‘Vá’ những góc khuất

Miên man chia sẻ câu chuyện về thế giới bên trong của những người đồng tính nam, Anh Quốc Kiệt (thành viên nhóm Sóng Biển, Ninh Hòa, Khánh Hòa) trầm tư bộc bạch, có những góc khuất trong tâm hồn mà họ rất khó có thể tự tin để chia sẻ với những người thân về giới tính thật của mình. Thậm chí có nhiều người, tâm trạng u uất triền miên khiến họ nảy sinh tư tưởng chán đời “được ngày nào hay ngày ấy”, quan hệ tình dục bừa bãi, trong đó, không ít người mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Với anh, mấy năm nay, triền miên là những chuyến đi du lịch, đi suối, thác, leo núi, đi biển, đảo, đến các điểm vui chơi giải trí để xả stress, để kết nối cho đối tác của mình vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý khi phát hiện ra mình mắc căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS.

Kiệt kể: “Có lần, đang đi trên chiếc tàu ra đảo, họ tưởng tượng gì tôi cũng không rõ, nhưng có thể cảm nhận thấy họ chuẩn bị gieo mình xuống nước. Tôi phải đứng bên cạnh họ, nắm bắt được tâm lý để họ không có cơ hội làm những việc dại dột ấy…”

Rồi có khách hàng Kiệt gặp, khi biết được kết quả họ có HIV trong người, họ dằn vặt, họ day dứt, họ hận, thậm chí có một vài người ở trong khoảnh khắc nhất định họ cảm thấy căm thù những người xung quanh, thấy một cuộc đời đầy tăm tối, rồi là ý nghĩ quyết tâm trả thù đời!…

Có người sau khi nhận được kết quả, họ cứ hình dung mình đứng trước một vách núi đá, muốn gieo mình xuống đó để chấm dứt mọi sự…

Đã ba năm nay, Anh Quốc Kiệt thỉnh thoảng lại gặp một vài trường hợp như vậy, rồi từ việc rơi vào những dòng cảm xúc rất hỗn độn cùng với những người bạn đặc biệt ấy, Kiệt phải làm mọi thứ đưa họ trở lại với cuộc sống thực tại… Có người sau khi nhận được kết quả, họ cứ hình dung mình đứng trước một vách núi đá, muốn gieo mình xuống đó để chấm dứt mọi sự…

Đã ba năm nay, Anh Quốc Kiệt thỉnh thoảng lại gặp một vài trường hợp như vậy, rồi từ việc rơi vào những dòng cảm xúc rất hỗn độn cùng với những người bạn đặc biệt ấy, Kiệt phải làm mọi thứ đưa họ trở lại với cuộc sống thực tại…

Cuộc sống của những người đồng tính nam bị nhiễm HIV/AIDS dường như đã trở thành cuộc sống của chính anh, những đau đớn và dằn vặt của họ là cảm xúc của anh, chỉ khác, anh mạnh mẽ hơn và có thể giúp họ vượt qua nỗi đau để sống nốt quãng đời còn lại.

Anh Quốc Kiệt tư vấn cho một bạn trẻ trong nhóm MSM. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Anh Quốc Kiệt tư vấn cho một bạn trẻ trong nhóm MSM. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Người nắm giữ những bí mật

Căn nhà nhỏ nằm nép mình trên con phố của Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) nhiều năm nay đã trở thành điểm hẹn đáng tin cậy của những trái tim “lỗi nhịp.”

Ngôi nhà của nhóm Sóng Biển (một tổ chức cộng đồng chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống-Life, Dự án VUSTA-Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS ) được trang trí tỷ mẩn đến từng chi tiết nhỏ. Từ những chiếc bàn ghế làm việc một màu trắng toát, bức tường vách ngăn với hoa văn tinh tế, những chiếc tủ ngăn nắp trưng bày trên đó các loại bao cao su, tài liệu hướng dẫn tình dục an toàn, kiến thức phòng bệnh HIV… hay những chiếc banner tuyên truyền có hình ảnh hai chiếc bao cao su lồng trong đó với hai người đứng hôn nhau… Nơi đây từ lâu đã trở thành địa chỉ, thành mái ấm chở che cho biết bao số phận.

Không ngoa khi phong cho Kiệt là một “ông trùm” nắm giữ những bí mật trong thế giới của những người đồng tính nam.

Dáng vẻ thân thiện, phong cách trẻ trung, nhìn bên ngoài không ai nghĩ Kiệt đã 47 tuổi. Bởi trong mọi câu chuyện, lời nói, chỉ nghĩ Kiệt như một người anh rất đỗi gần gũi.

Trò chuyện về công tác phòng chống HIV trong những người đồng tính nam, Anh Quốc Kiệt cởi mở, không chút ngượng ngùng.

Ngồi trong căn phòng nhỏ, xung quanh la liệt một loạt đồ dùng rất “nhạy cảm” tư vấn như bao cao su, bơm kim tiêm, những tờ rơi về cách quan hệ tình dục sao cho an toàn,

 Kiệt xuề xòa cười: “Nghề của mình mà, sao mà ngượng ngùng được, thậm chí mình còn ‘chai mặt’ với những khách hàng của mình, để giúp và đưa họ quay về với cuộc sống, tìm lại được niềm vui cho chính mình.”

Những năm qua, anh đã tiếp xúc, vận động hàng trăm người trong nhóm những người đồng tính nam đi xét nghiệm HIV, tuyên truyền các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.

Anh tận dụng mọi phương pháp kết nối như facebook, zalo, lên các diễn đàn của những người đồng tính nam đăng hình ảnh của mình là một tư vấn viên của cộng đồng xét nghiệm máu để tìm ra HIV.Có người, Kiệt chủ động liên hệ và thuyết phục họ đi xét nghiệm. Có người âm thầm điện thoại cho Kiệt chia sẻ: “Em muốn đi xét nghiệm, nhưng anh giữ tên, giữ bí mật cho em để, không ai biết.”

Có người đắn đo với Quốc Kiệt: Lỡ dương tính thì sao? Những lúc đó Kiệt sẽ là chỗ dựa, âm thầm kết nối để điều trị cho những người bạn đồng hành của mình, không cho bất kỳ người nào biết, không tiết lộ thông tin của khách hàng, để họ tin tưởng làm theo.

Kể về trường hợp “hao công tốn sức” thuyết phục nhất trong thời gian gần đây, anh Kiệt cho hay, đó là một nam thanh niên 21 tuổi, ở Khánh Hòa.

Kiệt nhớ lại: “H. là callboy (bán dâm nam), do một người bạn giới thiệu với tôi. Nhà cậu đó xa, cách nhà tôi 28km. Suốt một tháng trời thuyết phục đi khám, rồi uống thuốc điều trị, chúng tôi thường xuyên hẹn nhau ra quán càphê, đi chơi, nói chuyện, khuyên nhủ.”

Kiệt xót xa: “H. cũng có ý thức dùng bao cao su khi quan hệ với người bạn trai của mình, tuy nhiên trong khoảng 3-4 lần sau đó cậu đã không dùng bao khi quan hệ và có thể bị nhiễm bệnh HIV từ người tiêm chích ma túy. Có lúc người như mơ hồ, cậu bé cứ quẩn quanh với bệnh HIV mà mình đang mang trong người. Lúc đó, cậu ấy cứ hình dung sẽ đi đến một đỉnh núi, rồi gieo mình xuống để chấm hết mọi đau khổ.”

Hiểu được tâm lý của H., Kiệt đã phải thường xuyên gọi điện thoại để trao đổi, hẹn rất nhiều cuộc, đi chơi, ân cần an ủi người bệnh để họ tin tưởng và nghe theo những lời tư vấn của mình.

Nhớ lại chuyến đi cách đây gần 7 tháng, khi đưa H. đi trên chuyến tàu ra đảo… mọi hành động, mọi bước đi của H., Kiệt đều phải dõi theo.

Trong một phút túng quẫn, H. đã định nhảy qua thành tàu xuống biển để kết liễu cuộc đời, rất nhanh, Kiệt đã nhào ra ôm H. và ra sức khuyên nhủ.

Mọi nỗ lực của Kiệt đã được đền đáp khi sau 6 tháng điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), tình trạng sức khỏe của H. đã ổn định hơn, tinh thần cậu đã lạc quan trở lại và đã tăng 5-6 kg so với trước đó.

Hiện giờ cậu đã đi làm công việc ở nhà hàng, uống thuốc đều đặn, thỉnh thoảng có thời gian rảnh H. vẫn ghé qua nhóm thường xuyên.

Xét nghiệm máu để phát hiện HIV. (Ảnh: AFP)
Xét nghiệm máu để phát hiện HIV. (Ảnh: AFP)

Xin đừng quên tôi

Trong căn nhà nhỏ ấy, chia sẻ những dòng tâm sự về giới tính thật của mình, Đ.TH.L (26 tuổi) ở Quy Nhơn không một chút do dự: “Em biết được giới tính của mình là cách đây 6-7 năm, khi em học hết cấp 3 và nhận thấy mình chỉ có cảm tình với các bạn nam. Lúc đó, em vô cùng hoang mang trước giới tính của mình. Em thấy buồn và sợ ba mẹ biết buồn hơn nên đến giờ em vẫn không nói thật cho bố mẹ biết.”

L. cho hay, lần đầu tiên em quan hệ tình dục với bạn đồng giới cách đây 3 năm và không sử dụng biện pháp bảo vệ. Sau đó, em gặp anh Kiệt và được anh nhiệt tình đưa đi xét nghiệm và chỉ dẫn cách quan hệ tình dục an toàn.

Từ khi gặp anh Kiệt, L. đã đi xét nghiệm được 2-3 lần, kết quả đều âm tính với HIV.

Ngồi hướng dẫn tỷ mỷ cho các bạn nam đồng tính cách sử dụng bao cao su, cách quan hệ tình dục anh toàn, Kiệt không hề thấy thẹn thùng, ngượng ngùng. Công việc này đã trở nên thân thuộc và mấy năm nay vẫn diễn ra như thế.

Khi hỏi về cơ duyên nào dẫn anh đến với công việc này? Kiệt cười, nó như là một cái nghiệp duyên. Có người bạn đã giới thiệu anh vào làm nhóm cộng đồng này từ năm 2015.

“Rồi cứ làm, mình thấy công việc này hay. Toàn là những việc thiện, nhân đạo để cứu người nên mình thích, cứ cuốn theo công việc, dù mỗi tháng đồng lương ít ỏi chỉ đôi triệu đồng. Giúp mọi người dường như là cơ duyên. Với nhiều người, mình đâu có biết họ bị. Họ vẫn sống, đi chơi, ăn uống bình thường, chỉ có đi xét nghiệm mới biết kết quả nhiễm HIV.”

Từ những con người không quen biết sau lại trở thành người thân thiết, thậm chí còn thân hơn những người cùng huyết thống vì biết được những bí mật của nhau, Kiệt đã phải nỗ lực để tạo được sự tin tưởng tuyệt đối từ họ.

“Có những người tôi gặp, tôi vận động, ở một giai đoạn nào đó, họ phát hiện ra mình nhiễm HIV/AIDS từ lúc nào không hay. Chính điều này khiến những góc khuất trong tâm hồn của họ dường như tăng lên gấp bội và dường như cái hố chứa những bí mật đó ngày càng được đào sâu hơn,” Kiệt tâm sự.

Với những người trong nhóm Sóng Biển ấy, trong hành trình vận động các đối tác của mình từ không quen biết để họ tự nguyện đi xét nghiệm là cả một chặng đường không hề đơn giản. Từ những con người không quen biết sau lại trở thành người thân thiết, thậm chí còn thân hơn những người cùng huyết thống vì biết được những bí mật của nhau, Kiệt đã phải nỗ lực để tạo được sự tin tưởng tuyệt đối từ họ.

