Các thuật toán

Công ty khởi nghiệp Articoolo tại Israel khẳng định sản phẩm trí tuệ nhân tạo của họ có thể tạo ra những nội dung nguyên bản về bất kỳ chủ đề nào trong vài phút – và chúng ta sẽ không thể nhận ra sự khác biệt.

Viết nội dung có thể gây đau đầu cho các nhà quản lý trang web. Sản xuất nội dung đòi hỏi thời gian, nhân lực có kỹ năng và tiền bạc. Trong hiện thực kỹ thuật số hiện nay, các thương hiệu, công ty và các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phải có một trang web để duy trì liên lạc với khách hàng và thu hút khách hàng mới. Ngoài ra, họ cần có một danh sách phân phối email và các hồ sơ trên mạng xã hội.

Hiện có khoảng hơn một tỷ trang web nội dung trên toàn thế giới. Các nghiên cứu cho thấy mỗi ngày, có 4 triệu bài blog được viết và 215 tỷ email thương mại được gửi đi. Mặc dù các nhà thiết kế và viết nội dung không được trả lương hậu hĩnh, việc viết những nội dung nguyên bản tỏ ra là một gánh nặng tài chính đáng kể. Ở các công ty lớn hơn, nhu cầu nội dung gốc phong phú để duy trì sự hiện diện của họ trong thế giới kỹ thuật số có thể khiến chi phí tăng vọt.

Một giải pháp cho những vấn đề này vừa được công ty khởi nghiệp Articoolo ở Israel đưa ra.

Giải pháp này giúp việc viết lách trở thành một quá trình đơn giản với chi phí thấp bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo. Articoolo đã phát minh ra một công cụ công nghệ có thể sản xuất một bài tin tức 500 từ với nội dung nguyên bản và chất lượng cao về bất kỳ nội dung nào trong vòng 2 phút. Độc giả sẽ không thể phân biệt được văn bản này được người viết hay máy viết.

“Về mặt trí tuệ nhân tạo, sản xuất một bài tin tức mạch lạc rất phức tạp,” Doron Tal, một trong những nhà sáng lập công ty cho biết. “Giải pháp của chúng tôi cho phép cải tiến các mẩu nội dung đã có trong không gian kỹ thuật số, trình bày chúng theo một cách thống nhất, sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và chính xác.”

Articoolo đã phát minh ra một công cụ công nghệ có thể sản xuất một bài tin tức 500 từ với nội dung nguyên bản và chất lượng cao về bất kỳ nội dung nào trong vòng 2 phút.

Ý định đầu tiên của Articoolo là sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục để giúp các sinh viên đại học viết các bài luận. Công ty nhanh chóng nhận ra lĩnh vực tiếp thị còn có nhu cầu viết tự động lớn hơn. “Trong thập kỷ qua, quảng cáo đã trải qua rất nhiều thay đổi. Khách hàng bây giờ tìm kiếm những giá trị và ít bị ảnh hưởng bởi những câu khẩu hiệu hơn. Các công ty và thương hiệu do đó đã chuyển sự tập trung và đầu tư của họ vào nội dung,” Tal cho biết.

Articoolo được thành lập cách đây 2 năm bởi Tal và các cộng sự, tiến sỹ toán học Nir Haloani và nhà phát triển phần mềm Lilia Demidov – cả hai người này có kinh nghiệm dày dạn trong việc nén dữ liệu và quảng cáo trên internet. Năm ngoái, Articoolo là một trong số 8 công ty khởi nghiệp được tham gia vào chương trình tăng tốc danh tiếng của IBM. Điều này đã giúp các nhà sáng lập tiếp cận với một trong những hệ thống trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ nhất thế giới: Watson.

“Trong vòng một tháng rưỡi, chúng tôi đã tăng vốn ban đầu lên tới hàng triệu USD, và trong vòng một năm, chúng tôi chỉ nghiên cứu các thuật toán cơ bản. Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng một cỗ máy dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể viết một bài tin tức mà người đọc sẽ nghĩ là do con người viết. Điều quan trọng với chúng tôi là văn bản đó phải nguyên gốc, không được là sự sao chép hay cắt dán,” Tal chia sẻ.

“Ở bất kỳ phân khúc thị trường nào, nếu bài viết bị sao chép từ đâu đó và không phải là duy nhất, thì nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Bạn có thể sử dụng Google để lấy một văn bản. Chúng tôi đã trải qua một quá trình bảo đảm chất lượng dài hơi, phát hiện các vấn đề và lỗi sai, và mỗi lần như vậy chúng tôi lại cải thiện được thuật toán. Đây là một quá trình bất tận, chúng tôi sẽ luôn phải cải tiến nó và chúng tôi sắp xin được bằng sáng chế cho sản phẩm này,” ông cho biết thêm.

Từ trái sang: Các nhà sáng lập của Articoolo - Nir Haloani, Lilia Demidov và Doron Tal (Ảnh: haaretz.com)
Từ trái sang: Các nhà sáng lập của Articoolo – Nir Haloani, Lilia Demidov và Doron Tal (Ảnh: haaretz.com)

Sản xuất tại Ấn Độ

– Ông nghĩ chất lượng văn bản do cỗ máy tạo ra như thế nào?

Tal: “Sáu tháng trước chúng tôi đã cho chạy thử và đạt được kết quả là 100% các bài viết đều là độc nhất. Chúng tôi hài lòng vơi kết quả này. Chúng tôi chưa gặp câu văn nào nghe vô lý. Chất lượng là một vấn đề chủ quan và chúng tôi chỉ còn cách những mục tiêu của mình một nửa đường nữa.”

– Hệ thống này xử lý tin tức giả như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu thuật toán sử dụng một bài báo bịa đặt?

“Theo định nghĩa, thuật toán tìm kiếm những nguồn có dạng bài viết. Chúng tôi thường không sử dụng nội dung từ các trang web tin tức hay các trang blog viết về các sự kiện đang diễn ra như nguồn tin bài. Điều này làm giảm khả năng gặp phải tin giả. Rõ ràng, ngay cả khi coi các bài tin tức là một nguồn, chúng tôi cũng có thể gặp những thông tin sai, nhưng điều này cũng giống như một người viết là con người tìm kiếm các nguồn tin và tìm thấy một thứ gì đó mà anh ta không thể truy nguyên. Khả năng bị vấp ngã như vậy của chúng tôi thấp hơn vì chúng tôi đã phân loại các nguồn tin khác nhau, làm giảm nguy cơ gặp phải những nguồn không đáng tin cậy.”

– Articoolo có bao nhiêu người dùng?

“Chúng tôi có 33.000 người dùng đã tạo ít nhất một bài tin tức, trong đó có 2.000 người là khách hàng trả tiền. 7% những người đăng ký sử dụng đã trở thành khách hàng trả tiền. 60 phần trăm khách hàng trả tiền cũng đăng ký theo dõi, hoặc là khách hàng cũ quay lại.

“Về mặt chiến lược, mục tiêu của chúng tôi là tiếp cận các công ty và tổ chức lớn thường xuyên có nhu cầu về nội dung gốc với số lượng lớn. Chúng tôi co một số dự án thí điểm với các công ty về quảng cáo và nội dung tự nhiên, và chúng tôi đãng kiểm chứng khả năng xử lý khối lượng công việc lớn của công cụ của mình. Các mức giá của chúng tôi phụ thuộc vào việc công ty đăng ký thuê bao trả tiền hay chỉ muốn mua một số lượng tin bài giới hạn. Mười bài viết có giá 19 USD và 100 bài có giá 99 USD. Mặt khác, người dùng đăng ký trả tiền có thể tạo 30 bài tin tức với giá 29 USD hoặc 250 bài với giá 99 USD.”

– Ai là đối thủ cạnh tranh của công ty? Có công ty nào khác tạo nội dung bằng trí tuệ nhân tạo không?

“Chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu một số giải pháp khác trong lĩnh vực này. Không công ty nào cung cấp một giải pháp hoàn chỉnh như chúng tôi. Ví dụ, có những sản phẩm phần mềm gọi là spinner, có thể lấy một văn bản hay một từ rồi thay thế bằng từ đồng nghĩa hay văn bản tương tự. Vấn đề là họ không phân tích văn bản, dẫn đến việc văn bản có thể không mạch lạc. Một công ty khởi nghiệp tên là Narrative Science viết được những bài tóm tắt nhưng cũng có thể sản xuất những văn bản, tuy nhiên hoạt động này phải dựa trên các mẫu cố định. Chúng tôi không sản xuất những văn bản cứng nhắc mà cung cấp những sản phẩm cho các công ty cần nội dung gốc với số lượng lớn và tần suất liên tục.

“Chúng tôi cố gắng chỉ đạo hệ thống sản xuất ra văn bản dưới dạng các bài viết, vì thế đối thủ chính của chúng tôi thực ra là những cây viết con người. Nghiên cứu cho thấy 79% nội dung tiếng Anh trên internet được viết ra ở Ấn Độ. Có rất nhiều trang web viết tin bài do người Ấn Độ quản lý với mức giá khá cao. Trong lần thử nghiệm của mình, chúng tôi nhận ra nhu cầu là rất cao và mọi người đều sẵn sàng trả tiền. Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ có thể tăng giá vì chúng tôi gần như không có đối thủ cạnh tranh nào. Khi lựa chọn thay thế chủ yếu là cây viết con người, giá thành phẩm trở nên rất đáng kể.”

Viết bằng thuật toán

– Các anh có phải là một mối đe dọa với những người viết nội dung hay không? Các nhà báo có cần bắt đầu tìm một công việc mới không?

“Chúng tôi sẽ không thay thế các nhà báo. Đây là một sự trợ giúp dành cho nhiều nhóm người dùng. Vẫn cần các nhà báo xem xét lại nội dung, biên tập và trong trường hợp của chúng tôi là dịch thuật ra nữa. Chúng tôi đã kết luận rằng các nhà báo và những cây viết chuyên nghiệp không muốn để một thuật toán viết bài thay họ. Họ đã quá mệt mỏi với những thuật toán như vậy rồi. Mặt khác, họ cũng cần sự giúp đỡ khi viết lách, nhất là trong những giai đoạn đầu khi họ ngồi trước một trang giấy trắng và cần một điểm xuất phát. Thuật toán này không khiến các nhà báo mất việc. Trái lại, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của cây viết con người, do thuật toán sẽ không bao giờ đọ được với một nhà báo cùng khả năng phân biệt và sự hiểu biết của họ. Nó có thể giúp công việc của nhà báo trở nên dễ dàng hơn mà không hoàn toàn thay thế họ. Sẽ phải mất một thời gian dài để máy móc có thể thay thế hoàn toàn một cây viết con người.”

– Tuy nhiên, sản phẩm của các anh vẫn đặt ra câu hỏi về công việc của người viết hoặc nhà báo: Họ có nên xuất bản những tin bài do máy viết thay vì do họ viết không?

“Tôi không nghĩ việc một nhà báo dùng Articoolo và các công cụ công nghệ của chúng tôi để lấy ý tưởng hay xây dựng nội dung từ đó lại là phi đạo đức. Cả thế giới đang hướng về trí tuệ nhân tạo và sẽ không có cách nào quay lưng lại với nó được.”

Trong những tháng gần đây, một số trang web nội dung đã tiếp cận công ty này và đề nghị dùng thử các công cụ của họ, và các quan hệ đối tác đã được thành lập, một số còn trên cơ sở dài hạn. Một ví dụ là BITA, một trang blog công nghệ của Nhật Bản sử dụng thuật toán của Articoolo để viết các tin bài chủ yếu liên quan đến tin tức và khảo sát công nghệ. Sự hợp tác này làm tăng sự hiện diện của công ty ở Nhật và khách hàng Nhật Bản hiện chiếm 15% cơ sở khách hàng của họ.

Các công cụ của Articoolo đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về nội dung được tạo tự động mà không có sự can thiệp của con người. Ngoài việc đe dọa công ăn việc làm của những người viết nội dụng và những nhà báo (dù Tal đã phủ định việc này), những nội dung do máy móc tạo ra vẫn cần khách hàng phải kiểm tra và xác minh trong một số trường hợp để bảo đảm không có thông tin sai lệch. Việc chuẩn bị tin bài do đó trở thành một quá trình lâu hơn so với dự định của khách hàng.

Tuy nhiên, Articoolo nỗ lực sản xuất những văn bản đơn giản, không phải là các luận án học thuật hay mục tin tức. Đó là lý do vì sao công ty đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường trong việc nhanh chóng tạo ra những nội dung có liên quan với số lượng lớn, sự mạch lạc và độ chính xác tương đối.

Không có sự tham gia của con người

Văn bản dưới đây có tên “Những ảnh hưởng về mặt tài chính của biến đổi khí hậu” được viết hoàn toàn bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo của Articoolo. Hệ thống được cho 5 từ khóa theo chủ đề và giới hạn bài viết ở 250 từ.

Thuật toán phân tích từng từ và quét toàn bộ internet để chọn nguồn chính để viết bài. Sau đó, phần mềm sẽ tìm kiếm những nội dung liên quan hơn và tạo những câu chính cho bài viết từ các nguồn này. Cuối cùng, văn bản thô được viết lại và chỉnh sửa bằng công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để chắc chắn về độ rõ ràng và dễ hiểu. Toàn bộ quá trình này mất không quá hai phút.

Đoạn nội dung 250 chữ này do hệ thống trí tuệ nhân tạo của Articoolo viết ra
Đoạn nội dung 250 chữ này do hệ thống trí tuệ nhân tạo của Articoolo viết ra

Những ảnh hưởng về mặt tài chính của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trên thị trường, nên các nhà đầu tư và tổ chức tài chính cần cân nhắc điều này trong các kế hoạch chiến lược của họ. Tuy nhiên, không phải mọi điều kiện vi mô và thay đổi vĩ mô sẽ có tác động tương tự nhau lên bất kỳ khoản đầu tư nào.

Bạn có thể tìm thấy những cơ hội và thách thức có liên hệ với chính sách đo lường việc giảm khí nhà kính (GHG). Để đạt được mục tiêu toàn cầu là giữ nhiệt độ trung bình trên thế giới từ thời tiền công nghiệp tăng dưới 2 độ C, cách thức đầu tư phải thay đổi đáng kể.

Các khoản đầu tư và tài sản sẽ bị ảnh hưởng bởi những tác động vật lý của biến đổi khí hậu. Các sự kiện thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu sẽ tác động đến lượng mưa, cơ sợ hạ tầng, nông nghiệp và nguồn cung thực phẩm cũng như nguồn nước theo những cách chưa thể được ước tính.

Quyết định của các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư trong khu vực tư nhân sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách xã hội phản ứng với biến đổi khí hậu.

Sẽ có sự quan tâm đáng kể với nguồn vốn, khi các cơ quan trông cậy vào khu vực tư nhân để hỗ trợ đa phần. Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C, đầu tư thêm vào riêng ngành cung cấp năng lượng hàng năm phải đạt từ 190 tỷ USD đến 900 tỷ USD, cùng với sự chuyển dịch lớn từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn ít carbon như năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

Phạm Băng Băng

Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes mới công bố thành phần ban giám khảo, trong đó có 2 đại diện châu Á là diễn viên Hoa ngữ Phạm Băng Băng và đạo diễn người Hàn Quốc Park Chan-wook.

Ngay sau khi thông tin này lan truyền trên báo chí, cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng của Phạm Băng Băng, điều mà đã thành thông lệ mỗi khi cô diễn viên xinh đẹp này nhận được vinh dự nào đó.

Nhưng dù gì thì vẫn phải khẳng định rằng gần 20 năm sau vai diễn nàng hầu Kim Tỏa trong “Hoàn Châu Cách Cách,” Phạm Băng Băng đã có những bước tiến ngoạn mục để trở thành ngôi sao điện ảnh hàng đầu Trung Quốc.

Với vai diễn trong bộ phim “Tôi không phải Phan Kim Liên,” Phạm Băng Băng đã nhận giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Lễ trao giải điện ảnh Trung Quốc lần thứ 8, diễn ra vào tối 22/4 tại Bắc Kinh. Đây là thành công nối tiếp sau giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắt nhất ở Liên hoan phim quốc tế San Sebastián và Giải thưởng Điện ảnh châu Á.

Chính sự nỗ lực, thẳng thắn, chăm chỉ và tính cách dịu dàng mới chính là nguyên nhân cô được truyền thông săn đón.

Trong giây phút nhận giải thưởng, Phạm Băng Băng chia sẻ rằng: “Đã nhiều năm trôi qua, tôi muốn bước lên sân khấu này nhưng vẫn chưa có cơ hội. Cuối cùng hôm nay tôi đã có cơ hội này. Cảm ơn vì mọi người đã nhìn thấy những nỗ lực trong nhiều năm qua của tôi.”

Từ vai diễn Kim Tỏa trong “Hoàn Châu Cách Cách” đến khi trở thành ngôi sao hàng đầu của châu Á, dường như Phạm Băng Băng đã chứng minh bản thân không chỉ xinh đẹp như “nữ thần,” mà chính sự nỗ lực, thẳng thắn, chăm chỉ và tính cách dịu dàng mới chính là nguyên nhân cô được truyền thông săn đón.

Phạm Băng Băng bén duyên với sự nghiệp diễn xuất từ năm 16 tuổi. Tên tuổi của cô được biết tới từ sau vai diễn trong tác phẩm của Quỳnh Dao.

Phạm Băng Băng nhớ lại: “Từ nhỏ tôi đã hứng thú với các bộ phim, tôi gần như mê đắm bộ ‘Võ Tắc Thiên.’ Tôi thường xuyên bắt chước mọi động tác của bà ấy, và cũng từ thời khắc đó, tôi ước mình sẽ là một diễn viên.”

