Tiếp tục hành trình thâm nhập vào các “điểm nóng” buôn bán ngà voi quy mô lớn, khiến nhiều cá thể voi đã phải “biến mất” khỏi tự nhiên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus phát hiện ngoài “thủ phủ voi” Đắk Lắk, vấn nạn buôn bán ngà voi và các sản phẩm “hàng cấm” từ loài động vật quý hiếm này còn được bày bán ngay trước cổng một số cơ quan sở, huyện ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Quảng Nam.

Điều khó hiểu là, các điểm bán “hàng cấm” từ voi diễn ra công khai, nhưng tất cả lãnh đạo các cơ quan quản lý liên quan khi được hỏi đều tỏ vẻ bất ngờ; thậm chí còn tự hào khẳng định “hơn 10 năm nay, chưa phát hiện vụ buôn bán ngà voi nào.”

“Ngà voi chị bán ở đây toàn cán bộ mua”

Tạm rời Đắk Lắk, phóng viên VietnamPlus ghé qua thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai, theo gợi ý của người bạn để tìm hiểu về hoạt động buôn bán ngà voi và các sản phẩm liên quan tại một cơ sở bán đồ lưu niệm có quy mô lớn, nằm đối diện ngay trước cổng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của tỉnh này.

Chiếc ngà voi được chị Phương khoe với phóng viên

Thật khó có thể hình dung rằng bên trên cơ sở này lại treo kiên cố một tấm biển rất lớn có ghi rõ dòng chữ “Nhà khách Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai.” Phía dưới một chút là thông tin địa chỉ của cơ sở bán đồ lưu niệm tại số 57, đường Quang Trung.

Khi chúng tôi đến, bên trong các quầy tủ của cơ sở trên chỉ có khoảng 30 chiếc nhẫn lông đuôi voi và một số chiếc vòng lắc được nhân viên bán hàng giới thiệu là xương voi. Còn lại là các sản phẩm chế tác từ các loại gỗ quý và đá hóa thạch…

Tuy nhiên, khi thấy khách ngỏ ý muốn mua vòng lắc từ ngà voi, chị Phương tự xưng là chủ cửa hàng liền đi tới và nói gỏn gọn: “Hàng thật đắt đó nhé!”

Nói rồi, chị Phương vào sâu bên trong – nơi đặt chiếc hòm gỗ kiên cố, mở khóa lấy ra một chiếc túi lớn màu đỏ, bên trong có rất nhiều vòng, lắc ngà voi với các mức giá khác nhau như: Lắc loại 7 ly là 8 triệu đồng, loại 13 ly giá 20 triệu đồng.

“Ở đây, các sản phẩm được làm từ ngà voi thật 100%, nhập từ châu Phi, do nguồn ngà voi ở Tây Nguyên hiện nay còn rất ít,” chị Phương chia sẻ.

Thấy chúng tôi còn hoài nghi, chị Phương tiếp tục mở nắp hòm lấy ra một chiếc ngà voi dài khoảng 30-40cm, nặng gần 3kg. Khúc ngà này được chị giới thiệu là đã theo bên mình nhiều năm rồi, có người trả trăm triệu nhưng chị không bán, chỉ để dùng lấy may.

Đi kèm với chiếc ngà voi được chị Phương giới thiệu có nguồn gốc từ châu Phi, là hàng chục cục ngà đã được cắt nhỏ thành hình vuông như con xúc xắc, mà theo lời chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm này kể là để làm vòng quan âm cho mẹ đẻ của mình.

“Ngà chị bán ở đây toàn các cô, chú cán bộ ở tỉnh; các mối uy tín từ Hà Nội vào liên hệ, đặt mua thôi! Em yên tâm,” chị Phương chia sẻ rồi mở điện thoại ra khoe danh sách một loạt số điện thoại “khách víp” đủ các ngành nghề khác nhau…

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh lại chiếc ngà voi trên để làm kỷ niệm, chị Phương liền cất ngay vào hòm và bảo “chụp lỡ ảnh trôi nổi, không an toàn.”

“Ở đây hàng thật nói là thật, giả nói giả. Không tin, các em hỏi quanh đây ai cũng biết tiếng chị Phương bán ngà voi. Không phải tự nhiên chị làm cái hòm gỗ này đâu. Hàng này cấm đấy, không mua sau không còn để mà mua đâu,” chị nói thêm.

Cảnh rao bán nhẫn, lắc chế tác từ ngà voi tại một số cửa hàng bên trong cửa khẩu Bờ Y

“Hàng” từ châu Phi về đây phải có “đường dây”

Ngoài cơ sở của chị Phương, hoạt động buôn bán “hàng cấm” từ ngà voi như nhẫn, lắc, mặt hình phật còn diễn ra công khai tại nhiều tiệm vàng ở trên địa bàn thành phố Pleiku như: Tiệm vàng Mỹ Ngọc, Hữu Thành cùng nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật; tiệm vàng Ngọc Diệp ở Hoàng Văn Thụ… Theo tiết lộ của các chủ tiệm vàng, nguồn hàng này được nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia.

Cách thành phố Pleiku khoảng 50km, hoạt động buôn bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi cũng diễn ra sôi động tại nhiều điểm du lịch và cơ sở bán đồ cổ, đồ lưu niệm của tỉnh Kon Tum như: Cơ sở Làng Xanh, nhà thờ gỗ Kon Tum, khu du lịch Măng Đen, đặc biệt là ở cửa khẩu Bờ Y – nơi có lực lượng hải quan giám sát.

Xa hơn là tỉnh Quảng Nam. Dù không có nhiều điểm bán các sản phẩn chế tác từ ngà voi như các tỉnh Tây Nguyên, song hoạt động trưng bày, rao bán nhẫn, vòng lắc từ ngà voi cũng diễn ra công khai với khối lượng rất lớn tại huyện Phước Sơn.

