Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.

Trước đó, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 856/QĐ-TTg (ngày 4/6/2021) phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm (giai đoạn 2021-2023) và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021. Sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 5/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 856/QĐ-TTg.

Để hiểu rõ hơn về thực trạng quản lý nợ công hiện nay cũng như những định hướng trong thời gian tới, Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính.

Biện pháp mạnh chưa từng có

-Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính.

– Liên tiếp trong gần 1 năm, Chính phủ đã ban hành 03 quyết định liên quan đến việc quản lý nợ công. Vậy xin ông cho biết tại sao lại có sự điều chỉnh trong các quyết định năm 2021 cũng như việc ban hành Chương trình quản lý nợ công lần này?

Ông Võ Hữu Hiển: Theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách nhà nước, căn cứ tổng mức vay, trả nợ của ngân sách Nhà nước năm 2021 được Quốc hội phê duyệt, hạn mức vay về cho vay lại, hạn mức bảo lãnh năm 2021 được Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021 cùng với chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 856/QĐ-TTg ngày 4/6/2021.

Tuy nhiên, năm 2021 là một năm đầy biến động đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Xét về bối cảnh vĩ mô, trong điều kiện tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương trong cả nước; trong đó có cả các địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung đông dân cư và hoạt động công nghiệp, dịch vụ. Do đó, Việt Nam buộc phải áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có tiền lệ, qua đó đã tác động toàn diện đến nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động lớn đến tăng trưởng, thu-chi ngân sách Nhà nước cũng như việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công, nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp năm 2021.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo kế hoạch vay, trả nợ công bám sát hơn với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu huy động vốn nước ngoài không được bảo lãnh của khu vực tư nhân cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021 theo hướng giảm mức huy động vốn vay của Chính phủ, nâng hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 5/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 856/QĐ-TTg.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021 theo hướng giảm mức huy động vốn vay của Chính phủ, nâng hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả

Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình quản lý nợ trung hạn theo hình thức cuốn chiếu được thường xuyên rà soát, cập nhật cùng với kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm là phù hợp với thông lệ của thế giới. Nghiệp vụ này cho phép cơ quan quản lý theo sát diễn biến kinh tế động, chủ động nắm bắt và có các giải pháp xử lý kịp thời trước những biến động về rủi ro tài chính vĩ mô, củng cố chính sách tài khóa và hỗ trợ sự phát triển, vận thành thông suốt của thị trường trái phiếu Chính phủ.

Riêng đối với năm 2022, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt hạn mức bảo lãnh và hạn mức vay về cho vay lại năm 2022 trong tháng 3/2022, Bộ Tài chính đã kịp thời hoàn thiện Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022.

Huy động nguồn lực bổ sung

Xin ông chia sẻ cụ thể về kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022 bao gồm mục tiêu huy động vốn vay để triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội? Và điều này có tác động như thế nào lên chỉ tiêu an toàn nợ công?

Ông Võ Hữu Hiển: Mục tiêu của kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022 là đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách Nhà nước, bao gồm nguồn lực để thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với mức chi phí và rủi ro phù hợp thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.

Năm 2022, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 673.546 tỷ đồng, gồm vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 646.849 tỷ đồng để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc; vay ODA, vay ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài để cho vay lại khoảng 26.697 tỷ đồng.

Như vậy ngoài nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2021-2025), Chính phủ cần huy động bổ sung để có nguồn lực thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đã được Quốc hội phê duyệt từ đầu năm 2022.

Theo đó, trong năm 2022, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 673.546 tỷ đồng, gồm vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 646.849 tỷ đồng để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc; vay ODA, vay ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài để cho vay lại khoảng 26.697 tỷ đồng.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường và tùy thuộc vào khả năng giải ngân các nguồn vốn vay, Bộ Tài chính sẽ linh hoạt sử dụng các cơ chế, chính sách, các công cụ phù hợp huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của ngân sách Nhà nước. Nguồn huy động linh hoạt chủ yếu từ các công cụ phát hành trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm) và vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Kế hoạch trả nợ của Chính phủ khoảng 335.815 tỷ đồng; trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 299.849 đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại gần 35.966 tỷ đồng, đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Về tác động lên các chỉ tiêu an toàn nợ công, theo đánh giá của chúng tôi, với việc bổ sung nhiệm vụ huy động vốn vay tối đa cho Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội thì các chỉ tiêu nợ công vẫn đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng cảnh báo nợ được Quốc hội cho phép. Đến cuối năm 2022, nợ công dự kiến khoảng 45% GDP, nợ Chính phủ khoảng 42% GDP, thấp hơn so với mức trần tương ứng đã được Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025 là 60% GDP và 50% GDP. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra dự báo nợ công của Việt Nam ổn định ở mức khoảng 42% GDP trong trung hạn.

Vay trong nước chiếm 90%

Xin ông chia sẻ về cơ cấu và điều kiện huy động vốn của Chính phủ hiện nay?