Phạm Băng Băng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Thanh Đảo, Sơn Đông, khi cha cô vốn làm ca sỹ trong đoàn văn công hàng không hải quân, còn mẹ cô từng là diễn viên múa. Cô tốt nghiệp từ trường Minh tinh Hằng Thông của đạo diễn Tạ Tấn và Học viện Hí kịch Thượng Hải.

Phạm Băng Băng có phải là “bình hoa di động”?

Những lời chia sẻ, tâm sự của cô khi nhận giải thưởng dường như là tiếng lòng trong suốt bao nhiêu năm qua khi người ta gọi cô là “bình hoa di động,” cũng giống như lời của đạo diễn Phùng Tiểu Cương nói sau khi đoàn làm phim nhận giải thưởng ở Tây Ban Nha. Ông nói: “Như vậy người ta sẽ chẳng còn cớ nói cô suốt ngày chỉ sải bước trên thảm đỏ rồi.”

“Tôi có thể đi trên thảm đỏ, cũng có thể đi từ đầu này của thảm đỏ đến đến đầu kia, nơi trao giải thưởng,” cầm trên tay Vỏ sò bạc tại San Sebastián 2016, Phạm Băng Băng bạo gan đáp lại.

Ngày 26/11/2016, một lần nữa Phạm Băng Băng lại bước gần đến mục nhận giải sau khi được đề cử ở giải Kim Mã nhưng lần này cô bị Chu Đông Vũ và Mã Tư Thuần “cản bước.”

Dù thất bại nhưng cũng không đến nỗi bi thảm như người ta vẫn tưởng tượng, trước buổi lễ trao giải, Phạm Băng Băng bình tĩnh trả lời rằng: “Đương nhiên tôi hy vọng sẽ nhận được giải nhưng sau khi nhận giải tại Tây Ban Nha, mọi giải thưởng khác chỉ như lớp kem trên chiếc bánh.” Phạm Băng Băng của ngày hôm nay dường như rất hài lòng với những giải thưởng mình đạt được: “Một diễn viên 8X của Trung Quốc với những thành công như vậy, tôi có lẽ là số một.”

Thảm đỏ không phải là cuộc hành trình và sân khấu trao giải cũng không phải đích đến, con đường của diễn viên rất dài và Phạm Băng Băng vẫn trên con đường đó.

Cũng giống như những gì Phạm Băng Băng từng nói, dù không đạt được giải thưởng Kim Mã nhưng cô là nữ diễn viên 8X duy nhất nhận được hai giải thưởng ở liên hoan phim quốc tế. Năm 2010, cô chiến thắng ở Tokyo và năm 2016, cô được vinh danh ở Tây Ban Nha.

Trailer phim “Tôi không phải Phan Kim Liên”

Nhớ về Phạm Băng Băng của 12 năm trước – năm 2004, với tác phẩm “Cell Phone,” cô nhận được giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắt nhất giải Bách Hoa. Nghĩ lại cảm giác hôm đó khi nhận giải, Phạm Băng Băng cười lớn: “Hồi đó tôi cảm thấy sung sướng trong một thời gian dài, cảm thấy mình vô cùng lợi hại.”

Cùng với các giải thưởng chính là sự khẳng định của người trong giới. “Cell Phone” là bộ phim điện ảnh đầu tiên của cô, khi đó cô vừa chuyển từ đóng phim truyền hình sang điện ảnh và lần đầu đóng nữ chính, hợp tác với đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Phạm Băng Băng bộc bạch rằng khi đó cô vô cùng hồi hộp nhưng những tiếng vỗ tay khi kết thúc cảnh quay khiến cô có niềm tin với điện ảnh.

Sự động viên của giới chuyên môn khiến Phạm Băng Băng ngày càng tự tin với việc trở thành diễn viên, và ngày càng hà khắc hơn với bản thân. “Giải thưởng của Liên hoan phim quốc tế San Sebastián chỉ khiến tôi vui một ngày, hiện tại thời gian hào hứng ngày càng ít đi,” Phạm Băng Băng nói.

Có người nói rằng cô là bình hoa di động, cũng có người nói rằng cô không biết diễn, Phạm Băng Băng chẳng hề giấu giếm điều gì, và nói rằng: “Mọi người thường cảm thấy những diễn viên xinh đẹp thì không có năng lực diễn xuất, thực ra vì câu nói đó mà tôi quyết tâm bám trụ với công việc này. Tôi muốn chứng minh cho bạn thấy những thứ bạn nói là sai lầm và tôi đã chứng minh được rồi. Rồi có người lại nói, tôi không có bộ phim mang tên tuổi của mình, thực ra tôi thấy bạn đang giả vờ ngủ và không thể tỉnh nổi.”

Đương nhiên, Phạm Băng Băng cũng hiểu rõ những chất vấn đó xuất phát từ đâu. Ngoài “Quan âm Sơn,” “Lạc lối ở Bắc Kinh,” “Tôi không phải Phan Kim Liên,” thì Phạm Băng Băng cũng tham gia diễn xuất trong một lượng lớn phim thảm họa.

Phạm Băng Băng không hề trốn chạy những hoài nghi của khán giả nhưng cô nói rằng cô có một tiêu chuẩn riêng cho mình. Dù đã trở thành diễn viên hạng A nhưng cô vẫn thường xuyên gặp phải những dự án phim phải thay đổi kịch bản khi đã bấm máy, điều mà diễn viên không thể kiểm soát nổi.

Cảm giác khó chịu này từng bủa vây lấy cô nhưng sau này khi đọc được tự truyện của Trương Mạn Ngọc, phát hiện rằng dù diễn viên có giỏi đến đâu cũng gặp những bộ phim thảm họa, và rồi dần dần cô nhận ra: “Cô ấy cũng đóng rất nhiều phim mà bản thân không thích nhưng cô ấy nói rằng tất cả phim thảm họa cũng là một cơ hội để tích lũy kinh nghiệm. Những kinh nghiệm như vậy sẽ giúp bạn phân biệt được phim hay và phim không hay, như thế nào là nhân vật hay, và như thế nào là tẻ nhạt. Đó chính là một quá trình.”

Giá trị thương mại

Đầu năm 2017, Phạm Băng Băng vinh dự xuất hiện trên trang bìa của Tạp chí Time. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm, một ngôi sao Trung Quốc lại một lần nữa được bước lên Tạp chí Time.

Trong số đó, Time nói nhiều đến sự ảnh hưởng qua lại giữa Hollywood và điện ảnh Trung Quốc, cũng như nói đến việc Trung Quốc đã làm thế nào để được điện ảnh toàn cầu chú ý tới.

Trong bài viết của Time, Phạm Băng Băng cũng được nhắc tới với vai diễn trong bộ phim “Tôi không phải là Phan Kim Liên.” Cô được ngợi khen về khả năng diễn xuất và vẻ ngoài xinh đẹp.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên Phạm Băng Băng có được vinh dự đó, cô vẫn thường là cái tên nổi bật nhất của Trung Quốc và thậm chí là cả châu Á mỗi khi xuất hiện trên thảm đỏ thế giới.

Nếu quan tâm đến phong cách thời trang của Phạm Băng Băng thì phải nhắc tới chiếc đầm đuôi cá Long Bào mà cô diễn viên xinh đẹp này xuất hiện tại Liên hoan phim Cannes 2010. Cô lẽ đây chính là cột mốc đánh dấu tên tuổi của Phạm Băng Băng với điện ảnh thế giới.

Chiếc đầm Long Bào được thiết kế theo cảm hứng về chiếc long bào của những vị vua triều Thanh trong lịch sử Trung Quốc, họa tiết rồng phượng được thêu chỉ nổi trền nền vải lụa. Hình ảnh Phạm Băng Băng trong chiếc đầm đã trở thành điểm nhấn tại Liên hoan phim Cannes năm đó.

Để rồi sau đó, cô trở thành một nhân vật được chú ý của làng thời trang thế giới. Cô được ca ngợi là “búp bê Trung Hoa” khi xuất hiện trên thảm đỏ Cannes 2011 với bộ đầm Tiên Hạc. Một thiết kế hoa văn hạc trên nền vải đỏ giúp Phạm Băng Băng nổi bật trên thảm đỏ, một lần nữa cô lại chứng minh mình là nữ hoàng thảm đỏ Trung Hoa.

Phạm Băng Băng trên trang bìa tạp chí Time nổi tiếng
Phạm Băng Băng trên trang bìa tạp chí Time nổi tiếng

Không để người hâm mộ phải thất vọng, khi xuất hiện trên thảm đỏ Cannes 2012, Phạm Băng Băng lại gây sốt với chiếc đầm Sứ Trung Hoa. Chiếc váy với họa tiết lấy cảm hứng từ gốm sứ mang phong cách cổ điển, cộng thêm với lối trang điểm phong cách cổ trang của Phạm Băng Băng. Cô đã thật sự khiến người ta phải nhớ về mình.

Sau mỗi lần xuất hiện ấn tượng trên thảm đỏ, Phạm Băng Băng không chỉ được truyền thông biết đến, mà cả những thương hiệu.

Trờ thành một ngôi sao và được mệnh danh là “Nữ hoàng thị phi” trong làng giải trí Trung Quốc, dù Phạm Băng Băng đã dấn thân vào sự nghiệp diễn xuất hơn 10 năm nhưng trong mắt rất nhiều khán giả, thậm chí đạo diễn, giá thị thương mại của cô ấy lớn hơn giá trị diễn viên.

Năm 2012, Phạm Băng Băng trở thành đại sứ thương hiệu của Louis Vuitton tại Trung Quốc và trở thành gương mặt đại diện châu Á đầu tiên cho dòng túi xách LVAlma. Phạm Băng Băng cũng trở thành sao châu Á đầu tiên lộ diện trong quảng cáo mùa Xuân Hè 2014.

Cô tiếp tục trở thành người đại diện toàn cầu cho Adidas Originals, L’oreal Paris, Renault, Cartier, Mercedes-Benz…

Trong 3 năm liên tiếp, từ 2013-2015, Phạm Băng Băng dẫn đầu bảng xếp hạng những nhân vật nổi tiếng Trung Quốc do tạp chí Forbes bình chọn. Năm 2016, trong danh sách những nữ diễn viên có thu nhập cao nhất thế giới của Forbes, cô đứng ở vị trí thứ 5, sau Jennifer Lawrence, Melissa McCarthy, Scarlett Johansson và Jennifer Aniston. Điều đó đồng nghĩa với việc cô trở thành nữ nghệ sỹ châu Á có giá trị thương mại cao nhất.

Mới đây, Phạm Băng Băng là nữ diễn viên châu Á duy nhất lọt vào danh sách 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới 2017 do tạp chí Time bình chọn.

Nhà thiết kế nổi tiếng Diane von Furstenberg nói với Time rằng nhạy cảm thời trang của Phạm Băng Băng khiến cô trở thành người đại diện của các hãng thời trang khác nhau trên thế giới. Phạm Băng Băng không chỉ là diễn viên xuất sắc mà còn là một người phụ nữ có sự nghiệp thành công.

Phạm Băng Băng (trái) là một trong những đại sứ thương hiệu của Louis Vuitton
Phạm Băng Băng (trái) là một trong những đại sứ thương hiệu của Louis Vuitton

Mối tình đẹp như mơ

Trở thành ngôi sao hàng đầu của làng giải trí Hoa ngữ, chắc chắn chuyện tình của Phạm Băng Băng là nhân tố mà truyền thông sẽ khai thác triệt để, nhất là sau khi cô nàng công khai chuyện tình với nam diễn viên Lý Thần.

Trước khi hẹn hò, Phạm Băng Băng và Lý Thần đã quen biết nhau hơn 10 năm nhưng dường như họ chỉ kết đôi khi đóng chung “Võ Mỵ Nương truyền kỳ.” Sau này, Lý Thần nói rằng “Biết Phạm Băng Băng hơn chục năm nhưng từ năm 2013 mới là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác. Lần hợp tác này quả đúng là tâm nguyện trong nhiều năm khiến chúng tôi thân thuộc hơn so với trước đây.” Truyền thông Trung Quốc gọi họ là một cặp điển hình của “phim giả tình thật.”

Phạm Băng Băng và Lý Thần đã nhiều lần úp mở về mối quan hệ bằng những dòng tin nhắn mùi mẫn dành cho nhau.

Tháng 3/2014, Phạm Băng Băng lần đầu đăng tải một bức hình chụp chung vô cùng thân mật mà báo chí Trung Quốc khi đó miêu tả rằng “Hai người dựa đầu vào nhau vô cùng tình tứ” trên trang cá nhân Weibo kèm dòng trạng thái: “Cuối cùng cũng đã có cơ hội làm việc với anh ấy, xem này, có phải là quá thân thiết không.” Đây là tín hiệu đầu tiên để công khai một mối quan hệ, khiến người hâm mộ đứng ngồi không yên nhưng dường như vẫn còn quá sớm để phán đoán về một mối tình.

Phạm Băng Băng trong trailer phim “Quan âm sơn”

Khi đó, dù chưa công khai nhưng Phạm Băng Băng và Lý Thần rất chịu khó tương tác trên mạng xã hội. Người đẹp họ Phạm đã bày tỏ sự xót xa khi anh chàng diễn viên họ Lý bị thương và phải khâu 22 mũi khi quay chương trình “Running man.”

Rồi thời gian trôi đi, cư dân mạng còn phát hiện bức ảnh cặp đôi chụp cùng bà ngoại của Lý Thần. Người hâm mộ gần như đã chắc chắn với phỏng đoán của mình nhưng công ty quản lý của hai người vẫn chưa xác nhận chuyện này.

Vào một đêm đầu tháng 2/2015, Bắc Kinh đón thêm một trận tuyết, Lý Thần viết trên Weibo rằng: “Tuyết rơi rồi, nếu không cầm ô mà cứ đi như vậy, phải chăng có thể đi đến đầu bạc…” Không lâu sau đó, Phạm Băng Băng cũng chia sẻ trạng thái mới trên Weibo: “Yêu một người rất đơn giản, chính là sau khi nói chúc ngủ ngon vẫn muốn nói tiếp chúc ngủ ngon. Bắc Kinh đêm nay có tuyết.” Người hâm mộ thì đã đoán gần như chính xác mối quan hệ này nhưng cả hai vẫn kiên quyết phủ nhận: “làm gì có chuyện đó.”

Tuy không cùng nhau xuất hiện trong các sự kiện, trên mặt báo, nhưng người hâm mộ vẫn nhận ra mối liên hệ của cặp đôi này. Phạm Băng Băng và Lý Thần đã nhiều lần diện đồ đôi, đeo vòng cổ đôi và cả nhẫn đôi, khiến nhiều người đồn đoán cả hai đã bí mật đính hôn.

Phạm Băng Băng nói rằng Lý Thần là người đàn ông có tính khí dễ chịu nhất mà cô từng quen biết.

Cuối tháng 5/2015, lần đầu tiên Phạm Băng Băng đăng tải một tấm hình cả hai chụp cùng nhau trên Weibo với dòng trạng thái “chúng tôi” – như một lời thừa nhận hai người đang có mối quan hệ đặc biệt.

Sau này, trong một cuộc phỏng vấn, Phạm Băng Băng nói rằng: “Anh ấy sẽ là người bạn trai cuối cùng của tôi.” Còn Lý Thần bổ sung rằng vào thời điểm đó họ đã yêu nhau được một năm nhưng họ chưa từng cãi nhau.

Từ khi chính thức công khai, họ luôn xuất hiện cùng nhau tại các sự kiện, luôn dành cho nhau những lời nói ngọt ngào. Phạm Băng Băng nói rằng Lý Thần là người đàn ông có tính khí dễ chịu nhất mà cô từng quen biết.

Còn Lý Thần chia sẻ rằng: “Khi cô ấy bị ép rượu, tôi sẽ uống thay cô ấy, khi cô ấy bị bắt nạt, tôi sẽ bảo vệ cô ấy. Khi cô ấy cô đơn, tôi sẽ ở bên cô ấy.” Anh bảo rằng cô là nữ diễn viên xuất sắc nhất trong lòng anh.

“Trở thành một diễn viên không nổi tiếng thì có cảm giác gì?” Một diễn viên viết rằng không nổi tiếng đồng nghĩa bạn sẽ có cảm giác tự do khi đi ra ngoài, bạn chẳng sợ ai làm phiền, bạn cũng chẳng cần dùng đến chiếc khẩu trang xấu xí đó. Vậy nếu có câu hỏi là “Trở thành ngôi sao vô cùng nổi tiếng thì sẽ có cảm giác gì?” có lẽ Phạm Băng Băng chính là người trả lời phù hợp nhất./.

Phạm Băng Băng và Lý Thần. (Nguồn: Weibo)
Phạm Băng Băng và Lý Thần. (Nguồn: Weibo)

ASEAN

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 30 diễn ra tại thủ đô Manila, Philippines trong hai ngày 28 và 29/4/2017, với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN. Đại diện cho Việt Nam là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2017 của Philippines với chủ đề “Chung tay đổi thay, Kết nối toàn cầu”.

Hội nghị tập trung thảo luận về các vấn đề triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các Kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn trên ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội; Kế hoạch kết nối ASEAN 2025; Chương trình công tác giai đoạn III Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI), tăng cường liên kết, đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; Tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các Đối tác; Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cần quan tâm.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến sẽ ký kết 1 văn kiện là Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2015; Ghi nhận 5 văn kiện trong đó có các báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN, Hội đồng Cộng đồng ASEAN 3 trụ cột, và Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN. Ngoài ra, theo thông lệ, Philippines sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trước những diễn biến phức tạp của tình hình hiện nay; thúc đẩy các hoạt động hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển, tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước thành viên ASEAN.

