Thành công & thất bại của Internet

clip-1609317200-39.jpg

Đại dịch COVID-19 đã khiến Zoom, WiFi, trường học ảo, Instacart, truyền hình trực tuyến và khám chữa bệnh từ xa trở thành một phần của đời sống thường ngày. Những gì sẽ tiếp tục được sử dụng khi đại dịch chấm dứt?

COVID-19 đã trở thành một phép thử cho năng lực chăm sóc y tế, nền kinh tế và cả đức tin của chúng ta. Nhưng đã ai từng nghĩ rằng nó cũng đòi hỏi một khóa học cấp tốc về công nghệ dành cho cá nhân?

Khi virus corona bắt đầu tấn công cuộc sống của chúng ta hồi tháng Ba, tôi (Geoffrey A. Fowler, tác giả bài viết) đã viết về các ứng dụng, trang web và dịch vụ giúp chúng ta có thể không bao giờ phải ra khỏi nhà. Tôi từng nói đùa rằng các dịch vụ giao hàng tạp hóa, xem phim trực tuyến và cuộc gọi video là “công nghệ cho người ẩn dật.”

Trong 10 tháng tiếp theo của đại dịch, hàng trăm triệu người Mỹ đang dựa vào những công nghệ này để làm việc tại nhà, học ở trường ảo, gặp bác sỹ, đi xem phim hay thậm chí chỉ để mua vài cuộn giấy vệ sinh. Cách đây không lâu, hầu hết những công nghệ đó đều là giấc mơ viển vông – những lĩnh vực kinh doanh ít có khả năng đột phá.

“Năm 2020 củng cố một thực tế mà đám mọt sách chúng ta đã biết: Internet có mặt ở khắp nơi,” theo Om Malik, một nhà đầu tư mạo hiểm tại True Ventures.

Đại dịch đã nhanh chóng trở thành phép thử quy mô lớn cho những ý tưởng táo bạo nhất của Thung lũng Silicon về một cuộc sống được vận hành bởi các ứng dụng. Bây giờ là lúc nhìn lại những thành công và thất bại của công nghệ, cũng như định nghĩa trạng thái bình thường mới.

“Năm 2020 củng cố một thực tế mà đám mọt sách chúng ta đã biết: Internet có mặt ở khắp nơi,” theo Om Malik, một nhà đầu tư mạo hiểm tại True Ventures. “Chúng ta không lên mạng. Chúng ta sống trực tuyến.”

Virus SARS-CoV-2 đã đánh dấu một sự thay đổi lớn cho cả những kẻ mọt sách và không mọt sách. Theo công ty nghiên cứu Pew, tính đến tháng Tư, hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ cảm thấy Internet là “thiết yếu” với cuộc sống. Đến cả người mẹ đã ngoài 70 tuổi – vốn là người thích tự tay chọn dưa ngoài cửa hàng – cũng đã học được cách đặt hàng tạp hóa trên Instacart.

Ứng dụng trò chuyện qua video Zoom đã trở thành một danh từ, động từ và tính từ. “Tôi đã từng dự một đám tang, một lễ Bar Mitzvar (lễ trưởng thành của người Do Thái) và nhiều buổi tụ họp gia đình qua Zoom,” Gina Bianchini, nhà sáng lập công ty phần mềm Mighty Networks chia sẻ. “30 ngày là những gì bạn cần để xây dựng một thói quen. Mà chúng ta đã làm điều này suốt nhiều tháng rồi.”

Nhưng tương lai sẽ không được quyết định chỉ bởi những điều thuận tiện. Những trải nghiệm trực tuyến mới mẻ như mua sắm hàng tạp hóa và phát trực tuyến phim chiếu lần đầu vẫn chưa tìm được môi trường kinh doanh bền vững. Chúng ta đã biết rằng Amazon Prime, DoorDash, Instacart và Shipt đã khiến những người lao động dễ bị tổn thương nhất phải chấp nhận mức lương thấp cũng như những quy tắc trừng phạt (Giám đốc điều hành Amazon, Jeff Bezos, sở hữu tờ The Washington Post). Bất chấp một số nỗ lực đột phá trong ngành, những chiếc điện thoại và thiết bị theo dõi sức khỏe đeo trên người của chúng ta vẫn chưa đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.

