Lịch sử nên là môn bắt buộc hay tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông khi bậc học này được phân hóa thành giai đoạn giáo dục hướng nghiệp đang là vấn đề gây tranh cãi trong công luận.

Nhiều ý kiến lo ngại nhiều học sinh sẽ không lựa chọn, không học sử khi Lịch sử trở thành môn tự chọn và các em sẽ bị thiếu hụt kiến thức về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều năm qua, dù vẫn là một môn học bắt buộc trong các trường trung học phổ thông, Lịch sử vẫn chưa thu hút được học sinh. Giáo dục Lịch sử vẫn chưa mang lại hiệu quả mong đợi, thể hiện rõ qua sự lựa chọn của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp và qua điểm số của môn học này.

Vậy, làm thế nào để khơi gợi tình yêu của học sinh với môn Lịch sử?

Ít học sinh lựa chọn

Đầu tháng 4/2013, dư luận cả nước dậy sóng trước video clip ghi lại hình ảnh hàng trăm học sinh đồng loạt xé đề cương môn Lịch sử tung trắng cả sân trường sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó không có môn Lịch sử.

Dù sự việc xảy ra ở một trường nhưng đã minh chứng cho thấy việc học sinh quá áp lực và không hứng thú với môn học này.

Điều đó đã được thể hiện rõ khi từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chỉ bắt buộc thí sinh thi môn Toán, Ngữ văn và được tự chọn thêm hai môn trong số 6 môn Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý và Ngoại ngữ. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ thí sinh chọn môn Lịch sử.

Trong suốt 6 năm qua, điểm trung bình của môn Lịch sử chỉ giao động quanh mốc 4 điểm, duy nhất năm 2020 vượt lên gần 5,2 điểm; điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là giao động trong khoảng từ 3 điểm.

Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ thí sinh chọn môn Lịch sử là 11,52%, thấp nhất trong số các môn tự chọn, có khoảng cách rất xa so với tỷ lệ 57,6% của môn Hóa, 48% của môn Vật lý hay trên 36% của môn Địa lý.

Năm 2015, Ngoại ngữ được chuyển sang danh mục môn thi bắt buộc, danh sách môn thi tự chọn còn 5 môn, trong đó thí sinh chỉ chọn một môn. Tỷ lệ thí sinh lựa chọn môn Lịch sử nhỉnh hơn với 15,3% thí sinh đăng ký, nhưng vẫn là môn có tỷ lệ thí sinh đăng ký thi thấp nhất. Năm 2016, tỷ lệ thí sinh đăng ký môn Lịch sử lại tụt xuống 13,1% và vẫn xếp vị trí chót bảng.

Tỷ lệ thí sinh chọn môn Lịch sử so với các môn

Việc số lượng thí sinh dự thi môn Lịch sử quá ít đã dẫn đến tình huống chưa từng có tiền lệ như tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Yên Thành 2 (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), trong buổi thi môn Lịch sử chỉ có một thí sinh dự thi nhưng cả hội đồng coi thi gồm 66 cán bộ vẫn phải đến làm việc đầy đủ để tổ chức thi. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều điểm thi khác trên cả nước.

Từ năm 2017, quy chế thi tiếp tục điều chỉnh, đưa Lịch sử trở thành môn thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (cùng với các môn Địa lý, Giáo dục công dân). Để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài ba môn bắt buộc, học sinh được chọn thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội hoặc Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học). Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, tất cả các môn đều thi trắc nghiệm.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy số lượng thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội không ngừng tăng qua các năm. Nếu năm 2017 chỉ có 43% thí sinh lựa chọn tổ hợp này thì năm 2022, tỷ lệ này là 55,53%.

Tỷ lệ thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học Xã hội tăng qua các năm

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc học sinh chọn môn Lịch sử. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khối C rất thấp, năm năm 2018 là 10,17%, năm 2019 chỉ 9,64%.

Nhiều học sinh cho hay chọn tổ hợp Khoa học Tự nhiên khó kiếm điểm nếu không học trong khi tổ hợp Khoa học Xã hội có môn Giáo dục công dân dễ suy luận, môn Địa lý được mang tài liệu là Attlat địa lý Việt Nam vào phòng thi.