Lịch sử Hội nghị cấp cao ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN, hay Hội nghị thượng đỉnh ASEAN là hội nghị giữa các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên ASEAN để thảo luận về các vấn đề hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, và an ninh giữa các nước thành viên với nhau cũng như với các thành viên đối thoại của ASEAN.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất được tổ chức vào năm 1976, tại Indonesia. Từ đó các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thấy sự cần thiết phải tổ chức hội nghị định kỳ hàng năm.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu, do tính chất nội dung hội nghị không có gì đặc biệt, nên chỉ tổ chức hội nghị không chính thức. Từ năm 2001, hội nghị chính thức mới được tổ chức thường niên. Hội nghị cấp cao lần thứ 12 dự định tổ chức vào năm 2006, song vì lý do an ninh nên nước chủ nhà Philippines đã quyết định lùi thời gian tổ chức sang đầu năm 2007. Từ đó, hàng năm diễn ra 2 kỳ của Hội nghị cấp cao ASEAN (một kỳ vào đầu năm và một kỳ vào cuối năm).

Thông thường, một Hội nghị cấp cao ASEAN bao gồm các phiên họp nội bộ giữa các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên, phiên hội nghị giữa các nhà lãnh đạo với các ngoại trưởng của các nước thành viên trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), phiên họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN+1, ASEAN+3 và phiên họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN, Australia và New Zealand.

Từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11, bắt đầu có thêm phiên hội nghị giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với các nhà lãnh đạo của 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ với tên gọi chính thức là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Ngoài ra, còn có phiên hội nghị giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với lãnh đạo Nga, Mỹ.

Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức luân phiên giữa các quốc gia thành viên ASEAN và quốc gia nào tổ chức thường kiêm luôn chức Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm đó.

28 kỳ Hội nghị cấp cao của ASEAN

Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất tổ chức tại Bali, Indonesia trong hai ngày 23 và 24/2/1976. Hội nghị thông qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á và Tuyên bố Bali I.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia trong hai ngày 4 và 5/8/1977. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết một thông cáo chung.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 tổ chức tại thủ đô Manila, Philippines trong hai ngày 14 và 15/12/1987. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Manila và bốn hiệp định kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong các nước ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 tổ chức tại Singapore từ ngày 27 đến ngày 29/1/1992. Hội nghị thông qua Tuyên bố Singapore và Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 5 tổ chức tại thủ đô Bangkok, Thái Lan trong hai ngày 14 và 15/12/1995. Các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Bangkok và ký kết một số văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 6 tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam trong hai ngày 15 và 16/12/1998. Các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Hà Nội, Kế hoạch hành động Hà Nội và một số “biện pháp táo bạo” nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 7 tổ chức tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei trong hai ngày 5 và 6/11/2001. Các nhà lãnh đạo thông qua đánh giá giữa kỳ của Kế hoạch Hành động Hà Nội và xác định các ưu tiên mới trong đó có hội nhập ASEAN, thông tin và công nghệ truyền thông cùng với việc xây dựng năng lực con người. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua Tuyên bố ASEAN về Hành động chung chống khủng bố và Tuyên bố về Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 8 tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia trong hai ngày 4 và 5/11/2002. Các nhà lãnh đạo đạt được sự đồng thuận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm quá trình hội nhập ASEAN và cuộc chiến chống khủng bố đồng thời ký kết Hiệp định Du lịch ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 9 tổ chức tại Bali, Indonesia trong hai ngày 7 và 8/10/2003. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua một văn kiện quan trọng – Tuyên bố Bali II đạt mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2020.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 10 tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào trong hai ngày 29 và 30/11/2004. Các nhà lãnh đạo thông qua Chương trình hành động Vientiane, một phương tiện để xây dựng cộng đồng ASEAN thông qua quá trình hội nhập toàn diện.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 11 tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 12 đến 14/12/2005. Hội nghị thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Hiến chương ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 12 tổ chức tại Cebu, Philippines từ ngày 11 đến ngày 14/1/2007. Hội nghị ra Tuyên bố Cebu về việc đẩy nhanh tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 13 tổ chức tại Singapore từ ngày 18 đến ngày 22/11/2007. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Hiến chương ASEAN và Tuyên bố về Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 14 tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan từ ngày 26/2 đến ngày 1/3/2009. Các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Hua Hin về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), đồng thời thông qua một số văn kiện quan trọng có tầm quan liên quan tới sự phát triển của ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 15 tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan từ ngày 23 đến ngày 25/10/2009. Các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Hua Hin về việc thành lập Ủy ban ASEAN liên chính phủ về nhân quyền (AICHR), Tuyên bố Hua Hin về Tăng cường Hợp tác trong giáo dục, xây dựng một cộng đồng ASEAN chăm sóc và chia sẻ, cùng Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 16 tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam trong hai ngày 8 và 9/4/2010. Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững” và “Tuyên bố ASEAN về ứng phó biến đổi khí hậu”.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 17 tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam từ ngày 28 đến ngày 30/10/2010. Hội nghị đã ra “Tuyên bố Chủ tịch về Xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và chăm lo cho người dân”.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 tổ chức tại Jakarta, Indonesia trong hai ngày 7 và 8/5/2011. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua ba tuyên bố chung về “Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu”, “Thành lập Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN” và “Tăng cường hợp tác chống lại buôn bán người ở Đông Nam Á”.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 tổ chức tại Bali, Indonesia từ ngày 17 đến ngày 19/11/2011. Các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Bali III về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu, Hiệp định về thành lập Trung tâm Điều phối ASEAN về nhân đạo hỗ trợ trong quản lý thiên tai và Tuyên bố về Thống nhất ASEAN trong Đa dạng văn hóa: Hướng tới tăng cường Cộng đồng ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 20 tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia trong hai ngày 3 và 4/4/2012. Các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua bốn văn kiện gồm: “Chương trình nghị sự Phnom Penh về xây dựng Cộng đồng ASEAN”, Tuyên bố Phnom Penh về “ASEAN: Một Cộng đồng, Một Vận mệnh”, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về một Khu vực ASEAN không ma túy vào năm 2015” và “Văn bản khái niệm về Phong trào ôn hòa toàn cầu”.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 21 tổ chức tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia từ ngày 18 đến ngày 20/11/2012. Các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Tuyên bố ASEAN về việc thành lập trung tâm hành động bom mìn khu vực ASEAN và Kế hoạch hành động Tuyên bố Bali III. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 22 tổ chức tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei ngày 24 và 25/4/2013. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí đẩy nhanh Lộ trình ASEAN và Kế hoạch chi tiết về thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tăng cường các nỗ lực khu vực và tiểu khu vực để thực hiện mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 23 tổ chức tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei trong hai ngày 9 và 10/10/2013. Hội nghị thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan về tầm nhìn của cộng đồng ASEAN sau năm 2015.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar trong hai ngày 10 và 11/5/2014. Hội nghị ra Tuyên bố Nay Pyi Taw và Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Biển Đông.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar trong hai ngày 12 và 13/11/2014. Hội nghị thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố Nay Pyi Taw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, Tuyên bố ASEAN về Tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN và nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 26 tổ chức tại Kuala Lumpur và Langkawi, Malaysia trong hai ngày 26 và 27/4/2015. Hội nghị thông qua 3 Tuyên bố: Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; Tuyên bố Langkawi về Phong trào Ôn hòa Toàn cầu; và Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa khả năng tự cường của ASEAN, các cộng đồng và người dân đối với thảm họa về biến đổi khí hậu.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 27 tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia trong hai ngày 21 và 22/11/2015 thông qua Tuyên bố về thành lập Cộng đồng ASEAN, đồng thời chính thức thông qua và ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn ASEAN 2025, định hướng cho ASEAN trong 10 năm tới.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 28-29 tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào, từ ngày 6 đến 8/9/2016. Các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Chủ tịch, trong đó có một phần riêng về Biển Đông./.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. (Ảnh: THX/TTXVN)

100 ngày lãnh đạo nước Mỹ

Ngày 29/4/2017 đánh dấu 100 ngày lãnh đạo nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Kể từ khi trở thành người đứng đầu cường quốc số một thế giới, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trump cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại.

Thực hiện cam kết nhưng lại đưa ra những chính sách đối nội gây tranh cãi

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Trump đã có những động thái nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Barack Obama và từng bước gây dựng dấu ấn cá nhân bằng việc thực hiện những cam kết với cử tri được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.

Có thể kể đến là việc Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi cho rằng hiệp định mà Mỹ và 11 nước đối tác đạt được hồi tháng 10/2015 gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và cướp công ăn việc làm của người dân nước này; tuyên bố nhanh chóng khởi động việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico; phê duyệt dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Canada và Mỹ; bỏ hỗ trợ về tài chính cho các thành phố chứa chấp nhiều dân di cư trái phép; cấm các nhân viên chính phủ vận động hành lang sau 5 năm rời nhiệm sở; cam kết tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ; thành lập lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm và tăng ngân sách cho chương trình đào tạo và hỗ trợ cảnh sát địa phương; dỡ bỏ các hạn chế về khai thác nhiên liệu hóa thạch…

Có thể thấy, các quyết sách của Tổng thống Trump đã mang lại những kết quả cho nước Mỹ khi chỉ riêng trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua đã tạo ra hơn 500.000 việc làm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 4,6%; khuyến khích các công ty xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ, chế tạo, dịch vụ như Google, Apple, Intel, Toyota, … cam kết chi hàng trăm tỷ USD đầu tư mới. Đồng thời kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong quý I/2017 và đây là mục tiêu đầy tham vọng bởi năm 2016 kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 1,6%. Ngoài ra, số các vụ vượt biên trái phép cũng giảm được đến 60%.

Nội bộ nước Mỹ trong 100 ngày cầm quyền Tổng thống Trump bị chia rẽ với việc nhà lãnh đạo Mỹ ký hàng loạt sắc lệnh gây tranh cãi.

Một thành tựu nổi bật của Tổng thống Trump là bổ nhiệm thẩm phán Neil Gorsuch vào chiếc ghế còn bỏ trống ở Tòa án Tối cao sau một tiến trình phê chuẩn gay gắt tại Thượng viện. Đây được coi là chiến thắng chính trị lớn nhất của ông trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, đồng thời giúp khôi phục thế áp đảo (5/4 ghế) của phe Cộng hòa tại Tòa án Tối cao.

Tuy nhiên, nội bộ nước Mỹ trong 100 ngày cầm quyền Tổng thống Trump lại bị chia rẽ với việc nhà lãnh đạo Mỹ ký hàng loạt sắc lệnh gây tranh cãi. Trước hết là sắc lệnh cấm người nhập cư đến từ 7 nước Hồi giáo gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen, làm dấy lên một loạt tranh cãi pháp lý cùng làn sóng chỉ trích tại Quốc hội Mỹ và làm lan rộng các cuộc biểu tình phản đối.

Tiếp đó là việc Tổng thống Trump buộc phải đề nghị không đưa dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA, còn gọi là Trumpcare) do phe Cộng hòa bảo trợ ra bỏ phiếu tại Hạ viện vì gần như chắc chắn sẽ không nhận đủ số phiếu tối thiểu cần thiết để được thông qua. AHCA đã vấp phải những phản ứng tiêu cực từ giới lập pháp Mỹ khi cho rằng dự luật này sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm và gây tổn hại lớn cho ngân sách liên bang. Đây được xem là một đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Trump trong nỗ lực vận động sự ủng hộ của các thành viên trong đảng nhằm thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền Obamacare của cựu Tổng thống Obama.

Ngoài ra, việc hoàn thiện danh sách nội các của Tổng thống Trump cũng đang diễn ra khó khăn. Mặc dù việc đề cử nhân sự của ông được tiến hành đúng quy trình, nhưng đa số các vị trí không thể nhậm chức đúng hạn do hầu hết các đề cử khi đưa ra Thượng viện đều vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ.

Các nhà phân tích cho rằng, với những diễn biến nêu trên, nội bộ nước Mỹ trong 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Trump vẫn còn khá nhiều vấn đề phải giải quyết.

Tổng thống Trump bị chỉ trích vì chơi golf quá nhiều (Ảnh: Esquire)
Tổng thống Trump bị chỉ trích vì chơi golf quá nhiều (Ảnh: Esquire)

Chính sách đối ngoại có phần đảo ngược với cam kết tranh cử

Về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, trong 100 ngày lãnh đạo vừa qua chính sách đối ngoại của nước Mỹ có phần đi ngược lại với những gì ông Trump đã từng thể hiện trong quá trình tranh cử. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng bày tỏ quyết tâm giảm bớt các cam kết của Mỹ trong các vấn đề quốc tế và với các đồng minh ở châu Âu, Đông Bắc Á và Trung Đông, nhằm tập trung tốt hơn cho các vấn đề trong nước, theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”.

Tuy nhiên, ông Trump lại ra lệnh không kích căn cứ quân sự của Syria tại tỉnh Homs bằng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm đáp trả vụ tấn công mà Mỹ và một số nước cáo buộc là vũ khí hóa học của chính quyền Syria tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib, khiến 87 dân thường thiệt mạng, ném “siêu bom” GBU-43/B xuống mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan, điều tàu sân bay áp sát bán đảo Triều Tiên để sẵn sàng đánh phủ đầu CHDCND Triều Tiên nếu nước này tiếp tục tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6…

Những động thái cứng rắn này cho thấy chính quyền Tổng thống Trump sẵn sàng theo đuổi chính sách can thiệp đơn phương, chấm dứt chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với CHDCND Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Obama. Chính sách đối ngoại của nước Mỹ có phần đi ngược lại với những gì ông Trump đã từng thể hiện trong quá trình tranh cử

Chính sách đối ngoại của nước Mỹ có phần đi ngược lại với những gì ông Trump đã từng thể hiện trong quá trình tranh cử

Về tiến trình hòa bình Trung Đông, trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Israel vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ ủng hộ ý tưởng về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Đây lần đầu tiên ông đưa ra ý kiến cá nhân về vấn đề này kể từ khi các nhà phân tích quốc tế chỉ trích khả năng Mỹ từ bỏ giải pháp này, vốn được coi là “hòn đá tảng” trong chính sách Trung Đông lâu nay của Washington.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã khiến Trung Quốc phải nhượng bộ để tránh một cuộc chiến tranh thương mại và hiểu rằng quan hệ Mỹ-Trung gắn liền với sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Trong khi đó, đối với Nga, trước đây ông Trump từng khẳng định về một mối quan hệ tích cực giữa 2 cường quốc trên thế giới khi ông lên nắm quyền, khiến dư luận tin tưởng về một sự cải thiện trong quan hệ giữa Washington và Moskva vốn trở nên xấu đi vào nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Obama. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ đã quay sang chỉ trích Điện Kremlin vì ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Đối với các đồng minh truyền thống, hàng loạt chuyến thăm tới châu Âu, Đông Bắc Á, Nam Á và Trung Đông của Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster đã cho thấy chính quyền Tổng thống Trump vẫn chú trọng quan hệ với nước các đồng minh, trái với các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử như sẵn sàng xem xét lại quan hệ với các đồng minh nếu không san sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp chuyên cơ tại Washington, DC để tới Milwaukee, Wisconsin ngày 18/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp chuyên cơ tại Washington, DC để tới Milwaukee, Wisconsin ngày 18/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, chính quyền Mỹ đã xác nhận Tổng thống Trump sẽ tham dự Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ và Cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 11 tới.

Việc công bố quyết định trên trước 6 tháng cho thấy chính quyền Trump vẫn rất coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, trái với những thông tin cho rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ từ bỏ chính sách “xoay trục” sang châu Á được đưa ra dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Những động thái này cũng hé lộ khả năng Tổng thống Trump muốn lấy đối ngoại làm điểm nhấn trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của mình.

Về quan hệ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trước thời điểm nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump từng mô tả NATO là một tổ chức “lỗi thời”. Nhưng trong một cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng vào tháng 4 vừa qua, ông Trump đã thể hiện sự thay đổi quan điểm về NATO khi khẳng định rằng “tổ chức này không còn lỗi thời”.

Sau quãng thời gian kỳ vọng về một sự đổi thay mạnh mẽ cho nước Mỹ, những người ủng hộ ông Trump có vẻ bị thất vọng.

Sau quãng thời gian kỳ vọng về một sự đổi thay mạnh mẽ cho nước Mỹ, những người ủng hộ ông Trump có vẻ bị thất vọng. Nhìn một cách tổng thể, cách xử lý công việc của ông Trump sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên được đánh giá là chưa thỏa đáng và tỷ lệ ủng hộ ông hiện ở mức thấp nhất so với các đời tổng thống Mỹ kể từ năm 1945.

Nguyên nhân khiến Tổng thống Trump không nhận được nhiều sự tín nhiệm của người dân có thể xuất phát từ việc ông chưa thực hiện được những lời hứa đưa ra lúc tranh cử, cũng như những thất bại của ông trong việc ban hành sắc lệnh cấm nhập cư hay thay thế các di sản của chính quyền tiền nhiệm như Obamacare.

100 ngày cầm quyền đầu tiên là chưa đủ để kết luận thành công hay thất bại, nhưng cũng cho thấy cách thức mà vị Tổng thống thứ 45 điều hành nước Mỹ cũng như những chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những điều mà Tổng thống Trump chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân Mỹ. Và thách thức vẫn đang chờ đợi người đứng đầu Nhà Trắng trong chặng đường sắp tới./.

