn thí điểm thực hiện mô hình ‘Một cửa, một lần dừng’ theo Hiệp định GMS/CBTA về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa qua biên giới. (Nguồn: TTXVN)

Thứ ba, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự các chương trình học bổng, đào tạo trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng trên nhiều lĩnh vực như quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng, thiết kế và thẩm định dự án, phát triển chính sách thương mại và quản lý giáo dục, lãnh đạo trong phát triển, v.v…

Việt Nam cũng tham gia xây dựng Khung chiến lược và Kế hoạch hành động Phát triển nguồn nhân lực GMS giai đoạn 2009-2012 và giai đoạn 2013-2017, với mục tiêu thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững, hỗ trợ triển khai các sáng kiến vùng về hợp tác nguồn nhân lực và xử lý các vấn đề xuyên biên giới về nhân lực giữa các nước GMS.

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tiếp nhận nhiều cán bộ, sinh viên từ Lào và Campuchia sang học tại trường Đại học Tây Nguyên và hỗ trợ xây dựng trường phổ thông nội trú tại tỉnh Sêkông (Lào) và Ratanakiri (Campuchia). Trong cơ chế CLMV, Việt Nam đã xây dựng quỹ học bổng CLMV nhằm cung cấp hàng năm hàng trăm suất học bổng cho ba nước Campuchia, Lào, Myanmar. Đây là một trong 58 dự án điểm đầu tiên được thực hiện và cũng là một trong những kết quả nổi bật của cơ chế hợp tác CLMV.

Các cơ chế hợp tác tại khu vực Mekong có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam

Thứ tư, không chỉ thụ hưởng, Việt Nam có nhiều đóng góp cho hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong dưới nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị/hội thảo, xây dựng các văn bản quan trọng, thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ tài chính. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8 (tháng 10/2016), Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 2, Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Nhật Bản lần thứ 3 và Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Hoa Kỳ lần 2 (2010) và đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 và Hội nghị Cấp cao CLV 10 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 29-31/3/2018 sắp tới.

Trong hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ cùng các nước thực hiện rà soát và xây dựng Quy hoạch lại Tam giác phát triển đến 2020, xây dựng trang mạng riêng của Tam giác phát triển bằng bốn thứ tiếng (Việt, Anh, Lào và Khmer); hỗ trợ Lào và Campuchia trong việc xây dựng một số tuyến đường chính liên kết các tỉnh biên giới, xây dựng chợ biên giới, trạm liên kiểm.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển của Lào và Campuchia hơn 100 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 3,8 tỷ USD, với phương châm hợp tác là kết hợp vốn, kỹ thuật và thị trường của Việt Nam với lao động và tiềm năng đất đai của Lào và Campuchia.

Các cơ chế hợp tác tại khu vực Mekong có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Với thế và lực được nâng cao cùng kinh nghiệm phát triển và hội nhập quốc tế được tích lũy gần 30 năm qua, Việt Nam có khả năng và điều kiện tốt hơn khi tham gia hợp tác Mekong, qua đó, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực./.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 25-28/3 đã có chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, đồng thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên ông Kim Jong-un gặp mặt dưới cương vị người đứng đầu nhà nước Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm của ông Kim Jong-un, nêu rõ đây là minh chứng cho thấy Triều Tiên đánh giá cao tầm quan trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết vì “tình đồng chí lẫn trách nhiệm” ông thấy rằng cần phải trực tiếp thông báo tình hình bán đảo Triều Tiên với Chủ tịch Trung Quốc.

Việc ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh là một bước ngoặt bất ngờ song có thể dự đoán trước

Ông Kim Jong-un khẳng định tình hình bán đảo Triều Tiên đang diễn biến tốt bởi Bình Nhưỡng đã chủ động giảm căng thẳng với đề xuất đàm phán hòa bình, xác nhận rằng ông sẵn sàng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời nêu rõ vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết, nếu Hàn Quốc và Mỹ thể hiện thiện chí, đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ và tiến bộ nhằm kiến tạo hòa bình.

Tiếp theo những động thái “chìa cành ôliu” bất ngờ của Bình Nhưỡng gần đây, việc ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh là một bước ngoặt bất ngờ song có thể dự đoán trước, bởi không thể phủ nhận ảnh hưởng rất đáng kể của Trung Quốc với Triều Tiên, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế, khi đây là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm tới 92,5% ngoại thương của nước này trong năm 2016.

Theo tạp chí Time, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc ngay trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump lần lượt diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 tới, có thể “hâm nóng” mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, vốn được cho là lạnh nhạt thời gian qua, nhất là sau khi Trung Quốc liên tục ủng hộ các nghị quyết của Liên hợp quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Lực lượng an ninh Trung Quốc phong tỏa lối vào nhà khách Điếu Ngư Đài tại Bắc Kinh ngày 27/3. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Lực lượng an ninh Trung Quốc phong tỏa lối vào nhà khách Điếu Ngư Đài tại Bắc Kinh ngày 27/3. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Trung Quốc đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng bất chấp những tin đồn trái ngược, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn là những đồng minh thân cận của nhau và ông Kim Jong-un muốn có được sự ủng hộ từ phía Bắc Kinh trước các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều và Mỹ-Triều sắp tới.

Bên cạnh đó, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên công du nước ngoài và gặp Chủ tịch Trung Quốc, dường như cũng cho thấy Bình Nhưỡng đang muốn “cởi mở” hơn và sẵn sàng cho đối thoại. Đây có thể coi là một chuyển động tích cực nữa sau một loạt những diễn biến hòa giải trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua.

Theo Giáo sư Bates Gill thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương (Đại học Quốc gia Australia), chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un rất muốn có sự sát cánh của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giáo sư Gill nhận định việc ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ rằng Trung Quốc sẵn sàng dành sự ủng hộ, ít nhất là về mặt chính trị, cho Triều Tiên.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Chu Thần Minh cho rằng quyết định chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm bác bỏ các đồn đoán cho rằng Triều Tiên vì muốn “xích lại” với Mỹ mà “bỏ rơi” Bắc Kinh.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un nhằm bác bỏ các đồn đoán cho rằng Triều Tiên vì muốn “xích lại” với Mỹ mà “bỏ rơi” Bắc Kinh (Chuyên gia Chu Thần Minh) 

Ông Chu Thần Minh khẳng định “chuyến thăm này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và các cuộc tiếp xúc cấp cao” sau khi Trung Quốc buộc phải ủng hộ và thực hiện những biện pháp trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt với Triều Tiên liên quan các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của nước này.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn lợi dụng tình hình Mỹ-Trung đang gia tăng căng thẳng trong thương mại để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên phụ thuộc tới 90% vào thị trường Trung Quốc, nhưng hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế. Do đó, đối với Triều Tiên hiện nay, việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc đang trở lên cấp bách, thậm chí hơn cả việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Ông Benoit Hardy-Chartrand, giảng viên trường Đại học Montreal (Canada) cũng đồng tình rằng việc tiến hành cuộc gặp Trung-Triều ngay trước thềm thượng đỉnh Hàn-Triều và Mỹ-Triều sẽ đem lại lợi ích cho cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Theo ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã nhân dịp này yêu cầu Bắc Kinh giảm bớt một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, hoặc thậm chí đề xuất Bắc Kinh ủng hộ một số yêu cầu mà Bình Nhưỡng sắp đưa ra với Mỹ (như giảm bớt số binh lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc). Được Trung Quốc ủng hộ, những đòi hỏi này chắc chắn sẽ có “sức nặng” hơn với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đã hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. (Nguồn: THX/TTXVN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đã hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Về phía Trung Quốc, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên được coi là “lời khẳng định” rằng Bắc Kinh vẫn có vai trò rất lớn trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc vốn được coi là nhà trung gian có vai trò chủ chốt trên bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, dù vòng đàm phán này đã bị đình trệ từ lâu.

Kể từ khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng trong 2 năm trở lại đây, Trung Quốc vẫn can dự khá tích cực vào việc tìm hướng giải quyết thông qua việc đề xuất sáng kiến “hai tạm dừng,” trong đó Triều Tiên tạm dừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, còn Mỹ và Hàn Quốc tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung.

Với vị trí và ảnh hưởng ở Đông Bắc Á cũng như mối quan hệ sẵn có với Triều Tiên, mọi kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều khó thực hiện nếu thiếu sự hợp tác của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng có lợi ích to lớn trong việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trước hết là trên khía cạnh kinh tế và an ninh.

Cuộc gặp Trung-Triều lần này là một diễn biến rất đáng chú ý cho thấy những biến chuyển trong chính sách của Bình Nhưỡng

Đối với các bên tham gia vòng đàm phán 6 bên, cuộc gặp Trung-Triều lần này là một diễn biến rất đáng chú ý cho thấy những biến chuyển trong chính sách của Bình Nhưỡng. Các chính đảng của Hàn Quốc đã bày tỏ cả hy vọng lẫn thận trọng đối với sự kiện này, song coi đây là một “yếu tố tích cực” trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới.

Từ Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 28/3 cho biết Mỹ đánh giá diễn biến mới nhất trên như một bằng chứng cho thấy chiến dịch gây sức ép tối đa của nước này và các nước đồng minh “đang tạo ra bầu không khí đối thoại phù hợp với Bình Nhưỡng.”

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên, là bước quan trọng góp phần củng cố xu hướng tích cực trong vấn đề bán đảo Triều Tiên thời gian qua. Thủ tướng Nhật Bản thì nhắc lại tầm quan trọng của việc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân sau cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên.

Một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thuộc Trường Đại học Sejong của Hàn Quốc thì lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố, Bắc Kinh sẽ tiến hành hội đàm thượng đỉnh Trung-Triều với điều kiện Bình Nhưỡng phải từ bỏ hạt nhân. Do vậy, theo chuyên gia này, ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình chính là động thái chứng tỏ một cách rõ ràng nhất về thiện chí từ bỏ hạt nhân của Bình Nhưỡng, và đây cũng là việc mà các nước Mỹ-Nhật-Hàn cần hoan nghênh và ủng hộ./.

Cây cầu Hữu nghị Trung-Triều (trái) nối thị trấn Sinuiju của Triều Tiên với thành phố Đan Đông của Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cây cầu Hữu nghị Trung-Triều (trái) nối thị trấn Sinuiju của Triều Tiên với thành phố Đan Đông của Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuba kiên định trên con đường đã chọn

Với diện tích, quy mô dân số và nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn, Cuba chưa bao giờ được xếp vào hàng các cường quốc kinh tế hay sức mạnh vật chất nói chung tại Mỹ Latinh và Caribe.

Thế nhưng, trong bất kỳ phân tích tổng kết nào về khu vực này trong vài thập niên qua, dù thiên về cảm tính hay mang tính lý luận khoa học và theo bất cứ quan điểm chính trị nào, đảo quốc Caribe này vẫn luôn là một tham chiếu không thể bỏ qua.

“Ngọn hải đăng” của phong trào tiến bộ Mỹ Latinh

Cuba trở thành “ngọn hải đăng” của phong trào tiến bộ Mỹ Latinh không bằng việc chinh phục các miền đất hay các nền kinh tế, mà bằng việc chinh phục trái tim của những con người khát khao độc lập, tự chủ, tự do chân chính và những giá trị nhân văn nhất.

Sức lôi cuốn của Cách mạng Cuba không chỉ đến từ những hình ảnh hào hùng và lãng mạn của “những chàng râu xồm” (danh xưng thân mật để chỉ các nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng 1959 tại Cuba, khi đó đều còn khá trẻ và đa phần mang râu quai nón) đã vùng lên, kiên cường đối chọi với những thế lực giàu mạnh hơn mình gấp nhiều lần để bảo vệ quyền được tự lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình, mà còn từ những thành tựu vĩ đại mà chính con đường phát triển đó mang lại cho đất nước và người dân Cuba.

(Nguồn: sputniknews.com)
(Nguồn: sputniknews.com)

Những thành quả về giáo dục và y tế của Cuba vừa có tầm rộng vừa có chiều sâu.

Về giáo dục, chỉ trong vòng gần 3 năm, cách mạng đã thanh toán hoàn toàn nạn mù chữ từng ảnh hưởng tới hơn nửa dân số Cuba trước cách mạng và sau đó mở rộng mạng lưới giáo dục cơ sở trên cả nước, đảm bảo quyền và nghĩa vụ đến trường của tất cả trẻ em, song song với đó là phát triển giáo dục bậc cao, đưa Cuba thuộc về các nước hàng đầu không chỉ tại Mỹ Latinh mà còn cả ở cấp độ toàn cầu về tỷ lệ học sinh tới trường (94%), tỷ lệ tốt nghiệp đại học hay có bằng thạc sỹ, tiến sỹ (11,1% dân số), với một số ngành có trình độ tiên tiến hàng đầu thế giới, điển hình như công nghệ sinh học.