Ông Võ Hữu Hiển: Hiện nay, nguồn vay chủ yếu của Chính phủ là từ các kênh trong nước, chiếm khoảng 90% khối lượng huy động của Chính phủ hằng năm. Vay trong nước của Chính phủ chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu, với kỳ hạn phát hành bình quân năm 2021 đạt mức 13,92 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 9-11 năm. Bên cạnh đó, kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu Chính phủ là 9,27 năm, tăng 0,85 năm so với năm 2020 và lãi suất phát hành bình quân là 2,3%/năm, giảm 0,56 điểm phần trăm so với năm 2020.

Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ chiếm khoảng 10% khối lượng vay hằng năm và vẫn là các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài (20-30 năm), lãi suất thấp (bình quân gia quyền 1,2%/năm), từ các nhà tài trợ đa phương và song phương như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triểu châu Á và Nhật Bản. Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu có lãi suất cố định nên ít bị ảnh hưởng trước biến động tiêu cực trên thị trường vốn quốc tế hiện nay.

Đối với các khoản vay trong nước, hiện nay thanh khoản trên thị trường trái phiếu Chính phủ vẫn duy trì ổn định, tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ so với tổng tài sản của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức thấp. Trong thời gian tới, khả năng lạm phát tăng sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, do nhu cầu của các nhà đầu tư trên thị trường nhìn chung vẫn cao, khả năng mặt bằng lãi suất trên thị trường có thể tăng nhưng sẽ biến động không lớn. Do đó, chúng tôi đánh giá Bộ Tài chính có thể huy động đủ vốn trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch.

Vay bù đắp bội chi chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển

– Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, gián đoạn chuỗi cung cầu, xung đột địa chính trị…, việc huy động vốn vay (trong và ngoài nước) được dự báo là sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Vậy đâu là những rủi ro, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong công tác huy động vốn vay của Chính phủ cũng như các giải pháp để có thể thực hiện Kế hoạch đã đề ra?

 mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng GDP dương trong giai đoạn này và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia nổi bật trong số các nước thuộc thị trường mới nổi về khả năng hồi phục kinh tế sau đại dịch

Mặc dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong hơn 2 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng GDP dương và là quốc gia nổi bật trong số các nước thuộc thị trường mới nổi về khả năng hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Ông Võ Hữu Hiển: Về tình hình quốc tế, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới, gây áp lực gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng áp lực lạm phát đối với nhiều nền kinh tế.

Đối với tình hình trong nước, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng GDP dương trong giai đoạn này và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia nổi bật trong số các nước thuộc thị trường mới nổi về khả năng hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Như tôi đã chia sẻ, với thành quả quản lý tài khóa, nợ công hiệu quả trong những năm qua, Chính phủ có thêm dư địa để đối phó với các rủi ro và cú sốc vĩ mô, là nền tảng quan trọng để nền kinh tế phục hồi và phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu trong nước cũng đem lại cơ hội huy động nợ tương đối dài hạn với chi phí hợp lý, mặc dù vẫn tiềm ẩn những rủi ro mang tính cấu trúc của thị trường vốn trong nước.

Về vay vốn nước ngoài, trong điều kiện Việt Nam đã tốt nghiệp điều kiện vay IDA và không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cao, giá rẻ như trước, nước ta sẽ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường và càng đòi hỏi phải có kế hoạch vay, trả nợ công trung, dài hạn thận trọng, linh hoạt để hạn chế những hệ quả tiêu cực lâu dài.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, rủi ro chính trong kế hoạch huy động vốn vay của Chính phủ liên quan đến khả năng đáp ứng nhiệm vụ vay tăng cao so với giai đoạn trước, có tính đến việc huy động vốn cho Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Để đảm bảo đủ nguồn vay trong nước có khả năng phải huy động từ các công cụ nợ kỳ hạn từ 3 năm trở xuống, dẫn đến gia tăng áp lực trả nợ và rủi ro tái cấp vốn cho ngân sách nếu kỳ hạn của các khoản vay mới không được tính toán một cách cẩn trọng để hài hòa lịch trả nợ của Chính phủ qua các năm. Bên cạnh đó, đường cong lợi suất kỳ hạn dài đã được hình thành, nhưng thanh khoản chủ yếu tập trung ở phân khúc 10-15 năm.

Công trình cầu Móng Sến thuộc dự án đầu tư xây dựng đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Sa Pa. (Ảnh: Lục Hương Thu/TTXVN)

Trên thực tế, nợ nước ngoài tiềm ẩn rủi ro về chi phí vay có thể kém thuận lợi trong bối cảnh khả năng tiếp cận các nguồn vốn ODA giai đoạn tới sẽ giảm và có thể phải sử dụng các công cụ nợ với điều kiện tiệm cận theo thị trường. Ngoài ra, việc đàm phán, ký kết và giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài với tỷ lệ thấp như trong thời gian vừa qua do tác động từ đại dịch COVID-19, các vướng mắc trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn vay và vẫn còn có sự khác biệt giữa thủ tục trong nước và nước ngoài sẽ gia tăng áp lực lên nguồn vay trong nước..

