Sân khấu xã hội hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều gian nan

1609sankhau8-1600264100-36.jpg

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là “cái nôi” của mô hình sân khấu xã hội hóa, thế nhưng mô hình này lại đang trong tình trạng “ngoi ngóp” do những khó khăn từ khách quan lẫn chủ quan.

Bên cạnh sự phát triển của các loại hình giải trí mới với công nghệ ngày càng hiện đại, nguyên nhân dẫn đến sự “đi xuống” của các sân khấu kịch xã hội hóa còn do những vấn đề còn tồn tại, kéo dài dai dẳng như thiếu đội ngũ sáng tác trẻ chuyên nghiệp, đặc biệt là sự thiếu thốn về các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động biểu diễn của các sân khấu.

Phóng viên thực hiện chùm hai bài viết nhằm làm rõ những tồn tại, hạn chế và hướng đi mới cho sân khấu kịch xã hội hóa trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn hiện nay./.

Bấp bênh điểm diễn​

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là “cái nôi” của mô hình sân khấu xã hội hóa, thế nhưng mô hình này lại đang trong tình trạng “ngoi ngóp” do những khó khăn từ khách quan lẫn chủ quan.

Nguyên nhân dẫn đến sự “đi xuống” của các sân khấu kịch xã hội hóa do những vấn đề còn tồn tại như thiếu đội ngũ sáng tác trẻ chuyên nghiệp, đặc biệt là sự thiếu thốn về các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động biểu diễn của các sân khấu.

Bên cạnh sự phát triển của các loại hình giải trí mới với công nghệ ngày càng hiện đại, nguyên nhân dẫn đến sự “đi xuống” của các sân khấu kịch xã hội hóa còn do những vấn đề còn tồn tại, kéo dài dai dẳng như thiếu đội ngũ sáng tác trẻ chuyên nghiệp, đặc biệt là sự thiếu thốn về các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động biểu diễn của các sân khấu.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có hoạt động sân khấu khá sôi động, tuy nhiên nhiều địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại thành phố đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được điều kiện cần và đủ cho hoạt động biểu diễn của các nghệ sỹ, diễn viên cũng như nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân.

Cơ sở vật chất xuống cấp

Có được một sân khấu, điểm diễn nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu tổ chức biểu diễn nghệ thuật luôn là niềm khát khao của các sân khấu kịch nói xã hội hóa.

Nhiều năm nay, những người làm trong nghề này luôn phải “ôm” nhiều nỗi lo như từ tác phẩm, kịch bản, đội ngũ làm nghề, kinh phí hoạt động đến vấn đề điểm diễn. Một sàn diễn tốt đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ bản của sân khấu sẽ luôn tạo được hiệu ứng, sự tương tác phù hợp, góp phần kích thích tư duy sáng tạo của người làm nghệ thuật.

Tiết mục Tây Sơn song đao tại chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2020) (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Tiết mục Tây Sơn song đao tại chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2020) (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tuy nhiên, với nhiều người làm nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, đây lại đang là điều rất “xa xỉ.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ nằm ở lầu 3, địa chỉ số 5B Võ Văn Tần (Quận 3), là mô hình sân khấu xã hội hóa điển hình hoạt động tiêu biểu của Thành phố trong suốt 22 năm qua. Thế nhưng, sân khấu này đang phải “kêu cứu” khi cơ sở vật chất đã cũ kỹ, ghế ngồi bằng sắt hoen rỉ, khán phòng nhỏ và nóng. Do không có kinh phí, những người quản lý Nhà hát này chỉ có thể sửa chữa, chắp vá tạm thời để sân khấu tiếp tục “sáng đèn.”

Tương tự, nhiều năm qua, sân khấu kịch Phú Nhuận tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận của nghệ sỹ ưu tú Hồng Vân cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong một đợt mưa lớn, sân khấu này đã bị dột và ngập nước nên có thời gian phải ngưng hoạt động 2 tháng để sửa chữa nhiều hạng mục.

Sân khấu kịch Sài Gòn đóng cửa im lìm suốt từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay do điểm diễn tại Rạp Đại Đồng (Quận 3) đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, mái dột nhiều nơi từ sàn diễn đến bên dưới khán phòng, ghế ngồi cũng hư hỏng nhiều. Hiện, đơn vị quản lý rạp đã lấy lại điểm diễn để lên kế hoạch tu bổ.

