VACCINE
‘VŨ KHÍ TỐI THƯỢNG’ ĐỂ ‘TẤN CÔNG ĐẠI DỊCH’

Đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ với tất cả thế giới rằng không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Việc tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 là chiến lược cấp bách và cần được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra quyết sách: “chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, chuyển trạng thái phòng chống dịch COVID-19 từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất…” mà một trong hướng tấn công mũi nhọn, tổng lực chính là: Chiến lược vaccine.

CUỘC HÒ HẸN ĐẶC BIỆT VỚI… VACCINE

“Báo cáo cả nhà. Em đã xinh trở lại sau 2 ngày anh vaccine COVID-19 vào người. Anh ấy đã cho em những trải nghiệm vừa đau đớn nhưng sau tất cả là ngọt ngào và tiếp tục chờ đến lần thứ 2 gặp “anh ấy,” chị Ngô Thu Lan (ở Cầu Giấy) đăng lên trên trang cá nhân của mình những dòng tâm sự như vậy. “Anh ấy” đầy yêu thương của chị Lan chính là vaccine phòng chống COVID-19.

“Háo hức, sửa soạn và chuẩn bị tâm lý cả tuần nay cho sự kiện trọng đại này, tôi cũng hồi hộp, run run. Thế nhưng khi thấy đội ngũ y bác sỹ trong bệnh viện luôn ân cần hỏi han, hướng dẫn người đến tiêm, tôi bớt lo hẳn…”

— Chị Ngô Thu Lan (Cầu Giấy) —

14 giờ ngày 17/5, theo đúng như lịch được hẹn trước, chị Lan mặc cho mình bộ trang phục thoải mái nhất, tâm lý hồ hởi, sẵn sàng có mặt tại điểm tiêm chủng ở Bệnh viện Bạch Mai. Sau một hồi ký giấy, đo huyết áp, khám sàng lọc, chị hoàn tất những bước kiểm tra sức khoẻ cuối cùng để tiêm phòng vaccine COVID-19.

“Háo hức, sửa soạn và chuẩn bị tâm lý cả tuần nay cho sự kiện trọng đại này, tôi cũng hồi hộp, run run. Thế nhưng khi thấy đội ngũ y bác sỹ trong bệnh viện luôn ân cần hỏi han, hướng dẫn người đến tiêm, tôi bớt lo hẳn,” chị Ngô Thu Lan (Truyền hình Thông tấn) cho hay.

Với chị và những người đồng nghiệp cùng cơ quan, việc đi tiêm vaccine là một sự kiện được trông chờ, đầy háo hức và chiếm một vị trí rất quan trọng. Mấy ngày trước khi tiêm, mọi người râm ran hỏi chuyện, động viên nhau và lên kế hoạch chia ca kíp trực cho phù hợp.

Chị Lan nhớ lại, những ngày trước khi tiêm, thay vì hoảng loạn hay hoài nghi trước những tin đồn, thông tin bên lề cảnh báo về việc tiêm vaccine, chị Lan đã tìm đọc kỹ các thông tin về việc tiêm, hỏi bác sỹ để nắm rõ về những khả năng sau khi tiêm. Tạm an tâm sau khi cập nhật tình hình, chị sắp xếp thời gian, bố trí tạm ngưng công việc 1-2 ngày sau tiêm…

Chị Lan kể: “Sau khi tiêm về mình đã đi mua vội 1 hộp thuốc hạ sốt, 1 túi nước dừa phòng mất nước và về nhà ngay lập tức, tắm gội sạch sẽ chờ cơn sốt đến. Ngày 1, mình bẹp như con gián. 12h đêm hôm đó, chưa sốt nhưng chỗ bắp tay tiêm bắt đầu đau, người ê ẩm như bị đánh. Ngày đầu tiên sau tiêm đầu đau như búa bổ, mình uống thuốc giảm đau, xem phim cho quên cảm giác khó chịu. Sáng hôm sau thì bắt đầu sốt, đầu vẫn đau, tay vẫn đau, toàn thân mỏi nhừ. Chắc do cơ địa phản ứng. Đến ngày thứ hai thì mình khỏe dần lên. Sang ngày thứ ba thì mình đã bình thường trở lại và tiếp tục tất bật với công việc.”

