Căng thẳng Nga-phương Tây:

diepvienng-1522160733-80.jpg

Mối quan hệ vốn chưa bao giờ êm ả giữa Nga với phương Tây đã bị đẩy lên nấc căng thẳng cực điểm khi Mỹ, Canada, Australia cùng trên một nửa số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga để “bày tỏ tình đoàn kết” với London liên quan vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh.

Tính đến ngày 27/3, ít nhất 24 nước đã tuyên bố trục xuất trên 130 nhà ngoại giao Nga, trong đó riêng Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao, kể cả những người làm việc tại Phái đoàn đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc.

Riêng tại châu Âu, ngoài Anh, có 16/28 thành viên EU, gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Litva, Đan Mạch, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha, Estonia, Croatia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Romania, Thụy Điển và 4 nước ngoài khối là Albania, Ukraine, Na Uy, Macedonia tuyên bố tham gia “hành động trừng phạt tập thể” này.

Vụ trục xuất nhà ngoại giao ồ ạt này được coi là cuộc chiến ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Ảnh tư liệu: Cựu điệp viên Sergei Skripal trong phiên xét xử tại tòa án quân sự ở Moskva ngày 9/8/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Cựu điệp viên Sergei Skripal trong phiên xét xử tại tòa án quân sự ở Moskva ngày 9/8/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nga đã chỉ trích việc Anh lôi kéo các nước EU, thuyết phục các đồng minh có những bước đi “mù quáng” và mang tính đối đầu với Moskva bởi trên thực tế London không đưa ra bằng chứng rõ ràng và xác thực nào cho thấy Moskva có liên quan tới vụ việc.

Ngoại trưởng Nga tuyên bố nhiều nước EU đã chịu sức ép của Mỹ trong sự việc này. Phía Nga thậm chí cho rằng phương Tây cố tình che giấu điều gì khi đại sứ quán Mỹ và Anh ở Moskva không cung cấp cho Nga thông tin từ tài liệu về vụ đầu độc cựu điệp viên, cũng không tham dự buổi thảo luận công khai với Nga để làm rõ về vụ việc, không hồi đáp đề nghị của Nga hợp tác điều tra.

Ngoại trưởng Nga tuyên bố nhiều nước EU đã chịu sức ép của Mỹ trong việc trục xuất các nhà ngoại giao nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova còn nhấn mạnh Mỹ và các nước EU đã “công bố tình trạng chiến tranh mới” khi thể hiện “sự hiếu chiến và đối đầu” nhằm vào Nga đúng vào thời điểm toàn thể nhân dân Nga đang trải qua ngày đau thương của thảm kịch hỏa hoạn ở Kemerovo.

Phía Nga ngay lập tức khẳng định sẽ có những hành động đáp trả tương xứng đối với từng nước cụ thể, trên nguyên tắc “có đi có lại”, tương tự như việc Moskva đã trục xuất 23 nhà ngọai giao Anh sau khi London trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga hồi đầu tháng 3.

Một số nhà phân tích cho rằng quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga cho thấy một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao đối với Thủ tướng Anh, bất chấp thực tế khá căng thẳng giữa Anh với các đối tác EU liên quan tiến trình London rút khỏi EU (Brexit).

Cảnh sát Anh thu thập các bằng chứng sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury ngày 16/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Anh thu thập các bằng chứng sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury ngày 16/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhà khoa học chính trị Jan Techau thuộc Quỹ Marshall của Mỹ, trụ sở tại Berlin (Đức), cho rằng cách phản ứng đồng loạt của các đồng minh của Anh nhằm vào Nga cho thấy nhu cầu tiếp tục hợp tác về an ninh chung mà không quan tâm tới tiến trình Brexit.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng “sự đoàn kết bất ngờ” của EU và Mỹ với Anh, được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đắc cử để tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 6 năm nữa, thực chất chỉ là đỉnh điểm của những bất đồng đã tích tụ từ lâu giữa Nga và phương Tây suốt 1 thập niên qua.

Theo giáo sư Thornike Gordadze thuộc Đại học Sciences Po, chuyên gia khu vực và là cố vấn tại Viện Nghiên cứu cao cấp quốc phòng (IHEDN) của Pháp, sau sự hồi sinh của nước Nga kể từ khi ông Putin lên nắm quyền, những diễn biến như bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hay Moskva ủng hộ mạnh mẽ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad… đã khiến mối quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi.