Theo Trưởng ban Ái hữu nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh – Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, cơ sở vật chất dành cho sân khấu vẫn luôn là vấn đề trăn trở, nhức nhối nhiều năm nay không chỉ ở các đơn vị xã hội hóa mà ngay cả ở các đơn vị công lập; phần lớn cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ bảo đảm để tổ chức suất diễn.

Bên cạnh đó, các đơn vị sân khấu thời gian qua phải “ăn nhờ ở đậu,” thuê mướn mặt bằng bấp bênh tại các trung tâm văn hóa, vì vậy họ không dám đầu tư vở diễn cho đàng hoàng, công phu.

Đồng quan điểm, nghệ sỹ Mỹ Uyên, Giám đốc sân khấu kịch 5B, chia sẻ: Vấn đề về cơ sở vật chất luôn là nỗi khó khăn, niềm trăn trở của các “bầu” sân khấu xã hội hóa.

Nhìn vào mặt bằng sân khấu cho thuê làm điểm diễn, tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Thành phố hiện nay gần như không có sàn diễn nào đẹp, đạt chuẩn, có vị thế tốt, nằm ở khu vực trung tâm có thể đáp ứng cho hoạt động tổ chức biểu diễn.

Việc không có điểm diễn, các ý tưởng nghệ thuật, những mong muốn biểu diễn sẽ không thể phát huy, nghệ sĩ không có nhiều cơ hội rèn nghề… Từ đây, các tác phẩm sân khấu nghệ thuật sẽ không có cơ hội đến với công chúng.

Không chỉ vậy, việc đóng cửa, “tắt đèn” sàn diễn kéo dài sẽ khiến lượng người xem của các sân khấu kịch dần giảm xuống. Theo dòng chảy của thời gian, loại hình sân khấu kịch nói cứ thế mai một, “èo uột” dần.

Thiếu sân khấu phù hợp

Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất xuống cấp, tình trạng thiếu sân khấu phù hợp để biểu diễn từng loại hình còn phổ biến, điều kiện tập luyện tạm bợ, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu cũng là nỗi niềm của nhiều nghệ sĩ và các đơn vị biểu diễn nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Nhìn lại tổng thể các sân khấu của Thành phố, một số nhà hát lớn của Thành phố như Nhà hát Giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch (HBSO), Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… vừa “sập xệ” vừa hạn chế không gian nghệ thuật.

Trích đoạn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)
Trích đoạn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)

Đầu tiên phải kể đến là Nhà hát Giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch, sau hơn 20 năm thành lập và không ngừng cho ra đời những sản phẩm tinh thần đặc sắc phục vụ khán giả thành phố, từ năm 1993 tới nay, HBSO vẫn trong hoàn cảnh “một chốn ba nơi”: phòng tập múa phải thuê ở số 81 đường Trần Quốc Thảo; dàn nhạc tập luyện ở rạp Thanh Vân, cũng là kho của nhà hát; phòng làm việc được đặt dưới tầng hầm Nhà hát Thành phố.

Trung bình mỗi năm, HBSO phải chi gần 1 tỷ đồng cho việc thuê mướn điểm diễn và tập luyện.

Cùng cảnh ngộ, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen có văn phòng nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rạp hát Kim Châu nằm ở khu trung tâm Quận 1, cả hai nơi này đều chỉ có thể sử dụng làm nơi tập luyện bởi lẽ cơ sở vật chất hạ tầng đã quá xuống cấp, cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu tổ chức biểu diễn.

Với Nhà hát Nghệ thuật hát bội, hơn 10 năm nay, nhà hát này luân chuyển từ nơi tạm bợ này đến nơi xập xệ khác. Đến nay, Nhà hát Nghệ thuật hát bội từng “lay lắt” ở rạp Long Phụng nay chuyển về rạp Thủ Đô (có lịch sử hơn 70 năm) cũng đã “mối mọt” theo thời gian.

Điển hình của sự không phù hợp là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, khởi công xây dựng mới vào năm 2013 do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí hơn 130 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.