Và COVID-19 đã phơi bày thứ có lẽ là thất bại lớn nhất của công nghệ: Hàng chục triệu người Mỹ không thể đến trường hoặc đi làm vì họ không đủ khả năng chi trả cho kết nối băng thông rộng hoặc chỉ đơn giản là không thể kết nối mạng WiFi.

Sau một năm sống trực tuyến với mức độ cực kỳ cao, đây là những gì tôi nhận ra rằng chúng ta không thể sống thiếu – và những gì chúng ta muốn bỏ lại cùng với năm 2020.

Làm việc tại nhà

Đối với khoảng 63 triệu người lao động tại Mỹ trong thời kỳ đại dịch, Internet đã biến điều không tưởng thành có thể: mặc quần thể thao thoải mái cả ngày. Những công việc văn phòng được thực hiện thông qua những cuộc gọi Zoom, tin nhắn Slack và tập tin Dropbox cũng đã thay đổi cách làm việc – nhưng không hoàn toàn theo hướng tốt đẹp hơn.

Thay vào đó, điều này có nghĩa là những ngày làm việc dài hơn. Một nghiên cứu về những tuần cách ly đầu tiên do Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ công bố cho thấy một ngày làm việc trung bình tăng thêm 48,5 phút và số cuộc họp tăng 12,9%. Các nhà khoa học quản lý gọi đây là một hình thức ảo của “làm thêm giờ”: cảm giác như bạn phải ló mặt ra trên Zoom chỉ để khiến mọi người nghĩ rằng bạn không chểnh mảng.

Trong khi đó, năng suất làm việc chung đã giảm từ 2-3% ở hầu hết các tổ chức, theo báo cáo của Bain & Co., vì sự phối hợp kém và những thông lệ làm việc kém hiệu quả.

Tuy nhiên, một số công việc từ xa có thể sẽ vẫn tồn tại. Khi Pew khảo sát những người Mỹ có thể làm việc tại nhà vào tháng 10, 54% nói rằng họ vẫn muốn làm việc từ xa sau khi đại dịch kết thúc.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên Washington Post Live, giám đốc điều hành của Slack, Stewart Butterfield, nói với tôi rằng các công ty có thể sử dụng làm việc từ xa như một cơ hội để đánh giá lại tất cả các hình thức văn phòng chính thống. “Những giả định nào khác, những thông lệ hoặc quy trình nào khác mà chúng ta đang mù quáng duy trì trong khi có lẽ có nhiều cách hiệu quả hơn để làm?” ông đặt câu hỏi.

COVID-19 đã phơi bày thất bại lớn nhất của công nghệ: Hàng chục triệu người Mỹ không thể đến trường hoặc đi làm vì họ không đủ khả năng chi trả cho kết nối băng thông rộng hoặc chỉ đơn giản là không thể kết nối mạng WiFi.

Công nghệ ở nơi làm việc cũng cần phải phát triển. Theo Pew, khoảng 57% nhân viên làm việc từ xa cảm thấy ít sự kết nối với đồng nghiệp hơn. Trong những trường hợp khác, sự kết nối lại quá nhiều: mỗi khi tôi nhận được một tin nhắn Slack, tôi nghe thấy âm báo vang vọng khắp nhà – trên máy tính, điện thoại và iPad của tôi. Duy trì sự tách biệt giữa công việc và thời gian cá nhân không nên là một cuộc chiến trường kỳ.

Trường học ảo

Hầu như phụ huynh nào cũng xác nhận rằng mọi thứ đi lệch khỏi quỹ đạo khi con cái họ chuyển sang chế độ học tập từ xa.

Vấn đề ở đây là hầu hết các công nghệ giáo dục được thiết kế để hỗ trợ cho các giáo viên trong lớp học, thay vì cho việc học hoàn toàn từ xa như tình hình trong đại dịch. “Học trực tuyến thực tế không giống như mọi người hy vọng hay mong ước,” Betsy Corcoran, nhà đồng sáng lập ấn phẩm công nghệ giáo dục EdSurge, thành viên của Hiệp hội Công nghệ Giáo dục Quốc tế cho biết. “Nó giống như là bắt người ta đeo chân vịt bơi rồi chạy nước rút vậy.”

