Dấu chân lầm lỡ

Những đêm vắng, khi gần 12 giờ đêm, chỉ cần một cuộc điện thoại của bạn bè là Cường khẽ luồn người qua khe cửa nhẹ nhàng, nhanh như tên bắn, phi ra khỏi nhà, bỏ mặc những tiếng gào thét, níu kéo của người mẹ trong căn nhà cấp 4 cố sức ngăn cản con trai không cho ra ngoài theo đám bạn bè.

“Lúc đó, không sợ đêm tối nguy hiểm, không nghĩ đến nỗi khổ của người thân, chỉ làm sao ra khỏi nhà nhanh nhất tụ tập với nhóm bạn vào khu vực nghĩa địa, vườn rẫy cùng tiêm chích ma tuý,” Nguyễn Viết Cường – chàng trai 31 tuổi, ở thị xã Buôn Hồ, kể lại rành mạch về thời quá khứ từng bị cuốn theo làn khói của ma túy.

Chỉ vào cánh tay chi chít những vết sẹo do tiêm chích lâu ngày tạo ra, Cường cho hay, mức tiền 500.000 đồng một ngày Cường bỏ ra để chơi ma túy còn là ít, những người khác, họ chơi tới tiền triệu, thậm chí vài triệu đồng mỗi ngày.

15 năm gắn liền với các… nghĩa địa

Gần hai năm nay, phòng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho rất nhiều người. Từ thanh niên đến người trung tuổi đều tìm đến đây để cai nghiện ma túy, làm lại cuộc đời.

Cường cho hay, trước kia khi ở tuổi thanh niên tò mò chơi ma túy để biết nó là gì, cảm giác như nào, chính cậu cũng không nghĩ hậu quả lại nặng nề như vậy. Khi biết thì đã quá muộn. Suốt 15 năm qua, Cường đã trượt dài theo ma túy. 

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được xem là một trong những phương pháp điều trị cai nghiện hiệu quả được áp dụng trên toàn quốc.

8 giờ sáng, tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk tấp nập nhiều thanh niên đến uống thuốcMethadone điều trị cai nghiện ma túy.

Vừa chạy trên chiếc xe máy với chặng đường gần 40km tới đây uống thuốc, Nguyễn Viết Cường (ở thị xã Buôn Hồ) – chàng trai với dáng vóc người đậm, vẻ mặt luôn tươi cười cho hay, đây đã trở thành thói quen đều đặn với cậu hàng ngày trong suốt gần 2 năm qua. Nhìn dáng vẻ của chàng thanh niên này, không ai nghĩ cậu đã từng có hơn chục năm sa lầy vào “vũng bùn” ma túy tưởng chừng như không thể gượng lên được.

Nguyễn Viết Cường tâm sự về chặng đường 15 năm vừa qua của mình. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Nguyễn Viết Cường tâm sự về chặng đường 15 năm vừa qua của mình. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Trò chuyện, hồi tưởng lại quá khứ, nét mặt Cường như già nua hẳn đi, sắt lại và bao trùm là một nỗi muộn phiền khôn tả. Vẻ mặt ấy tôi không chỉ thấy ở Cường mà còn thấy phảng phất trên gương mặt của nhiều người đã một thời lầm lỡ sa chân vào ma túy.

Không còn cảm giác thu mình do cảnh sống chui lủi như 15 năm trước, đến giờ Nguyễn Việt Cường đã rất cởi mở, hòa nhập với mọi người. Cường vui vẻ, tự tin công khai tên tuổi và hình ảnh của mình khi kể lại chuỗi thời gian qua và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong vòng hai năm trở lại đây.

Cường cho hay, trước kia khi ở tuổi thanh niên tò mò chơi ma túy để biết nó là gì, cảm giác như nào, chính cậu cũng không nghĩ hậu quả lại nặng nề như vậy. Khi biết thì đã quá muộn. Suốt 15 năm qua, Cường đã trượt dài theo ma túy.

Chàng trai trẻ 31 tuổi giờ với phong thái đĩnh đạc cười: “Cho đến giờ đã gần hai năm rồi, nhờ có Methadone tụi em như gặp được phép màu, có sức sống lại, ăn ngủ và sinh hoạt giờ giấc bình thường. Gần hai năm nay, cứ sáng 6 giờ sáng, em dậy và đi 40km đến điểm uống thuốc, rồi về đi làm vườn tược, ruộng nương với mẹ. Dù xa xôi, dù vất vả nhưng em vẫn phải cố gắng.”

Gần hai năm qua, chàng thanh niên ấy vẫn kiên cường, bền bỉ uống thuốc. Cường cho biết, trong hai năm ấy chỉ duy nhất một lần em bỏ thuốc là lần em đi thi bằng lái xe.

