Tứ quý còn có những tên gọi khác như tứ thời, tứ hữu, dùng để chỉ bốn loài cây được xem là biểu tượng bốn mùa của một số nước Đông Bắc Á. Trong văn hóa Việt Nam, bộ tứ quý phổ biến nhất gồm bốn cây mai, trúc, cúc, tùng, thường xuất hiện nhiều nhất trên các bộ tứ bình, kiến trúc truyền thống, hoặc được trực tiếp nuôi trồng làm cây cảnh (bonsai)…

Chữ “tứ” và nguồn gốc hình tượng tứ quý

MegaStory VietnamPlus

Người phương Đông tự ngàn năm nay đã có quan niệm tứ quý đại biểu cho sự sung túc đủ đầy, cho hạnh phúc vĩnh cửu. Tứ phương, tứ trụ, tứ đức, rồi Tứ chính trấn ở Việt Nam từ xứ Đông đến xứ Đoài, từ Nam ra Bắc… Ngay cả bốn kỳ quan kiến trúc thời Lý, Trần gồm Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm; Tháp Báo Thiên ở Thăng Long, Chuông Quy Điền ở chùa Diên Hựu và chiếc Vạc mang tên chùa Phổ Minh cũng được “gộp lại” thành An Nam tứ đại khí. Nhưng đó đã là chuyện của buổi xưa! Thời nay, thay vì dùng từ Hán Việt “tứ”, người ta chuộng số “bốn”, thay vì nói “tứ phương tám hướng”, lớp trẻ thường nhanh nhảu gọi luôn “Đông Tây Nam Bắc” cho dễ hiểu. Dĩ nhiên, chữ “tứ” vẫn không hề mất đi, vì nó là một nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào cuộc sống thường nhật. Gặp nhiều nhất là cụm từ “tứ quý”.

Tứ quý là bộ bốn cây bài trùng quyền năng trong trò chơi “tú lơ khơ”? Đúng, nhưng ở đây, “tứ quý” được bàn đến còn “quý” hơn cả vậy, và rất đỗi quen thuộc trong văn hóa người Việt. Ấy là bộ tứ Mai – Trúc – Cúc – Tùng. Người phương Đông rất trọng phong thủy, trong đó, bộ tứ quý từ lâu đã trở thành vật trang trí nhà cửa đem đến vận may, trường thọ, bình an và tài lộc cho gia chủ. Tứ quý có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ đại nổi tiếng, với bộ tranh bốn loài cây hoa Mai Lan Cúc Trúc, tượng trưng cho bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Khi văn hóa ấy được lan rộng sang các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, bàn tay của các nghệ nhân mỗi nước đã thay đổi, cải tiến để phù hợp với đặc trưng văn hóa nước mình. Lịch sử Việt Nam ngàn năm đã ghi nhận nhiều phiên bản của bộ tứ như Đào Trúc Cúc Tùng, Mai Sen Cúc Tùng,….  nhưng hình ảnh tiêu biểu và truyền thống nhất là bộ tứ Mai Trúc Cúc Tùng.

Vì sao lại gọi là “bộ tứ”? Là bởi mỗi loài cây trong đó tượng trưng cho một mùa trong năm, mai-xuân, trúc-hạ, cúc-thu, tùng-đông. Nếu chỉ đứng một mình, chúng vẫn có những ý nghĩa riêng với vẻ đẹp khó gì thay thế, nhưng phải đến khi được đặt cạnh nhau, chúng mới tạo nên một bức tranh tổng hòa bốn mùa đủ hương đủ sắc, trở thành lời cầu chúc trọn vẹn nhất cho một năm mưa thuận gió hòa, vạn sự cát tường như ý. Không chỉ diễn họa thắng cảnh không gian, bộ tứ còn mang hàm ý về vòng thời gian luân hồi theo quan niệm Á Đông, giúp cho con người ta có cái nhìn chiêm nghiệm về cuộc đời sâu sắc. Đông qua xuân lại tới, mọi sự vật trong đất trời đều hữu sinh hữu diệt, có nhân, có quả và tiếp nối không ngừng.

Xưa nay dân ta đã có phong tục “thứ nhất chơi chữ, thứ nhì chơi tranh…”. Đối với nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca nhạc họa, bộ tứ quý không chỉ đẹp, mà còn được “đồng hóa” để miêu tả phẩm chất con người với những đức tính đẹp đẽ, “hướng thượng”…

Người ta vẫn thường nói: “Đào Bắc, Mai Nam”. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, sắc thắm của những “đóa mai vàng” hòa cùng những khúc nhạc mừng xuân rộn ràng lại khiến lòng người thêm náo nức. Hoa mai cũng là loài hoa đầu tiên xuất hiện trong bộ tứ quý biểu tượng cho mùa xuân. Nhưng khác với mai vàng thường thấy ở nước ta dịp Tết Nguyên Đán, hoa mai trong bộ tứ là mai trắng – một màu trắng tinh khiết, thanh tao. Hoa mai được tin rằng sẽ đem tới cho gia quyến sự giàu sang, phú quý và hạnh phúc.

