Tiềm năng lớn

diengio-1595304873-75.jpg

Hơn một nửa lượng điện năng của Thụy Điển đến từ các nguồn tái tạo. Đất nước Thụy Điển đang trên đà loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và hướng đến sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2040. Hạn chế khí thải carbon một phần chính sách của Thụy Điển nhằm vừa giảm phát thải, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở Việt Nam, việc chuyển đổi và phát triển năng lượng tái tạo đã có những bước tiến lớn, đáng khích lệ. Trong khi năng lượng tái tạo đang nhanh chóng trở thành giải pháp thay thế hiệu quả nhất về chi phí thì việc phát triển lưới điện thông minh, tiết kiệm năng lượng và hệ thống lưu trữ năng lượng càng trở nên quan trọng. Đây là thách thức ở cả Việt Nam và Thụy Điển.

Ngay trước thềm Diễn đàn Cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020, lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 22/7 tại Hà Nội, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe đã có bài viết dành riêng cho VietnamPlus về hành trình sử dụng năng lượng tái tạo của Thụy Điển và các lĩnh vực tiềm năng hai nước có thể hợp tác.

Sau đây là nội dung chính của bài viết “Điện năng cho một tương lai xanh và bền vững.”

Tôi sinh ra ở phía Bắc của Thụy Điển và lớn lên ở thành phố ven biển Luleå, cách Vòng Bắc Cực 192km. Thành phố có 77.000 cư dân. Khi quá trình công nghiệp hóa bắt đầu, đã có các nhà máy thép, quặng sắt, bột giấy và giấy được xây dựng quanh khu vực này.

Trong thế kỷ 20, nền công nghiệp  Thụy Điển đã phát triển từ các ngành truyền thống có giá trị gia tăng thấp, như  chế biến gỗ và quặng sắt, đến các ngành công nghiệp hiện đại với trình độ kỹ  thuật cao như công nghệ, ôtô và kỹ thuật chính xác. (Ảnh: Guillaume de  Basly/Imagebank.sweden.se)
Trong thế kỷ 20, nền công nghiệp Thụy Điển đã phát triển từ các ngành truyền thống có giá trị gia tăng thấp, như chế biến gỗ và quặng sắt, đến các ngành công nghiệp hiện đại với trình độ kỹ thuật cao như công nghệ, ôtô và kỹ thuật chính xác. (Ảnh: Guillaume de Basly/Imagebank.sweden.se)

Cho đến nay, những hoạt động công nghiệp đang giảm dần – mặc dù còn một nhà máy thép Luleå vẫn hoạt động. Nhà máy thép có tham vọng trở thành nơi đầu tiên trên thế giới sử dụng khí hydro làm từ điện tái tạo thay vì phụ thuộc vào carbon. Nếu thành công, điều đó sẽ tạo ra một cuộc cách mạng vì ngành thép vốn là nguồn phát thải carbon tệ nhất trong tất cả các ngành.

Một ví dụ khác về những gì đang xảy ra ở Luleå là sự xuất hiện trung tâm dữ liệu của Facebook. Khi gã khổng lồ công nghệ toàn cầu cần tìm nơi lắp đặt hệ thống máy chủ tại châu Âu, Luleå đã được xác định là địa điểm hoàn hảo.

Năm 2013, trung tâm dữ liệu Facebook với tổng diện tích 27.000m2 chính thức ra mắt ở Luleå, trở thành cơ sở dữ liệu đầu tiên của Facebook bên ngoài Hoa Kỳ. Trung tâm này có chiều rộng 300 mét, dài 100 mét, và để dễ hình dung, nó có kích thước tương đương bốn sân bóng đá.

