“Quãng đường người mẹ bước đi theo đứa con bị nghiện thì không bao giờ quên được. Từ chi tiết nhỏ nhất tôi cũng không thể nào quên được, nó ăn sâu vào trí não, đến nỗi bây giờ khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy rùng mình bởi sự tàn phá khủng khiếp của nó” – Bà Vũ Thị Lập (sinh năm 1951, mẹ của Nguyễn Việt Dũng) mở đầu câu chuyện kể về hành trình cùng con cai nghiện ma túy với sự ám ảnh, thảng thốt còn đọng trên khuôn mặt phúc hậu của bà.

Cô độc và tủi nhục

Ngày đó, bận đi công tác, bà Lập ít có thời gian ở nhà chăm 2 cậu con trai. Cậu lớn học hành giỏi giang, ngoan ngoãn nên bà rất yên tâm. Bà nghĩ Dũng sẽ theo gương anh trai nên bà không chút mảy may lo nghĩ.

“Đến khi thấy tiền bạc trong nhà đều “không cánh mà bay”, đồ đạc trong nhà, nhất là những đồ đạc có giá trị cũng bị “bốc hơi” hết, để đâu cũng bị mất… tôi mới biết là con mình nghiện ma túy. Cảm giác của tôi lúc ấy thật sự là hụt hẫng, buồn tủi. Nhưng vì giữ thể diện cho bản thân và gia đình, tôi giấu chuyện này với bạn bè, hàng xóm láng giềng.

Đến khi thấy tiền bạc trong nhà đều “không cánh mà bay”… tôi mới biết là con mình nghiện ma túy

Bà Vũ Thị Lập

Song thực ra, mọi người xung quanh đều biết hết cả rồi, họ xa lánh và cấm đoán con họ chơi với con nhà mình. Đi đâu cũng ngại, cũng xấu hổ, nên hầu như tôi sống cô độc, không giao lưu, tiếp xúc với ai, kể cả hàng xóm láng giềng. Khổ tâm nhất là khi đến nhà những người bạn của tôi.

Họ cứ vô tư khoe về con của họ, mà trong khi ai cũng biết về tình trạng con nhà mình. Thực ra, họ không đả động hay nhắc gì về con của tôi thế này, thế kia, nhưng trong tâm trạng tự ti, tôi thấy rất xấu hổ. Mình không biết đường dạy con, con nhà người ta thì ngoan ngoãn, con nhà mình thì hư hỏng đến mức độ như thế.

Cho nên tôi tủi nhục lắm, buồn bực và tự làm cô độc bản thân mình” – bà Lập quay đi giấu những giọt nước mắt đang trào ra, giọt nước mắt của bao năm tháng tủi cực, xót xa mà không mấy ai cảm thông, chia sẻ.

Cái chết rình rập

Cùng hoàn cảnh với bà Lập, bà Trịnh Thị Phi (sinh năm 1946, mẹ anh Tạ Phú Cường) còn đau đớn hơn bởi có tới 2 người con trai cùng bị nghiện. Không muốn con trộm cắp, cướp giật để lấy tiền mua ma túy, ông bà Phi phải chạy vạy lo tiền mua ma túy chu cấp hàng ngày cho 2 “ông” con.

Không có tiền, ông bà chỉ dám mua mớ rau và ít cá vụn về ăn, nhưng ma túy hàng ngày cho con thì ông bà vẫn phải vay mượn cho họ đủ liều dùng.

Bà Phi run rẩy kể: “Lo cho nó như vậy mà nó vẫn chửi tôi, mỗi khi nhìn thấy con là tôi lại sợ run người. Nhiều lúc nửa đêm đang ngủ, nó đập cửa ầm ầm: “Có đưa tiền không thì bảo”, mà tôi sợ phát khiếp, hồn vía như trên mây, hoa hết cả mắt. Tôi sợ không có tiền đưa nó mua thêm ma túy thì nó chửi, rồi nhỡ đúng lúc nó lên cơn nghiện, nó mất kiểm soát, tiện tay dùng dao đâm mình…”.

Có con bị nghiện ma túy đá, bà Lê Thị Thi (sinh năm 1954 , mẹ anh Nguyễn Xuân Thành) lúc nào cũng cảm thấy tuyệt vọng. Ai mách thuốc gì, cúng bái ở đâu là bà đều tìm đến, nhưng mỗi ngày lại thêm vô vọng.

Mọi người xung quanh trước đây thường giao lưu với bà, nhưng khi thấy Thành nghiện thì họ lẳng lặng xa lánh, họ sợ Thành làm ảnh hưởng đến con nhà họ.

Khổ tâm lắm, đi đâu tôi cũng đều phải cúi mặt xuống, chẳng dám nhìn ai, chẳng dám trò chuyện gì

Bà Lê Thị Thi

“Vì thế nên khổ tâm lắm, đi đâu tôi cũng đều phải cúi mặt xuống, chẳng dám nhìn ai, chẳng dám trò chuyện gì. Nhiều đêm tôi nằm cứ giật mình thon thót, vì thấy nhiều trường hợp nghiện ma túy chích thuốc quá đà mà phải chết bờ chết ruộng.

Ngẫm họ mà lo cho con mình, lúc nào không có nó ở nhà là cũng lo không biết nó đang ra sao. Đêm về nằm nghĩ thương con, tôi cứ tự khóc thầm một mình. Nhà cửa tan nát hết rồi, không còn đồ đạc nào đáng giá, còn con cái thì không biết đang lang thang, vạ vật ở đâu” – Bà Thi nghẹn ngào.

Chung cảnh ngộ, vợ chồng bà Lập cũng nhiều lúc bàn với nhau nếu chẳng may vì ma túy, vì HIV mà Nguyễn Việt Dũng chết thì sẽ bí mật đưa Dũng về quê chôn cất và không thông báo cho bất cứ một ai.

Bà rút ruột rút gan: “Đau đớn lắm, con nghiện đã là một điều sỉ nhục rồi, mà giờ con lại bị chết vì HIV thì vợ chồng tôi sao chịu nổi điều tiếng đây!”

Rồi tới một ngày, bà Lập vô tình gặp mấy anh em trước đây cùng mắc nghiện ma túy với Dũng. Những người này đã được giới thiệu đi học tập, rèn luyện tại Trung tâm cơ đốc Đời sống mới (ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Tại đây, những người anh em này được học Kinh Thánh, được dạy dỗ trở thành người lương thiện, được cảm hóa, được tiếp thêm niềm tin… Giờ đây, họ đã đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, họ trưởng thành và tự nguyện ở lại Trung tâm để cứu giúp những anh em cùng cảnh ngộ khác.

Anh Tạ Phú Cường giờ đã có cuộc sống bình yên trở lại

Với bà Lập, chỉ cần thấy như vậy là đủ rồi và bà quyết tâm đưa Dũng lên Trung tâm cơ đốc Đời sống mới. Từ chỗ tuyệt vọng nhất, tưởng rằng cái chết cận kề con mình rồi, bà Lập như thấy đang nhen lên một ngọn lửa hy vọng cho Dũng, cho bà và cho cả gia đình.

Bà tự nhủ: “Đây là con đường sống rồi, không có con đường nào khác, phải bám lấy và phải nắm lấy sự sống này thì con mình mới được sống!”

Bài 3: Giải thoát

 Tác giả: Kim Anh - Hữu Trung - Hà Quỳnh<br>Thiết kế: Võ Hoàng Long
Tác giả: Kim Anh – Hữu Trung – Hà Quỳnh
Thiết kế: Võ Hoàng Long