Đây là công trình thiết kế kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, được kỳ vọng trở thành “thánh đường” của cải lương khi khánh thành. Tuy nhiên kết cấu xây dựng, cơ sở hạ tầng của nhà hát này sau khi hoàn thành đều không đảm bảo để tổ chức biểu diễn nghệ thuật: sàn diễn của nhà hát mới quá nhỏ, trần thấp không thể dựng vở, thiếu kho chứa đồ, dàn đèn bị bố trí sai kỹ thuật, không có chỗ ngồi cho dàn nhạc…

Theo Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang – Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, vì đặc thù nhà hát sử dụng lại toàn bộ quỹ đất từ Rạp Hưng Đạo cũ nên sau khi được xây mới lại, năm 2019, Đạo diễn Phan Quốc Kiệt tiếp quản rạp, vận hành, tổ chức biểu diễn, ông mới phát hiện và thấy được những điều chưa tốt, cần hoàn thiện thêm.

Ông và các nghệ sỹ đặt nhiều kỳ vọng về điều kiện vật chất, âm thanh, sân khấu, một không gian đẹp.

Ở góc độ chuyên môn, Đạo diễn Phan Quốc Kiệt cho rằng, đối với cải lương, đặc thù là những vở diễn cần đại cảnh, trần sân khấu thấp thì khi dàn dựng phải tính toán để cân bằng với kích thước của sân khấu hiện tại.

Với mái gầm thấp ở hai bên sân khấu, cần phải làm những tạo cảnh thấp lại, chuyển cảnh sao cho phù hợp. Phòng hóa trang ở trên lầu, diễn viên cũng gặp khó khăn khi di chuyển xuống sân khấu, họ cần chủ động phân bố thời gian để xuống cho kịp phân cảnh diễn.

Vị trí của dàn nhạc ngồi chưa phù hợp, đành phải gỡ bớt hàng ghế khán giả để có chỗ ngồi. Vị trí của bộ phận âm thanh ánh sáng được bố trí trên lầu giờ phải chuyển xuống dưới để phù hợp hơn.

Đại diện nhiều nhà hát cũng cho biết, tình trạng thiếu hụt sân khấu, rạp hát chưa thực sự đáp ứng yêu cầu không chỉ khiến đơn vị gặp khó khăn trong tổ chức biểu diễn mà còn không thể mạnh tay đầu tư thực hiện những chương trình quy mô, có chiều sâu và sức lan tỏa rộng khắp.

Điều này vô hình chung làm giảm cơ hội cho các chương trình dàn dựng công phu, chất lượng nhằm phục vụ khán giả. Vì điều kiện hoạt động nghệ thuật nghèo nàn, tạm bợ, không ít nghệ sỹ trẻ đã nản chí với nghệ thuật truyền thống và dần chuyển hướng sang các hoạt động biểu diễn hiện đại./.

Một cảnh của vở diễn “Dạ cổ cầm thi.” (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Một cảnh của vở diễn “Dạ cổ cầm thi.” (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Khao khát điểm diễn xứng tầm

Sau thời gian gần như “co cụm” lại vì những khó khăn chung, các sân khấu xã hội hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhưng chưa có sự đồng bộ.

 Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại đang là yêu cầu cấp thiết của nhiều nghệ sỹ, đơn vị biểu diễn nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Thiếu điểm diễn và phải biểu diễn tại những sân khấu không phù hợp là nỗi lo chung của nhiều nghệ sỹ bởi không có “đất” để cải lương ươm mầm và phát triển. Đây cũng là nỗi lo lắng của các đơn vị xã hội hóa cũng như công lập.

Gian nan tìm điểm diễn

Theo các nghệ sỹ, vấn đề tìm “ngôi nhà” cho nghệ sỹ là bài toán chưa có lời giải, là câu chuyện cũ nói đi nói lại nhưng chưa có hồi kết. Vấn đề thiếu sân khấu, thiếu điểm diễn còn dẫn đến nhiều nghệ sỹ vì muốn bám nghề phải chấp nhận biểu diễn tại những địa điểm chưa thực sự phù hợp như nhà hàng, quán ăn, sự kiện. Vì thiếu đất diễn mà nhiều kịch bản hay, vở diễn xuất sắc chỉ để đem đi thi, tham gia hội diễn rồi về “đắp chiếu.”