Thành phố Luleå ở phía bắc Thụy Điển được lựa chọn để đặt trung tâm dữ liệu của  Facebook tại châu Âu. Ngoài cơ sở hạ tầng điện ổn định, khu vực này cung cấp giá  điện từ thủy điện với chi phí thấp.(Nguồn: Sharingsweden.se)
Thành phố Luleå ở phía bắc Thụy Điển được lựa chọn để đặt trung tâm dữ liệu của Facebook tại châu Âu. Ngoài cơ sở hạ tầng điện ổn định, khu vực này cung cấp giá điện từ thủy điện với chi phí thấp.(Nguồn: Sharingsweden.se)

Theo Facebook, Luleå là cơ sở tiết kiệm năng lượng nhất, mang tính bền vững nhất từng được xây dựng. Sự hiện diện của trung tâm dữ liệu xanh Facebook đã góp phần tạo ra việc làm mới, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài và nâng cao hình ảnh của của Luleå như một thành phố xanh hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tiêu thụ năng lượng cao không có nghĩa là phát thải carbon cao

Câu chuyện Luleå chỉ là một ví dụ về những gì đã xảy ra ở Thụy Điển trong nhiều năm. Đất nước Thụy Điển có mục tiêu trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đoạn tuyệt với năng lượng hóa thạch. Với công nghệ tiên tiến, sự đa dạng của các nguồn tự nhiên và tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, Thụy Điển đã thể hiện quyết tâm bằng các hành động cụ thể khi chuyển dịch sang hệ thống năng lượng bền vững hơn.

Còn nhớ, cho đến đầu những năm 1970, Thụy Điển vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ để tạo ra năng lượng. Khi đó, khoảng 75% năng lượng đến từ dầu. Sau cuộc khủng hoảng dẫn đến cú sốc giá dầu năm 1973, Thụy Điển đã bắt tay đầu tư, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Thủy điện từ lâu đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng ở Thụy Điển. Trong quá trình tìm kiếm nhiên liệu không hóa  thạch, gần một nửa lượng điện năng của Thụy Điển là từ thủy điện. (Ảnh: Niclas  Albinsson/Folio/Imagebank.sweden.se)
Thủy điện từ lâu đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng ở Thụy Điển. Trong quá trình tìm kiếm nhiên liệu không hóa thạch, gần một nửa lượng điện năng của Thụy Điển là từ thủy điện. (Ảnh: Niclas Albinsson/Folio/Imagebank.sweden.se)

Đến năm 2020, tỷ lệ tái chế rác thải của Thụy Điển lên tới 99% và lượng khí thải carbon tính trên đầu người là thấp nhất trong số các nước phát triển. Thụy Điển xếp hạng số 1 trên toàn cầu về Chỉ số Chuyển đổi năng lượng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong ba năm liên tục (2018-2020). Điều này có nghĩa là Thụy Điển là quốc gia tiên phong chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng an toàn, bền vững, với giá cả phải chăng cho tương lai.

Năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ lớn

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), người Thụy Điển trung bình thải ra 4,25 tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm vào khí quyển, so với mức trung bình 6,91 tấn của EU và mức trung bình 16,15 tấn của Hoa Kỳ. Sự khác biệt chính là do phần lớn điện năng của Thụy Điển đến từ thủy điện, điện hạt nhân và điện gió. Điện gió đang phát triển nhanh chóng.

Công bằng mà nói phát thải của Thụy Điển từ các sản phẩm nhập khẩu đang tăng lên. Nguyên nhân là do nhiều công ty Thụy Điển sản xuất hàng hóa ở nước ngoài, sau đó được tiêu thụ ở Thụy Điển. Và vì thế, vấn đề cắt giảm lượng khí thải carbon và đầu tư vào năng lượng tái tạo thực sự là một vấn đề quốc tế.

Chất thải sinh học - như chất thải thực phẩm - có thể được sử dụng để sản xuất khí sinh học, làm nhiên liệu và để sưởi ấm hoặc sản xuất điện. Thụy Điển là quốc gia hàng đầu về biến chất thải được thu gom trở thành năng lượng. (Ảnh: Ulf Grünbaum/Imagebank.sweden.se)
Chất thải sinh học – như chất thải thực phẩm – có thể được sử dụng để sản xuất khí sinh học, làm nhiên liệu và để sưởi ấm hoặc sản xuất điện. Thụy Điển là quốc gia hàng đầu về biến chất thải được thu gom trở thành năng lượng. (Ảnh: Ulf Grünbaum/Imagebank.sweden.se)

Thụy Điển đã triển khai chứng chỉ xanh vào năm 2003 để thúc đẩy năng lượng tái tạo. Để đủ điều kiện tham gia, điện phải đến từ các nguồn như gió, Mặt Trời, địa nhiệt, sóng, nhiên liệu sinh học hoặc đến từ nhà máy thủy điện quy mô nhỏ. Cùng với đó, chính phủ yêu cầu các nhà bán lẻ điện phải mua một tỷ lệ điện xanh như một phần của nguồn cung thông thường, bên cạnh việc các nhà sản xuất điện nhận được chứng chỉ đầu tư xanh cho danh mục họ tham gia.