Một học sinh giơ tay phát biểu trong khi tham dự một lớp học trực tuyến tại  nhà ở Miami ngày 3/9. (Ảnh: Bloomberg News)
Một học sinh giơ tay phát biểu trong khi tham dự một lớp học trực tuyến tại nhà ở Miami ngày 3/9. (Ảnh: Bloomberg News)

Bạn nghĩ trẻ nhỏ có thể ngồi yên trước màn hình máy tính được bao lâu? Công nghệ đã lấy đi phần thú vị của trường học, ví dụ như giờ giải lao và gặp gỡ bạn bè, và chỉ để lại phần học thuật.

Vậy bọn trẻ có sao không? Một nghiên cứu của McKinsey & Co., được công bố trong tháng 12 này ước tính rằng việc học từ xa vào mùa xuân đã khiến các học sinh da trắng bị thụt lùi kiến thức môn toán từ 1-3 tháng, trong khi con số này ở học sinh da màu là từ 3-5 tháng.

Đáng lo ngại hơn là ngay cả khi các trường học dùng kỳ nghỉ Hè để điều chỉnh và bảo đảm rằng học sinh có máy tính và WiFi, việc học trực tuyến vẫn tiếp tục bỏ lại nhiều học sinh phía sau. Các quận đều báo cáo về tình trạng điểm số của học sinh xuống dốc, và đôi khi các em thậm chí còn không thèm nộp bài tập về nhà.

Khi đại dịch đã ở lại phía sau, gần như không ai muốn trẻ em tiếp tục đến trường thông qua những màn hình máy tính. Nhưng chúng ta đã biết được rằng các công cụ trực tuyến có thể làm được những gì. Các chương trình trường học mùa hè như Cadence Learning đã cho thấy tiềm năng sử dụng dữ liệu học sinh và cá nhân hóa để dạy học. Một thế hệ trẻ em đã thích nghi với những trường học trên Zoom sẽ cởi mở hơn rất nhiều với việc đưa video và các ứng dụng vào việc học trong những năm tới.

Trên hết, giáo viên và phụ huynh đều nói rằng giáo dục ảo nhắc nhở chúng ta về những thứ mà trường học thực sự mang lại, bao gồm những bữa ăn, sự chăm sóc và sự phát triển về mặt xã hội. Thích nghi với cảm xúc của học sinh cũng là một vấn đề công nghệ. Một học sinh lớp 5 tên là Luke Pages đã chia sẻ với các đồng nghiệp Hannah Natanson và Laura Meckler của tôi rằng, học trực tuyến giống như “một chuyến tàu lượn siêu tốc của cảm xúc.”

Mua sắm trực tuyến

Tranh nhau mua giấy vệ sinh là hành động định hình năm 2020. Chúng ta đã dành hàng giờ đồng hồ trong mùa Xuân để tải các ứng dụng cửa hàng tạp hóa mới và tìm cách tranh giành các suất giao hàng. Khoảng 43% người mua sắm được khảo sát bởi công ty tư vấn công nghiệp Mercatus cho biết họ đã mua sắm tạp hóa trực tuyến trong năm 2020 – một tỷ lệ gần gấp đôi so với hai năm trước.

Nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta đã tạo ra một sự thay đổi vĩnh viễn. Nhìn chung, thương mại điện tử chỉ chiếm 7% khối lượng mua sắm tạp hóa trong năm 2020, tăng từ mức 5% trong năm 2019, theo ước tính của công ty nghiên cứu Forrester. Trong mùa hè, một số người đã cảm thấy thoải mái hơn khi quay lại mua hàng ở cửa hàng.

Saori Okawa, một nhân viên của Instacart chất các món hàng tạp hóa lên xe để  giao đến nhà cho khách hàng vào ngày 1/7 ở San Leandro, California (Ảnh: AP)
Saori Okawa, một nhân viên của Instacart chất các món hàng tạp hóa lên xe để giao đến nhà cho khách hàng vào ngày 1/7 ở San Leandro, California (Ảnh: AP)

Và nhiều người trong chúng ta đã có những trải nghiệm tồi tệ khi mua hàng trực tuyến. Các cửa hàng cần thời gian để thích ứng với sự tăng vọt về nhu cầu, nhưng điều đó lại khiến khách hàng bị bỏ mặc. Rất nhiều lần hiện tượng hết hàng xảy ra, và các dịch vụ mua sắm cá nhân như Instacart có thể chỉ là giải pháp được chăng hay chớ.