Năm 2020, điểm trung bình của thí sinh ở môn Địa lý là 7 điểm, môn Giáo dục công dân là 8,1 điểm. Năm 2021, điểm trung bình của môn Giáo dục công dân tăng lên 8,37 điểm với “cơn mưa” gần 18.700 điểm 10.

Theo đó, với tổ hợp Khoa học Xã hội, Địa lý và Giáo dục công dân là môn “cõng” điểm, thí sinh chỉ cần cố gắng để môn Lịch sử không bị điểm liệt (dưới 1 điểm) nhằm đủ điều kiện xét tốt nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khi đó, với việc thi trắc nghiệm, tỷ lệ bài thi bị điểm liệt giảm rõ rệt. Nếu năm 2015, Lịch sử là bài thi tự luận, tỷ lệ thí sinh từ 1 điểm trở xuống của môn này là 0,91% thì năm 2017, năm đầu tiên thi trắc nghiệm, tỷ lệ thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử còn 0,17%. Năm 2020, với đề thi dễ hơn, tỷ lệ này tiếp tục xuống 0,02%, năm 2021 là 0,08%.

Tỷ lệ thí sinh bị điểm liệt ở môn Lịch sử qua các năm

Điểm thi lẹt đẹt

Việc thí sinh chọn tổ hợp Khoa học Xã hội nhưng không thực sự chọn và học Lịch sử đã thể hiện rõ qua điểm số của môn thi này khi Lịch sử luôn là môn có mức điểm thấp nhất trong số tất cả các môn thi.

Năm 2018, môn Lịch sử gây choáng váng với tỷ lệ 83,45% thí sinh dự thi có điểm số dưới trung bình, điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25 điểm; điểm số trung bình của các thí sinh là 3,79 điểm.

Năm 2018, tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử giảm xuống còn 70,1% nhưng vẫn ở mức rất cao khi cứ ba thí sinh dự thi thì có hai em dưới 5 điểm.

Các năm 2020, 2021, tỷ lệ học sinh điểm dưới trung bình môn Lịch sử đã giảm xuống gần 47% (năm 2020) và trên 52% (năm 2021). Tuy nhiên, điều này có nguyên nhân quan trọng từ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi tính chất của kỳ thi nên giảm độ khó của đề, cộng với việc ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đề thi tiếp tục theo hướng “dễ thở” hơn cho thí sinh. Vì thế, không chỉ môn Lịch sử, điểm thi tăng vọt ở tất cả các môn.

Tỷ lệ bài thi điểm dưới trung bình của môn Lịch sử rất cao

Nhưng không chỉ từ 2017, khi Lịch sử là môn thành phần của bài thi Khoa học xã hội, điểm thi môn Lịch sử mới ở tình trạng “lẹt đẹt.” Trước đó, năm 2016, khi Lịch sử là môn thi độc lập và thí sinh chủ động lựa chọn thi để xét tuyển đại học, điểm của môn thi này vẫn rất thấp. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2016 cho thấy điểm trung bình của thí sinh ở môn Lịch sử là 4,32 điểm; điểm số thí sinh đạt nhiều nhất là 3 điểm.

Điểm trung bình và điểm số nhiều thí sinh đạt nhất ở môn Lịch sử qua các năm

Trong suốt 6 năm qua, điểm trung bình của môn Lịch sử chỉ giao động quanh mốc 4 điểm, duy nhất năm 2020 vượt lên gần 5,2 điểm; điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là giao động trong khoảng từ 3 điểm (năm 2016) đến 4,5 điểm (năm 2020).

Thay đổi cách dạy để gieo tình yêu với môn Lịch sử

Phỏng vấn của phóng viên VietnamPlus với rất nhiều thí sinh cho thấy các em nhận thức rất rõ về vai trò, ý nghĩa của môn Lịch sử, tuy nhiên lượng kiến thức quá nhiều và cách dạy truyền thụ đơn điệu khiến học sinh khó tiếp thu.

Em Nguyễn Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Chúc Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay không thích môn Lịch sử vì kiến thức khô han, sách nhiều chữ, nhiều dữ liệu. Cách giảng dạy của thầy cô về môn Lịch sửa chưa sinh động, hấp dẫn để thu hút học sinh…

Trần Thu Trang, học sinh Trường Trung học phổ thông Phả Lại (Hải Dương) cho rằng cần tinh giản nội dung đồng thời giáo viên thay đổi cách dạy sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với môn học này.