Về mặt xu hướng, năng lượng gió là nguồn tái tạo phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong những năm gần đây và với Thụy Điển, công suất điện gió cũng đang mở rộng. Kể từ năm 2000, sản xuất của Thụy Điển đã tăng từ 0,5 đến 17,5 TWh điện mỗi năm. Ngày nay, có khoảng 3.600 tuabin gió đang hoạt động trên khắp đất nước. Các tuabin lớn hơn, công suất cao hơn đang được tiếp tục cải tiến và lắp đặt.

Bảo tồn năng lượng trong công nghiệp

Năm 2005, Thụy Điển đã đưa ra một chương trình 5 năm được thiết kế để tăng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. Với chương trình này, 180 ngành và lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều điện năng khi tham gia được giảm thuế khi họ lập kế hoạch và thực hiện các bước cụ thể để giảm thiểu sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp.

Chương trình, khi kết thúc vào năm 2009, đã mang lại khoản tiết kiệm năng lượng lên đến 1,45 TWh mỗi năm, tương đương 59,4 triệu USD. Hiện nay, chương trình được tái khởi động, với sự tham gia của khoảng 90 ngành và lĩnh vực công nghiệp, chiếm 1/5 tổng mức tiêu thụ điện của cả nước.

Năng lượng tái tạo phục vụ hệ thống giao thông xanh, sạch

Hệ thống giao thông công cộng tốt là một điều kiện kiên quyết cho bất kỳ thành phố thông minh nào. Ở Thụy Điển, mục tiêu biến giao thông công cộng trở thành sự lựa chọn hàng đầu đã nằm trong chương trình nghị sự trong nhiều thập kỷ.

Tại Gothenburg – thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển, dự án ElectriCity đang được tiến hành là kết quả hợp tác giữa nhà nước, nhà khoa học và các doanh nghiệp. Thông qua dự án này, xe buýt điện Volvo được cung cấp cho hệ thống giao thông thành phố và chạy hoàn toàn bằng năng lượng gió và điện năng từ thủy điện. Nếu so sánh, những chiếc xe buýt điện vận hành có hiệu suất năng lượng hiệu quả hơn 80% so với xe buýt diesel. Sáng kiến ElectriCity đã được trao tặng Giải thưởng Năng lượng Mặt Trời châu Âu 2015.

Chiếc xe buýt này chạy bằng khí mêtan, bên cạnh những chiếc xe chạy bằng điện đang được đưa ra thị trường. (Ảnh/: Ulf Grünbaum/Imagebank.sweden.se)
Chiếc xe buýt này chạy bằng khí mêtan, bên cạnh những chiếc xe chạy bằng điện đang được đưa ra thị trường. (Ảnh/: Ulf Grünbaum/Imagebank.sweden.se)

Để có những phương tiện sạch hơn, Liên minh châu Âu đã ra đặt mục tiêu 10% nhiên liệu trong giao thông phải đến từ các nguồn tái tạo vào năm 2020. Mục tiêu của Thụy Điển là hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vào năm 2030. Cho đến nay, những kết quả có được một phần nhờ việc chuyển đổi sử dụng khí ethanol.

Gần đây, đã có một số sáng kiến của chính phủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, bao gồm điều luật yêu cầu các trạm xăng lớn cung cấp ít nhất một loại nhiên liệu thay thế và miễn thuế cho các phương tiện thải ra mức CO2 thấp. Mới nhất là việc đưa xe điện vào thị trường. Song song với đó, các khoản đầu tư quan trọng đang được thực hiện cho hệ thống đường sắt quốc gia.