“Thật khó về mặt hậu cần,” nhà phân tích Sucharita Kodali của Forrester cho hay. Theo ước tính của bà, việc hoàn thiện đơn hàng và giao hàng tạp hóa trực tuyến tiêu tốn khoảng 20 USD trong một lần mua sắm bình thường. Khi bạn không tự mình đi đến cửa hàng, điều đó có nghĩa là có nhiều việc hơn cho những người mà bạn thuê để chọn sản phẩm, cho chúng vào túi, lái xe giao chúng đến nhà bạn, và giữ lạnh cho các món đồ tươi sống trước khi chúng được xếp vào tủ lạnh của bạn.

Các ứng dụng mua sắm không hiện chi phí cho nhân viên – thường là những người làm tạm thời, cũng là những người phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt chỉ để nhận mức lương bèo bọt. Tôi gọi đó là “tội lỗi Amazon”: cảm giác khi bạn thấy ai đó đặt các gói hàng ngoài cửa nhà, trong khi bạn thì an toàn ở bên trong. Trong đại dịch, tất cả những gì chúng ta có thể làm là để lại những mảnh giấy nhắn cảm ơn hoặc trả thêm tiền bo nếu đó là một sự lựa chọn. Sau đại dịch, chúng ta có muốn hình thức làm việc tạm bợ này trở thành một yếu tố cố định của nền kinh tế hay không?

Kết nối Internet đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của người Mỹ – một tiện ích quan trọng ngang với nước và điện.

Ví dụ về hai khía cạnh mua sắm hàng tạp hóa cụ thể sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn. Một bên là những hàng hóa không phải thực phẩm và có thể để được lâu, như xà phòng và giấy vệ sinh, được vận chuyển từ các trung tâm hoàn thiện đơn hàng ở xa mà không cần làm lạnh. Và với thực phẩm tươi sống, một hình thức có thể tồn tại chính là các dịch vụ điểm nhận hàng, tức là bạn đặt hàng trực tuyến rồi lái xe đến điểm nhận để lấy các gói hàng của mình, tiết kiệm cho các tiệm tạp hóa một khoản chi phí kho vận lớn.

Kết nối nước Mỹ

Khi đại dịch bùng phát, hàng chục triệu người Mỹ đã không có Internet băng thông rộng để sử dụng. Mười tháng sau, kết nối Internet đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của người Mỹ – một tiện ích quan trọng ngang với nước và điện.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết đích xác quy mô của “sự chia tách kỹ thuật số” này. Ủy ban Truyền thông Liên bang cho biết có 21,3 triệu người Mỹ không được tiếp cận với băng thông rộng (mạng không dây hoặc có dây) vào cuối năm 2017. Nhưng những con số này có lẽ đã không phản ánh chính xác vấn đề thực sự: vào tháng 2, công ty nghiên cứu BroadbandNow ước tính có 42 triệu người Mỹ không có khả năng lắp Internet.

Khi trường học đóng cửa, Na’Asia Hawkins, không có máy tính xách tay và WiFi. Sau đó, cô bé  đã được nhà trường giúp đỡ trang bị các thiết bị này, và đã quay lại học trực  tuyến. (Ảnh: Washington Post)
Khi trường học đóng cửa, Na’Asia Hawkins, không có máy tính xách tay và WiFi. Sau đó, cô bé đã được nhà trường giúp đỡ trang bị các thiết bị này, và đã quay lại học trực tuyến. (Ảnh: Washington Post)

Cơ sở hạ tầng vật lý như các tuyến cáp quang chỉ là một phần của vấn đề. Hàng triệu người Mỹ đơn giản là không thể chi trả cho việc kết nối mạng Internet trong cộng đồng của họ, bao gồm gần một triệu cư dân ở thành phố New York. Trong khi Consumer Reports ước tính một người Mỹ trung bình chi 65 USD hàng tháng cho Internet, ở một số khu vực, các công ty gần như là độc quyền có thể giữ giá ở mức cao hơn.