Từ thơ ca nhạc họa

“Chăm thần nuôi tánh giữa cơn đông

Mặc kệ ra vào nghiệp bão giông *

Thanh thản cây chưng nòi khí phách

Ung dung đài kết giống tông môn

Gió lùa tình nhụy càng tinh khiết

Mưa xối hạnh hoa mãi mặn nồng

Viên mãn nõn nà khai sắc biếc

Thong dong Mai đợi sấm càn khôn”

Không lạ gì khi Mai vẫn luôn là đề tài bất tận trong thơ ca nhạc họa. Vì hoa mai không chỉ đứng một mình – đã chơi là phải chơi có cây liền cành, nên mặc dầu cánh hoa yêu kiều mỏng manh, thân cây, mầm và nụ hoa lại mang sức sống mãnh liệt khơi gợi nhiều nguồn cảm hứng.

Ví như, Đông qua Xuân lại tới, nàng Mai đã phải ấp ủ, chắt chiu chất tinh túy của cây, chống trọi qua cái giá rét khắc nghiệt của mùa Đông mới hái được “trái ngọt”, hãnh diện bung trổ sắc trắng tinh khôi năm mới. Mai trắng trong bộ tứ quý đặc biệt gợi nhắc đến khí tiết thanh cao của người quân tử kiên cường, liêm khiết, vượt qua gian khó để thành công. Chỉ mọc ở núi cao nơi thời tiết lạnh thấu da thấu thịt, thân cây khẳng khiu, trơ trụi nhưng bên trong là nguồn huyết mạch cuồn cuộn chỉ trực một khi trào dâng, trăm hoa đua nở là khiến ai nấy đều “thấy xuân về”. Chẳng vậy mà Cao Bá Quát đã từng thốt lên rằng:

“Nhất sinh đệ thủ bái mai hoa”

(Cả đời chỉ cúi đầu trước hoa mai)

Mãn Giác Thiền Sư, một thiền sư-thi sĩ thời Lý Trần có một bài thơ trác tuyệt về hoa mai, trong đó có hai câu như sau:

Vũ trụ vốn có quỹ đạo vận hành của riêng nó mà để tồn tại, con người cũng như vạn vật đều phải tuân theo. Thế nhưng vẫn có những điều huyền diệu, thần kỳ xảy ra vượt khỏi những khuôn khổ, nguyên tắc. Những lần may mắn được thấy, được nghe, được cảm nhận… những điều huyền diệu, thần kỳ, nhưng bé nhỏ như vậy được ví như một cành mai. Hoa mai là đại diện tiêu biểu của mùa xuân và mang theo lời chúc phúc về sự giàu sang, tài lộc, tình cảm gia đình thuận hòa ấm áp nhân dịp đầu năm mới. Có người hoài nghi: phú quý, cơ ngơi lớn thường đi liền với chữ “đại”, cây mai bé nhỏ liệu có đủ “khí thế” để tượng trưng? Chính thế mới hay! Loài cây này tuy “nhỏ mà có võ”, sức sống phi thường ẩn giấu bên trong diện mạo khiêm tốn và vẻ đẹp rực rỡ của nó sau khi vượt qua gió rét mưa sa tựa như lời nhắc nhở các bậc chính nhân quân tử – muốn làm nên nghiệp lớn, trước hết phải thu mình. Đặc biệt, mùa xuân là mùa của hoa thơm quả ngọt, khác với nhiều loài hoa nồng nàn, quyến rũ, hoa mai có hương thơm nhẹ nhàng, tinh khiết, tựa hồ như người quân tử “tâm bình như tịnh thủy”.

Nếu trong Tứ Quý, hoa mai “bản gốc” của người Trung Quốc là Mai trắng sinh trưởng và nở hoa trong thời tiết giá lạnh, với 5 cánh mỗi bông tượng trưng cho ngũ phúc: vui vẻ, hạnh vận, trường thọ, hanh thông và ân hòa thì người Việt Nam, nhất là miền Nam Trung Bộ lại thuộc làu hình ảnh mai vàng, loài thực vật sinh trưởng trong thời tiết nhiệt đới ấm nóng. Màu vàng của hoa mai được ví như màu của sự giàu sang, phú quý và hy vọng như trang phục màu vàng của vua chúa khi xưa và như ngôi sao năm cánh trên lá cờ tổ quốc. Cũng vì vậy mà trong nhiều bộ tứ quý ở Việt Nam, cây mai được sử dụng cũng là mai vàng, không nhất thiết phải là hoa mai trắng.