Chia sẻ về nỗi chật vật khi phải đi thuê rạp diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long cho biết anh ít có cơ hội vào diễn tại sân khấu cải lương chính thống duy nhất của Thành phố là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vì mức chi phí quá lớn.

Trích đoạn các vở kịch, cải lương tại chương trình hoạt động sân khấu cải lương “Dạ cổ cầm thi.” (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Trích đoạn các vở kịch, cải lương tại chương trình hoạt động sân khấu cải lương “Dạ cổ cầm thi.” (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Thực tế, với mong muốn đưa sản phẩm chất lượng đến với công chúng, các đơn vị xã hội hóa phải “xin” để được vào thuê với một mức giá hữu nghị.

Cách đây không lâu, Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long đã bỏ ra hơn 800 triệu đồng để dàn dựng vở “Rạng Ngọc Côn Sơn” được đánh giá cao, nhưng chỉ sau hai đêm diễn tại Nhà hát Bến Thành đã phải dừng lại vì không chịu nổi chi phí. Mỗi đêm, anh phải trả 45 triệu đồng tiền chi phí thuê rạp.

Với mức chi phí này, giá vé cho một người là 1 triệu đồng mới đủ trang trải chi phí, nhưng đó là mức giá “không tưởng” trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cùng chung nỗi niềm này, theo nữ nghệ sỹ Cát Tường, nhiều nghệ sỹ đã phải đi tìm công việc khác để mưu sinh nhưng vẫn luôn trăn trở với sân khấu.

Nhiều người đã thành công với công việc khác và kinh tế bắt đầu ổn định nhưng vẫn luôn đau đáu mong chờ đến ngày sân khấu sáng đèn và được biểu diễn trở lại.

Trước đó, nghệ sỹ Cát Tường và nhóm kịch Buffalo đã trải qua nhiều giai đoạn gian nan tìm sân khấu để diễn, suốt ba năm trời đi thuê rạp với số tiền lớn trong khi số tiền bán vé cho mỗi suất diễn lại “lẹt đẹt.”

Nhóm đã thuê Nhà hát Bến Thành, Rạp Công nhân, gần đây nhất là Nhà hát Quân đội, mỗi đêm phải trả từ 40-50 triệu đồng tiền thuê rạp; trong khi giá vé chỉ “dám” để ở mức 200.000 đồng/vé, dù cho bán được 3/4 số ghế trong rạp cũng chưa đủ để trả tiền thuê điểm diễn.

Cũng theo nữ nghệ sỹ Cát Tường, dù những địa điểm thuê có chính sách hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ nhóm nhưng chỉ trong một chừng mực nhất định bởi hợp đồng thuê sân khấu biểu diễn thường không thể ký dài hạn và định kỳ, do chi phí vượt tầm của những nhóm xã hội hóa.

Về vấn đề thiếu hụt các điểm diễn, nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long cũng cho rằng, hiện Thành phố đang có chủ trương đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nên giải quyết được vấn đề điểm diễn đồng nghĩa với việc các nghệ sỹ sẽ có thêm cơ hội biểu diễn phục vụ nhân dân, thêm điều kiện để được hoàn thiện bản thân qua từng tác phẩm, vai diễn, tiến kịp với trào lưu mà các khán giả trẻ đang mong muốn.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ tăng suất diễn, thêm thu nhập, từ đó giúp loại hình nghệ thuật cải lương có điều kiện lan tỏa xa hơn, tiếp cận được nhiều hơn với công chúng.

Những hoạt động sôi nổi sẽ còn tạo nên sự kích thích và cạnh tranh giữa các đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ sẽ hứng khởi hơn trong việc lao động sáng tạo, cùng với đó các đơn vị sẽ mạnh dạn đầu tư mà không còn phải lo lắng về thiếu khán giả đến xem cải lương.

Hướng đi mới cho sân khấu xã hội hóa

Về những hạn chế còn tồn tại của sân khấu xã hội hóa, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhiều năm qua, thành phố chưa có chiến lược đầu tư lâu dài thiết thực cho sân khấu, nhất là đối với sân khấu cải lương.

Đề cập tới hướng đi mới cho xã hội hóa sân khấu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần sửa chữa ngay các rạp hát cũ, tổ chức đấu thầu cho các đơn vị xã hội hóa khai thác bởi nếu cứ chờ đợi việc xây dựng các nhà hát đa năng mới, hiện đại sẽ không đáp ứng được nhu cầu của các nghệ sỹ.

