Sau rất nhiều năm được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng của các quốc gia cũng như nhiều lĩnh vực dân sinh, amiăng bỗng trở thành câu chuyện “nóng” mang tính toàn cầu, kể cả ở các quốc gia tiêu thụ cũng như quốc gia xuất khẩu nhiều loại khoáng sản này.
Câu chuyện bắt nguồn từ những công bố của các tổ chức chuyên ngành về việc amiăng có thể gây ung thư. Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư cho rằng các loại amiăng gây ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, bệnh bụi phổi amiăng ở người; trong đó, amiăng trắng được cho là có thể gây ung thư trung biểu mô.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thậm chí đã công bố con số thống kê cho thấy hiện có khoảng 125 triệu người trên thế giới bị phơi nhiễm amiăng tại nơi làm việc và khoảng 107.000 người chết mỗi năm.
Với mối quan tâm và trách nhiệm lớn dành cho một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của quá trình phát triển ở mỗi quốc gia là môi trường sống và sức khỏe con người, nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành đã vào cuộc nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này, trong đó có nhiều nghiên cứu công phu được tiến hành tại các nước phát triển như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Liên bang Nga, Canada…
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu tác hại của amiăng đã và đang trở thành một mối quan tâm lớn.
Tại Việt Nam, một trong 7 quốc gia sử dụng amiăng nhiều nhất trên thế giới, việc nghiên cứu tác hại của amiăng đã và đang trở thành một mối quan tâm lớn.
Cũng đã có những kết quả ban đầu được công bố, tuy nhiên, cả hai bên đều chưa thực sự tìm ra được câu trả lời thỏa đáng nhất với đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục nhất. Bên cạnh đó, việc không phân biệt rạch ròi giữa amiăng sợi màu và amiăng trắng cũng đang gây ra những nhầm lẫn đối với cộng đồng.
Và, trong khi câu hỏi amiăng có thực sự là tác nhân gây ung thư hay không vẫn chưa có đáp số chính xác thì câu chuyện đối với ngành công nghiệp khai thác amiăng, sản xuất các vật liệu từ amiăng vốn tồn tại nhiều thập kỷ nay trên thế giới lại đang đặt ra nhiều bài toán không dễ giải quyết dưới nhiều góc độ kinh tế, xã hội, dân sinh.

Ấn tượng Yasniy-Orenburg
Nhìn người đàn ông có phong thái lịch thiệp nhưng tràn đầy năng lượng, từng cử chỉ, lời nói, nụ cười đều toát ra nhiệt tình sống, mang đến cho người đối diện cảm giác ấm áp, ít ai nghĩ ông đã xấp xỉ 60 tuổi và có tới 37 năm liên tục làm việc trong một mỏ khai thác và chế biến amiăng trắng – công việc vốn vất vả và độc hại. Ông là Matusevich, một công nhân mỏ kỳ cựu, phụ trách kỹ thuật của Công ty Khoáng sản Orenburg, thuộc tỉnh Orenburg, tiếp giáp biên giới Nga và Kazakhstan.
Sinh ra tại thị trấn Yasniy xinh đẹp nhưng thời tiết khá khắc nghiệt, mùa Hè nóng tới trên 40 độ C và mùa Đông lạnh tới âm 40 độ C, cả cuộc đời ông Matusevich đã gắn với mỏ amiăng này, và hiện cả ba người con của ông đều theo nghiệp cha, làm việc tại Công ty Khoáng sản Orenburg.
Người công nhân mỏ không chỉ giỏi kỹ thuật mà còn mê chơi khúc côn cầu và uống rượu rất giỏi này, cùng với những cộng sự mà chúng tôi được tiếp xúc trong ba ngày lưu lại thị trấn Yasniy, đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng khó quên về thị trấn giáp biên giới thanh bình.
Ấn tượng Yasniy với chúng tôi còn là hành trình bay gần ba tiếng từ thủ đô Moskva trên chiếc máy bay AK22, với lối lên xuống từ “bụng” máy, vốn đã từ lâu không còn phổ biến và những người trẻ gần như không biết đến nó.
