Sự phát triển của video trên báo điện tử chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi khoa học công nghệ với xu hướng hội tụ giữa công nghệ thông tin, viễn thông, mạng internet và công nghệ truyền hình. Việc sản xuất video trên báo điện tử ở Việt Nam trong giai đoạn gần đây có những bước phát triển mạnh mẽ, bao gồm cả ở phương thức sản xuất và khâu phân phối nội dung theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Bài viết này bước đầu khái quát bức tranh video trên báo điện tử ở Việt Nam và xới xáo một số giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm video, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày một cao của công chúng.

Video – cơ hội của báo điện tử trong môi trường truyền thông số

Bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư nói chung, công nghệ số nói riêng đã có những đã có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của truyền thông, làm thay đổi hoàn toàn quy trình, cách thức sản xuất và cách tiêu thụ các sản phẩm truyền thông. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất, phân phối đã làm cho các sản phẩm truyền thông trở nên hấp dẫn hơn, tiếp cận gần và nhanh hơn với mọi đối tượng công chúng. Một số công ty đột phá đi đầu trong lĩnh vực này như Facebook, Google, Netflix… với những sản phẩm đa phương tiện đã thúc đẩy nền công nghiệp truyền thông theo cách hoàn toàn mới, tạo ra rất nhiều thách thức đối với báo chí nói riêng và truyền thông nói chung trong việc thu hút công chúng.

Chính những thách thức này bắt buộc các đơn vị truyền thông truyền thống phải tư duy lại cách làm để có những bước chuyển phù hợp. Để có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, các báo điện tử cũng phải chuyển mình mạnh mẽ, tận dụng sự phát triển của công nghệ, sản xuất và phân phối nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, cuốn hút công chúng trên xu hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Video trên các trang báo điện tử trở thành những sản phẩm cuốn hút, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Đây là sản phẩm mà giữa người cung cấp và người tiêu thụ có sự gắn kết chặt chẽ. Điện thoại thông minh và máy tính bảng có màn hình độ nét cao đã cho phép người tiêu dùng xem video ở mọi lúc, mọi nơi, trong khi đó, với thiết bị camera tích hợp, các ứng dụng và phần mềm chỉnh sửa đơn giản trong các thiết bị di động thông minh đã giảm bớt rào cản đối với người sáng tạo nội dung. Đồng thời, phí băng thông, đường truyền, chi phí các gói dữ liệu di động ngày càng trở nên rẻ hơn ở nhiều quốc gia, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng đối với việc sản xuất và tiêu dùng video.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự phát triển của video trực tuyến dường như chủ yếu được thúc đẩy bởi công nghệ, nền tảng mạng internet và nhà phân phối hơn là bởi nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, với những video có sức hấp dẫn thì vẫn thu hút số lượng công chúng xem khổng lồ.

Từ lâu, một số tổ chức tin tức đã tạo dựng được danh tiếng từ việc sản xuất và cung cấp các video trực tuyến. Năm 2006, Giải thưởng Emmy dành cho Tin tức & Tài liệu đầu tiên thuộc về một tổ chức tin tức phi truyền hình – Washington Post – vì đưa tin video về cơn bão Katrina. Vào năm 2007, CNN và YouTube đã hợp tác để tài trợ cho các cuộc tranh luận sơ bộ của tổng thống và cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, trở thành cuộc bầu cử đầu tiên mà công chúng có thể xem trực tiếp các cuộc tranh luận về ứng cử viên và kết quả bỏ phiếu trên các trang web như MSNBC.com, Foxnews.com và CNN.com. [7].  

Trong các cuộc tấn công ở Paris, hoạt động thu thập tin tức của BBC phục vụ tin tức trực tuyến được đánh giá cao. Về lượng khán giả của BBC, ngày xảy ra các vụ tấn công cũng là ngày có lượng truy cập trực tuyến cao nhất. BBC đã xuất bản 175 đoạn video về các cuộc tấn công ở Paris trên trang web của mình, bắt đầu từ ngày 13 tháng 11 năm 2015. Từ đó, tỷ lệ người dùng truy cập video của BBC trên mỗi lượt truy cập tăng gấp đôi so với khoảng 10% so với mức bình thường, có ngày lên 22% ngay khi cuộc tấn công vừa xảy ra [12]. 

