Chặng hành trình bình thường không tạo nên một trong những ngôi sao sáng hiện tại của đội tuyển Việt Nam. Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp đến với Hoàng Đức ở tuổi 15 khi đứng trước nguy cơ bị loại khỏi lò đào tạo Viettel vì màn thể hiện kém chất lượng.

Một đêm hè tại Hàn Quốc năm 2017, trong góc tối căn phòng khách sạn, chỉ gương mặt Hoàng Đức hiện rõ trước màn hình điện thoại với ánh mắt chăm chú vào từng lời bình luận trên mạng xã hội. Hàng nghìn người đang tỏ thái độ chê bai, công kích vào chàng trai tuổi đôi mươi vì tình huống bỏ lỡ cơ hội ghi bàn quan trọng ở trận đấu thuộc U20 World Cup vừa mới xảy ra. Từng giờ trôi qua cho tới khi trời sáng, cầu thủ sinh năm 1998 vẫn chưa thể thôi suy nghĩ.

Giá như lập công, Đức đã có thể giúp U20 Việt Nam mở ra cơ hội tại sân chơi lớn nhất thế giới trong lần đầu tham dự. Nếu như ghi bàn, cậu ấy sẽ tạo nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam mà không cần chờ đợi đến ngày huấn luyện viên Park Hang-seo có mặt ở U23 châu Á 2018 tại Thường Châu.

Dẫu vậy, mọi thứ vẫn thường xuyên diễn ra không theo ý muốn. Hoàng Đức đã bỏ lỡ cơ hội ghi bàn vào lưới đội tuyển U20 New Zealand ở khoảng cách chỉ khoảng 5m với khung thành trống trải trước mặt. Pha bóng ấy sau này vẫn được nhắc mãi và trở thành một phần khó quên xuyên suốt sự nghiệp của chàng tiền về đa năng.

Nhưng may mắn rằng đó không phải nỗi ám ảnh kéo Hoàng Đức chìm sâu trong bóng tối khi đã kịp mạnh mẽ vực dậy đúng như sự vững vàng thường thấy ở một chàng trai tuổi Dần. Không cần quá nhiều cánh tay kéo khỏi vũng lầy, chính Hoàng Đức tự đứng lên và tạo nên những phiên bản tốt nhất của bản thân sau này cho tới hiện tại.

Nhìn về khoảng khắc khó quên ở tuổi đôi mươi, Hoàng Đức nhớ lại: “Mình mất khoảng thời gian dài mới có thể cân bằng lại được do phải nhận nhiều những lời chỉ trích. Thậm chí, gia đình của mình cũng bị ảnh hưởng từ cộng đồng mạng.”

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải bước ngoặt lớn nhất cho sự nghiệp của cầu thủ gốc Hải Dương với hành trình đến với trái bóng tròn…

Như phần lớn những đứa trẻ ở Hải Dương, Hoàng Đức bắt đầu đá bóng từ năm lớp 2 nơi ngõ nhỏ, sân sau với số đông con trai cùng trang lứa, cho tới khi được người lớn chú ý nhờ tài năng chơi bóng. Nhưng khác với bao cầu thủ nhí khác, cậu bé mảnh khảnh được chú hàng xóm phát hiện thay vì những ánh mắt của nhà tuyển trạch.

Chính chú hàng xóm ở nơi căn nhà cũ đã giới thiệu Hoàng Đức đến với lứa trẻ nhi đồng của tỉnh để sau này cậu bé ấy góp công lớn vào sự thống trị của Hải Dương tại giải U11 Quốc gia với bốn lần vô địch sau bảy lần vào trận chung kết.

Thế nhưng, khi đàn anh Văn Toàn, Văn Thanh cùng quê Hải Dương nhận được sự quan tâm đặc biệt ở giải đấu nhi đồng để tới với lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG nổi tiếng bậc nhất khi đó, Hoàng Đức vào Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Viettel theo cách lẳng lặng và bình thường như bao nhân tố tài năng khác. Cầu thủ sinh năm 1998 không được săn đón bởi những Giám đốc kỹ thuật hay huấn luyện viên nổi tiếng.

Con đường với trái bóng tròn của Hoàng Đức cứ nhàng nhàng đến nỗi không ít lần bố mẹ lo lắng và phản đối vì lo con trái không khó học hành văn hóa nên người. Song, chính sự kiên định của Đức đã níu lại mối lương duyên với đội bóng hậu duệ Thể Công cho đến hiện tại.