Tổng thống Donald Trump trong phiên họp với các quan chức Chính phủ và các nhà lập pháp Mỹ tại Washington DC. vào ngày 2/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Donald Trump trong phiên họp với các quan chức Chính phủ và các nhà lập pháp Mỹ tại Washington DC. vào ngày 2/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ đội đặc công

Với các tiêu chí “đi không tiếng, về không tăm”, “luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng” và cách đánh: “từ trong đánh ra”, “đánh nở hoa trong lòng địch”, bộ đội đặc công trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù, là niềm tự hào của quân và dân ta.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, bộ đội đặc công đã chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, lập được nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bộ đội đặc công đánh trận then chốt trong chiến dịch Tây Nguyên

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng lực lượng chủ lực mạnh (một quân đoàn tăng cường) mở Chiến dịch Tây Nguyên, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và toàn bộ địa bàn chiến lược Tây Nguyên, thực hiện chia cắt, tạo thế chiến lược…

Thị xã Buôn Ma Thuột được chọn làm mục tiêu chủ yếu, đồng thời là trận then chốt mở màn chiến dịch. Nhiệm vụ của các đơn vị đặc công là: luồn sâu, đánh chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng trên hướng chủ yếu ở Buôn Ma Thuột, nghi binh, kiềm chế, chia cắt địch ở Plây-cu, Kon Tum. Thực hiện nghi binh, tạo thế, từ ngày 4 đến ngày 9-3; tập kích sân bay Cù Hanh, khu kho Pty Crông, đánh chiếm và vây ép chi khu Đức Lập.

Các chiến sỹ đặc công miền Nam với lời thề quyết tử (Ảnh: Viettimes)
Các chiến sỹ đặc công miền Nam với lời thề quyết tử (Ảnh: Viettimes)

Từ ngày 4 đến 9/3, bộ đội ta tác chiến nghi binh tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trận theo chốt mở đầu chiến dịch, đêm ngày 8 rạng ngày 9, Tiểu đoàn Đặc công Sư đoàn 10 tiến hành luồn sâu vào mỏm B Đức Lập đồng loạt nổ súng; sau hai giờ chiến đấu đã làm chủ hoàn toàn mỏm B để chủ lực triển khai hỏa lực (pháo 85 mm) bắn thẳng vào chi khu Đức Lập, tạo điều kiện cho bộ binh đánh chiếm toàn bộ chi khu vào ngày 10/3.

Như vậy, ta đã cắm chốt trên Đường 14, làm chủ đoạn đường từ Đức Lập-đường 14B-Lộc Ninh và uy hiếp trực tiếp Buôn Ma Thuột từ hướng Tây Nam. Tiểu đoàn 3 hỏa lực ĐKB (Trung đoàn Đặc công 198) đưa pháo vào sát hàng rào sân bay Cù Hanh từ ngày 4-3, liên tục đánh phá sân bay, phá hủy nhiều máy bay, bom đạn, xăng dầu, làm tê liệt sân bay địch.

Trên hướng tiến công chủ yếu, đêm ngày 9, rạng ngày 10-3 các tiểu đoàn 4, 5, 27 của Trung đoàn Đặc công 198 bất ngờ, đồng loạt tiến công sân bay thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 44, căn cứ Trung đoàn 53 ngụy; sau khi tiến công, các đơn vị đã tổ chức chiếm giữ mục tiêu, kiên cường bám trụ đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, tạo bàn đạp thuận lợi cho binh chủng hợp thành tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trên hướng Plâyku, Kon Tum các tiểu đoàn 1, 2, 3 của Trung đoàn Đặc công 198 phối hợp với bộ binh tiến công Đắc Soong, sân bay Cù Hanh, trận địa xe tăng, kho tàng… thực hiện chia cắt địch chi viện cho Buôn Ma Thuột.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch; đồng thời bổ sung, phát triển lý luận về nghệ thuật tác chiến và sử dụng đặc công trong chiến dịch tiến công; tác chiến binh chủng hợp thành; sử dụng đặc công tiến công đồng loạt các mục tiêu chủ yếu, quan trọng trong các trận then chốt, quyết định và chiếm giữ mục tiêu… làm cơ sở cho chỉ đạo hoạt động tác chiến tiếp theo trên các chiến trường.

Một buổi luyện tập của Đoàn đặc công B29 - đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Một buổi luyện tập của Đoàn đặc công B29 – đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Lực lượng đặc công giải phóng quần đảo Trường Sa

Ngày 5/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng lực lượng đặc công và hải quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Hải quân điều gấp 4 tàu của Đoàn 125 và lực lượng đặc công của Đoàn Đặc công nước 126 từ Hải Phòng vào Đà Nẵng.

Ngày 11/4, lực lượng đặc công gồm Đội 4 Đoàn Đặc công nước 126, một phân đội của Tiểu đoàn 471 Quân khu 5, 1 phân đội của tỉnh Khánh Hòa dưới sự chỉ huy của đồng chí Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn Đặc công nước 126.

Ngày 14/4, Đội 4 (Đoàn 126) giải phóng đảo Song Tử Tây.

Tiếp theo, từ ngày 21/4 ta giải phóng đảo Côn Sơn, rồi Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang.

Ngày 29/4, ta giải phóng hoàn toàn các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ.

Lực lượng đặc công đánh chiếm giữ 14 cây cầu và một số mục tiêu quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm đánh bại toàn bộ lực lượng địch còn lại, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong chiến dịch này, đặc công được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ 14 cây cầu (Rạch Bà, Biên Hòa, Rạch Chiếc, Tân Cảng, Bình Phước, Tân An, Chợ Mới, cầu Sắt, cầu Bông, cầu Sáng, Bà Hom, Nhị Thiên Đường, cầu Ghềnh, Rạch Cát), 6 căn cứ án ngữ cửa ngõ Sài Gòn, bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm cảng Nhà Bè, chia cắt sông Lòng Tàu, tạo thuận lợi và bảo đảm đường cơ động cho bộ đội binh chủng hợp thành thần tốc tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong nội đô, hỗ trợ quần chúng nổi dậy.

Trên hướng Đông và Đông Nam, đặc công đánh căn cứ thiết giáp Hốc Bà Thức, làm chủ đoạn đường từ ngã ba Bửu Hòa đến cầu Hóa An, đánh chiếm và bảo vệ cầu Ghềnh cho chủ lực tiến vào Sài Gòn; đánh cảng Nhà Bè, đồn bảo an Phước Khánh, khống chế sông Lòng Tàu; đánh chiếm cầu Đồng Nai, chi khu quân sự Bến Gỗ, phà Cát Lái, cùng lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào nội đô, chiếm Dinh Độc lập, Đài phát thanh, Ngân hàng, Bộ Tư lệnh Hải quân…; đánh chiếm cầu Rạch Bà, ấp Long Xuyên, cảng Rạch Dừa, phối hợp Sư đoàn 3 tiến công thị xã Vũng Tàu; đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, cầu Tân Cảng, cùng chủ lực tiến vào nội đô.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội đặc công đã đánh 19.329 trận, phá huỷ 6.316 máy bay các loại, 11.494 xe quân sự, 2.161 khẩu pháo, đánh cháy, đánh chìm hàng nghìn tàu địch.

Trên hướng Tây và Tây Nam, đặc công đánh sân bay Tân Sơn Nhất, phối hợp với Trung đoàn 3 đánh chiếm, làm chủ toàn bộ khu vực Tân Tạo, sau đó phát triển đánh chiếm Trường đua Phú Thọ; tiến công Chiến đoàn 7 nguỵ, khu ra-đa Phú Lâm… cùng với Trung đoàn 24 đánh chiếm căn cứ Ký Thúc Ôn, cầu Nhị Thiên Đường… sau đó phát triển vào quận 8; đánh chiếm trại biệt kích Diên Hồng và chi khu Phú Thọ; đánh chiếm trụ sở quốc hội ngụy và một số mục tiêu khác; dẫn đường và cùng chủ lực đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, làm nòng cốt phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở một số khu vực.

Trên hướng Bắc và Tây Bắc, đặc công đánh chiếm các cầu Chợ Mới, Rạch Cát, bắn pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất…; tiến hành mở và bảo vệ cửa mở ở Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, sẵn sàng đón chủ lực vào đánh chiếm sân bay; đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng và Thành Quan Năm…; cơ động về hướng Bình Dương tiến công các vị trí địch co cụm trên đường số 8, đánh chiếm căn cứ Hải Thuyền, đồng thời truy quét tàn quân địch; đánh chiếm cầu Bình Phước, phối hợp với chủ lực tiến công Lữ đoàn kỵ binh 3 án ngữ từ cầu Bình Phước đến cầu Vĩnh Bình; đánh chiếm trung tâm điện toán, cùng chủ lực đánh chiếm khu Bộ Tổng Tham mưu…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội đặc công đã đánh 19.329 trận, phá huỷ 6.316 máy bay các loại, 11.494 xe quân sự, 2.161 khẩu pháo, đánh cháy, đánh chìm hàng nghìn tàu địch, tiêu huỷ và thu nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh của địch. Bộ đội đặc công đã trực tiếp tham gia hầu hết các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1972, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến dịch nào bộ đội đặc công cũng là những đội quân thiện chiến, tinh nhuệ và chủ lực.

Với những thành tích xuất sắc, những chiến công kỳ diệu, Binh chủng Đặc công đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 16 chữ vàng: “Đặc biệt tinh nhuệ/ Anh dũng tuyệt vời/ Mưu trí táo bạo/ Đánh hiểm thắng lớn.”

Ghi nhận công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ngày 21-4-2007, Binh chủng Đặc công đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta./.

Sáng 19/3/2017, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Binh chủng Đặc công (19/3/1967-19/3/2017) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)
Sáng 19/3/2017, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Binh chủng Đặc công (19/3/1967-19/3/2017) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN)

Biệt động Sài Gòn

Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng (1945-1975), Sài Gòn là thủ đô của chính phủ ngụy quyền, nơi cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều đặt “tổng hành dinh”, với chế độ bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt.

Công tác đấu tranh vũ trang ở nội thành Sài Gòn, vì thế, không thể sử dụng một lực lượng vũ trang thông thường như ở các chiến trường khác, mà đòi hỏi một lực lượng được tổ chức tinh gọn, có chất lượng chiến đấu cao, nghệ thuật chỉ huy và thực hành tác chiến tài trí, dũng cảm, có hệ thống tổ chức ém giấu lực lượng và cung cấp hậu cần, kỹ thuật công phu.

Ðã từng có một lực lượng như thế ở Sài Gòn với tên gọi: Biệt động Sài Gòn.

Một lực lượng quân đội đặc biệt

Lực lượng biệt động Sài Gòn ra đời trên cơ sở các đội tự vệ chiến đấu, được thành lập ngay sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945.

Ngay sau khi Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ ra lời kêu gọi toàn dân đứng lên cứu nước vào sáng 23/9, guồng máy kháng chiến ở Sài Gòn lập tức được khởi động. Tất thảy tầng lớp nhân dân, từ thanh niên, công nhân, học sinh, nhân sĩ, tu sĩ đến kẻ bụi đời, “anh chị”… đều hăm hở tham gia lực lượng vũ trang chống Pháp.

Cùng với sự ra đời của các đơn vị vũ trang ở ngoại thành, các đơn vị vũ trang đặc biệt được thành lập, như: Ban trinh sát, Ban hành động, Ðội cảm tử, Ðội phá hoại, Ðội trừ gian, Ðội ám sát… Họ vừa làm nhiệm vụ tác chiến tiêu diệt địch, vừa làm trinh sát, liên lạc, phát động quần chúng, gây dựng cơ sở. Mỗi người đều có nghề nghiệp ổn định để có điều kiện sinh sống và dễ bề che mắt địch.

Năm 1947, các ban, đội nêu trên phát triển thành từng ban công tác Thành. Mỗi ban công tác Thành được tổ chức theo hệ thống ngăn cắt (gồm ban-liên tổ-tổ độc lập), có mạng lưới quần chúng ngoại vi hậu thuẫn về mọi mặt, phân chia phạm vi hoạt động trên từng vùng của thành phố và cơ động theo đối tượng nhiệm vụ được giao.

Cuối năm 1949, các ban công tác Thành hợp nhất tổ chức thành Tiểu đoàn quyết tử 950; năm 1951, giải thể Tiểu đoàn quyết tử 950 để tổ chức thành ba đại đội quyết tử ở nội đô (3721, 3824, 3927), một đội đặc công hoạt động trong nội đô; ba đại đội biệt động (2763, 2766, 2300) và hai đội đặc công binh chủng, bố trí trên ba hướng ngoại ô thành phố.

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, sinh ngày 1/2/1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Giữa năm 1963, anh trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn, thuộc Đại đội Quyết tử 65. Anh bị địch bắt khi đang làm nhiệm vụ đặt mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh), nơi dự đoán Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Sài Gòn sẽ đi qua. Trong ảnh: Những phút cuối cùng oanh liệt của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường Khám Chí Hòa. (Ảnh Tư liệu/TTXVN phát)
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, sinh ngày 1/2/1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Giữa năm 1963, anh trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn, thuộc Đại đội Quyết tử 65. Anh bị địch bắt khi đang làm nhiệm vụ đặt mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh), nơi dự đoán Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Sài Gòn sẽ đi qua. Trong ảnh: Những phút cuối cùng oanh liệt của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường Khám Chí Hòa. (Ảnh Tư liệu/TTXVN phát)

Những dấu ấn lịch sử về một tổ chức vũ trang đặc biệt

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị nêu trên tồn tại và chiến đấu như một lực lượng vũ trang chủ yếu trong nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn. Hoạt động của họ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ sở, diệt ác trừ gian, tập kích các công sở, đồn bốt địch, đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị diễn ra sôi động và liên tục, làm rung động hệ thống quân viễn chinh thực dân và bè lũ tay sai ngay tại sào huyệt của chúng.

Các trận đánh diệt bọn ác ôn phản động như: trùm mật thám Bazin, chủ bút báo Phục Hưng Hiền Sĩ, các vụ tiến công kho đạn Thị Nghè, sân bay Tân Sơn Nhất, kho bom Phú Thọ Hòa; các trận đánh thủy lôi trên sông Lòng Tàu, Rừng Sác cùng những tấm gương hy sinh anh dũng như: Nguyễn Ðình Chính, Lan Mê Linh… đã tạo nên những dấu ấn lịch sử về một tổ chức vũ trang đặc biệt hoạt động trong đô thị, sào huyệt của kẻ thù.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, các lực lượng chính trị nội thành được xây dựng lại, tổ chức thành các cánh (theo từng khu vực địa phương và các khối). Từ đó, tổ chức vũ trang gồm các tổ tự vệ và đội biệt động được tái thành lập.

Sau Hiệp định Geneve năm 1954, các đơn vị vũ trang cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn tập kết ra miền Bắc. Số cán bộ, chiến sĩ công tác Thành được phân công ở lại chuyển sang mặt trận đấu tranh chính trị; một thời gian sau, một số bị bắt, tù đày, bị hy sinh, số còn lại chuyển vùng ẩn giấu tung tích, hoặc ra bưng biền lập căn cứ gây dựng lại các nhóm vũ trang.

Từ năm 1961, Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Ðịnh và các đơn vị vũ trang cách mạng được tái lập, trên cơ sở tiếp nhận số cán bộ tập kết trở về cùng số cán bộ ở lại; lực lượng mới ra đời trước và trong phong trào Ðồng khởi. Trong nội đô Sài Gòn, các ngành, các cánh công tác phong trào chính trị (thanh niên, học sinh, Hoa vận, Phụ vận, Binh vận, Tuyên huấn… ) tổ chức các tổ, liên tổ tự vệ mật, đồng thời rút một số thanh niên ra căn cứ bàn đạp huấn luyện thành chiến đấu viên, cán bộ quân sự nội thành.

Vừa xây dựng, lực lượng biệt động Sài Gòn vừa tổ chức hàng loạt trận tập kích, gây tiếng vang lớn. Từ năm 1963 đến 1967, là thời kỳ hoạt động vang dội nhất của Biệt động Sài Gòn.

Từ đó, sáu đội biệt động Thành (159, 65, 66, 67, 68, 69) của Quân khu Sài Gòn-Gia Ðịnh ra đời và hoạt động. Các đội biệt động tổ chức thành hai lực lượng: lực lượng trực tiếp chiến đấu (gồm các tổ, nhóm hoạt động độc lập, hoặc có phối hợp trong tác chiến); lực lượng công tác bảo đảm (gồm những cán bộ và gia đình cơ sở trung kiên từ nội thành ra vùng ven và các tỉnh, cả ở nước ngoài, bố trí thành nhiều tuyến, với một hệ thống hành lang, với các điểm nút, bàn đạp, căn cứ. Hoạt động trên hệ thống hành lang này là đội ngũ giao liên công khai, bán công khai và bí mật làm nhiệm vụ chuyển tin, đưa đón bảo vệ cán bộ, vận chuyển vũ khí, tài chính…).

Vừa xây dựng, lực lượng biệt động Sài Gòn vừa tổ chức hàng loạt trận tập kích, gây tiếng vang lớn. Từ năm 1963 đến 1967, là thời kỳ hoạt động vang dội nhất của Biệt động Sài Gòn. Trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, lực lượng biệt động được giao nhiệm vụ đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Cuộc tập kích được triển khai đồng loạt vào lúc hai giờ sáng ngày mồng 2 Tết Nguyên đán.

Các đội biệt động số 3, 4, 5, 6, 7, 9, 11 tiến công Dinh Ðộc Lập, Tòa Ðại sứ quán Mỹ, căn cứ Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Ðài phát thanh Sài Gòn, căn cứ Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, lực lượng hỗ trợ thanh niên, sinh viên Sài Gòn và các tiểu đoàn mũi nhọn đã không có mặt để tiếp ứng kịp thời theo kế hoạch.

