Quyền Văn Minh

Sau những chương trình “Quyền Văn Minh và bạn vè với nhạc jazz” đến “Cha, con và jazz”… người được ví là “thuyền trưởng chèo lái con thuyền jazz Việt” – nghệ sỹ Quyền Văn Minh tiếp tục cùng các thế hệ học trò chơi “concert jazz” tối 27/10 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Khác chăng, là lần này, vị thuyền trưởng không để mình là tâm điểm mà đặt 20 năm câu lạc bộ Bình Minh Jazz lên trên 50 năm cuộc đời âm nhạc.

Vẫn theo tinh thần giao thoa và đối thoại Đông – Tây, “concert jazz” lần này chơi hơn 20 tác phẩm. Mở màn là tiết mục hòa tấu “Giai điệu quê hương” của tài năng saxophone 9 tuổi Tuệ Anh và dàn Big Band lên tới 50 cây kèn. Nhạc sỹ kiêm nghệ sỹ saxophone Quyền Văn Minh sẽ chỉ biểu diễn 3 tác phẩm trong đêm nhạc. Thành ra, các thế hệ học trò như Hồng Kiên, Bảo Long, Hùng Sơn, Bùi Xuân Hòa, Nguyễn Hoàng An, Lê Duy Mạnh… và Quyền Thiện Đắc sẽ “cân” toàn bộ qua những màn biểu diễn solo, hòa tấu cùng các ca sỹ Diệu Thúy, Thanh Thảo các tác phẩm jazz Việt như “Giai điệu Sapa,” “Ngày hội mùa,” “Vấn vương,” “ À ơi”… và các tác phẩm jazz quốc tế nổi tiếng như “Now the time,”“All the thing you are, “ “How in sensitive,” “I love you”…

‘Tôi muốn đêm nhạc là một cuộc chuyển giao thế hệ chứ không phải tôn vinh cá nhân’

Trước câu hỏi về việc quyết định lùi lại phía sau trong đêm nhạc kỷ niệm thành tựu cuộc đời âm nhạc và câu lạc bộ jazz Việt, nghệ sỹ Quyền Văn Minh lý giải: “Tôi muốn đêm nhạc là một cuộc chuyển giao thế hệ chứ không phải tôn vinh cá nhân. Tre phải biết già thì măng mới mong mọc được. Jazz Việt phải là một phong trào chứ không chỉ ở hoạt động riêng lẻ của một vài cái tên. Thế nên đêm nay tôi sẽ giới thiệu từ những nghệ sỹ jazz kỳ cựu, đến lớp nghệ sỹ đương đại, và có cả lớp tài năng nhí chỉ mới 9- 10 tuổi.”

Câu lạc bộ Bình Minh Jazz sau 20 năm hoạt động không chỉ là điểm đến của công chúng yêu nhạc jazz mà còn tập hợp được đội ngũ nghệ sỹ theo đuổi và đam mê nhạc jazz. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Câu lạc bộ Bình Minh Jazz sau 20 năm hoạt động không chỉ là điểm đến của công chúng yêu nhạc jazz mà còn tập hợp được đội ngũ nghệ sỹ theo đuổi và đam mê nhạc jazz. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Trước chương trình, Tùng Dương – nam ca sỹ mà tôi đánh giá hát nhạc jazz ra chất nhất Việt Nam bây giờ có gọi cho tôi khẩn khoản, “50 năm sự nghiệp của chú mà không cho cháu hát à? Cháu giờ giàu rồi không cần chú phải trả tiền đâu!” Tôi rất xúc động nên đùa Dương, “mày nhớ đấy nhé!” Nhưng thực ra, đêm nay tôi không muốn tôn vinh mình mà để khoe dàn nhạc 50 cây kèn và các nghệ sỹ học trò của tôi.