Theo chị, cái gì cũng có giá của nó, tiêm vaccine cho yên tâm để rồi còn có miễn dịch cộng đồng.

Đã 15 ngày trôi qua kể từ ngày tiêm vaccine phòng COVID-19, chị Lan yên tâm và trở lại nhịp sống thường ngày, quay cuồng với những bản tin phòng chống dịch, những chương trình thiện nguyện ủng hộ cho đội ngũ y bác sỹ vùng dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh…

Không chỉ riêng chị Lan, thời gian qua, hơn 1 triệu người Việt Nam cũng có tâm trạng như chị: Háo hức, hồi hộp, tỷ mỷ theo dõi, lắng nghe phản ứng của cơ thể… để rồi thở phào nhẹ nhõm sau những mũi tiêm chủng an toàn.

HƠN 1,1 TRIỆU MŨI TIÊM AN TOÀN

Xác định rất sớm việc tiêm vaccine chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đang được triển khai quy mô lớn ở trên toàn quốc từ ngày 8/3.

Với phương châm ưu tiên cho những người thuộc tuyến đầu, các đối tượng có nguy cơ… và trong quá trình thay đổi chiến lược phân phối ưu tiên các đối tượng tiếp theo theo nguyên tắc hài hòa và tiến tới không có ai bị bỏ lại phía sau, việc tiêm chủng được ngành y tế đưa ra theo những quy trình được tính toán để đạt đến mức độ an toàn cao nhất có thể cho mọi người dân.

“Trong hơn một năm, các nhà khoa học, doanh nghiệp, chính phủ, các nhà từ thiện và các tổ chức đa phương trên thế giới đã tập hợp lại và thực hiện một điều chưa từng có: tạo ra vaccine để chống lại một loại virus đã khiến cho cả thế giới rơi vào bế tắc. Và họ đã thử nghiệm, vận chuyển và bắt đầu triển khai tiêm những loại vaccine đó một cách an toàn trong một thời gian kỷ lục. Điều này thật sự đáng kinh ngạc” – Bà Henrietta Fore – Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, một trong những điểm khác với nhiều nước là Việt Nam tổ chức quy trình tiêm chủng rất chặt chẽ, rất cẩn thận, được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ.

Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Bên cạnh đó, diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước. Còn tại nhiều nước, công tác tiêm chủng được thực hiện ở bất kỳ một điểm nào như bệnh viện, nhà ga, hay ngay tại các điểm dừng đèn xanh, đèn đỏ…

Với phương châm đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó, chính vì vậy, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống không mong muốn xảy ra trong tiêm chủng.

Tính đến hết ngày 31/5, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.102.099 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19; các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Trong số này, đã có 30.602 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Tính đến hết ngày 31/5, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 1.102.099 liều .

NỖ LỰC TIẾP CẬN NGUỒN “VŨ KHÍ”

Ngày nay, việc xem vaccine phòng COVID-19 là “vũ khí” tối thượng đối với nhiều quốc gia nhằm thoát khỏi đại dịch đã không còn là điều bàn cãi. Từ kinh nghiệm thực tế diễn ra ở các nước đã thực hiện tiêm chủng cho thấy, chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường.

Chính vì vậy, chiến lược khoác “áo giáp sắt” cho từng người dân Việt đã được Chính phủ quyết liệt thực thi. Ngày 18/5/2021, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã  ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vaccine phòng COVID-19. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện  mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân.

