‘Những ông bố bỉm sữa’

2610swedish-1509030719-68.jpg

Chúng tôi gặp Daniel Gustavsson Pech, một công chức ở Thụy Điển, khi anh đang trong thời gian nghỉ ở nhà chăm cô con gái Nina 9 tháng tuổi. Vừa cho con ăn một cách rất khéo léo, vừa trò chuyện với chúng tôi, Daniel cho biết việc đàn ông nghỉ ở nhà trông con mọn cho vợ đi làm là chuyện khá phổ biến ở Thụy Điển.

Daniel là một ông bố may mắn khi có tới 3 đứa con, và lần nào con anh chào đời, anh cũng sẵn sàng nghỉ việc ở nhà để trở thành “ông bố bỉm sữa.”

Chuyện của Daniel không lạ ở một đất nước được coi là có chế độ nghỉ thai sản hào phóng như Thụy Điển.

Thụy Điển có thời gian nghỉ thai sản rất dài so với nhiều nước trên thế giới. (Nguồn: ILO)
Thụy Điển có thời gian nghỉ thai sản rất dài so với nhiều nước trên thế giới. (Nguồn: ILO)

Thời gian nghỉ thai sản 16 tháng

Theo bà Silvya Augustinsson, quản lý dự án ở Viện Thụy Điển (Swedish Institute), Thụy Điển được xem là một trong những đất nước có chế độ nghỉ thai sản hào phóng nhất thế giới. Ngay từ năm 1974, Thụy Điển đã thay đổi chế độ nghỉ thai sản cho mẹ bằng nghỉ thai sản cho cả bố và mẹ.

Hiện nay, khi sinh con hoặc nhận con nuôi, các cặp bố mẹ ở Thụy Điển được hưởng 480 ngày nghỉ để chăm sóc đứa trẻ. Chế độ này áp dụng đối với bất kỳ ai sinh sống hợp pháp hoặc làm việc tại Thụy Điển.

(Đây là một bức ảnh trong triển lãm ảnh nổi tiếng ‘Swedish Dads’- ‘Những ông bố Thụy  Điển’ của nhiếp ảnh gia Johan Bavman)
(Đây là một bức ảnh trong triển lãm ảnh nổi tiếng ‘Swedish Dads’- ‘Những ông bố Thụy  Điển’ của nhiếp ảnh gia Johan Bavman)

Thời gian nghỉ phép của bố mẹ có thể kéo dài đến khi đứa trẻ tròn 8 tuổi. Quyền nghỉ phép áp dụng cho mỗi đứa trẻ, vì vậy, bố mẹ có thể tích lũy ngày nghỉ phép.

Ngoài thời gian nghỉ 480 ngày, những ông bố, bà mẹ trẻ ở Thụy Điển có quyền giảm thời gian làm việc bình thường tới 25% cho tới khi đứa trẻ lên 8 tuổi, tất nhiên là họ chỉ được trả lương cho thời gian họ làm việc.

Theo thống kê, có tới 95% các ông bố ở Thụy Điển có mặt vào thời điểm đứa trẻ ra đời. Khi con vừa chào đời, họ có quyền nghỉ phép ngay 10 ngày và nếu vợ sinh đôi, người chồng sẽ được nghỉ thành 20 ngày.

Câu chuyện về những ông bố Thụy Điển đã trở thành nguồn cảm hứng tạo nên bộ ảnh nổi tiếng “Swedish Dads” của nhiếp ảnh gia Johan Bavman. Ý tưởng của anh bắt đầu từ chính khoảng thời gian anh nghỉ ở nhà chăm con mọn. Anh đã ghi lại hình ảnh những người bố chăm sóc con cái, tìm hiểu lý do tại sao những ông bố này lại muốn ở nhà và khoảng thời gian này có giá trị với họ như thế nào. Bộ ảnh của anh cũng tạo động lực để có thêm nhiều ông bố sẵn sàng gia nhập “hội bỉm sữa.”