Mọi dịch vụ giáo dục và y tế của Cuba, từ học mẫu giáo cho tới cấp bậc tiến sỹ, từ việc tiêm chủng mở rộng cho tới các phẫu thuật phức tạp về tim, thận v.v…, đều hoàn toàn miễn phí.

Tương tự, với chiến lược có tầm nhìn và những bước đi dứt khoát, Cuba đã xây dựng được một hệ thống y tế nhiều tầng cấp, từ các phòng khám bác sĩ gia đình ở từng khu phố, từng ngôi làng, cho tới các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, nhờ đó đã đạt được những kỳ tích chăm sóc sức khỏe, như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới (dưới 0,4%), là nước đầu tiên trên thế giới xóa bỏ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (năm 2015), là nhà tiên phong trong nhiều phương pháp và sản phẩm điều trị ung thư, v.v…

Khó có thể tóm tắt hết những thành tựu y tế và giáo dục của Cuba trong hơn 5 thập niên qua chỉ trong 1 bài viết, nhưng tựu chung lại, có thể nói rằng cách mạng đã giúp người dân Cuba được hưởng những dịch vụ này với chất lượng tương đương với các nước phát triển tiên tiến, chỉ với một khác biệt “nho nhỏ:” mọi dịch vụ giáo dục và y tế của Cuba, từ học mẫu giáo cho tới cấp bậc tiến sỹ, từ việc tiêm chủng mở rộng cho tới các phẫu thuật phức tạp về tim, thận v.v…, đều hoàn toàn miễn phí.

Một giờ học thực hành tại một trường y khoa ở Havana. (Nguồn: AFP)
Một giờ học thực hành tại một trường y khoa ở Havana. (Nguồn: AFP)

Đó là chưa kể tới những thành tích cũng rực rỡ không kém trong phát triển văn hóa, nghệ thuật và thể thao (77 huy chương vàng trong 20 kỳ Olympics đã dự, trong đó 72 huy chương vàng từ năm 1972 tới nay).

Tại một khu vực vẫn đang nhức nhối hàng ngày với chênh lệch giàu nghèo, bạo lực xã hội và buôn bán ma túy, cách mạng Cuba – với cả những thắng lợi lẫn vấp váp của mình – vẫn luôn đảm bảo cho người dân nước mình quyền bình đẳng phát triển khả năng cá nhân trong một môi trường hoàn toàn bình yên, không có các băng đảng tội phạm, các “biệt đội tử thần”, các khu ổ chuột, các “vùng cấm an ninh” hay “lãnh địa của ma túy.” Đó chính là những quyền con người mà cách mạng Cuba theo đuổi.

Một dân tộc không bao giờ e ngại mở cửa trái tim mình

Và Cuba chinh phục trái tim của những con người tiến bộ thuộc nhiều thế hệ và tại nhiều quốc gia chính bởi vì đây là “một dân tộc không bao giờ e ngại mở cửa trái tim mình,” như lời của ca khúc đang thịnh hành “Cuba es música vital” (Cuba, bản nhạc sống): đảo quốc nhỏ bé này là “nhà vô địch” thế giới về việc cử các đoàn cứu trợ y tế tới các nơi chịu thảm họa, thiên tai trên thế giới (đoàn y tế tình nguyện Henry Reeve của Cuba đã thực hiện hơn 200 chiến dịch quốc tế từ năm 1960 tới nay).

Đoàn bác sỹ Cuba đến  Sierra Leone hỗ trợ phòng chống dịch Ebola, tháng 10/2014. (Nguồn: AFP)
Đoàn bác sỹ Cuba đến  Sierra Leone hỗ trợ phòng chống dịch Ebola, tháng 10/2014. (Nguồn: AFP)

Từ sóng thần tại Chile, động đất tại Nepal tới dịch tả tại Haiti, dịch Ebola tại Tây Phi…, nơi đâu các bác sỹ, y tá Cuba cũng sẵn sàng đứng lên tuyến đầu, đến với những người cần sự trợ giúp nhất; hay chỉ với riêng giáo trình xóa nạn mù chữ “Yo sí puedo” (Tôi có thể) – được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đánh giá rất cao – các giáo viên Cuba đã giúp cho hơn 10 triệu người học đọc học viết tại hơn 30 quốc gia, chủ yếu là tại các vùng rừng núi hẻo lánh, lạc hậu, nơi mà ngay cả các giáo viên bản địa nhiều khi cũng phải “ngán ngẩm.”

Có thể nói công trình kỳ vĩ nhất mà cách mạng Cuba xây dựng nên chính là “con người cách mạng mới” mà Người du kích anh hùng “Che” Guevara từng mong mỏi lúc sinh thời.

Đối với những người từng có thời gian sống và chia sẻ với người dân của “hòn đảo tự do,” người dân nơi đây có một khí chất đặc biệt không thể nhầm lẫn cho dù có gặp lại nơi đâu trên thế giới: đó là sự tổng hòa của nhiệt huyết và nét tươi vui đặc trưng Mỹ Latinh, sự giản dị, tính thân thiện, khả năng sáng tạo, lòng hào hiệp trượng nghĩa cùng bản lĩnh và sự tự tin.

Người Cuba thường nói rằng họ có thể chịu đựng và vượt qua khó khăn vì họ biết gây cười ngay cả với chính khó khăn của mình.

Những sinh viên nước ngoài tới học tập tại Cuba trong những ngày đầu thường ngạc nhiên trước lòng tốt tới “giật mình” của người dân Cuba: một người chỉ đường có thể đi thêm vài trăm mét để dẫn người hỏi tới đúng một địa chỉ khó vì sợ người kia bị lạc, một giáo viên sẵn sàng dành thêm vài giờ giảng riêng để một học sinh chưa thạo ngôn ngữ hiểu bài hơn, một người phụ nữ sẵn sàng giúp người mới quen công việc may vá, nội trợ…; tất cả đều không bao giờ đòi hỏi gì đổi lại.

Nhưng lòng tốt của người Cuba không hề đồng nghĩa với sự dễ dãi, cũng như tính chân thật của họ không phải là do “ngốc nghếch,” mà xuất phát từ nền giáo dục và niềm tin vào những giá trị, nguyên tắc mà họ rất cương quyết bảo vệ khi cần.

“Cuba không cho đi những gì mình thừa thãi, mà chia sẻ với bạn bè những gì mình có.” (Lãnh tụ cách mạng Fidel Castro)

Sẽ là không thực tế nếu nói về Cuba mà không nhắc tới những khó khăn to lớn của nền kinh tế hay những thiếu thốn mà người dân đảo quốc Caribe này phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng sẽ càng phiến diện và lệch lạc hơn nếu nói tới những khó khăn, thiếu thốn đó mà bỏ qua thực tiễn của cuộc bao vây, cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính phi lý và ngặt nghèo mà Mỹ đã áp đặt lên Cuba trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, một kỷ lục trong lịch sử thế giới thời hiện đại.

Hiểu được những khó khăn và thiếu thốn đó, người ta sẽ thấy lòng hào hiệp của dân tộc Cuba càng đáng khâm phục hơn, đúng như tinh thần mà lãnh tụ cách mạng Fidel Castro đã tổng kết: “Cuba không cho đi những gì mình thừa thãi, mà chia sẻ với bạn bè những gì mình có.”

Người Cuba đoàn kết, đồng lòng đối mặt với thách thức

2018 là năm có nhiều thách thức với Cuba trong bối cảnh quốc tế ít thuận lợi hơn khi nhiều chính phủ cánh tả thân thiện trong khu vực đang đối diện khó khăn nội bộ và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo chiều chính sách phá băng quan hệ với Cuba, từng được người tiền nhiệm Barack Obama theo đuổi.

Trong khi đó, nhiều nhiệm vụ của công cuộc Cập nhật mô hình phát triển kinh tế-xã hội còn dang dở: từ tiến hành những điều chỉnh lập pháp phù hợp với thực tiễn mới, mở rộng phân cấp quản lý hành chính, giải quyết vấn đề năng suất– lương và giải phóng sức lao động, nâng cấp hệ thống dịch vụ xã hội cho tới thống nhất hai đồng tiền, định hình hành lang pháp lý cho thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy nhanh tốc độ thông qua các dự án đầu tư nước ngoài v.v… Đồng thời, đây cũng là năm dự kiến có sự thay đổi một số cương vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước trong đợt bầu chọn các thành viên Hội đồng Nhà nước vào phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa VII vào tháng 4 tới.

(Nguồn: sun-sentinel.com)
(Nguồn: sun-sentinel.com)

Nhưng trước mỗi khó khăn thách thức, người Cuba luôn thể hiện được tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và phẩm chất tốt đẹp của mình, đơn cử như khi đối mặt với siêu bão Irma trong tháng 9 vừa qua: trong số 1,7 triệu người phải sơ tán do cơn bão tác động tới 12/15 tỉnh thành của Cuba này, có tới gần 80% đã cư trú tạm thời tại nhà người thân, bạn bè hay láng giềng tình nguyện tiếp đón (dù nhà nước vẫn đảm bảo đủ cơ sở sơ tán) mà không có bất cứ làn sóng bạo lực hay tệ nạn nào diễn ra; và chỉ trong 2 tuần, Cuba đã đưa hoạt động xã hội trở về mức bình thường, đa phần là nhờ các hoạt động lao động tình nguyện của người dân.

Không ai có thể nghi ngờ những giá trị to lớn mà con đường cách mạng của Cuba đã mang lại, và càng không thể nghi ngờ việc chỉ có chính người dân Cuba mới có quyền điều chỉnh và hoàn thiện mô hình phát triển của mình, quyền mà họ đã giành được và kiên cường bảo vệ trong suốt hơn 5 thập niên qua.

Và chắc chắn rằng những thế hệ kế tiếp của Cuba, với trí tuệ được nhà cách mạng José Martí soi sáng, bản lĩnh được lãnh tụ Fidel Castro tôi luyện và nụ cười luôn trên môi, sẽ tự tin tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa mà mình đã lựa chọn.

Căng thẳng Nga-phương Tây:

Mối quan hệ vốn chưa bao giờ êm ả giữa Nga với phương Tây đã bị đẩy lên nấc căng thẳng cực điểm khi Mỹ, Canada, Australia cùng trên một nửa số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga để “bày tỏ tình đoàn kết” với London liên quan vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh.

Tính đến ngày 27/3, ít nhất 24 nước đã tuyên bố trục xuất trên 130 nhà ngoại giao Nga, trong đó riêng Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao, kể cả những người làm việc tại Phái đoàn đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc.

Riêng tại châu Âu, ngoài Anh, có 16/28 thành viên EU, gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Litva, Đan Mạch, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha, Estonia, Croatia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Romania, Thụy Điển và 4 nước ngoài khối là Albania, Ukraine, Na Uy, Macedonia tuyên bố tham gia “hành động trừng phạt tập thể” này.

Vụ trục xuất nhà ngoại giao ồ ạt này được coi là cuộc chiến ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Ảnh tư liệu: Cựu điệp viên Sergei Skripal trong phiên xét xử tại tòa án quân sự ở Moskva ngày 9/8/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Cựu điệp viên Sergei Skripal trong phiên xét xử tại tòa án quân sự ở Moskva ngày 9/8/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nga đã chỉ trích việc Anh lôi kéo các nước EU, thuyết phục các đồng minh có những bước đi “mù quáng” và mang tính đối đầu với Moskva bởi trên thực tế London không đưa ra bằng chứng rõ ràng và xác thực nào cho thấy Moskva có liên quan tới vụ việc.

Ngoại trưởng Nga tuyên bố nhiều nước EU đã chịu sức ép của Mỹ trong sự việc này. Phía Nga thậm chí cho rằng phương Tây cố tình che giấu điều gì khi đại sứ quán Mỹ và Anh ở Moskva không cung cấp cho Nga thông tin từ tài liệu về vụ đầu độc cựu điệp viên, cũng không tham dự buổi thảo luận công khai với Nga để làm rõ về vụ việc, không hồi đáp đề nghị của Nga hợp tác điều tra.

Ngoại trưởng Nga tuyên bố nhiều nước EU đã chịu sức ép của Mỹ trong việc trục xuất các nhà ngoại giao nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova còn nhấn mạnh Mỹ và các nước EU đã “công bố tình trạng chiến tranh mới” khi thể hiện “sự hiếu chiến và đối đầu” nhằm vào Nga đúng vào thời điểm toàn thể nhân dân Nga đang trải qua ngày đau thương của thảm kịch hỏa hoạn ở Kemerovo.

Phía Nga ngay lập tức khẳng định sẽ có những hành động đáp trả tương xứng đối với từng nước cụ thể, trên nguyên tắc “có đi có lại”, tương tự như việc Moskva đã trục xuất 23 nhà ngọai giao Anh sau khi London trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga hồi đầu tháng 3.

