Việt Nam – Điểm sáng về y tế

và tăng trưởng kinh tế

Trả lời phỏng vấn nhân dịp Xuân Nhâm Dần, các Đại sứ Israel Nadav Eshca, Đại sứ Singapore Jaya Ratnam và Đại sứ Maroc Jamale Chouaibi đều đánh giá cao vai trò điều hành của Chính phủ Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh cho người dân.

Việt Nam đã làm rất tốt về mặt y tế

Đánh giá về nỗ lực chống dịch COVID-19 của chính phủ Việt Nam, Đại sứ Nadav cho biết Việt Nam đã rất chuyên nghiệp trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19 ngay từ thời điểm dịch bệnh bùng phát trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để tìm ra các giải pháp y tế hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh, trong đó đặc biệt quan trọng là chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19.

Về cơ bản, trong năm đầu tiên khi đa số các quốc gia đang phải vật lộn với dịch bệnh, trong đó có Israel, cuộc sống của người dân Việt Nam diễn ra gần như bình thường. Nhờ đó, rất nhiều sinh mạng đã được cứu sống và đây là một thành công lớn của Chính phủ Việt Nam.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bên cạnh đó, theo Đại sứ Nadav, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để tìm ra các giải pháp y tế hữu hiệu nhất nằm khống chế dịch bệnh, trong đó đặc biệt quan trọng là chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19. Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những nước có số dân được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới. Sự khác biệt này có thể thấy rõ tại miền Nam khi nhìn lại thời điểm đầu cuộc khủng hoảng (khoảng nửa năm trước khi chưa được tiêm vaccine) và hiện tại.

Dù vẫn có nhiều ca nhiễm, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể. Với những gì có trong tay, Việt Nam đã làm rất tốt về mặt y tế.

Về kinh tế, trong khi rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Đặc biệt, ngay cả trong đại dịch, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2020 vẫn tăng 36%, và năm 2021 tăng 15-20%.

Có thể nói, bất chấp sự hoành hành của đại dịch, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia vẫn nắm bắt được nhiều cơ hội to lớn.

Việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Israel dự kiến trong năm nay sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho hai nền kinh tế, cũng như làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia, Đại sứ Nadav Eshcar chia sẻ.

Ông Nadav Eshca – Đại sứ Israel tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nadav Eshcar cho biết sau khi có hiệu lực, FTA sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước và có thể dễ dàng đưa kim ngạch xuất nhập khẩu song phương từ mức hiện tại gần 2 tỷ USD lên 3-4 tỷ USD/năm.

Khởi động đàm phán từ tháng 12/2015, cho đến nay, Việt Nam và Israel đang ở những bước đàm phán cuối cùng để tiến tới ký kết FTA trong năm 2022.

Theo Đại sứ Nadav, về cơ bản, cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Trong khi Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng thế giới, Israel là quốc gia hàng đầu về các sản phẩm công nghệ cao.

Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông nghiệp sang Israel, đồng thời giúp Việt Nam có điều kiện tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Israel có thể bổ sung cho Việt Nam những thế mạnh khác của quốc gia này như an ninh mạng, giáo dục, viễn thông và y tế. Sự kiện hai nước mới đây ký thỏa thuận hợp tác sản xuất thuốc điều trị COVID-18 là minh chứng rõ ràng nhất cho tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia.

Liên quan đến Hiệp định hợp tác lao động mà hai nước khởi động đàm phán từ đầu năm 2021 nhằm đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Israel trong lĩnh vực nông nghiệp, Đại sứ Nadav cho biết hai bên đang tiến hành đàm phán một cách cẩn trọng, tiến tới sự đồng thuận cao, đặc biệt phải đảm bảo tốt quyền lợi đầy đủ của người lao động.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/ TTXVN)

Hiện tại, mỗi năm có khoảng 700 sinh viên Việt Nam tới Israel theo hình thức vừa học vừa làm trong các nông trại nhằm học hỏi cách thức vận hành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khi trở về, với kiến thức thu nhận được sau quá trình học tập cùng thu nhập từ lao động, các sinh viên này có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Đại sứ Nadav chia sẻ sau 12-13 năm vận hành, chương trình đã chứng kiến nhiều câu chuyện sinh viên Việt Nam trở về từ Israel lập nghiệp thành công tại nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh “tinh thần khởi nghiệp Israel,” những sinh viên này còn đưa công nghệ và kiến thức về áp dụng tại địa phương, góp phần cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức kể từ năm 1993. Trải qua gần 30 năm, mối quan hệ song phương ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác khoa học công nghệ và thương mại. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở khu vực Đông Nam Á với kim ngạch thương mại năm 2020 đạt khoảng 1,8 tỷ USD.

Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế khu vực

Theo Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam, Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong năm 2022.

Đây là minh chứng cho khả năng phục hồi mãnh mẽ của nền kinh tế song hành cùng chiến dịch tiêm chủng hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.

Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đại sứ nêu rõ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam và việc mở rộng mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, trong đó bao gồm các doanh nghiệp Singapore.

Singapore hiện duy trì vị trí dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong hai năm liên tiếp, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ dịch vụ tài chính, bảo hiểm, sản xuất, bất động sản, thương mại đến bán buôn và bán lẻ.

Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong năm 2022.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với 10,7 tỷ USD, chiếm tới 34,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Trong số đó, hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Singapore điển hình đang hoạt động rất thành công. Có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm, đến nay VSIP đã thu hút 14 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra hơn 270.000 việc làm.

“Phát triển kinh tế số sẽ là ưu tiên hàng đầu của cả Việt Nam và Singapore trong những thập kỷ tới. Singapore mong muốn hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt là khi Việt Nam xác định phát triển kinh tế số là động lực quan trọng nhằm thực hiện được tham vọng trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045,” Đại sứ Raya Ratnam nêu rõ.

Bên cạnh đó, hợp tác về luồng dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng và quản trị trí tuệ nhân tạo sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp của Việt Nam và Singapore qua việc giúp các công ty này giao dịch một cách an toàn và dễ dàng hơn.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ cho biết dịch COVID-19 đã nêu bật vai trò quan trọng của thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử trong việc đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và kết nối vận tải. Ông hy vọng Việt Nam sẽ tham gia vào mạng lưới liên minh kỹ thuật số của Singapore để thúc đẩy khả năng tương tác của các tiêu chuẩn và hệ thống.

Nhằm khôi phục hoàn toàn kết nối kinh tế, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cũng đang nỗ lực khôi phục các chuyến bay thương mại giữa hai quốc gia thông qua việc phối hợp chặt chẽ trong việc công nhận hộ chiếu vaccine của nhau.

Theo Đại sứ, logistics và thương mại điện tử là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai quốc gia khi Việt Nam tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai công ty Singapore thuộc lĩnh vực này là Grab và Shoppe đang ngày một mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam.

“Nền kinh tế Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn phục hồi mạnh mẽ vào năm nay. Tôi tin rằng nhiều công ty, tập đoàn Singapore sẽ tiếp tục nắm bắt cơ hội tại thị trường Việt Nam và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam,” Đại sứ nhấn mạnh.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Liên quan đến quan hệ song phương, Đại sứ Raya Ratnam nêu rõ quan hệ Việt Nam-Singapore được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau và ngày một khăng khít hơn bất chấp hai quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Hai năm qua, hai quốc gia vẫn duy trì các cam kết song phương cấp cao như cuộc gặp gỡ song phương giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long vào tháng 4/2021, chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tới Việt Nam vào tháng 6/2021. Ngoài ra, các khóa học trực tuyến về phát triển nguồn nhân lực cũng đã được tổ chức cho hàng trăm cán bộ Việt Nam.

Đáng chú ý, trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, Việt Nam và Singapore đã dành cho nhau những hỗ trợ thiết thực về vật tư và thiết bị y tế.

Cộng đồng người Singapore tại Việt Nam đã gây quỹ để mua và phân phát đồ dùng thiết yếu cho các gia đình khó khăn. Cũng trong giai đoạn này, người dân Singapore đã rất cảm kích khi nhận được hỗ trợ khẩn cấp về vật tư y tế từ Việt Nam trong giai đoạn gian khó này.

Đại sứ cho biết Việt Nam và Singapore sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023. Đây cũng là thời điểm mà hai nước đã phục hồi sau đại dịch COVID-19 và hai quốc gia tiếp tục đẩy mạnh cam kết song phương cũng như mở rộng hợp tác, trong đó đặc biệt ưu tiên lĩnh vực kinh tế số và phát triển bền vững.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thực hiện thành công mục tiêu kép

Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thực hiện thành công mục tiêu kép là ngăn chặn đại dịch, đồng thời đảm bảo sự vận hành trơn tru của nền kinh tế.

Theo Đại sứ Maroc tại Việt Nam Jamale Chouaibi, thành công này là kết quả của việc Việt Nam đã thực hiện sớm và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như công tác vận động toàn dân tuân thủ các biện pháp đã đưa ra.

Tất cả các đối tác của Việt Nam đều hoan nghênh chiến lược mới về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của chính phủ Việt Nam, nhằm kích thích sự hồi phục nền kinh tế và từ đó giảm thiểu tác động của đại dịch đối với xã hội.