Nhưng chặng hành trình bình thường thì không tạo nên một trong những ngôi sao sáng hiện tại của đội tuyển Việt Nam. Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp đến với Hoàng Đức ở tuổi 15 khi đứng trước nguy cơ bị loại khỏi lò đào tạo Viettel vì màn thể hiện kém chất lượng.

Hoàng Đức tâm sự: “Lúc tôi 15 tuổi, đó có thể là quãng thời gian tồi tàn nhất sự nghiệp. Khi ấy, bản thân sắp bị loại khỏi Viettel thì thầy chủ nhiệm trực tiếp ở đội gọi tôi và hai bạn nữa để bảo chúng tôi nằm trong danh sách bị trung tâm thanh lý. Nhưng thầy sẽ đứng ra bảo lãnh cho tôi và các bạn thêm 6 tháng nữa với điều kiện phải cố gắng tập luyện và nhớ đừng phụ lòng thầy. Lúc đó tôi cảm ơn thầy nhiều lắm và từ đó mọi thứ thay đổi.”

Sau khoảnh khắc tối tăm ấy, Hoàng Đức tiếp tục gặp được người thầy thứ hai mang tầm ảnh hưởng lớn để sau này thành danh tại Viettel – huấn luyện viên Nguyễn Thành Công.

Nhận xét về cậu học trò ở thời điểm chật vật nhất sự nghiệp, huấn luyện viên Nguyễn Thành Công kể: “Tôi ấn tượng nhất với thái độ của Hoàng Đức. Dù là một cầu thủ lớp trên xuống tập với các em nhưng không bỡn cợt, không hờ hững, không xem thường và không bắt nạt các em. Thái độ này đã gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi chứ chưa phải khả năng chơi bóng của cậu ấy.”

“Hoàng Đức là một trong những trường hợp mà tôi thay đổi dễ nhất. Bởi, cậu ấy thông minh, cầu tiến, lắng nghe. Tôi biết cậu ấy đang trải qua thời điểm rất khó khăn với một cầu thủ trẻ vì bị dày xéo về mặt tâm lý. Đó là trong khi các bạn tham gia giải chính thức, mình bị đẩy xuống lớp dưới,” một trong những người thầy đầu tiên của Hoàng Đức tiết lộ.

Chính từ cú sốc ở tuổi 15 tuổi ấy, cầu thủ trẻ của Viettel đã có màn lột xác ngoạn mục để có màn thăng tiến đến với U20 Việt Nam dự U20 World Cup 2017, lên đội chính của Viettel FC, thường xuyên đá chính ở V-League năm 2018, giành Huy chương Vàng SEA Games 30, vô địch V-League 2020 và sau cùng trở thành một trong những trụ cột của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup.

Và ở hiện tại, tiền vệ Viettel còn được nhiều câu lạc bộ của châu Á chú ý và ngỏ ý chiêu mộ. Chàng trai 24 tuổi vẫn luôn nhớ mãi: “Tới thời điểm này, ai hỏi về con đường sự nghiệp, Đức nghĩ năm 15 tuổi là quãng thời gian tối tăm nhất và trở thành bước ngoặt cho sự nghiệp.”

Dẫu vậy, khoảnh khắc bỏ lỡ cơ hội ghi bàn ở giải đấu lớn tầm thế giới và từng suýt bị Viettel loại bỏ chỉ là hai nét đặc biệt hiếm hoi trong con đường sự nghiệp của tiền vệ Hoàng Đức.

Trong hơn một tiếng đồng hồ chia sẻ về bản thân, Hoàng Đức luôn mở đầu câu trả lời bằng cụm từ “như bao cầu thủ khác” và luôn phủ nhận mọi đặc sắc về bản thân dù cho hiếm có cầu thủ Việt Nam thắng tiến vượt bậc như vậy trong vòng ba năm qua.

Tiền vệ cao 1m84 nói rằng: “Mọi thứ với tôi cũng bình thường như bao người khác. Mỗi ngày tôi dành một chút thời gian để tập luyện thêm, xem thêm những tình huống từ bóng đá nước ngoài để học hỏi thêm kiến thức vào buổi tối và không quên đặn dò bản thân cố gắng. Tôi cũng học hỏi từ những người đi trước. Chứ bản thân không có bí quyết gì đặc biệt cả. Có thể vì thế mọi thứ suôn sẻ trong ba năm qua.”