Một số nhà phân tích cho rằng quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga cho thấy một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao đối với Thủ tướng Anh, bất chấp thực tế khá căng thẳng giữa Anh với các đối tác EU liên quan tiến trình London rút khỏi EU (Brexit).

Cảnh sát Anh thu thập các bằng chứng sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury ngày 16/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Anh thu thập các bằng chứng sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury ngày 16/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhà khoa học chính trị Jan Techau thuộc Quỹ Marshall của Mỹ, trụ sở tại Berlin (Đức), cho rằng cách phản ứng đồng loạt của các đồng minh của Anh nhằm vào Nga cho thấy nhu cầu tiếp tục hợp tác về an ninh chung mà không quan tâm tới tiến trình Brexit.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng “sự đoàn kết bất ngờ” của EU và Mỹ với Anh, được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc cử để tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 6 năm nữa, thực chất chỉ là đỉnh điểm của những bất đồng đã tích tụ từ lâu giữa Nga và phương Tây suốt 1 thập niên qua.

Theo giáo sư Thornike Gordadze thuộc Đại học Sciences Po, chuyên gia khu vực và là cố vấn tại Viện Nghiên cứu cao cấp quốc phòng (IHEDN) của Pháp, sau sự hồi sinh của nước Nga kể từ khi ông Putin lên nắm quyền, những diễn biến như bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hay Moskva ủng hộ mạnh mẽ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad… đã khiến mối quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi.

 “Cái gai” thực sự trong quan hệ giữa Nga và phương Tây không phải là vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh. 

Đối với Mỹ và đồng minh, từ Đông sang Tây, Moskva đang gia tăng các hoạt động được xem là “gây tổn hại” tới các lợi ích của phương Tây, với mục đích khôi phục “quyền lực” của Nga và làm suy yếu các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của phương Tây.

Nói cách khác, “cái gai” thực sự trong quan hệ giữa Nga và phương Tây không phải là vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh.

Những quyết định đã được đưa ra nhưng hậu quả lâu dài của nó thì còn lơ lửng phía trước và thực tế chưa biết chiều hướng vụ việc sẽ đi đến đâu sau các động thái đáp trả lẫn nhau vì một tuyên bố mà cả bên cáo buộc và bên hưởng ứng chưa đưa ra một bằng chứng rõ ràng nào để chứng minh.

Đại sứ quán Nga tại Paris, Pháp. Pháp cho biết sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga trong vòng 1 tuần. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đại sứ quán Nga tại Paris, Pháp. Pháp cho biết sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga trong vòng 1 tuần. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhiều chuyên gia cho rằng “cú đòn ngoại giao” của các nước phương Tây chống Nga có thể gây nên cuộc leo thang căng thẳng tiếp theo giữa Nga và phương Tây.

Theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ Richard N. Haass, căng thẳng gia tăng giữa Anh và Nga là một bằng chứng nữa cho thấy Nga và phương Tây đã bước vào cuộc “Chiến tranh Lạnh lần thứ 2.”

Chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Maxim Suchkov cho rằng động thái này “sẽ siết chặt đối đầu” và dẫn đến loạt các “biện pháp phản đòn.”

Tuy nhiên, Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Chính trị thế giới tại Trường cao học Kinh tế ở Moskva, ông Sergei Karaganov lại cho rằng mối quan hệ Nga-phương Tây hiện nay thực sự còn tồi tệ hơn cả thời Chiến tranh Lạnh, song điều đó không có nghĩa là những căng thẳng này sẽ dẫn tới một kết cục bi thảm.

Bất chấp những mâu thuẫn và chia rẽ, Nga và phương Tây luôn có mối ràng buộc về những vấn đề chính trị, kinh tế hay an ninh. Tại châu Âu, Nga vẫn là một đối tác quan trọng trên cả góc độ kinh tế lẫn an ninh.

Giới phân tích cho rằng dù tham gia “cú đòn ngoại giao tập thể” nhằm vào Moskva, song lợi ích kinh tế sẽ buộc các nước EU phải cân nhắc về dài hạn, đặc biệt khi châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. 

Cuộc chiến ngoại giao, nếu đổi thành cuộc chiến thương mại hay kinh tế, sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường với cả hai bên. Giới phân tích cho rằng dù tham gia “cú đòn ngoại giao tập thể” nhằm vào Moskva, song lợi ích kinh tế sẽ buộc các nước EU phải cân nhắc về dài hạn, đặc biệt khi châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Đức từng tuyên bố “Dòng chảy phương Bắc-2”, dự án vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, không liên quan gì đến vụ “Skripal-gate.”

Áo, đất nước rất quan tâm đến khí đốt Nga thì nói thẳng: “Áo sẽ không thi hành biện pháp nào, sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao” vì cả Anh lẫn Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đều không chứng minh được mối liên hệ giữa Nga với vụ đầu độc.

Với Mỹ, một mặt áp dụng các biện pháp ngoại giao với Nga, mặt khác cũng khẳng định mong muốn đối thoại với Nga về các vấn đề cùng quan tâm. Có vẻ khi cái giá phải trả cho “tình đoàn kết với Anh” là hóa đơn mà các bên liên quan phải thanh toán, thì mọi chuyện đều sẽ nằm trong giới hạn.

Đại sứ quán Nga tại London, Anh ngày 14/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đại sứ quán Nga tại London, Anh ngày 14/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Ai Cập

Ngày 26/3, cử tri Ai Cập đã đi bỏ phiếu để bầu ra người đứng đầu nhà nước cho nhiệm kỳ 4 năm tới. Đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi được dự đoán gần như chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc đua song mã không cân sức với đối thủ duy nhất, Chủ tịch đảng al-Ghad, ông Moussa Mostafa Moussa, một chính trị gia ít tên tuổi.

Chiến thắng được cho là “trong tầm tay” của đương kim Tổng thống El-Sisi là có cơ sở bởi trong gần 4 năm cầm quyền vừa qua, ông El-Sisi đã đưa đất nước Kim tự tháp thoát khỏi vòng xoáy bạo lực và tránh xung đột dai dẳng như ở Syria, Yemen hay Libya, cũng như dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do bất ổn chính trị và an ninh, đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế.

“Cuộc bầu cử lần này chỉ là một sự nhắc lại về niềm tin của người dân Ai Cập đối với Tổng thống El-Sisi” (Giảng viên Gamal Salama)

Trong suốt chiến dịch tranh cử, các băngrôn và biểu ngữ bày tỏ ủng hộ ông El-Sisi xuất hiện khắp mọi nơi trên các đường phố, quảng trường, các tòa nhà, cửa hiệu, bến tàu và cầu cảng lớn ở Ai Cập.

Một chiến dịch không chính thức ủng hộ Tổng thống El-Sisi với tên gọi “Bạn có thể xây dựng Ai Cập theo cách đó,” do một số chính trị gia và nhà lập pháp phát động hồi tháng 12/2017, cho biết đã thu thập được hơn 12 triệu chữ ký từ người dân Ai Cập ủng hộ ông El-Sisi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Giảng viên Gamal Salama, Chủ nhiệm khoa Chính trị học thuộc Đại học Suez nhận định cuộc bầu cử lần này chỉ là một sự nhắc lại về niềm tin của người dân Ai Cập đối với Tổng thống El-Sisi.

Tuy nhiên, tình hình trong nước và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay cũng báo hiệu ông El-Sisi sẽ có một nhiệm kỳ không êm ả với nhiều thách thức lớn nếu thắng cử.

Cử tri Ai Cập bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Cairo, ngày 26/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cử tri Ai Cập bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Cairo, ngày 26/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có thể thấy, an ninh vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo mới của Ai Cập, bất chấp Chiến dịch Sinai 2018 – một chiến dịch quy mô lớn nhằm truy quét các tổ chức khủng bố và tội phạm ở bán đảo Sinai và nhiều nơi trên khắp đất nước, đang được triển khai rầm rộ. Cuộc chiến chống khủng bố do Tổng thống đương nhiệm El-Sisi phát động đã bước đầu mang lại những kết quả khả quan nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình an ninh trong nước, giữa lúc làn sóng tấn công của các nhóm khủng bố ngày một gia tăng, gây thương vong lớn cho lực lượng an ninh và dân thường.

Kể từ tháng 4/2017, Chính phủ Ai Cập đã phải 3 lần gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp trong nước. Thậm chí, chỉ 2 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập, một ô tô chở bom đã đâm vào một đoàn xe hộ tống chỉ huy an ninh tỉnh duyên hải miền Bắc Alexandria, khiến 2 cảnh sát thiệt mạng và ít nhất 4 cảnh sát bị thương.

Ngoài tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thường xuyên nhận gây ra các vụ tấn công đẫm máy với đe dọa “trả đũa các hoạt động trấn áp của chính quyền,” Ai Cập cũng đứng trước mối đe dọa khủng bố từ một số tổ chức cực đoan khác, trong đó nổi bật có nhóm Hasm có quan hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo.

Khi cuộc bầu cử đang đến gần, Hasm càng gia tăng các vụ tấn công liều lĩnh, thậm chí ở ngay thủ đô Cairo. Mục tiêu của Hasm là phá hoại các thành tựu mà chính quyền Tổng thống Sisi đã đạt được sau nhiều năm bất ổn, phá hoại nền hòa bình và an ninh, cũng như gây chia rẽ đoàn kết giữa cộng đồng người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Ai Cập.

Băngrôn ủng hộ ông El-Sisi. (Nguồn: AFP)
Băngrôn ủng hộ ông El-Sisi. (Nguồn: AFP)

Đặc biệt, hàng trăm công dân Ai Cập, được cho là đã tới các nước Syria, Libya và Iraq để tham gia các nhóm thánh chiến khác nhau, trong đó có IS tự xưng, nay trở về Ai Cập, cũng đang là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với quốc gia Bắc Phi này.

Nhà phân tích Ai Cập Nabil Naeem, chuyên gia về các nhóm thánh chiến khu vực, nhận xét: “Với kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm tại các nước bất ổn này, chúng có thể là mối đe dọa hữu hình đối với an ninh của Ai Cập.”

Theo chuyên gia này, vấn đề hiện nay là hầu hết các chiến binh trở về nước từ những quốc gia bất ổn đều không có hồ sơ phạm tội ở Ai Cập. Đó là lý do tại sao các cơ quan an ninh khó có thể nhận ra chúng một khi chúng trở về nước, đặc biệt nếu chúng thâm nhập vào Ai Cập một cách bí mật hoặc trở về từ một nước không có biên giới chung với các quốc gia bất ổn nói trên.

Bên cạnh thách thức về an ninh, Tổng thống Ai Cập cũng sẽ phải đương đầu với những lo toan trong điều hành nền kinh tế

Bên cạnh thách thức về an ninh, Tổng thống Ai Cập cũng sẽ phải đương đầu với những lo toan trong điều hành nền kinh tế. Trong gần 4 năm qua, không thể phủ nhận ông El-Sisi đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc đưa kinh tế Ai Cập thoát khỏi giai đoạn dài ảm đạm do tác động của làn sóng “Mùa Xuân Arab.”

Một loạt lĩnh vực chủ chốt như xuất khẩu, doanh thu của kênh đào Suez, du lịch… cải thiện đáng kể, trong khi thâm hụt ngân sách giảm. Tuy nhiên, các chính sách cải cách kinh tế, trong đó có việc lần đầu tiên áp thuế VAT, tăng mạnh giá điện, và cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội, đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của không chỉ người thu nhập thấp mà cả tầng lớp trung lưu.

Các biện pháp kinh tế khắc khổ đã khiến lạm phát leo thang, đẩy giá cả hàng hóa lên cao, khiến những người sống dưới chuẩn nghèo (chiếm hơn 25% dân số Ai Cập) rơi vào cảnh khốn cùng, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao.

Lực lượng an ninh Ai Cập gác tại quảng trường ở Giza. (Nguồn:THX/TTXVN)
Lực lượng an ninh Ai Cập gác tại quảng trường ở Giza. (Nguồn:THX/TTXVN)

Ngoài ra, chính phủ Ai Cập cũng đang chìm trong “bong bóng” nợ nước ngoài hiện đã lên tới 79 tỷ USD và đang ngày càng phình to. Vấn đề giảm tỉ lệ đói nghèo và nâng cao mức sống người dân, đồng thời tạo việc làm, đặc biệt tại những khu vực bất ổn như bán đảo Sinai đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong khi đó, an ninh bất ổn vẫn khiến giới đầu tư quốc tế lo ngại khi đến tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Ai Cập.

Tốc độ tăng trưởng dân số “quá nóng” cũng là bài toán khó ở Ai Cập hiện nay. Số liệu thống kê của Chính phủ Ai Cập cho thấy dân số nước này đã tăng vọt từ 99 triệu người vào tháng 6/2016, lên mức 101 triệu người hiện nay, trong đó 8 triệu người đang sinh sống ở nước ngoài. Giới chức Ai Cập cảnh báo việc dân số gia tăng nhanh chóng sẽ cản trở các kế hoạch phát triển của nước này, đặt ra thách thức trong việc bảo đảm để mọi người dân được tiếp cận với nền giáo dục, các cơ hội về việc làm và dịch vụ y tế.

