Bày tỏ nỗi bất bình trước thực trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm liên quan tại các điểm du lịch ở khu vực Tây Nguyên, đại diện các bộ, ngành và giới chuyên gia cho rằng việc buôn bán “hàng cấm” trên sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự sống của voi – loài động vật hoang dã quý hiếm đang được cả thế giới nỗ lực bảo vệ.

Vì thế, xử lý và loại bỏ nạn buôn bán sản phẩm từ voi là việc không thể trì hoãn.

“Lỗ hổng” lớn từ công tác thực thi ở cơ sở

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, nhấn mạnh dưới tác động của các hoạt động trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như việc suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, rất nhiều cá thể voi và các loài thú lớn khác như tê giác, hổ,… đã lần lượt biến mất khỏi những “ngôi nhà” tự nhiên.

Số liệu thống kê cho thấy số lượng voi ở Việt Nam suy giảm nhanh theo từng năm. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam có khoảng 1.500-2.000 cá thể, nhưng hiện nay chỉ còn hơn một trăm cá thể còn sống sót.

Theo ông Nguyên, thách thức đối với công tác bảo tồn voi hiện nay là tình trạng buôn bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, xương voi và lông voi vẫn còn tồn tại, dù rằng Việt Nam đã có quy định cấm hoàn toàn việc buôn bán ngà voi.

Có hai khía cạnh dẫn tới thực trạng trên là bởi một bộ phận người dân, nhất là người giàu còn niềm tin mù quáng vào cái gọi là “sự may mắn” mà ngà voi hay lông đuôi voi mang lại; hoặc có thể họ cũng không hiểu rằng việc tiêu dùng của họ có thể tiếp tay cho nạn săn bắt, xâm hại voi và buôn bán các sản phẩm từ voi.

Thứ hai, luật pháp của Việt Nam đã có đầy đủ chế tài để xử phạt các hành vi từ quảng cáo đến buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ voi nhưng vẫn tồn tại tình trạng buôn bán, là do công tác thực thi còn chưa đủ chặt chẽ và nghiêm minh.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, cũng nhấn mạnh Việt Nam đã có hẳn đề án về bảo tồn voi, thế nhưng các địa phương cũng như các cơ quan chức năng vẫn để xảy ra tình trạng buôn bán ngà voi và các sản phẩm liên quan, thì đó là do “lỗ hổng” từ cách thực thi.

“Đang là nơi triển khai các đề án bảo tồn voi, đặc biệt là các cơ quan đang thực hiện nhiệm vụ mà cán bộ lại còn giới thiệu bán sản phầm chế tác từ ngà voi thì không thể chấp nhận được. Cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân cũng như tập thể,” bà Nhàn bày tỏ nỗi bất bình.

Nhức nhối vấn nạn buôn bán ngà voi ở Tây Nguyên

Về việc đại diện Chi cục Kiểm lâm và Cục quản lý thị trường các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đều khẳng định “10 năm nay chưa phát hiện vụ vi phạm nào về buôn bán ngà voi,” thậm chí khi nghe phóng viên thông tin về vấn nạn trên vẫn “lờ đi,” không có bất cứ phản hồi nào, bà Nhàn cho rằng: “Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực thi không tốt thì họ phải chịu trách nhiệm giải trình.”

Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Hà-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) – đơn vị đã ghi nhận được 575 vụ việc vi phạm liên quan đến ngà voi chỉ riêng trong năm 2021, cũng cho rằng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng liên quan có vai trò và trách nhiệm nhất định trong việc để hiện trạng buôn bán các sản phẩm từ voi diễn ra công khai như nhà báo đã đề cập, phản ánh.

Bà Hà lưu ý rằng việc buôn bán ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã khác mang lại lợi nhuận rất lớn khiến nhiều đối tượng bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện. Hoạt động này sẽ chỉ chấm dứt với sự quan tâm, vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh, triệt để của chính quyền các cấp địa phương.

Cần quy trách nhiệm, xử nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý

Trước thực trạng kể trên, đại diện lãnh đạo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho rằng “cần phải đánh vào đúng tiêu điểm.” Các cơ quan quản lý CITES và cơ quan kiểm lâm (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) – đơn vị có trách nhiệm quản lý cần phải vào cuộc và có phương án kiểm tra, xử lý.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng khẳng định để ngăn chăn hiệu quả tình trạng trên, cần tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức của công chúng về pháp luật và về sự cần thiết ngừng tiêu dùng sản phẩm từ voi để bảo tồn loài voi theo hướng “lan tỏa mạnh mẽ.”

Hình ảnh về một số sản phẩm ngà voi được rao bán ở Gia Lai

Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo tồn cần siết lại công tác thực thi pháp luật, tăng cường kiểm soát, xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán sản phẩm từ voi; đặc biệt là cần phải quy trách nhiệm và xử lý các địa phương cũng như cán bộ còn buông lỏng quản lý dẫn đến buôn bán các sản phẩm từ voi.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần đánh giá lại thực trạng quần thể voi ở Việt Nam cũng như hiệu quả của các chương trình bảo tồn voi Việt Nam để rút ra các bài học và hoàn thiện chương trình này trong thời gian triển khai tiếp theo.