Miền nào, thức nấy. Dù là mai trắng hay mai vàng, hay là hoa mai đỏ thì vẫn đều đều tượng trưng cho mùa xuân và những ý nghĩa nguyên bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoa mai vàng mang cái hồn người Việt, gắn với văn hóa, phong tục tập quán nhiều thế kỷ.

Tự xa xưa, ông cha ta đã quan niệm rằng nếu cây mai vàng nở rộ xuyên suốt những ngày tết thì thần may mắn sẽ “gõ cửa” và lưu lại suốt cho một năm sung túc đủ đầy. Vì vậy mà khi sắm cây mai ngày Tết, cây nào càng dày nụ, nhiều cành người dân càng chuộng. Nhiều người gần Tết đi mua cây mai là chỉ nhắm chọn những cây … toàn nụ, điểm xuyết vài bông hoa nở sớm, hy vọng giữ chơi được đến qua Tết vì mai nở chóng tàn.

Đối với những người có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây mai, đặc biệt là cây bonsai, tuốt lá mai là phương pháp quen dùng nhất để cây ra hoa vào đúng dịp Tết. Nếu tới gần Tết mà nụ hoa vẫn còn bé, người ta sẽ tuốt lá trước từ 10-15 ngày, tưới nước đúng một ngày và sau đó tưới thúc cùng phân bón chuyên dụng với tỷ lệ 10g/08l nước. Còn nếu mầm hoa có dấu hiệu nở trước Tết, những “tay chơi” cây cảnh tại gia hoặc chuyên gia làm vườn sẽ tuốt lá trước 10 ngày, sau đó tưới nước và bón phân NPK hoặc phân lạnh để hãm tiến trình nở của hoa.

Cận ảnh cây mai ‘khủng’ nhất Việt Nam ở Đồng Nai.

Chia sẻ với báo Đồng Tháp, nghệ nhân Nguyễn Văn Mẫn – người đã thành công cải thiện được kinh tế gia đình nhờ nghề chăm sóc cây kiểng bonsai và có tiền cho con ăn học – tâm sự: “ Cái đam mê với cây mai của tôi không chỉ ban ngày mà cả ban đêm luôn. Đến đêm tôi mở đèn ra ngắm nghía tại vì xét về duy tâm thì mai đem lại may mắn nên ngày ngày tiếp xúc cảm nhận được sự may mắn đó tới gia đình mình.”

Ngoài trực tiếp trồng cây, hoa mai nói riêng hay bộ tứ quý nói chung còn được ứng dụng trong nhiều hình thức trang trí nhà cửa khác như tranh vẽ, đồ gốm sứ, đồ gỗ điêu khắc,… và đi vào cuộc sống thường nhật của mỗi người từ thiết kế vải vóc, quần áo, khăn thảm,… Hoa mai thì chỉ chơi được dịp Tết, nên không ít người chuộng hình thức chơi tranh, vật trang trí có cây mai mạ vàng vừa có ý nghĩa về mặt phong thủy, vừa đem lại hiệu quả thẩm mỹ, nghệ thuật cao. Những năm gần đây, nhất là những ngày cận Tết, cây mai vàng Ngũ Phúc, hay còn gọi là cây mai dát vàng 24K “lọt vào mắt xanh” của tương đối nhiều người để trở thành món quà thay cho lời chúc về một cuộc sống hạnh phúc, sang giàu, công thành danh toại gửi tới bạn bè, đối tác, người thân,… 

Bên cạnh đại diện cho một mùa – mùa Xuân khi đứng cùng bộ Tứ Quý, mai cũng không ít lần “đánh lẻ” đẹp và mang ý nghĩa phong thủy không kém. Cổ nhân cho rằng, mai vốn có tứ đức, khi mới kết nụ là nguyên, khi nở hoa là hanh, kết quả là lợi, khi quả chín là trinh, tức là tứ đức “nguyên, hanh, lợi, trinh”.

Vận dụng trong nhân sự tức là “Nhân, nghĩa, lễ, trí”. Trong hội họa, cây hoa mai và chim hỷ thước thường xuyên đồng hành với nhau. Tranh “Hỷ báo tảo xuân” (Báo tin vui mùa xuân về) thì họa cảnh một con chim hỷ thước đậu trên cành mai hót vang, còn nếu tranh có sự xuất hiện của tới hai con chim hỷ thước và cây trúc thì đó ắt là tranh “trúc mai song hỷ” – loại tranh phong thủy nổi tiếng được biết đến như lời chúc phúc cho hôn nhân bền chặt. Trong đó, cây trúc tượng trưng cho bậc trượng phu, cây mai được ví như thê tử. Nếu gia đình bạn sở hữu những loại tranh phong thủy này, nên chú ý treo ở những vị trí cát lợi như phòng khách hoặc thư phòng – những vị trí trung tâm trong nhà để tranh mang đến hiệu quả tuyệt vời nhất.


Trúc thì chẳng có gì xa lạ với con cháu Lạc Hồng. Trong văn hóa Việt Nam, tre (trúc) vẫn luôn là người bạn tri kỷ của người nông dân từ bao đời nay, trúc tỏa bóng mát xua đi cái nắng hè oi bức. Đặt trong bộ tứ quý, trúc là hiện thân của đấng nam nhi hiên ngang, thẳng thắn và có chí lớn hướng về ước mơ, về phía bầu trời. Nhiều gia đình trồng trúc không những để làm đẹp sân vườn mà còn để trừ tà, mang lại bình an.

“Trúc xinh trúc mọc đầu đình”

So với các mùa khác trong năm, khi đi vào thi ca Việt, mùa hạ có vẻ thiệt thòi hơn bởi dường như kém phần gợi cảm. Không có cái mát mẻ của gió heo may mùa thu cùng thảm lá rụng vàng lãng mạn, không có nguồn nhựa sống sinh sôi mãnh liệt, nảy lộc đâm chồi của mùa xuân ấm áp, cũng không có cái tái tê buốt giá gợi cảm giác cô đơn, hiu quạnh mỗi khi đông về, mùa hạ nổi lên cái nóng nhiều lúc như thiêu như đốt. Nhưng với người nghệ sĩ, khó mà tìm thấy ranh giới nào ngăn nổi lòng mình một khi đã ngân lên. Và may thay, mùa hè “cháy da cháy thịt” ấy lại có bóng mát của những lũy tre làng làm dịu lại nắng gắt, thanh lọc tâm hồn.

Dải đất Việt Nam hình chữ S nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nghề chính là nghề nông, văn minh là văn minh lúa nước. Người nông dân trước kia làm gì có vô tuyến vệ tinh, có chương trình “dự báo thời tiết” như bây giờ! Cái họ sợ nhất là nắng nóng mùa hạ làm các vùng đồng bằng khô hạn, ảnh hưởng đến vụ mùa. Mà nhắc tới hàng trúc lao xao là đã thấy một sự mát mẻ thảnh thơi cả tâm trí lẫn thể xác. Chẳng trách mà dẫu mọc quanh năm, tre trúc vẫn được đưa thành biểu tượng mùa hạ trong bộ Bốn mùa. Bởi trúc xua đi lo toan, trúc cùng người dân “thử lửa nắng hạ”.

Không ai biết trúc xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết là người Việt Nam, từ thuở sinh ra ở khắp các miền quê, thế nào cũng có một lũy tre ngay lối vào làng, hoặc cạnh cổng đình mà người xa quê là nhớ. Thời bình, trúc rất hiền. Bóng mát của khóm tre làng vẫn thường là nơi lũ trẻ con nô đùa tụ tập, hoặc là nơi dừng nghỉ chân của người nông dân mỗi buổi trưa hè sau khi làm đồng. Vỏ cây tre tước ra đan thành quạt nan mát rười rượi, hơn hẳn quạt giấy. Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có không ít câu sử dụng hình ảnh trúc: “tre già măng mọc”, “trúc xinh trúc mọc đầu đình/em xinh em đứng một mình cũng xinh”,…

Thời chiến, trúc gai góc, ngoan cường không kém. Những dãy trúc hiên ngang giữa trời đã chứng kiến biết bao chiến tích của dân ta vào thời chiến tranh. Một thời, bà con đã vót trúc để làm vũ khí đánh đuổi giặc ngoại xâm và nhiều năm sau, trúc được đưa vào làm vật liệu để xây nhà, làm đồ nội thất và các vật dụng hữu ích hàng ngày khác. Ngày nay, trúc được ưa chuộng để trang trí làm hàng rào ngăn cách trong các khuôn vườn kiểu mẫu. Trong các loài cây thuộc bộ tứ, cây trúc (tre) có lẽ là đậm chất Việt Nam nhất.