Từ sân bay, một vùng “đồng không mông quạnh,” thêm khoảng 3 giờ chạy xe buýt trên con đường khá gập ghềnh, chúng tôi tới Yasniy vào ban đêm. Phải đến sáng hôm sau, trái với sự tưởng tượng của chúng tôi về một nơi heo hút, Yasniy hiện ra đầy đủ với cảnh sắc mùa Thu vàng tuyệt đẹp đúng “thương hiệu Nga.” Ngay cả cây dại mọc ven đường cũng mang vẻ quyến rũ khó cưỡng. Thật khó tin nơi chúng tôi đang đứng lại chính là khu vực sở hữu mỏ amiăng trắng có trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới – mỏ Orenburg.
Ông Matusevich, một công nhân mỏ kỳ cựu. (Nguồn: Vietnam+)
Có tới 1/4 trong tổng số 20.000 dân đang sinh sống tại thị trấn 56 năm tuổi này đang làm việc trong Công ty Khoáng sản Orenburg hoặc các doanh nghiệp khác thuộc ngành amiăng. Luyện kim, khai thác dầu khí và lắp ráp ôtô là những ngành công nghiệp chính của vùng này. Và ngạc nhiên hơn, Orenburg cũng chính là nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn thứ hai toàn nước Nga, trồng được tất cả các loại lúa mỳ.
Amiăng và các sản phẩm từ amiăng cũng gần như là thứ dễ thấy nhất ở đây, trong cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Nhà ở của người dân, bệnh viện, trường học, khách sạn… nơi đây đều dùng mái lợp, ốp tường… được làm từ nguyên liệu ximăng amiăng. Những tấm lợp ximăng amiăng này có nhiều màu sắc khác nhau, được sản xuất ngay tại Nhà máy tấm lợp trong thị trấn mà chúng tôi có dịp thăm trực tiếp.
Loại vật liệu này có tuổi thọ trung bình lên đến 50 năm, chịu được độ ẩm cao và điều kiện khắc nghiệt, giúp những ngôi nhà và công trình xây dựng giữ ấm về mùa Đông và mát mẻ về mùa Hè khi mà nhiệt độ Đông-Hè ở đây chênh nhau quá lớn, Và đương nhiên, với độ bền và khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt như vậy, sợi amiăng cũng chính là nguyên liệu làm ống dẫn nước tưới tiêu ở vùng sản xuất nông nghiệp lớn thứ hai nước Nga này.

Nước Nga và cách “đối xử” với amiăng trắng
Trong một khu lều được dựng lên rìa cánh rừng tuyệt đẹp, nằm cạnh hồ nước không lớn nhưng đủ tạo thành một bức tranh “sơn thủy hữu tình,” bữa tiệc BBQ ấm cúng với thịt cừu, salad và vodka – đặc trưng Nga, một “tour” cano cao tốc quanh hồ vào lúc hoàng hôn, một “ca” xông hơi ngay cạnh hồ với quy trình “rất Nga”: chạy ra từ phòng xông hơi và thả mình xuống hồ trong cái lạnh mùa Thu bắt đầu tê buốt, cảm giác sảng khoái khó tả thành lời. Và sau đó, lửa được nhóm lên, những điệu nhảy trong tiếng nhạc phát ra từ… loa của chiếc xe hơi cạnh đó, cùng với vodka và những người bạn mà trên gương mặt hầu như không còn dấu vết nào của công việc, chỉ còn khát khao kéo dài niềm vui bất tận…
Chúng tôi đã được trải nghiệm cách mà những công nhân mỏ ở đây thư giãn như vậy, tại khu nghỉ dưỡng Công ty Khoáng sản Orenburg xây dựng riêng cho họ.
Trung tâm điều dưỡng dành riêng cho công nhân với gần 100 giường bệnh cùng đầy đủ các thiết bị điều trị hiện đại, phòng xông hơi, phòng điều dưỡng bằng bùn khoáng, phòng massage bằng tia nước, phòng xông muối, bể bơi… cũng là địa điểm cho thấy người lao động ở Yasniy và Orenburg được “chiều chuộng” thế nào.

Nằm trong nhóm sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới, với mức tiêu thụ đầu người cao gấp bốn lần Việt Nam, Liên bang Nga đã và đang tiến hành các nghiên cứu công phu và thực hiện rất chặt chẽ các khâu kiểm định và kiểm soát các vấn đề sức khỏe trong lĩnh vực này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Liên bang Nga Evtukhov, nước Nga có 130 năm kinh nghiệm sử dụng amiăng với nhiều nghiên cứu liên quan. Có tới 38.000 lao động trên toàn nước Nga đang làm việc trong ngành công nghiệp này. Amiăng Nga được xuất khẩu đi 30 nước trên thế giới.
