Facebook

Ngày 16/3, Facebook đã tự mình châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất trong 15 năm qua của mạng xã hội này khi “tự thú” trên blog rằng dữ liệu của hơn 50 triệu tài khoản người dùng đã bị thu thập bất hợp pháp.

Chỉ vài giờ sau, giới truyền thông Mỹ và châu Âu đồng loạt đưa tin rằng Cambridge Analytica, một công ty dữ liệu nổi tiếng của Anh được êkíp tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và phe thắng thế trong cuộc vận động Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) thuê, đã tiếp cận những dữ liệu người dùng Facebook từ đầu năm 2014 và sử dụng chúng để xây dựng một chương trình siêu phần mềm dự đoán, gây ảnh hưởng đến các lá phiếu bầu.

Vụ việc đã nhanh chóng được thổi bùng lên thành một vụ bê bối vi phạm dữ liệu khổng lồ làm chao đảo Gã khổng lồ truyền thông xã hội và khiến chính trường Mỹ cũng như châu Âu chấn động.

Cambridge Analytica là ai?

Công ty phân tích dữ liệu của Anh, Cambridge Analytica, là trung tâm tranh cãi tại Mỹ và Anh sau khi hai tờ báo New York Times và Observer (Người quan sát) đưa tin vào hôm Chủ Nhật (18/3) rằng công ty này thu thập dữ liệu cá nhân về người sử dụng Facebook bắt đầu vào năm 2014.

Trụ sở Cambridge Analytica ở trung tâm London, Anh. (Nguồn: AFP)
Trụ sở Cambridge Analytica ở trung tâm London, Anh. (Nguồn: AFP)

Được biết đến với sự hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cambridge Analytica hiện đang phải đối mặt với một cuộc điều tra của Chính phủ Anh, nơi đặt trụ sở chính của công ty này (London), và trả lời các câu hỏi từ các cơ quan chức năng Mỹ và yêu cầu đòi kiểm toán của Facebook cùng tuyên bố công ty dữ liệu này phải chịu trách nhiệm chính trong vụ vi phạm dữ liệu.

Dưới đây là một số điều cần biết về công ty đang khiến ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đau đầu khi mất hơn 9 tỷ USD giá trị tài sản chỉ trong 2 ngày cùng sức ép đòi từ chức.

Cambridge Analytica là một nhánh của Tập đoàn SCL, một nhà thầu cho các cơ quan chính phủ và nhà quân sự. Tập đoàn này tuyên bố họ hoạt động trên tất cả mọi lĩnh vực từ nghiên cứu an ninh lương thực, chống ma túy đến các chiến dịch chính trị. Theo trang web của mình, SCL được thành lập cách đây hơn 25 năm.

Cambridge Analytica được thành lập vào khoảng năm 2013 với trọng tâm là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, với sự hỗ trợ 15 triệu USD từ nhà tài trợ tỷ phú Gordoner Robert Mercer theo Cộng hòa và cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon. 

Theo tờ New York Times, Cambridge Analytica được thành lập vào khoảng năm 2013 với trọng tâm là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cùng sự hỗ trợ 15 triệu USD từ nhà tài trợ tỷ phú Gordoner Robert Mercer theo Cộng hòa và cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon.

Giám đốc điều hành của công ty là ông Alexander Nix, một chuyên gia tài chính người Anh và từng là Giám đốc điều hành công ty mẹ SCL.

Cũng theo New York Times, công ty này có đội ngũ nhân viên chủ yếu là người Anh, từng trợ giúp chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên đảng Cộng hòa, thượng nghị sỹ Ted Cruz trước khi giúp đỡ cho ông Trump.

Cambridge Analytica xác định họ là một công ty nghiên cứu thị trường, cung cấp các số liệu nghiên cứu về người tiêu dùng, quảng cáo nhằm phục vụ cho cả khách hàng chính trị gia lẫn doanh nghiệp.

Kênh 4 của Anh đưa tin hôm thứ Hai (19/3), dựa trên video được ghi lại bí mật cho biết Cambridge Analytica đã bí mật quản lý các chiến dịch tranh cử của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trong cuộc bầu cử năm 2013 và 2017. Cambridge Analytica bác bỏ thông tin này.

Giám đốc điều hành Cambridge Analytica, Alexander Nix. (Nguồn: Reuters)
Giám đốc điều hành Cambridge Analytica, Alexander Nix. (Nguồn: Reuters)

Theo thông tin trên trang web của Cambridge Analytica, công ty này có năm văn phòng tại New York, Washington, London, Brazil và Malaysia.

