Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng:

vnapotalho-1609401958-69.jpg

Là một trong những hộ nghèo tại Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu), kinh tế của gia đình anh Thắng phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng chuối, khoai để bán…, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống cho cả gia đình.

Cuộc sống vốn đã bấp bênh lại càng trở nên khó khăn hơn khi đầu năm 2020 dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát đột ngột, địa phương thực hiện cách ly xã hội. Vì “ngăn sông cấm chợ” nên gia đình anh Thắng chẳng thể bán được chuối và khoai, cũng không thể đi làm thuê nên không có nguồn thu nhập nào khác.

Trong những ngày tháng đầy khó khăn và âu lo ấy, khoản tiền hỗ trợ 4,7 triệu đồng của Nhà nước cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 dành cho hộ nghèo đã giúp anh Thắng có tiền mua lương thực cho cả nhà, vượt qua lúc cơ cực nhất…

Gói hỗ trợ khẩn cấp chưa từng có trong tiền lệ

2020 là một năm khó quên đối với mọi người khi mà dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống, kinh tế của toàn xã hội. Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Báo cáo “Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền” do Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện cho thấy khu vực dịch vụ (như dịch vụ bán lẻ truyền thống và dịch vụ hộ gia đình) bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Những người không có tay nghề và làm việc trong các khu vực phi chính thức, thuộc nhóm nghèo nhất và nhóm cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 24% số người được hỏi cho biết đã bị mất việc làm và 65% cho biết thu nhập của họ bị giảm.

Chi trả tiền hỗ trợ cho những hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
Chi trả tiền hỗ trợ cho những hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Dưới tác động của dịch COVID-19, rất nhiều đối tượng bị ảnh hưởng đến đời sống, trong đó có những người lao động bị ngừng việc, mất việc làm; những người làm nghề tự do; người nghèo; hộ kinh doanh phải đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội… Do đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, quy định mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng cụ thể nhằm giảm bớt khó khăn do COVID-19, với tổng số tiền hỗ trợ ước tính lên đến 62.000 tỷ đồng.

Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Đây là gói hỗ trợ được cho là chưa từng có trong tiền lệ. Việc thực hiện gói hỗ trợ cũng được tất cả các cấp, các ngành gấp rút triển khai để tiền hỗ trợ kịp thời đến tay người dân. Thời gian xây dựng chính sách đến khi thực hiện chi trả đến tay người dân chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Có lẽ chưa có một chính sách nào được thực hiện nhanh và khẩn cấp đến vậy, điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19.

Đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ cũng bao quát được hầu hết những người sẽ gặp khó khăn vì COVID-19 như hộ nghèo, cận nghèo, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp gặp khó khăn không thể trả lương và cả các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng.

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam: “Hành động nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam kết hợp với lòng tin và sự tuân thủ của người dân đối với các biện pháp phòng chống dịch bệnh là chìa khóa thành công.”

Đánh giá về khả năng tiếp cận và hiệu quả của gói cứu trợ trị giá 62.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) của Chính phủ, kết quả của cuộc khảo sát của UNDP và MDRI cho thấy người dân có phản hồi tích cực đối với gói hỗ trợ này. Phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các nhóm nghèo nhất và cận nghèo là nhóm mà gói hỗ trợ này hướng đến.

Kỳ vọng lớn, thực hiện còn hạn chế

Đánh giá về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, người dân và nhiều các chuyên gia cho rằng đây thực sự là chương trình ý nghĩa, cần thiết nhằm hỗ trợ đối tượng lao động, doanh nghiệp gặp khó do đại dịch. Ý nghĩa là vậy, nhưng thực tế thì việc triển khai công tác hỗ trợ lại gặp nhiều khó khăn.

Thời gian xây dựng chính sách đến khi thực hiện chi trả đến tay người dân chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Có lẽ chưa có một chính sách nào được thực hiện nhanh và khẩn cấp đến vậy, điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19.

Ngay khi những thông tin về gói hỗ trợ được thông báo, người dân vừa mừng vừa thấp thỏm chờ đợi có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không. Thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 tác động đến tất cả nên mỗi người đều hy vọng sẽ được hỗ trợ phần nào. Thế nhưng khi triển khai, những quy định chặt chẽ khiến chính sách khó đến với một số đối tượng, điều này khiến nhiều người dân, doanh nghiệp thất vọng.