Chiến lược khoác “áo giáp sắt” cho từng người dân Việt đã được Chính phủ quyết liệt thực thi

Trước đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngay từ rất sớm, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có chủ trương về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu đối với vaccine. Chính phủ cũng đã có những Nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vaccine trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cho cộng đồng.

Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc,” khan hiếm vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn cầu, để sớm có vaccine và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc; cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Đã có 4 lô vaccine AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, từ nhiều tháng nay, Bộ Y tế đã liên tục có nhiều cuộc tiếp xúc, đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine đều được phía Việt Nam hướng tới, nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine sớm nhất, phấn đấu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng.

Vì vậy, Việt Nam đã là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX Facility hỗ trợ 38,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Đến nay, đã có 4 lô vaccine AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về ngày 24/2, lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều, lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều và lô mới nhất 288.000 liều (về ngày 25/5).

Ngoài ra, đến nay, Việt Nam cũng đã đàm phán thành công với Pfizer/BioNTech (20 triệu liều), với COVAX Facility – một cơ chế chia sẻ vaccine cho toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí (10 triệu liều).

Cho đến nay, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 Việt Nam đã đàm phán được là 170 triệu. Trong số này có 38,9 triệu liều vaccine từ chương trình COVAX, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech... Ngoài các hợp đồng trước đây, Bộ Y tế cũng đã đặt mua của Covax thêm 10 triệu, mua Pfizer thêm 20 triệu liều…

Theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên sẽ cần khoảng 150 triệu liều vaccine. Như vậy, nếu con số đàm phán 170 triệu liều sẽ được ký kết và về Việt Nam đúng theo cam kết của các đối tác, chúng ta hoàn toàn có thể đạt dược mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.

Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan đang nỗ lực xúc tiến triển khai thực hiện mục tiêu cấp bách này. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, mặc dù hiện nay tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, “mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 là rất khả thi.”

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành y tế cũng nhấn mạnh về vấn đề tiến độ cung ứng vaccine. Theo đó, đây phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu để các lô vaccine có thể về sớm nhất, kịp thời cung ứng cho hai địa phương được ưu tiên là Bắc Giang và Bắc Ninh.

ĐỂ KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU, SẼ CÓ CƠ CHẾ MỞ

“Để chống dịch như chống giặc,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.

Thực hiện chỉ đạo này và để đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất vaccine, đảm bảo an ninh vaccine của Việt Nam.

“Có thể nói rằng, đây là một trong những cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đồng thời đảm bảo ngân sách Nhà nước để đảm bảo vaccine cho người dân.”

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Có thể nói rằng, đây là một trong những cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đồng thời đảm bảo ngân sách Nhà nước để đảm bảo vaccine cho người dân. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong vấn đề huy động nguồn lực xã hội cho vấn đề về vaccine.”

Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng, bao gồm kinh phí mua vaccine, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.

Về nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Đặc biệt, khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí mua vaccine lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Vì vậy cần sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vaccine phòng COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định cơ quan này được giao là đầu mối nhập khẩu vaccine nhưng không có nghĩa là bộ “độc quyền” nhập khẩu mà luôn khuyến khích tất cả các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vaccine đều có thể nhập khẩu.

“Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng một lần nữa cảnh báo tình trạng “lừa đảo vaccine” khi nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền của các nhà sản xuất vaccine để chào bán vaccine, nhưng khi Bộ Y tế liên hệ thì các nhà sản xuất vaccine đều khẳng định là không đúng sự thật,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ.

Người đứng đầu ngành y tế phân tích, theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine mới được nhập khẩu vaccine. Hiện Việt Nam có 36 đơn vị có chức năng này. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine hoàn toàn có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với 1 trong số 36 đơn vị này.

Các vaccine phải được Bộ Y tế cấp phép, cấp số đăng ký và các lô vaccine phải có hồ sơ chứng thực xuất xứ, chất lượng. Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 loại vaccine gồm Astra Zeneca, Sputnik V và Vero Cell.