Với trọng trách nặng nề hiện nay, người đứng đầu của đất nước Kim tự tháp sẽ phải tiến hành một cuộc cải cách đáng kể.

Giới chuyên gia nhận định rằng nhiều vấn đề nội tại chưa được giải quyết, cùng với đó là sự bất mãn của một bộ phận dân chúng về các chính sách kinh tế và những giải pháp an ninh hiện nay, cũng tạo ra nguy cơ đẩy xã hội Ai Cập vào tình trạng bất ổn, thậm chí có thể bị lợi dụng để kích động làn sóng chống đối.

Theo đánh giá của giới phân tích, để đảm bảo an ninh cũng như ổn định kinh tế, Chính phủ Ai Cập cần chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy các cải cách kinh tế theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu từ nước ngoài, cũng như tăng cường các chính sách an sinh nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp.

Kết quả bầu cử chính thức sẽ được Cơ quan Bầu cử quốc gia Ai Cập thông báo vào ngày 2/4 tới. Với trọng trách nặng nề hiện nay, người đứng đầu của đất nước Kim tự tháp sẽ phải tiến hành một cuộc cải cách đáng kể trong các chính sách điều hành, đưa đất nước thoát hẳn khỏi thời kỳ bất ổn, hướng tới giai đoạn thịnh vượng, phát triển với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao./.

(Nguồn: AFP)
(Nguồn: AFP)

Trật tự thế giới tự do

Cái gọi là “Trật tự thế giới tự do” dường như đã trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng giờ đây, 1/4 thế kỷ sau đó, tương lai của nó lại trở nên không chắc chắn.

Việc Mỹ quyết định từ bỏ vai trò “Sen đầm thế giới” mà nước này đảm đương trong hơn bảy thập kỷ qua đánh dấu một bước ngoặt. Trật tự thế giới tự do giờ đây không thể tự tồn tại được nữa, do các nước khác không những không còn quan tâm mà còn thiếu phương tiện để duy trì nó.

Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng các Quan hệ đối ngoại, tác giả cuốn “Một thế giới hỗn loạn,” đã đưa ra nhận định như vậy trong bài viết “Trật tự thế giới tự do-Hãy yên giấc ngàn thu.”

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Sau quãng thời gian kéo dài liên tục trong gần 1.000 năm, theo như cách nói châm biếm của Voltaire – nhà triết học đồng thời là nhà văn người Pháp, Đế chế La Mã thần thánh mờ nhạt đã không còn thần thánh, không còn là La Mã, cũng như không còn là một đế quốc nữa.

Giờ đây, khoảng hai thế kỷ rưỡi sau đó, nếu diễn giải theo cách nói của Voltaire, thì vấn đề rắc rối hiện nay là trật tự thế giới tự do hiện không mang tính tự do, không mang phạm vi toàn cầu, cũng như không còn trật tự nữa.

Mỹ, phối hợp chặt chẽ với Anh và các nước khác, đã thiết lập ra trật tự thế giới tự do tiếp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mục đích của việc làm này là đảm bảo rằng những điều kiện mà chúng đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong 30 năm trước đó sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại.

Tưởng niệm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima trong Chiến tranh Thế giới thứ hai tại Công viên tưởng niệm Hòa bình, thành phố Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tưởng niệm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima trong Chiến tranh Thế giới thứ hai tại Công viên tưởng niệm Hòa bình, thành phố Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Nhằm mục tiêu đó, các nước “dân chủ” bắt đầu lập ra một hệ thống quốc tế tự do, theo nghĩa là nó dựa trên sự cai trị của pháp luật và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các quyền con người sẽ được bảo vệ. Tất cả những điều này sẽ được áp dụng đối với toàn bộ hành tinh đồng thời việc tham gia hệ thống này được để ngỏ cho tất cả các quốc gia và mang tính tự nguyện.

Các thể chế được xây dựng nhằm bảo vệ hòa bình (Liên hợp quốc), phát triển kinh tế (Ngân hàng Thế giới), và thương mại và đầu tư (Quỹ Tiền tệ Quốc tế và cái mà nhiều năm sau này trở thành Tổ chức Thương mại Thế giới).

Tất cả những điều này và nhiều thứ khác nữa đã được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, bởi một mạng lưới các liên minh trải khắp châu Âu và châu Á, và bởi vũ khí hạt nhân, thứ có tác dụng răn đe những hành vi xâm lăng. Trật tự thế giới tự do khi đó không chỉ dựa trên những ý tưởng mà các nền dân chủ theo đuổi mà còn dựa trên quyền lực cứng nữa.

Cái gọi là Trật tự thế giới tự do dường như đã trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng giờ đây, 1/4 thế kỷ sau đó, tương lai của nó lại trở nên không chắc chắn. Quả thực, ba thành phần cấu thành lên nó – chủ nghĩa tự do, tính chất phổ quát, và việc duy trì bản thân trật tự đó – đang gặp phải những thách thức như chưa bao giờ gặp phải trước đây trong lịch sự tồn tại 70 năm của nó.

Chiến tranh Lạnh 2.0 đang đến gần? (Nguồn: AFP)
Chiến tranh Lạnh 2.0 đang đến gần? (Nguồn: AFP)

Chủ nghĩa tự do đang lùi bước. Các nền dân chủ đang cảm nhận những tác động của chủ nghĩa dân túy đang tăng lên. Các đảng chính trị cực đoan đã xuất hiện trở lại ở châu Âu. Việc nước Anh bỏ phiếu rời khỏi châu Âu là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của giới lãnh đạo đã mất đi như thế nào.

Thậm chí, nước Mỹ hiện đang trải nghiệm những cuộc công kích chưa từng có từ chính vị tổng thống của mình nhằm vào phương tiện truyền thông, tòa án, và các cơ quan thực thi pháp luật của chính nước Mỹ. Các chế độ độc tài thậm chí đã trở nên mất cân bằng hơn trong tư duy. Các quốc gia như Hungary và Ba Lan dường như không còn quan tâm đến số phận của các nền dân chủ non trẻ của họ nữa.

Ngày càng khó nói về thế giới như thể nó đã từng là một khối như trước đây. Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của các trật tự – hay như được nói đến nhiều ở Trung Đông, là tình trạng mất trật tự – mang tính khu vực với những đặc tính riêng của mỗi khu vực.

Chủ nghĩa tự do đang lùi bước. Các nền dân chủ đang cảm nhận những tác động của chủ nghĩa dân túy đang tăng lên

Những nỗ lực nhằm xây dựng các khuôn khổ toàn cầu đang thất bại. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang nổi lên; vòng đàm phán thương mại toàn cầu mới nhất không hề mang lại thành quả nào. Hiện có rất ít quy định quản lý việc sử dụng mạng không gian.

Đồng thời, sự đối đầu giữa các siêu cường đang quay trở lại. Sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy một phần là hành động phản ứng trước việc thu nhập dậm chân tại chỗ cũng như công ăn việc làm bị mất, phần lớn điều này có nguyên nhân từ sự xuất hiện của công nghệ mới nhưng lại được rộng rãi coi là bắt nguồn từ việc nhập khẩu và người nhập cư.

Chủ nghĩa dân tộc là một công cụ ngày càng được các nhà lãnh đạo tăng cường sử dụng nhằm hỗ trợ cho quyền lực của họ, đặc biệt trong bối cảnh gặp khó khăn về kinh tế và chính trị. Các thể chế toàn cầu đã thất bại trong việc thích nghi với những sự cân bằng quyền lực mới cũng như những công nghệ mới.

Trật tự thế giới nằm trong tay những nhà lãnh đạo Nga-Mỹ? (Nguồn: AFP)
Trật tự thế giới nằm trong tay những nhà lãnh đạo Nga-Mỹ? (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, sự suy yếu của trật tự thế giới tự do, hơn bất cứ điều gì khác, có nguyên do từ sự thay đổi thái độ của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã quyết định phản đối hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris. Nước này còn đe dọa từ bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mỹ đã đơn phương áp đặt thuế đánh vào sản phẩm thép và nhôm, dựa vào lý do biện minh (an ninh quốc gia) mà các quốc gia khác cũng có thể sử dụng và điều này có nguy cơ đặt thế giới vào một cuộc chiến tranh thương mại. Chính quyền Mỹ đã nêu những câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với NATO và các quan hệ đồng minh khác. Và chính quyền này hiếm khi nói về dân chủ hay quyền con người. “Nước Mỹ trên hết” và trật tự thế giới tự do dường như không thể tương thích với nhau.

Mỹ đã đơn phương áp đặt thuế đánh vào sản phẩm thép và nhôm, dựa vào lý do biện minh mà các quốc gia khác cũng có thể sử dụng

Quan điểm của tôi không có ý chọn riêng nước Mỹ ra để chỉ trích. Các cường quốc quan trọng khác hiện nay, trong đó có EU, Nga, Trung Quốc, Ắn Độ và Nhật Bản, cũng có thể bị chỉ trích về những gì họ làm, không làm, hoặc về cả hai. Nhưng nước Mỹ còn là một quốc gia khác trong đó. Mỹ là kiến trúc sư chính của trật tự thế giới tự do và là người hỗ trợ chính đối với trật tự đó. Mỹ cũng là một nước được hưởng lợi chính từ trật tự đó.

Việc Mỹ quyết định từ bỏ vai trò mà nước này đảm đương trong hơn bảy thập kỷ qua như vậy đánh dấu một bước ngoặt. Trật tự thế giới tự do giờ đây không thể tự tồn tại được nữa, do các nước khác không những không còn quan tâm mà còn thiếu phương tiện để duy trì nó. Hậu quả sẽ là một thế giới ít tự do hơn, ít thịnh vượng hơn, và ít hòa bình hơn đối với người Mỹ cũng như đối với những người thuộc những quốc gia khác./.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của ông Trump tới Trung Quốc năm 2017 (Nguồn: AFP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của ông Trump tới Trung Quốc năm 2017 (Nguồn: AFP)

Người dịch: Nguyễn Văn Lập

Trương Quốc Vinh

Ngày 1/4/2013, một kỷ lục Guiness được xác nhận khi người hâm mộ Trương Quốc Vinh gấp 1.956.912 con hạc giấy để hóa cho thần tượng của mình nhân kỷ niệm tròn 10 năm ngày anh từ giã chốn nhân gian.

Năm nay là năm thứ 15 điện ảnh Hong Kong vắng bóng anh, tài năng mà nhiều người cho rằng trước đây cũng như sau này sẽ không còn xuất hiện nữa…

Cuộc đời Trương Quốc Vinh tựa như một giấc mộng phù hoa. Trong khoảng thời gian từ thập niên 70-80, anh tự hào được coi là một trong những người khai sinh ra Cantopop, đưa nghệ thuật Hong Kong ra khắp Đông Á. Sau này, “tứ đại thiên vương” được nhắc đến nhiều hơn cả là khi Trương Quốc Vinh đã từ giã sân khấu để tập trung cho điện ảnh.

Bắt đầu từ vai chàng cảnh sát Tống Tử Kiệt của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, rồi rất nhiều vai diễn để đời khác trong thập niên 90, qua những thước phim đẹp ma mị của Vương Gia Vệ. Và cả hình ảnh “nàng Ngu Cơ” trong vở kinh kịch nổi tiếng “Bá Vương Biệt Cơ” mà anh thủ vai chính trong tác phẩm điện ảnh cùng tên đã đưa tên tuổi Gor Gor ra với thế giới.

Rồi anh trở lại sân khấu, dần từ bỏ hình ảnh chàng thư sinh để lột xác với hình tượng phi giới tính mà đã manh nha khởi nguồn từ World Tour 1997, được đẩy lên cao với Passion Tour 2000.

Trước thời của Tứ đại thiên vương thì Leslie đã có vị trí vững chắc trong lòng người hâm mộ
Trước thời của Tứ đại thiên vương thì Leslie đã có vị trí vững chắc trong lòng người hâm mộ

Khi đó, Trương Quốc Vinh đã mang guốc đỏ lên sân khấu, để tóc dài chấm hông, sử dụng phục trang khêu gợi do nhà tạo mẫu nổi tiếng Jean Paul Gaultier thiết kế, dù trước đó ông chưa từng nhận thiết kế phục trang riêng cho bất kỳ nghệ sĩ nào. Trừ Madonna, và Leslie là người thứ hai.

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, Leslie cũng cống hiến say mê và nghiêm túc. Anh là ngôi sao hiếm hoi không cần trợ lý, thường chỉ đi với Đường Hạc Đức – người tình tri kỷ của mình đến trường quay hoặc sân khấu, rồi tự hóa trang cũng như chuẩn bị mọi thủ tục cần thiết cho bản thân.