Đại sứ cũng đánh giá cao chiến dịch tiêm chủng vaccine chống COVID-19 tại Việt Nam, nhờ chiến lược ngoại giao vaccine mà chính phủ Việt Nam đã thực hiện.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thực hiện thành công mục tiêu kép là ngăn chặn đại dịch, đồng thời đảm bảo sự vận hành trơn tru của nền kinh tế.

Ngài Jamale Chouaibi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Maroc tại Việt Nam.

Trong thời gian kỷ lục, Việt Nam đã thành công khi nhận được số lượng vaccine đủ cung cấp cho tất cả các tỉnh, thành phố.

Theo Đại sứ Jamale Chouaibi, Maroc và Việt Nam đã kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 3/2021.

Đây là dịp để tôn vinh tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đánh giá tiến trình hợp tác song phương và tìm ra những giải pháp tốt nhất để tăng cường và mở rộng mối quan hệ đối tác này.

Ngài Jamale Chouaibi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Maroc tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Ở cấp độ chính trị, Maroc và Việt Nam chia sẻ một số nguyên tắc cơ bản trong ứng xử quan hệ đối ngoại, đặc biệt là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển, cam kết nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, hòa giải và thương lượng.

Về kinh tế, sự phát triển tích cực của quan hệ hợp tác song phương thể hiện qua trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng lên.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Maroc trong ASEAN.

Việc Maroc bổ nhiệm lãnh sự danh dự ngày 7/12/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế-tài chính của Việt Nam, đã tạo động lực mới, góp phần gia tăng cơ hội giao thương và kinh doanh giữa hai nước.

Việc củng cố các mối quan hệ hợp tác này là kết quả của ý chí chung của hai nước nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác Nam-Nam.

Mong muốn này đã thành hiện thực khi có sự gia tăng đáng kể của việc trao đổi các chuyến thăm của các đoàn cấp cao chính phủ và quốc hội, đặc biệt là chuyến thăm Maroc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 3/2019 và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki vào tháng 12/2017.

Cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7/7/2021 giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đã thể hiện mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.

Hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng cao như năng lượng tái tạo, hàng không, công nghiệp ôtô, khai khoáng và nông nghiệp.

Maroc sẽ là cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước châu Phi và Việt Nam sẽ là cửa ngõ để Maroc thúc đẩy quan hệ với khối ASEAN.

Ra mắt Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Maroc khóa I. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại sứ Jamale Chouaibi nhấn mạnh việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Maroc vào tháng 12/2021 đánh dấu bước khởi động một giai đoạn mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ, sự hiểu biết và hợp tác giữa hai nước.

Ông cho biết hợp tác song phương giữa Maroc và Việt Nam tập trung vào ba lĩnh vực: Chính trị, kinh tế và văn hóa. Các cuộc tham vấn chính trị diễn ra thường xuyên. Cuộc tham vấn tiếp theo được lên kế hoạch vào năm nay tại Rabat.

Hai bên đều có ý chí chính trị mạnh mẽ để củng cố và mở rộng quan hệ đối tác song phương. Điều này được chứng minh bằng việc ngày càng có nhiều thỏa thuận và các biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai nước.

Hiệp định thương mại được ký kết giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số Maroc nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng tái tạo, dệt may, điện tử, cơ khí, công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón.

Theo đại sứ, việc kết nghĩa giữa thành phố Casablanca, trung tâm công nghiệp và tài chính của Maroc, với thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ hỗ trợ cho sự năng động này và chắc chắn sẽ tạo ra động lực mới trong sự phát triển hợp tác song phương.

Các kế hoạch đầy tham vọng mà hai nước đưa ra về năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, du lịch, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và hậu cần, phát triển công nghiệp và công nghệ, với mục tiêu trở thành các nền kinh tế mới nổi hàng đầu trong khu vực, sẽ là một cơ hội để Maroc và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thông qua các ủy ban liên ngành.

Đại sứ Jamale Chouaibi cho biết thêm hai nước có nhiều điểm tương đồng để có thể thúc đẩy sự phối hợp trong thời gian tới. Việt Nam có thể tin tưởng rằng Maroc sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc tiếp cận an toàn vào các thị trường địa phương, dựa trên kinh nghiệm mà Maroc tích lũy được trong hoạt động kinh doanh ở châu Phi. Maroc là nước đầu tư lớn nhất ở Tây Phi và là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở châu Phi. Các dự án của nước này tập trung vào các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, năng lượng và viễn thông.

Do đó, Maroc và Việt Nam có thể cùng thực hiện các dự án đầu tư ba bên hoặc bốn bên tại các nước châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, với sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế./.

Các tấm ápphích rực rỡ chào mừng ngày thành lập Đảng và Xuân mới Nhâm Dần phía trước Phủ Chủ tịch, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)