Thân trúc dài và thẳng cao nhưng không cong rạp xuống đất. Điểm đặc biệt của các giống cây tre, trúc là cho dù bị đốt cháy nhưng không bị cong mà vẫn giữ được nguyên khối. Không chỉ biểu tượng cho khí cốt con người hay là nơi để ký thác tâm sự mà trúc là sự biểu trưng cho đạo đức và tư tưởng nhàn dật của ẩn sỹ. Bạch Cư Dị trong “Dưỡng trúc ký” có nói:

“Trúc như người hiển, vì sao vậy? Trúc có gốc bền chắc, nên có đức tính như cây cổ thụ, người quân tử thấy cái gốc thì liền nghĩ đến điều thiện mà không chặt. Trúc rỗng giữa, trống rỗng đó chính là đạo, quân tử phải thấy được cái lòng trống rỗng thì trải lòng mà tiếp nhận. Đốt trúc ngay thẳng. Quân tử thấy cái ngay thẳng để lập chí và hiểu rằng cần phải tu dưỡng. Bởi như vậy, nên có thể coi trúc là quân tử.”

Trịnh Bản Kiều đời là người cả đời chỉ vẽ trúc và làm thơ về trúc đã để lại khá nhiều bài thơ viết về trúc. Trong bài thơ “Trúc thạch”, ông viết:

Như vậy, từ bốn thuộc tính : bản, tính, tâm, tiết có thể dễ dàng thấy rằng phẩm tính của trúc và người quân tử là tương đồng, thể hiện sự chính trực, quân tử, đàng hoàng. Dù tươi tốt hay già cỗi, cây trúc cành tre vẫn đứng sừng sững, mạnh mẽ giữa bầu trời rộng lớn. Đó cũng là một trong những lý do phong thủy rất lớn giúp cho cây trúc được đưa vào trong bộ tứ Tùng Cúc Trúc Mai.

Trong phong thuỷ, cây trúc không chỉ là biểu tượng của trường thọ và sức khỏe, mà còn là biểu tượng của sự cát tường. Theo văn hóa Trung Hoa, tranh trúc tặng cho sỹ tử tượng trưng cho lời chúc may mắn, cho sự uyên bác, trí tuệ tinh thần, sự vững vàng trước những khó khăn nghịch cảnh. Ngày nay, người ta thường dễ bắt gặp hình ảnh trúc được trang trí trồng trang trí cảnh quan sân vườn, trước nhà, hành lang, lối vào, khu vực cầu thang, ban công, khu vực giếng trời và cả sân thượng, tạo khung cảnh trong lành, che lấp đi “sự thô kệch” của bê tông cốt thép.

Cũng bởi đặc tính chịu cường độ ánh nắng cao, dễ trồng dễ nuôi mà ít người chơi cây thực sự quan tâm đến vấn đề chăm sóc loại cây này. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CT Cây xanh Hoàng Lam, một chuyên gia về chăm sóc, nuôi trồng cây xanh và thiết kế cảnh quan xanh cho các công trình lớn, cây có muốn tốt, vẫn cần “tưới” đều: “Để có được hàng cây trúc xanh mướt thì nửa năm cần bổ sung các chất dinh dưỡng và phân bón. Ngoài ra, chủ nhà cũng cần tỉa cây vài tháng một lần.”

Trong cuộc sống hiện đại, giữa vô vàn những món quà vật chất, cây trúc quân tử vừa là món quà “độc lạ”cho chủ nhà vào dịp tân gia, vừa thích hợp để mang lại may mắn và điềm lành cho gia đình. Ngoài ra treo một bức tranh cây trúc trong nhà còn giúp trừ tà, mang lại bình an cho gia chủ, đặc biệt là cây Trúc báo bình an rất được ưa chuộng.

Hoa cúc là loài hoa biểu tượng của văn hóa Trung Hoa và đi vào đời sống người dân Việt Nam qua các câu chuyện dân gian về lòng hiếu thảo. Hình ảnh hoa cúc được ví như “ánh nắng mặt trời còn sót lại” để bước vào mùa thu dịu dàng. Trồng loài hoa này được tin rằng sẽ đem lại cho giá quyến sự trường thọ và nhiều may mắn.

Cốt cách “hiếu vi tiên”

Tại sao đồng xu 1 Nhân dân tệ của Trung Quốc được đúc với một mặt có hình bông cúc?

Câu trả lời là: Hoa cúc có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong văn hóa Trung Hoa. Truyền thuyết kể rằng trên đảo Long Phi có loại thảo dược giúp trường sinh bất lão. Một vị vua già đã cử các chàng trai cường tráng nhất để tìm về loài cây đặc biệt nay. Đảo Long Phi “hoang sơ” lại chỉ có duy nhất cây hoa cúc vàng sống được, nên kể từ đó cúc vàng có ý nghĩa biểu tượng cho sự trường tồn và biểu tượng trên đồng xu ra đời.

Trong văn hóa Việt Nam, hoa cúc lại gắn liền với lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Câu chuyện về người con hiếu thảo đi tìm hoa cúc như một vị “thần dược” chữa bệnh cho mẹ hẳn đã trở nên rất đỗi quen thuộc với đa số người Việt Nam.