Theo số liệu mới nhất, trung bình mỗi ngày người Việt dành 2h47 phút để xem nội dung video

Ở Việt Nam hiện nay, việc truy cập mạng Internet trở thành thói quen không thể thiếu của đông đảo công chúng. Tính tới cuối tháng 7 năm 2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam lên tới gần 70 triệu người, chiếm 70.3% dân số. Theo dự báo đến năm 2025, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là khoảng trên 80 triệu người[6]. Đây là một cơ hội lớn để các báo điện tử Việt Nam mở rộng các sản phẩm đa phương tiện, thu hút thị trường mới khi công chúng ngày càng dành ít thời gian để ngồi trước ti vi hay đọc báo giấy. Tận dụng sự phát triển của công nghệ, các báo điện tử đã cho ra đời những sản phẩm video với những chi phí sản xuất khá khiêm tốn nhưng có thể tạo được hiệu ứng xã hội rất tốt, tạo được hệ sinh thái thông tin vô cùng phong phú.

Thực trạng Video trên báo điện tử

Để thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi đã lựa chọn 3 tờ báo điện tử ở Việt Nam để khảo sát, gồm VnExpress, Tuổi trẻ online và Zingnews.vn. Đồng thời, tiến hành khảo sát 1.000 công chúng về hành vi tiêu thụ sản phẩm video cũng như đánh giá của họ về 3 tờ báo trên và những mong muốn của họ đối với báo điện tử ở Việt Nam.

Tuổi trẻ online là một trong những tờ báo điện tử sớm có định hướng đầu tư phát triển tác phẩm truyền hình. Tuổi trẻ Video Online (TVO) là chương trình truyền hình Tuổi trẻ chính thức ra đời từ ngày 3/8/2008, sản xuất những chương trình phát sóng trên TVO. Tính đến cuối năm 2008, TVO đã thử nghiệm sản xuất trên 120 chương trình truyền hình/ năm. Những năm sau đó, các sản phẩm của TVO không ngừng tăng lên về số lượng, nhiều sản phẩm bước đầu được các đơn vị truyền thông khác mua lại (VTV, HTV, VCTV, O2TV, Today TV…). Năm 2011 là thời điểm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Truyền hình Tuổi trẻ, không chỉ phát các chương trình dưới định dạng các clip mà còn ra mắt trang truyền hình điện tử (TV online) tại địa chỉ tv.tuoitre.vn [5]. Trang TVO điện tử có bình quân gần 1 triệu lượt truy cập/ngày, số người truy cập trải rộng trên hơn 122 quốc gia. Trong 1 năm, TVO sản xuất được khoảng  gần 1.000 video, ngoài mảng tin tức, thời sự, TVO khai thác thêm các mảng nội dung khác, có những chuyên mục có sức thu hút cao, tạo được ấn tượng tốt với người xem.

Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số Đài truyền hình Việt Nam Phạm Anh Chiến tham luận “VTV digital trên đa nền tảng” tại Hội thảo Phát triển nội dung video trên nền tảng số tổ chức ở Hà Nội tháng 6/2022 (Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN)

VnExpress giữ vị trí số 1 trong 50 tờ báo điện tử nhiều người xem nhất Việt Nam (theo đánh giá của Alexa, tháng 10 năm 2021). Năm 2021, báo thu hút hơn 40 triệu độc giả thường xuyên, hơn 10 tỷ lượt xem và 5 triệu ý kiến bình luận của bạn đọc. Mỗi độc giả dành trung bình 5 phút 44 giây cho một lần truy cập. Độ tuổi người đọc trải rộng từ 18 đến trên 60. Tỷ lệ truy cập bằng thiết bị di động tăng trưởng ở hầu hết các lứa tuổi [14].

Zingnews.vn có cơ quan chủ quản là Hội Xuất bản Việt Nam, cung cấp tin tức cho độc giả với nhiều chuyên mục phong phú về Đời sống, Xã hội, Kinh tế, Thế giới, Thể thao, Giải trí, Công nghệ và nhiều lĩnh vực khác. Trong thời gian qua, Zingnews.vn đã tiến hành sản xuất nhiều hạng mục như Video, Phóng sự ảnh, Long Form, Infographic hay Tra cứu tương tác và nhận được các phản ứng tích cực từ người sử dụng. Thống kê từ Comsocre cho thấy, Zingnews.vn luôn đứng trong top 3 báo điện tử tại Việt Nam được truy cập nhiều hơn cả. Độc giả của Zingnews.vn đa dạng nhiều lứa tuổi nhưng phần lớn là ở độ tuổi 18-24 tuổi. Tỉ lệ truy cập của trang báo đạt tới 106 triệu impressions và 44 ngàn lượt clicks hàng tháng [20].