Đường trở về đầy nước mắt…

Nhớ lại chặng đường gần 15 năm chìm ngập trong làn “khói trắng” của ma túy, Cường đến giờ vẫn cảm thấy ăn năn và hối lỗi. Cường ngượng ngùng: “Em nghiện ma túy từ năm 16 tuổi. Đến nay đã 15 năm. Đó là những ngày em triền miên cùng đám bạn tìm mọi cách để xoay đủ tiền chơi ma túy.”

Cường kể, nhiều năm trước, với bản tính của tuổi trẻ, em rất ngông cuồng, chỉ biết chơi ma túy để thỏa mãn mình.

Khi chơi ma túy, mỗi ngày cậu phải có ít nhất khoảng 500.000 đồng, 200.000 đồng chỉ chích được 1 lần, ngày phải hai cữ, Cường mới thỏa mãn được cơn nghiện.

Bệnh nhân uống thuốc Methadone. (Ảnh: Reuters)
Bệnh nhân uống thuốc Methadone. (Ảnh: Reuters)

Khi chơi ma túy, mỗi ngày cậu phải có ít nhất khoảng 500.000 đồng, 200.000 đồng chỉ chích được 1 lần, ngày phải hai cữ, Cường mới thỏa mãn được cơn nghiện. 

Để có tiền trang trải cho ma túy, cậu tìm mọi cách để xoay tiền như xin bố mẹ, anh chị em. Nhiều khi bí bách quá thì ra đường trộm cắp…

Chàng trai trẻ bộc bạch: “Những chuỗi ngày dài trượt dài trong ma túy, em không còn là chính mình nữa. Có một thứ ma lực cuốn em theo mà em không thể nào rút ra nổi. 15 năm ấy cũng là khoảng thời gian em đã “giày vò” làm tổn thương mẹ rất nhiều. Vì lo nghĩ cho em, mẹ đã sút cân, mất ăn, mất ngủ nhiều đêm.”

Đến giờ nghĩ lại, Cường cũng không thể nào nhớ hết cậu đã được mẹ và những người thân đưa tới bao nhiêu trung tâm, bao nhiêu lần cai nghiện mà không thành. Cứ cai nghiện rồi một thời gian sau cậu lại tái nghiện.

“Thương mẹ em lắm, nước mắt mẹ rơi suốt ngày. Có nơi nào, có bài thuốc nào về cai nghiện, mẹ đều lặn lội đi lấy về cho em uống. Khi quyết tâm đi cai, em cũng khóc, cũng hứa với mẹ. Mẹ là người động viên lớn. Tự mẹ em đưa em đi các nơi, thấy nơi nào có chỗ cai nghiện tốt, mẹ đều tìm hiểu rồi đưa em đến những nơi mong em thoát khỏi ma túy sớm ngày nào tốt ngày đó. Rồi không biết bao nhiêu lần, em cũng không nhớ nổi mình đã đến bao nhiêu trung tâm, đi rồi về rồi lại đi bao nhiều lần, chỉ nhớ cứ cai được một thời gian rồi về và lạitái nghiện, lại chích dù đau đớn, dằn vặt,” Cường ngậm ngùi.

Quyết tâm bao nhiêu lần, đến cuối năm 2015, khi Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đắk Lắk, Cường đã tới đây điều trị chương trình Methadone.

Bác sỹ Lê Đình Vinh – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đắk Lắk cho hay, trung tâm rất mừng vì có những bệnh nhân như Cường chăm chỉ cai nghiện. Dù nắng, mưa, nhiều bệnh nhân tại trung tâm vẫn quyết tâm không bỏ thuốc.

Khi hỏi tại sao mà đến lần này Cường mới quyết tâm cai nghiện dài lâu được, chàng trai trẻ cười với nét mặt đầy thẹn thùng: “Những lần trước, do em quyết tâm chưa tới nên chưa làm được. Lần này do tình yêu nên em quyết phải cai nghiện bằng được để làm lại cuộc đời, để còn cầu hôn bạn gái.”

Bạn gái Cường gần nhà. Hai người đã biết nhau 6-7 năm nay. Bạn gái chính là nguồn động lực để Cường quyết tâm từ giã với làn khói trắng và làm lại cuộc đời.

Vừa kể chuyện, Cường cười, cuối năm em sẽ lập gia đình, chính người yêu tin tưởng và động viên cậu có thể bước qua tất cả.

Đến giờ, sau gần hai năm Cường cai nghiện thành công, ai cũng mừng cho cậu, nhất là người mẹ già đã nhiều đêm níu giữ từng bước chân của con mà không được, rồi lại khóc khô nước mắt trông cửa chờ con về.

