Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên nhộn nhịp hơn trước, bởi lượng khách du lịch từ khắp nơi trên cả nước đổ về khám phá quang cảnh cao nguyên, sau quãng thời gian dài “khép cửa” bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID19.

Một số điểm đến thú vị với du khách là Khu du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch Vân Long hay Khu du lịch Kotam thuộc tỉnh Đắk Lắk – nơi vốn nổi tiếng là “xứ sở bảo tồn” của hơn 100 cá thể voi “cổ,” quý hiếm còn may mắn sót lại tại Việt Nam.

Tuy vậy, có một thực tế đáng buồn đi ngược với nỗ lực bảo vệ là không ít cá thể voi vẫn đang bị “tra tấn” lấy ngà, lấy lông để chế tác thành vô số đồ trang sức như vòng tay, nhẫn, lắc, các hình tượng phật, bút viết, lược ngà,… sau đó tuồn bán ra thị trường. Thậm chí, vì đồng tiền, một số nơi còn mời chào khách mua cả những khúc ngà lớn hay cho khách trực tiếp trải nghiệm “thú chơi” cắt lông đuôi voi.

Đáng nói hơn, trong số các đối tượng vô tư rao bán những thứ “hàng cấm” từ ngà, xương, lông voi kể trên lại có cả những nhân viên đang làm công việc… bảo tồn.

“Hàng cấm” bán công khai, thích sản phẩm nào cũng có

Theo gợi ý của một người bạn đang nghiên cứu về công tác bảo tồn, ngày 8/6/2022, chúng tôi đã tìm đến Khu du lịch Buôn Đôn – một trong hai khu du lịch đã và đang xuất hiện “trào lưu” cho du khách cưỡi voi ở tỉnh Đắk Lắk, đi kèm với đó là các hoạt động mời chào du khách mua các món đồ trang sức chế tác từ ngà voi.

Trong quá trình tiếp cận trong vai khách du lịch, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tại hầu hết các cửa hàng bán đồ lưu niệm với tứ bề camera giám sát, nhiều người hỏi mua nhẫn, lắc từ voi và nhiều sản phẩm động vật khác.

Hầu hết các sản phẩm trên đều được chủ các cửa hàng trưng bày, rao bán công khai.

Một số cửa hàng cẩn thận hơn thì trưng bày các sản phẩm “nhái” từ nhựa, xương voi, nhưng khi nghe khách hỏi cần mua “hàng thật,” người bán cũng không ngần ngại lôi ra những chiếc túi, hộp được xem như “bảo bối” với vô số nhẫn, lắc, vòng đeo cổ cùng lời khẳng định 100% là hàng thật – nếu hàng giả sẽ đền cho khách gấp 10 lần.

Đáng chú ý nhất là cửa hàng bán đồ lưu niệm của chị Út Thủy, ở ngay đầu cổng vào Cầu Treo. Tại đây, khi phóng viên hỏi mua hàng thật, chị liền vào nhà mang ra chiếc túi đỏ gồm nhẫn, lắc tay với khối lượng lớn rồi cho hay: “Hàng chuẩn nên chị không trưng bày ở ngoài, nhưng bọn em cần loại gì cũng có.”

Trong số các sản phẩn chị Út Thủy khoe, có rất nhiều vòng lắc loại 13 ly được “hét” giá 15 triệu đồng/chiếc. “Đây là hàng cấm nên em muốn mua thì mua ngay đi, sau không có mà mua đâu, hoặc có thì cũng đắt gấp 2, 3 lần,” chị Út Thủy nói.

Gạ mời du khách trải nghiệm cắt lông đuôi voi

Đi qua cầu treo, vào trong khu cưỡi voi, hoạt động rao bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi còn ngang nhiên hơn. Tại đây, các chủ voi thản nhiên mời chào khách du lịch mua lông đuôi voi với giá 300.000 đồng/sợi. Nếu khách có nhu cầu, chủ voi sẽ cắt lông đuôi voi ngay trước sự chứng kiến của khách; thậm chí cho khách trực tiếp trải nghiệm việc cắt lông đuôi voi theo mong muốn, lựa chọn của mình.

Trước sự gạ gẫm của các chủ voi, nhiều khách hàng đã bỏ ra từ 500.000 đồng đến hàng triệu đồng để sở hữu những chiếc lông voi. Chứng kiến cảnh voi đang dần bị cắt trọc lông, một cán bộ làm công tác bảo tồn đi cùng chúng tôi không khỏi xót xa: “Sao người ta có thể nhẫn tâm đến vậy chứ!”

Voi bị cắt trọc luông đuôi ở Buôn Đôn, Đắk Lắk

Chưa khỏi bàng hoàng trước cảnh cắt, cạo trọc lông đuôi voi, chúng tôi tiếp tục nhận thêm “cú bồi” khác – khi một người đàn ông tự xưng tên Thông (quản lý khu cưỡi voi) ra giới thiệu rằng anh có bán nhẫn ngà voi với giá 450.000 đồng/chiếc. “Đây là nhẫn ngà do các chủ voi chế tác, mua lấy may đi em,” Thông gạ mời.

Tỏ vẻ vui mừng khi “bắt” được mối ngon, tôi hỏi: Ngoài nhẫn, anh có bán vòng hay lắc không? Thông cười khểnh rồi trả lời nhanh gọn “có chứ em.” Nói xong, anh ta cầm điện thoại bấm số, gọi điện thoại cho ai đó… Nhanh như chớp, một bé gái tiến tới đưa cho Thông chiếc túi, bên trong đựng vô số vòng, lắc ngà voi.

