Bà Merkel và di sản để lại cho cả châu Âu

Bà Merkel và di sản để lại cho cả châu Âu

Ít có một nhà lãnh đạo nào trên thế giới, khi tuyên bố chấm dứt sự nghiệp chính trị lại nhận được nhiều lời ca ngợi, sự biết ơn và cả sự tiếc nuối như Thủ tướng Đức Angela Merkel. Những di sản “đồ sộ” cả về đối nội lẫn đối ngoại đã trở thành chủ đề nóng mà báo giới quốc tế không thể không nhắc đến trong những ngày qua. Một trong những ấn tượng của người phụ nữ được mệnh danh là “quyền lực nhất thế giới” được các nhà lãnh đạo ngưỡng mộ là “dừng lại ở đỉnh cao”.

Bà Angela Merkel tuyên bố không tiếp tục tranh cử khi tỷ lệ ủng hộ vẫn ở mức gần 80%, mức cao chưa từng có với một nhà lãnh đạo kể từ khi nước Đức lập hiến.

Dù vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị hiện nay cho tới khi thủ tướng mới được bầu, song sự kiện Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ hoạt động cho Thủ tướng Angela Merkel đã chính thức khép lại 16 năm liên tiếp bà đảm đương cương vị người đứng đầu chính phủ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Không chỉ những đồng nghiệp đương nhiệm, cả những cựu lãnh đạo thế giới đều ca ngợi bà như một nhà lãnh đạo đáng kính.

“Nhờ bà Merkel mà châu Âu không tan rã”

Phát biểu trong buổi lễ chính thức tại Cung điện Bellevue ở Berlin, Tổng thống Steinmeier không ngớt lời ca ngợi, mô tả thời kỳ nắm quyền của bà Merkel là “một trong những thời kỳ vĩ đại nhất trong lịch sử nước Đức hiện đại” và “nhờ bà Merkel mà châu Âu không tan rã.”

Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh, thời gian nắm quyền của bà Merkel đã “xác định hình ảnh của nước Đức trên thế giới và cho cả một thế hệ người Đức trẻ tuổi”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng, trong nhiệm kỳ cuối, bà Merkel đối mặt với rất nhiều thách thức lớn, không chỉ đại dịch COVID-19 mà còn sự phân cực sâu sắc trong xã hội Đức cùng những căng thẳng lớn trong quan hệ quốc tế.

Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel và sự điều hành của các thành viên chính phủ, nước Đức đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, được cả thế giới ghi nhận.

Uy tín Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn ở mức cao cho tới khi mãn nhiệm

Các nhà lãnh đạo EU đã không ngần ngại khi dùng những lời “có cánh” để nói về bà. Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker viết: “Bà ấy giữ chân Đức ở châu Âu”. Chính trị gia người Luxembourg, người mà được làm việc trong nhiều năm, đã nói về những bất đồng nhưng cũng không thể phủ nhận những cam kết chung của họ đối với EU. “Bà ấy chắc chắn đã giữ nước Đức ở châu Âu. Bà ấy đã khẳng định rõ lập trường với người dân Đức rằng châu Âu là một phần trong tham vọng của Đức, và đó là di sản lớn nhất của bà ấy”.

Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel: “Bạn là một tượng đài”. Tại hội nghị thượng đỉnh EU vừa kết thúc, ông nói với bà Merkel rằng: “Hội đồng châu Âu không có Angela giống như Rome không có Vatican hay Paris không có tháp Eiffel”. Ông Michel nói thêm: “Tinh thần và kinh nghiệm của bà sẽ ở lại với chúng tôi. Bà sẽ không rời bỏ chúng tôi”.

“Cảm ơn Angela yêu mến, vì những cuộc đấu tranh mà bạn đã dẫn dắt cho châu Âu của chúng ta. Một dòng tweet sẽ không đủ để tóm tắt hết 16 năm cam kết” – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng minh và là láng giềng thân cận nhất của bà Merkel nhận xét: 16 năm cam kết với châu Âu cũng là 16 năm quyết tâm của bà trong việc dẫn dắt châu Âu vượt qua nhiều thời kỳ khó khăn, mà đỉnh cao phải kể đến cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro và mới đây nhất là đại dịch COVID-19.

“Hội đồng châu Âu không có Angela giống như Rome không có Vatican hay Paris không có tháp Eiffel”

Thủ tướng Bỉ Alexandre De Croo cho rằng người đồng cấp Merkel thực sự đã để lại dấu ấn ở châu Âu, giúp toàn bộ 27 nước đưa ra quyết định đúng đắn vào những thời điểm khó khăn. Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel lại dành lời ngợi khen bà Merkel vì những nỗ lực gắn kết EU thông qua các cuộc đàm phán nội khối.