Đã có một số nỗ lực để lấp đầy khoảng cách. Vào tháng 7, New York đã công bố kế hoạch mở rộng khả năng tiếp cận Internet cho 600.000 cư dân trong vòng 18 tháng. Comcast đã tự nguyện mở rộng một chương trình gọi là Internet Essentials (ban đầu là một yêu cầu từ một thỏa thuận sáp nhập) để cung cấp kết nối mạng với giá chỉ 10 USD/tháng.

Trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà vận động chính sách, nhiều sự hỗ trợ khác cũng đang được khởi động. Dự luật kích thích kinh tế được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 12 vừa qua có bao gồm một khoản 7 tỷ USD cho việc tiếp cận Internet băng thông rộng trong năm 2021. Khoản tiền này bao gồm tối đa 50 USD mỗi tháng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp đủ điều kiện để trang trải các hóa đơn Internet băng thông rộng – hoặc tối đa 75 USD cho những người sống tại các khu vực bộ lạc.

“Với chính quyền mới, sẽ có một sự tập trung thực sự vào câu hỏi này – một khoản đầu tư lớn hơn cả mức 7 tỷ USD,” theo Jonathan Schwantes, một nhà tư vấn chính sách cấp cao cho Consumer Reports.

Khám chữa bệnh từ xa

Suốt nhiều thập kỷ qua, các bác sỹ đã nói về việc chuyển đổi một số chuyến thăm khám trực tiếp sang những cuộc gọi tại nhà. Khi đại dịch làm tê liệt các phòng khám phi cấp cứu, điều đó cuối cùng cũng xảy ra. Tính đến tháng 5, McKinsey ước tính có 46% người tiêu dùng ở Mỹ sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa thay cho các cuộc hẹn khám đã bị hủy. Từ giữa tháng 3 đến mùa Hè, hơn 9 triệu người được hưởng lợi từ chương trình bảo hiểm Medicare đã sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, tăng hơn 5.000% so với ba tháng trước đó.

“Vị thần khám chữa bệnh từ xa đã ra khỏi cái chai rồi,” Seema Verma, quản trị viên của Medicare và Medicaid nhận định.

Các bệnh nhân thích sự tiện lợi cũng như khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Nhiều bác sỹ cũng cho biết họ có thể làm được rất nhiều điều chỉ thông qua quan sát và trò chuyện với bệnh nhân qua màn hình. Công nghệ này còn có thể giúp họ biết được gia cảnh của bệnh nhân, hay thậm chí nói chuyện trực tiếp với những người chăm sóc có thể sẽ không đi cùng với bệnh nhân trong trường hợp đi khám trực tiếp.

“Mức độ hài lòng với một số chuyến thăm khám từ xa cao hơn hẳn so với thăm khám trực tiếp,” Bob Kocher, một nhà đầu tư mạo hiểm tại Venrock, giữ chức vụ trong hội đồng quản trị của một số công ty bảo hiểm và y học kỹ thuật số cho hay. “Bệnh nhân có thể được kiểm tra sức khỏe trong vài phút mỗi ngày, một điều cực kỳ hữu ích, vì bác sỹ có thể nhận ra họ đang khá lên hay tệ đi nếu được quan sát họ mỗi ngày.”

Tác giả Geoffrey A. Fowler thử nghiệm thăm khám qua video bằng ứng  dụng cho One Medical. (H. T. Wong)
Tác giả Geoffrey A. Fowler thử nghiệm thăm khám qua video bằng ứng dụng cho One Medical. (H. T. Wong)

Tuy vậy, duy trì việc khám chữa bệnh từ xa vẫn còn nhiều thách thức. Vào mùa xuân, các nhà lập pháp đã nhanh chóng nới lỏng tạm thời một số quy định và cho phép Medicare chi trả cho chăm sóc sức khỏe trực tuyến, nhưng điều này cần được trở thành một chính sách cố định.

Cũng sẽ có những sự phản đối từ các nhà cung cấp dịch vụ y tế truyền thống dựa vào những xét nghiệm cần bệnh nhân trực tiếp có mặt – và có lợi nhuận cao – như chụp X quang để tạo ra lợi nhuận. Họ không hoàn toàn sai: Sự chăm sóc y tế tốt đòi hỏi sự liên tục về lâu về dài mà bạn không thể có được chỉ bằng cách mở một ứng dụng bất cứ khi nào bạn thấy không được khỏe.