Trên thực tế, những hạn chế trên của môn Lịch sử trong các nhà trường đã được chỉ ra nhiều lần. Nhiều giáo viên đã và đang nỗ lực thay đổi. Tại trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội), học sinh Nguyễn Thị Hồng Ngọc cho hay giáo viên sẽ chia học sinh theo nhóm đi trực tiếp tìm hiểu các di tích lịch sử và quay lại thành các vdieo để chiếu trên lớp. “Em thấy học thực tiễn sẽ hiệu quả hơn, học sinh sẽ chủ động tìm hiểu thông tin, từ đó sẽ ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn. Những bài giảng trên lớp của cô cũng rất truyền cảm hứng,” Ngọc Hồng chia sẻ.

Thầy và trò Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú tại Nghĩa trang Trường Sơn. (Ảnh: NTCC)

Tại trưởng Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội), hàng năm, nhà trường đều tổ chức chương trình về nguồn cho học sinh khối 12. Các em sẽ đi được đến các địa danh nổi tiếng như cầu Hiền Lương, nghĩa trang Trường Sơn…

Tại trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo đã đổi cách dạy học từ thuyết giảng sang hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho học sinh chủ động tìm hiểu các nội dung kiến thức, hệ thống hóa và thuyết trình, phản biện theo nhóm. Những bài giảng lịch sử khô khan đã trở thành những chủ đề tranh luận sôi nổi của học sinh. “Nhiều khi tôi lên lớp nhưng được học sinh cho ‘nghỉ dạy’, chỉ ngồi dưới nghe các học sinh thay nhau ‘giảng bài,” cô Thảo cười nói.

Những giờ học đầy đổi mới của các giáo viên như cô Thảo đã gieo nơi học sinh tình yêu môn Lịch sử, giúp các em hiểu sử và biết cách học phù hợp với môn học này.

Những giờ học đầy đổi mới của các giáo viên như cô Thảo đã gieo nơi học sinh tình yêu môn Lịch sử, giúp các em hiểu sử và biết cách học phù hợp với môn học này. Là một học sinh yêu thích môn Lịch sử, em Hà Thảo Vy, học sinh Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết em không thấy khó khăn khi học sử. Cách học sử của Vy là sử dụng sơ đồ tư duy, lập sơ đồ tuyến tính sự kiện theo thời gian, từ đó hiểu được tiến trình tất yếu của lịch sử, kết hợp với các từ khóa cho từng sự kiện, giai đoạn lịch sử.

Cô Thảo đứng cuối lớp, lắng nghe học sinh thuyết trình trên bục giảng. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Thích sử nên Vy chọn Lịch sử để thi tốt nghiệp dù không xét tuyển khối C. Vy cho hay  em vẫn tìm kiếm tư liệu và tự học thêm về lịch sử.

Yêu sử, nhưng theo Vy, để chọn Lịch sử là môn hướng nghiệp lại cần thêm nhiều yếu tố. Nhiều học sinh thích nghề về kỹ thuật, kinh tế hay công nghệ thông tin nên không chọn Lịch sử. Nhưng ngay cả khi mong muốn được học sử thì cũng vẫn còn những rào cản không nhỏ để học sinh mê sử chọn theo tiếp môn học này.

Mở rộng cơ hội nghề nghiệp

Hoàng Đình Tú, học sinh Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từng là một học sinh dự thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp thành phố khi học cấp hai. Vì thế, khi lên cấp ba, Tú bảo đã rất muốn chọn khối C là tổ hợp sẽ theo đuổi để xét tuyển vào các trường đại học.

“Nhưng sau khi tìm hiểu thông tin, em thấy có rất ít trường đại học sử dụng khối C để xét tuyển, chiếm một số lượng vô cùng nhỏ so với các khối khác, cơ hội việc làm cũng rất ít. Vì thế, em đã quyết định chuyển sang ôn khối D. Dù rất tiếc nuối và hơi buồn nhưng em phải thực tế, đi theo xu hướng chung,” Đình Tú chia sẻ.