Ngay cả trong những năm tháng cuối đời, khi sức khỏe thuyên giảm, mất chứng khó ngủ dẫn đến bạo bệnh, Trương Quốc Vinh cũng vẫn chưa bao giờ đi trễ, luôn xuất hiện với hình ảnh sạch sẽ, gọn gàng, tinh tươm nhất trước mỗi buổi trả lời phỏng vấn.

Ngày 1/4 định mệnh…

Những gì đã diễn ra trong đầu Trương Quốc Vinh trong cái ngày 1/4/2003 định mệnh đó sẽ mãi là ẩn số, dù tất cả đều hiểu rằng anh là nạn nhân của bệnh trầm cảm. Ngày hôm đó, Trần Thục Phân, quản lý của Leslie gọi điện cho anh và hỏi tại sao mãi chưa thấy anh đâu thì Leslie trả lời: “Chị cứ đứng ở cửa khách sạn 5 phút rồi sẽ thấy tôi. Tôi xuống ngay”.

Chị Trần sau đó đúng là đã thấy Leslie, nhưng là sau khi anh đằm mình từ tầng 24 khách sạn Mandarin Oriental rồi từ trần không lâu sau đó tại bệnh viện The Mary Queen, như một trò đùa ác ý của Thượng Đế vào ngày “Cá tháng Tư.”

Sau 15 năm, chưa bao giờ người hâm mộ Trương Quốc Vinh ngừng nhung nhớ anh. Thậm chí, số lượng người hâm mộ trẻ còn tăng lên rõ rệt và tất cả đều chung một oán trách cuộc đời rằng tại sao họ biết tới anh quá muộn, khi anh đã ra đi rồi. Mỗi dịp 1/4, dòng người lại kéo về khách sạn Mandarin Oriental đặt những vòng hoa, tấm thiệp gửi lời tới người trên thiên đàng. Biển hoa và những ánh nến còn được thấy vô vàn ở Đại lộ danh vọng Hong Kong, cùng chung lời cầu nguyện cho Leslie.

Người hâm mộ vẫn không ngừng than khóc cho Trương Quốc Vinh mỗi dịp 1/4 (Nguồn: AFP)
Người hâm mộ vẫn không ngừng than khóc cho Trương Quốc Vinh mỗi dịp 1/4 (Nguồn: AFP)

Còn người tri kỷ của anh, anh Đường thì vẫn cô đơn sau từng ấy năm, vẫn dùng số điện thoại mà sinh thời Leslie sử dụng, vẫn thờ tro cốt của Leslie trong nhà riêng.

Trong các tác phẩm điện ảnh mà Leslie tham gia, đếm không xuể những nhân vật phải đón nhận cái kết buồn thảm nhất. Từ Tống Tử Kiệt (Anh hùng bản sắc), Húc Tử (A Phi Chính Truyện), Trình Điệp Y (Bá Vương Biệt Cơ), Rick Pang (Súng thần), Trần Chấn Bang (Yên Chi khâu)…

Dường như có bao đau đớn trên cuộc đời này, Leslie đều muốn nhận lấy nó về mình, cả trên màn ảnh lẫn ngoài đời thực.

Vai diễn, hay cuộc đời?

Sự nghiệp điện ảnh thành công của Trương Quốc Vinh được tô điểm đậm nhất có lẽ là nhờ vai diễn Trình Điệp Y trong “Bá Vương Biệt Cơ” của đạo diễn Trần Khải Ca, vai diễn đã giúp anh được đề cử ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes năm 1993. Thậm chí, có giám khảo còn bỏ phiếu cho anh ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, nhưng đáng tiếc chiến thắng cuối cùng không thuộc về Leslie.

Dù vậy, bộ phim “Bá Vương Biệt Cơ” thì đã xuất sắc nhận giải Cành cọ vàng và cho đến nay vẫn là tác phẩm điện ảnh Hoa ngữ duy nhất có được vinh dự ấy.

Trước khi nhận vai, Leslie đã bỏ ra nửa năm sang Bắc Kinh học Kinh Kịch. Trong phim, anh còn phải nói và hát tiếng Đại lục thay vì tiếng Quảng Đông khi đảm nhiệm vai người ca kỹ Trình Điệp Y, người sống suốt cuộc đời với nỗi băn khoăn về giới tính và tình yêu của mình.

Nói chính xác, anh đã nhập vào mình ba tâm hồn: một là của người phụ nữ luôn đau khổ và dằn vặt với tình yêu đơn phương dành cho bạn diễn từ thuở hàn vi Tiểu Lâu, một là của người đàn ông mãi sau cùng khi cận kề cái chết mới tỉnh giấc mộng với câu thoại trích ra từ vở kịch “Bá Vương Biệt Cơ” – “bản chất ta là nam không phải là nữ,” và một tâm hồn còn lại là của nàng Ngu Cơ, vai diễn mà Điệp Y đã gắn bó suốt cuộc đời cho đến tận những hơi thở cuối cùng.

Trong phim, có một đoạn thoại khi Viên Đại Nhân xem Điệp Y diễn và tự thốt lên: “Một nụ cười mang đến cả mùa xuân. Một giọt lệ làm đen tối đất trời.” Sau này, khi nhắc tới Trương Quốc Vinh, những người hâm mộ anh cũng dùng lại câu nói đó để nói về sự hoàn hảo trong con người nghệ sĩ của Gor Gor.

Trình Điệp Y mà Trương Quốc Vinh thể hiện là một người đàn ông hay phụ nữ thì đều rất đẹp. Tiếng nói thanh thoát, bước đi nhỏ nhẹ, dáng điệu khoan thai, cái nhìn chan chứa tình, gương mặt sáng như một vầng trăng và giọng hát lảnh lót mà sâu lắng.

Hình tượng Điệp Y phần nào đó giống với Trương Quốc Vinh, nhất là với hình ảnh anh tự trang điểm, hay những khi giận dỗi vu vơ Tiểu Lâu, giọng nói bay bổng mà ấm áp, hay như khi anh chăm sóc người mà mình yêu thương. Làm bất cứ điều gì, Trương Quốc Vinh hay Điệp Y đều đặt cả tấm lòng của mình vào đó.

Riêng đạo diễn Trần Khải Ca, ngoài nỗi tiếc nuối vì Trương Quốc Vinh đã không giành được giải thưởng cá nhân tại Cannes 1993, thì còn nói: “Tôi luôn nghĩ Trương Quốc Vinh thuộc về thời đã qua. Đó là vì anh có một đôi mắt chỉ có thể thấy trong những giấc mơ phù hoa về quá khứ của chúng ta.”

Đôi mắt ấy đã giúp Trương Quốc Vinh lên hàng sao hạng A khắp châu Á với khả năng diễn mà như không diễn. Nhưng dẫu sao đó vẫn là một đôi mắt buồn, nhiều tâm tư, như đạo diễn Ngô Vũ Sâm của “Anh hùng bản sắc” từng nói, Trương Quốc Vinh là người có nhiều nỗi lòng thầm kín chẳng bày tỏ cùng ai.

Song đối với Trương Quốc Vinh, bộ phim và vai diễn anh yêu thích nhất trong sự nghiệp của mình lại là “Xuân Quang Xạ Tiết” trong vai Hà Bảo Vinh, đóng cặp với tài tử Lương Triều Vỹ trong vai Hà Diệu Huy. Đây có lẽ là một trong những bộ phim chuyện tình đồng tính hay nhất khi hai diễn viên chính đều là những ngôi sao sáng nhất điện ảnh Hong Kong cũng như châu Á lúc bấy giờ.

Trong phim, Trương Quốc Vinh vẫn tên là Vinh, là một playboy sống khá bạt mạng với mối tình phức tạp với Diệu Huy. Khi được Diệu Huy nuông chiều hết mực, hết lần này đến lần khác chủ động chia tay, bỏ đi rồi lại quay về như chưa có chuyện gì xảy ra với câu nói quen thuộc “Chúng mình làm lại từ đầu đi,” thì Vinh chẳng hề trân quý những điều ấy. Để rồi đến khi chính Huy không còn muốn liên lạc nữa, bắt đầu thấy trong tim hiện bóng một chàng trai khác – Trương, từng là đồng nghiệp của anh, thì Vinh lại là người đau đớn hơn cả.

Hóa ra, tình yêu giữa đàn ông với đàn ông cũng phức tạp và lắm bi kịch chẳng khác gì giữa đàn ông và đàn bà. Kết thúc phim, Huy, người vốn dĩ được cho là phải hy sinh, đau khổ hơn Vinh suốt cả chiều dài cuộc tình lại là người thảnh thơi, hạnh phúc hơn.

Anh nghĩ: “Với tôi, hạnh phúc bên nhau có thể là giữa hai người, cũng có thể là giữa một người và quá khứ của anh ta. Tôi nghĩ, một lúc nào đó khi một người có thể yên bình với quá khứ của bản thân, đó là thời điểm cho sự bắt đầu của một mối quan hệ mới, có thể đem đến hạnh phúc trong tương lai.” Huy đã quên được Vinh, còn Vinh sau những tháng ngày ăn chơi trác táng, khi nhìn lại thấy mình thật cô đơn và ngốc nghếch, anh trở lại căn phòng ọp ẹp nơi họ đã có những tháng ngày hạnh phúc ở Argentina và bật khóc như một đứa trẻ.

Huy và Vinh đã yêu nhau ở Hong Kong. Chăn gối vẫn còn thơm mùi cơ thể của họ.
Huy và Vinh đã yêu nhau ở Hong Kong. Chăn gối vẫn còn thơm mùi cơ thể của họ.

Bộ phim là một kiệt tác điện ảnh của đạo diễn gạo cội Vương Gia Vệ. Những cảnh quay chậm, nhiều màu sắc, sâu lắng từ Hong Kong cho tới Argentina, còn hai nhân vật chính thì đắm mình trong những cuộc độc thoại nội tâm. Huy và Vinh đã yêu nhau ở Hong Kong. Chăn gối vẫn còn thơm mùi cơ thể của họ.

Rồi đến chuyến đi tìm kiếm chân trời mới ở Argentina, khi “không chịu nổi sự nhàm chán,” Vinh lại bỏ Huy đi. Khi Huy tưởng như đã thoát ra khỏi được cuộc tình mệt mỏi đấy, Vinh lại tìm anh, lại “làm lại từ đầu.”

Tất nhiên Huy chẳng đồng ý ngay cho đến khi nhìn thấy một Vinh bệ rạc, xơ xác, đầm đìa máu gõ cửa nhà và ôm chầm lấy anh. Huy kiếm tiền, còn Vinh thì nằm nhà chơi và hút thuốc. Khi Huy ốm, Vinh vẫn dựng người yêu của mình dậy nấu ăn chỉ vì anh quá đói. Nhưng Huy cũng đã ích kỷ và chỉ muốn chiếm hữu Vinh. Anh thậm chí đã rất khó chịu và ghen tuông vô lối chỉ vì Vinh ra ngoài buổi tối mua thuốc lá.

Nhân vật Bảo Vinh có thể khác với Trương Quốc Vinh ở ngoài đời nhưng lại giống ở sự cô đơn dai dẳng, giống ở tính cách có phần vẫn trẻ con, bồng bột, nhiều hờn dỗi. Bộ phim ra mắt năm 1997, cũng là năm đặc biệt không chỉ với Hong Kong – “Rồng đổi màu,” mà còn với riêng sự nghiệp của Trương Quốc Vinh.

Cảnh trong phim “Xuân Quang Xạ Tiết”
Cảnh trong phim “Xuân Quang Xạ Tiết”

Anh chính thức trở lại sân khấu với liveshow World Tour. Tại đó, lần đầu tiên anh lên tiếng công khai chuyện tình tri kỷ của mình với Đường Hạc Đức, hát tặng người bạn đời và mẹ của mình ca khúc kinh điển “Ánh trăng nói hộ lòng tôi.”

Cuộc tình trường tồn cùng thời gian

Trước khi gặp lại anh Đường năm 1983 trong một buổi gặp gỡ bạn thân tại nhà riêng, ngoài mối tình đầu thời niên thiếu với cô gái Tuyết Lê, Trương Quốc Vinh còn từng thất bại trong cuộc tình nam – nữ với Mao Thuấn Quân khi bị cô từ chối lời cầu hôn. Những thông tin về việc Trương Quốc Vinh hẹn hò Đường Hạc Đức bắt đầu được đồn đoán từ năm 1989, tức là 4 năm sau khi họ đã chính thức yêu nhau.

Trong giới giải trí lúc đó ai cũng biết anh Đường, người đưa đón Trương Quốc Vinh tới trường quay, đứng đằng sau hậu thuẫn cho ngôi sao điện ảnh này. Khi đó, Đường đã nghỉ việc giám đốc ngân hàng để lui về quản lý tài chính cho người yêu.