Tiết mục Tây Sơn song đao tại chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2020) (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Tiết mục Tây Sơn song đao tại chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2020) (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bên cạnh đó, cần khôi phục lại Trung tâm Nghiên cứu sân khấu cải lương của Thành phố Hồ Chí Minh để có những ứng dụng vào thực tế, góp phần thay đổi tình hình hoạt động, tổ chức, biểu diễn cải lương hiện nay.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Ái hữu nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Dung cho biết, cần có chính sách khôi phục lại các sân khấu cũ cho biểu diễn cải lương, kịch nói, hát bội; có sự phân phối mặt bằng của các trung tâm văn hóa hiện nay, bởi trên địa bàn thành phố còn nhiều diện tích đất cho thuê, trong khi nơi biểu diễn lại khan hiếm.

Nhờ nguồn hỗ trợ từ Nhà nước đầu tư xây dựng, các nhà hát và các đơn vị xã hội hóa sẽ luân phiên biểu diễn để có điều kiện trang trải kinh phí dàn dựng.

Nhiều chuyên gia lĩnh vực văn hóa cho rằng, điều kiện tiên quyết là xác định thực trạng thiếu, thừa cơ sở vật chất của các đơn vị sân khấu xã hội hóa để điều chỉnh cho sát với thực tế nhu cầu và mục đích sử dụng.

Khi tiến hành thiết kế, các đơn vị liên quan cần tham khảo ý kiến của các nghệ sĩ, diễn viên vì họ là người rõ hơn ai hết điều kiện, yêu cầu phù hợp cho loại hình, hoạt động biểu diễn của mình.

Qua đó, các sở, ban, ngành liên quan cần xác định được đơn vị trọng tâm, cần thiết để ưu tiên đầu tư trước, mức độ, cách thức đầu tư phù hợp, bảo đảm công trình, hạng mục hoạt động hiệu quả, lâu dài, tránh tình trạng nơi đầu tư lớn không khai thác hết tính năng “nơi ăn đong từng bữa” hoặc phải “đắp chiếu,” còn đơn vị nghệ thuật vẫn tiếp tục đi diễn nhờ.

Chất lượng xây dựng cũng là điều nhiều nhà hát quan tâm khi trong thực tế đã có không ít công trình như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Chèo Kim Mã… được đầu tư với nguồn kinh phí khá lớn nhưng chất lượng chưa thực sự tương xứng, phù hợp.

Trước đó, cuối tháng 4/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã duyệt nhiệm vụ tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch có quy mô 1.700 chỗ, với hai khán phòng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) với tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.500 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi ngành Văn hóa Thành phố sẽ có thêm thiết chế mới, đồng thời hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Nhà hát mới sẽ là địa điểm đáp ứng đầy đủ các điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế.

Đó là những chương trình có quy mô vừa chuyên sâu (nhạc hàn lâm, nhạc kịch, vũ kịch và các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam), vừa đa dụng và có thêm khu vực để có thể tổ chức đào tạo, triển lãm chuyên ngành, các buổi hội nghị và hội thảo.

Nhà hát mới được xây tại góc cầu Thủ Thiêm 2 (hướng từ Quận 1 qua Thủ Thiêm) – được cho là vị trí đắc địa kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.

Ngoài nhà hát, nơi đây còn có các công trình quan trọng như: Quảng trường trung tâm; Trung tâm hội nghị triển lãm; Trung tâm triển lãm quy hoạch, Bảo tàng…

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng Nhà hát giao hưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế là vô cùng thiết yếu và cấp bách. Đây sẽ là công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể nói, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại đang là yêu cầu cần thiết, cấp thiết của nhiều nghệ sỹ, đơn vị biểu diễn nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Đó là cơ sở đầu tiên để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần; là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí, quyết tâm của những người đang làm công tác nghệ thuật ở thành phố.

Tuy nhiên, để tạo nên những thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển, để phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế, đòi hỏi sự quan tâm của các sở, ban, ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa con người thành phố và toàn xã hội./.

Trích đoạn vở Cải lương ‘Thầy Ba Đợi.’ (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)
Trích đoạn vở Cải lương ‘Thầy Ba Đợi.’ (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)