Việt Nam và “mặt trận” COVID-19: Chiến lược mới, đòi hỏi giải pháp đột phá

Cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ khi phải gồng mình để chống đỡ với dịch bệnh mang tên COVID-19. Có lẽ, chưa bao giờ mà bảng tin thông báo các ca bệnh hàng ngày lại nhảy liên tục và lên tới 4 chữ số… Kéo theo đó là bao nỗi vất vả của đội ngũ y tế đang chiến đấu để giành giật sự sống cho người bệnh, là những bữa cơm thiếu vắng người cha phải đi chống dịch, hay là những sinh viên đang căng mình làm công tác tình nguyện ở các bệnh viện, khu phong tỏa mà phải tạm gác lại việc học hành đang dang dở…

Tất cả đều đang nỗ lực hết sức mình để cùng hướng tới một mục tiêu chung, đó là sớm khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh, trả lại sự bình yên cho cuộc sống của người dân.

Đây cũng là sự trăn trở, là những buổi họp xuyên đêm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng với các bộ, ngành và chính quyền các cấp để có thể nhanh chóng đề ra những quyết sách mới, những chiến lược ứng phó kịp thời, linh hoạt và phù hợp với tình hình của mỗi địa phương, với đích đến là sớm đẩy lùi COVID-19, giảm thiểu tổn thất cho người dân, xã hội và cả nền kinh tế.


{1.}

Nỗi lo thường trực mang tên “biến chủng Delta”

Ghi nhận thực tế tại các địa phương cho thấy số ca mắc COVID-19 tăng rất nhanh, con số tăng hết sức chóng mặt nhưng phản ánh đúng khi các lực lượng chức năng tầm soát trong các khu phong tỏa, vùng nguy cơ cao, doanh nghiệp, ngoài cộng đồng.

Thậm chí tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày đều chứng kiến hơn 1 nghìn ca mắc mới và thành phố đã trải qua gần 3 tháng gồng mình chống đại dịch COVID-19… Tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 nhanh hơn rất nhiều lần và nhiều ca mắc mới đã không truy vết được nguồn lây.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định điều này cũng phản ánh tình hình thực tế dịch bệnh trên thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực và đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn. Chính vì vậy nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao. Và Việt Nam cũng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn khi phải đối phó với biến chủng mới đầy nguy hiểm này, nhất là nước ta mới đang trong giai đoạn đầu triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Cụ thể, đợt dịch lần thứ 4 này, với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết riêng đợt dịch thứ 4, Việt Nam đã ghi nhận gần 60.000 ca mắc COVID-19, hơn 300 trường hợp tử vong.

Đặc biệt, dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp, với số ca mắc liên tục gia tăng do dịch bệnh đã lây lan rộng trên địa bàn, nhiều ổ dịch xảy ra tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp.

Khi lưu trú, công nhân Công ty Daikan Việt Nam thực hiện “3 tại chỗ” chống dịch để sản xuất. Ảnh: Công Phong – TTXVN

Trong khi đó, mặc dù tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc (từ tỉnh Phú Yên trở ra) số ca mắc mới trong tuần hầu hết đã có dấu hiệu giảm so với tuần trước đó, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người quay lại địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam…

Trước tình hình đầy cấp bách, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất và quyết định bằng mọi cách phải tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Bộ Y tế đang điều động lực lượng cán bộ y tế, tình nguyện viên với khoảng 10.000 người sẵn sàng hỗ trợ Thành phố và các tỉnh phía Nam để khẩn trương triển khai các biện pháp chống dịch.

{2.}

“Tất cả vì Thành phố Hồ Chí Minh”

Có thể khẳng định, cùng với Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Lý do không chỉ vì những nguy cơ, diễn biến dịch bệnh phức tạp mà Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước.

Kể từ khi xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên cho đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia luôn quan tâm, bám sát tình hình dịch bệnh và thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ Thành phố.

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, quan điểm xuyên suốt, không thay đổi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết. Chính vì vậy, theo Thủ tướng, tình hình hiện nay đặc biệt đòi hỏi có giải pháp đột phá phù hợp và hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.

Mặc dù trong nửa đầu năm, Việt Nam về cơ bản đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, nhưng Thủ tướng đã xác định thời gian tới, khó khăn, thách thức sẽ lớn hơn nhiều so với thuận lợi và thời cơ. Theo Thủ tướng, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến, chọn giải pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chống dịch, sớm ổn định tình hình.

Sử dụng các thiết bị liên lạc hiện đại báo cáo tình hình sức khỏe bệnh nhân trong diễn tập tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước luôn sát cánh bên cạnh Thành phố với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, vì sức khỏe của nhân dân, vì sự phát triển của Thành phố.

Vì vậy, trong lúc này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ xác định “tất cả vì Thành phố Hồ Chí Minh,” với mục tiêu quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố và các tỉnh trong thời gian sớm nhất, chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Các lực lượng phối hợp không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn lớn đời sống nhân dân; điều trị tích cực, cứu chữa người mắc bệnh COVID-19, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể các trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong).

Với 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong việc chấp hành các quy định của người dân; kêu gọi người dân hưởng ứng, tham gia và chấp hành với tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19.”

“Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.”