Hiện nay, video trên 3 báo trên được tồn tại dưới hai dạng thức, là tác phẩm độc lập trong các chuyên mục video hoặc là một bộ phận trong tác phẩm đa phương tiện, có vai trò bổ trợ, góp phần làm cho tác phẩm đa dạng, hấp dẫn, thông tin đầy đủ, chân thực hơn. Theo kết quả khảo sát, đầu năm 2022, trung bình mỗi ngày VnExpress đăng tải (gồm cả sản xuất và khai thác) khoảng gần 100 video, Tuổi trẻ online đăng tải khoảng 40 video, Zingnews.vn đăng tải khoảng 70 video. Hầu hết video này được sản xuất trực tiếp, hoặc khai thác từ các cộng tác viên, hoặc từ truyền hình.

Video trên báo điện tử dường như đã phần nào phát huy được thế mạnh của cả loại hình báo chí truyền hình (hình ảnh sinh động, chân thực giúp người xem như được tận mắt chứng kiến sự việc) và của báo mạng (thông tin chuyển tải nhanh, ngắn gọn, đa dạng các ngôn ngữ thể hiện). Cơ bản các video được sản xuất theo hướng đa phương tiện ngôn ngữ thể hiện, vừa có hình ảnh chân thực, vừa có text (phụ đề), lại có âm thanh (tiếng động hiện trường, tiếng nhân vật trả lời và lời bình).

Một phóng sự phát trên kênh YouTube của báo Thanh Niên thu hút tới hơn 8 triệu lượt xem

Đối với công chúng, theo kết quả khảo sát của chúng tôi, khi được hỏi về tần suất xem video trên báo điện tử, trong 1.000 phiếu trả lời thì có 45,1% công chúng thường xuyên xem, 37,7% thỉnh thoảng xem, 16,2% hiếm khi xem. Đặc biệt, công chúng tìm kiếm xem video nhiều hơn khi có những sự kiện nổi trội, thu hút sự chú ý của dư luận. Một trong những nội dung nổi bật mà công chúng quan tâm đối với video trên báo mạng điện tử, đó chính là chủ đề về xã hội (74.8%), về giải trí (68.9%), về văn hoá (66,1%), chính trị (65%), thể thao (64,5%), kinh tế (64%).

Về thời gian trong 1 ngày dành để xem các video, có 20% công chúng đã xem từ 6-10 phút, 28,3% xem từ 11-20 phút, 28,5% xem từ 21 đến 30 phút, 23,2% xem từ 31 phút trở lên. Số liệu trên cho thấy công chúng đã dần quen với việc tiếp nhận thông tin từ các sản phẩm video trên báo mạng điện tử. Đáng chú ý là có tới 68,4% công chúng chọn phương án xem video bằng điện thoại di động, 22% công chúng xem từ máy tính xách tay và 9,6% công chúng xem từ máy tính cố định. Rõ ràng là sự tiếp nhận video của công chúng đã trở nên rất gần gũi, quen thuộc và tiện lợi. Khi được hỏi, anh/chị thường thích xem video có độ dài như thế nào thì 49,1% lựa chọn video có độ dài dưới 1 phút, 38% lựa chọn thích xem video có độ dài 1 phút, chỉ có 8,45% thích xem video có thời lượng 5 phút và 4,5% thích xem video có thời lượng trên 5 phút. Điều này khá phù hợp với nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng trong cuộc sống hiện đại, khi con người bận rộn với công việc mưu sinh thì họ luôn mong muốn trong khoảng thời gian ít nhất, nhưng được tiếp nhận nhiều thông tin nhất.

Theo đánh giá cụ thể của công chúng về mức độ hài lòng đối với video trên từng tờ báo điện tử trong diện khảo sát thì video trên VnExpress được đánh giá là mang lại cho người xem sự hài lòng nhất (58%), Zingnews.vn (57,5%), Tuổi trẻ online (50,1%). Tuy nhiên, theo phản hồi của công chúng, khả năng thu hút, lôi cuốn người xem của các video trên báo mạng điện tử hiện nay vẫn chưa cao. Có đến 72% số người được hỏi cho rằng, khả năng này vẫn ở mức bình thường; 15.6% số người cho biết các sản phẩm video ít thu hút và lôi cuốn. Lý do khiến công chúng chưa hài lòng video trên các báo điện tử là, do video quá dài 80%, quảng cáo xen ngang 89%, nội dung thông tin mờ nhạt, không có gì đặc sắc 56%, hình ảnh không logic, không rõ nét 58%, âm thanh không rõ 49%, phụ đề không cuốn hút 61%, tốc độ tải video chậm 31%, khả năng tương tác kém 36%.