Về giải pháp tổ chức huy động vốn trong trung hạn trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Tổ chức huy động vốn cho ngân sách đảm bảo chi phí và rủi ro hợp lý đồng thời hướng tới mục tiêu đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và nước ngoài để đáp ứng nhiệm vụ huy động vốn của Chính phủ trong trung, dài hạn.

Nợ công tiếp tục xu hướng giảm

Xin ông cho biết những nhận định về thực trạng “bức tranh” nợ công của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với tình hình nợ công của các nước trong khu vực?

Đường Trường Sa – Hà Nội (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ông Võ Hữu Hiển: Trong giai đoạn vừa qua, nợ công của Việt Nam được kiểm soát hiệu quả và giảm sâu từ mức 63,7% GDP năm 2017 xuống mức 55,9% GDP năm 2020 trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại. Trong năm 2021, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021 được cải thiện theo hướng tích cực, thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán, bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cùng với việc tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài về cho vay lại, theo đó nợ công tiếp tục xu hướng giảm, được kiềm chế ở mức 43,1% GDP trên cơ sở đánh giá lại.

Tỷ lệ nợ Chính phủ gộp trên GDP của Việt Nam được Fitch dự báo khoảng 42% GDP vào năm 2023 từ mức 39,7% vào năm 2021 (trên cơ sở GDP đánh giá lại), thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước có cùng xếp hạng ‘BB’ là 56,6% và 56% vào năm 2022 và 2023 ngay cả khi đã tính đến gói kích thích tài khóa, tiền tệ.

Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ việc thực hiện kiên trì, hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và nợ công với mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể trong giai đoạn trước khi làn sóng lần thứ tư của đại dịch COVID-19 bùng phát. Xu hướng giảm dần bội chi theo đó giảm gánh nặng nợ công, thực hiện hiệu quả nghiệp vụ quản lý nợ chủ động để tái cấu và giảm rủi ro nợ Chính phủ, siết chặt việc cấp mới các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh là những hành động chính sách chủ động, góp phần đảm bảo bền vững tài khóa, an toàn nợ công và tăng dư địa chính sách tài khoá để ứng phó với rủi ro vĩ mô trong hơn 2 năm qua.

Về cơ cấu dư nợ Chính phủ, tỷ trọng các khoản vay nước ngoài ngày càng giảm, từ 60% dư nợ Chính phủ năm 2010 xuống khoảng 40% năm 2016 và gần 33% tính đến cuối năm 2021, qua đó cũng góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá đối với danh mục nợ Chính phủ. Đối với danh mục nợ trong nước, dư nợ của các khoản trái phiếu Chính phủ chiếm gần 86% và các khoản phát hành kể từ năm 2017 đến nay đều có kỳ hạn dài hơn 5 năm. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, đây những yếu tố giúp gia tăng bền vững nợ của Việt Nam.

Thành quả củng cố nền tài chính công của Việt Nam đặt trong bối cảnh rất nhiều quốc gia phải gia tăng vay mạnh trong bối cảnh đại dịch được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và phản ánh thông qua hệ số tín nhiệm quốc gia của nước ta từng bước được cải thiện. Trên thực tế, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm điều chỉnh triển vọng lên Tích cực kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mới đây nhất là đánh giá của tổ chức Fitch cuối tháng 3/2022.

Trong tương quan so sánh quốc tế, nợ Chính phủ của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia với đồng mức xếp hạng ‘BB.’ Theo đánh giá của Fitch, kết quả này một phần phản ánh việc Việt Nam thành công sớm trong việc ngăn chặn đại dịch, cho phép nước ta áp dụng các phản ứng tài khóa hạn chế hơn nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ nợ Chính phủ gộp trên GDP của Việt Nam được Fitch dự báo khoảng 42% GDP vào năm 2023 từ mức 39,7% vào năm 2021 (trên cơ sở GDP đánh giá lại), thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước có cùng xếp hạng ‘BB’ là 56,6% và 56% vào năm 2022 và 2023 ngay cả khi đã tính đến gói kích thích tài khóa, tiền tệ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội dự kiến sẽ được thực hiện trong 2 năm 2022-2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP tại Ấn Độ là trên 80%, Philippines khoảng 50%.

So sánh tỷ lệ nợ chính phủ gộp so với GDP của Việt Nam với các quốc gia cùng mức xếp hạng tín nhiệm:

Đường màu xanh: Nợ của các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam
Đường màu đỏ: Nợ Chính phủ của Việt Nam
Nguồn: Báo cáo đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam năm 2021. Fitch Ratings (19/4/2022)
Hạnh Nguyễn
Hạnh Nguyễn