Chuyện kể rằng có hai mẹ con nhà nọ sống với nhau trong cảnh nghèo khó nhưng rất yêu thương nhau. Một hôm người mẹ bệnh nặng, người con thương mẹ đã tìm mọi cách để chạy chữa nhưng không được. Trước hoàn cảnh ấy, Bụt thương tình hóa thân thành một cụ già và chỉ cho người con vào rừng tìm hái bông hoa thần kỳ có số cánh hoa là số năm người mẹ được sống trên đời.

Người con vượt qua khổ ải đã tìm được bông hoa nhưng trớ trêu thay bông hoa chỉ có 5 cánh. Đau lòng nghĩ mẹ chỉ sống được thêm 5 năm, người con đã xé nhỏ cánh hoa tới mức không thể đếm được số cánh hoa nữa. Nhờ vậy người mẹ đã khỏi bệnh và được sống rất lâu bên con.

Tôn trọng nguồn gốc lịch sử Trung Quốc, kết hợp với truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam, trong bộ tranh tứ quý, hoa cúc mang cả hai ý nghĩa phong thủy về ước muốn sức sống dồi dào, trường thọ và đề cao bậc nhất tấm lòng biết ơn, hiếu thuận với bậc sinh thành như người xưa đã dạy “hiếu vi tiên”.

Không chỉ tượng trưng cho sự trường tồn hay lòng hiếu thảo, cúc trong bộ tứ còn là đại diện tiêu biểu của mùa thu. Sắc vàng từ hoa cúc được ví như ánh mặt trời “rực rỡ”, lấy trọn mọi hơi ấm và sức sống còn sót lại của mùa hè và thổi thêm “sức sống” cho mùa thu. Thơ ca cũng đã nhắc tới vẻ đẹp của hoa cúc như sau:

Theo quy luật tự nhiên, hầu hết cây cối đều đâm chồi nảy lộc vào màu xuân, nhưng Cúc “ngược đời” lại nở hoa vào mùa thu. Sự “cá tính” ấy như dự báo một loài hoa mang nhiều đặc điểm nổi trội. Thật vậy, mặc dù cánh hoa cúc rất mỏng manh nhưng lại không bao giờ lìa cành, hệt như câu thành ngữ Trung Quốc mô tả “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (dịch: Lá không bao giờ rời cành, Hoa chẳng bao giờ xuống đất). Bởi hoa cúc dù có héo khô, già úa, lá và hoa vẫn gắn bó cùng cây. Đây là hình tượng “hiếm có” cho sự chung thuỷ, gắn bó keo sơn. Mùa thu lại là mùa của tình ái, đôi khi phảng phất chút bâng khuâng, luyến tiếc. Chẳng hẹn mà hợp, ý nghĩa về tình cảm sắt son của hoa cúc và mùa thu trữ tình lại “bắt” nhau đến lạ!

Cúc rất đa dạng. Trong bộ tứ Mai Trúc Cúc Tùng, cúc là cúc Vạn Thọ, bắt nguồn từ chính truyền thuyết của Trung Hoa về sự trường sinh bất lão. Là bông hoa duy nhất trong tranh tứ quý (cây hoa mai vẫn đi liền với thân và thế cây), hoa cúc vẫn không hề kém cạnh về mặt ý nghĩa phong thủy. Nguồn năng lượng dương của hoa cúc và không khí đặc trưng của mùa thu êm dịu đem đến cho gia đình không khí hài hoà và cuộc sống bình yên.

Với hình dạng bông tròn đóa lớn, màu vàng tươi sáng đại diện cho may mắn, cho sức sống rạng ngời và ý nghĩa trường thọ trong phong thủy, tranh cúc Vạn Thọ thường được đem tặng cho những người lớn tuổi trong lễ mừng thọ như một lời chúc cho các cụ sức khỏe dồi dào, sống lâu “hàng vạn” năm tuổi. Hoa cúc cũng được dùng để tỏ bày sự kính trọng, lòng hiếu thảo, tri ân người đã khuất, thường được cắm trên bàn thờ, viếng tặng các lăng mộ hoặc được chạm khắc họa tiết trên bàn thờ gỗ, bình gốm sứ. Bên cạnh đó, do có mùi thơm dịu nhẹ cùng ý nghĩa cát tường, trường thọ, cũng không ít người đặt hoa cúc trong phòng làm việc, riêng về điểm này, người ta có thể cắm nhiều loại cúc khác nhau tùy sở thích.

Cây Tùng là loài cây có nguồn gốc từ Nhật Bản, sau này du nhập vào văn hóa Trung Quốc và Việt Nam và trở thành biểu tượng cho mùa Đông. Đây là loài cây có tuổi thọ lâu năm, sinh trưởng trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, tương tự như hình ảnh người quân tử kiên cường, bất khuất, đầy hoài bão. Cây Tùng là món quà phù hợp cho người làm kinh doanh với mong muốn công việc làm ăn phát đạt, thành công vượt qua “sóng gió”.