Các đơn vị biệt động sau khi tập kích, đột nhập vào bên trong các mục tiêu, đã đơn thương độc mã chiến đấu cho đến khi hy sinh, hoặc bị địch bắt gần hết. Chỉ một số rất ít thoát trở về căn cứ. Sau ngày Hiệp định Pari được ký kết, các lực lượng biệt động và đặc công ở Sài Gòn-Gia Ðịnh được tổ chức lại, thành Lữ đoàn Ðặc công-Biệt động 316.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, Lữ đoàn đã phối hợp các đơn vị đặc công của Miền, cùng lực lượng vũ trang địa phương mở các hành lang nông thôn dẫn vào thành phố; khống chế và chiếm một số mục tiêu quan trọng được phân công; đánh, chiếm giữ các cầu quan trọng trên các trục lộ giao thông chính vào nội thành Sài Gòn, hướng dẫn các binh đoàn chủ lực cơ động đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố; tham gia giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ các tổ chức chính quyền mới được thành lập ở cơ sở.

Nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn dẫn đường cho xe tăng quân giải phóng trên đường Trương Minh Giảng tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN)
Nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn dẫn đường cho xe tăng quân giải phóng trên đường Trương Minh Giảng tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN)

Những con người mưu trí quả cảm

Tồn tại và hoạt động trong lòng quần chúng ở nội đô, với phương châm lợi dụng sơ hở của địch, lấy ít đánh nhiều, tập kích nhanh rút gọn, với lối đánh độc đáo biến hóa, bí mật bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, hành động mưu trí quả cảm, xuất quỷ nhập thần, lực lượng biệt động đã chiến đấu có hiệu quả ngay giữa trung tâm đầu não Sài Gòn, trở thành nỗi kinh hoàng của Mỹ-ngụy trong suốt cuộc chiến tranh.

Hoạt động của họ đã góp phần tiêu diệt một bộ phận sinh lực cao cấp của địch, phá hoại nhiều cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của chúng; phá vỡ âm mưu, hạ uy thế và gây hoang mang cho quân địch ngay ở cơ quan chóp bu; kích thích tinh thần của quần chúng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị ở nội đô, tạo điều kiện cho quần chúng ven đô đấu tranh với địch; phối hợp các chiến trường trên toàn miền Nam.

Lực lượng biệt động đã chiến đấu có hiệu quả ngay giữa trung tâm đầu não Sài Gòn, trở thành nỗi kinh hoàng của Mỹ-ngụy trong suốt cuộc chiến tranh.

Lịch sử biệt động Sài Gòn gắn liền những chiến công mà ý nghĩa vượt khỏi phạm vi một trận đánh thông thường ở các mục tiêu: rạp chiếu bóng Kinh Ðô, tàu Card, cầu Công Lý, khách sạn Brink, khách sạn Caravell, khách sạn Metropole, cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Ðộc Lập, Ðại sứ quán Mỹ, dinh thự Bộ Tổng tham mưu ngụy… gắn liền những tên tuổi mà cuộc đời và chiến công của họ đã đi vào huyền thoại, như Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Tăng, Trần Văn Ðang, Trần Phú Cương, Lâm Sơn Náo, Nguyễn Thanh Xuân, Lê Văn Việt, Ðỗ Tấn Phong, Ðoàn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Trang…

Do đặc điểm hoạt động đơn tuyến ở địa bàn sào huyệt của kẻ thù, không ít chiến sĩ biệt động ngày nào chưa được minh định công trạng và tặng thưởng xứng đáng. Dù vậy, những chiến công của họ đã âm thầm lát những viên gạch nhỏ trên chặng đường lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Sau 42 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những chiến sĩ biệt động người còn, người mất. Nhưng chắc chắn hình ảnh hào hùng của họ một thời xông pha trận mạc, chấp nhận hy sinh gian khổ để đất nước được độc lập, tự do sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam./.

Tối 21/3/2012, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu“ Nữ biệt động Sài Gòn” nhân dịp xuất bản cuốn sách “Những thiên thần đường phố” (viết về nữ biệt động Sài Gòn) của tác giả Mã Thiên Đồng. Trong ảnh: Các nữ biệt động Sài Gòn giao lưu với độc giả. (Ảnh: Phương Vy-TTXVN)
Tối 21/3/2012, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu“ Nữ biệt động Sài Gòn” nhân dịp xuất bản cuốn sách “Những thiên thần đường phố” (viết về nữ biệt động Sài Gòn) của tác giả Mã Thiên Đồng. Trong ảnh: Các nữ biệt động Sài Gòn giao lưu với độc giả. (Ảnh: Phương Vy-TTXVN)

Chiến thắng vĩ đại Mùa Xuân 1975

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một trong những chiến công lớn của thế kỷ XX. Đối với dân tộc Việt Nam, đây là bản anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua càng khẳng định và làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của thắng lợi này.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tiếp đó, dân tộc Việt Nam phải tiến hành ngay cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cách mạng suốt 30 năm, đánh thắng hoàn toàn các cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc lớn, giải phóng hoàn toàn đất nước.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Trung ương Đảng đã có nhiều Hội nghị bàn các vấn đề cụ thể của cách mạng hai miền Nam-Bắc: Hội nghị lần thứ 21 (7/1973) bàn về phương hướng và nhiệm vụ cách mạng miền Nam, Hội nghị lần thứ 22 (12/1973) bàn về khôi phục kinh tế miền Bắc, Hội nghị lần thứ 23 (12/1974) về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng… Miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế nhằm bảo đảm nhu cầu nâng cao đời sống nhân dân miền Bắc và chi viện có hiệu quả về sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Nắm vững quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, quân và dân miền Nam tiếp tục sử dụng bạo lực cách mạng, giữ vững thế tiến công, đẩy chế độ ngụy quyền Sài Gòn vào thế bị động, lúng túng.

Nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cách mạng suốt 30 năm, đánh thắng hoàn toàn các cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc lớn, giải phóng hoàn toàn đất nước.  

Từ giữa năm 1974, so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam có lợi cho cách mạng, thời cơ cách mạng đã xuất hiện. Bộ Chính trị họp các hội nghị vào tháng 10/1974 và tháng 1/1975 bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm. Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực” (Văn kiện Đảng toàn tập, t.35, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004, tr.196).

Đầu năm 1975, sau chiến thắng Phước Long, với nỗ lực và quyết tâm rất cao, quân và dân ta đã tiến hành liên tục 3 chiến dịch lớn của cuộc Tổng tiến công gồm Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mùa xuân năm 1975, với khí thế tiến công như vũ bão, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn của địch, giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bộ đội ta tiến vào giải phóng Xuân Lộc, cửa ngõ của Sài Gòn, ngày 21/4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bộ đội ta tiến vào giải phóng Xuân Lộc, cửa ngõ của Sài Gòn, ngày 21/4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3/1975): Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn Tây Nguyên làm địa bàn đột phá, mở đầu trận quyết chiến chiến lược vì Tây Nguyên là vùng cao nguyên rộng lớn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta lại chọn Buôn Ma Thuột là trận đột phá chiến lược. Bởi vì, thắng lợi ở Buôn Ma Thuột có khả năng tạo ra sự chuyển biến về chiến dịch và sự rung động về chiến lược.

Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. 2 giờ 03 phút ngày 10/3, quân ta bắt đầu tiến công Buôn Ma Thuột. Đúng 11 giờ trưa ngày 11/3, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được kéo lên trên cột cờ của Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận đánh then chốt mở đầu thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên.

Ngày 24/3, quân ta tiến công Củng Sơn, tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, hoàn thành trận then chốt thứ ba, kết thúc chiến dịch Tây Nguyên. Sau 20 ngày đêm chiến đấu quyết liệt trong chiến dịch Tây Nguyên, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 7 vạn quân địch, xoá sổ quân đoàn 2 và quân khu 2 ngụy, làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn rất quan trọng, dẫn đến sự suy sụp và tan rã về chiến lược của địch, mở ra thời cơ của cuộc tổng tiến công chiến lược, tạo điều kiện cho chiến dịch Huế-Đà Nẵng, mở ra bước ngoặt quyết định cho thời kỳ toàn thắng của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3/1975): Với chiến thắng oanh liệt của Chiến dịch Tây Nguyên, cuộc chiến tranh Cách mạng đã bước sang một giai đoạn mới, từ tiến công chiến lược phát triển thành tổng tiến công chiến lược, tạo thời cơ chín muồi hình thành chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm: “Tiêu diệt quân đoàn 1 địch, không cho chúng rút về Sài Gòn, để cùng với thắng lợi của Tây Nguyên tạo nên chuyển biến lớn về so sánh lực lượng chiến lược có lợi cho ta, tạo điều kiện giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam”.

Thực hiện quyết tâm trên, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Huế-Đà Nẵng với mật danh “Mặt trận 475”. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng là hoạt động trọng tâm của quân ta tiếp sau chiến thắng Tây Nguyên. Chiến trường được phân thành hai khu vực: Trị Thiên-Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng, trong đó mục tiêu chủ yếu là Huế-Đà Nẵng.

Ngày 21/3/1975, chiến dịch Huế-Đà Nẵng bắt đầu: Phát triển thế tiến công đã tạo được trước đó; từ các hướng bắc, tây, nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch trong thành phố Huế. Quân ta chia làm hai hướng: Hướng Nam Huế và hướng Bắc Huế đồng loạt tiến công quân địch.

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng là hoạt động trọng tâm của quân ta tiếp sau chiến thắng Tây Nguyên.

Thế trận của địch ở Thừa Thiên-Huế bị vỡ, và trước áp lực tiến công từ các hướng của quân ta, địch càng lúng túng, trong cơn hoảng loạn chúng chỉ còn một lối thoát duy nhất là chạy ra biển theo cửa Thuận An và Tư Hiền. Pháo binh ta một mặt khống chế chặt cửa Thuận An, kết hợp với bộ đội đặc công thả mìn không cho tàu địch vào đón quân rút chạy.

Ngày 25/3, quân ta tiến công địch ở khu cảng Tân Mỹ-Thuận An, tiêu diệt và làm tan rã hầu hết địch dồn về đây. Cùng ngày các mũi tiến công khác của quân chủ lực đã cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến vào thành phố, kết hợp với quần chúng nổi dậy, giải phóng cố đô Huế. Trưa ngày 26/3, cờ Cách mạng đã tung bay trên cột cờ trước Ngọ Môn, kết thúc vẻ vang trận đánh Thừa Thiên-Huế.

Sau bốn ngày chiến đấu quân và dân ta đã hoàn toàn tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên-Huế. Thắng lợi vang dội này là một đòn phủ đầu chí mạng giáng vào kế hoạch phòng ngự co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung.

Đoàn quân giải phóng trên quốc lộ I từ Nha Trang tiến về giải phóng miền Nam. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Đoàn quân giải phóng trên quốc lộ I từ Nha Trang tiến về giải phóng miền Nam. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Từ ngày 26/3 đến 29/3/1975, cuộc tiến công Đà Nẵng của quân ta diễn ra hết sức khẩn trương, nhanh chóng. Ngày 27/3, quân ta trên ba hướng tiến quân về Đà Nẵng không kể ngày đêm. Các lực lượng vũ trang địa phương gấp rút tiến về thành phố cùng với lực lượng chính trị của quần chúng trong và ven thành phố tiến công địch. Bị bao vây chặt, quân địch ở Đà Nẵng trở nên hỗn loạn, kế hoạch co cụm lớn bị phá vỡ. Ngày 28 và 29/3, ta tiến công căn cứ quân sự liên hợp lớn của địch ở Đà Nẵng.

Cuộc tổng công kích đã diễn ra trên các hướng Bắc Đà Nẵng, Tây Nam Đà Nẵng, Nam và Đông Nam Đà Nẵng. Đến 15 giờ ngày 29/3, quân ta từ các hướng tiến công đã gặp nhau ở trung tâm thành phố, chiếm lĩnh xong toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng-bán đảo Sơn Trà. Trận tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng đã kết thúc toàn thắng. Hơn 10 vạn quân địch trong đó có cơ quan bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy đã bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Căn cứ quân sự liên hợp mạnh nhất của địch ở miền Trung đã hoàn toàn bị đập tan trong một cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc 32 giờ. Ta thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng đã giành thắng lợi một cách nhanh chóng, rực rỡ: Quân ta đã đập tan hệ thống phòng thủ kiên cố của địch ở quân khu 1, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 120.000 tên, trong đó bắt tại trận 55.000 tên, với 7.000 sĩ quan (220 cấp tá), làm tan rã 137.000 phòng vệ dân sự; Thu toàn bộ vũ khí quân trang, đạn dược, nhiên liệu). Giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh với hơn 2 triệu dân, trong đó có 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng. Thắng lợi của chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Cùng với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ 9/4 đến 30/4/1975): Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp nhận định: Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc”.

Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Phải nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm”. Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng chỉ đạo giành thắng lợi trong trận quyết chiến lịch sử này. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được mang tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Các chiến dịch và các hoạt động tạo thế chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh được tiến hành theo các hướng: Hướng Đông, hướng Tây Nam, hướng Đông và Đông Nam, hướng Tây và Tây Nam, hướng Bắc và Tây Bắc. Tối 28/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch thông báo tình hình và lệnh, các hướng quân ta tiếp tục phát triển tiến công để đảm bảo sáng 29/4 toàn mặt trận nhất loạt thực hiện tổng tấn công vào thành phố Sài Gòn theo đúng kế hoạch đã định.

Ngày 30/4/1975: Quân ta thống nhất hiệp đồng các cánh, các hướng tổng công kích vào nội thành, chiếm lĩnh các mục tiêu chiến lược. 10 giờ ngày 30/4/1975, trung đoàn 66 bộ binh, cùng với xe tăng của lữ đoàn 203 thuộc sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến công thọc sâu, đập tan toàn bộ lực lượng phòng ngự của quân ngụy vượt qua cầu Sài Gòn. 10 giờ 45’, cán bộ, chiến sĩ ta bắt toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, ta kéo cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập.

10 giờ 45’, cán bộ, chiến sĩ ta bắt toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện.

Trên đà chiến thắng, từ ngày 30/4/1975, đồng bào và các chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 1-5-1975, toàn bộ lãnh thổ trên đất liền miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng.

Từ 30/4 đến 1/5/1975, đồng bào các tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Long An, Hậu Nghĩa, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong, An Giang, Châu Đốc, Sa Đéc, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau đã đứng lên giành quyền làm chủ.

Cùng với các tỉnh ở đất liền, ngày 30/4/1975, các chiến sĩ yêu nước bị địch giam giữ ở đảo Côn Sơn đã nổi dậy, làm chủ hoàn toàn đảo này. Ngày 2/5/1975, Quân giải phóng phối hợp cùng nhân dân tiến công và nổi dậy, giành quyền làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trước đó, trong tháng 4-1975, ta giải phóng các đảo dọc bờ biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong quần đảo Trường Sa; quân giải phóng tiến công và giải phóng các đảo do quân ngụy chiếm giữ: đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa và đảo An Bang.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã hơn 40 vạn tên địch, 10 sư đoàn chủ lực và tổng trù bị, 12 chiến đoàn thiết giáp, 5 sư đoàn không quân; đánh sụp toàn bộ ngụy quyền Trung ương và địa phương gồm 22 vạn tên, giải phóng Sài Gòn và toàn bộ các tỉnh còn lại, kết thúc rất oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước ta.

Văn kiện Đảng nhận định: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta” (Văn kiện Đảng toàn tập, t.35, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004, tr.206)./.

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Donald Trump

Từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/1 đến nay, ngay trong tháng đầu tiên ông đã thể hiện rõ hình ảnh của một tổng thống quyết đoán, có một loạt hành động mạnh mẽ trong các công việc nội bộ và ngoại giao nhằm thực hiện các chính sách mới của mình, khiến Mỹ và các nước trên thế giới phải nhìn ông bằng con mắt hoàn toàn khác.

Nhưng cùng với các chính sách mới tiếp tục được thực hiện, thanh thế của ông dường như dần dần suy yếu, dù sẽ không nhanh chóng kết thúc. Những tác động của nó đối với Mỹ và thế giới cũng sẽ dần nổi lên, cần quan tâm chặt chẽ và có sự đối phó.

1. “Sự đổi mới trong 100 ngày cầm quyền” của Trump

Donald Trump là tổng thống Mỹ có nhiều hành động nhất, cải cách mạnh mẽ nhất, gây tranh cãi nhiều nhất ngay khi bắt đầu lên cầm quyền trong hơn 70 năm qua tính từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt, cũng là tổng thống mới thực hiện được nhiều cam kết nhất trong chiến dịch tranh cử ngay thời kỳ đầu cầm quyền.

Chỉ trong hai tháng, ông đã lần lượt đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, thay đổi hoặc chấm dứt các biện pháp, chính sách của người tiền nhiệm, hoặc có những hành động lớn mới trong chính sách đối nội và đối ngoại, chủ yếu như sau:

Từ khi lên cầm quyền tới nay, đúng như cam kết trong chiến dịch tranh cử, Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được người tiền nhiệm Obama gây dựng với lý do nó làm tổn hại lợi ích quốc gia Mỹ; tuyên bố xây dựng bức tường ngăn cách ở biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ Latinh vào Mỹ, và nói rằng Mexico phải chịu chi phí đó; tuyên bố dừng các biện pháp về mặt hành chính trong chương trình chăm sóc sức khỏe của Obama, muốn Quốc hội nhất trí hủy bỏ “Obamacare”; lần lượt ký hai sắc lệnh cấm công dân một số nước Trung Đông nhập cảnh vào Mỹ; trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Australia, hai người còn xảy ra tranh cãi do vấn đề người tị nạn.