Trong khi việc hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa hương đã hoàn thành khá nhanh chóng thì việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác lại vẫn còn rất hạn chế. Khoản hỗ trợ ban đầu dự kiến lên tới 62.000 tỷ đồng nhưng tính đến cuối năm 2020 mới chỉ đi được hơn 50% số tiền.

Người dân làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Người dân làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Có những chính sách hỗ trợ mà doanh nghiệp không thể tiếp cận đòi hỏi Chính phủ phải kịp thời gỡ khó. Từ khi chính sách hỗ trợ được ban hành hồi tháng 4 cho đến tháng 9, không có hồ sơ nào của doanh nghiệp vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc được giải ngân do các điều kiện vay vốn quá chặt chẽ.

Chính phủ đã phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung để mở các điều kiện vay vốn cho đoanh nghiệp vào tháng 10. Theo Nghị quyết số 154/NQ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP, các điều kiện triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 sẽ được sửa đổi theo hướng nới lỏng điều kiện và kéo dài việc thực hiện hỗ trợ vay vốn trả lương đến hết năm 2020.

Ngay sau khi Nghị quyết số 154/NQ-CP được ban hành, đã có 185 doanh nghiệp vay hơn 27,7 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 7.245 người lao động. Tuy nhiên, con số này cũng còn khá khiêm tốn so với dự kiến số tiền cho vay ban đầu là 16.000 tỷ đồng với tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động.

Khoản hỗ trợ ban đầu dự kiến lên tới 62.000 tỷ đồng nhưng tính đến cuối năm 2020 mới chỉ đi được hơn 50% số tiền.

Đối với hộ kinh doanh hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, số lượng hộ kinh doanh được hỗ trợ là 30.569 hộ, mới chỉ đạt 24,8% so với dự kiến ban đầu là 760.000 hộ.

Đánh giá về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng cần phải rút kinh nghiệm về thiết kế chính sách và thực thi chính sách đang có khoảng cách quá lớn. Chính sách ban hành rất đúng đắn nhưng đưa vào thực tiễn chưa thực sự tích cực, dẫn đến kết quả thực hiện có những hạn chế.

“Đại dịch tạo nên một áp lực nhưng cũng tạo cơ hội trong việc cải cách các thủ tục hành chính. Nếu các thủ tục hành chính được cải thiện một cách tích cực theo hướng đơn giản hóa, thì có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, không phải chỉ có vấn đề là các gói giải pháp, các gói hỗ trợ bằng tiền bạc, mà chính là tác động cải cách về thể chế, về thủ tục hành chính để thúc đẩy nhanh các dự án xuất kinh doanh vào hoạt động,” ông Vũ Tiến Lộc nói.

Hoàn thiện gói hỗ trợ khẩn cấp

Nhóm người dân được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động thuộc khối bảo trợ như người có công, hộ nghèo và lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương…. còn đối với đối tượng dễ bị tổn thương hơn là lao động tự do thì lại khó khăn hơn khi tiếp cận gói hỗ trợ. Trong khi đó, chính họ lại chịu tác động mạnh nhất trong thời điểm giãn cách xã hội.

Dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh nghèo đói bởi nợ nần, cạn kiệt tích luỹ và khả năng phục hồi thấp. Tuy nhiên, do quy định cụ thể về các điều kiện được nhận hỗ trợ chỉ tập trung vào một số ngành nghề, đối tượng cụ thể nên một số ngành nghề nên một số lao động không có giao kết hợp đồng lao động khác cũng mất việc làm nhưng không được hỗ trợ.

Giãn cách xã hội và sự sụt giảm xuất nhập khẩu hàng hóa do COVID-19 đã khiến nhiều lao động tự do làm nghề bốc vác mất việc làm, giảm thu nhập. (Ảnh minh họa: Việt Hoàng/TTXVN)
Giãn cách xã hội và sự sụt giảm xuất nhập khẩu hàng hóa do COVID-19 đã khiến nhiều lao động tự do làm nghề bốc vác mất việc làm, giảm thu nhập. (Ảnh minh họa: Việt Hoàng/TTXVN)

Bà Phạm Thị Sơn, trưởng thôn Gia Du (thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) cho biết khi rà soát, thôn lập được danh sách 40 đối tượng gặp khó do COVID-19. Nhưng sau đó, theo hướng dẫn của tỉnh thì phải loại bớt chỉ còn 11 đối tượng được hỗ trợ. Như vậy, nhiều đối tượng lao động tự do mất việc làm gặp nhiều khó khăn nhưng không được hỗ trợ.