“Cam kết thực sự mang tính lịch sử” là câu nói của Thủ tướng Anh Boris Johnson dành cho bà. Trong chuyến thăm Vương quốc Anh của bà Merkel hồi tháng 7, ông Johnson khẳng định: “Chuyên môn khoa học của bà đã đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt toàn cầu đối phó với đại dịch”. Ca ngợi kỹ năng ngoại giao của bà, ông nói: “Tôi muốn cảm ơn cam kết thực sự mang tính lịch sử bạn, không chỉ vì mối quan hệ Anh – Đức mà còn đối với ngoại giao toàn cầu nói chung”.

“Việc giữ châu Âu đoàn kết lại với nhau trong những thời khắc khó khăn nhất mà lục địa già phải trải qua, quả là một thành tích đáng ghi nhận”.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nhận xét về bà Merkel

Nói về sự nghiệp của bà Merkel, Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair cho rằng đó là “Một thành tựu đáng ghi nhận”. Ông viết: “Nếu Blair làm theo cách của mình, Vương quốc Anh đã không rời khỏi EU (Brexit). Nhưng bất chấp tiến trình Brexit đầy chông gai, bà Merkel vẫn chủ trì nhiều hội nghị thảo luận về vấn đề này và đưa châu Âu đoàn kết vượt qua nhiều thời khắc khó khăn”.

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói: “Bà ấy là người bình tĩnh hiếm có”. Từng biết bà Merkel từ nhiều năm trước với vai trò là ngoại trưởng, người đứng đầu Chính phủ Áo chia sẻ: “Bà ấy sẽ để lại một khoảng trống. Bà ấy là thiên đường của sự bình tĩnh. Và không nghi ngờ gì, bà ấy là một người châu Âu tuyệt vời”.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush dành từ: “Đẳng cấp và phẩm giá” để nói về bà. Merkel đã từng đến thăm Bush trong trang trại của ông ở Texas và cựu tổng thống – người hiện không tham gia hoạt động chính trị, gắn bó với nghệ thuật – đã vẽ chân dung Merkel. Ông Bush từng chia sẻ với DW gần đây rằng: “Merkel đã đưa đẳng cấp và phẩm giá lên một vị trí rất quan trọng; (bà) đã đưa ra những quyết định rất khó khăn và làm tất cả những gì tốt nhất cho nước Đức dựa trên nguyên tắc”.

Tổng thống Mỹ hội đàm với Thủ tướng Đức Merkel

Tổng thống đương nhiệm Joe Biden dùng cụm từ: Một “người bạn tuyệt vời” để nói về Angela Merkel. Phó Tổng thống dưới thời ông Obama và đương kim “Tổng tư lệnh Hoa Kỳ” đánh giá mối quan hệ của Joe Biden với bà Merkel là nồng ấm và mang tính đồng nghiệp. Ông Biden đã gọi bà là “một người bạn tuyệt vời, một người bạn cá nhân và một người bạn của nước Mỹ”. Ông cũng ca ngợi “khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, có nguyên tắc của bà”.

Dù kiệm lời, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành những lời thân tình: “Merkel là người bạn lâu năm của Trung Quốc. Bà luôn là một người nhiệt thành và ngưỡng mộ sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Chuyên gia xử lý khủng hoảng

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của bà Merkel là tỷ lệ tạo việc làm cao, đặc biệt đối với phụ nữ. Đức có tỷ lệ phụ nữ đi làm cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh tới 50% sau 16 năm, đến mức đất nước hiện ở trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức duy trì ở mức thấp kỷ lục khoảng 3,5%.

Dư luận Đức đặc biệt đánh giá bà Merkel xử lý rất tốt trong các cuộc khủng hoảng lớn. Sau vụ đổ vỡ ngân hàng Lehman Brothers năm 2008, bà Merkel đã cảnh báo người Đức không nên đổ ra các máy rút tiền với tuyên bố: “Khoản tiền tiết kiệm của quý vị an toàn.”

Ngay cả trong cuộc khủng hoảng người di cư – được coi là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp của bà – “nữ tướng Merkel” cũng tìm được những lời lẽ phù hợp nhất với câu nói lịch sử “Wir schaffen das” (Chúng ta sẽ vượt qua). Quyết định của bà đưa ra ngày 4/9/2015 không đóng cửa biên giới đối với hơn một triệu người di cư được đánh giá đã giúp tránh được một thảm họa nhân đạo ở châu Âu.