Chỉ trong hai tháng, ông đã lần lượt đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, thay đổi hoặc chấm dứt các biện pháp, chính sách của người tiền nhiệm, hoặc có những hành động lớn mới trong chính sách đối nội và đối ngoại

Nhiều lần Donald Trump lên án kịch liệt các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ, tuyên bố đó là “kẻ thù chung của người dân Mỹ”, ngăn cấm một số phóng viên của các phương tiện truyền thông chính thống vào Nhà Trắng phỏng vấn, chỉ cho phép phóng viên một tờ báo nhỏ đi cùng Ngoại trưởng Rex Tillerson trong chuyến công du châu Á; nhiều lần cáo buộc các nước như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc “thao túng tiền tệ” để giành ưu thế thương mại trước Mỹ, khiến thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh; trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) văn bản chỉ trích chính sách bảo hộ không công bằng của Nhật Bản về các sản phẩm nông nghiệp. Tổng thống Mỹ phê phán Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là lỗi thời, sau đó mặc dù nhấn mạnh tiếp tục ủng hộ NATO nhưng tiếp tục yêu cầu các nước đồng minh trong NATO tăng chi tiêu quân sự, gánh vác nhiều trách nhiệm hơn; trình lên kế hoạch ngân sách liên bang mới, tăng 10% ngân sách quốc phòng, đồng thời cắt giảm trên quy mô lớn chi tiêu cho ngoại giao, viện trợ phát triển quốc tế, tài trợ Liên hợp quốc, bảo vệ môi trường, nghiên cứu y học và văn hóa; lần lượt điện đàm với lãnh đạo hơn 30 quốc gia; phó tổng thống, thứ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng trong Chính quyền Trump đã có các chuyến công du châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

2. “Các chính sách gây hỗn loạn” của Trump

Trong hơn 2 tháng cầm quyền, Trump đã gây ra những sự kinh ngạc lớn và phản ứng mạnh mẽ ở trong và ngoài nước Mỹ, đồng thời cũng gây những tranh cãi và hỗn loạn lớn ở Mỹ và trên thế giới. Khá nhiều người cho rằng không phải Trump đang thực hiện “chính sách mới” mà là “chính sách gây hỗn loạn”, làm cho nước Mỹ và thế giới xuất hiện tình trạng rối ren và đầy tính khó đoán định.

Một là sắc lệnh cấm người Hồi giáo nhằm ngăn chặn công dân 7 nước Trung Đông nhập cảnh vào Mỹ, gây ra tình trạng hỗn loạn ở rất nhiều sân bay của Mỹ và thế giới. Nhiều người đã nhận được visa của Mỹ, mua vé máy bay, thậm chí chuẩn bị lên máy bay bị cấm quay trở về Mỹ, các công ty hàng không, sân bay, cơ quan kiểm tra ở biên giới Mỹ xảy ra tình trạng hỗn loạn, làm dấy lên sự chỉ trích và bất mãn rộng rãi.

Hai là các biện pháp, chính sách về công việc nội bộ và ngoại giao của Trump vấp phải sự chỉ trích và phản đối tương đối gay gắt ở trong và ngoài nước, dẫn đến sự căng thẳng thậm chí đối lập trong quan hệ với một số nước. Hành động xây dựng “bức tường ngăn cách”, đồng thời yêu cầu Mexico phải chịu chi phí của Trump đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối của chính phủ và người dân Mexico, tổng thống nước này đã hủy chuyến thăm Mỹ. Những phát ngôn phê phán NATO lỗi thời đã gây ra nỗi lo ngại ở các nước đồng minh, chủ trương yêu cầu các nước đồng minh tăng chi tiêu quân sự đã vấp phải sự tẩy chay của các nước này. Chủ trương bảo hộ thương mại làm cho cả thế giới lo ngại về triển vọng phát triển kinh tế và trật tự kinh tế thế giới và “cuộc chiến thương mại” với Mỹ có thể là khó tránh khỏi.

Khá nhiều người cho rằng không phải Trump đang thực hiện “chính sách mới” mà là “chính sách gây hỗn loạn”, làm cho nước Mỹ và thế giới xuất hiện tình trạng rối ren và đầy tính khó đoán định.

Ba là gây ra tình trạng hỗn loạn ở trong nước, nội bộ chính phủ. Các chính sách, biện pháp đối với Obamacare, lệnh cấm Hồi giáo, dự toán ngân sách và các phương tiện truyền thông chính thống không những vấp phải sự phản đối và tẩy chay của các nghị sỹ đảng Dân chủ mà còn vấp phải sự chỉ trích của các nhà lãnh đạo và thành viên chủ chốt trong đảng Cộng hòa. Quan chức chủ chốt đầu tiên, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn được Trump lựa chọn sau khi trúng cử đã từ nhiệm sau chưa đầy một tháng, trở thành quan chức cấp cao có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ cho đến nay.

Bốn là mối quan hệ cực kỳ căng thẳng, thậm chí đối lập giữa Chính quyền Trump và các phương tiện truyền thông chính thống, tạo thành bầu không khí chỉ trích, đổ lỗi và công kích lẫn nhau, đây là điều rất hiếm trong lịch sử Mỹ.

Ngay ngày đầu tiên sau khi Trump trúng cử, người dân Mỹ liên tục biểu tình, tuần hành, phản đối Trump và các biện pháp, chính sách của ông trên khắp đất nước.

Ngay khi chưa chính thức lên cầm quyền mà đã có nhiều người dân phản đối như vậy là điều ít thấy trong lịch sử Mỹ, tỷ lệ ủng hộ của người dân khi tổng thống vừa lên cầm quyền cũng dường như thấp nhất trong lịch sử.

Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng ngày 26/4. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng ngày 26/4. (Ảnh: EPA/TTXVN)

3. Xu hướng cầm quyền của Trump

Dựa vào ý chí, tư tưởng, xu hướng chính sách và phong cách cá nhân của Trump, ông chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục có các chính sách mới. Tuy nhiên cùng với các chính sách mới liên tục được triển khai, sự kiềm chế đối với Chính quyền Trump ở trong và ngoài nước cũng sẽ tăng lên, các chính sách mới của Trump có thể đi bao xa vẫn là điều rất khó đoán định, cũng không lạc quan, nhưng nó đã gây những ảnh hưởng rất lớn đối với Mỹ và thế giới, trong thời gian tới vẫn có thể tiếp tục tăng mạnh.

Thứ nhất, Chính quyền Trump chịu sự ràng buộc về mặt chế độ nghiêm ngặt ở trong nước. Mỹ là một quốc gia và xã hội rất hoàn thiện và ổn định, có chế độ hoàn chỉnh, nghiêm ngặt trong các phương diện chính trị, kinh tế, nội chính và ngoại giao, tất cả mọi người kể cả tổng thống và các thành viên chính phủ đều không thể phá vỡ. Chế độ và sự kiềm chế này đến từ thể chế “tam quyền phân lập, đối trọng lẫn nhau” giữa quốc hội, hệ thống tư pháp và các cơ quan hành pháp, cũng đến từ sự kiềm chế về mặt xã hội như phương tiện truyền thông, nhóm lợi ích và công chúng. Tổng thống Trump và chính phủ cầm quyền điều hành chính phủ trong khuôn khổ chế độ có lịch sử lâu đời, hệ thống hoàn chỉnh và hoàn thiện, quyền tự do có hạn, các hành động cũng chịu sự hạn chế.

Trump đã chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của thể chế này, thậm chí vấp phải trắc trở. “Lệnh hạn chế người Hồi giáo” đầu tiên đã bị thẩm phán toà án liên bang ở Seattle phủ quyết. Trump và chính phủ rút kinh nghiệm, thận trọng hơn trong sửa đổi nội dung của lệnh cấm nhập cư đầu tiên. Nhưng sau khi công bố “lệnh cấm người Hồi giáo” lần thứ hai, lại vấp phải sự phủ quyết của hai thẩm phán tòa án liên bang ở Hawaii và Maryland, sắc lệnh tổng thống không được thực hiện đầy đủ.

Các chính sách mới của Trump có thể đi bao xa vẫn là điều rất khó đoán định, cũng không lạc quan, nhưng nó đã gây những ảnh hưởng rất lớn đối với Mỹ và thế giới.

Thẩm phán tòa án liên bang có thể chống lại sắc lệnh tổng thống, đây chính là chế độ của Mỹ. Trump vô cùng tức giận, chỉ thị cho Bộ Tư pháp liên bang gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang/tòa án lưu động, nhưng lại bị tòa án bang San Francisco/tòa án lưu động bác bỏ.

Chính quyền Trump quyết định trình lên toà án tối cao liên bang, nhưng triển vọng không mấy lạc quan. Sự việc này chịu sự kiềm chế của ba yếu tố: Một là tòa án tối cao có quyết định thụ lý hay không; hai là cho dù tòa án tối cao cuối cùng quyết định thụ lý, thời gian sẽ kéo dài; ba là phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao chưa chắc có lợi cho Chính quyền Trump.

Sự kiềm chế của Quốc hội Mỹ chỉ mới vừa bắt đầu. Lưỡng viện Mỹ hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, nhưng trong chiến dịch tranh cử, lãnh đạo và các thành viên chủ chốt của đảng này đều tẩy chay Trump, có người thậm chí yêu cầu ông rút lui. Trump và các thành viên của đảng Cộng hòa vừa có lập trường chung vừa có khá nhiều bất đồng lớn trong phương diện tăng cường trang bị quân sự, cắt giảm thuế, thay đổi những cải cách y tế của Obama, thúc đẩy doanh nghiệp và kinh tế phát triển.

Chẳng hạn như các thành viên của đảng Cộng hòa đều nhất trí cắt giảm thuế, giảm chi tiêu chính phủ, nhưng cụ thể giảm, tăng thêm cái gì trong ngân sách vì nó còn liên quan đến lợi ích của khu vực bầu cử mà họ đại diện. Đảng Cộng hòa cũng chủ trương tăng cường kiểm soát an ninh và biên giới, nhưng nhiều thành viên của đảng này không ủng hộ việc công khai hạn chế người dân một số quốc gia Hồi giáo.

Trump lên cầm quyền vẫn chưa lâu, lãnh đạo đảng Cộng hòa và các nghị sĩ tạm thời vẫn còn khá khách khí, kiềm chế đối với tổng thống mới, nhưng thời gian qua đi, quốc hội sẽ phải thảo luận, tranh luận nhiều hơn về các dự luật lớn như ngân sách, chi tiêu, sự “chăm sóc” như vậy của thành viên đảng Cộng hòa đối với Trump sẽ không kéo dài. Ngày 24/3, Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Davis Ryan gặp nhau, đã buộc phải tạm thời từ bỏ việc thông qua “Luật bảo hiểm y tế mới” tại quốc hội để thay thế Obamacare, nguyên nhân là tất cả thành viên của đảng Dân chủ tại Hạ viện kiên quyết phản đối, 32 nghị sĩ đảng Cộng hòa bày tỏ phản đối hoặc không tham gia bỏ phiếu, như vậy Hạ viện không thể giành được đa số phiếu để thông qua dự luật. Nghị trình lập pháp lớn đầu tiên của Trump và đảng Cộng hòa trong phương diện chính sách đối nội đã vấp phải thất bại.

Ngoài ra, đảng Dân chủ chiếm thiểu số trong quốc hội cũng không phải là hoàn toàn không thể làm gì. Đặc biệt tại Thượng viện, tỷ lệ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là 42:48, đảng Cộng hòa cần trên 60 số phiếu ủng hộ khi đưa ra biểu quyết về những vấn đề lớn. Vì vậy, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện có khả năng phủ quyết những sáng kiến lớn của Trump.

Thứ hai, Trump chịu sự kiềm chế của giới tinh hoa và dư luận xã hội Mỹ. Trump trúng cử và lên cầm quyền với khẩu hiệu “chống lại thể chế, chống lại giới tinh hoa”, có vẻ như hiện nay ông vẫn đang tiếp tục đường hướng này. Phần đông giới chính trị và tinh hoa Mỹ vẫn phản đối Trump và nhiều chủ trương chính sách của ông, khi họ một đối một thì quyền lực không bằng tổng thống nhưng khi kết hợp với nhau thì vai trò và ảnh hưởng vẫn rất lớn. Những tinh hoa trong thể chế này bao gồm nghị sĩ quốc hội, thẩm phán, nhân viên chính phủ, các nhà doanh nghiệp lớn và chuyên gia, học giả.

Trump có thể gây một số bất lợi cho các phương tiện truyền thông chính thống, nhưng họ cũng có thể liên tục bôi nhọ, bới móc, tiết lộ các bê bối của ông.

Giới tinh hoa trong chính phủ bao gồm cơ quan điều tra liên bang, cơ quan an ninh quốc gia, cơ quan tình báo trung ương, đều có đủ khả năng, biện pháp gây trở ngại cho tổng thống, Trump đã nếm đủ cay đắng của điều này và vô cùng tức giận, nhưng không thể làm gì cả.

Ví dụ như các tin tức về “vụ bê bối liên quan tới Nga” trong thành viên nội các của Trump, các cố vấn chủ chốt và bản thân tổng thống được cơ quan tình báo, an ninh liên tục tiết lộ, các cuộc điều tra liên tục của cơ quan an ninh và quốc hội đối với vấn đề này là một đòn giáng và thất bại lớn đối với Chính quyền Trump.

Trump luôn ở trong tình trạng đối lập, đối kháng với các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, ông cáo buộc các phương tiện truyền thông chính thống là “kẻ thù của người dân”. Trump có thể gây một số bất lợi cho các phương tiện truyền thông chính thống, nhưng họ cũng có thể liên tục bôi nhọ, bới móc, tiết lộ các bê bối của ông. Vị trí, vai trò và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông chính thống không biến mất, vẫn có thể tiếp tục gây phiền phức cho Chính quyền Trump.

Thứ ba, sự kiềm chế về mặt quốc tế. Mỹ là siêu cường hùng mạnh nhất thế giới, chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ đương nhiên có ảnh hưởng lớn tới thế giới. Bên cạnh đó, bây giờ không phải là thời đại Mỹ có thể thao túng thế giới, các nước trên thế giới cũng có khả năng kiềm chế không nhỏ xu hướng chính sách của chính phủ mới của Mỹ. Trump đã để lại cho người ta ấn tượng rằng ông là người phản đối toàn cầu hóa, thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và các nước đồng minh, nhưng ông không thể đi quá xa trên các phương diện này.

Khuynh hướng chống lại đồng minh của ông đã buộc phải thay đổi, Mỹ không thể hoàn toàn rút khỏi các tổ chức đa phương, nước Mỹ rời bỏ thương mại tự do và toàn cầu hóa cũng không thể sinh tồn và phát triển. Vì vậy, xu hướng và chủ trương này của ông đã vấp phải sự tẩy chay và phản đối lớn ở trong và ngoài nước.

4. Những tác động từ các chính sách mới của Trump

Xu thế đưa ra các chính sách mới của Trump đã đang dần giảm nhưng sẽ không mất đi. Chính phủ mới của Mỹ vẫn có thể và khả năng áp dụng một số chính sách, biện pháp quan trọng ở một số phương diện công việc đối nội và đối ngoại, chúng chắc chắn sẽ có tác động tương đối lớn tới Mỹ và thế giới.

Về các vấn đề đối nội, chương trình nghị trình tiếp theo của Trump là đưa ra bản ngân sách mới, quy hoạch cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD, cắt giảm thuế, sửa đổi luật tài chính và Obamacare. Mỗi một nghị trình này đều không phải là việc dễ dàng, chắc chắn sẽ dẫn đến tranh cãi lớn, có thể vấp phải sự tẩy chay và phản đối kịch liệt, cuối cùng có thể có bao nhiêu phần trăm thành công, thay đổi ở mức độ nào là rất khó đoán định.

Trong những chương trình lớn, việc cắt giảm thuế có thể tương đối dễ thực hiện. Nhưng cắt giảm thuế sẽ làm giảm chi tiêu của chính phủ liên bang nên cũng không phải là việc dễ dàng. Mọi người đều nhất trí với việc chi tiền để tăng cường cơ sở hạ tầng, nhưng nguồn vốn là một vấn đề nan giải. Việc sửa đổi hai dự luật lớn về tài chính và y tế được quốc hội thông qua dưới thời Chính quyền Obama đều vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ đảng Dân chủ.

Thời gian còn lại cho Trump không nhiều, đảng Cộng hòa khó có thể duy trì đa số phiếu tại Lưỡng viện trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2018, và một khi không còn chiếm đa số tại thượng viện hay hạ viện, mức độ khó khăn trong việc điều hành chính phủ của Trump trong vài năm tới sẽ không thua kém Obama.

Xu hướng của các công việc nội bộ ngày càng gặp khó khăn hơn, chịu nhiều sự kiềm chế nên Trump chỉ có thể tập trung sức lực nhiều hơn vào vấn đề ngoại giao. Đây là con đường hầu như tất cả các đời tổng thống Mỹ đều trải qua vì tổng thống có quyền lực và ưu thế này. Hiến pháp và chế độ Mỹ quy định trao quyền phụ trách các vấn đề đối nội cho quốc hội, chứ không phải tổng thống và các cơ quan hành pháp dưới sự lãnh đạo của tổng thống, nhưng lại giao quyền điều hành các vấn đề ngoại giao cho tổng thống.

Với tư cách là nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tổng thống có quyền hạn và khả năng hành động rộng lớn trong vấn đề ngoại giao và an ninh, quốc hội, hệ thống tư pháp có một số kiềm chế, nhưng khó có thể thực sự và kịp thời thực thi. Do đó có thể dự đoán rằng cùng với mức độ khó khăn khi điều hành các vấn đề trong nước tăng lên, nếu Tổng thống Trump muốn phát huy vai trò hơn nữa thì nhiều khả năng nó chỉ được thể hiện trên phương diện an ninh và ngoại giao.

Trump luôn muốn cải thiện quan hệ với Nga, nhưng liệu có thể vượt qua sự hạn chế của tư duy chống Nga phổ biến, tồn tại trong thời gian dài và lớn mạnh ở trong nước hay không là một vấn đề lớn, cộng với trên đầu ông vẫn treo lơ lửng thanh gươm của Damocles do dính vào bê bối liên quan đến Nga nên Trump phải rất thận trọng trong quan hệ với Nga.

