Siemens

“Với Siemens, việc cung cấp cho các thành phố những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tốt nhất là nhiệm vụ chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi cam kết giúp các đô thị tại Việt Nam trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, và phát triển bền vững hơn,” Tổng Giám đốc Siemens khu vực ASEAN và Việt Nam – Tiến sỹ Phạm Thái Lai khẳng định.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo điện tử VietnamPlus với Tiến sỹ Phạm Thái Lai.

Theo ông, các thành phố ngày nay đang gặp phải những thách thức gì?

– Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Sự gia tăng và già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tình trạng xuống cấp của hạ tầng cơ bản, sự khan hiếm nguồn lực, nhu cầu và kỳ vọng thay đổi là những thách thức mà các thành phố trên thế giới phải đối mặt.

Tốc độ phát triển mạnh của các thành phố do đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh cũng gây ra áp lực lớn cho những người ra quyết sách và kế hoạch hóa đô thị. Họ không chỉ phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cư dân mà còn phải vận hành các thủ đô phát triển kinh tế bền vững, cạnh tranh và các nguồn lực được quản lý một cách hợp lý.

– Làm thế nào để chúng ta giải quyết các thách thức trên, thưa ông?

Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Giải pháp hiệu quả cho các thách thức nói trên là phải phát triển các thành phố trở thành thành phố thông minh, hay nói cách khác là đô thị thông minh.

Có 10 lý do để phát triển đô thị thông minh bao gồm: đáp ứng được nhu cầu gia tăng về cơ sở hạ tầng cơ bản; giảm áp lực về cầu cho các nguồn lực khan hiếm bằng việc xác định được nhu cầu thực và loại bỏ sự lãng phí; nâng cao hiệu quả thông qua việc giảm chi phí cung cấp dịch vụ; tăng cường năng lực trên cơ sở tối ưu nguồn đầu tư; tiết kiệm chi phí cho cư dân, doanh nghiệp và du khách; cung cấp cho người dân các dịch vụ tốt hơn, tin cậy hơn và có tính kết nối hơn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, có được nhiều lựa chọn; cung cấp môi trường sống lành mạnh và giảm ô nhiễm; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo cơ hội cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hút được nguồn nhân lực, vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

– Vậy cư dân và các doanh nghiệp hưởng lợi gì từ mô hình đô thị thông minh?

Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Các đô thị thông minh sẽ được trang bị đầy đủ thông tin, được kết nối và đáp ứng được các nhu cầu của cư dân, hướng tới con đường phát triển bền vững và một sự thịnh vượng về nhiều mặt. Từ “thông minh” không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ mà còn bao gồm những khía cạnh về xã hội và yếu tố con người trong một thành phố.

Một đô thị thịnh vượng và hiện đại sẽ thúc đẩy công nghệ thông tin và truyền thông. Một cơ sở hạ tầng thông minh và bền vững sẽ tạo điều kiện tăng cường phát triển kinh tế. Những yếu tố này có ảnh hưởng đáng kể tới hiệu suất và công suất của cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho cư dân, cơ hội kinh tế và chất lượng cuộc sống.

Thành phố thông minh được kết nối
Thành phố thông minh được kết nối

– Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về tăng dân số và đô thị hóa nhanh trên khắp cả nước. Nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đang gặp khó khăn với hệ thống cơ sở hạ tầng quá tải. Theo ông, những điều kiện tiên quyết để các thành phố này trở thành các đô thị thông minh là gì, thưa ông?

Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Những điều kiện tiên quyết là cơ sở hạ tầng số hóa; giao thông thông minh; lưới điện thông minh và tòa nhà thông minh.

Cơ sở hạ tầng số dựa trên nền tảng điện khí hóa và tự động hóa có thể thúc đẩy hiệu quả dịch vụ thông qua tối ưu hóa vận hành và trang thiết bị, thay đổi mô hình vận hành theo nhu cầu, duy trì và quản lý hệ thống từ xa.