Các trường đại học cần mở rộng cơ hội trúng tuyển vào nhiều ngành nghề đa dạng hơn gắn với môn Lịch sử để tạo động cơ học tập cho học sinh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 90% thí sinh xét tuyển đại học theo các tổ hợp truyền thống gồm khối A (Toán, Lý, Hóa), khối A1 (Toán, Văn, Lý), khối D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), khối B (Toán, Hóa, Sinh) và khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Trong đó, khối C – tổ hợp duy nhất có môn Lịch sử – luôn có tỷ lệ thấp nhất, trên dưới 10%, giảm dần qua các năm, nếu năm 2017 là 10,24% thì đến 2018, con số này là 10.14%, năm 2019 còn 9,64%, thấp hơn rất nhiều và trái ngược với xu hướng tăng dần của tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội.

Tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khối C rất thấp và giảm dần qua các năm

Cũng theo Tú, khi đã chọn khối D, em không thể dành nhiều thời gian cho môn Lịch sử vì phải tập trung vào Toán, Văn, Ngoại ngữ, những môn sẽ quyết định việc đỗ – trượt vào các trường đại học, cũng là mục tiêu lớn nhất của đa số học sinh sau 12 năm đèn sách. Hoàng Đình Tú cho rằng trong giai đoạn hướng nghiệp, mục tiêu của học sinh rất thực tế: đỗ đại học, có việc làm, có thu nhập. Như rất nhiều học sinh lớp 12 khác, trong thời điểm nước rút ôn thi, giờ Lịch sử, thay vì học sử, Tú sẽ mở tài liệu khối D.

Vì vậy, Hoàng Đình Tú cho rằng trong giai đoạn hướng nghiệp, muốn học sinh thực sự chọn sử, học sử, cần phải mở rộng cơ hội nghề nghiệp, cơ hội việc làm gắn với môn học này để tạo động cơ học tập cho học sinh.

Những nỗi niềm, cân nhắc, tính toán và lựa chọn của em Hoàng Đình Tú không phải mới mà là vấn đề đã tồn tại hàng chục năm qua nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Ông Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập của Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance cho hay 25 năm trước, chính ông cũng phải cân nhắc và lựa chọn như Tú, dù lòng đầy tiếc nuối.

Được cha bồi đắp tình yêu lịch sử từ nhỏ, suốt thời đi học phổ thông, ông Minh rất thích môn Lịch sử. “Yêu sử, nhưng áp lực phải học một ngành gì đó để có thể có được việc làm khi ra trường là rất nặng nề, do đó, tôi đã chọn học khối D. Tuy nhiên, không vì thế mà niềm yêu thích lịch sử bị phai nhạt. Tôi vẫn đọc sách sử và mày mò tự học, tự nghiên cứu về lịch sử,” ông Hoàng Anh Minh chia sẻ.

Những giờ học hấp dẫn sẽ gieo trong học sinh tình yêu lịch sử, giúp các em hiểu sử, biết cách học sử để có thể học tập suốt đời. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Cũng theo ông Minh, từ những trải nghiệm của bản thân trong cuộc sống, trong công việc và quá trình nghiên cứu về lịch sử, ông càng nhận ra ý nghĩa to lớn của lĩnh vực này.

“Làm báo trong lĩnh vực kinh tế, tôi nhận thấy có rất nhiều điểm chung giữa báo chí và lịch sử. Lịch sử kinh tế tài chính cũng có rất nhiều điều thú vị và là dư địa rất lớn cho các hoạt động nghiên cứu. Vì vậy, tôi muốn học sử một cách nghiêm túc để phục vụ cho công việc báo chí hiện nay và có thể là công việc nghiên cứu trong tương lai,” ông Minh nói.

Và, ở tuổi 43, Tổng biên tập của Tạp chí Đầu tư Tài chính quyết định đi học cao học Lịch sử trong sự ngỡ ngàng của bạn bè.

Từ câu chuyện bản thân, ông Minh cho rằng gia đình, nhà trường cần phối hợp để gieo mầm nơi học sinh tình yêu với môn Lịch sử từ nhỏ, khơi gợi trong các em khát khao tìm hiểu, khám phá kiến thức lịch sử. Bên cạnh đó, việc mở rộng cơ hội nghề nghiệp, việc làm gắn với môn học này cũng là vấn đề hết sức quan trọng để tạo động lực cho học sinh học sâu hơn về lịch sử khi các em bước vào giai đoạn hướng nghiệp./.

Phạm Mai
Phạm Mai