Người dân tập trung bên ngoài Trump Tower ở New York trong cuộc biểu tình phản đối tổng thống đắc cử của Mỹ (Ảnh: CNBC)
Người dân tập trung bên ngoài Trump Tower ở New York trong cuộc biểu tình phản đối tổng thống đắc cử của Mỹ (Ảnh: CNBC)

Quan hệ kinh tế-thương mại với bên ngoài là lĩnh vực Trump có khả năng phát huy vai trò của mình trong thời gian cầm quyền. Tổng thống có quyền chấm dứt một số cuộc đàm phán và hiệp định thương mại, có quyền thực hiện các cuộc đàm phán mới, ký kết thỏa thuận mới, tất nhiên, có một số cuối cùng phải được thượng viện phê chuẩn. Trump bày tỏ ông phản đối các hiệp định và cuộc dàn xếp thương mại đa phương, có hứng thú hơn với các cuộc đàm phán và hiệp định song phương vì Mỹ có thế mạnh nhất, có thể đặt ra nhiều yêu cầu hơn để buộc đối phương nhượng bộ trong các mối quan hệ song phương.

Do đó có thể dự đoán cùng với việc Chính quyền Trump từ bỏ, sửa đổi một số sự sắp đặt thương mại đa phương, Mỹ sẽ tiến hành nhiều cuộc đàm phán thương mại song phương, trong đó có với Anh, Nhật Bản, Trung Quốc; và trong các cuộc đàm phán, Mỹ sẽ kiên định lợi ích và yêu cầu của mình, gây áp lực và mối đe dọa cho các nước khác, buộc các nước khác phải có những nhượng bộ nhiều hơn và lớn hơn.

Trong vấn đề Trung Đông và Triều Tiên, Trump muốn có lập trường và chính sách cứng rắn hơn, nhưng vẫn có thể phải chịu hạn chế. Trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc xung đột Palestine-Israel, lập trường của Chính quyền Trump đã dịu đi. Trump tuyên bố sẽ giáng đòn nặng nề vào các thế lực khủng bố Hồi giáo, nhưng liệu Mỹ sẽ trực tiếp tấn công hay gửi lực lượng bộ binh đến? E rằng cuối cùng chỉ là tăng cường hỗ trợ cho “các nước ở tuyến đầu” như Iraq mà thôi.

Đối với Triều Tiên, Ngoại trưởng Tillerson nói rằng chính sách của Mỹ trong 20 năm qua đã thất bại, nhưng liệu Chính quyền Trump có thể có bất kỳ chính sách mới nào? Có lẽ không ngoài gia tăng biện pháp trừng phạt và răn đe quân sự, và yêu cầu Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên toàn diện, đầy đủ. Đồng thời, không loại trừ khả năng Tổng thống Trump với cá tính nổi bật, muốn chơi trội có thể áp dụng hành động quân sự mạnh mẽ với Triều Tiên.

Đối với Trung Quốc, Trump biết rõ việc muốn thay đổi và trao đổi “chính sách một nước Trung Quốc” là không khả thi, Trung Quốc cần giữ cảnh giác đối với việc Chính phủ Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, phát triển quan hệ chính thức với Đài Loan. Một mâu thuẫn lớn, lĩnh vực xung đột tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ có khả năng là kinh tế và thương mại.

Lời hứa của Trump trong chiến dịch tranh cử, rằng vào ngày đầu tiên lên cầm quyền sẽ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, tăng thuế xuất khẩu sang Mỹ lên 45% có vẻ như rất khó trở thành chính sách. Nhưng áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại chắc chắn sẽ tăng lên, mâu thuẫn, va chạm giữa hai nước trong lĩnh vực này sẽ tăng lên.

Biển Đông – một lĩnh vực khác trong mâu thuẫn, đối lập giữa Trung Quốc và Mỹ – có thể có diễn biến căng thẳng hơn. Chính quyền Trump sẽ không tiếp tục sử dụng cụm từ “tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, nhưng không có nghĩa là không tiếp tục quan tâm tới khu vực này, không có nghĩa rằng Mỹ sẽ thay đổi sự kiềm chế và phòng ngừa Trung Quốc, Biển Đông là một lĩnh vực quan trọng để thực hiện chiến lược này./.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Washington, DC ngày 25/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Washington, DC ngày 25/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Elon Musk

Làm thế nào mà Elon Musk có thể xây dựng 4 công ty trị giá nhiều tỷ USD khi mới ngoài 40 tuổi – ở 4 lĩnh vực khác nhau (phần mềm, năng lượng, vận tải và vũ trụ)?

Để giải thích cho thành công của Musk, nhiều người đã chỉ ra văn hóa làm việc (ông thường làm việc 85 tiếng một tuần), khả năng mường tượng ra những điều phá vỡ thực tại trong tương lai, và sự kiên cường phi thường của ông.

Nhưng tất cả những điều đó không thỏa đáng với tôi. Rất nhiều người cũng có những phẩm chất đó. Tôi muốn biết ông đã làm khác ở chỗ nào.

Qua hàng chục bài báo, video và cuốn sách về Musk, tôi nhận ra còn thiếu một mảnh ghép lớn của câu đố. Theo quan niệm thông thường thì để đạt được đẳng cấp thế giới, chúng ta chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực. Nhưng Musk đã phá vỡ quy tắc đó. Chuyên môn của ông trải dài từ khoa học tên lửa, kỹ thuật, vật lý và trí tuệ nhân tạo tới điện mặt trời và năng lượng.

Theo quan niệm thông thường thì để đạt được đẳng cấp thế giới, chúng ta chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực. Nhưng Musk đã phá vỡ quy tắc đó.

Trong một bài viết trước đây, tôi gọi những người như Musk là “những người biết nhiều thứ ở cấp độ chuyên gia” (một thuật ngữ do Orit Gadiesh, chủ tịch của Bain & Company đặt ra).

Những người biết nhiều thứ ở cấp độ chuyên gia thường nghiên cứu rộng rãi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hiểu được những quy tắc sâu sắc kết nối những lĩnh vực này, sau đó áp dụng chúng vào chuyên môn cốt lõi của họ.

Dựa theo đánh giá của tôi về cuộc đời và nền tảng học thuật liên quan đến việc học tập và chuyên môn của Musk, tôi tin rằng chúng ta đều nên học về nhiều lĩnh vực nhằm tăng khả năng thành công đột phá của mình.

Quan niệm “đống nghề thì chết”

Nếu bạn là người thích học về nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể bạn sẽ quen nghe thấy lời khuyên đầy thiện ý này:

“Trưởng thành lên đi. Tập trung vào một lĩnh vực thôi.”

“Một nghề thì sống. Đống nghề thì chết.”

Giả định tiềm ẩn là nếu bạn học về quá nhiều lĩnh vực, bạn sẽ chỉ có hiểu biết hời hợt thay vì chuyên sâu.

Thành công của những người có hiểu biết rộng ở cấp độ chuyên gia từ trước đến nay lại cho thấy rằng đó là một quan niệm không chính xác. Học tập trên nhiều lĩnh vực tạo ra lợi thế về thông tin (và theo đó là lợi thế sáng tạo) vì hầu hết mọi người chỉ tập trung vào một lĩnh vực.

Ví dụ, nếu bạn ở trong ngành công nghệ và tất cả những người khác chỉ đọc những ấn phẩm về công nghệ, nhưng bạn thì biết rất nhiều về sinh học, bạn có thể nảy ra những ý tưởng mà gần như chẳng ai nghĩ được. Và ngược lại. Nếu bạn nghiên cứu sinh học, nhưng đồng thời cũng hiểu về trí tuệ nhân tạo, bạn có lợi thế thông tin hơn những người khác chỉ biết về một lĩnh vực.

Bất chấp nhận thức cơ bản này, rất ít người thực sự học những thứ khác ngoài chuyên môn của họ.

Mỗi lĩnh vực mới chúng ta học mà không quen thuộc với những người khác trong cùng lĩnh vực cho chúng ta khả năng tạo ra những kết hợp mà họ không thể. Đây là lợi thế của người có hiểu biết rộng ở mức chuyên gia.

Một nghiên cứu thú vị cũng phản ánh điều này. Nghiên cứu đã tìm hiểu xem 59 nhà soạn nhạc opera hàng đầu thế kỷ 20 đã làm chủ nghề nghiệp của họ như thế nào.

Trái ngược với quan niệm thông thường là thành công của những nhà soạn nhạc hàng đầu chỉ có thể được giải thích bởi sự luyện tập chăm chỉ và chuyên môn, nhà nghiên cứu Dean Keith Simonton đã phát hiện ra điều hoàn toàn ngược lại: “Những tác phẩm của các nhà soạn nhạc opera thành công nhất thế giới thường có xu hướng thể hiện một kết hợp nhiều thể loại… các nhà soạn nhạc có thể tránh được sự cứng nhắc của việc có quá nhiều kiến thức chuyên môn (luyện tập quá nhiều) bằng cách luyện tập ở những lĩnh vực khác nhau,” nhà nghiên cứu Scott Barry Kaufman thuộc đại học Pennsylvania tóm tắt lại trong một bài báo trên tờ Scientific American.

Siêu năng lực “chuyển giao kiến thức” của Musk

Theo người anh trai Kimbal Musk, bắt đầu từ những năm đầu tiên của thời niên thiếu, Elon Musk đã đọc 2 cuốn sách mỗi ngày ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Như thế có nghĩa là, nếu bạn đọc một cuốn sách mỗi tháng, Musk sẽ đọc được số sách nhiều hơn bạn 60 lần.

Ban đầu, những chủ đề sách mà Musk đọc là khoa học viễn tưởng, triết học, tôn giáo, lập trình và tiểu sử của các nhà khoa học, kỹ sư và doanh nhân. Khi lớn hơn, những mối quan tâm đọc sách và sự nghiệp của ông mở rộng ra các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật, thiết kế sản phẩm, kinh doanh, công nghệ và năng lượng. Cơn khát kiến thức này cho phép ông tiếp xúc với hàng loạt chủ đề ông chưa bao giờ học ở trường.

Musk cũng rất giỏi ở một kiểu học rất cụ thể mà hầu hết chúng ta còn chẳng biết đến – chuyển giao kiến thức.

Chuyển giao kiến thức là lấy những gì chúng ta học được trong một bối cảnh này và áp dụng cho một bối cảnh khác. Đó có thể là lấy một hạt nhân của những gì chúng ta học ở trường hay trong một cuốn sách rồi áp dụng nó vào “thế giới thực.” Đó cũng có thể là lấy những gì chúng ta học được từ ngành này rồi áp dụng vào ngành khác.

Đây là nơi mà Musk tỏa sáng. Một vài cuộc phỏng vấn cho thấy ông có một quá trình hai bước độc đáo để tăng cường chuyển giao kiến thức.

Đầu tiên, ông phá vỡ kiến thức thành những nguyên tắc cơ bản

Câu trả lời của Musk trong một chương trình hỏi đáp trên Reddit đã mô tả cách ông làm điều đó:

“Điều quan trọng là xem kiến thức như một dạng cây ngữ nghĩa – đảm bảo là bạn hiểu những nguyên tắc cơ bản, tức là thân cây và những nhánh cây lớn, trước khi tiến tới những chiếc lá/chi tiết hoặc sẽ chẳng có gì cho chúng bám vào.”

Các nghiên cứu cho thấy rằng biến kiến thức của bạn thành những nguyên tắc sâu sắc và trừu tượng hơn sẽ tạo điều kiện cho chuyển giao kiến thức. Các nghiên cứu cũng chỉ ra một kỹ thuật đặc biệt hiệu quả trong việc giúp mọi người nhận biết bằng trực giác những nguyên tắc ẩn phía sau. Kỹ thuật này được gọi là “những trường hợp tương phản.”

Nó hoạt động như sau: Ví dụ, bạn muốn phá vỡ chữ cái “A” và hiểu nguyên tắc sâu xa khiến “A” là chữ A. Giả sử bạn có hai cách tiếp cận có thể dùng cho trường hợp này như sau:

Bạn nghĩ cách nào có hiệu quả hơn?

Mỗi chữ A khác nhau trong cách tiếp cận #1 đưa đến nhiều cái nhìn sâu sắc hơn về những điểm tương đồng và khác biệt giữa mỗi chữ A. Trong khi đó, mỗi chữ A trong cách tiếp cận #2 lại không cho chúng ta thấy được sự sâu sắc đó.

Bằng cách nhìn vào thật nhiều những trường hợp tương phản khi học bất cứ thứ gì, chúng ta bắt đầu cảm giác được những điều mấu chốt và thậm chí còn tạo nên được những kết hợp độc đáo cho riêng mình.

Điều này có ý nghĩa gì trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta? Khi bước vào một lĩnh vực mới, chúng ta không nên chỉ chọn một cách tiếp cận hay những thông lệ tốt nhất. Chúng ta nên khám phá thật nhiều cách tiếp cận, bẻ nhỏ từng cách rồi so sánh và đối chiếu chúng. Điều này sẽ giúp chúng ta phát hiện ra các nguyên tắc ẩn đằng sau.

Tiếp theo, Musk xây dựng lại các nguyên tắc cơ bản trong những lĩnh vực mới

Bước thứ hai của quá trình chuyển giao kiến thức của Musk bao gồm xây dựng lại những nguyên tắc cơ bản ông đã học được về trí tuệ nhân tạo, công nghệ, vật lý và kỹ thuật thành những lĩnh vực riêng biệt:

  • Trong lĩnh vực vũ trụ để tạo ra SpaceX
  • Trong lĩnh vực ôtô để tạo ra Tesla với các tính năng tự lái
  • Trong lĩnh vực tàu điện để hình dung ra Hyperloop
  • Trong lĩnh vực hàng không để hình dung ra máy bay chạy điện có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng.
  • Trong lĩnh vực công nghệ, để mường tượng ra một dải nơron tạo giao diện cho não của bạn.
  • Trong lĩnh vực công nghê, để giúp xây dựng nên PayPal
  • Trong lĩnh vực công nghệ, để đồng sáng lập ra OpenAI, một dự án phi lợi nhuận giới hạn xác suất của những tương lai trí tuệ nhân tạo tiêu cực

Keith Holyoak, một giáo sư tâm lý học ở UCLA và là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới về lý luận loại suy khuyên rằng mọi người nên tự hỏi mình hai câu hỏi sau để trau dồi các kỹ năng của họ: “Điều này nhắc mình nhớ đến gì?” và”Tại sao nó nhắc mình nhớ về chuyện đó?”

Bằng cách liên tục quan sát những đối tượng trong môi trường xung quanh và những tài liệu bạn đọc, và hỏi bản thân hai câu hỏi này, bạn sẽ tạo nên những cơ bắp trong não giúp bạn tạo kết nối qua những ranh giới truyền thống.

Kết luận là: Không phải là ma thuật. Chỉ là quá trình học tập đúng mà thôi

Bây giờ, chúng ta có thể hiểu vì sao Musk trở thành một người có hiểu biết rộng ở cấp độ chuyên gia hàng đầu thế giới:

  • Ông đã dành nhiều năm đọc số sách nhiều hơn 60 lần một người thường.
  • Ông đọc rộng rãi trên khắp các lĩnh vực khác nhau
  • Ông không ngừng áp dụng những gì mình học được bằng cách phá vỡ những ý tưởng thành những nguyên tắc cơ bản rồi tái xây dựng chúng theo những cách mới.

Ở cấp độ sâu xa nhất, điều chúng ta có thể học từ câu chuyện của Musk là chúng ta không nên chấp nhận lý thuyết rằng chuyên ngành là con đường tốt nhất hay duy nhất tới với thành công sự nghiệp và tạo được tác động. Huyền thoại chuyên gia biết nhiều Buckminster Fuller đã tóm tắt một sự thay đổi trong suy nghĩ mà chúng ta đều nên cân nhắc. Ông đã chia sẻ nó cách đây nhiều thập kỷ, nhưng điều đó vẫn còn liên hệ tới tận ngày nay:

“Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên giả định rằng những xu hướng hạn hẹp về chuyên môn hóa là logic, tự nhiên và đáng mong muốn… Cùng lúc ấy, nhân loại đã bị tước đoạt đi sự hiểu biết toàn diện. Chuyên ngành đã sinh ra những cảm giác cô lập, vô dụng và bối rối ở các cá nhân. Nó cũng dẫn đến việc cá nhân từ bỏ trách nhiệm suy nghĩ và hành động xã hội cho người khác. Chuyên ngành sinh ra những thành kiến cuối cùng được gộp lại thành sự bất hòa quốc tế về tư tưởng, mà sau đó dẫn đến chiến tranh.”

Nếu chúng ta bỏ thời gian và học những khái niệm cốt lõi trên các lĩnh vực khác nhau, và luôn liên hệ những khái niệm đó với cuộc sống và thế giới, sự chuyển giao giữa các lĩnh vực sẽ trở nên dễ dàng hơn và nhanh hơn.

Khi chúng ta xây dựng một hồ chứa “những nguyên tắc đầu tiên” và kết hợp chúng vào những lĩnh vực khác nhau, chúng ta bỗng nhiên có được siêu năng lực để tiến vào một lĩnh vực mới chúng ta chưa từng biết trước đây, và nhanh chóng đưa ra những đóng góp có một không hai.

Hiểu được những siêu năng lực học tập của Musk giúp chúng ta có được cái nhìn sâu sắc về cách ông tiến vào một ngành công nghiệp mới chỉ ra đời được hơn 100 năm và thay đổi toàn bộ cơ sở cạnh tranh của lĩnh vực đó.

Elon Musk là một người xuất chúng, nhưng những khả năng của ông không phải là ma thuật.

