Người Indonesia chật vật tìm oxy giữa đại dịch COVID


Bên ngoài một cửa hàng nhỏ ở Nam Jakarta, hàng chục người đang xếp hàng chờ một cơ hội cứu sống người thân của họ.

Ở thủ đô của Indonesia, oxy là mặt hàng ngày càng trở nên quý giá trong bối cảnh đất nước này đang phải đối mặt với sự gia tăng không ngừng các ca nhiễm COVID-19.

“Tôi đến đây để mua một bình oxy cho mẹ mình, bà đã có kết quả xét nghiệm dương tính hôm Chủ nhật vừa rồi và chúng tôi đã tìm đến một vài bệnh viện, nhưng tất cả đều đã kín chỗ,” Pinta, một phụ nữ trong hàng người chia sẻ.

“Tôi nhận được một danh sách các địa điểm bán oxy, nhưng chúng tôi cứ tới chỗ nào là chỗ đó đóng cửa hoặc hết hàng. Tạ ơn Chúa là một người bạn đã chỉ cho tôi đến đây.”

Người dân tuyệt vọng tìm oxy cho người thân trong bối cảnh các bệnh viện quá tải dừng tiếp nhận bệnh nhân. (Bagus Indahono/EPA)

Cuộc tìm kiếm oxy ở Jakarta trong vài tuần gần đây là một cuộc tranh giành không thể đoán trước – cơ hội sống sót của một người bệnh hoàn toàn có thể giảm xuống mức thấp nhất tuỳ thuộc vào việc người thân của họ có đến được đúng cửa hàng vào đúng thời điểm hay không.

Winda, một người phụ nữ khác trong hàng cho biết cô đang cố gắng tìm oxy cho cậu em rể. “Tôi đã gặp khó khăn khi tìm mua oxy hồi đêm qua. Tôi đã tới năm chỗ, bao gồm cả cửa hàng này và một chợ thuốc lớn, nhưng chỗ nào cũng hết hàng,” cô nói.

“Chúng tôi đã đến trung tâm y tế… họ nói phải cho bệnh nhân thở oxy ở nhà trong khi chờ có giường ở bệnh viện… nhưng chúng tôi đã đợi hai ngày rồi mà vẫn chẳng có tin tức gì từ bệnh viện.”


“Chúng tôi đang lo lắng hơn bao giờ hết”

Minanti, một cô gái 29 tuổi đang chăm sóc cho người cha già của mình sau khi cố gắng đưa ông nhập viện nhưng không thành công.

Ông bị tiểu đường và có các vấn đề về tim và thận, dẫn đến nguy cơ nhiễm virus corona cao hơn. Nhưng ông vẫn không thể kiếm được một giường trong các bệnh viện đông đúc ở Jakarta.

Minanti là một trong số nhiều người Indonesia buộc phải chăm sóc cho người thân bị bệnh tại nhà. Cha của cô còn có các bệnh nền khiến ông đặc biệt dễ bị tổn thương bởi COVID-19. (Nguồn: Al Jazeera)

“Chúng tôi đã đến các bệnh viện gần nhà… chúng tôi đến đơn vị cấp cứu và họ bảo, ‘nhìn quanh đi, hết chỗ rồi,’ và họ nói là đến họ cũng gặp vấn đề về nguồn cung oxy,” Minanti cho biết.

“Một bệnh viện khác cũng đã kín chỗ. Họ có một cái lều ở phía trước của tòa nhà, đầy những người bệnh… chúng tôi cảm thấy rất sợ hãi.”

Giờ đây, giống như hàng nghìn người Indonesia khác, Minanti đã hiểu được sự vất vả khi cố gắng tìm mua một bình oxy trong làn sóng dịch bệnh này.

“Rất khó để mua được bình oxy. Chúng tôi đã đi mượn, nhưng rồi đột ngột chủ sở hữu yêu cầu chúng tôi trả nó lại vì người đó cũng mắc COVID,” cô nói. Cuối cùng, cô cũng mua được một bình oxy – nhưng việc nạp đầy lại nó lại là một cuộc vật lộn khác.

“Mua được một bình đã gần như là một phép màu rồi. Nhưng bây giờ, bố tôi phải thở oxy liên tục, vì ông thường xuyên bị khó thở,” cô cho biết.

“Chính phủ đáng ra phải phản ứng nhanh ngay từ đầu… giờ thì số ca nhiễm đang bùng nổ. Bình oxy đã khó mua rồi, nạp đầy lại nó lại càng khó hơn, trong khi các bệnh viện thì đã kín chỗ.”


“Chúng tôi không thể giúp họ”

Không chỉ người dân nói chung phải vật lộn với tình trạng thiếu oxy và thuốc men – chia sẻ với tờ Al Jazeera, các chuyên gia y tế cũng cho biết họ không có đủ các điều kiện cần thiết để giúp cho tất cả những người đang gặp khó khăn.

Bác sỹ Erni Herdiani là người đứng đầu Phòng khám sức khỏe Lemah Abang ở Bekasi, ngoại ô Jakarta. “Chúng tôi cần bình oxy, oxy để tái nạp và thuốc men. Chúng tôi điều trị các trường hợp nặng, chúng tôi cần những loại thuốc như remdesivir, và chúng tôi không thể tìm thấy chúng,” bà nói.

“Chúng tôi cần cho bệnh nhân thở oxy và dùng thuốc. Chúng tôi đang rất thiếu bình oxy… điều này nằm ngoài dự đoán của tôi. Có quá nhiều bệnh nhân cần oxy, và nguồn cung gần đây lại càng khó kiếm hơn nữa.”

