Chiều cuối năm, gió đông se sắt lạnh luồn qua những bụi cỏ lau mọc ngang đầu người xung quanh nghĩa trang xóm Thượng (xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).

Bước chân dẫm lên những ngọn cây dại mọc tràn lên lối mòn ít người qua lại, Nguyễn Việt Dũng (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đến thăm ngôi mộ của một người anh đã mất cách đây hơn chục năm vì nghiện ma túy và nhiễm HIV.

Lặng đứng hồi lâu trước mộ phần của người đã khuất, Dũng cảm nhận rõ từng làn gió sượt ngang tai mang theo mùi ngai ngải của cỏ cây, tiếng chim lạc đàn thoảng qua rồi biến mất… Không gian quạnh vắng nao lòng gợi nhớ ký ức từ hơn 10 năm trước vọng về, thời mà Dũng đã từng nghĩ, mình cũng sẽ sớm nằm dưới mộ như người anh này.

Nhưng, như một phép lạ, Dũng đã ĐI QUA TRŨNG BÓNG CHẾT – nơi tận cùng của nỗi tuyệt vọng, sự cùng quẫn và chết chóc. Đi qua được Trũng bóng Chết này là một hành trình gian khổ, vật lộn đớn đau để tìm được con đường sống cho cuộc đời mình.

BÀI 1: “VŨNG LẦY” TĂM TỐI

Năm 1994, Nguyễn Việt Dũng 15 tuổi và là một trong những đứa trẻ đầu tiên ở Việt Nam sử dụng heroin. Bốn năm sau Dũng phát hiện ra mình bị nhiễm HIV và từ đó cuộc sống của Dũng trượt dài với suy nghĩ: “Cuộc đời của mình coi như đã chấm dứt rồi. Nhiều bạn bè mình cũng bị nhiễm HIV và đã chết rất sớm, nên cái chết sẽ nhanh đến với mình thôi”.

Bước sa chân tuổi trẻ

Bằng giọng đau đáu, Dũng kể lại những ngày tháng tăm tối nhất của cuộc đời mình: “Ngày đó, tôi như một “điểm đen” trong khu tập thể mà tôi sinh sống.

Trẻ con trong xóm bị bố mẹ cấm không được chơi bời, giao du với tôi. Thậm chí, có ông bố bà mẹ còn đến gặp tôi và quỳ xuống bảo: “Dũng ơi, cháu đừng rủ con của cô chú đi chơi nữa!””

Có ông bố bà mẹ đến gặp tôi và quỳ xuống bảo: “Dũng ơi, cháu đừng rủ con của cô chú đi chơi nữa!”

Nhưng khi ấy, tôi không lấy đó làm điều xấu hổ mà tiếp tục hư hỏng. Tôi ăn cắp, lừa đảo, cướp giật để có tiền thỏa mãn cho những cơn nghiện của tôi. Năm 1997 thì tôi bị bắt và bị phạt 18 tháng tù treo về tội Gây rối trật tự công cộng”.

Với mỗi người, ma túy có cách xâm nhập khác nhau, với Hoàng Việt Anh (sinh năm 1982, nghiện ma túy 14 năm, nhiễm HIV từ năm 1999) thì sử dụng ma túy như một hình thức thể hiện “đẳng cấp” của một thanh niên sành điệu, một “dân chơi”, mặc dù ban đầu khi dùng ma túy không thấy có cảm giác gì là cuốn hút cả.

Khi nhìn lại, Việt Anh cay đắng thừa nhận: “Lúc mắc nghiện rồi, thì ma túy kiểm soát tất cả cảm xúc suy nghĩ của mình, khiến mình bị lệ thuộc hoàn toàn. Khi có nó thì tinh thần của mình, tâm trí của mình mới cho cảm giác minh mẫn, sáng suốt.

Còn không có nó thì gần như mình không nghĩ được gì và không làm được gì. Ma túy khiến cho tôi bị trói buộc hoàn toàn trong tâm trí của mình, khiến cho tôi trở nên tuyệt vọng và bế tắc trong cuộc đời của mình”.

Khi bắt đầu nghiện ma túy là khi Việt Anh vừa qua tuổi thiếu niên, đến giờ nhìn lại thì thấy mình không được hưởng một chút tuổi thanh xuân nào cả. “Đó là những ngày tăm tối của đời tôi. Lúc trẻ, tôi cũng đã từng mơ ước sau này lớn lên làm nghề kinh doanh, nhưng rồi đam mê ma túy vùi dập, nhấn chìm tất cả các ước mơ, hoài bão tuổi trẻ của tôi”– Việt Anh ngậm ngùi.