Tây Du Ký

Ngày 15/4, Lục Tiểu Linh Đồng chia sẻ trên mạng Weibo rằng: “Vị nữ đạo diễn thuộc thế hệ đạo diễn đầu tiên của Trung Quốc, vị nữ đạo diễn đáng kính Dương Khiết đã ra đi… Đạo diễn Dương Khiết không chỉ là ân sư của tôi mà là người thầy trên con đường nghệ thuật và cả cuộc đời tôi. Không có bản ‘Tây Du Ký’ 1986 sẽ không có Lục Tiểu Linh Đồng của ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ mãi mãi nhớ về bà…”

Những dòng tâm sự này được đăng tải sau khi tổng đạo diễn, nhà sản xuất của bộ phim “Tây Du Ký” bản 1986, Dương Khiết, qua đời ở 88 tuổi.

Bắt đầu phát sóng chính thức từ năm 1986, bộ phim đã tạo cơn sốt khắp châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tân Hoa xã đã từng dẫn một báo cáo năm 2014 cho biết “Tây Du Ký” đã được phát lại 3.000 lần và trở thành một trong những bộ phim có lượt phát lại và tỷ lệ người xem cao nhất thế giới.

Đối với những khán giả thế hệ 8X, mỗi khi đài truyền hình phát sóng “Tây Du Ký” cũng chính là lúc những ngày Hè bắt đầu.

Trong 30 năm qua đã xuất hiện rất nhiều phiên bản “Tây Du Ký” nhưng bản được yêu thích nhất vẫn là bản năm 1986. Tại sao lại vậy? Có phải do nó xuất hiện sớm nhất, hay do mọi người thích hoài niệm. Dù câu trả lời là gì đi chăng nữa thì hầu hết đều phải công nhận rằng nó thực sự rất hay.

“Tây Du Ký” đã được phát lại 3.000 lần và trở thành một trong những bộ phim có lượt phát lại và tỷ lệ người xem cao nhất thế giới.

“Tây Du Ký” thực sự là một phần không thể tách rời trong tuổi thơ của nhiều người. Mặc dù hết mùa Hè này đến mùa Hè khác đều xem “Tây Du Ký” nhưng chắc chắn bạn sẽ không khỏi rạo rực khi tiếng nhạc mở đầu của phim vang lên. Và cho dù, bạn đã biết tất thảy những kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng sẽ phải trải qua thì vẫn không khỏi căng thẳng khi chứng kiến cảnh họ gặp nạn.

Bộ phim thành công đến nỗi mỗi khi nhớ lại mùa Hè năm đó, dường như tiếng nhạc trong ca khúc chủ đề của bộ phim lại văng vẳng bên tai bao nhiêu người.

Vị đạo diễn quá cố Dương Khiết từng nói trong một chương trình rằng bà không ngờ rằng “Tây Du Ký” có thể được hâm mộ suốt 30 năm trời.

Bà nói: “Tại sao ‘Tây Du Ký’ lại được mọi người yêu thích trong suốt 30 năm? Bởi chúng tôi đang làm nghệ thuật, chúng tôi không làm vì danh, cũng không vì lợi, không vì giải thưởng. Những diễn viên chính của chúng tôi nhận 80, 90 nhân dân tệ/tháng nhưng chẳng có ai nhắc đến một chữ khổ. Chúng tôi quay 25 tập trong 6 năm, không phải trả tiền theo tháng mà là trả tiền theo tập nhưng một tập phải quay mất bao lâu? Những nhân viên trong đoàn làm phim nhận mức lương 30 nhân dân tệ, nhưng họ cũng giống như chúng tôi, nỗ lực bằng cả tính mạng, sáng tạo bằng mồ hôi, nước mắt. Tại sao chúng tôi lại tạo ra bộ phim được yêu thích trong suốt 30 năm trong tình cảnh chẳng có gì trong tay như vậy? Đó chính là vì nhiệt huyết của chúng tôi.”

Đạo diễn Dương Khiết và các diễn viên trong phim Tây Du Ký
Đạo diễn Dương Khiết và các diễn viên trong phim Tây Du Ký

Sự ra đời của Tây Du Ký

Có thể rất nhiều người không biết rằng bản “Tây Du Ký” đầu tiên trên màn ảnh nhỏ lại không phải là của Trung Quốc mà là của Nhật Bản. Trong phiên bản của Nhật Bản được quay từ năm 1978, Đường Tăng lại là phụ nữ. Và khi đó người Trung Quốc cho rằng điều này đã không đúng với nguyên tác và họ nghĩ rằng “Tây Du Ký” phải do người Trung Quốc làm.

Đạo diễn Dương Khiết vào Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc từ năm 1958 nhưng phải đến khi trở thành tổng đạo diễn của “Tây Du Ký” bản 1986, tên tuổi của bà mới được khán giả khắp Trung Quốc biết tới.

Trong một cuốn sách có tiêu đề “Tự thuật Dương Khiết: 81 kiếp nạn của tôi,” bà đã kể lại những câu chuyện trong quá trình quay “Tây Du Ký,” từ chuyện tìm ngoại cảnh đến chọn diễn viên.

“Dương Khiết, cô có dám quay ‘Tây Du Ký’ hay không?” Đó có lẽ là câu hỏi đưa cuộc đời bà rẽ sang một trang mới.

Cuối tháng 11/1981, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc nhận một nhiệm vụ là chuyển thể thành phim truyền hình tác phẩm “Tây Du Ký,” một trong tứ đại kỳ thư của Trung Quốc.

Rất nhiều người không biết rằng bản “Tây Du Ký” đầu tiên trên màn ảnh nhỏ lại không phải là của Trung Quốc mà là của Nhật Bản. Trong phiên bản đó, Đường Tăng lại là phụ nữ.

Khi nghe đến kế hoạch này, bà Dương có cảm giác đây không phải là chuyện của mình. Nhưng rồi ngay sau đó, có người hỏi bà rằng: “Dương Khiết, nếu giao cho cô ‘Tây Du Ký,’ cô có dám nhận không?” Bà không ngờ rằng nhân vật chính trong câu nói đó lại chính là mình, bà ngước lên nhìn chằm chằm vào người hỏi thể hiện sự nghi ngờ. Sau đó, anh ta nhắc lại bằng ánh mắt kiên định: “Cô có dám quay ‘Tây Du Ký’  hay không?” Lúc đó bà bước lên phía trước và nói “Chỉ cần có tiền, có gì mà không dám.” Ngay lúc đó, anh ta dõng dạc tuyên bố với mọi người: “Được, chúng tôi quyết định giao ‘Tây Du Ký’ cho Dương Khiết.”

Câu nói này như tiếng sét ngang tai không những khiến mà muốn “ngất xỉu” mà còn khiến rất nhiều người có mặt trong cuộc họp hôm đó cảm thấy mơ hồ. Họ không thể tưởng tượng nổi tại sao Dương Khiết lại được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy.

Lúc này, trong suy nghĩ của họ, bà chỉ là một đạo diễn kịch, là người mà cả ngày mơ đến chuyện được quay phim truyền hình. Tại sao lại có thể giao một bộ phim quan trọng như vậy cho bà? Thế nhưng sự phản đối của họ chỉ càng khiến bà kiên định vơi nhiệm vụ huy hoàng này.

Ngay sau đó, bà đã bắt tay vào việc tìm ngoại cảnh cho bộ phim “Tìm đường lấy Kinh.” Bà đã cùng với cộng sự của mình lang thang khắp mọi miền Trung Quốc.

Đi tìm Tôn Ngộ Không

Trong “Tây Du Ký,” bốn thầy trò Đường Tăng là nhân vật chính và Tôn Ngộ Không là nhân vật quan trọng nhất. Vì vậy, đầu tiên phải tìm được diễn viên vào vai Tôn Ngộ Không. Nhưng phải đi đâu để tìm người này, nên dùng diễn viên võ thuật hay diễn viên kịch? Ban đầu Dương Khiết khá bối rối.

Bà đã đến các trường võ thuật để tìm một số diễn viên trẻ, võ công của họ rất khá nhưng lại hơi kém trong khâu diễn xuất. Đã có rất nhiều Tôn Ngộ Không trên sân khấu kịch vì vậy bà đã nghĩ rằng sử dụng họ rồi bồi dưỡng cho họ về phần diễn xuất, muốn thứ võ thuật phô trương của họ và võ thuật theo lối nghệ thuật hòa quyện lại với nhau, đó chính là Tôn Ngộ Không mà bà muốn.

Có người giới thiệu cho bà một học viên trường nhạc kịch Trung Quốc tên là Đồng Chí Hoa. Võ công của anh ta rất tốt, bà cảm thấy ưng ý nhưng năm đó anh ta phải ra nước ngoài biểu diễn mà đoàn kịch không tìm được diễn viên thay thế nên bà chỉ còn cách từ bỏ.

Bất chợt bà nhớ tới một Tôn Ngộ Không trong đoạn kịch “Tam Đả Bạch Cốt Tinh.” Nhân vật Tôn Ngộ Không trong đó diễn xuất rất tốt, gây ấn tượng mạnh cho bà. Người đó chính là Lục Linh Đồng Nam Hầu Vương. Và thế là bà đã gọi cho ông ta.

Trong điện thoại, Lục Linh Đồng rất nhiệt tình. Ông ta nói: “Tôi có một lớp học, có rất nhiều tiểu hầu, cô mau đến chọn.”

Lục Tiểu Linh Đồng và nhân vật Tôn Ngộ Không
Lục Tiểu Linh Đồng và nhân vật Tôn Ngộ Không

Ngày 28/2/1982, bà hào hứng đến Thiệu Hưng. Lục Linh Đồng đưa bà về nhà. Trong cuộc nói chuyện, bà đã hỏi ý kiến ông về nhân vật Tôn Ngộ Không trong bộ phim truyền hình: “Trong quá trình tách mình từ vách đá để trở thành Phật, Tôn Ngộ Không nên thay đổi thế nào?”

Người bạn già lập tức đứng dậy, biểu diễn cho bà xem hình ảnh yếu ớt khi con khỉ mới chào đời, đến những bước đi nghiêng ngả, đến vẻ phô trương khi đại náo thiên cung, gương mặt cười đùa và vẻ tận tụy của anh ta khi hộ tống sư phụ.

Dương Khiết tỏ vẻ hối tiếc nói rằng: “Tiếc quá, nếu anh mới 30 tuổi, Tôn Ngộ Không chính là anh rồi.”

Ông ta lập tức chỉ về người thanh niên trẻ tuổi và nói: “Nó là con trai của tôi…”

Bà không hiểu ý của Lục Linh Đồng nên tiếp tục hỏi: “Khi nào có thể đến đoàn kịch để phỏng vấn học viên của ông?”

Ông ta dường như có chút thất vọng, liên tục nói: “Không vội, không vội.”

Sau khi ăn cơm tối, Lục Linh Đồng đưa bà đến nhà khách, còn đưa cho bà một ít báo và tài liệu. Buổi tối, bà giở đống tài liệu, bên trong ngoài nội dung giới thiệu Lục Linh Đồng, còn có giới thiệu những diễn viên từng đóng vai Tôn Ngộ Không trong đoàn kịch, trong đó còn nhắc tới một diễn viên hầu kịch trẻ tuổi với lời miêu tả rằng “diễn xuất của anh ấy khiến người khác ngạc nhiên.” Nghe giới thiệu, bà quyết tâm đi tìm anh ta trong ngày hôm sau.

Ngày thứ hai, Lục Linh Đồng lại đưa bà về nhà nhưng bà yêu cầu ông ta đưa đến đoàn kịch. Ông ta vẫn nói: “Không vội, vẫn còn kịp, vẫn còn kịp.” Bà nói rằng muốn xem mặt những diễn viên trẻ mà ông ta nhắc đến trong tài liệu nhưng ông ta coi như không nghe thấy gì, một mực giới thiệu người con trai.

“Sáu năm trôi qua, cậu ấy thành công rồi, trở thành ngôi sao của Trung Quốc và được thế giới biết tới.” (Đạo diễn Dương Khiết)

Lúc này, bà đã hiểu ra rồi, ông ấy muốn giới thiệu con trai với bà để vào vai Tôn Ngộ Không. Bà bắt đầu chú ý vào chàng trai trẻ này. Anh ta tên là Chương Kim Lai (Lục Tiểu Linh Đồng) là một diễn viên đoàn kịch Chiết Giang, Hàng Châu, được miêu tả là người rất “điềm tạc, tinh tế, giống một học giả.”

Bà muốn anh ta diễn một số động tác. Những động tác của Lục Tiểu Linh Đồng dường như rất chính xác nhưng so với người cha, anh ta vẫn còn thiếu một chút gì đó. Tôi hỏi Lục Tiểu Linh Đồng: “Những gì cha cậu vừa nói, cậu có hiểu không? Cậu vẫn có thể biểu diễn khi thiếu bộ gõ chứ?”

Người cha già vỗ ngực nói: “Cái này cô cứ yên tâm, cứ giao cho tôi.”

Lúc này mà vẫn còn nhắc đến chuyện đến gặp người khác xem ra không còn hợp lý. Bà chỉ biết nói rằng quyết định còn phụ thuộc lãnh đạo. Người diễn viên già tỏ ra thông cảm, trong thời gian chuẩn bị ông bảo đảm sẽ dạy con trai mọi thứ.

Sau đó, Lục Linh Đồng đưa Lục Tiểu Linh Đồng đến Bắc Kinh. Màn biểu diễn của chàng trai trẻ tiến bộ hơn so với hôm trước. Quả thực người cha đã bỏ ra không ít công sức. Lãnh đạo đài tương đối hài lòng, và quyết định chọn anh ta vào vai Tôn Ngộ Không.

Dương Khiết đã nhắc lại một cách nghiêm túc những yêu cầu đối với Lục Tiểu Linh Đồng: phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận trong những trường hợp khó khăn, và dù là diễn viên chính thì cũng không có người chăm sóc riêng.

Lục Tiểu Linh Đồng đã thực hiện lời hứa của anh ta, không chỉ trong diễn xuất và trong cuộc sống, anh cũng phải chịu đựng rất nhiều nỗi vất vả, khắc phục nhiều khó khăn, và không ngừng hoàn thiện bản thân để trưởng thành hơn. “Sáu năm trôi qua, cậu ấy thành công rồi, trở thành ngôi sao của Trung Quốc và được thế giới biết tới,” Dương Khiết nói.

Diễn viên Trì Trọng Thụy trong vai Đường Tăng
Diễn viên Trì Trọng Thụy trong vai Đường Tăng

Những câu hỏi “Tại sao?”

Tại sao bộ phim phải quay trong nhiều năm ròng rã? Vào thời điểm năm 1982, công nghệ quay phim vẫn chưa phát triển, cộng thêm với việc “Tây Du Ký” phải quay ngoại cảnh ở nhiều nơi, đi lại khó khăn, nên bộ phim phải quay trong một thời gian dài. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là kinh phí eo hẹp.

Do thiếu kinh phí nên trong những năm 80 chỉ quay được 25 tập, rất nhiều tình tiết trong tác phẩm chưa được truyền tải đến khán giả, đạo diễn và diễn viên đều cảm thấy hối tiếc.

Vì thế, phần hai phim Tây Du Ký được sản xuất năm 1998-1999, phát sóng năm 2000, gồm 16 tập, bổ sung cho những chuyện mà phần một chưa kể hết.

Tại sao Đường Tăng lại phải thay đến 3 diễn viên? Trong phim “Tây Du Ký,” nhân vật Đường Tăng do ba diễn viên thể hiện, đó là: Uông Việt, Từ Thiếu Hoa và Trì Trọng Thoại. Uông Việt là diễn viên đầu tiên được đạo diễn Dương Khiết mời đóng vai Đường Tăng, khi đó anh đang là học viên của Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Do thời gian quay bộ phim Tây Du Ký kéo dài quá lâu, trong khi Uông Việt lại muốn thử sức với những vai mới, nên anh đã xin “rút tên” khi phim vừa quay được vài tập.

Nhạc phẩm nổi tiếng trong phim “Tây Du Ký”

Khi quay đến cảnh của Bạch Long Mã, đoàn làm phim không tìm được ngựa trắng nên phải dùng ngựa đen để thay thế. Họ đã sơn một lớp sơn trắng lên ngựa nhưng mỗi khí xuống sông để quay cảnh dưới nước, nước sông lại đục trắng, và khi từ sông lên thì “Bạch Long Mã” lại biến thành một chú ngựa đen.

Thế nhưng, “Tây Du Ký” vẫn để lại một “bí ẩn vĩnh cửu” mà đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Đó chính là chẳng ai biết rõ có những gì trong chiếc gánh mà Sa Tăng luôn mang bên mình. Trên con đường lấy Kinh, vượt núi qua sông, chiếc gánh đó vẫn luôn trên vai Sa Tăng, và gần như chẳng khi nào thấy anh ta lấy thứ gì từ trong đó. Vậy có gì trong gánh đó?

Tây Du Ký là bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Cục Đường sắt Trung Quốc phối hợp sản xuất.

“Tây Du Ký” bắt nguồn từ một câu chuyện có thật: nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông tên là Trần Huyền Trang, năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Ông ra đi từ năm 629 đến năm 645 mới về Trung Quốc, tổng cộng là 17 năm; trong đó, có 6 năm tu học ở chùa Na Lan Đà – một trung tâm Phật giáo hồi bấy giờ. Khi về nước, ông phải dùng tới 24 ngựa tải 657 bộ kinh Phật.

Tây Du Ký có 41 diễn viên, trong đó có 7 diễn viên chính (Đường Tăng có 3 diễn viên), 11 người đóng vai thần tiên, 9 người đóng vai yêu quái, người thường là 16 người, chưa kể một bộ phận đông đảo diễn viên quần chúng.

Diễn viên Mã Đức Hoa trong vai Trư Bát Giới
Diễn viên Mã Đức Hoa trong vai Trư Bát Giới