Giải pháp cho giao thông giúp tăng tiện ích của cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa công suất hoạt động và tạo nên một chất lượng mới về trải nghiệm cho người sử dụng thông qua số hóa. Ví dụ, Đường sắt số cung cấp cơ hội cho các thành phố và các nhà vận hành có thể điều khiển ngành đường sắt một cách tương tác và tự động, đồng thời cung cấp cho hành khách một cấp độ mới về tính kết nối bên cạnh sự thuận tiện và thoải mái khi di chuyển.

Lưới điện thông minh đem lại sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu về điện, giúp giảm tổng lượng tiêu thụ điện do nhu cầu gia tăng bằng cách trực tiếp kiểm soát các thiết bị điện hoặc thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Mô hình Lưới điện thông minh của Siemens.
Mô hình Lưới điện thông minh của Siemens.

Cuối cùng, tòa nhà thông minh sẽ giúp các thành phố đạt được tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả môi trường đồng thời giảm lượng điện năng tiêu thụ.

Mô hình Tòa nhà thông minh của Siemens.
Mô hình Tòa nhà thông minh của Siemens.

– Theo lời ông thì cơ sở hạ tầng số hóa và giao thông thông minh là 2 trong số 4 trọng tâm của đô thị thông minh, ông có thể cho biết Siemens có sáng kiến hay kế hoạch hợp tác gì về 2 lĩnh vực này trong thời gian tới?

Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Siemens là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số và đã phát triển các giải pháp thích hợp cho các đô thị với tiêu chí hiệu quả hơn, bền vững hơn và bảo mật hơn. Chúng tôi làm việc trực tiếp với các thành phố lớn trên thế giới để đảm bảo công nghệ số được tích hợp từ khâu lên kế hoạch, nhờ vậy có thể đem lại lợi ích tức thì như giảm tắc nghẽn, cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo an toàn năng lượng.

Tại Việt Nam, chúng tôi đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để giúp cho việc giao thông vận chuyển hiệu quả hơn nhờ áp dụng giải pháp đèn tín hiệu giao thông và hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Hệ thống quản lý giao thông thông minh có thể là chìa khóa giúp các đô thị tránh được nạn kẹt xe.
Hệ thống quản lý giao thông thông minh có thể là chìa khóa giúp các đô thị tránh được nạn kẹt xe.

Chúng tôi cũng tin rằng một hệ thống giao thông công cộng được sử dụng rộng rãi sẽ là yếu tố chính yếu khiến cho các đô thị trở nên đáng sống hơn và cạnh tranh hơn. Các giải pháp về tàu điện ngầm của chúng tôi đã sẵn sàng hỗ trợ các thành phố như Hà Nội và Hồ Chí Minh hiện thực hóa điều này.

Bên cạnh đó, xe buýt chạy điện đóng vai trò vô cùng quan trọng cho hệ thống giao thông công cộng bền vững ở đô thị. Siemens rất vinh dự mang đến công nghệ và kinh nghiệm để thúc đẩy xu hướng này tại Việt Nam cùng đối tác VinFast thông qua hợp đồng cung cấp công nghệ và linh kiện cho dự án sản xuất xe buýt điện của VinFast (eBus). Dự án này sẽ không chỉ góp phần cải thiện môi trường đô thị, mà còn cải thiện hệ thống giao thông công cộng ở các trung tâm thành thị.

Xe buýt điện ngày càng phổ biến ở các đô thị trên thế giới.
Xe buýt điện ngày càng phổ biến ở các đô thị trên thế giới.

Với Siemens, việc cung cấp cho các thành phố những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tốt nhất là nhiệm vụ chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi cam kết giúp các đô thị tại Việt Nam trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, và phát triển bền vững hơn./.

Tiến sỹ Phạm Thái Lai, Tổng giám đốc Siemens khu vực ASEAN và Việt Nam.
Tiến sỹ Phạm Thái Lai, Tổng giám đốc Siemens khu vực ASEAN và Việt Nam.