So với việc giành danh hiệu, khía cạnh chiếm suất đá chính ở đội tuyển Việt Nam trước những đàn anh như Tuấn Anh, Xuân Trường cho thấy dấu ấn chuyên môn đậm nét của tiền vệ gốc Hải Dương. Nhưng việc này thậm chí không nằm trong kế hoạch của bản thân Hoàng Đức bởi vẫn nghĩ sẽ luôn cố gắng hơn từng ngày mà thôi.

“Đối với bản tôi, việc được đá chính hay không đá chính nó cũng không quá quan trọng. Tôi chỉ luôn nỗ lực, tập luyện tốt nhất để được huấn luyện viên ghi nhận. Tôi làm điều đó mỗi khi được trao cơ hội mà không có bận tâm quá nhiều về mục tiêu trở thành trụ cột của đội tuyển,” cầu thủ tuổi Mậu Dần chia sẻ.

Những cầu thủ cùng lứa như Quang Hải, Hà Đức Chinh và Bùi Tiến Dũng đều thành danh sớm hơn Hoàng Đức sau giải U20 World Cup 2017 và vòng chung kết U23 châu Á 2018 tại Thường Châu. Dẫu vậy, tiền vệ ưa thích số áo 14 chưa một lần bận tâm.

Hoàng Đức bộc bạch: “Việc các anh, các bạn giành được nhiều thành công đối với tôi cũng không quá áp lực. Tôi không có buồn bởi tự đặt ra cho bản thân động lực để nỗ lực hơn nữa để nếu có cơ hội để có giải đấu thành công và được người hâm mộ biết tới mình nhiều hơn.”

Với bản thân Đức, sự nghiệp quần đùi áo số “bạc lắm,” chỉ có khoảng thời gian 10 năm để có thể kiếm sống cho bản thân và gia đình. Bởi thế, như bao cầu thủ khác, tiền vệ này cũng suy nghĩ đơn giản rằng phải cố gắng hết sức để theo nghề. Bản thân anh không thể kéo dài sự nghiệp tới năm 40-50 tuổi nên nỗ lực hết sức để sau này rẽ sang một hướng khác thì cũng có một ít vốn để mở cửa hàng kinh doanh hoặc làm công việc ngoài sân cỏ.

Mong muốn lớn nhất của Hoàng Đức hiện tại cũng không phải thành danh hơn nữa tại đội tuyển Việt Nam mà chỉ đơn giản đến từ việc hoàn thiện hơn bản thân. “Bản thân tôi không có hình mẫu cụ thể để noi theo. Bản thân còn thiếu sót nhiều như thể lực, sử dụng chân phải chưa tốt thì cố gắng trong buổi tập qua ngày tháng để hoàn thiện bản thiện hơn. Chứ tôi cũng chưa có dự định lớn lao hay có hình mẫu để cố gắng trở thành,” tiền vệ quê Cẩm Giàng ngại ngùng chia sẻ.

Dẫu vậy, Hoàng Đức không phải không có riêng cho mình một ước mơ trong sự nghiệp. Được thi đấu ở các câu lạc bộ ở Hàn Quốc hay Nhật Bản vẫn luôn là niềm ao ước từ rất lâu.

Tiền vệ trụ cột của tuyển Việt Nam mong muốn: “Ở thời gian trước đó, tôi luôn suy nghĩ rằng nếu được các câu lạc bộ để ý thì cũng sẵn sàng cân nhắc sang đất nước nào đó để thi đấu. Thời gian gần đây, tôi biết nhiều câu lạc bộ nước ngoài cũng đang để ý tới mình. Tôi mong muốn ngày nào đó có cơ hội sẽ được sang thi đấu ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Nhưng trước mắt, nếu có cơ hội tôi muốn thi đấu ở Đông Nam Á để thử sức, sau đó sẽ tới Nhật hoặc Hàn.”

“Sau Quang Hải, Hoàng Đức là cầu thủ có thể vươn tầm châu Á của đội tuyển Việt Nam,” huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng.

Màn trình diễn ấn tượng của Hoàng Đức tại V-Leauge. (Nguồn: VPF)
Hiển Nguyễn
Hiển Nguyễn