Người lính cứu hỏa can trường

3-1508895120-79.jpg

Khi đám khói trong vụ hỏa hoạn tại ga Giáp Bát [năm 2009 – PV] dần tắt, anh lính cứu hỏa trẻ tuổi giật mình trước cảnh tượng kinh hoàng khi nhà kho đổ gục, những xác chết cháy đen ngay cạnh chỗ mình ngồi. Xót xa, anh rời tay lăng phun chữa cháy, ra chỗ khác ngồi khóc…

Nhớ lại câu chuyện này, Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội) bảo rằng, với người lính cứu hỏa, hiểm nguy luôn rình rập trong những trận chiến với “bà hỏa” không làm họ sợ. Nhưng, đau xót nhất chính là không cứu được người bị hại…

Những lần vào biển lửa

Tôi đến gặp Ngô Thanh Lâm vào một chiều Hà Nội mưa như trút nước. Trái ngược với suy nghĩ về một vị chỉ huy “hét ra lửa,” vốn được anh em trong nghề nể trọng về những phương thức tác chiến hiệu quả, người đàn ông trẻ hơn cái tuổi gần ngũ thập cười hiền kể về chuyện đời mình, về cái duyên đến với nghề cứu hỏa.

Ấy là câu chuyện vào những năm 1985, khi Lâm còn là học sinh cấp 3 trường Phổ thông Trung học Đống Đa Hà Nội. Khi ấy, Đại học Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy có chương trình tuyển sinh, cho cán bộ tới các trường trung học giới thiệu về công việc và cơ hội thi vào, học tập tại trường. Bén duyên, Lâm quyết định gác ước mơ thi vào trường khác như bao bạn bè cùng trang lứa để thi vào trường này.

Trong quá trình học tập, Ngô Thanh Lâm là một trong những sinh viên ưu tú, gương mẫu. Lâm đã nhận được Quyết định kết nạp Đảng trước thời điểm ra trường năm 1989, nhưng do thời gian gấp rút, tới khi về nhận công tác tại Hà Nội, anh mới chính thức được tổ chức Lễ kết nạp Đảng.Nhớ lại lần giáp mặt giặc lửa đầu tiên, Lâm bảo rằng, ra trường, anh được phân về Đội chữa cháy Từ Liêm. Thế nhưng, lần đầu giáp mặt với giặc lửa của anh lại là ở mảnh đất… Sài Gòn.

Thượng tá Ngô Thanh Lâm là một trong những người lính, chỉ huy xuất sắc của Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và cứu nạn, Cứu hộ Hà Nội. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Thượng tá Ngô Thanh Lâm là một trong những người lính, chỉ huy xuất sắc của Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và cứu nạn, Cứu hộ Hà Nội. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Số là, trước khi ra trường, khóa học của Lâm được trường cho vào thực tập tại Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh 3 tháng. Đúng đêm 30/4-1/5, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu dân cư gần bờ sông ở phường Đa Kao (Quận 1). Khi ấy, cậu sinh viên trẻ đã bị ngợp bởi khoảng 40 ngôi nhà bị cháy như một biển lửa. Nhiệm vụ của anh lúc đó là triển khai các hệ thống máy bơm, vòi tiếp nước cho các xe chữa cháy.

Lần kế tiếp, Lâm trực tiếp cùng đồng đội là một mũi chiến đấu, cầm lăng phun chữa cháy cho một nhà may ở Quận 5. Ngôi nhà ống, sâu tít bên trong, khi cháy lửa sáng, nhưng khi dập lửa thì tối om và nhiều khói. Quay lại, người lính trẻ không nhìn thấy người bạn bên cạnh đâu, gọi không thấy trả lời. “Lúc đó mình rất hoảng, xung quanh đầy khói, nước ngập tới đầu gối khá nóng và không biết đường ra ngoài kiểu gì. Sau khi trấn tĩnh, mình lần theo vòi nước để đi ra và đã thấy người bạn bên ngoài,” Lâm nhớ lại.

Một trong những trận chiến với giặc lửa khiến Lâm nhớ nhất là vụ cháy nhà cao tầng gây chết người đầu tiên tại Chung cư JSC 34 Lê Văn Lương (Hà Nội) vào năm 2010. Anh bảo, khi xe cứu hỏa đến ngã tư giao cắt đường Láng và Láng Hạ đã thấy khói bốc lên nghi ngút.

Sau khi triển khai các mũi chữa cháy, Lâm cùng đồng đội cầm thiết bị chuyên dụng đi cầu thang bộ lên tầng 18 – tầng cao nhất của ngôi nhà. Đến nơi, cảnh tượng là “không thể tưởng tượng” được. Khói dồn từ ống đổ rác vào tầng này tạo thành một khối đen kịt, dùng đèn pin công suất lớn cũng chỉ nhìn thấy bàn tay. Sau khi vụ cháy được khống chế, giặc lửa cũng đã cướp mất đi sinh mạng của hai người.

