Hành trình 16 năm đi tìm âm thanh cho đồng đội

Là người có năng khiếu và đam mê âm nhạc, lại được sống và chiến đấu giữa núi rừng, ông đã lấy tre, trúc làm sáo và thổi hồn đam mê âm nhạc vào nó. Để rồi tiếng sáo của ông đã trở thành người bạn, là nguồn động viên tinh thần to lớn cho đồng đội sau những trận đánh ác liệt.

Ông Chu Đình Hỏa sinh năm 1948 tại Nghi Lộc, Nghệ An. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, như bao thanh niên khác, năm 1971, ông Hỏa hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường khốc liệt.

Là người có năng khiếu và đam mê âm nhạc, lại được sống và chiến đấu giữa núi rừng, ông đã lấy tre, trúc làm sáo và thổi hồn đam mê âm nhạc vào nó. Để rồi tiếng sáo của ông đã trở thành người bạn, là nguồn động viên tinh thần to lớn cho đồng đội sau những trận đánh ác liệt.

Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương, nhưng nỗi đau chiến tranh khiến ông không thôi nghĩ về việc chế tạo ra một loại nhạc cụ giúp những thương bệnh binh, những đồng đội của mình xoa dịu mất mát. Một loại nhạc cụ mà dù không cần đến đôi tay, người ta cũng có thể cất lên những âm thanh đặc biệt.

Cây sáo “Từ Tâm” đã ra đời như thế.


…Tôi ấp ủ làm một loại nhạc cụ không cần dùng đến bàn tay, để họ và những người thương binh, hay cả người khuyết tật cũng có thể chơi được âm nhạc, để họ biểu cảm tâm hồn mình bằng âm nhạc.”

cựu chiến binh chu đình hỏa
Tiếng lòng của người lính

Tn hành lang của trung tâm người khuyết tật thành phố Vinh, một buổi biểu diễn âm nhạc đặc biệt bắt đầu. Gọi là buổi diễn đặc biệt là bởi ở đây có tới ba điều đặc biệt: những khán giả đặc biệt – một nhạc công đặc biệt và một nhạc cụ đặc biệt.

Ông Chu Đình Hỏa – một cựu chiến binh với dáng người thấp bé, trong bộ trang phục nhà binh đã nhuốm màu thời gian, đang dùng những giai điệu, những âm thanh của mình để hàn gắn vết thương tâm hồn cho những người đồng đội.

Trên tay ông Hỏa là một thứ nhạc cụ thật khó để gọi tên. Nó trông như một con bọ que bằng sắt, với hai cái ống cong dài xếp chồng lên nhau. Một đầu ống gắn vật gì đó làm từ chiếc muôi thủng, đầu còn lại gắn một cái nắp phin pha cà phê. Giữa thân lòng thòng vài ba sợi dây xanh đỏ.

Nếu ông Hỏa không rướn cổ, rướn hết sức đẩy hơi vào một cái lỗ bé tí tẹo ở đầu ống, thì thật khó để người ta tưởng tượng đây là một cây sáo. Âm nhạc phát ra từ cây sáo này kể cũng lạ: Nốt cao thỉnh thoảng bị “chói” khiến người nghe phải thoáng cau mày, còn nốt trầm lại bè ra, như tiếng còi “tẹt tẹt” của lũ trẻ.

Cây sáo mà ông Chu Đình Hỏa đã dành hơn 15 năm nghiên cứu. Ông trân trọng đặt cho nó cái tên là “Cây sáo Từ Tâm”, là tấm lòng tri ân của ông dành cho những người đồng chí, đồng đội năm xưa gửi lại một phần máu thịt nơi chiến trường.

Mình sinh ra lành lặn, đầy đủ chân tay, đó là một điều may mắn. Vậy nên mình phải chia sẻ sự may mắn đó cho những con người bất hạnh hơn.

Tâm nguyện của người lính

Cũng đã lâu rồi, ông Hỏa và những người đồng đội năm xưa mới gặp lại nhau. Dù tuổi đã cao, nhưng khi nhắc lại chuyện chiến trường, những người lính cụ Hồ năm xưa dường như trẻ lại. Theo ông đến với buổi gặp mặt hôm nay là cây sáo kỳ lạ đấy. Trầm ngâm một lúc, ông tâm sự với những người đồng đội:

Chắc thủ trưởng và các anh em vẫn đang còn nhớ, có những trận đánh rất ác liệt, nhiều anh em bị bom thù thả trúng, trong đó có cả những văn công…

Đến đây giọng ông như nghẹn lại, một ký ức loang lổ khói súng và máu ùa về:

Họ đều là những người nhạc công tài giỏi, thế nhưng chiến tranh khiến họ không thể chơi nhạc được nữa. Vậy nên tôi ấp ủ làm một loại nhạc cụ không cần dùng đến bàn tay, để họ và những người thương binh, người khuyết tật cũng có thể chơi được âm nhạc, để họ biểu cảm được tâm hồn của mình bằng âm nhạc.

“Chắc thủ trưởng và các anh em vẫn đang còn nhớ, có những trận đánh rất ác liệt, nhiều anh em bị bom thù thả trúng, trong đó có cả những văn công…”

cựu chiến binh chu đình hỏa

Và thành quả ngày hôm nay chính là cây sáo không tay kia, đang được những người đồng đội truyền tay nhau một cách trân trọng. Họ nghe ông Hỏa thổi sáo, nét mặt phảng phất sự bình yên. Tiếng sáo vang vọng trong khu vườn, xoa dịu đi những cơn đau dai dẳng vọng về trong giấc mơ của ông Hỏa mỗi tối.