“Món nợ ân tình” là những từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dành để nói về bà. Trong một tin nhắn video gửi tới thủ tướng tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng bà tham dự với cương vị người đứng đầu chính phủ, Obama nói: “Những người yêu quý của bạn và toàn thế giới nợ bạn một lời biết ơn vì tất cả những gì bạn đã làm được trên cương vị của mình trong nhiều năm”. Ông ca ngợi khả năng của nhà lãnh đạo Đức khi đặt các nguyên tắc lên trên “bất kỳ định nghĩa nào về lợi ích cá nhân”, một ám chỉ rõ ràng về lập trường của bà trong cuộc khủng hoảng người di cư hồi năm 2015.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định “Luôn luôn đối thoại” là bản chất của Merkel. Nhà lãnh đạo quốc gia Đông Âu này dành lời tâm huyết: “Bà Merkel luôn coi trọng hợp tác chặt chẽ với nước láng giềng phía Đông của mình – Ba Lan, điều mà không phải lúc nào cũng có thể làm được do sự khác biệt về quan điểm, như về chính sách người di cư”. Tuy nhiên, trong chuyến thăm chia tay của Thủ tướng Merkel, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu: “Bất chấp nhiều vấn đề khó khăn, chúng tôi luôn duy trì đối thoại, tôi cảm ơn bạn”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn ca ngợi bà Merkel dù có bất đồng về vấn đề di cư

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thân mật khi nói: “Một ‘người bạn’ và ‘thủ tướng’ yêu mến”. Dù bà Merkel đã gặp nhiều vấn đề với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đặc biệt là các vấn đề về nhân quyền, song ông ca ngợi “người bạn” và “thủ tướng yêu quý” là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, người luôn có “cách tiếp cận khéo léo và hướng đến giải pháp”.     

Tỷ lệ hài lòng về thành quả của bà trên cương vị thủ tướng Đức ít khi xuống dưới mức 50%, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng người di cư.

Ngay cả khi đã tuyên bố không tiếp tục tái tranh cử trong cuộc bầu cử liên bang ngày 26/9 vừa qua, vị nữ thủ tướng được mệnh danh là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” này vẫn nhận được sự ủng hộ cao chưa từng có, với gần 80% số người được hỏi đều muốn bà Merkel tiếp tục “chèo lái con thuyền nước Đức.” Trước bà Merkel, chưa có thủ tướng Đức nào rời cương vị người đứng đầu chính phủ mà được lòng dân đến vậy.

Nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất châu Âu

Chuyên gia Matt Qvortrup , Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Coventry và là tác giả cuốn sách “Angela Merkel – Nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất châu Âu” nhận định: “theo cách riêng của mình, bà đã tạo ra một cuộc cách mạng trong chính trị Đức và chính trị thế giới nói chung.”

Bằng chứng là ngay từ những ngày đầu nhậm chức, dường như bà đã tự mình định hình cách tiếp cận của chính phủ đối với chính sách đối ngoại, duy trì chính sách đối ngoại của các chính phủ tiền nhiệm: khách quan, tổ chức tốt, thỏa thuận tốt với tất cả các bên nếu có thể, trong đó luôn hướng tới lợi ích kinh tế toàn cầu của Đức.

Chính sách này đã gặt hái được nhiều kết quả, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Đức vẫn tăng 3%, đạt hơn 212 tỷ euro, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một của Đức 5 năm liên tiếp.

Chuyên gia Henning Hoff thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức đánh giá bà Merkel có khả năng “phi thường” trong việc gắn kết châu Âu và kết nối các bên xung đột tham gia đối thoại.

Thủ tướng Đức kêu gọi duy trì đối thoại với Nga bất chấp những khác biệt

Khả năng này đã được chứng minh khi bà nhiều lần nỗ lực hòa giải cho cuộc xung đột Ukraine-Nga, cũng như xử lý nhanh chóng những mâu thuẫn liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt của Nga tới Đức, vốn bị Mỹ và một số nước Đông Âu phản đối. Bà cũng duy trì được mối quan hệ vừa là đối tác, vừa là đối thủ giữa Đức và Nga trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi.”

Trong quan hệ với Mỹ, có thể thấy bà Merkel đã thực thi chính sách linh hoạt và khéo léo, luôn ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ, song vẫn bảo đảm vai trò và vị thế độc lập của Đức nói riêng cũng như EU nói chung.

Sau thời gian rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, bà Merkel đã có những bước chuẩn bị cho việc thúc đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm của bà tới Mỹ hồi tháng Bảy vừa qua đã gửi một tín hiệu rõ ràng về việc khởi động lại và nâng tầm quan hệ Mỹ-Đức theo mong muốn của cả hai nước.