Trong 3 năm nay, một mình Kiệt thuyết phục được 7 trường hợp sau khi phát hiện có HIV đi điều trị.

Kể về những công đoạn khi tiếp xúc với bệnh nhân phát hiện có HIV, Kiệt cho hay với mỗi đối tác của anh khi phát hiện có bệnh, anh giúp họ kết nối với các cơ sở y tế để điều trị, mua bảo hiểm y tế cho họ.

Chỉ vào chiếc banner có hình ảnh rất nhạy cảm: hai chiếc bao cao su với hai người đứng hôn nhau trên đó, Quốc Kiệt cười: “Chúng tôi làm theo khẩu hiệu trên đó ‘Xin đừng quên tôi’”.

“Bởi dù có gì đi chăng nữa, mục đích cuối cùng của tôi chuyển tải đến các bạn đồng tính nam là các bạn cứ làm những việc mình thích, làm những gì tâm hồn bạn chỉ dẫn, chúng tôi chỉ mong các bạn luôn có hình ảnh này trong đầu và thực hiện đúng như vậy thì cuộc sống của bạn mạnh khỏe, bạn có thể vui tươi và không làm chính bản thân mình cũng như mọi người xung quanh phải lo lắng gì,” Quốc Kiệt giãi bày.

Nhớ lại những trường hợp mình dày công vận động họ, Kiệt cho hay, có những người đồng tính nam anh tiếp xúc thoáng qua, như một phản xạ tự nhiên trong công việc, chỉ đơn giản là khuyên họ đi xét nghiệm để biết tình trạng bệnh của mình, cũng như tuyên truyền với họ làm sao giữ an toàn khi hoạt động tình dục.

Có những người mình nghĩ họ không bao giờ có HIV. Vậy mà kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn ngược lại. Nhiều người sau khi biết kết quả vật vã, đau khổ, thậm chí có rất nhiều người khóc suốt và đòi tự tử.

Những lúc đó, mình chỉ biết động viên họ cần vượt qua, bởi rất nhiều người bị HIV trên toàn thế giới họ vẫn sống tốt, sống lâu khi họ tuân thủ điều trị.

“HIV hiện nay mọi người vẫn xem như đây chỉ giống như một bệnh nan y, uống thuốc hàng ngày như bệnh tiểu đường, tim mạch… huyết áp. Có những người khi phát hiện ung thư giai đoạn cuối chỉ sống được khoảng một năm, thậm chí có nhiều trường hợp vài tháng sau khi phát hiện bệnh đã ra đi. Còn với những người có HIV, khi phát hiện bệnh, uống thuốc đều cuộc sống của họ vẫn kéo dài như thường, thậm chí cả chục năm sau vẫn sống khỏe, sống tốt. Em phải sống khỏe, sống tốt vì cộng đồng và gia đình,” anh Kiệt phân tích với những người trong nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) của mình.

Rồi từ những người bạn đó, Kiệt lại có mắt xích để kết nối với những người khác. Anh Quốc Kiệt tâm sự: “Cuộc đời mình là những chuyến đi nối dài những chuyến đi. Với tôi, việc giúp được mỗi một con người tìm lại được mình là một thành quả lớn nhất. Không phải khi đã vận động xong họ uống thuốc rồi mình bỏ đâu, thỉnh thoảng vẫn điện thoại động viên, nhắc nhở họ uống thuốc đều đặn…”

Thuốc ARV được đóng gói để cấp phát cho bệnh nhân điều trị HIV. (Ảnh: TTXVN)
Thuốc ARV được đóng gói để cấp phát cho bệnh nhân điều trị HIV. (Ảnh: TTXVN)

Người nhiễm HIV ở nhóm MSM gia tăng nhanh nhất

Thống kê mới nhất công bố năm 2017 của Bộ Y tế cho thấy, trong những năm gần đây số người nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) gia tăng nhanh nhất, chiếm số lượng lớn nhất trong các đối tượng có thể lây truyền bệnh HIV/AIDS như: nghiện chích ma túy, mại dâm, từ mẹ sang con…

Tính đến tháng 5/2017, cả nước có 209.754 người nhiễm HIV còn sống. Cho đến nay, đã có 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.