Thủ trưởng của ông, Đại tá Đỗ Mạnh Hùng, năm nay đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn rất phấn khởi khi được thấy một nhạc cụ mới. Hiểu rõ nỗi lòng của người đồng chí, ông tin tưởng rằng, cây sáo này sẽ thành công, hoàn thành được tâm nguyện của người cựu chiến binh với những người đồng đội của mình.

Được đồng đội thấu hiểu là thế, nhưng ông Hỏa vẫn còn nhiều trăn trở. Sau lần biểu diễn cho những người khuyết tật, dù không nói ra nhưng ông vẫn thấy rõ âm thanh của cây sáo chưa được hay, còn nhiều cái cần phải khắc phục.

“Tôi chỉ mong được mang cây sáo này đi gặp các chuyên gia về nhạc cụ, để họ góp ý giúp mình chỉnh sửa cây sáo cho nó hoàn thiện hơn. Và đồng thời, cũng mong muốn được mang cây sáo này vào các nghĩa trang liệt sĩ, báo cáo và tri ân đồng đội đã nằm xuống…”

Ông Hỏa nhìn về phía chân trời xa xăm. Ánh mắt ông ánh lên sự kiên định, như ánh mắt mà 15 năm trước ông bắt tay vào chế tạo cây sáo. Trong đầu ông, bất giác suy nghĩ về một hành trình…

Nguồn gốc và hành trình hoàn thiện “tiếng sáo Từ Tâm”

Nếu như động lực để nghiên cứu và sáng chế “sáo Từ Tâm” của ông Chu Đình Hỏa xuất phát từ trái tim người lính đầy hoài niệm và tấm lòng tri ân luôn hướng về đồng đội, thì nguồn cảm hứng của cây sáo lại đến từ những âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên.

Năm 2005, ông Hỏa đã bắt đầu ấp ủ ý tưởng về cây sáo mà người chơi hoàn toàn không cần dùng tới đôi tay để tạo nhịp phách. Thế nhưng, trong suốt 5 năm mầy mò nghiên cứu, cây sáo vẫn chưa thể thành công.

Cơ duyên đến với ông vào năm 2010, khi tình cờ nghe trên sóng phát thanh một phần biểu diễn của nghệ sỹ nhân dân Y San Aleo – một nghệ sỹ sáo tại đoàn ca múa nhạc Đak Lak. Trong tiết mục đó, nghệ sỹ này đã chia sẻ về một loại sáo mới được sáng tạo bởi nghệ nhân Vũ Lân, không có lỗ và cách chơi khác biệt nhiều theo hướng tối giản với cây sáo truyền thống.

Ngay lập tức, ông Hỏa sắp xếp hành trang lên đường. Thời đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, người cựu chiến binh chỉ có thể nán lại Tây Nguyên trong 2 ngày. Với 2 ngày ngắn ngủi, ông gặp được nghệ sỹ nhân dân Y San Aleo, được tận mắt, tận tay nghiên cứu cây sáo vỗ, nhưng chưa thể gặp được cha đẻ của cây sáo là nghệ nhân Vũ Lân.

Trở về Nghệ An, với những trải nghiệm từ chuyến hành trình, ông Hoả ngay lập tức bắt tay vào việc, nhưng phải mất đến gần 10 năm, tức là năm 2019, cây sáo Từ Tâm mới chính thức ra đời. Dù miệt mài cải tiến nhưng đến nay, giai điệu của cây sáo vẫn chưa thực sự ổn định. Đó chính là điều mà người cựu chiến binh vẫn canh cánh bên lòng.

Ông Hoả cho rằng, việc chưa được gặp gỡ nghệ sỹ Vũ Lân trong chuyến hành trình 10 năm trước đó là một thiếu sót và là mảnh ghép cuối cùng còn thiếu cho cây sáo Từ Tâm. Vì thế, ông quyết định, bằng mọi giá phải lên đường để hoàn thành nốt những điều dang dở.

Hoàn thành tâm nguyện từ trái tim người lính

Trên đường trở về, trên tay ông Hỏa không còn chỉ là một cây sáo mà đó là cả một tấm chân tình.

Dừng chân tại những nghĩa trang liệt sỹ nằm rải rác khắp miền Trung, người “lính già” cùng thứ nhạc cụ đặc biệt của mình cứ ngân nga hết giai điệu này đến giai điệu khác. Đã nhiều lần ông đến thăm đồng đội nhưng chắc chắn chưa bao giờ cảm xúc của ông lại trọn vẹn đến thế.

Ông Hỏa tâm sự: “Đó là lời thăm hỏi, lời cảm ơn và cũng là lời báo cáo của ông tới với những nguời đồng đội đang yên nghỉ rằng tôi đã tìm được, đã làm được ra cây sáo Từ Tâm, ra thứ âm thanh đặc biệt này để những đồng đội kém may mắn, có thể cùng tôi mang âm nhạc đến cho cuộc sống.”

Bởi ông tin rằng, đồng đội của ông vẫn luôn ở bên ông, đồng hành cùng ông trong suốt cuộc hành trình 16 năm qua./.

Tác giả: Lâm Phan-Hoàng Đạt
Thiết kế: Thanh Trà