Hay như câu chuyện chữa cháy ở tòa tháp đôi EVN năm 2011, khi ấy, Lâm đã cùng hai chiến sỹ cứu hộ, cứu nạn và một đại diện nhà thầu đeo mặt nạ phòng độc, cùng búa chim và rìu phá chướng ngại vật, tiếp cận cứu người mắc kẹt trên tầng tháp A cao 33 tầng, theo cầu thang bộ. Tới tầng thứ 11, mũi cứu hộ phát hiện một thanh niên đang ngồi ban công tòa nhà, người đen nhẻm vì khói trong tâm trạng rất hoảng sợ. Thượng tá Lâm khi đó nhanh chóng trấn tĩnh người thanh niên, tiếp cận để đưa ra khu vực an toàn. Sau đó, các chiến sỹ lại tiếp tục leo bộ lên tầng 33, nơi có 25 công nhân đang chờ cứu…

Là chỉ huy chữa cháy quán Karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Lâm kể rằng đó là vụ cháy thương tâm nhất nhiều năm qua tại Hà Nội. Khi nhóm chiến sỹ do anh dẫn đầu tiếp cận phòng hát lớn tầng 5, nạn nhân nằm rải rác khắp phòng. Trong đó, có người nằm úp sát mép cửa, một tay chống đất, một tay với cửa… Hình ảnh ấy, dù gặp nhiều, nhưng những người chiến sỹ cứu hỏa không khỏi giật mình vì sự mất mát này là quá lớn.

Người lính trẻ dùng xà beng bẩy tấm tôn để dọn đường diệt giặc lửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Người lính trẻ dùng xà beng bẩy tấm tôn để dọn đường diệt giặc lửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khoảng trống thời gian đáng sợ

Gần ba mươi năm làm công tác cứu hỏa, Thượng tá Ngô Thanh Lâm kể rằng quãng thời gian hồi hộp và căng thẳng nhất với anh chính là từ lúc nhận tin đám cháy, ngồi lên ôtô tới khi có mặt tại hiện trường.

Cả khoảng thời gian ấy, nguồn thông tin ban đầu chỉ là cháy ở đâu, cháy gì, chứ những thông tin còn lại như có người mắc kẹt hay không, cháy như thế nào, hiện trường chữa cháy thuận lợi hay khó khăn… là cả một dấu hỏi lớn.

Với người chỉ huy dày kinh nghiệm này, trước mỗi thông tin như vậy, anh đều vạch ra các phương án tác chiến để áp dụng vào thực tế. Khi thông tin nhiều hơn, ngay trên đường, anh đã chỉ đạo các chiến sỹ ở các xe cứu hỏa chuẩn bị sẵn sàng “tấn công” giặc lửa với thế trận được bày ra khi tới hiện trường chứ không phải đợi chờ phương án tác chiến. Thậm chí, có những trận chiến, phương án tác chiến thay đổi ngay trong quá trình di chuyển khi anh nhận được thêm thông tin từ đồng đội gửi về qua điện thoại.

“Khi đã tới hiện trường, việc triển khai các mũi tấn công được tiến hành rất khẩn trương.Bởi lẽ, cứ chậm phút nào thì tài sản và tính mạng của người dân gặp nguy hiểm phút nấy,” Lâm bảo.

Trong ký ức của mình, anh Lâm vẫn nhớ như in trận chiến với giặc lửa tại một nhà xưởng khi anh là Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy huyện Đông Anh. Khi nhận được tin, anh đã triển khai các mũi tới hiện trường. Khi đến nơi, bất ngờ đầu tiên là không thấy người dân hiếu kỳ xem đám cháy như mọi khi mà đứng khá xa.

Linh cảm vụ cháy này “có vấn đề,” sau khi bố trí xe cứu hỏa, anh trực tiếp cùng một chiến sỹ vào trinh sát thì thấy đây là xưởng chiết nạp acetylen với hàng trăm bình chứa phía trong đang cháy rừng rực.

Ngay lập tức, Lâm chỉ đạo anh em vừa phun nước làm mát, vừa chọn vị trí che chắn bảo đảm an toàn. Trong khi phun nước dập lửa, một bình acetylen phát nổ tung mái của xưởng, mặt đất rung chuyển khiến các chiến sỹ đang nằm phun nước giật bắn mình. Rất may, sau đó, lực lượng cứu hỏa đã khống chế đám cháy một cách an toàn.

Thượng tá Ngô Thanh Lâm nói về khó khăn khi có cháy lớn ở Hà Nội.