Khí chất trượng phu 

MegaStory VietnamPlus

“Ai chơi ta cũng chơi cùng

Chơi trúc quân tử, chơi tùng trượng phu.”

Quả như câu tục ngữ cổ, người quân tử như cây tùng sống giữa chốn rừng rậm thâm u, giá rét, chẳng có mấy bè bạn say sưa, cũng chẳng cầu được ai biết đến. Người thường say ngắm hoa thơm, cỏ lạ, đồ sộ, thô kệch như cây tùng, cây bách liệu có ai nhớ đến bao giờ! Nhưng khi thu tàn, đông đến, chỉ cây bách, cây tùng là “trơ gan cùng tuế nguyệt“, dẻo dai, kiên nhẫn, vững như bàn thạch. Mặc cho bão táp mưa sa, Tùng “trượng phu” vẫn sừng sững nửa tấc không di dời hệt như người quân tử chẳng dễ gì bị lay động.

Trong văn hoá truyền thống, tùng được coi là loài cây tiêu biểu cho tinh thần của người quân tử – kiên cường, bất khuất, đầy hoài bão. Bất kể mùa đông giá rét, lá cây chẳng đổi màu, thân cây to khỏe thô mộc vẫn vững chãi uy nghi, dày gió dạn sương và âm thầm chịu đựng, nuôi một niềm tin đông này vẫn chưa là tận, xuân sẽ về.

Hình ảnh này thật tương tự quan niệm về khí tiết của đấng nam nhi ngày xưa. Không chỉ cần “văn võ song toàn”, một bậc đại phu cần phải có chí khí, hào khí và bản lĩnh. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các bậc thánh hiền, học giả đều đề cao và bình luận rất nhiều đến những yếu tố này. Nếu Thân Cư Vân, một vị học giả của triều đại nhà Thanh từng nói: “Người đàn ông mà không có chí khí thì một việc làm cũng không thành” thì Bắc Tề thư cũng viết: “Thà rằng làm ngọc nát chứ không làm ngói lành”. Sở dĩ bậc quân tử xuất hiện trên đời là để thế nhân có được một tấm gương soi kim cổ. Giữa dòng đời trong, đục, họ không xuôi mình theo thời thế mà chấp nhận làm một cây tùng đứng giữa mùa đông mà ngạo tuyết nghênh sương.

Mang theo mình sự bản lĩnh đó, cây tùng hiện hữu trong thế giới hiện đại ngày nay mạnh mẽ nhất là ở thú chơi cây cảnh. Sở dĩ, tùng là loài cây phát triển quanh năm, chịu những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, quá trình chăm sóc đơn giản. Cũng chính vì sự “rắn rỏi” và “dẻo dai” ấy mà cây tùng được ưa chuộng để trang trí phong thủy mà loại cây phổ biến nhất là bonsai. Nhánh và thân cây dẻo dai có thể uốn thành hình dáng theo sở thích, với dáng bonsai rất độc đáo. Các nghệ nhân uốn, ép tạo ra các thế cây như ý muốn, ví dụ hai cây ghép với nhau gọi là thế “song trụ”, cây to đứng bên cạnh cây nhỏ là thế “phụ tử đồng khoa” (hai cha con cùng thi đỗ một khoa), thân thẳng đứng là thế “trực”, ngả rạp mới xòe tán gọi là thế “hoành”, hai cành lớn xoắn vào nhau là “giao long”…

Tùy tính cách và mong muốn của từng người chơi mà chọn cây, hoa hay cây thế phù hợp. Chủ yếu kinh doanh thế mạnh là các loại cây Tùng, đặc biệt là Tùng La Hán, anh Hồng Lam giải thích: “ Ở Việt Nam, thế cây hiếm thấy nhất là cây tam đa, tức ba cây chụm lại dựa vào thế tự nhiên. Chính vì tính mộc mạc và sự hiếm có mà cây tùng ba thân rất được ưa chuộng.”

Phỏng vấn trực tiếp anh Khánh Sơn, một người trẻ rất đam mê “chơi” cây bonsai, anh cũng chia sẻ “trong bộ sưu tập của mình, mình thích sưu tầm đặc biệt nhất là cây Tùng”, đồng thời cho rằng dù ở lứa tuổi chơi cây, ở hoàn cảnh nào, những người chơi cây mà anh đã tiếp xúc trên diễn đàn hầu hết đều rất thích cây Tùng bonsai. 