Thủ tướng chính phủ phạm minh chính

Vì vậy, cần thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức điều hành phòng, chống dịch.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập 7 “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch COVID-19, gồm các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tổ công tác đặc biệt đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Các tổ công tác đặc biệt hàng ngày báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời đề xuất, kiến nghị đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng nhấn mạnh cần vừa tập trung lực lượng phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương về thực hiện giãn cách xã hội để giảm tốc độ lây nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì cùng với các bộ, ngành, địa phương có liên quan đánh giá lại toàn bộ thông tin về chủng virus, xác định rõ nguy cơ của chủng này để có đối sách phù hợp với tình hình thực tế; tập trung phân loại các ca F0, trường hợp F1, mức độ nguy cơ nặng và rất nặng để nguồn lực tập trung có trọng tâm, trọng điểm.

Về nguồn lực phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị tại cơ sở vào cuộc, đặc biệt huy động nguồn lực bằng hợp tác công tư để cộng đồng, nhân dân, doanh nghiệp cùng tham gia tích cực. Các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.

{3.}

Một miếng khi đói bằng một gói khi no

Đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới rơi vào không chỉ một cuộc khủng hoảng về y tế, mà còn khơi mào cho một khủng hoảng về kinh tế.

Khi các chính phủ hành động để ngăn chặn đại dịch, nhiều nỗ lực lại gây tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Do đó, các nước phải bổ sung biện pháp hỗ trợ đời sống người dân kèm theo các chính sách bảo vệ y tế cộng đồng.

Đợt dịch thứ 4 xảy ra với sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây nhanh và lan ra diện rộng trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và cuộc sống mưu sinh của người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, cả nước có khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có trên 557.000 người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng việc, 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên… Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 này đã, đang xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động.

Cuộc sống công nhân lao động tại các khu nhà trọ trong khu công nghiệp

Những tác động này khiến tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) ở mức cao, thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo tiếp tục tăng và không có dấu hiệu dừng. Hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước…

Hơn 70.000 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản; 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng, 540.000 người mất việc; hàng triệu người giãn việc/ngưng việc; 40.000 lao động xong thủ tục nhưng không xuất cảnh được…

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời. Nghị quyết 68 triển khai gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ những người gặp khó khăn, nhất là người lao động mất việc, người bán vé số, lượm ve chai, người lang thang, người yếu thế… Chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở, phối hợp với các tổ COVID-19 cộng đồng rà soát kỹ, nắm thật chắc, dứt khoát không bỏ sót những người cần hỗ trợ.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay, cơ bản các địa phương đã triển khai tốt Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người dân, như Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 15/7 hoàn thành hỗ trợ 216.000 lao động tự do, Long An triển khai việc hỗ trợ người dân ngay trong tối ngày 11/7 theo yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc làm việc cùng ngày.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, người dân đang rất khó khăn, đang từng ngày mong chờ được nhận hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ.

{4.}

Tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 với biến chủng mới đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, có thể bùng phát bất kỳ lúc nào và ở đâu trên đất nước ta.

Việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch hiệu quả với tinh thần đặt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của nhân dân lên trên hết, trước hết, đồng thời bảo đảm điều kiện và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, là một lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn và cần thiết đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ chỉ đạo nhất quán. 

Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ đúng nguyên tắc, đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, kể cả ý kiến phản biện, đưa ra giải pháp phù hợp tình hình. Các lực lượng cần hết sức bình tĩnh, xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định, trên tinh thần tất cả vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc.

Căn cứ diễn biến của nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân COVID-19.
(Nguồn: Vnews)

Đặc biệt, hiện nay các diễn biến dịch và công tác phòng, chống dịch là chưa có tiền lệ, nên phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bổ sung mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, không cực đoan, không phiến diện.

Dự báo sắp tới, diễn biến dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam còn phức tạp, khó lường, các ca lây nhiễm có thể tăng lên. Còn các ổ dịch tiềm ẩn, chưa phát hiện hết trong cộng đồng. Nếu không có giải pháp tốt thì dễ xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Vì vậy, các địa phương cần tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Với ý chí “chống dịch như chống giặc,” cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cả nước đang ra sức chiến đấu với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch.”

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, căn cứ điều kiện cụ thể để đưa ra những quyết sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo… Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ này, giải pháp căn cơ, lâu dài trong phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới vẫn phải là 5K + vaccine, trong đó vaccine có ý nghĩa chiến lược, lâu dài và quyết định./.

BÀI 1: TẤN CÔNG VÀO BA MẶT TRẬN LỚN ĐỂ DẸP ‘CƠN ÁC MỘNG’ COVID-19
BÀI 2: VACCINE – ‘VŨ KHÍ TỐI THƯỢNG’ ĐỂ ‘TẤN CÔNG ĐẠI DỊCH’
BÀI 3: ‘MẶT TRẬN’ COVID-19: CHIẾN LƯỢC MỚI, GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
BÀI 4: NHỮNG ‘ĐÒN ĐÁNH’ QUYẾT ĐỊNH GIÚP VIỆT NAM KIỂM SOÁT DỊCH
BÀI 5: NỖI ĐAU COVID-19: NHIỀU HY SINH, MẤT MÁT VÀ SỰ CÔ ĐƠN

Tác giả: Cao Thùy Giang
Thiết kế: Thanh Trà