Nói về khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy ở Hà Nội, anh Lâm tâm sự đó chính là việc khai thác nguồn nước chữa cháy. Hiện nay, với các vụ cháy ở mức độ trung bình, lực lượng cứu hỏa xử lý tốt. Song, với các vụ cháy lớn, rộng cần khai thác nhiều nước thì việc khai thác, truyền tiếp nước là khó bởi còn phụ thuộc vào áp lực nước trong giờ cao điểm, thấp điểm, khoảng cách, giao thông…

“Đứt gân thì khâu thôi”

Nhấp ngụm trà, anh Lâm thả mình vào ghế, nở nụ cười hiền hậu khi kể về những kỷ niệm của người lính cứu hỏa. Xuất thân từ chiến sỹ, rồi trở thành chỉ huy, hơn ai hết, Ngô Thanh Lâm hiểu rõ những khó khăn, vất vả mà người lính cứu hỏa phải đối mặt khi xung trận cứu người. Thế nhưng, chỉ cần những hành động nhỏ, họ cũng nhớ cả đời…

Anh kể rằng, một lần chỉ huy chữa cháy ở một cửa hàng trên phố Đê La Thành giúp người dân giảm thiệt hại. Sau đó hai tuần, lại một vụ cháy phía trong ngõ ở khu vực ấy. Khi đang chữa cháy, anh thấy một nhóm người mang nước mát tới cho lính cứu hỏa. Nhìn lại, anh nhận ra đó chính là những người nhà của vụ cháy trước đó.

Hay một lần chữa cháy ở phố Ngọc Khánh. Trèo lên nóc của một ngôi nhà bên cạnh, Lâm phá cửa kính của nhà bị cháy để phun nước dập lửa, không may, miếng kính văng ra làm đứt gân tay. Khi ấy, đồng đội còn mải dập lửa, nhưng người dân đã sơ cứu rồi đưa anh đi bệnh viện. Đó là những tình cảm quân dân mà anh Lâm không bao giờ quên được.

Rồi anh bảo, dù khó khăn đến mấy, biển lửa có lớn bao nhiêu thì cũng không ngăn được bước chân chiến sỹ cứu hỏa khi nhận được sự quan tâm từ người dân.Từ vị trí chỉ huy tại một đơn vị khu vực về nhận nhiệm vụ tại Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội từ 2015, lại ở Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy nhưng Lâm lúc nào cũng thường trực chiến đấu. Từ khi có điện thoại di động, chiếc điện thoại của anh không bao giờ tắt. Bất kể ngày hay đêm, hễ có vụ cháy lớn được báo, anh như có lửa đốt trong người và sẵn sàng tới hiện trường chỉ huy, lao vào chiến đấu, giành giật với lửa của cải và sinh mệnh của người dân.Ở bất kỳ cương vị nào, Lâm cũng luôn nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu của người Đảng viên ưu tú. Khi là Bí thư chi bộ của các Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy Đông Anh, Đống Đa…, anh luôn chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố trẻ để trở thành nòng cốt kế cận cho lực lượng của Đảng. Và, nhiều Đảng viên trẻ được Lâm bồi dưỡng đã trở thành những chỉ huy giỏi sau này…

Khéo léo không nhắc về gia đình, nhưng anh tiết lộ, mỗi khi nghe đài, đọc báo có vụ cháy lớn, người thân tự biết hôm ấy anh sẽ không về. Với anh, cái nghiệp đã vận vào thân và sẽ đi với anh suốt thời gian còn lại của đời người…

Một đồng đội của anh “bật mí” với tôi rằng, Lâm chẳng bao giờ kêu ca gì cho chính mình. Trong những vụ cháy lớn, người chỉ huy này luôn dẫn đầu mũi tấn công để vào vùng lửa cháy và luôn sẵn lòng chia sẻ với những đồng đội gặp khó khăn…

Chia tay Lâm, tôi nhớ mãi câu trả lời thản nhiên khi nói về việc bị đứt gân tay khi chiến đấu: “Đứt thì khâu, bó bột thôi.” Với anh, cũng như những người lính khác, tai nạn trong quá trình chiến đấu là chuyện bình thường, nhưng với bao người, đó là hành động của những anh hùng. Và thực sự thì người lính cứu hỏa không chỉ đổ mồ hôi, mà còn cả xương máu cho việc bảo vệ tài sản và tính mạng người dân.

Đã có những người lính cứu hỏa hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, nhưng họ không chết mà còn mãi trong lòng người ở lại…/.

Với những thành tích đạt được, Thượng tá Ngô Thanh Lâm đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: – Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an, 2017); – Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 (Bộ Công an); – Bằng khen thành tích trong công tác chữa cháy, cứu người bị nạn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong vụ cháy tại tòa chung cư 17-21 tầng Làng sinh viên Hacinco (Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, 2012); – Bằng khen thành tích trong công tác chữa cháy, cứu người bị nạn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của những người bị mắc kẹt trong vụ cháy xảy ra tại Tòa nhà Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông điện lực Việt Nam. (Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, 2011)… 

Hiểm nguy bao vây lính cứu hỏa khi xung trận. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hiểm nguy bao vây lính cứu hỏa khi xung trận. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)