Bác sỹ Erni muốn mua thêm bình oxy cho phòng khám của mình, nhưng bà nói rằng điều đó là không thể. “Hiện tại, chúng tôi không thể mua được. Chẳng có mà mua. Chúng tôi cần được chính phủ cung cấp,” bà nói.

Khi các bệnh viện ở Java và nhiều nơi khác tại Indonesia gần chạm tới công suất tối đa, các phòng khám sức khoẻ công cộng phải chăm sóc cho hàng nghìn người bệnh không thể nhập viện.

Nhưng đội ngũ của bác sĩ Erni cũng phải chịu áp lực – có chưa tới 30 nhân viên y tế tại phòng khám của bà, và họ phải chăm sóc cho hơn 300 bệnh nhân.

Mỗi ngày, một đội y tế lưu động từ phòng khám lại đến thăm bệnh cho một số bệnh nhân. Đội này đã quen với việc phát hiện ra bệnh nhân tử vong tại nhà.

“Hiện giờ, có rất nhiều [người đã mất] tại nhà. Đôi khi, chúng tôi nhận được báo cáo về người tử vong, và khi kiểm tra thi hài, chúng tôi phát hiện họ dương tính với virus,” bà nói.

Bác sĩ Erni Herdiano lãnh đạo một phòng khám sức khoẻ ở ngoại ô Jakarta. Bà cho biết ngày càng khó tìm bình oxy, oxy để tái nạp và thuốc men cần thiết để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. (Nguồn: Al Jazeera)

Bác sỹ Erni tin rằng các số liệu chính thức của chính phủ, với số người chết là hơn 66.000, là con số chưa chính xác. “Số liệu không được báo cáo đầy đủ. Thật buồn vì chúng tôi không thể giúp họ.”

Ngay cả các bệnh viện lớn cũng phải vật lộn với sự thiếu hụt hoặc chậm trễ phân bổ oxy.

Tuần này, ít nhất 33 bệnh nhân nhiễm virus corona thể nặng đã tử vong tại bệnh viện thành phố Jogjakarta trên đảo Java, do bệnh viện tạm thời thiếu oxy.

Một người phát ngôn của Bệnh viện Đa khoa Dr Sardjito nói với truyền thông rằng đã có sự chậm trễ từ các nhà cung cấp.

Bác sỹ Erni tin rằng các số liệu chính thức của chính phủ, với số người chết là hơn 66.000, là con số chưa chính xác. (Nguồn: AP)

‘Chúng tôi không nhận thấy vấn đề đó’

Tiến sỹ Siti Nadia Tarmizi từ Bộ Y tế Indonesia cho biết họ đã khắc phục các vấn đề hậu cần trong việc vận chuyển oxy.

“Sự việc xảy ra ở Jogjakarta… là vì số lượng bệnh nhân quá đông, lượng hàng dự trữ hết rất nhanh và chuyến hàng tiếp theo chỉ đến vào sáng hôm sau. Họ có lượng oxy hạn chế… vấn đề là thiếu thời gian,” bà nói.

“Chúng tôi đang đẩy nhanh việc phân phối. Trước đây, phải mất hai đến ba ngày, nhưng giờ chúng tôi yêu cầu (các nhà cung cấp) phải sẵn sàng gửi hàng trong chu kỳ 12 đến 24 giờ.”

Nhân viên y tế kiểm tra các bình oxy trong một lều cấp cứu cho bệnh nhân đang theo dõi COVID-19 tại một bệnh viện ở Bekasi, gần Jakarta [Ảnh: EPA]

Bộ trưởng Y tế đã chỉ thị cho các nhà sản xuất oxy chuyển hướng sang cung cấp oxy y tế thay vì oxy công nghiệp.

“Chúng tôi đang nỗ lực để giải quyết tình hình thiếu oxy, thực tế là vẫn còn công suất từ ngành khí đốt quốc gia,” Tiến sỹ Nadia trả lời tờ Al Jazeera.

Tiến sỹ Nadia cho biết ưu tiên là cung cấp oxy cho các bệnh viện và cơ sở y tế công cộng. Bà cho biết không có tình trạng thiếu oxy. “Tôi không nghĩ điều đó đã xảy ra. Hiện tại chúng tôi không nhận thấy vấn đề đó ở với các cơ sở y tế, họ có ít oxy nhưng chúng tôi đang cố gắng để lấp đầy kho cho họ,” bà nói.

Số ca nhiễm có thể tăng lên 50.000 hoặc 70.000 ca một ngày. Nhu cầu (về oxy) đã được đáp ứng nhưng nó vẫn chưa ở mức an toàn.”

“Rất khó tìm được xe cấp cứu và cơ sở y tế. Đôi khi, khi đến được cơ sở y tế, họ đã chết trên đường đi… hoặc bệnh nhân tử vong ngay tại nhà của họ.”

Tiến sỹ Nadia cho biết Bộ Y tế đã không lường trước được một sự tăng vọt về số ca mắc bệnh như vậy. “Vấn đề chính là, tuần trước, chúng tôi có một số lượng lớn bệnh nhân mà chúng tôi không ngờ tới,” bà nói. “Rất khó tìm được xe cấp cứu và cơ sở y tế. Đôi khi, khi đến được cơ sở y tế, họ đã chết trên đường đi… hoặc bệnh nhân tử vong ngay tại nhà của họ.”

Mai Nguyễn dịch (Theo: Aljazeera)