Với những ý nghĩa đặc biệt như vậy, cây tùng rất thích hợp làm quà tặng cho những người chức cao, quyền quý và những người lớn tuổi trong nhà. Với những “tín đồ” chơi cây cảnh, cây tùng là một trong số ít có giá “khủng” trên thị trường, bởi vẻ đẹp và biểu tượng phong thủy của cây. Một chậu tùng Vạn Niên hay tùng La Hán nhập ngoại bề thế có thể có giá lên tới vài chục tỷ đồng. 

Không chỉ mang tính chất đại diện, từ lâu, theo phong thủy Tùng đã có một năng lực rất mạnh có thể xua đuổi tà khí và mang lại bình yên cho con người. Với một số văn hóa ở các nước khác, cây Tùng trong phong thủy thường được trồng ở nhiều mộ phần của gia đình với một ý nghĩa rất đặc biệt đó là gửi gắm sự thương nhớ, kính trọng người đã khuất. Hình ảnh cây Tùng ám chỉ tình cảm chân thành và không bao giờ quên của người còn sống đối với người đã mất. 

Không chỉ vậy, tùng còn biến hóa trong những bức tranh phong thủy hay vật dụng điêu khắc, đi kèm với bộ tứ quý Tùng-Cúc-Trúc-Mai. Nếu ai quan sát kĩ, những cây tùng trong bức tranh thường có thế đứng rất vững, lá xum xuê và tràn trề sức sống. Hình ảnh này vô cùng hợp lý bởi cây tùng là loại cây có tuổi thọ lâu nhất, quen sống trong sự khô cằn của vùng núi cao, nên nhắc tới cây tùng là sự trường thọ, khỏe mạnh, sức khỏe an khang. Có một câu đối rất hay:

Quả là tài tình khi chỉ có 2 vế đối mà làm bật lên được vẻ đẹp muôn đời giữa tùng và hạc là hai loài thực vật và động vật khác hẳn nhau nhưng lại có cùng một vẻ đẹp thanh cao và trường thọ như nhau: đây cũng là một bộ cảnh kinh điển thường thể hiện trong thơ ca, nhạc, họa và điêu khắc, được người đời ưa chuộng. Như vậy, những tác phẩm gắn liền với hình ảnh loài cây này mang giá trị nghệ thuật cao mà chỉ những người đam mê tranh, hiểu biết và tìm tòi về phong thủy mới thực sự trân trọng được hết vẻ đẹp và ý nghĩa của cây tùng.

Tùng – Cúc – Trúc – Mai là 4 loại cây quý, “tứ quân tử” tạo nên bộ tranh tứ quý đẹp. Trong phong thuỷ, Ý nghĩa bộ tranh tứ Quý đã vượt qua yếu tố cây cỏ, khí hậu mà hướng đến mong muốn của mọi người bất kể sang hèn đó là mong ước may mắn và tài lộc.

Ngày nay, có thể thấy, người ta treo tranh tứ quý trong nhà không chỉ để trang trí mà còn để cầu mong may mắn, bình an và tài lộc. Hay nói cách khác, dù có nguồn gốc từ xa xưa, bộ tứ quý đã vượt qua ý nghĩa loài cây đại diện cho xuân hạ thu đông để gắn liền với đời sống tinh thần và tâm linh của dân gian, trở thành một nét văn hóa, giá trị tinh thần còn sống mãi. Tứ quý ngày càng được biết đến nhiều hơn bởi thế hệ trẻ, nó gắn liền, ẩn hiện khắp nơi trong cuộc sống thường nhật của người Á Đông, đặc biệt càng được ưa chuộng, được gợi nhắc mỗi dịp Tết đến Xuân về. Bởi vậy mà nói, tứ quý, tứ thời dẫu cổ nhưng không hề “lỗi mốt”, tứ thời không tuổi.

Những người ở vị trí lãnh đạo, nắm giữ trọng trách điều hành một tập thể thường treo bộ tranh Tứ quý Mai – Trúc – Cúc – Tùng này trong phòng làm việc tượng trưng cho khí độ “Quân tử”, sự ngay thẳng và chính trực. Đồng thời, treo bộ tranh Tứ quý trong phòng làm việc cũng góp phần tạo nên bầu không khí thư thái, thoải mái giúp gia chủ tìm được sự yên ả trong tâm hồn và đời sống tâm linh.

<strong>Ma Nhật Anh, Nguyễn Bảo Châu, Đào Lý Ngọc Huyền, Nguyễn Thùy Linh, Ngô Tuấn Minh, Nguyễn Phương Thảo.</strong>
Ma Nhật Anh, Nguyễn Bảo Châu, Đào Lý Ngọc Huyền, Nguyễn Thùy Linh, Ngô Tuấn Minh, Nguyễn Phương Thảo.