Ông Thông, người rao bán sản phẩm từ ngà voi ở Buôn Đôn.jpg

“Lắc này anh bán 800.000 đồng/chiếc thôi, khách đến đây mua nhiều lắm. Cái này vân rất đẹp, chuẩn ngà voi Tây Nguyên luôn,” Thông nói.

“Sao đắt vậy? Với lại, làm sao tụi em biết được đây là lắc làm từ ngà hay xương voi?” Tôi vờ thắc mắc. Thông niềm nở: “Các em yên tâm, anh làm ở đây mười mấy năm rồi, đảm bảo hàng chuẩn chế tác từ voi của đồng bào. Ở đây, các chủ voi còn bán cả khúc mà.”

Để chứng minh, Thông giới thiệu cho chúng tôi một chủ voi có tên là Y Lít ở xã Ea Hoa, Buôn Đôn và bảo Y Lít đang sở hữu một “ông voi” có cặp ngà 4 năm chưa cắt. Ngoài ra, nhà này còn có sẵn khúc ngà nặng khoảng 2kg đã cắt, chưa bán…

Hoạt động bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương voi ở Buôn Đôn

Hoạt động bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương voi ở Buôn Đôn

Mua nguyên khúc ngà cũng có, cắt trực tiếp luôn!

Từ gợi ý của Thông, chúng tôi tìm đến nhà ông Y Lít. Tại đây, chúng tôi chỉ gặp được cậu con trai tên Nguyên, do không có ai ở nhà. Sau một hồi bắt chuyện, Nguyên khoe con voi nhà mình bắt được ở trong rừng từ năm 1984.

Suốt nhiều năm qua, voi được gia đình Nguyên chăm sóc như “báu vật” để kiếm tiền. Nguyên kể, thông thường 3-4 năm, ngà voi sẽ được đốn, cưa một lần.

“Hiện voi nhà mình có ngà dài khoảng 20-30cm. Gần đây, voi đang được thả trong núi để bớt béo, 2-3 ngày mới thăm 1 lần,” Nguyên chia sẻ.

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua cả cặp ngà voi của gia đình như lời Thông giới thiệu, Nguyên bảo “muốn cưa phải cúng trước, còn ngà đã cắt thì không biết.” Sau đó, Nguyên gọi hỏi ý kiến mẹ và nói: “Cái này phải hỏi mẹ chứ bố con mình không biết. Nhà coi vậy chứ như mê cung, chỉ có mẹ biết chỗ giấu ngà.”

Nguyên cũng tiết lộ gia đình bán ngà với giá 20 triệu đồng/1kg, trước đã bán nhiều lần. Thông thường, 1 chiếc ngà nặng khoảng 3kg. Khách muốn mua thì đến tận nơi, không ship. Vì là hàng cấm nên để đảm bảo an toàn khi vận chuyển, Nguyên cho hay phía chủ voi sẽ ra xã làm giúp giấy xác nhận là “hàng biếu tặng” cũng như nhờ xã xác nhận “nhà có voi thật.” Chỉ cần như vậy là có thể tuồn hàng trót lọt…

Cũng ở Đắk Lắk, nơi mà cứ nhắc đến những chú voi huyền thoại, ẩn chứa nhiều câu chuyện về truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, nhiều người sẽ nhớ ngay đến Khu du lịch Vân Long hay Khu du lịch Kotam ở huyện Lắk. Tuy nhiên, những điểm du lịch này đang dần xấu đi bởi vấn nạn buôn bán ngà voi trái phép.

Đơn cử như tại Khu du lịch Vân Long, khi chúng tôi vừa dừng xe, nhân viên của khu du lịch đã tiến tới gạ mời khách cưỡi voi. Nhưng, khi chúng tôi bày tỏ ghé vào chỉ để xem voi thì các nhân viên lại chuyển sang mời chào khách mua lông đuôi voi cắt trực tiếp cũng như các sản phẩm chế tác từ ngà của loài động vật quý này.

Đúng như lời gạ mời trên, tại quầy bán hàng lưu niệm ngay bên trong Khu du lịch Vân Long, người phụ nữ tên Thảo niềm nở khoe rất nhiều sản phẩm như vòng, nhẫn được làm bằng ngà voi. Thậm chí, bà còn bật đèn pin điện thoại soi vào những chiếc lắc rồi hướng dẫn cho khách cách phân biệt ngà voi thật và ngà voi giả.

Sản phẩm chế tác từ ngà voi được bày bán công khai, bất chấp các khẩu hiệu chống lại việc này

Theo lời bà Thảo, ở đây 100% sản phẩm là hàng thật chế tác từ ngà voi. Toàn bộ số hàng này, bà chỉ bán hộ ông chủ tên Long –  vốn là chủ quản lý khu du lịch và có liên kết với mối nhập ngà voi từ nước ngoài. Vì thế, hàng không lo thiếu. Thậm chí, khách muốn mua ngà voi nguyên khúc cũng có, cắt trực tiếp luôn!

“Hôm kia có khách ở Hà Nội vào hỏi mua cả khúc ngà với giá 40 triệu đồng. Đáng lẽ hôm qua cắt rồi nhưng Y’ Khun (cá thể voi hơn 50 tuổi, bị dị tật bẩm sinh,chỉ có một chiếc ngà, đang phục vụ tại khu du lịch) không cho cắt,” bà Thảo nói.

Bài 2: Bán ngà voi trước công sở: Ai cũng biết, sao lãnh đạo không hay?

Hùng Võ
Thiết kế: Hoàng Long