“Nhất thiết không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác đảm bảo vaccine trong phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan trong thời gian qua và nhấn mạnh cần tìm mọi giải pháp để có vaccine sớm nhất. Mọi vướng mắc phải được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ phải được hướng dẫn ngay.

Người đứng đầu Bộ Y tế cũng khẳng định tất cả các lô vaccine dù đơn vị nào nhập khẩu nhưng có hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng thì đều được Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế tổ chức tiêm. Đối với Hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý Bộ Y tế quan tâm đến tình huống các doanh nghiệp, hiệp hội qua các mối quan hệ đối tác có thể nhập được một lượng vaccine không lớn nên khó có đủ bộ hồ sơ từ nhà sản xuất. Bộ Y tế cam kết sẽ hướng dẫn, xử lý từng trường hợp một cách thuận lợi và nhanh nhất, nếu nhận được đề nghị. “Nhất thiết không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay về lâu dài, cũng như nhiều loại vaccine khác, sẽ có vaccine miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế và vaccine dịch vụ theo nhu cầu và khả năng chi trả của một bộ phận nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đợt dịch lần này chủng mới lây nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn. Xuất hiện hình thái lây nhiễm là cả xâm nhập và trong cộng đồng, khu công nghiệp, ở bệnh viện tuyến cuối. “So với trước đây, chúng ta phải nỗ lực gấp 10 lần để đuổi kịp tốc độ lây lan của dịch.”

Thành công của một chiến dịch tiêm chủng là phải đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất

Vì vậy, điểm mấu chốt cho thành công của một chiến dịch tiêm chủng là phải đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất. Và Việt Nam đang trong tiến trình để nỗ lực cao nhất đảm bảo cho mỗi người dân được bình an, đẩy lùi và khống chế dịch bệnh COVID-19.


Hiện nay, đã có 4 lô vaccine AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Ngày 2/6, Bộ y tế đàm phán để Việt Nam có thể mua 20 triệu liều vaccine SPUTNIK phòng COVID-19 trong năm 2021.

Tính đến hết ngày 2/6/2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm tiêm 1.110.111  liều vaccine phòng chống COVID-19, trong số này đã có 31.177  người được tiêm đủ 2 mũi.

Đối tượng đã được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ ngày 21/5- 28/5, đã có 19 tập đoàn, các đơn vị khối ngân hàng, các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho Quỹ vaccine với tổng số tiền gồm: 470 tỷ đồng; 1 triệu USD và 5 triệu liều vaccine COVID-19.

Theo thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau 3 ngày phát động, tính đến 17 giờ ngày 2/6, số tiền từ các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đóng góp, ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã lên đến 2.360 tỷ đồng.

Cho đến nay, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 Việt Nam đã đàm phán được là 170 triệu. Trong số này có 38,9 triệu liều vaccine từ chương trình COVAX, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech… Ngoài các hợp đồng trước đây, Bộ Y tế cũng đã đặt mua của Covax thêm 10 triệu, mua Pfizer thêm 20 triệu liều…

BÀI 1: TẤN CÔNG VÀO BA MẶT TRẬN LỚN ĐỂ DẸP ‘CƠN ÁC MỘNG’ COVID-19
BÀI 2: VACCINE – ‘VŨ KHÍ TỐI THƯỢNG’ ĐỂ ‘TẤN CÔNG ĐẠI DỊCH’
BÀI 3: ‘MẶT TRẬN’ COVID-19: CHIẾN LƯỢC MỚI, GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
BÀI 4: NHỮNG ‘ĐÒN ĐÁNH’ QUYẾT ĐỊNH GIÚP VIỆT NAM KIỂM SOÁT DỊCH
BÀI 5: NỖI ĐAU COVID-19: NHIỀU HY SINH, MẤT MÁT VÀ SỰ CÔ ĐƠN

Cao Thùy Giang
Cao Thùy Giang

VietnamPlus