Những yếu tố khiến khán giả chưa hài lòng với các video trên báo mạng điện tử.

Về thời lượng của các video, qua khảo sát cho thấy, đa phần video được sản xuất cho báo điện tử có thời lượng từ 2 đến 5 phút. Video với thời lượng ngắn dưới 2 phút ít xuất hiện và chiếm số lượng không nhiều (khoảng 15%). Trong khi đó, theo phản hồi của công chúng, một trong những yếu tố khiến họ cảm thấy không hài lòng về thời lượng của tác phẩm video trên báo mạng điện tử đó là video quá dài (chiếm tới 80%) và họ rất thích được xem những video có thời lượng dưới 1 phút.

Một trong những thế mạnh của video trên báo điện tử là khả năng lan toả nhanh những hình ảnh sinh động, chân thực về sự việc, tác động sâu sắc đến cảm xúc của người xem. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, có đến 45% công chúng cho rằng hình ảnh trong video chưa đủ sự hấp dẫn đối với họ với lý do đưa ra là hình ảnh không độc đáo, không tạo được ấn tượng (36%), hình ảnh không thể hiện rõ nội dung (34%), hình ảnh không phù hợp với lời bình hoặc phụ đề (35,1%), tiết tấu hình ảnh quá nhanh (18%). Đáng chú ý, 79,8% công chúng mong muốn hình ảnh trong video cần phong phú, đa dạng, thể hiện rõ nội dung trọng tâm của tác phẩm, 76,2% mong muốn được xem những hình ảnh khách quan, chân thực, 68,9% muốn có nhiều chi tiết hình ảnh độc đáo, 66,6% mong muốn được xem hình ảnh logic, dễ hiểu, rõ ràng, 65% mong muốn xem hình ảnh có tiết tấu phù hợp, không quá nhanh, quá chậm.

Bên cạnh hình ảnh thì âm thanh trong video được coi là một trong những yếu tố quan trọng, có vai trò bổ trợ để chuyển tải nội dung thông tin. Cảm nhận về âm thanh trong video, có 45% công chúng cho rằng, âm thanh chưa phù hợp với chủ đề của video, 46,3% cho rằng âm thanh chưa cung cấp được nhiều thông tin cho tác phẩm; lời bình không sắc sảo (30%) và câu trả lời phỏng vấn của nhân vật còn bị trùng lặp với lời bình (15%). Mong muốn của họ đối với âm thanh trong video trên báo điện tử là, âm thanh cần rõ ràng, cung cấp được nhiều thông tin (78,5%), âm thanh phù hợp với nội dung hình ảnh (60,1%), lời bình ngắn gọn, sắc sảo (66,3%), tiếng động hiện trường chân thực, lôi cuốn (58%), câu trả lời phỏng vấn ấn tượng (61,9%), âm nhạc phù hợp nội dung phản ánh (45,4%).

Kết quả này thêm một cơ sở đánh giá về nhu cầu của công chúng không chỉ đòi hỏi nội dung video sinh động, hấp dẫn, mà hình thức thể hiện, hình ảnh, âm thanh cũng phải cuốn hút, độc đáo, đa dạng. Lý do sâu xa còn nhiều công chúng chưa thích xem hoặc chưa dành nhiều thời gian xem video trên báo điện tử không phải là những rào cản về công nghệ (tốc độ đường truyền, kích thước màn hình, chi phí tốn kém mua thiết bị di động hay trả phí mạng internet), mà nguyên nhân gốc rễ nằm ở chính chất lượng nội dung các video. Thực tế chứng minh, những video nào chứa đựng những thông tin nóng, cần thiết, độc đáo, được thể hiện hấp dẫn thì vẫn có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với công chúng. Điển hình như video “Chui vào túi ni lông để qua suối” được đăng trên báo tuổi trẻ online ngày 17/03/2014, đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng trong nước và ngoài nước.