Ngay cả khi đã hạn chế một số ngành nghề lao động tự do được nhận hỗ trợ, việc hỗ trợ lao động phi chính thức vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chi trả cho lao động tự do chậm hơn so với các đối tượng khác do nhiều vướng mắc khi xác định đối tượng, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ.

Bà Nguyễn Thu Giang, Giám đốc Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), thành viên của Mạng lưới lao động di cư M.net đánh giá cao gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tuy nhiên, khi trực tiếp giúp lao động di cư tiếp cận gói hỗ trợ, bà Nguyễn Thu Giang cho rằng còn khó để nhóm này có thể tiếp cận gói hỗ trợ. Lý do là bởi các điều kiện hỗ trợ quá khắt khe, cơ chế thủ tục rườm rà và việc thống kê, lên danh sách tốn mất nhiều thời gian, qua nhiều khâu dẫn tới việc hỗ trợ chậm.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no,” cũng như gia đình anh Thắng, nhiều gia đình thuộc hộ nghèo khác tại xã Bản Lang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) và hàng triệu người dân trên cả nước đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất do COVID-19 nhờ khoản hỗ trợ kịp thời của Chính phủ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam chỉ ra rằng yêu cầu “có đăng ký thường trú hoặc tạm trú” đã rất khó thực hiện vì những người lao động di cư thường có đặc điểm di biến cao trong khi thủ tục lấy xác nhận tạm trú ở nhiều nơi lại khá rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, để được nhận tiền hỗ trợ, người lao động di cư phải lấy xác nhận của cả hai nơi: Nơi đăng ký thường trú và tạm trú. Thủ tục này cũng phức tạp, làm mất thời gian đi lại và tốn kém, nhất là đối với người lao động di cư đến từ các tỉnh, thành xa xôi.

Thêm vào đó, trong khi nhiều đối tượng mất việc làm, giảm thu nhập nhưng chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ, một số hộ gia đình khá giả lại được hỗ trợ do sai sót trong quá trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Qua kết quả công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phát hiện và xử lý một số vụ việc sai phạm trong việc thực hiện chi trả chính sách từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Thanh Hóa, Ninh Thuận, Hà Nội, Hưng Yên, Gia Lai, Đồng Nai.

Lao động mất việc vì COVID-19 đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp để trang trải cuộc sống trong khi chưa có việc làm mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lao động mất việc vì COVID-19 đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp để trang trải cuộc sống trong khi chưa có việc làm mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ khẩn cấp lần đầu tiên được triển khai nên không tránh khỏi những thiếu sót khi thực hiện. Tuy nhiên, nguyên tắc xây dựng gói hỗ trợ được Chính phủ đặt là ra những người được hưởng phải chính xác, chính đáng, đúng người đúng đối tượng và nếu sót thì bổ sung. Các chính sách liên tục được Chính phủ xem xét, sửa đổi để đảm bảo khoản hỗ trợ đến được với những người đang thực sự gặp khó khăn nhất.

Bà Caitlin Wiesen bày tỏ: “Tôi tin rằng những bài học kinh nghiệm về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội sẽ giúp Chính phủ đối phó với khủng hoảng trong tương lai và giải quyết những thách thức mà người dân quan tâm hàng đầu trong bốn năm qua là nghèo đói, môi trường và tham nhũng.”

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no,” cũng như gia đình anh Thắng, nhiều gia đình thuộc hộ nghèo khác tại xã Bản Lang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) và hàng triệu người dân trên cả nước đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất do COVID-19 nhờ khoản hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. Do đó, việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp linh hoạt là hết sức cần thiết để đối phó với những diễn biến còn khó lường của dịch bệnh COVID-19.

Năm 2020 sẽ là một năm ghi lại ấn tượng sâu đậm bởi những biến động lớn làm đã thay đổi cuộc sống của tất cả người dân. Việc Chính phủ kịp thời ban hành một gói hỗ trợ khẩn cấp đã giúp hàng triệu người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19. Sự hỗ trợ này sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục khi mà các cơ quan chức năng vẫn đang nghiên cứu gói hỗ trợ tiếp theo để sẵn sàng ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2021./.

Những sự hỗ trợ kịp thời đã rất có ý nghĩa đối với người nghèo, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)
Những sự hỗ trợ kịp thời đã rất có ý nghĩa đối với người nghèo, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)