Theo tờ Times, sau khi trợ giúp ông Trump vào được Nhà Trắng năm 2016, Giám đốc điều hành của Cambridge Analytica, Alexander Nix, đã được nhiều khách hàng để ý nhiều hơn. Công ty khuếch trương quảng cáo rằng họ có thể phát triển hồ sơ tâm lý của người tiêu dùng, cử tri và có thể dùng hệ thống hồ sơ này như một loại “nước sốt bí mật” để thu hút người tiêu dùng, cử tri hiệu quả hơn so với quảng cáo truyền thống.

Các chuyên gia tư vấn và trợ giúp chiến dịch đối thủ bày tỏ sự nghi ngờ về tuyên bố của Cambridge Analytica. Phía đội ngũ hỗ trợ tranh cử của ông Trump cũng lên tiếng bác bỏ sử dụng dữ liệu của của Cambridge Analytica.

Brad Parscale, người điều hành hoạt động kỹ thuật số của ông Trump vào năm 2016, cho biết chiến dịch này không sử dụng dữ liệu của Cambridge Analytica, mà chỉ dựa vào dữ liệu của cử tri từ hoạt động của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.

Vụ vi phạm dữ liệu người dùng Facebook bị phát giác thế nào?

Theo tờ New York Times và Observer, Cambridge Analytica bắt đầu tiếp cận với dữ liệu của 50 triệu người sử dụng Facebook từ 2014 mà không được phép của cả người dùng lẫn Facebook.

Dữ liệu được thu thập bởi một ứng dụng được phát triển bởi một học giả Anh, Aleksandr Kogan.

Theo Facebook, khoảng 270.000 người đã tải về ứng dụng này và đăng nhập bằng các thông tin Facebook của họ. Ứng dụng này tập hợp dữ liệu của người dùng và dữ liệu về bạn bè của họ, và sau đó ông Kogan đã truyền dữ liệu cho Cambridge Analytica.

Hôm thứ Bảy 17/3, phía Cambridge Analytica cho biết ban đầu họ không biết ông Kogan đã vi phạm các điều khoản của Facebook, và công ty đã xóa dữ liệu khi phát hiện ra vụ việc vào năm 2015.

Tuy nhiên, theo điều tra của New York Times và Observer, các dữ liệu không hề bị xóa. Cambridge Analytica nói rằng cáo buộc trên là không đúng. Facebook cho biết họ đang điều tra để xác minh tính chính xác của vụ việc.

Dữ liệu được thu thập bởi một ứng dụng được phát triển bởi một học giả Anh, Aleksandr Kogan.

New York Times còn cho biết các bản sao của dữ liệu mà Cambridge Analytica thu thập được vẫn có thể được tìm thấy trực tuyến và nhóm phóng viên điều tra của tờ báo này đã tiếp cận được một số dữ liệu thô.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Facebook cho biết họ đang yêu cầu Cambridge Analytica trả lời các câu hỏi về vấn đề sử dụng dữ liệu người dùng mạng xã hội này, sau khi nhận được sự đảm bảo từ Cambridge Analytica vào năm 2015 rằng họ đã xóa tất cả dữ liệu.

Facebook cũng đã thuê kiểm toán viên pháp lý từ công ty Stroz Friedberg để giúp đỡ xử lý vụ việc.

Trong khi điều tra, Facebook cho biết họ đang đóng băng tài khoản mạng xã hội của Cambridge Analytica, công ty mẹ SCL, ông Kogan và một cá nhân khác là ông Christopher Wylie- một cựu nhân viên của Cambridge Analytica, vì vi phạm các quy tắc của Facebook.

Tuy nhiên, cuộc điều tra của Facebook có thể bị đình lại do các cuộc điều tra của chính quyền Anh, Mỹ và EU. Cơ quan quản lý thông tin của Anh đang mở cuộc điều tra vào văn phòng của Cambridge Analytica ở London và yêu cầu kiểm toán viên của Facebook tạm thời không can dự vào vụ việc cho đến khi phía Anh hoàn thành tiến trình điều tra.

Các tiểu bang Massachusetts và Connecticut của Mỹ cũng đã mở các cuộc điều tra về cách thức xử lý dữ liệu của Facebook, và cơ quan tư pháp ở California, nơi Facebook có trụ sở, cho biết họ quan ngại trước vụ vi phạm dữ liệu.

