Thoáng nghe cái từ “bao cấp”, những người trẻ ở thế hệ 8x, 9x dường ngỡ ngàn, xa lạ. Đối với thế hệ 6X, 7X trở về trước thì thật sự là một ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ, cho dù lúc đó khó khăn đủ thứ nhưng không kém phần thú vị. Nhất là những cái Tết, đi mua hàng hóa theo chế độ phân phối bằng tem phiếu của Nhà nước cấp, có những mặt hàng chỉ dành riêng cho Nam, nhưng gia đình đều là nữ cũng phải mua rồi không biết làm gì, ví dụ như: Đồ cao râu, thuốc lá hoặc ở những nơi xa xôi, hẽo lánh, không có đường giao thông thì cũng phải mua vỏ ruột xe đạp…chuyện vui thời bao cấp là như vậy.        


Hồi đó, tôi độ chừng hơn 10 tuổi, nhưng cũng biết khá rõ cái thời bao cấp ấy và có những trải nghiệm thú vị một thời tuổi thơ, mà mỗi khi nhớ lại, nó chợt hiện về trong ký ức những kỷ niệm đẹp. Đó là Tết Giáp Tý (1984), lúc đó tôi mới bước vào tuổi 15, đi theo mẹ và chị tôi mua hàng Tết. Thời điểm đó, mỗi xã chỉ có 1 cửa hàng thương nghiệp tổng hợp duy nhất, độc quyền bán hàng Tết theo chế độ tem, phiếu.

Vì còn nhỏ, tôi không biết rõ lắm, việc phân chia hàng hóa cho mỗi khẩu phần hay mỗi nóc gia như thế nào, chỉ nhớ là Tết năm đó, mỗi nóc gia được mua chế độ 10 mét vải may áo, nhà có 5 người phụ nữ thì mua được 1 cái quần đen, 2 lít dầu lửa trắng dùng để thắp sáng, 5 cái khăn mặt, 2 phong pháo Tiểu, vài chục hộp diêm quẹt thống nhất, 2 cây thuốc lá hiệu Đà Lạt hoặc Vàm Cỏ gì đó cùng một số linh tinh khác, nằm trong 9 mặt hàng nhu yếu phẩm dùng trong gia đình.

Chỉ có mấy món hàng Tết như vậy mà mẹ và chị tôi phải xếp hàng với cảnh chen lấn, xô đẩy nhau…cả ngày trời mới mua được, vì thời đó xã nào cũng rất rộng về diện tích tự nhiên và đông về dân số, tính ra cũng bằng 3 xã như bây giờ. Nói bằng 3 xã bây giờ có nghĩa là lúc đó xã tôi rất rộng, sau này Chính phủ mới chia xã nhỏ hơn (thường 1 xã chia ra thành 3 xã) để dễ quản lý.

Chính vì vậy mà mỗi xã có đến hàng nghìn nóc gia với dân số hàng chục ngàn nhân khẩu, nhưng cũng chỉ có một cửa hàng thương nghiệp tổng hợp, được cất bằng cây lá đơn sơ, rộng chừng 40 mét vuông cùng với cái kho chứa hàng bên cạnh nên cảnh chen lấn, xô đẩy nhau mua hàng Tết là điều không tránh khỏi.

Hôm đó, khi còn tờ mờ sáng, mẹ tôi dây thật sớm, cơm nước xong, khẩn trương lội bộ hơn 2 cây số trên con đường đất ngoằn ngoèo khó đi để đến Cửa hàng Thương nghiệp tổng hợp xã mua hàng Tết theo chế độ phân phối theo thông báo trên loa truyền thanh trước đó ít ngày. Đến nơi mới 6 giờ sáng, không ngờ có nhiều dòng người tấp nập, trật tự xếp hàng, mặt dù, đến 7 giờ sáng cửa hàng mới mở cửa. Thế thì mẹ tôi xếp hàng chờ đợi, tôi thì xách giỏ đứng bên cạnh chờ mẹ mua hàng để phụ mang về nhà.

Mãi đến trưa hôm đó, vẫn chưa mua được hàng, tôi phải vội chạy về nhà gọi chị tôi đến xếp hàng thay mẹ tôi về nhà ăn cơm, nếu không thì bị người khác “chiếm” mất chỗ.

Tôi nhớ, nhà tôi lúc đó có 14 khẩu, bao gồm ông, bà, ba mẹ, anh, chị em tôi, có cả chị dâu, các cháu nhỏ ở chung nữa. Cả nhà đông như vậy, dù chen lấn, xô đẩy cả ngày mới mua được những món hàng phân phối Tết theo chế độ, nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cho gia đình trong 1 cái Tết. Vì vậy, mẹ tôi phải ra “chợ đen” mua thêm quần áo cho anh em tôi, không đủ tiền mua cho tất cả các con, mẹ tôi phải tận dụng quần áo cũ của anh tôi (do anh đi bộ đội đã có quân phục) rồi bà tự tay sửa lại thành chiếc áo cho tôi mặc trong 3 ngày Tết, vậy mà vẫn đi chơi Tết với bộ đồ mới “ngon lành”.

Bộ đội và nhân dân đi mua sắm hàng Tết. (Ảnh: TTXVN)

Không hiểu sao, việc phân phối hàng hóa Tết thời đó lại không theo nguyên tắc nào và bất hợp lý vô cùng, có lẽ do thiếu hàng hóa nên ở xã mới phân phối như thế. Cứ mỗi nóc gia có từ 5 người Nữ đến dưới 10 người Nữ thì được mua 1,1 mét vải quần đen, còn vải quần Tây Nam giới hình như cũng phân phối như Nữ. Nhưng về vải áo thì lại khác, cứ mỗi nóc gia được mua được 5 mét hoặc 10 mét, đó là loại vải giống như vải KT, có sọc xanh trắng mà tôi còn nhớ tới bây giờ.

Chính vì hàng hóa phân phối không đáp ứng được nhu cầu theo khẩu phần nên thị trường lúc đó xuất hiện một loại chợ mà người ta gọi là “chợ đen”. “Chợ đen”, có nghĩa là người dân mua bán hàng hóa “chui”, tránh sự kiểm soát của Nhà nước. Nó diễn ra mọi nơi, mọi lúc, ngay cả những cán bộ quản lý thị trường cũng phải dùng hàng “chợ đen” với giá cao hơn giá Nhà nước gấp nhiều lần, thậm chí có những mặt hàng phân phối cho dân theo chế độ cũng lọt vào “chợ  đen” với nhiều lý do: Như bị “ép” mua vỏ xe đạp, nhưng ở đó không có đường; nhà toàn là phụ nữ mà cũng phải mua thuốc lá, máy cạo râu…

Đó là chuyện cũ, cách đây hơn 30 năm rồi. Tết đến, nhớ lại kể cho nhau nghe cũng cảm thấy vui vui, vì câu chuyện đã ngấm sâu vào trong ký ức đẹp một thời tuổi thơ của tôi cũng như những ai đã từng trải nghiệm, từng chứng kiến hình ảnh người dân xếp hàng, xô đẩy, chen lấn mua hàng phân phối trong những dịp Tết thời bao cấp. Đó cũng là kỷ niệm không bao giờ phai…!

<span style="color:#1d1e1e" class="tadv-color">Hồng Phúc</span>
Hồng Phúc

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang