LÍNH ‘MŨ NỒI XANH’ VIỆT NAM VÀ KHÁT VỌNG HÒA BÌNH CHO THẾ GIỚI

Là một đất nước từng đi qua chiến tranh, Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình. Bản thân những người lính sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng lại càng trân trọng hơn những điều mà thế hệ ngày nay đang được thụ hưởng. Vì vậy những chiến sĩ của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam luôn ấp ủ trong mình khát vọng được mang màu xanh của hòa bình đến những mảnh đất đầy đau thương vẫn còn bị đạn bom giày xéo.

SỨ GIẢ CỦA HÒA BÌNH
VÀ LÒNG NHÂN ÁI

“Let us live in peace and love. Let us forget the last things”


(Xin cho chúng con được sống trong hòa bình và tình thương yêu. Hãy giúp chúng con quên đi những điều đã qua)

Đây là những dòng chữ trên tấm bảng tại một trường học ở thị xã Bentiu, Cộng hòa Nam Sudan, được một sỹ quan của Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam chụp lại khi đi làm nhiệm vụ tại địa bàn.

“Chỉ vài từ ngữ ngắn gọn nhưng có thể thấy chúng chứa đựng nỗi khát khao và mong ước của trẻ em cũng như người dân Nam Sudan. Đó là khát vọng được sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và có cơ hội phát triển,” Thượng úy, bác sỹ Từ Quang – Đội trưởng Đội cấp cứu đường không, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 – người chụp bức ảnh trên, kể với phóng viên TTXVN ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Thượng úy Từ Quang cho biết, do những xung đột triền miên kể từ khi Nam Sudan tuyên bố độc lập năm 2011, những đứa trẻ ở đây không còn hoặc có rất ít cơ hội được tiếp cận với giáo dục một cách đầy đủ.

Tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, bắt đầu triển khai tại Cộng hòa Nam Sudan từ tháng 11/2019, Thượng úy, bác sỹ Từ Quang được phân công phụ trách nhiệm vụ điều phối hoạt động phối hợp Quân sự – Dân sự (CIMIC).

CIMIC có vai trò là cầu nối giữa khối quân sự và khối dân sự trong nội bộ Liên hợp quốc, tham gia công tác điều phối giữa Liên hợp quốc, các tổ chức nhân đạo quốc tế với chính quyền địa phương, qua đó thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo và phát triển bền vững tại địa bàn.

Thượng úy, bác sỹ Từ Quang (phải) trao đổi tại thực địa với sỹ quan phụ trách CIMIC của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan

“Trường học mà chúng tôi tới thăm là một trong số những ví dụ về những khó khăn chồng chất mà người dân nơi đây đang phải đối mặt,” Thượng úy Từ Quang nói.

Với hơn 1.600 học sinh song Trường tiểu học Bentiu B chỉ có 3 khối nhà gồm 2 khối nhà kiên cố và một khối nhà tranh. Nói là kiên cố nhưng tường gạch đã nứt, mái tôn thì thủng lỗ chỗ. Còn khối nhà tranh, cả mái nhà và vách tường làm bằng đất đều đã xiêu vẹo.

Thượng úy Từ Quang cho biết thêm, do chiến tranh, xung đột và nghèo đói, nhà trường không còn khả năng duy tu, bảo dưỡng. Thêm vào đó, dịch bệnh COVID-19 càn quét đất nước Nam Sudan từ tháng 4/2020 đã buộc học sinh ở đây phải nghỉ học từ nhiều tháng nay. Học sinh không đến lớp, trường lớp cũng coi như bỏ hoang.

Bên trong lớp học Trường tiểu học Bentiu B, bàn ghế ngổn ngang chỉ còn trơ khung sắt.

Với mong muốn giúp học sinh địa phương có điều kiện tốt hơn để học hành, các cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã tranh thủ tối đa thời gian để làm những việc không phải là chuyên môn của mình.

“Chúng tôi đã tận dụng từng mảnh gỗ từ các thùng chứa hàng để đóng bàn ghế cho các em. Kết quả của sau gần 12 tháng làm tranh thủ là 31 bộ bàn ghế và 100 bộ chữ cái đã được hoàn thành,” Thượng úy, bác sỹ Từ Quang chia sẻ.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chuyển bàn ghế xuống vị trí tập kết trước khi trao tặng cho trường Bentiu B, Nam Sudan.

Trong buổi trao tặng bàn ghế mới, các em học sinh tại trường Bentiu B còn được nhận những túi quà, trong đó ngoài sách vở, bút còn có một tờ giấy nhỏ giới thiệu về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Khi đọc tờ giấy này, các em sẽ thấy Việt Nam là một đất nước nằm bên bờ Thái Bình Dương và có diện tích chỉ bằng một nửa Nam Sudan. Hai đất nước cách xa nhau hơn mười ngàn km. Khoảng cách này là rất xa, nhưng chúng tôi hy vọng khoảng cách đó sẽ được rút ngắn bởi những kiến thức thu nhặt qua những cuốn sách được đọc trên những bộ bàn ghế này và ghi chép lại bằng những cuốn sổ này. Khi có kiến thức, các em có thể giúp cho gia đình mình và xây dựng lại đất nước Nam Sudan… Một ngày nào đó, chúng tôi tin rằng sẽ được chào đón các em tới thăm Việt Nam, chúng ta đồng ý như thế nhé?”

Câu hỏi của một vị đại diện Bệnh viện khi phát biểu tại buổi lễ được đáp lại bằng những tràng pháo tay không ngớt ngay khi phiên dịch vừa dứt lời, Thượng úy, bác sỹ Từ Quang cho biết.

Các em học sinh trường Bentiu B nhận những túi quà của Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 trong buổi lễ trao tặng bàn ghế mới cho nhà trường.

Thượng úy Từ Quang chia sẻ: Bản thân những người lính sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng vô cùng trân trọng những điều mà thế hệ ngày nay đang được thụ hưởng. Đó là ngày ngày được đi làm, đi học, được sinh sống trong một xã hội bình yên.

Có lẽ, chính vì điều đó mà khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và dù hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt với muôn vàn khó khăn tại địa bàn, các chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam luôn ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình.

“Tôi chỉ có mong muốn một ngày người dân nơi đây sẽ có một cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc.”


(Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, Quan sát viên quân sự, Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan)

Chứng kiến tận mắt sự nghèo đói, khổ cực của người dân ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề từ xung đột phe phái và bất ổn chính trị, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương có nhiều kỷ niệm sâu sắc không thể quên trong nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan trên cương vị quan sát viên quân sự.

Với đặc thù công việc thường xuyên đi tuần tra, trinh sát ngắn ngày và dài ngày trong khu vực đảm nhiệm, Trung tá Phương có nhiều cơ hội tiếp xúc với chính quyền và người dân địa phương, qua đó nắm bắt tình hình cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ.

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương trò chuyện với một em gái ở trại tị nạn Lasu (12/2019). Theo lời chia sẻ của em, gia đình em đang bị ly tán, trường học đóng cửa nên em không thể đến trường. Em mơ ước được học và trở thành bác sĩ trong tương lai để giúp người dân địa phương có sức khỏe tốt, chống lại dịch bệnh, nhất là dịch Ebola đang là vấn đề nổi cộm ở khu vực vùng biên này.

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương chia sẻ: “Chuyến tuần tra dài ngày đầu tiên của nhiệm kỳ để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất khi cô chứng kiến hình ảnh một em gái chỉ trong độ tuổi 16-18 bế hai bé song sinh nhỏ như hai con mèo con mới sinh và đang khóc ngằn ngặt vì mẹ không có đủ sữa do không có gì để ăn.”

“Tim tôi như thắt lại. Cũng là một người mẹ, tôi thực sự rất khó kìm nén cảm xúc của mình khi nhìn thấy tình cảnh này.” Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương tâm sự.

Cảm xúc ấy sau đó đã được Trung tá Phương gửi gắm qua bốn câu thơ giản dị:

“Em ngoan, em ngủ giấc nồng

Trong vòng tay của tấm lòng yêu thương

Bình yên qua mọi nhiễu nhương

Ngày mai tươi sáng, rộng đường đón em.”

Nhận thấy sứ mệnh vô cùng quan trọng và ý nghĩa của những người lính gìn giữ hòa bình, Trung tá Phương chia sẻ, cô tự hứa với bản thân phải nỗ lực hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các hiệp định hòa bình, tái thiết đất nước Nam Sudan sau xung đột.

“Tôi chỉ có mong muốn một ngày người dân nơi đây sẽ có một cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc,” Trung tá Phương chia sẻ.

Em bé Nam Sudan trong vòng tay của nữ quân nhân lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam

Kết thúc nhiệm kỳ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhiều chiến sỹ “mũ nồi xanh” Việt Nam sau khi trở về Tổ quốc vẫn còn lưu luyến với nhiều kỷ niệm tại địa bàn. Nhưng có lẽ, điều trăn trở lớn nhất với những người lính bộ đội Cụ Hồ ấy vẫn là làm sao để người dân ở Nam Sudan nói riêng và các quốc gia đang còn xung đột trên thế giới sớm được hưởng hòa bình, hạnh phúc.

Khu vực Lasu thuộc tiểu bang Yei là điểm nóng về xung đột và vấn đề nhân đạo ở Nam Sudan. Trong ảnh: Sỹ quan của Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam trao đổi, thảo luận với người đại diện cho người dân trại tị nạn ở khu vực Lasu thuộc tiểu bang Yei, biên giới Nam Sudan (Tháng 12/2019) để nắm bắt tình hình.

Sứ mệnh cao cả đó vẫn đang và sẽ được tiếp nối bởi các thế hệ người lính Quân đội nhân dân Việt Nam trong trang phục lực lượng “mũ nồi xanh”  của Liên hợp quốc.

Bài 2: Nỗ lực vượt ‘sóng thần’ COVID-19


Tác giả: Bảo Ngọc, Phương Anh