Khi lên cơn thèm ma túy, người nghiện bất chấp nhân cách,bất chấp luân thường đạo lý, coi thường pháp luật để có tiền mua ma túy. Nguyễn Xuân Thành (sinh năm 1982, ở Thanh Xuân, Hà Nội, nghiện ma túy 12 năm) lấy trộm gạo bán hàng của mẹ, lừa nhổ tóc cho bà nội để tháo trộm khuyên tai, xông vào trụ sở Công an phường để lấy trộm ấm siêu tốc, thậm chí còn lấy tiền mua sữa cho con mới sinh để đi mua ma túy.

Đến khi đã thỏa mãn cơn thèm ma túy đá, Thành bị ảo giác, bị “ngáo đá” đến độ nói một mình, cười một mình suốt đêm, mất kiểm soát, tự muốn hủy hoại bản thân, mặc váy của mẹ đi khắp nhà, lúc nào cũng hoang mang, lo sợ, nhìn mọi người xung quanh ai cũng giống công an như đang muốn đến bắt Thành…

Ba lần tự tử bất thành

“Đau khổ vì cai nghiện nhiều lần không thành, bệnh tật hành hạ… nhiều lúc nghĩ quẩn tôi chỉ muốn kết liễu cuộc đời để tự giải thoát, để mình không còn phải chịu đựng đau đớn, khổ sở nữa” – Dũng nhớ lại quá khứ kinh hoàng của mình với những ba lần tự tìm đến cái chết nhưng không thành.

Lần đầu tiên, lúc đó Dũng được bố mẹ đưa về quê ở Ninh Bình để tự cai nghiện ma túy. Những ngày đầu, thiếu ma túy, cơ thể của Dũng đau đớn đến mức cảm thấy không còn đủ sức để chịu đựng được nữa và bắt đầu nghĩ đến cái chết để mong sao sớm chấm dứt được cảnh chịu đựng khổ sở đó.

“Nằm ở trong nhà, nghe thấy tiếng xe ô tô chạy ngoài đường, lúc đó trong đầu tôi nghĩ đến hình ảnh tôi sẽ tự kết liễu cuộc sống của mình bằng cách ra ngoài đường và lao đầu vào chiếc xe đó. Nhưng khi ra đến nơi, đối diện với cái chết, thì tôi lại sợ hãi và không đủ dũng cảm để có thể lao đầu vào chiếc xe đang chạy đó” – Dũng kể lại với sự kinh sợ in hằn lên ánh mắt.

Sau đó vài ngày, cơn thèm ma túy dần qua đi, cơ thể của Dũng được phục hồi và một tháng sau thì Dũng cắt được cơn nghiện. Dũng trở về Hà Nội thì gặp ngay những “bạn nghiện” của mình.

Cuộc sống hạnh phúc hiện tại của anh Nguyễn Việt Dũng . Ít ai ngờ anh từng có những tháng ngày dông bão vì ma túy

“Mặc dù vừa mấy ngày trước, tôi tự nhủ khi quay về Hà Nội lần này sẽ cố gắng không sử dụng lại ma túy. Nhưng khi nhìn thấy những người bạn đó, thì trong tôi trỗi dậy sự thèm khát ma túy. Sự cám dỗ của ma túy lớn hơn sự quyết tâm của tôi và tôi không vượt qua được chính mình” – Dũng tự mỉa mai.

Lần thứ hai, đi cả ngày không trộm cắp, cướp giật được cái gì, không có tiền mua ma túy. Cảm thấy khổ sở, vật vã, không còn muốn sống nữa… Dũng “xoay” tiền mua mấy liều ma túy để dùng cùng 1 lúc, sau đó anh bất tỉnh. Không rõ bất tỉnh trong bao lâu, Dũng chỉ thấy sáng hôm sau mình lại tỉnh dậy.

Chỉ vì một liều ma túy, tôi có thể sẵn sàng chửi cả bố mẹ tôi, để bắt ông bà đưa tiền cho tôi thỏa mãn cơn nghiện

Nguyễn Việt Dũng

Thêm lần thứ ba, Dũng tiếp tục sử dụng ma túy quá liều để tự kết liễu cuộc đời mình, nhưng cũng bất thành giống như 2 lần trước.

“Từ đó, tôi càng bất cần và lún sâu vào ma túy. Tôi không biết đến ai, chỉ nghĩ đến bản thân mình, chỉ mong làm sao thỏa mãn được những dục vọng của mình… Chỉ vì một liều ma túy, tôi có thể sẵn sàng chửi cả bố mẹ tôi, để bắt ông bà đưa tiền cho tôi thỏa mãn cơn nghiện. Tôi biết, lúc đó mẹ tôi là người đau khổ nhất, bà đau nỗi đau cùng cực mà không biết chia sẻ cùng ai, cũng không có cách nào giải thoát được”, Dũng cay đắng nói.

Bài 2: Nỗi đau cùng cực

 Tác giả: Kim Anh - Hữu Trung - Hà Quỳnh<br>Thiết kế: Võ Hoàng Long
Tác giả: Kim Anh – Hữu Trung – Hà Quỳnh
Thiết kế: Võ Hoàng Long