Chị Clara, mẹ của hai em bé Julia và Tora, chia sẻ: “Khi đi làm cả ngày, tôi cảm thấy rất yên tâm vì bọn trẻ đã có bố ở nhà chăm sóc. Để người bố cùng chăm sóc con cái, làm việc nhà… là cách tốt nhất để họ hiểu và chia sẻ trách nhiệm với người mẹ.”

Theo bà Silvya Augustinsson, trên thực tế, vẫn còn một số rào cản khiến cho không phải ông bố nào cũng muốn nghỉ phép, trong đó có lý do thu nhập của người bố thường cao hơn người mẹ. Thêm nữa, mặc dù theo quy định, không có ông chủ hay cơ quan nào được phép từ chối nếu người bố muốn dành thời gian “nghỉ đẻ” để chăm sóc con, nhưng không phải nơi làm việc nào cũng khuyến khích điều này.

Chính sách phúc lợi ưu việt của Thụy Điển cho phép cha mẹ được nghỉ làm tới 16 tháng để chăm sóc đứa con của họ. (Nguồn: YouTube)

Những nỗ lực hướng tới bình đẳng giới

Bà Asa Regne, Bộ trưởng các vấn đề về Trẻ em, Người già và Bình đẳng giới Thụy Điển cho biết chế độ “nghỉ đẻ” dành cho các ông bố chỉ là một trong những biểu hiện của chính sách bình đẳng giới mà Thụy Điển đang nỗ lực thúc đẩy.

Theo Chỉ số về bình đẳng giới năm 2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới bình chọn, Thụy Điển đứng ở vị trí thứ tư. Trong khi đó, theo thông tin mới nhất từ Viện châu Âu về bình đẳng giới (EIGE), Thụy Điển vượt qua Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, trở thành nước đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về chỉ số bình đẳng giới năm 2017.

Theo Bộ trưởng Asa Regne, mục tiêu tổng quát của chính sách bình đẳng giới ở Thụy Điển là phụ nữ và nam giới có quyền như nhau trong việc tạo lập xã hội và cuộc sống của họ.

Mục tiêu tổng quát của chính sách bình đẳng giới ở Thụy Điển là phụ nữ và nam giới có quyền như nhau trong việc tạo lập xã hội cũng như cuộc sống.

Xuất phát từ mục tiêu chính này, Chính phủ Thụy Điển đang nỗ lực hướng tới sáu mục tiêu cụ thể, bao gồm: Bình đẳng về phân chia quyền lực và ảnh hưởng: phụ nữ và nam giới có quyền và cơ hội như nhau để trở thành công dân tích cực và tạo điều kiện cho việc ra quyết định; Bình đẳng về kinh tế: phụ nữ và nam giới phải có cùng cơ hội và điều kiện về việc làm, dẫn đến độc lập về kinh tế; Bình đẳng trong giáo dục: phụ nữ và nam giới, bé gái và bé trai phải có cùng cơ hội và điều kiện về giáo dục, các lựa chọn học tập cũng như phát triển cá nhân; Bình đẳng trong chia sẻ việc nhà cũng như chăm sóc con cái: phụ nữ và nam giới phải có trách nhiệm như nhau đối với các việc trong gia đình và có cơ hội bình đẳng trong việc cho và nhận sự chăm sóc đối với các thành viên trong gia đình; Bình đẳng về chăm sóc y tế: phụ nữ và nam giới, bé gái và bé trai phải có cùng điều kiện để có được sức khỏe tốt; Ngăn chặn bạo lực của đàn ông đối với phụ nữ: phụ nữ và nam giới, bé gái và bé trai phải có quyền như nhau trong việc đảm bảo sự toàn vẹn về thể chất.

Bộ trưởng các vấn đề về Trẻ em, Người già và Bình đẳng giới Thụy Điển Asa  Regne (phải) trong cuộc trao đổi với các phóng viên quốc tế về bình đẳng giới. (Nguồn:  Vietnam+)
Bộ trưởng các vấn đề về Trẻ em, Người già và Bình đẳng giới Thụy Điển Asa Regne (phải) trong cuộc trao đổi với các phóng viên quốc tế về bình đẳng giới. (Nguồn: Vietnam+)

Khi được hỏi có sự liên hệ trực tiếp giữa bình đẳng giới và phát triển kinh tế hay không, Bộ trưởng các vấn đề về Trẻ em, Người già và Bình đẳng giới Thụy Điển Asa Regne ngay lập tức trả lời rằng “có.”

Theo thống kê, khoảng 80% phụ nữ Thụy Điển trong độ tuổi 20-64 tham gia lực lượng lao động, không quá kém cạnh so với tỷ lệ 88% ở nam giới. Chính sách bình đẳng giới cũng như việc đàn ông tích cực hỗ trợ việc nhà giúp cho phụ nữ có nhiều thời gian dành cho công việc hơn. Không chỉ có chính phủ nữ quyền với khoảng 50% bộ trưởng trong nội các là phụ nữ, nhiều phụ nữ Thụy Điển cũng có những vị trí cao trong các cơ quan nhà nước. Đơn cử như ở Đài Truyền hình Thụy Điển (Sveriges Television – SVT), theo số liệu năm 2016, SVT có khoảng 2.200 nhân viên thì 47% nhân viên là nữ, 53% là nam giới. Theo bà Hanna Dowling, quản lý dự án của SVT, dù tỷ lệ nhân sự là nữ thấp hơn một chút so với nam giới, nhưng có tới 57% các thành viên trong vị trí lãnh đạo của SVT là phụ nữ trong khi 43% vị trí lãnh đạo thuộc về nam giới. Thêm vào đó, mức lương trung bình mỗi tháng của phóng viên nữ là 38.991 SEK (khoảng 4.750 USD) cao hơn mức trung bình 38.856 SEK dành cho phóng viên nam.

Đại diện SVT giới thiệu về đội ngũ phóng viên nữ của đài trên toàn cầu. (Ảnh: Nguyệt Ánh/Vietnam+)
Đại diện SVT giới thiệu về đội ngũ phóng viên nữ của đài trên toàn cầu. (Ảnh: Nguyệt Ánh/Vietnam+)

Bà Tove Dahlgren, đại diện AllBright Foundation, một tổ chức được thành lập nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở Thụy Điển, dẫn nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cho biết các đơn vị có trên 30% phụ nữ trong ban lãnh đạo sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn 6% so với các tổ chức không có nhiều “sếp” nữ.

Ở Thụy Điển, ngay từ khi học mầm non, trẻ đã được dạy không nên phân biệt giới tính của bạn mình. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều tiến bộ với nỗ lực này, Thụy Điển vẫn chưa phải “xứ sở thiên đường” về bình đẳng giới.

Trên thực tế, ở thành phần kinh tế tư nhân, phụ nữ vẫn chỉ chiếm thiểu số trong ban lãnh đạo, quản lý của các công ty. Theo nghiên cứu của AllBright Foundation, 85% số các công ty vẫn do đàn ông chi phối. Nhiều công ty tư nhân bị chỉ trích vì chưa đủ nỗ lực để cải thiện tình trạng này. Hay đơn cử, dù có quy định khi con ốm, các bậc cha mẹ có quyền nghỉ phép ở nhà chăm con mà vẫn được nhận 80% mức lương bình thường (áp dụng cho đến khi con 12 tuổi), nhưng mới chỉ có hơn 1/3 số lần nghỉ phép chăm con ốm thuộc về các ông bố. Dù vậy, với những nỗ lực không ngừng và việc đặt bình đẳng giới vào trọng tâm trong các chính sách ưu tiên của Chính phủ, Thụy Điển đang từng bước tiến đến sự bình đẳng toàn diện, như mục tiêu mà họ đặt ra thông qua 4 chữ R: từ quyền lợi (Right), sự đại diện (Representation) và nguồn lực (Resources) để tiến đến thực tế (Reality)./.

Ở Đài Truyền hình Thụy Điển, 57% vị trí lãnh đạo thuộc về phụ nữ. (Ảnh: Nguyệt Ánh/Vietnam+)
Ở Đài Truyền hình Thụy Điển, 57% vị trí lãnh đạo thuộc về phụ nữ. (Ảnh: Nguyệt Ánh/Vietnam+)