Ý tưởng của tác phẩm này được xuất phát từ những hình ảnh do cô giáo Tòng Thị Minh cung cấp. Câu chuyện trong video nói về việc vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phải chui vào túi nilông và nhờ người biết bơi kéo qua suối, bất chấp con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết. Những hình ảnh trong video này đã tác động rất mạnh đến cảm xúc của đông đảo công chúng và thu hút lượt view, lượt share khổng lồ của các độc giả trong và ngoài nước. Video này có tác động mạnh mẽ, đã dấy lên phong trào quyên góp ủng hộ việc xây cầu cho các địa phương có đời sống khó khăn. Cây cầu treo Sam Lang cũng được thực hiện ngay sau đó. Tác phẩm này của báo tuổi trẻ được nhận giải A, giải báo chí quốc gia năm 2015.

Tuổi trẻ online vào tháng 6/2019 có một loạt video điều tra về nhập hàng Trung Quốc về ghi xuất xứ Việt Nam để lừa người tiêu dùng, làm rõ được chiêu trò lừa đảo này bằng những hình ảnh xác thực, phong phú, sinh động, những đoạn phỏng vấn chất lượng, thể hiện thông tin nhiều chiều. Video này ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng, gây ra tiếng vang lớn trong xã hội, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra. Riêng video điều tra tập 4: “Asanzo có dấu hiệu gian dối, đánh lừa người tiêu dùng”  khi phát trên youtube đã nhận được 285.753 lượt xem, 2.4 nghìn lượt like, 374 comment. Với những thông tin đa dạng, nhiều chiều, hình ảnh chât thực, sinh động, video dạng này đã thực sự là sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng sự mong chờ của đông đảo công chúng.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các báo điện tử ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nhiều video chất lượng để thu hút được sự trung thành của công chúng với báo. Đa phần các báo chưa xây dựng được các chuyên mục video có thương hiệu, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong thực đơn tiếp nhận thông tin hằng ngày, hằng giờ của đông đảo công chúng. Hạn chế của đa phần các video trên báo điện tử cơ bản thể hiện ở những điểm chính sau:

Thứ nhất, đề tài, chủ đề của các video chưa phong phú, sinh động. Việc lựa chọn đề tài chưa được chọn lọc, thiếu những phát hiện mới, góc nhìn mới về các sự việc hiện tượng trong cuộc sống. Thiếu những đề tài phát huy được thế mạnh của hình ảnh, âm thanh trong việc thể hiện nội d

Thứ hai, cách thể hiện của các video chưa hấp dẫn. Phần lớn các video được thể hiện theo tư duy của người làm truyền hình truyền thống, chưa lựa chọn được cách thức thể hiện phù hợp với đầu ra của sản phẩm. Cách sử dụng ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh, text (văn bản), đồ hoạ chưa chu

Thứ ba, thời lượng các video quá dài, rất ít báo điện tử sản xuất các video theo mong muốn của công chúng (từ 2 phút trở xuống), dẫn đến cảm giác nhàm chán. Cách kể chuyển của các video còn dài dòng, tiết tấu hình ảnh hoặc quá nhanh, hoặc quá chậm, gây cảm giác ức chế cho người x

Thứ tư, thiếu các chuyên mục video, mảng nội dung được tổ chức sản xuất bền vững, tần suất đăng tải phụ thuộc vào nguồn video sản xuất hay khai thác được, nên chưa tạo được thói quen, sự trung thành của công chúng.

Tiêu chí sản xuất video trên báo điện tử ở Việt Nam

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc sản xuất các video cho báo điện tử ở Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí sau:

– Đáp ứng tốt nhu cầu của công chúng, thu hút lượt view, share cao

Cốt lõi của vấn đề chính là việc phải thay đổi cách thức sản xuất các nội dung video hướng tới công chúng, từ việc nghiên cứu khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu, sở thích, hành vi và thói quen mới của công chúng trên các nền tảng. Một video muốn đáp ứng được nhu cầu của người xem thì các báo cần có chiến lược nghiên cứu công chúng, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ một cách nghiêm túc, hiệu quả. Mỗi báo mạng điện tử có những nhóm công chúng mục tiêu khác nhau với những nhu cầu, mong muốn, đặc điểm tâm lí khác nhau. Chính vì vậy, phải hiểu rõ nhu cầu, mong muốn, tâm lí, thị hiếu, văn hóa, cá tính của đối tượng công chúng mục tiêu, các báo mới có được những chiến lược phù hợp về nội dung và hình thức thể hiện sản phẩm video. Việc tạo ra được những giá trị khác biệt cho các video sẽ là điểm cốt yếu để các báo tạo ra sức cạnh tranh thu hút công chúng. Lượt view, share là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng và hiệu quả của tác phẩm video. Trách nhiệm phóng viên trong việc tạo video trực tuyến không chỉ là thu hút công chúng xem, mà phải làm cho họ truy cập và chia sẻ để lan tỏa video trên nhiều nền tảng mạng Internet.

– Thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của báo

Một thách thức rất lớn cho các báo điện tử ở Việt Nam là phải có được những sản phẩm cạnh tranh để vừa thu hút công chúng, vừa đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích của toà soạn, thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng, giáo dục. Lý thuyết “ Sử dụng và hài lòng” của Elihu Katz cho thấy rằng, công chúng chỉ lựa chọn những kênh truyền thông thích ứng, thỏa mãn nhu cầu của họ[8]. Rõ ràng, việc làm hài lòng công chúng là yêu cầu bắt buộc đối với các kênh truyền thông trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu của công chúng không có nghĩa là chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Với vai trò là cơ quan báo chí, mọi chiến lược sản xuất phải phù hợp với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động của kênh, đặc biệt, phải giữ vững giá trị cốt lõi của báo mình.

– Tiết kiệm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chi phí để sản xuất 1 video thường lớn hơn nhiều so với chi phí để cho ra đời một tác phẩm báo chí bằng văn bản, điều này cũng tạo áp lực cho các toà soạn. Để có thể có được lượng video dồi dào phục vụ phát định kì trên báo phục vụ công chúng, thì một trong những tiêu chí mà các toà soạn đưa ra để đánh giá hiệu quả sản xuất video là tác phẩm đó được sản xuất bởi nguồn chi phí tiết kiệm nhất, nhưng mang lại hiệu quả nguồn thu cao nhất. Nếu như ekip sản xuất tác phẩm truyền hình thường có từ 3-4 người (biên tập, quay phim, kĩ thuật, lái xe) thì ekip sản xuất video trên báo điện tử nên gọn nhẹ, chỉ cần 2, thậm chí 1 người (biên tập kiêm quay và dựng).

Phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) Đinh Ngọc Sơn tham luận “Phát triển video trên nền tảng số từ góc nhìn đào tạo” tại hội thảo “Phát triển nội dung trên nền tảng số” do TTXVN tổ chức (Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN)

Ghi hình và dựng hình cũng có thể sử dụng các thiết bị đơn giản, tiện lợi. Có khi chỉ với chiếc điện thoại di động thông minh đã có thể sản xuất hoàn thiện được tác phẩm video rất hấp dẫn, đầy sáng tạo. Mô hình quản lý sản xuất cũng cần tinh gọn, linh hoạt, vừa đảm bảo số lượng và chất lượng các video sản xuất trong ngày, vừa tiết kiệm tối đa mọi chi phí  quản lý, sản xuất, đồng thời có thể làm gia tăng giá trị cho mỗi sản phẩm video.

Giải pháp nâng cao chất lượng video trên báo điện tử

(1) Đẩy mạnh chuyển đổi số về công nghệ sản xuất và phân phối nội dung

Để có thể tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng các video, giữ vững và mở rộng tập công chúng trên các nền tảng internet thì các báo điện tử cần thiết phải đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số. Đây là cuộc chuyển đổi toàn diện bao gồm chuyển đổi số về công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng chương trình, rút ngắn thời gian, nhân lực và chi phí sản xuất; chuyển đổi số trong phân phối nội dung đa nền tảng internet; chuyển đổi số trong quản lý điều hành tác nghiệp; chuyển đổi số trong sáng tọ nội dung để nâng cao hiệu quả truyền thông, nâng cao trải nghiệm của công chúng;…

Cần tối ưu hoá quy trình sản xuất phân phối trên nền tảng số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hoá nhiều khâu trong quy trình. Sử dụng hệ thống khuyến nghị (Recommender System) sử dụng công nghệ Al để thực hiện phân tích và hiểu khối dữ liệu người dùng, từ đó đưa ra những dự đoán, gợi ý đề xuất phù hợp với sở thích của công chúng tại thời điểm bất kỳ. Việc thấu hiểu công chúng qua hệ thống khuyến nghị này sẽ giúp các báo nắm bắt chính xác đặc điểm, nhu cầu của công chúng một cách tức thì, từ đó điều chỉnh nội dung sản xuất kịp thời.