Về đường lây truyền, trong số người nhiễm HIV phát hiện mới, tỷ lệ lây qua đường tình dục chiếm 48%, qua đường máu là 33%, mẹ sang con là 3%. Như vậy đường tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Bộ Y tế cảnh báo dịch HIV ở Việt Nam ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Đặc biệt, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng liên tục từ năm 2013 trở lại đây. Tỷ lệ này là 7,36% theo nguồn giám sát trọng điểm năm 2016.

Tại Khánh Hòa, bác sỹ Trần Văn Tin – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa cho biết, phân bố các trường hợp nhiễm HIV theo nhóm đối tượng, trong tổng số 101 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2016, nhóm nam tình dục đồng giới (MSM) chiếm 18,8% (tăng 11,3% so với năm 2015); nhóm nghiện chích ma túy chiếm 18,8%, tăng 5,9%; nhóm phụ nữ bán dâm chiếm 3%, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng còn lại như bệnh nhân nghi AIDS, phụ nữ mang thai giảm thấp hơn so với cùng kỳ 2015.

Lấy máu xét nghiệm cho một bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)
Lấy máu xét nghiệm cho một bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Chính vì vậy, công tác vận động, tuyên truyền để giảm sự lây nhiễm ở đối tượng MSM này đang trở thành trọng điểm hướng tới tại nhiều thành phố lớn.

Những năm qua, bên cạnh sự tham gia của các cơ quan chức năng, thì sự tham gia mạnh mẽ của các nhóm, tổ chức xã hội vào công tác phòng chống HIV/AIDS đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.

Điển hình như tại Khánh Hòa, bên cạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các ban, ngành, đoàn thể, còn có hoạt động của các nhóm, tổ chức xã hội (CBO) rất hiệu quả. Hiện có 3 nhóm CBO đang hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Khánh Hòa, bao gồm: nhóm CBO Bồ Công Anh (Nha Trang, Diên Khánh), CBO Sóng Biển (Ninh Hòa, Vạn Ninh), CBO Bạn và tôi (Cam Ranh, Cam Lâm).

Nhóm Sóng Biển được thành lập từ ngày 14/6/2015, thuộc Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (Life) thuộc Dự án VUSTA, Qũy toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. Đây là một mô hình phòng chống HIV/AIDS dựa vào các tổ chức cộng đồng (CBO). Địa bàn hoạt động của dự án: Huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa.

Năm 2015, nhóm Sóng Biển hoạt động với sự tham gia của 8 thành viên.Đến nay, nhóm có 18 thành viên. Đối tượng can thiệp là Nhóm nam quan hệ tình dục với nam (MSM), người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm.

Chị Đoàn Thị Mỹ Châu – Trưởng nhóm Sóng Biển cho hay, trong 6 tháng đầu năm qua, Nhóm Sóng Biển đã chuyển gửi được 13 người dương tính với HIV và kết nối thành công 13 người này với cơ sở điều trị bằng thuốc ARV.

Để có được kết quả đó, các thành viên trong nhóm thường xuyên đến gia đình có người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS để tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, đồng thời chủ động tiếp cận với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao để tuyên truyền vận động các đối tượng đến các cơ sở dịch vụ để xét nghiệm, điều trị…

Hàng ngày, các tiếp cận viên của nhóm gặp gỡ đối tượng của mình, tìm hiểu các đặc điểm, thói quen, hành vi, văn hóa để từ đó thực hiện hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.

Ba năm qua, những thành viên của nhóm Sóng Biển, bằng sự nhiệt tâm âm thầm đồng hành để động viên, sát cánh với những con người tưởng chừng như không lối thoát tìm lại được mình, trở lại với công việc và nở nụ cười trên môi.

Với họ, ngôi nhà Sóng Biển như là một nơi tiếp nối thêm sức mạnh để họ tự tin, quay trở lại với cuộc sống thường nhật mà tưởng chừng có những lúc họ đã muốn rũ bỏ…/.