Trong bài đăng ngày 20/3 trên trang mạng Twitter, Điều phối viên Brexit của Nghị viện châu Âu (EP) Guy Verhofstadt kêu gọi EP tiến hành điều tra vụ rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng Facebook mà ông gọi là một vụ “bê bối” này. Ông Verhofstadt cho biết sẽ cập nhật thông tin về tiến trình điều tra.

Ủy viên EU phụ trách về tư pháp Vera Jourova cũng đã hối thúc giới chức bảo vệ thông tin độc lập ở châu Âu điều tra làm rõ vụ việc. Bà Jourova và các quan chức này sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) trong ngày 20/3.

Bà Jourova dự kiến sẽ gặp ban lãnh đạo Facebook trong chuyến thăm Mỹ vào tuần này để tìm hiểu thêm thông tin. Trong khi đó, Ủy viên EU phụ trách về kỹ thuật số Mariya Gabriel cho biết các quan chức EU đang theo dõi vụ việc, đồng thời khẳng định bảo vệ thông tin cá nhân là “giá trị cốt lõi” của EU.

Trước đó, ngày 19/3, Ủy ban về quyền tự do dân sự thuộc EP đã gửi thư yêu cầu Facebook ra đối chứng trước cơ quan này.

Bão tố bắt đầu đổ xuống Facebook

Mặc dù luôn tuyên bố mình cũng là một nạn nhân của của Cambridge Analytica khi bị công ty dữ liệu Anh lừa dối, song điều đó không giúp Facebook thoát khỏi “búa rìu” dư luận và chính giới Mỹ, Anh, EU.

Các nghị sỹ Mỹ cho rằng Facebook phải chịu trách nhiệm khi là người quản lý mạng xã hội mang tên mình cũng như đã cam kết với nhà chức trách, người dùng về việc bảo mật dữ liệu người dùng nhưng nay lại bị bên thứ ba tiếp cận bất hợp pháp.

Cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,5% vào chốt phiên 20/3 tại thị trường New York sau khi giảm 6% trong ngày giao dịch trước đó. (Nguồn: AFP)
Cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,5% vào chốt phiên 20/3 tại thị trường New York sau khi giảm 6% trong ngày giao dịch trước đó. (Nguồn: AFP)

Cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,5% vào chốt phiên 20/3 tại thị trường New York sau khi giảm 6% trong ngày giao dịch trước đó. Như vậy, trong 2 ngày qua, giá trị cổ phiếu của Facebook đã sụt giảm 60 tỷ USD. Bản thân giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, người nắm giữ 400 triệu cổ phiếu Facebook đã bị “bốc hơi” hơn 9 tỷ USD giá trị tài sản.

Theo trang tin The Verge, phía Facebook mới đây đã có cuộc họp ban lãnh đạo, trong đó có phần chất vấn trách nhiệm cá nhân giám đốc điều hành Mark Zuckerberg trong việc để xảy ra vụ bê bối.

Cho đến nay, Mark Zuckerberg và những người liên quan ở Facebook vẫn chọn cách giữ im lặng giữa bão tố.

Bản thân các nhân viên mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng rất bất ngờ khi không hề biết và nhận được những chỉ đạo của Zuckerberg để xử lý vụ vi phạm dữ liệu.

Cho đến nay, Mark Zuckerberg và những người liên quan ở Facebook vẫn chọn cách giữ im lặng giữa bão tố.

Trong khi đó, giới phân tích công nghệ Mỹ đã xuất hiện các tiếng nói đòi Zuckerberg từ chức giám đốc điều hành để nhường chức cho COO Sheryl Sandberg. Thậm chí trên mạng xã hội Twitter còn xuất hiện hashtag #DeleteFacebook kêu gọi mọi người xóa tài khoản Facebook để phản đối vụ bê bối vi phạm dữ liệu.

Có thể nói, vụ bê bối dữ liệu người dùng Facebook liên quan đến các hoạt động chính trị đang làm dấy lên những lo ngại về việc mạng xã hội này đang ngày càng bị lợi dụng trở thành công cụ cho các chiến dịch chính trị và tính an toàn của các dữ liệu cá nhân người dùng trên hệ thống mạng xã hội lớn nhất thế giới.

 CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Nguồn: Reuters)
 CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Nguồn: Reuters)