Ai cũng hiểu giữa họ là mối quan hệ thế nào, nhưng không ai nói ra. Chỉ mãi tới năm 1997, trong liveshow World Tour của mình, Trương Quốc Vinh mới lần đầu tiên thổ lộ tình cảm của mình với Đường Hạc Đức trước khi dành tặng anh ca khúc “Ánh trăng nói hộ lòng tôi.”

Trương Quốc Vinh hát Ánh trăng nói hộ lòng tôi

“Tôi muốn dành tặng ca khúc này tới mẹ và người bạn quan trọng nhất cuộc đời tôi. Khi tôi lâm vào tình cảnh khó khăn nhất, anh đã đưa cho tôi nhiều tháng tiền lương của mình để giúp tôi vượt qua. Giờ đây tôi sẽ hát tặng gia đình và người bạn mà tôi yêu thương nhất,” Trương Quốc Vinh chia sẻ.

Sau này, khi trả lời phỏng vấn, Trương Quốc Vinh còn nửa đùa nửa thật “Không ai tin là tôi chung thủy với anh ấy như thế, một người đẹp như tôi lại có thể ở bên mãi một người đã 15 năm rồi. Trên thế gian này chỉ có một điều duy nhất chắc chắn, đó là tình yêu của anh ấy dành cho tôi.”

Quan niệm tình yêu của Trương Quốc Vinh rất đơn giản: “Khi yêu ai đó, người bạn yêu là nam hay nữ có là vấn đề gì. Mọi mối quan hệ đều là một điều tự nhiên, dù là đàn ông hay đàn bà, ý tôi là khi hai người yêu nhau thì chỉ có tình yêu là điều ý nghĩa.”

Có lần, đám săn tin đuổi theo cả hai để chụp ảnh. Lúc này Trương Quốc Vinh đột ngột nắm chặt lấy tay Đường Hạc Đức và tiếp tục đi tiếp về nhà như một cách thách thức dư luận và báo chí với tuyên bố rằng họ yêu nhau.  

Đường Hạc Đức với bức tượng sáp Trương Quốc Vinh ở bảo tàng Tượng sáp Hong Kong (Nguồn: AFP)
Đường Hạc Đức với bức tượng sáp Trương Quốc Vinh ở bảo tàng Tượng sáp Hong Kong (Nguồn: AFP)

Một trong những bức ảnh cuối cùng của Leslie là khi họ chụp cùng trong một chuyến du lịch Paris, trên tay hai người đang cầm hai cây kem, nụ cười nở trên môi dưới ánh nắng hè Paris. Tiếc thay nắng ấm và nụ cười nhanh chóng trở thành những ngày u ám đầy nước mắt với Đường Hạc Đức khi Trương Quốc Vinh tự vẫn, để lại khoảng trống mênh mông trong cuộc đời anh.

15 năm qua, Đường Hạc Đức vẫn sống ở căn nhà nơi cả hai từng chung sống hạnh phúc, vẫn dùng sim điện thoại cũ của Leslie, vẫn lái chiếc xe biển số 3 số cuối là 339, trong tiếng Quảng Đông 399 phát âm gần giống “Suốt đời suốt kiếp.”

Bức ảnh được Đường Hạc Đức đăng lên Instagram
Bức ảnh được Đường Hạc Đức đăng lên Instagram

Mỗi dịp 1/4, 12-9 (sinh nhật Trương Quốc Vinh), Đường đều chia sẻ những dòng cảm xúc đầy tâm trạng trên mạng xã hội. Kỳ Giáng sinh năm ngoái, anh còn đăng tải hình ảnh một cây thông lên Instagram với dòng chữ: “Cây thông giáng sinh mà anh ấy tự trang trí.”

Ngày giỗ Trương Quốc Vinh năm ngoái, Đường Hạc Đức đăng tải hình ảnh hai người chụp chung kèm tiêu đề: “Nửa đêm rồi, trần nhà hiện lên một đoạn phim. Không thể nào xua đi thước phim ấy trong lòng.”

Trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất Trương Quốc Vinh, Đường khiến rất nhiều người xúc động với những bộc bạch: “Mười năm cách biệt muôn trùng, dù không cố nhớ nhưng lòng chẳng quên.”

Rồi “Dù cho cuộc đời có đến một đoạn kết, nhưng tình yêu này là vĩnh viễn.”

Mối tình trường cửu của Trương Quốc Vinh – Đường Hạc Đức lẽ nào như đôi uyên ương hồ điệp sinh nhầm thời dữ?

Thay cho lời kết, xin mượn lời của anh Đường thay mặt cho tấm lòng của rất nhiều người yêu Trương Quốc Vinh trung thành trên khắp thế giới: “Trời đất lâu bền rồi sẽ tận, tình này muôn thuở vẫn miên man.”

Bài: Yến Nhi

Thiết kế: Thanh Trà

Nghe ‘dân nhà nghề’ chia sẻ

Những người làm nghề du lịch thường đi du lịch như thế nào, có gì đặc biệt và khác biệt với dân “ngoại đạo”? Chắc chắn, do đặc thù công việc, họ sẽ có rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm và “bí kíp” bổ ích.

Cùng lắng nghe chia sẻ bàn tròn của những người đã từng đặt chân đến cả trăm quốc gia, hay được ví như “cán bộ đường lối” ở các nước trong khu vực châu Á, để xem có những câu chuyện gì thú vị, tìm hiểu cách họ khám phá thế giới ra sao để vừa an toàn, vừa vui lại vừa “chất”…

“Đi du lịch sung sướng thì cũng… bình thường thôi”

– Xin anh, chị có thể chia sẻ cách mà những người làm nghề du lịch như anh, chị khi đi khám phá thế giới có gì khác biệt và đặc biệt hơn những người được coi là “ngoại đạo”?

Chị Vũ Minh Châu (Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Cũng như tất cả mọi người đang làm các công việc khác, người làm du lịch như tôi cũng rất yêu thích khám phá thế giới, không phải với tư cách công việc mà với tư cách một du khách.

Điều khác biệt nếu có thì nằm ở chỗ, do bản thân tôi là người trong nghề, nên tiêu chí lựa chọn điểm đến, yêu cầu về dịch vụ và cách thức tiếp cận dịch vụ sẽ không giống như đại đa số các du khách khác.

Du khách Việt Nam lễ trong một đền thờ ở Ibaraki. (Ảnh: Như Nam)
Du khách Việt Nam lễ trong một đền thờ ở Ibaraki. (Ảnh: Như Nam)

Mỗi lần đi du lịch tôi đều có kế hoạch trước, có thể ngắn gọn hay dày đặc tùy thuộc vào từng chuyến đi khác nhau, và luôn có ba bước.

Bước 1: Chọn điểm đến. Tôi ít khi chọn một điểm đến chỉ vì điểm đến đó đang “hot” trên truyền thông hay đơn giản đó là điểm đến nhiều người lựa chọn. Tôi chọn điểm đến theo cảm giác mà mình đang muốn có, theo tâm trạng và theo tính chất những người tham gia.

Ví dụ, khi cần một điểm đến sau thời gian làm việc vất vả và cần nghỉ ngơi, tôi thường chọn những khu nghỉ dưỡng trên núi, thật gần gũi thiên nhiên, yên tĩnh để đơn thuần hít thở không khí trong lành, tái tạo năng lượng và đọc sách thư giãn.

“Tôi ít khi chọn một điểm đến chỉ vì điểm đến đó đang ‘hot’ trên truyền thông hay đơn giản đó là điểm đến nhiều người lựa chọn.“

Khi đi với nhóm bạn đồng niên vui vẻ, tôi lại chọn những bờ biển nắng ấm, có không gian trẻ trung đầy âm nhạc và các hoạt động giải trí. Khi đưa bố mẹ đi nghỉ, tôi chọn những điểm đến có những di tích lịch sử, có bề dày văn hóa, nghệ thuật…

Bước 2: Lên kế hoạch về thời lượng chuyến đi, các dịch vụ cần hỗ trợ và những điểm đến không thể bỏ qua. Ở bước này, tôi kết hợp cả hai cách thức tiếp cận dịch vụ đã nêu ở trên, tinh lọc những điểm mạnh của từng cách thức và hạn chế những hậu quả xấu.

Thời lượng chuyến đi cần phù hợp với đối tượng đi du lịch, tình trạng sức khỏe và cả tính chất công việc của các thành viên chuyến đi. Người già thì ít phù hợp với những bãi biển nóng bỏng; trẻ sơ sinh nếu đến những vùng thời tiết khắc nghiệt sẽ vất cả cho cả bé và bố mẹ; người quá bận rộn mà cố đi một chuyến quá dài sẽ ảnh hưởng hoặc công việc hoặc chất lượng chuyến đi, do phát sinh các việc cần giải quyết khi bản thân đang đi nghỉ.

Du lịch tâm linh là loại hình du lịch được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn vào mỗi dịp năm mới. (Ảnh: Như Nam)
Du lịch tâm linh là loại hình du lịch được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn vào mỗi dịp năm mới. (Ảnh: Như Nam)

Tôi thường đi du lịch với người thân, bạn bè nên luôn tìm các điểm đến phù hợp cho từng nhóm khác nhau. Cũng may, tôi là người dễ thích nghi nên từ nhóm người già đến nhóm trẻ em, tôi đều dễ dàng hòa nhập và thưởng thức.

Có điều, việc đặt trước những dịch vụ cơ bản của chuyến đi như phương tiện di chuyển (vé máy bay/ tàu xe…), và điểm lưu trú là rất quan trọng. Những dịch vụ khác có thể linh động hoặc đặt thêm khi tới địa phương, nhưng hai yếu tố cơ bản trên không đặt trước thì nguy cơ “vỡ tour” rất cao.

Nếu quan sát kỹ về những lùm xùm kêu ca của du khách về việc bị “chặt chém” hoặc không ưng ý thì đa phần vấn đề nằm ở hai dịch vụ này. Cũng vì thế, tôi thường dành một khoản khá dày dặn cho khách sạn và phương tiện di chuyển.

Phương tiện di chuyển tốt và an toàn, sẽ mang lại sức khỏe và tinh thần tốt để hưởng thụ chuyến du lịch; khách sạn tốt mang lại sự yên tâm và cơ hội tái tạo sức lực cho toàn bộ những ngày trong chuyến đi. “Một đêm nằm bằng một năm ở” là như vậy.

“Tìm hiểu trước, đi, quan sát rồi lựa chọn là mấu chốt của chuyến đi như ý.”

Ngoài ra, đồ ăn hoặc các trải nghiệm tại điểm đến thì tùy vào độ hiểu biết điểm đến mà tôi lựa chọn đặt dịch vụ trước hay để đến nơi mới mua dịch vụ. Thường những chỗ đến lần đầu tiên, tôi sẽ đặt cả dịch vụ ăn uống trước cho 1-2 ngày đầu, rồi sau đó tự khám phá sau.

Với những khám phá tại địa phương, tôi vừa dựa vào danh sách điểm đến được khuyến nghị trước để tham khảo, đồng thời quan sát rồi mới quyết định có lựa chọn những điểm đó không.

Có lợi thế mắt quan sát của dân trong nghề nên tôi thường kết hợp danh sách có trước với tình hình thực tế khá ổn. Có những điểm đến rất nổi tiếng nhưng tôi vẫn không chọn, đơn giản vì nếu chỉ đến vì người ta từng đến thì chuyến đi của mình lại trở thành chuyến đi hộ cho người ta mất rồi. Ngược lại, có những điểm đến không nổi tiếng nhưng được người dân địa phương yêu thích, có khi lại chính là hồn cốt của chuyến đi.

Tìm hiểu trước, đi, quan sát rồi lựa chọn là mấu chốt của chuyến đi như ý.

Chị Minh Châu thích ghi dấu ấn Việt Nam ở bất cứ nơi nào từng ghé qua. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Minh Châu thích ghi dấu ấn Việt Nam ở bất cứ nơi nào từng ghé qua. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Phùng Quang Thắng (Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam): Những người làm nghề như chúng tôi đi du lịch sẽ rất khác với những người khác.

Điểm thứ nhất, những ai làm du lịch rồi thường hướng đến du lịch thông minh. Có nghĩa là, chọn thời điểm thích hợp nhất, là những mùa thấp điểm thì sẽ có cơ hội trải nghiệm du lịch tốt hơn, dịch vụ cũng tốt hơn, giá cả rẻ hơn… Tất nhiên, còn tùy thuộc vào sở thích từng nhóm người, từng người.

Trước mỗi chuyến đi, tôi thường nghiên cứu rất kỹ và cập nhật tình hình những điều kiện khách quan điểm đến, từ thời tiết, tình trạng các khu du lịch, thông tin xã hội của khu vực sẽ đến.

Thứ hai, tôi quan tâm những điểm đến có tính khám phá và thích tìm hiểu những thông tin về văn hóa, lịch sử, thông tin điểm đến.

“Tôi thích đi kiểu ‘du lịch balo’ chứ đi du lịch sung sướng thì cũng bình thường thôi. Vì đi kiểu này trải nghiệm được nhiều hơn, dịch vụ phổ thông được nhiều người sử dụng.”