Di sản quan trọng nhất của bà Angela Merkel đơn giản là mang lại sự ổn định trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu.

Nhà báo Ralph Bollmann của tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung

Trên cương vị người đứng đầu nền kinh tế đầu tàu của EU, bà Merkel đã thể hiện bản lĩnh và vai trò quan trọng của mình, đưa EU vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng nợ công giai đoạn 2010-2015, cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015.

Trong nhiệm kỳ cuối, đối mặt với thách thức to lớn là đại dịch COVID-19 càn quét châu Âu từ đầu năm 2020, bà Merkel đã mạnh mẽ dẫn dắt nước Đức và châu Âu cùng vượt qua khủng hoảng, nhất là trong giai đoạn Đức làm chủ tịch luân phiên EU nửa cuối năm 2020.

Dù chưa thể đánh bại đại dịch, Đức vẫn được đánh giá là khá thành công trong cuộc chiến chống COVID-19. Nền kinh tế Đức vẫn giữ được mức tăng trưởng đáng kể so với mức tăng trưởng trung bình của khu vực. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề, song Thủ tướng Merkel để lại cho nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung một di sản đáng ghi nhận.

Trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng nước Đức dưới “kỷ nguyên Merkel” được đánh giá là ổn định và thịnh vượng. Tạp chí Forbes đã 14 lần bình chọn bà Merkel là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.”

“Người mẹ quốc dân”

Không chỉ được ca ngợi về khả năng lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, mà bà Merkel còn được nhớ đến theo một cách đặc biệt khác, đó là sự tôn trọng, ngưỡng mộ và yêu quý đáng để học tập. Luôn mặc một kiểu quần áo gần như đồng phục (áo vest cài cúc có màu và quần đen tối màu), Thủ tướng Đức được xem là “phản đề đích thực của thói xa xỉ”.

Bà tự đi siêu thị sắm đồ, không có tùy tùng, mỗi năm đều đi nghỉ ở cùng một địa điểm tại vùng núi Nam Tyrol. Hàng triệu người Đức đã học theo phong cách sống của bà “giống như Merkel” và dùng cụm từ “Người mẹ quốc dân” để gọi người đứng đầu chính phủ của họ.

Là Thủ tướng Đức, bà Merkel được phép sống trong dinh thự tại Cổng Brandenburg nhưng bà chọn cùng chồng sống bình yên tại một căn hộ nhỏ. Mỗi khi có thời gian, bà sẽ tự tay nấu nướng.

Bà Angela Merkel trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Đức tại Quốc hội ở Berlin, ngày 30/11/2005 (ảnh trên) và trong bài phát biểu tại Hạ viện trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, ngày 24/6/2021 (phía dưới) (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Business Insider, món sở trường của bà Angela Merkel chính là bánh mận và súp thịt bò xay. Ngoài ra, giống như hàng ngàn người dân Đức ngoài kia, bà cũng là một người hâm mộ bóng đá. Từng có một bức hình ghi lại khoảnh khắc bà và Tổng thống Joachim Gauck ăn mừng trận thắng của đội tuyển quốc gia trong phòng thay đồ. Và hai người họ, theo như báo giới chia sẻ, trông bình thường và gần gũi hơn bao giờ hết.

Và có lẽ, đó chính là sức hút lớn của bà Angela Merkel. Trên cương vị của một chính trị gia lỗi lạc, bà có phong cách sống bình dị quá đỗi. Vị Thủ tướng Đức từng nói rằng, bà không cảm thấy mình phải tô điểm vẻ ngoài để nâng cao giá trị bên trong.

Bà nổi tiếng với phong cách thời trang “16 năm như một” của mình là áo blazer và quần tối màu, kết hợp đôi giày đen và vòng cổ. Trên tít một bài báo nói về phong cách này của vị Thủ tướng Đức, tờ The Guardian đã thốt lên rằng: “Một kiểu một nhưng rất nhiều màu sắc.”

Chia sẻ về lối ăn mặc này, người phụ nữ quyền lực nhất nước Đức cho rằng như thế thì tiện hơn là phải chọn một phong cách mới cho mỗi lần xuất hiện. Chính vì tất cả những điều đó, người dân nước Đức luôn dành một sự kính trọng cho nữ Thủ tướng này.

Những khoảnh khắc của bà Angela Merkel với các nhà lãnh đạo thế giới:

Lý Thị Phương Hoa
Lý Thị Phương Hoa

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin (Đức)