Từ năm 2013, Bộ Y tế Nga đã đưa ra chính sách loại bỏ các bệnh liên quan đến phơi nhiễm amiăng, và riêng với amiăng trắng, hiện chưa tìm thấy bất cứ nguy cơ nào dẫn tới các bệnh ảnh hưởng sức khỏe con người nếu sử dụng có kiểm soát.

Bà Koschenko, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Phát triển công nghệ và Quản lý rủi ro y sinh đối với sức khỏe, thuộc Bộ Y tế Nga, khẳng định một vấn đề mang tính mấu chốt mà nhiều người vẫn đang nhầm lẫn: amiăng là tên thương mại chung dành cho hai nhóm sợi khoáng sản hoàn toàn khác nhau, nhóm amiăng amphibole (amiăng xanh và nâu) thường khu trú trong cơ thể nếu bị nhiễm, còn amiăng trắng lại bị cơ thể đào thải rất nhanh.
Kế hoạch về việc loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng tại Nga đã đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực này, trong đó khẳng định để đạt được mục tiêu thì việc đầu tiên là cấm sử dụng amiăng nâu và xanh, sử dụng có kiểm soát các loại vật liệu có amiăng trắng.
Ông Andrey Holm, Tổng Giám đốc Công ty Khoáng sản Orenburg, cho biết có tới hơn 500 công nhân đã làm việc liên tục 50 năm trong nhà máy, và trong suốt quá trình hoạt động, công ty chưa chứng kiến trường hợp nào bị ung thư liên quan tới amiăng. Tuổi thọ trung bình của người dân ở vùng mỏ amiăng Orenburg này là 78 tuổi.

Amiăng trắng và cuộc tranh cãi tại Việt Nam
Tại Việt Nam, sợi amiăng trắng được nhập khẩu làm sợi gia cường trong ngành sản xuất tấm lợp, má phanh ôtô và xe tải hạng nặng, dây phanh xe máy và sản phẩm cách nhiệt. Vật liệu bền và rẻ này đã chứng minh giá trị kinh tế của mình trong những ngành công nghiệp kể trên đối với điều kiện đất nước đang phát triển như Việt Nam.
Amiăng trắng đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành sản xuất tấm lợp fibro ximăng với đối tượng tiêu thụ chủ yếu là người có thu nhập thấp tại vùng sâu vùng xa, các địa phương có sương muối hay ngập mặn. Từ nhiều năm nay, tấm lợp fibro ximăng cũng được chọn dùng trong các chương trình hỗ trợ người nghèo như Chương trình 135 và 167 của Chính phủ.
Trong bối cảnh này, đề xuất cấm amiăng trắng trong ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp, xuất phát từ những cảnh báo gây ung thư, đang là vấn đề giành được sự quan tâm không nhỏ của cơ quan chức năng, tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu, hội thảo, hội nghị, đối thoại… đã được tổ chức ở nhiều quy mô khác nhau.
Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục đi tìm lời giải thực sự thuyết phục với đầy đủ chứng cứ khoa học cho vấn đề này thì đề xuất cấm amiăng trắng riêng trong ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp đang đặt ra bài toán kinh tế lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Một đề tài do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện năm 2015 nhằm đánh giá về “Tác động của việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam-Trường hợp tấm lợp fibro ximăng” chỉ ra rằng nếu các doanh nghiệp bỏ sợi amiăng chuyển đổi sang công nghệ sợi PVA thì tổng chi phí lên tới gần 400 tỷ đồng.

Chưa kể, trong quá trình chuyển đổi, giả định chỉ 10% công nhân bị cắt giảm và phải mất thời gian 6 tháng để những người này ổn định việc làm, số tiền lương mất đi sẽ lên đến 15,7 tỷ đồng.