Thứ ba, tôi thích đi kiểu “du lịch balo” chứ đi du lịch sung sướng thì cũng bình thường thôi. Vì đi kiểu này trải nghiệm được nhiều hơn, dịch vụ phổ thông được nhiều người sử dụng. Đi balo cũng sẽ giúp mình “va chạm” nhiều, tạo cảm giác thích thú hơn. Một ngày “đi balo” tôi có thể đi bộ được 20km.

Tuy nhiên, điều kiện để đi du lịch balo ở mỗi nước một khác nhau. Điều quan trọng nhất là phải đánh giá được tình hình ở khu vực đó an toàn hay không an toàn, bằng cách thường xuyên cập nhật thông tin. Tôi cũng thường phải xét đến khả năng khai thác thông tin qua mạng internet về điểm đến như thế nào, có dễ dàng cho mình không. Ví dụ nếu sang Trung Quốc, tôi sẽ phải sử dụng những dịch vụ mạng của họ nếu muốn có mạng di động.

Anh Phùng Quang Thắng là người từng có cơ hội đến cả trăm quốc gia trên giới. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Phùng Quang Thắng là người từng có cơ hội đến cả trăm quốc gia trên giới. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Trần Việt Hương (Giám đốc Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam): Riêng cá nhân tôi, tôi thích đi những điểm đến mới, có tính trải nghiệm cao, tìm hiểu sâu đời sống của người dân địa phương ở đó. Vì thế, khi đi đến các điểm du lịch mới tôi hay dành thời gian đi chợ, ăn uống tại những quán dành cho người bản địa và đến các làng nghề truyền thống…

Tôi cũng thường tham dự các lễ hội địa phương hay học nấu ăn và ở trong các home stay. Bởi nó mang lại những trải nghiệm rất thật.

Tôi chọn hình thức đi này chi phí dễ phát sinh nên thường tìm hiểu thông tin rất kỹ, đặt trước các dịch vụ có thể đặt, sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng tối đa khi đi và kết bạn với người địa phương. Làm những điều đó sẽ hỗ trợ cho chuyến đi tốt hơn rất nhiều.

Chị Việt Hương thích đến những nơi có tính trải nghiệm cao. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Việt Hương thích đến những nơi có tính trải nghiệm cao. (Ảnh nhân vật cung cấp)

– Theo anh, chị, người Việt Nam hiện đang có xu hướng đi du lịch như thế nào?

Chị Vũ Minh Châu (Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Theo tôi quan sát, dường như du khách Việt Nam đang có hai cách tiếp cận dịch vụ du lịch cơ bản: thứ nhất là mua các tour du lịch trọn gói của các công ty du lịch mà họ tin tưởng; hai là hoàn toàn ngược lại, họ nghe nói về một điểm đến nào đó rồi xách balo lên đi mà không đặt dịch vụ hay tìm hiểu kỹ trước.

Hai cách thức này đem lại hai kết quả khá trái ngược. Với cách thứ nhất, nếu du khách lựa chọn nhà cung cấp có uy tín, họ sẽ được hưởng dịch vụ đầy đủ, an toàn và tuần tự. Mặt trái của cách thức này là du khách phụ thuộc hoàn toàn vào công ty du lịch, từ chất lượng dịch vụ, điểm đến cho đến thời gian. Đôi khi họ có thể cảm thấy hơi gò bó. Nếu nhà cung cấp thiếu chuyên nghiệp hoặc năng lực yếu kém thì còn mang lại những cảm giác tiêu cực hơn nữa.

Chị Minh Châu mặc trang phục Heian, một loại trang phục cổ của người dân Nhật Bản. (Ảnh: Như Nam)
Chị Minh Châu mặc trang phục Heian, một loại trang phục cổ của người dân Nhật Bản. (Ảnh: Như Nam)

Với cách thứ hai, nếu thời điểm du lịch không vào mùa cao điểm, du khách thực sự có năng lực tổ chức tốt và may mắn thì chuyến đi của họ vẫn diễn ra ổn thỏa.

Tuy nhiên, hầu hết cách thức này đem lại sự bất an đặc biệt trong chính nội địa Việt Nam khi còn tồn tại nhiều điểm du lịch “chặt chém” khách khi khách không đặt dịch vụ trước, khách gặp khó khăn hoặc thậm chí có những chiêu trò ép khách để thu lời mà chất lượng dịch vụ thì vô cùng tồi tệ.

Ấn tượng sâu đậm từ cuộc sống của người dân bản địa

– Làm nghề này, cả cuộc đời anh, chị là những chuyến đi và tôi cho rằng điều đó thật may mắn. Từng khám phá nhiều vùng đất có lịch sử, văn hóa và thắng cảnh đặc biệt trên thế giới, có nơi nào và câu chuyện gì khiến anh, chị thấy ấn tượng nhất?

Linh thiêng bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới. (Xuân Mai/Vietnam+)

Chị Vũ Minh Châu (Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Đây là câu hỏi khó vì so sánh vẻ đẹp là sự so sánh khó khăn nhất. Tuy nhiên, dù đã đi rất nhiều nước trên thế giới rồi nhưng Nhật Bản có lẽ là nơi in nhiều dấu ấn sâu đậm nhất đối với tôi. Vì ngoài giá trị về điểm đến du lịch thì thái độ sống của con người Nhật Bản và sự đồng cảm gần gũi giữa hai đất nước khiến tôi ấn tượng sâu sắc hơn cả.

Ấn tượng trong tôi về Nhật Bản không hùng vỹ, to lớn mà trái lại, là những điều hết sức dung dị, có ở khắp nơi trên đất nước xinh đẹp này. Nhật Bản được đánh giá là sạch sẽ nhất nhì thế giới nhưng lại ít khi thấy thùng rác nơi công cộng. Bởi người dân luôn mang rác về nhà, phân loại rồi mới đổ rác theo ngày và theo loại rác quy định của từng ngày trong tuần.

 “…cái hồn cốt của một dân tộc tinh tế và trân trọng thiên nhiên, hòa hảo với con người đều trở thành tài nguyên du lịch vô giá mang dấu ấn rất riêng của Nhật Bản.”

Đặc biệt, ý thức đóng góp cho xã hội của người Nhật hết sức nghiêm túc. Rất nhiều người già 70-80 tuổi vẫn tình nguyện làm việc ở các khu du lịch, từ nhổ cỏ, chăm cây, quét dọn cho đến làm hướng dẫn viên không chuyên nhưng vô cùng tâm huyết…

Có lẽ, chính nhờ những điều giản dị mà phổ biến cuộc sống của người dân Nhật Bản như vậy mà đây đã trở thành đất nước có thể khai thác du lịch ở bất cứ đâu trên toàn quốc. Thậm chí, ở bất cứ ngôi làng nhỏ sâu trong núi hay một góc phố nào, cái hồn cốt của một dân tộc tinh tế và trân trọng thiên nhiên, hòa hảo với con người đều trở thành những tài nguyên du lịch vô giá mang dấu ấn rất riêng của Nhật Bản.

Dãy Kogumotori-goe ở Nhật Bản. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Dãy Kogumotorigoe ở Nhật Bản. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Phùng Quang Thắng (Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam): Ngoài chủ quan ở cách nhìn, quan trọng là người dân bản địa tác động đến nhìn nhận và cảm nhận của tôi. Trong rất nhiều nước, đất nước Nhật Bản là đất nước rất đặc biệt, vì vẫn giữ được những nét văn hóa rất đặc trưng của người Nhật và thậm chí là đặc trưng của từng địa phương.

Với tôi, cảm nhận rất quan trọng. Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, là đất nước có nhiều điều đặc biệt và khác biệt. Tôi từng đứng trên eo biển Bosphorus dài 31km, eo biển chia cắt phần thuộc châu Âu (Rumelia) của Thổ Nhĩ Kỳ với phần thuộc châu Á (Anatolia) của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 40 thành phố dưới lòng đất và hiện chỉ mở cửa một số thành phố cho du khách thăm quan thôi. Ở đó có đầy đủ dịch vụ cho con người, kể cả nhà thờ.

Nhưng có lẽ, cảm nhận mang tính khám phá nhất với tôi có lẽ là các dòng tôn giáo ở vùng Trung Đông đó, nó tạo cho con người những nét sống khác nhau mà chỉ khi được tiếp xúc tôi mới có những cảm nhận và tìm hiểu sâu sắc nhất.

Du khách Việt Nam rất chuộng những mùa hoa trên thế giới. (Ảnh: Như Nam)
Du khách Việt Nam rất chuộng những mùa hoa trên thế giới. (Ảnh: Như Nam)

Một nền du lịch copy

– Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, anh, chị thấy điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?

Anh Phùng Quang Thắng (Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam): Điểm yếu nhất của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam là hay đi copy, chứ ít chịu đầu tư để tạo ra một sản phẩm mới và khác biệt.

Khi đã làm kinh tế, cái quan trọng nhất của du lịch là sản phẩm, đã làm kinh tế thì phải có sản phẩm để bán đúng không ạ? Thực tế, chỉ có những doanh nghiệp vừa vừa hoặc lớn mới có kinh phí để đầu tư nghiên cứu sản phẩm, còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ đi copy. Sản phẩm du lịch bị copy nhanh lắm. Do đó, các cấp quản lý cần làm sao để hệ thống đó cùng vận hành, tạo sức cạnh tranh lành mạnh.

Tôi lấy ví dụ, khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, ngành du lịch hội nhập nhanh nhất và sớm nhất là trong công nghệ khách sạn, nhưng hội nhập về công nghệ lữ hành thì đi sau rất nhiều.

Hội nhập về công nghệ lữ hành là những dịch vụ liên quan đến lữ hành được tiêu chuẩn hóa theo thế giới và khu vực, từ vấn đề quản lý đến sản phẩm, trình độ nhân lực trong các doanh nghiệp. Tất nhiên, để có chuẩn cho lữ hành thì không phải dễ vì thậm chí nó nằm ở từng con người. Ví dụ như chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, thì hướng dẫn viên đã đạt trình độ quốc tế chưa để có thể hội nhập quốc tế.

Lạc bước dưới rừng mơ trắng muốt. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Lạc bước dưới rừng mơ trắng muốt. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Vũ Minh Châu (Giám đốc Công ty Dịch vụ và thương mại Việt Nam-Nhật Bản): Là một đơn vị đặc thù bán buôn (wholesale), tôi nhận thấy có 3 điểm hạn chế của doanh nghiệp chúng tôi và đồng nghiệp cùng ngành.

Một là, tôi đồng tình với ý kiến của anh Phùng Quang Thắng, đó là sự thiếu sáng tạo. Rất ít các doanh nghiệp chịu khó đi mở đường, khai phá, tìm tòi sản phẩm mới. Cả công ty du lịch làm nội địa, inbound và outbound đều dựa trên những sản phẩm du lịch sẵn có. Không hiếm để nhận thấy có những sản phẩm du lịch mà 10 năm không có gì thay đổi mới mẻ, cả về tuyến điểm, dịch vụ, hay cách thức tiếp cận.

Hai là, truyền thông lu mờ, không có bản sắc. Có lẽ do ảnh hưởng của luật sở hữu trí tuệ Việt Nam còn dễ dãi, nên các hình ảnh sử dụng để truyền thông cho các tour du lịch cả nội địa lẫn inbound, outbound ở Việt Nam đều đa phần lấy từ một nguồn: interrnet. Nếu như ở một số nước phát triển, các nhà in không nhận in ấn phẩm không chứng minh được nguồn gốc hình ảnh, thì ở Việt Nam điều này diễn ra rất bình thường.

Ba là, thiếu thông tin. Không khó tìm ra những công ty du lịch bán sản phẩm du lịch mà chính nhân viên tư vấn, người làm tour hoặc thậm chí chưa ai ở công ty đó từng đến điểm đến đó.

Chiếc máy ảnh là vật bất ly thân của chị Việt Hương trong mỗi chuyến đi xa. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chiếc máy ảnh là vật bất ly thân của chị Việt Hương trong mỗi chuyến đi xa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sự phó thác du khách cho những bên cung cấp dịch vụ ở địa phương sở tại nơi gửi khách đến vô hình chung đưa du khách vào trạng thái hết sức hên xui: gặp được nhà cung cấp tốt thì tour diễn ra ổn thỏa, còn gặp nhà cung cấp tồi thì tiền mất tật mang. Việc thiếu thông tin còn có thể dẫn đến những thiệt thòi cho du khách khi dễ gặp phải khó khăn do không được tư vấn kỹ càng về phong tục tập quán hay tình trạng nơi điểm đến.

Chị Trần Việt Hương (Giám đốc Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam): Theo tôi, sản phẩm du lịch, truyền thông ra nước ngoài, công nghệ trong quản trị doanh nghiệp là ba yếu tố được xem là cần phải đầu tư và thay đổi lớn nếu muốn phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của anh, chị./.