“Trước em gầy lắm, vậy mà trong gần hai năm dùng Methadone em đã lên được 10kg,” Cường hồ hởi khoe.

Chàng thanh niên trải lòng mình sau khi cai nghiện ma túy thành công.

Từ kinh nghiệm bản thân cai nghiện thành công, Cường đã vận động thêm nhiều bạn bè của mình tham gia chương trình này. Chàng thanh niên này còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, gia nhập vào Câu lạc bộ Niềm tin, trở thành những người thường xuyên tiếp xúc, động viên người nghiện đi cai; trở thành người bạn tâm giao của họ, giúp họ quên đi mặc cảm, sống một cuộc đời tích cực hơn.

Vẫn còn hơn 210.000 người sử dụng ma túy

Tại Đắk Lắk, chương trình điều trị Methadone được triển khai từ tháng 12/2015. Đến nay, chương trình đã điều trị cho 302 người nghiện trên địa bàn, trong đó, có 249 người nghiện được duy trì điều trị (đạt 81%).

Bác sỹ Lê Đình Vinh – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đắk Lắk cho hay Bệnh nhân đến tham gia điều trị Methadone tại Trung tâm có độ tuổi trẻ nhất là 19 (sinh năm 1998), lớn nhất là 61 (sinh năm 1956).

Khi đến với cơ sở điều trị Methadone, các bệnh nhân đều được tư vấn, hỗ trợ bởi các nhân viên y tế và được tạo mọi điều kiện tốt nhất để điều trị hiệu quả; nhờ vậy, sau thời gian điều trị ai cũng phấn khởi, tâm trạng thoải mái.

Đắk Lắk đang tiếp tục điều trị Methadone cho bệnh nhân (dự kiến số bệnh nhân được điều trị là 400 người) và sẽ mở thêm một điểm điều trị Methadone tại huyện EaH’Leo.

Thuốc Methadone điều trị cho các bệnh nhân cai nghiện ma túy. (Ảnh: AP)
Thuốc Methadone điều trị cho các bệnh nhân cai nghiện ma túy. (Ảnh: AP)

Những năm qua, vấn đề sử dụng ma túy, lạm dụng ma túy có chiều hướng gia tăng.Tình hình tội phạm ma túy cũng diễn biến phức tạp khiến công tác phòng, chống ma túy khó càng thêm khó. Đặc biệt, người nghiện đa số là thanh niên, đang ở độ tuổi là lực lượng lao động chính trong xã hội.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho thấy, số người nghiện đang ngày càng tăng, đặc biệt là nghiện ma túy tổng hợp. Cả nước hiện có hơn 210.000 người sử dụng ma túy, nhưng đây là con số đếm được, chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm.”

Đáng lưu ý, người nghiện ma túy chủ yếu dưới 35 tuổi, trong đó có 8% người nghiện ở độ tuổi học sinh. Số liệu thống kê cho thấy 70% số xã, 100% số huyện có người nghiện ma túy. Nhiều xóm làng giờ không còn bình yên trước hiểm họa ma túy.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), độ tuổi sử dụng ma túy ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng rất trẻ, tính trung bình tại Hà Nội và Hải Phòng thì tuổi bắt đầu sử dụng là 16 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh là 17 tuổi.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho hay, nghiện các chất dạng thuốc phiện là một bệnh lý mạn tính của não bộ và cần được điều trị như các bệnh mạn tính khác.Trên thế giới hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa nghiện các chất dạng thuốc phiện. Hầu hết các phương pháp cai nghiện đều có tỷ lệ tái nghiện rất cao (trên 90%). Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hiện nay được coi là một giải pháp có hiệu quả cho người nghiện ma túy.

Tính đến ngày 30/9/2016, cả nước có 61 tỉnh, thành phố đã triển khai điều trị Methadone với 254 cơ sở, tăng 4 tỉnh và 14 cơ sở so với cuối năm 2015. Chương trình điều trị cho 48.424 bệnh nhân, tăng 4.704 bệnh nhân so với cuối năm 2015. Số lượng bệnh nhân hiện đang điều trị đạt 57% chỉ tiêu đề ra so với chi tiêu.

Việt Nam đã đặt mục tiêu điều trị Methadone cho 80.000 người bệnh vào cuối năm 2015 và mặc dù vẫn chưa thực hiện được mục tiêu, nhưng quá trình mở rộng chương trình điều trị Methadone đã có những tiến bộ tích cực./.

Những viên ma túy đã đưa bao người vào
Những viên ma túy đã đưa bao người vào “vũng bùn” khó thoát ra.(Ảnh: AP)