Hoạt động trưng bày các sản phẩm chế tác từ ngà voi tại cửa hàng đá cảnh, đồ mỹ nghệ Phước Sơn. Cặp ngà voi từ Châu Phi trong ảnh (phải) được Lợi giới thiệu với giá 300 triệu đồng

Đơn cử như tại sảnh khách sạn Phước Sơn và cửa hàng chuyên bán dược liệu, sâm, trầm hương, đá cảnh, đồ mỹ nghệ Phước Sơn. Đây là 2 điểm bày bán rất nhiều sản phẩm trang sức được chế tác từ ngà voi, nằm ngay bên cạnh Nhà khách huyện Phước Sơn và cách Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn khoảng vài trăm mét.

Khoe với chúng tôi, Lợi – chủ cửa hàng bán “hàng cấm” từ voi kể trên khẳng định anh chỉ bán ngà voi thật, nhập về từ châu Phi qua đường biển. Theo đó, ngà voi sẽ được nhét vào bên trong các bình sứ và các khối gỗ xếp trong các container.

“Việc nhập lậu ngà voi này được tổ chức bởi cả một đường dây. Cái hàng này người ta cấm nên thi thoảng mới nhập về được,” Lợi nói và tiết lộ sau khi trót lọt qua các “vùng cấm,” ngà voi sẽ được đưa tới cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ của gia đình để làm ra từng chiếc nhẫn, vòng, lắc… theo yêu cầu, sở thích của khách hàng.

“Hàng ở đây đảm bảo thật 100% từ ngà voi nên khách quen mua rất nhiều. Có đại gia vàng nổi tiếng ở huyện Phước Sơn mỗi lần mua là mua cả trăm cái nhẫn, vòng ngà voi đem ra Hà Nội làm quà biếu tặng,” Lợi chia sẻ.

Cơ sở bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi của Lợi ở ngay bên cạnh Nhà khách huyện Phước Sơn

Cơ quan quản lý thờ ơ, né trách nhiệm?

Sau nhiều ngày điều tra, phóng viên VietnamPlus đã tìm đến các cơ quan quản lý tại các tỉnh để làm rõ thực trạng. Tuy nhiên, điều khó hiểu là hầu hết các cơ quan quản lý đều khẳng định nhiều năm qua chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Đơn cử như tại Gia Lai, ngày 10/6/2022, phóng viên đã tìm đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm rõ lý do vì sao ngay trước cổng sở (cơ quan có trách nhiệm bảo tồn voi theo công ước CITES quôc tế) mà hoạt động rao bán ngà voi vẫn diễn ra công khai như vậy? Phóng viên được chánh văn phòng sở này giới thiệu qua làm việc với Chi Cục kiểm lâm – đơn vị trực thuộc sở.

Tại buổi làm việc, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Đây lấy đâu ra ngà voi, không có đâu. Việt Nam đã cam kết với thế giới công ước CITES rồi, không được phép buôn bán những sản phẩm này.”

Phóng viên VietnamPlus làm việc với ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai

Thế nhưng khi chúng tôi nhắc đến việc một số tiệm vàng trên địa bàn đang bày bán rất nhiều sản phẩm từ voi như nhẫn đuôi voi, lắc ngà, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai lại bảo rằng “nếu có, chắc người ta nhập khẩu từ đâu đó về thôi.”

Vậy liên quan đến thực trạng trên, các anh sẽ xử lý ra sao? Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm chung, muốn xử lý thì phải có sự phối hợp của các ngành liên quan như công an, quản lý thị trường.”

Theo gợi ý trên, phóng viên đã tìm đến Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai để tìm hiểu thêm về công tác quản lý, kiểm tra cũng như hướng xử lý đối với các trường hợp vi phạm về buôn bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi.

Thế nhưng, trái ngược với những gì chúng tôi đã thông tin, phản ánh, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai lại chia sẻ đầy vẻ tự hào: “Ở đây, chúng tôi không nói mình đã làm rất tốt, nhưng có một thực tế là 10 năm nay, chúng tôi chưa phát hiện ra trường hợp nào vi phạm.”

Ông Giang cũng cho biết mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo, giao Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, trong trường hợp phát hiện vi phạm thì phối hợp các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời. Tuy nhiên qua nhiều tuần triển khai, đến nay, cục này vẫn không phát hiện trường hợp nào.

Khi phóng viên thông tin về việc một số tiệm vàng có bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi, thậm chí cả khúc ngà như cơ sở bán đồ lưu niệm của bà Phương và đề nghị cơ quan này phối hợp, thì ông Giang bảo: “Tôi ghi nhận thông tin và báo cáo lại cục trưởng. Anh (phóng viên) cứ cho số điện thoại, cục trưởng sẽ có ý kiến.”

Tuy vậy, đến nay – sau hơn 1 tháng, cả Cục trưởng lẫn Cục phó Cục Quản lý thị trường Gia Lai vẫn không có bất kỳ thông tin phản hồi nào như đã hứa. Trong khi đó, ngà voi và các sản phẩm liên quan vẫn trôi nổi, bày bán tràn lan trên địa bàn. Còn tại Kon Tum, chúng tôi đã hai lần đến trực tiếp liên hệ làm việc với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, song cán bộ làm việc tại đơn vị này cho biết lãnh đạo Chi cục đều đi vắng. Dù rằng, bên trong các phòng làm việc đều sáng đèn.

Bài 3: Xử lý trách nhiệm nạn buôn bán ngà voi: Việc không thể trì hoãn

Hùng Võ
Thiết kế: Hoàng Long