 “Cái gai” thực sự trong quan hệ giữa Nga và phương Tây không phải là vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh. 

Đối với Mỹ và đồng minh, từ Đông sang Tây, Moskva đang gia tăng các hoạt động được xem là “gây tổn hại” tới các lợi ích của phương Tây, với mục đích khôi phục “quyền lực” của Nga và làm suy yếu các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của phương Tây.

Nói cách khác, “cái gai” thực sự trong quan hệ giữa Nga và phương Tây không phải là vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh.

Những quyết định đã được đưa ra nhưng hậu quả lâu dài của nó thì còn lơ lửng phía trước và thực tế chưa biết chiều hướng vụ việc sẽ đi đến đâu sau các động thái đáp trả lẫn nhau vì một tuyên bố mà cả bên cáo buộc và bên hưởng ứng chưa đưa ra một bằng chứng rõ ràng nào để chứng minh.

Đại sứ quán Nga tại Paris, Pháp. Pháp cho biết sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga trong vòng 1 tuần. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đại sứ quán Nga tại Paris, Pháp. Pháp cho biết sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga trong vòng 1 tuần. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhiều chuyên gia cho rằng “cú đòn ngoại giao” của các nước phương Tây chống Nga có thể gây nên cuộc leo thang căng thẳng tiếp theo giữa Nga và phương Tây.

Theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ Richard N. Haass, căng thẳng gia tăng giữa Anh và Nga là một bằng chứng nữa cho thấy Nga và phương Tây đã bước vào cuộc “Chiến tranh Lạnh lần thứ 2.”

Chuyên gia của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Maxim Suchkov cho rằng động thái này “sẽ siết chặt đối đầu” và dẫn đến loạt các “biện pháp phản đòn.”

Tuy nhiên, Chủ nhiệm khoa Kinh tế và Chính trị thế giới tại Trường cao học Kinh tế ở Moskva, ông Sergei Karaganov lại cho rằng mối quan hệ Nga-phương Tây hiện nay thực sự còn tồi tệ hơn cả thời Chiến tranh Lạnh, song điều đó không có nghĩa là những căng thẳng này sẽ dẫn tới một kết cục bi thảm.

Bất chấp những mâu thuẫn và chia rẽ, Nga và phương Tây luôn có mối ràng buộc về những vấn đề chính trị, kinh tế hay an ninh. Tại châu Âu, Nga vẫn là một đối tác quan trọng trên cả góc độ kinh tế lẫn an ninh.

Giới phân tích cho rằng dù tham gia “cú đòn ngoại giao tập thể” nhằm vào Moskva, song lợi ích kinh tế sẽ buộc các nước EU phải cân nhắc về dài hạn, đặc biệt khi châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. 

Cuộc chiến ngoại giao, nếu đổi thành cuộc chiến thương mại hay kinh tế, sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường với cả hai bên. Giới phân tích cho rằng dù tham gia “cú đòn ngoại giao tập thể” nhằm vào Moskva, song lợi ích kinh tế sẽ buộc các nước EU phải cân nhắc về dài hạn, đặc biệt khi châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Đức từng tuyên bố “Dòng chảy phương Bắc-2”, dự án vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, không liên quan gì đến vụ “Skripal-gate.”

Áo, đất nước rất quan tâm đến khí đốt Nga thì nói thẳng: “Áo sẽ không thi hành biện pháp nào, sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao” vì cả Anh lẫn Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đều không chứng minh được mối liên hệ giữa Nga với vụ đầu độc.

Với Mỹ, một mặt áp dụng các biện pháp ngoại giao với Nga, mặt khác cũng khẳng định mong muốn đối thoại với Nga về các vấn đề cùng quan tâm. Có vẻ khi cái giá phải trả cho “tình đoàn kết với Anh” là hóa đơn mà các bên liên quan phải thanh toán, thì mọi chuyện đều sẽ nằm trong giới hạn.

Đại sứ quán Nga tại London, Anh ngày 14/3. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đại sứ quán Nga tại London, Anh ngày 14/3. (Nguồn: THX/TTXVN)