Sau 20 năm câu lạc bộ Bình Minh Jazz và 50 năm cuộc đời hoạt động âm nhạc, vẻ như “con-đường –jazz” không chỉ đam mê mà còn là cuộc đời, sự nghiệp của người nhạc sỹ, nghệ sỹ này. Giữa Quyền Văn Minh và jazz là sự liên kết, giữa Quyền Văn Minh và các thế hệ học trò cũng là sự liên kết. Mặc dù để duy trì sợi dây liên kết suốt 20 năm là nỗ lực và tham vọng cô độc của một người trong nửa thế kỷ.

Trong 20 năm hoạt động, câu lạc bộ Bình Minh jazz phải trải qua 6 lần phải di dời địa điểm (trong đó có hai lần cháy nhà lâm vào tình cảnh khốn đốn, tán gia bại sản). Đến bây giờ, nghệ sỹ Quyền Văn Minh vẫn chật vật “nuôi” câu lạc bộ khi nó vẫn thuộc về một bộ phận khán giả hẹp. “Đánh đổi thì chỉ là về kinh tế, mọi trang thiết bị trong cuộc của tôi là tối thiểu. Nhiều người bảo, thôi già rồi mua cái ôtô đi che mưa nắng. Tôi cười bảo, cuộc đời tôi đổi qua 6 chiếc ôtô rồi, để chơi mỗi tối thì cũng sướng đấy chỉ ngại đổ xăng thôi. Ấy thế mà cũng đổ được 20 năm rồi còn gì nữa…”

Nhớ lại thời điểm quyết định gác lại một số chương trình độc tấu cá nhân và nhiều lời mời hấp dẫn để thành lập câu lạc bộ, Quyền Văn Minh bị bạn bè kịch liệt phản đối, thậm chí mắng mỏ là “điên, có ai nghe thứ nhạc ấy đâu!”

“Tôi đấu tranh tư tưởng suốt ba ngày để chọn việc tiếp tục công việc biểu diễn đảm bảo cuộc sống và duy trì danh tiếng hay là phiêu lưu mở câu lạc bộ, gây dựng một ngành nghề.

Nghĩ đến một nơi tập hợp các anh em nghệ sỹ chơi nhạc jazz để đưa dòng nhạc này đến với công chúng thực sự yêu thích và am hiểu nó khiến tôi quyết định nhanh chóng. Tiếp theo đó, tôi nhận lời mở khoa kèn saxophone ở Nhạc viện Hà Nội. Tôi nghĩ, đời người được làm thầy thật vinh quang. Sau này, tôi đầu tư cho Quyền Thiện Đắc đi học saxophone ở thánh đường âm nhạc Berklee cũng để chứng minh ngành saxophone có những tiến sỹ, thạc sỹ được tiếp cận học thuật thế giới như các ngành khác.”

Sau 20 năm duy trì hoạt động, nghệ sỹ Quyền Văn Minh cho rằng, cái được của câu lạc bộ Bình Minh Jazz là giữ được nhịp điệu của dòng nhạc này đều đặn vào mỗi tối.

Chậm rãi khuấy tách cà phê tại câu lạc bộ Bình Minh jazz nằm khuất lấp ngay phía sau Nhà hát Lớn, nghệ sỹ Quyền Văn Minh ôn lại 50 năm “phải lòng” nhạc jazz. Đó là năm Quyền Văn Minh mới là cậu bé 14 tuổi, đến nhà người anh chơi thì được rủ lên gác nghe nhạc và ngay lập tức gặp “tình yêu sét đánh” khi nghe một đĩa nhạc jazz.

(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Từ một người chơi đàn guitar, Quyền Văn Minh mày mò tự học saxophone và tích lũy kiến thức âm nhạc để là người đầu tiên mang jazz về Hà Nội, ông còn là người khai phá, mở ra ngành saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (1989).

50 năm dành tình yêu và công sức cho jazz, điều khiến nghệ sỹ Quyền Văn Minh tâm đắc và trăn trở nhất là dùng nhạc cụ phương Tây, kết hợp với jazz để chuyển hóa những giai âm truyền thống của Việt Nam.