Phát trực tuyến các bộ phim bom tấn

Đại dịch đã cho tất cả chúng ta nhiều thời gian hơn để xem phim tại nhà. Điều đáng ngạc nhiên là Hollywood cuối cùng cũng đã sẵn lòng cho một số bộ phim hay được trình chiếu trực tuyến.

Làn sóng này bắt đầu với phim “Trolls: World Tour” và sau đó là “Mulan,” khi các rạp chiếu phim đóng cửa theo các lệnh cách ly. 2020 đã đánh dấu lần đầu tiên các hãng phim bắt đầu thử nghiệm việc bán các bộ phim trực tuyến đồng thời với việc đưa chúng ra rạp – hay thay vì đưa chúng ra rạp. Suốt nhiều năm, ngay cả khi phát trực tuyến đã trở thành xu thế chủ đạo, những bộ phim với ngân sách làm phim lớn vẫn là lãnh địa độc quyền của các rạp chiếu phim, ở đó chúng kiếm được từ mỗi khán giả 9 USD trước khi đĩa Blu-ray được phát hành và cuối cùng là được đưa lên các ứng dụng chiếu phim trực tuyến.

Thế rồi, vào tháng 12, Warner Bros đã khiến cả Hollywood ngỡ ngàng khi tuyên bố rằng tất cả những bộ phim mà hãng cho ra mắt trong năm 2021 – tất cả – sẽ được đồng thời chiếu ở rạp cũng như trên ứng dụng chiếu phim trực tuyến cao cấp HBO Max, bao gồm cả những bộ phim đang rất được mong chờ như “Dune” hay “The Matrix 4.”

Nhưng đừng vội viết điếu văn cho các rạp chiếu phim.

Suốt nhiều năm, ngay cả khi phát trực tuyến đã trở thành xu thế chủ đạo, những bộ phim với ngân sách làm phim lớn vẫn là lãnh địa độc quyền của các rạp chiếu phim.

Hầu hết các hãng phim vẫn đang găm những bộ phim lớn nhất của mình để cho ra rạp trong năm 2021. Thông báo đầy kịch tính của Warner Bros chỉ phản ánh một mô hình phân phối mới, cũng như những ưu tiên của AT&T – công ty sở hữu hãng phim, với mong muốn thúc đẩy HBO Max – dịch vụ chiếu phim trực tuyến đang chững lại của mình.

Rõ ràng là sẽ tiện hơn khi bạn xem phim ở nhà, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn phải tự nổ bỏng ngô. Netflix đã chiều hư và khiến chúng ta đòi hỏi những thứ chúng ta muốn phải có ngay lập tức.

Tôi là một trong số những người đã trả 30 USD để mua vé kỹ thuật số xem phim Mulan tại nhà – nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người khác cũng làm vậy. Không chắc là Disney có thu hồi được suýt soát khoản chi phí sản xuất tới 200 triệu USD bằng cách bán vé như vậy hay không. (Hãng phim không đưa ra con số nào, nhưng việc họ không lặp lại hành động này cũng nói lên ít nhiều.) Với hầu hết người Mỹ, tôi ngờ rằng một buổi tối bên gia đình ở rạp chiếu phim – ngay cả khi chi phí tốn kém hơn – vẫn mang lại những giá trị tốt đẹp hơn so với một tấm vé xem phim trực tuyến.

Thực tế là, như người đồng nghiệp Steven Zeitchik của tôi đã viết, thu nhập từ việc chiếu phim trực tuyến không đủ để hỗ trợ cho việc sản xuất những bộ phim bom tấn. Nếu chúng ta không ra rạp sau khi đại dịch kết thúc, hãy chuẩn bị cho một tương lai đầy những sự kỳ diệu với kinh phí thấp mà Netflix đã định nghĩa, như bộ phim “The Wrong Missy” của Adam Sandler.

“Mulan” là bộ phim đầu tiên được Disney phát hành đồng thời tại các rạp chiếu  phim cũng như trên Disney Plus, dịch vụ chiếu phim trực tuyến của hãng với giá  30 USD. (Ảnh: AP)
“Mulan” là bộ phim đầu tiên được Disney phát hành đồng thời tại các rạp chiếu phim cũng như trên Disney Plus, dịch vụ chiếu phim trực tuyến của hãng với giá 30 USD. (Ảnh: AP)