Ứng dụng công nghệ Al có thể giúp các báo, phóng viên giải quyết hiệu quả việc lựa chọn đề tài, cách thức thể hiện video sát với nhu cầu, sở thích thực sự của công chúng. Khi các phóng viên xác định được sở thích, xu hướng của công chúng và gửi thông tin vào phần mềm tích hợp Al hoặc đến một hệ khuyến nghị, các phép toán sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, ngay lập tức đưa ra phương án mà các phóng viên cần, phù hợp với nhu cầu của công chúng cũng như mục tiêu của cơ quan báo.

Thống kê về những nội dung video mà người Việt xem trên internet (Nguồn: We are social)

(2) Chuyển đổi số trong tư duy, hành động

Theo quan điểm của các chuyên gia, đứng từ khía cạnh những nhà sản xuất nội dung, chuyển đổi số không đơn thuần là cuộc chuyển đổi lớn về công nghệ, mà đó còn là những chuyển đổi về hành vi con người. Đây là bước chuyển lớn trong xã hội khi sự phát triển của công nghệ đã đáp ứng được các nhu cầu của con người theo cách thức mới. Việc chuyển đổi tư duy từ người lãnh đạo đến các phóng viên, kỹ thuật viên và các nhân sự khác trong cơ quan báo có ý nghĩa đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí nói chung, video nói riêng. Nếu đưa công nghệ mới vào sản xuất nhưng từ khâu lãnh đạo, điều hành đến đội ngũ phóng viên, kỹ thuật vẫn theo tư duy cũ, cách làm cũ thì chưa thể phát huy hết sức mạnh của công nghệ. Cần phát triển mô hình nhà báo tích hợp đa kỹ năng, đồng thời làm chủ được nhiều việc từ phân tích nhu cầu của công chúng,  lên kế hoạch sản xuất, xây dựng kịch bản, quay, dựng, truyền tin về máy chủ toà soạn, đóng gói sản phẩm.

(3) Một số giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng tác phẩm video

Muốn có một video hấp dẫn, cần quan tâm đến các yếu tố cụ thể như sau:

Về đề tài, trên cơ sở những dữ liệu phân tích công chúng và chức năng nhiệm vụ của cơ quan báo chí, phóng viên lựa chọn đề tài mang tính thời sự, những sự kiện, vấn đề mới nhất diễn ra trong cuộc sống mà công chúng cần, muốn quan tâm. Nếu không biết chọn những góc độ mới, cách thức tiếp cận thông tin sao cho hấp dẫn nhất thì rất khó lôi cuốn công chúng chạm biểu tượng play trên màn hình điện thoại. Hiện thực đời sống là chất liệu quan trọng nhất để người làm video phát hiện những đề tài hay. Trên chất liệu vô cùng phong phú ấy, mỗi người làm báo sẽ lựa chọn những góc độ phản ánh riêng, tạo ra sự khác biệt trong bức tranh thông tin đa sắc màu. Tất nhiên, không phải đề tài nào cũng lựa chọn để làm video. Nếu không lựa chọn được những đề tài phù hợp thì rất khó có được những video hấp dẫn, cuốn hút được người xem.

Về kịch bản, một video có chất lượng bao giờ cũng được làm từ kịch bản kĩ lưỡng. Nội dung của kịch bản là kết quả của quá trình thực tế, khai thác thông tin, tìm hiểu kỹ đề tài. Tuy nhiên, kịch bản cũng chỉ là những dự kiến về các việc mà phóng viên sẽ phải làm. Trên cơ sở kịch bản, sự sáng tạo linh hoạt của phóng viên khi tiếp cận hiện trường là vô cùng cần thiết. Thậm chí, với người làm nghề có kinh nghiệm, những biến động của hiện trường thực tế sẽ gợi mở cho họ những ý tưởng mới, ngã rẽ mới hoàn toàn khác và hiệu quả hơn.