Tôi hiểu các loại hình văn hóa nghệ thuật luôn gắn với đời sống con người . Tùy vào mức độ tiếp cận và phổ biến mà loại hình đó lên ngôi ở giai đoạn cụ thể nào đó. Văn hóa thưởng thức cần được hình thành từ việc tạo thói quen nghe cho công chúng.

“Ba tháng đầu tiên ở địa điểm đầu tiên khi Triển lãm Giảng Võ tối nào cũng có bạn Việt Nam đến ủng hộ. được vài hôm thì mọi người bảo, thôi ông thổi nhạc Trịnh cho chúng tôi nghe chứ nhạc Tây nhí nhố nghe làm gì.

Tôi có người bạn rất tốt và giàu bảo, nếu Minh thổi ca khúc, tình khúc thì họ sẽ kéo khách đến uống rượu để Bình Minh Jazz sống ổn. Tôi chỉ cười bảo, cả đời tôi có mỗi sự nghiệp này, lúc tôi về trường dạy để gây dựng thế hệ học trò thì ông khen là quá vĩ đại, giờ ông lại nóng ruột xúi tôi đi thổi kèn bán rượu…

(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhưng đúng là từ đó về sau người bạn không đến nữa. Đến khi tôi ra đĩa tình khúc, bạn lại quay lại ủng hộ. Nghe đâu đĩa tình khúc đó trở thành đĩa hòa giải, cứ vợ chồng cãi nhau mà nghe đĩa đó là làm lành. Ấy thế mà đến khi tôi làm đêm giao thoa dân gian Việt Nam và jazz, mang vé mời bạn, bạn lại vẫn hỏi “có ca khúc, tình khúc không?” (cười) Khi tôi trả lời là có dân gian truyền thống chơi với nhạc jazz, bạn lắc đầu bảo “giả cầy nghe nhức đầu lắm!” (lại cười)

Thật ra, tôi không buồn bạn, nhớ câu chuyện này, rồi kể rông dài chỉ để thấy, hình thành hay thay đổi thói quen thưởng thức của công chúng là khó lắm và lâu lắm.” Nhưng cũng đáng mừng là khán giả trẻ hiện nay tìm đến với jazz nhiều hơn. Nguyên do có thể một phần do đời sống văn hóa bão hòa, họ muốn tìm về những gì thú vị hơn, mới lạ hơn, để thưởng thức nhiều hơn. Nhưng không thể phủ nhận là jazz Việt đã bắt đầu có bản sắc riêng.”

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh tâm sự: Làm nghệ thuật ở Việt Nam cũng giống như trồng một cái cây, để cây sống đã vô cùng vất vả, người nghệ sỹ công hiến nghệ thuật chân chính nếu đào sâu, tìm tòi và sáng tạo ra được sản phẩm cá nhân thì lúc đó cây mới cho ra quả ngọt.

Mấy chục năm theo đuổi jazz, tầm ngắm ra thế giới, Quyền Văn Minh luôn ấp ủ ước mơ đưa jazz thuần chất Việt Nam xuất khẩu quốc tế. “Nhạc jazz ở phương Tây như chèo của Việt Nam. Chúng ta đi sau hàng trăm năm chỉ bằng bản sắc mới khiến người ta chú ý và công nhận. Tôi không mộng tưởng công trình của tôi vĩ đại, nhưng trăn trở cuối cùng của tôi là nhạc jazz sẽ tiếp tục lan tỏa trong đời sống âm nhạc Việt Nam và các thế hệ nghệ sỹ nhạc jazz của mình sẽ đi biểu diễn quốc tế.”

Sẽ phải còn rất lâu nữa Việt Nam mới có đội ngũ nghệ sỹ chơi nhạc jazz bài bản và chuyên nghiệp để biểu diễn cho công chúng trong nước và đưa jazz Việt đi giới thiệu lưu diễn ở nước ngoài.

‘Anh không giỏi nhất, không gắn bó với nó cả đời thì tên tuổi của anh sẽ không đi vào lịch sử.’

Đó là giấc mơ đầy tham vọng, dù với bất cứ loại hình nghệ thuật nào và ở bất cứ thời điểm nào. Làm nghề gì cũng vậy, nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Anh không giỏi nhất, không gắn bó với nó cả đời thì tên tuổi của anh sẽ không đi vào lịch sử.

Nhưng trong suốt 50 năm theo đuổi con đường của một người nghệ sỹ chân chính, không phải không có những lần người nghệ sỹ Quyền Văn Minh cảm thấy sốt ruột trước những cơ hội được mời hợp tác ở nước ngoài.

“Có những nỗi đau đến giờ nhớ lại vẫn nghẹn đắng ở cổ mình nhưng tôi vẫn kiên định với lý tưởng có lẽ là nhờ tình yêu của người mẹ. Mẹ tôi nói, mẹ chỉ ước con về đoàn Hà Nội. Mẹ chỉ cần con trai mẹ thổi kèn hay thôi. Con thổi kèn hay thì nhà nước trả con một đồng mẹ quý hơn được cho một tỷ đô la. Ngày tôi được phân nhà, mẹ bị tai biến liệt nửa người. Tôi đưa mẹ đến và cõng mẹ lên, thì mẹ dứt khoát bảo, mẹ sẽ nhấc từng bước lên căn nhà nhà nước cấp cho con mẹ. Tôi đi phía sau mà nước mắt lã chã.”

(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Xúc động, gạt nước mắt, nghệ sỹ Quyền Văn Minh nói “Có những những biến cố xảy đến đôi khi khiến mình suýt văng ra khỏi quỹ đạo âm nhạc thì sự nghiêm khắc và cả khắc nghiệt của mẹ đã phanh tôi lại.”

Tình yêu này của người mẹ, được nghệ sĩ truyền tải lại cho con trai Quyền Thiện Đắc. Khi Đắc tính chuyện sau học ở lại làm nhạc công cho sân khấu Paris By Night ở Hải Ngoại, người nghệ sĩ trả lời dứt khoát: “Anh có hai điều kiện không phải hỏi bố, một là ở lại trường dạy và hai là mỗi tuần có đêm biểu diễn tại thánh địa nhạc jazz New Orleans,” – đó là hai điều không tưởng và Đắc nghe lời bố trở về.

Về nước rồi, chàng trai trẻ cũng vẫn chông chênh, vẫn bị những áp lực của cơm áo gạo tiền thường ngày làm ảnh hưởng đến niềm đam mê nghệ thuật. Khi đó, Quyền Văn Minh đã nói với đứa con trai duy nhất của mình rằng: “có lẽ bố con mình nên tuyệt tình. Bố cho con đi học ở một trong những trường đỉnh cao về âm nhạc thế giới Beklee để con thay bố tiếp tục con đường duy trì jazz Việt và dạy ngành saxophone ở Việt Nam. Nếu đệm cho ca sỹ hạng C mà gọi đó là nghệ thuật thì anh đừng gọi tôi là bố.”

Với điểm tựa tinh thần này của cha, Quyền Thiện Đắc nay đã thành là “thuyền trưởng mới” tiếp tục duy trì hoạt động câu lạc bộ Bình Minh Jazz và khoa kèn saxophone. Nhưng, với nghệ sỹ Quyền Văn Minh thì đơn giản chỉ “Đắc mới là truyền nhân của tôi thôi!”Bởi ông – với tham vọng của mình, không muốn con trai mình lại tiếp lối độc hành mà ông đi hơn nửa thế kỷ qua, ông muốn con đường Jazz Việt sẽ ngày càng có nhiều người đi, khai phá và lan tỏa…/.

(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)