Bà Bùi Thị Hà. Phó Giám đốc ENV cũng kiến nghị để ngăn chặn hiệu quả tình trạng quảng cáo, buôn bán trái phép ngà voi và các sản phẩm chế tác từ voi, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương (đặc biệt tại các điểm nóng về buôn bán ngà) cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán trang sức, đồ lưu niệm, sản phẩm du lịch trên địa bàn. Hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, tuyệt đối “không báo trước” để đảm bảo chiến dịch thành công.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành những điều tra chuyên sâu để có thể tìm ra cách thức hoạt động cũng như nguồn cung cấp cho các đối tượng bán lẻ các sản phẩm ngà voi và động vật hoang dã khác trên địa bàn để xử lý những đối tượng vi phạm. Các vi phạm bị phát hiện phải bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt nếu liên quan đến những đối tượng buôn bán lớn, nguồn cung cấp ngà voi thì cần tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền pháp luật tới người dân, khuyến khích người dân và du khách không tiêu thụ, sử dụng ngà voi.

Hoạt động trưng bày các sản phẩm chế tác từ ngà voi tại cửa hàng đá cảnh, đồ mỹ nghệ Phước Sơn

Không khẩn trương hành động, voi sẽ tuyệt chủng

Dẫn lại câu chuyện đau lòng khi loài tê giác một sừng tại Việt Nam đã bị tuyên bố tuyệt chủng từ năm 2010 chỉ vì nhu cầu săn trộm để lấy sừng, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV bày tỏ lo ngại: “Nếu chúng ta không kịp thời hành động ngăn chặn các hành vi buôn bán ngà voi cũng như các loài động vật hoang dã, thì tương lai không xa, voi, gấu và nhiều loài động vật nguy cấp khác… sẽ theo bước tê giác.”

Không những vậy, theo bà Hà, các sản phẩm được chế tác từ ngà voi buôn bán trên thị trường Việt Nam chủ yếu là ngà voi có nguồn gốc từ châu Phi. Do đó, hoạt động buôn bán ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi tại Việt Nam không chỉ tạo áp lực đến hoạt động bảo tồn voi tại Việt Nam, mà còn trực tiếp gây suy giảm số lượng cá thể voi tại các quốc gia khác, đặc biệt tại châu Phi.

“Có một điều đáng buồn là khi người tiêu thụ xuýt xoa về vẻ đẹp của một sản phẩm ngà voi, họ không biết rằng có hàng ngàn cá thể voi đã bị sát hại mỗi năm để phục vụ nhu cầu sử dụng của mình. Trong khi đó, các quần thể voi trong tự nhiên không thể kịp phục hồi do vấn nạn săn bắn trái phép này,” bà Hà trăn trở.

Cùng chung nỗi lo, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên chia sẻ: “Chúng ta đã biết đến rất nhiều vụ voi bị giết để lấy ngà, bị chặt đuôi để lấy lông, thậm chí chôn rồi vẫn bị đào lên để lấy xương… Tất cả những hành vi này đều nhằm buôn bán vì lợi nhuận trước mắt. Vì thế, việc mua bán ngà voi và các sản phẩm từ voi chừng nào còn tồn tại thì ngày ấy voi sẽ còn bị đe dọa. Thậm chí, voi sẽ biến mất trong tương lai gần.”

Khẳng định địa phương cũng như lực lượng kiểm lâm nhận thức được sự cấp bách của công tác bảo tồn voi, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện nay đơn vị đang lập đề án đào tạo, tập huấn trang thiết bị liên quan để triển khai thực hiện đề án tổng thể về bảo tồn voi ở địa phương.

Đắk Lắk đang xúc tiến hỗ trợ kinh phí cho các chủ voi, hướng tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi

Theo đó, để ngăn chặn cũng như không cho phép buôn bán các sản phẩm từ voi, địa phương đang xúc tiến hỗ trợ kinh phí cho các chủ voi, hướng tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi. Tuy nhiên, theo ông Hưng, hiện dự án vẫn đang ở bước xây dựng để có những thỏa thuận ban đầu và vẫn cần sự phối hợp giữa các ban, ngành.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết sẽ trao đổi với các địa phương trong tỉnh, cân nhắc đến việc phát loa về các tiệm vàng, cơ sở bán đồ lưu niệm đã và đang có bán các sản phẩm đồ trang sức chế tác từ ngà voi cũng như các loài động vật hoang dã quý hiếm khác để khách du lịch biết, tránh mua.

“Trường hợp phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật,” ông Hưng nhấn mạnh./.

Trở lại tuyến bài Nhức nhối nạn buôn bán ngà ở Tây Nguyên: Không xử nghiêm, voi sẽ tuyệt chủng

Hùng Võ
Thiết kế: Hoàng Long