Việt Nam ưu tiên cao nhất cho “tương lai xanh”

Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với dự báo, gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng cao đã trở thành thách thức lớn nhất đối với Trái Đất, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới. Lời cảnh báo của tự nhiên buộc các quốc gia phải hành động mạnh mẽ chứ không thể đứng nhìn…

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tích cực tham gian thực hiện các cam kết “xanh,” được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Mới đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là “bước đi dài” để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vài năm gần đây, thời tiết tại Việt Nam ngày càng bất thường. Các hình thái thời tiết cực đoan trải dài rộng khắp trên mọi miền đất nước như khô hạn, bão lũ, mưa cực đoan, giông lốc, rét đậm rét hại diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, với đường bờ biển dài 3.260 km, nước biển dâng cũng đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam. Theo dự báo của giới chuyên gia, nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực nhưng nhận thức được những thách thức và cả những cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ưu tiên và tích cực trong thực hiện các cam kết quốc tế và đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; trong đó, phải kể đến Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozone, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris về khí hậu…

Cùng với các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã chi hàng tỷ USD cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; xây dựng các mô hình sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phát triển năng lượng tái tạo; nâng cấp công tác cảnh báo, dự báo thiên tai; xây dựng các công trình, dự án đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, chống ngập và xâm nhập mặn; đóng góp tài chính cho biến đổi khí hậu và Quỹ Khí hậu xanh, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về biến đổi khí hậu…

“Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là “bước đi dài” để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đặc biệt, Việt Nam là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Trong Báo cáo NDC cập nhật năm 2020 gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng khí thải nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (khoảng 83,9 triệu tấn CO2 tương đương). Mức đóng góp có thể tăng lên tới 27% (khoảng 250,8 triệu tấn CO2 tương đương) khi nhận được hỗ trợ của quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương…

Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham gia các thỏa thuận quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu như: Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng cácbon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn 2021-2030; ký kết Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Việt Nam với Hàn Quốc; tăng cường hợp tác phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu với Hà Lan…

Ngoài ra, với việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, lần đầu tiên nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu được nhắc đến một cách độc lập trong hành lang pháp lý. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây sẽ là tiền đề để tăng cường công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

“Tương lai xanh” là mục tiêu cao nhất

Để góp phần làm nên chiến thắng trước những thay đổi bất thường của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định Việt Nam sẽ dành ưu tiên cao nhất cho việc ứng phó với biến đối khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rằng mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, nhưng Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Một trong những phát biểu được đánh giá cao tại Hội nghị COP26, chính là cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là nội dung quan trọng thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Thủ tướng đã đề nghị đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Điều đó thể hiện tầm nhìn và định hướng của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn tới, nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường “xanh,” phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng lưu ý biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu và cả cộng đồng nên khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung, nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được lãnh đạo các nước, đối tác quốc tế đánh giá cao đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư để tăng khả năng chống chịu và thích ứng trước các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do tác động biến đổi khí hậu.

Một người nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long trên thửa ruộng bị ngập mặn, do tác động của biến đổi khí hậu (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Cũng tại COP26, Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ và tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng như: Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch; tuyên bố chính trị về rừng và sử dụng đất…

Tận dụng thời cơ để phát triển bền vững

Sau sự kiện thành công của hội nghị COP26, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị trong ngành để triển khai ngay các công việc “đón đầu” sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tận dụng các cơ hội chuyển mô hình tăng trưởng đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Tại cuộc họp, ông Hà cho biết cam kết chính trị và quyết tâm hành động của Việt Nam tại hội nghị COP26 đã được các nhà lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada, Uỷ ban châu Âu, Đức, Hàn Quốc, Thuỵ Điển… tin tưởng rằng quyết tâm hành động của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, to lớn hơn trong các lĩnh vực kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; nhất là trong bối cảnh các nước có sự quan tâm rất cao đối với biến đổi khí hậu, thay đổi mạnh mẽ về hướng phát triển, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn…

Bên cạnh các ngân hàng phát triển đa phương, các ngân hàng quốc tế như Standard Chartered cũng có những cam kết mạnh mẽ với 8 tỷ USD dành cho phát triển bền vững trong khi các tập đoàn lớn sẵn sàng và mong muốn tham gia vào các dự án năng lượng gió, công nghệ xanh hiện đại tại Việt Nam.

Rừng trồng trên cát ở các xã ven biển huyện Triệu Phong. (Ảnh Hồ Cầu/TTXVN

Tuy vậy, ông Hà cũng lưu ý rằng trên cơ sở những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 cũng như những ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn trên thế giới về chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế cácbon thấp, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần phải chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng cho mục tiêu tận dụng các cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Việt Nam cần đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tín dụng của các tổ chức tín dụng, tài chính trên thế giới; tận dụng các cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải cácbon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hoá thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Ngoài ra có thể bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nâng sức chống chịu của hạ tầng cơ sở, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021 được tổ chức trong hai ngày 11-12/11 tại thành phố Aukland (New Zealand) theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân Việt Nam hiểu rõ nguy cơ và cơ hội đan xen đồng thời cam kết hành động quyết liệt để chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.

Với trách nhiệm đó, trong quá trình này Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các thành viên APEC, các quốc gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam cũng xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tham gia cung ứng sản phẩm và dịch vụ xanh; hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển các doanh nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, các khu công nghiệp sinh thái…

Chủ tịch nước tin tưởng rằng những chính sách nêu trên cùng với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam và mạng lưới rộng lớn của 14 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam để cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững.

Phục hồi Hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)