Để tháo dỡ và thay thế hàng tỷ mét vuông tấm lợp fibro ximăng đang được sử dụng, tổng số tiền mà Chính phủ phải chi sẽ là 454,5 nghìn tỷ đồng và người tiêu dùng sẽ phải chi trả 183,5 nghìn tỷ đồng cho chi phí tăng lên do sử dụng tấm sợi PVA (loại vật liệu ít tốn kém nhất để thay thế hiện nay) giai đoạn 2021-2030.
Tuy chưa có một con số thống kê chính thức về tác động kinh tế của việc cấm sợi amiăng trắng đối với toàn bộ các ngành công nghiệp có sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam, nhưng những con số của riêng ngành sản xuất tấm lợp như trên đã đủ cho thấy gánh nặng kinh tế sẽ lớn hơn nhiều nếu áp dụng cho tất cả các ngành khác.
Kết quả một nghiên cứu năm 1999 của Giáo sư, tiến sỹ hô hấp Nguyễn Xuân Triều về ung thư trung biểu mô màng phổi với việc làm sinh thiết cho 203 bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi do ung thư và do lao tìm thấy 15 trường hợp ung thư trung biểu mô, nhưng không có trường hợp nào có tiền sử tiếp xúc amiăng.
Amiăng trắng đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành sản xuất tấm lợp fibro ximăng với đối tượng tiêu thụ chủ yếu là người thu nhập thấp
Với sự tài trợ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm 2009-2011, Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai thực hiện “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc.” Kết quả được gửi sang Bệnh viện Hiroshima xác định chẩn đoán, trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.
Một chương trình Khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp ximăng amiăng trắng cũng đã được Bệnh viện Xây dựng triển khai một cách khoa học, bài bản, định kỳ trong 8 năm, từ 2008 đến 2016) và khám cho tổng số 3.590 công nhân các nhà máy tấm lợp fibro xi măng (những người lao động trực tiếp tiếp xúc với amiăng trắng trong sản xuất). Kết quả hội chẩn 8 năm liên tiếp được công bố bởi Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng trắng.
Những nỗ lực này của các ngành chức năng Việt Nam đã được các chuyên gia quốc tế ghi nhận như một sự quan tâm thỏa đáng dành cho vấn đề quan trọng và loại bậc nhất trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia là sức khỏe người dân.
Ông Lê Hồng Tịnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội tại mỏ amiang trắng Orenburg. (Nguồn: Vietnam+)
Tại cuộc tiếp xúc chính thức mới đây ở Moskva (Liên bang Nga), giữa đoàn công tác Việt Nam do ông Lê Hồng Tịnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội dẫn đầu, đại diện Bộ Y tế Nga, bà Koschenko đánh giá cao việc Việt Nam dành nhiều quan tâm lớn cho những nghiên cứu này. Bà cũng cũng đề xuất Bộ Y tế hai nước Nga và Việt Nam có thể ký kết hiệp định cùng nghiên cứu về vấn đề này vào năm 2019.
Tại Hội nghị về việc sử dụng amiăng trắng trên thế giới và Việt Nam do Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 28/7 vừa qua, các doanh nghiệp đã kiến nghị lên Chính phủ về việc cần xem xét và đánh giá một cách thận trọng, toàn diện trước khi ban hành lệnh cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam.
Trên thực tế, đối với một vấn đề mang tính khoa học có thể ảnh hưởng thiết thực đến sức khỏe, đời sống người dân, sự sống còn của nhiều doanh nghiệp, cũng như tác động đến nhiều vấn đề kinh tế-xã hội, môi trường như thế này, rõ ràng các cơ quan chuyên ngành cần tiếp tục nghiên cứu thận trọng, xem xét trên tổng thể các khía cạnh để tìm ra những bằng chứng khoa học xác đáng, làm cơ sở cho đề xuất cấm hay không cấm sử dụng amiăng trắng, sử dụng có kiểm soát như thế nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và môi trường.
Ở một khía cạnh khác, trong khi cả hai bên vẫn đang tiếp tục quá trình đi tìm câu trả lời cuối cùng thì việc thông tin về amiăng đến công chúng cũng cần phải hết sức khách quan, tránh thiên lệch, bởi nó sẽ gây tác động rất lớn tới tâm lý người dân vốn lâu nay nhạy cảm với câu chuyện ung thư, và vô hình trung trở thành công cụ quyết định số phận của nhiều doanh nghiệp, tác động không nhỏ tới việc làm và đời sống của nhiều ngàn lao động./.