Facebook

Ngày 16/3, Facebook đã tự mình châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất trong 15 năm qua của mạng xã hội này khi “tự thú” trên blog rằng dữ liệu của hơn 50 triệu tài khoản người dùng đã bị thu thập bất hợp pháp.

Chỉ vài giờ sau, giới truyền thông Mỹ và châu Âu đồng loạt đưa tin rằng Cambridge Analytica, một công ty dữ liệu nổi tiếng của Anh được êkíp tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và phe thắng thế trong cuộc vận động Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) thuê, đã tiếp cận những dữ liệu người dùng Facebook từ đầu năm 2014 và sử dụng chúng để xây dựng một chương trình siêu phần mềm dự đoán, gây ảnh hưởng đến các lá phiếu bầu.

Vụ việc đã nhanh chóng được thổi bùng lên thành một vụ bê bối vi phạm dữ liệu khổng lồ làm chao đảo Gã khổng lồ truyền thông xã hội và khiến chính trường Mỹ cũng như châu Âu chấn động.

Cambridge Analytica là ai?

Công ty phân tích dữ liệu của Anh, Cambridge Analytica, là trung tâm tranh cãi tại Mỹ và Anh sau khi hai tờ báo New York Times và Observer (Người quan sát) đưa tin vào hôm Chủ Nhật (18/3) rằng công ty này thu thập dữ liệu cá nhân về người sử dụng Facebook bắt đầu vào năm 2014.

Trụ sở Cambridge Analytica ở trung tâm London, Anh. (Nguồn: AFP)
Trụ sở Cambridge Analytica ở trung tâm London, Anh. (Nguồn: AFP)

Được biết đến với sự hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cambridge Analytica hiện đang phải đối mặt với một cuộc điều tra của Chính phủ Anh, nơi đặt trụ sở chính của công ty này (London), và trả lời các câu hỏi từ các cơ quan chức năng Mỹ và yêu cầu đòi kiểm toán của Facebook cùng tuyên bố công ty dữ liệu này phải chịu trách nhiệm chính trong vụ vi phạm dữ liệu.

Dưới đây là một số điều cần biết về công ty đang khiến ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đau đầu khi mất hơn 9 tỷ USD giá trị tài sản chỉ trong 2 ngày cùng sức ép đòi từ chức.

Cambridge Analytica là một nhánh của Tập đoàn SCL, một nhà thầu cho các cơ quan chính phủ và nhà quân sự. Tập đoàn này tuyên bố họ hoạt động trên tất cả mọi lĩnh vực từ nghiên cứu an ninh lương thực, chống ma túy đến các chiến dịch chính trị. Theo trang web của mình, SCL được thành lập cách đây hơn 25 năm.

Cambridge Analytica được thành lập vào khoảng năm 2013 với trọng tâm là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, với sự hỗ trợ 15 triệu USD từ nhà tài trợ tỷ phú Gordoner Robert Mercer theo Cộng hòa và cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon. 

Theo tờ New York Times, Cambridge Analytica được thành lập vào khoảng năm 2013 với trọng tâm là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cùng sự hỗ trợ 15 triệu USD từ nhà tài trợ tỷ phú Gordoner Robert Mercer theo Cộng hòa và cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon.

Giám đốc điều hành của công ty là ông Alexander Nix, một chuyên gia tài chính người Anh và từng là Giám đốc điều hành công ty mẹ SCL.

Cũng theo New York Times, công ty này có đội ngũ nhân viên chủ yếu là người Anh, từng trợ giúp chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên đảng Cộng hòa, thượng nghị sỹ Ted Cruz trước khi giúp đỡ cho ông Trump.

Cambridge Analytica xác định họ là một công ty nghiên cứu thị trường, cung cấp các số liệu nghiên cứu về người tiêu dùng, quảng cáo nhằm phục vụ cho cả khách hàng chính trị gia lẫn doanh nghiệp.

Kênh 4 của Anh đưa tin hôm thứ Hai (19/3), dựa trên video được ghi lại bí mật cho biết Cambridge Analytica đã bí mật quản lý các chiến dịch tranh cử của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trong cuộc bầu cử năm 2013 và 2017. Cambridge Analytica bác bỏ thông tin này.

Giám đốc điều hành Cambridge Analytica, Alexander Nix. (Nguồn: Reuters)
Giám đốc điều hành Cambridge Analytica, Alexander Nix. (Nguồn: Reuters)

Theo thông tin trên trang web của Cambridge Analytica, công ty này có năm văn phòng tại New York, Washington, London, Brazil và Malaysia.

Theo tờ Times, sau khi trợ giúp ông Trump vào được Nhà Trắng năm 2016, Giám đốc điều hành của Cambridge Analytica, Alexander Nix, đã được nhiều khách hàng để ý nhiều hơn. Công ty khuếch trương quảng cáo rằng họ có thể phát triển hồ sơ tâm lý của người tiêu dùng, cử tri và có thể dùng hệ thống hồ sơ này như một loại “nước sốt bí mật” để thu hút người tiêu dùng, cử tri hiệu quả hơn so với quảng cáo truyền thống.

Các chuyên gia tư vấn và trợ giúp chiến dịch đối thủ bày tỏ sự nghi ngờ về tuyên bố của Cambridge Analytica. Phía đội ngũ hỗ trợ tranh cử của ông Trump cũng lên tiếng bác bỏ sử dụng dữ liệu của của Cambridge Analytica.

Brad Parscale, người điều hành hoạt động kỹ thuật số của ông Trump vào năm 2016, cho biết chiến dịch này không sử dụng dữ liệu của Cambridge Analytica, mà chỉ dựa vào dữ liệu của cử tri từ hoạt động của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.

Vụ vi phạm dữ liệu người dùng Facebook bị phát giác thế nào?

Theo tờ New York Times và Observer, Cambridge Analytica bắt đầu tiếp cận với dữ liệu của 50 triệu người sử dụng Facebook từ 2014 mà không được phép của cả người dùng lẫn Facebook.

Dữ liệu được thu thập bởi một ứng dụng được phát triển bởi một học giả Anh, Aleksandr Kogan.

Theo Facebook, khoảng 270.000 người đã tải về ứng dụng này và đăng nhập bằng các thông tin Facebook của họ. Ứng dụng này tập hợp dữ liệu của người dùng và dữ liệu về bạn bè của họ, và sau đó ông Kogan đã truyền dữ liệu cho Cambridge Analytica.

Hôm thứ Bảy 17/3, phía Cambridge Analytica cho biết ban đầu họ không biết ông Kogan đã vi phạm các điều khoản của Facebook, và công ty đã xóa dữ liệu khi phát hiện ra vụ việc vào năm 2015.

Tuy nhiên, theo điều tra của New York Times và Observer, các dữ liệu không hề bị xóa. Cambridge Analytica nói rằng cáo buộc trên là không đúng. Facebook cho biết họ đang điều tra để xác minh tính chính xác của vụ việc.

Dữ liệu được thu thập bởi một ứng dụng được phát triển bởi một học giả Anh, Aleksandr Kogan.

New York Times còn cho biết các bản sao của dữ liệu mà Cambridge Analytica thu thập được vẫn có thể được tìm thấy trực tuyến và nhóm phóng viên điều tra của tờ báo này đã tiếp cận được một số dữ liệu thô.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Facebook cho biết họ đang yêu cầu Cambridge Analytica trả lời các câu hỏi về vấn đề sử dụng dữ liệu người dùng mạng xã hội này, sau khi nhận được sự đảm bảo từ Cambridge Analytica vào năm 2015 rằng họ đã xóa tất cả dữ liệu.

Facebook cũng đã thuê kiểm toán viên pháp lý từ công ty Stroz Friedberg để giúp đỡ xử lý vụ việc.

Trong khi điều tra, Facebook cho biết họ đang đóng băng tài khoản mạng xã hội của Cambridge Analytica, công ty mẹ SCL, ông Kogan và một cá nhân khác là ông Christopher Wylie- một cựu nhân viên của Cambridge Analytica, vì vi phạm các quy tắc của Facebook.

Tuy nhiên, cuộc điều tra của Facebook có thể bị đình lại do các cuộc điều tra của chính quyền Anh, Mỹ và EU. Cơ quan quản lý thông tin của Anh đang mở cuộc điều tra vào văn phòng của Cambridge Analytica ở London và yêu cầu kiểm toán viên của Facebook tạm thời không can dự vào vụ việc cho đến khi phía Anh hoàn thành tiến trình điều tra.

Các tiểu bang Massachusetts và Connecticut của Mỹ cũng đã mở các cuộc điều tra về cách thức xử lý dữ liệu của Facebook, và cơ quan tư pháp ở California, nơi Facebook có trụ sở, cho biết họ quan ngại trước vụ vi phạm dữ liệu.

Trong bài đăng ngày 20/3 trên trang mạng Twitter, Điều phối viên Brexit của Nghị viện châu Âu (EP) Guy Verhofstadt kêu gọi EP tiến hành điều tra vụ rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng Facebook mà ông gọi là một vụ “bê bối” này. Ông Verhofstadt cho biết sẽ cập nhật thông tin về tiến trình điều tra.

Ủy viên EU phụ trách về tư pháp Vera Jourova cũng đã hối thúc giới chức bảo vệ thông tin độc lập ở châu Âu điều tra làm rõ vụ việc. Bà Jourova và các quan chức này sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) trong ngày 20/3.

Bà Jourova dự kiến sẽ gặp ban lãnh đạo Facebook trong chuyến thăm Mỹ vào tuần này để tìm hiểu thêm thông tin. Trong khi đó, Ủy viên EU phụ trách về kỹ thuật số Mariya Gabriel cho biết các quan chức EU đang theo dõi vụ việc, đồng thời khẳng định bảo vệ thông tin cá nhân là “giá trị cốt lõi” của EU.

Trước đó, ngày 19/3, Ủy ban về quyền tự do dân sự thuộc EP đã gửi thư yêu cầu Facebook ra đối chứng trước cơ quan này.

Bão tố bắt đầu đổ xuống Facebook

Mặc dù luôn tuyên bố mình cũng là một nạn nhân của của Cambridge Analytica khi bị công ty dữ liệu Anh lừa dối, song điều đó không giúp Facebook thoát khỏi “búa rìu” dư luận và chính giới Mỹ, Anh, EU.

Các nghị sỹ Mỹ cho rằng Facebook phải chịu trách nhiệm khi là người quản lý mạng xã hội mang tên mình cũng như đã cam kết với nhà chức trách, người dùng về việc bảo mật dữ liệu người dùng nhưng nay lại bị bên thứ ba tiếp cận bất hợp pháp.

Cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,5% vào chốt phiên 20/3 tại thị trường New York sau khi giảm 6% trong ngày giao dịch trước đó. (Nguồn: AFP)
Cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,5% vào chốt phiên 20/3 tại thị trường New York sau khi giảm 6% trong ngày giao dịch trước đó. (Nguồn: AFP)

Cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,5% vào chốt phiên 20/3 tại thị trường New York sau khi giảm 6% trong ngày giao dịch trước đó. Như vậy, trong 2 ngày qua, giá trị cổ phiếu của Facebook đã sụt giảm 60 tỷ USD. Bản thân giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, người nắm giữ 400 triệu cổ phiếu Facebook đã bị “bốc hơi” hơn 9 tỷ USD giá trị tài sản.

Theo trang tin The Verge, phía Facebook mới đây đã có cuộc họp ban lãnh đạo, trong đó có phần chất vấn trách nhiệm cá nhân giám đốc điều hành Mark Zuckerberg trong việc để xảy ra vụ bê bối.

Cho đến nay, Mark Zuckerberg và những người liên quan ở Facebook vẫn chọn cách giữ im lặng giữa bão tố.

Bản thân các nhân viên mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng rất bất ngờ khi không hề biết và nhận được những chỉ đạo của Zuckerberg để xử lý vụ vi phạm dữ liệu.

Cho đến nay, Mark Zuckerberg và những người liên quan ở Facebook vẫn chọn cách giữ im lặng giữa bão tố.

Trong khi đó, giới phân tích công nghệ Mỹ đã xuất hiện các tiếng nói đòi Zuckerberg từ chức giám đốc điều hành để nhường chức cho COO Sheryl Sandberg. Thậm chí trên mạng xã hội Twitter còn xuất hiện hashtag #DeleteFacebook kêu gọi mọi người xóa tài khoản Facebook để phản đối vụ bê bối vi phạm dữ liệu.

Có thể nói, vụ bê bối dữ liệu người dùng Facebook liên quan đến các hoạt động chính trị đang làm dấy lên những lo ngại về việc mạng xã hội này đang ngày càng bị lợi dụng trở thành công cụ cho các chiến dịch chính trị và tính an toàn của các dữ liệu cá nhân người dùng trên hệ thống mạng xã hội lớn nhất thế giới.

 CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Nguồn: Reuters)
 CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Nguồn: Reuters)