Về ghi hình, trước tiên, cần đảm bảo ghi được những hình ảnh theo yêu cầu của kịch bản. Ngoài ra, căn cứ vào thực tiễn, phóng viên sẽ chủ động sáng tạo, chớp lấy những hình ảnh giá trị, cần thiết cho nội dung tác phẩm. Do thời lượng video rất ngắn nên cần có những chi tiết hình ảnh đắt, có giá trị biểu tượng và giá trị thông tin cao. Đó có thể là những hình ảnh ghi lại những diễn biến bất ngờ của sự kiện, sự việc, hoặc thể hiện tâm trạng, cảm xúc chân thực của nhân vật.

Phóng viên cũng cần chú ý các góc máy sao cho sinh động, phù hợp, khai thác được cả những cỡ cảnh trung, cận, đặc tả, tạo cái nhìn đa dạng, nhiều chiều về sự việc. Nên hạn chế tối đa việc sử dụng động tác máy và cảnh toàn. Hình ảnh còn phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật, rõ nét, không bị rung, bị nhòe, ngược sáng. Yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ cần được tính kỹ đối với một số video giải trí, video nghệ thuật để thể hiện ý đồ của tác giả. Cần chú ý đến việc khai thác âm thanh (lời nói, tiếng động hiện trường). Lời nói cần đảm bảo nghe rõ ràng, đạt tiêu chuẩn về tần số, tránh tạp âm.

Về dựng hình, tác phẩm hấp dẫn hay không còn phụ thuộc nhiều vào khâu xử lý hậu kỳ. Trước khi dựng hình cần xem file, ghi lại chi tiết nội dung từng hình ảnh có thể sử dụng được. Sau đó, làm kịch bản dựng, trên cơ sở những hình ảnh có được, tác giả tiến hành sắp xếp các nội dung trên giấy theo một đường dây lôgic nhất định để làm rõ chủ đề. Cần tuân thủ ngữ pháp câu hình, các hình ảnh được sắp xếp đảm bảo tính lô gic, vừa phù hợp với thực tế cuộc sống, vừa đúng với ý tưởng, mục đích của tác giả. Công chúng thường thích xem các video có thời lượng dưới 1 phút hoặc từ 1-2 phút nên cần hướng tới những dạng video này.

Cách kể chuyện của video nên là cách dẫn trực tiếp vào câu chuyện và đưa ra những chi tiết hình ảnh đắt nhất để chạm vào cảm xúc của công chúng. Việc cân đối giữa hình và tiếng trong khi dựng rất cần được chú ý. Nếu hình ảnh và âm thanh (lời bình, tiếng động, âm nhạc) kênh nhau, không phù hợp về tiết tấu, nội dung, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của tác phẩm. Đồ hoạ hay text trong video cũng cần thiết kế độc đáo, ngắn gọn, bắt mắt. 

Về lời bình và phụ đề, lời bình không nên nhắc lại những gì công chúng thấy được trên màn hình mà cung cấp, bổ sung thêm những thông tin ngoài hình. Ngôn ngữ cần ngắn gọn, súc tích, gợi sự liên tưởng, nói được những chi tiết mà hình ảnh không thể diễn đạt được. Tuy nhiên, nên tránh việc nhồi nhét lời bình, tước đi của công chúng cơ hội cảm nhận thông tin qua các kênh ngôn ngữ khác như hình ảnh, tiếng động hiện trường, âm nhạc, text, …. Hãy để người xem có khoảng thời gian tự cảm nhận về sự kiện, sự việc bằng những âm thanh có thực tại hiện trường hoặc có kèm chữ phụ đề. Với các video có phụ đề, công chúng có thể xem ở  bất cứ nơi đâu, ngay cả ở nơi ồn nhất vẫn có thể tiếp nhận trọn vẹn nôi dung tác phẩm.

Kết luận

Sản xuất và đăng tải video chính là biện pháp cứu cánh, tận dụng thế mạnh của các loại hình truyền thông để gia tăng giá trị cho báo điện tử trong bối cảnh truyền thông mới. Để video trên báo điện tử trở thành món ăn tinh thần thường xuyên của công chúng thì các báo cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số một cách toàn diện, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ đổi mới cách thức sản xuất theo hướng bám sát nhu cầu, tâm lý, văn hoá, đặc điểm tiếp nhận của công chúng. Chỉ những video có nội dung sâu sắc, thiết thực, hình thức thể hiện độc đáo, hấp dẫn mới là những sản phẩm được công chúng mong chờ, tiếp nhận.

TS Nguyễn Minh Hải
TS Nguyễn Minh Hải

Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Việt Nam