Tiềm năng lớn về hợp tác năng lượng giữa Thụy Điển và Việt Nam

Thụy Điển và Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu dài trong lĩnh vực năng lượng, trước đây tập trung vào thủy điện. Ngày nay, sự hợp tác đã mở rộng sang các giải pháp năng lượng thông minh như hệ thống truyền tải không phát thải, ứng dụng triển khai 4G/5G trong lưới điện, các chương trình xử lý biến chất thải thành năng lượng, cũng như hệ thống dự trữ năng lượng để hỗ trợ các nỗ lực tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng gió và Mặt Trời.

Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng chú ý trong việc phát triển năng lượng sạch và tái tạo

Việt Nam đã thành công trong việc hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng. Vì vậy, Việt Nam có tiềm năng giảm thiểu các tác động kinh tế của COVID-19 thông qua việc xây dựng thành công hơn, bền vững hơn.

Tôi tin rằng Việt Nam có thể là quốc gia tiên phong trong khu vực để minh chứng sự phục hồi xanh, toàn diện, có khả năng chống chịu, dựa trên các nguyên tắc của Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó không chỉ có lợi cho con người và khí hậu mà còn mang lại các cơ hội kinh doanh tốt.

Đại sứ Thụy Điển phát biểu khai mạc tại hội thảo về triển vọng hợp tác Việt  Nam-Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng 6/2020. (Nguồn: Đại sứ quán Thụy Điện tại Việt Nam)
Đại sứ Thụy Điển phát biểu khai mạc tại hội thảo về triển vọng hợp tác Việt Nam-Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng 6/2020. (Nguồn: Đại sứ quán Thụy Điện tại Việt Nam)

Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Mức tiêu thụ năng lượng ngày càng cao đòi hỏi các quyết định quan trọng trong lộ trình phát triển đất nước. Năng lượng tái tạo đang ngày càng cạnh tranh về chi phí, do đó, có tiềm năng lớn để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của đất nước.

Tôi hiểu rằng phát triển năng lượng xanh đã trở thành một định hướng chính sách lớn ở Việt Nam. Trong một khoảng thời gian ngắn và mặc dù là lĩnh vực khá mới mẻ, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng chú ý trong việc phát triển năng lượng sạch và tái tạo.

Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, chúng ta đã chứng kiến những khoản đầu tư lớn vào năng lượng Mặt Trời và gió với hơn 4,5 Gigawatt năng lượng Mặt Trời được kết nối với lưới điện quốc gia. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo được triển khai, đặc biệt là các dự án gió gần bờ và ngoài khơi. Sự thay đổi này cũng sẽ cho phép Việt Nam đưa ra mức đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) tham vọng hơn trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26 năm 2021.

Mặc dù vẫn chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong tổng sản lượng điện nhưng năng  lượng Mặt Trời sẽ góp phần vào giúp Thụy Điển đạt được mục tiêu không phát thải  khí nhà kính vào 2050. (Ảnh: Sofia Sabel/imagebank.sweden.se)
Mặc dù vẫn chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong tổng sản lượng điện nhưng năng lượng Mặt Trời sẽ góp phần vào giúp Thụy Điển đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào 2050. (Ảnh: Sofia Sabel/imagebank.sweden.se)

Hiện tại, chỉ có ba nhà máy xử lý biến chất thải thành năng lượng ở Việt Nam ký PPA (Thỏa thuận mua bán điện) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tạo ra lượng năng lượng khá hạn chế từ chất thải. Điều này trái ngược với tiềm năng rất lớn biến chất thải thành năng lượng ở Việt Nam. Đánh giá sơ bộ cho thấy năng lượng tiềm năng trong năm 2020 cao gấp 25 lần so với công suất hiện tại.

Chúng tôi nhận thấy sự tương đồng và khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và Thụy Điển trong nhiều lĩnh vực và mong muốn tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác. Có rất nhiều công ty Thụy Điển hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên bình diện toàn cầu như ABB, Ericsson, Hexicon và Linxon. Đây là những đơn vị cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo về công nghệ.

Ngoài ra, Thụy Điển có thể cung cấp các gói tài chính ưu đãi thông qua Cơ quan tín dụng xuất khẩu Thụy Điển (SEK), Ủy ban bảo lãnh tín dụng xuất khẩu quốc gia (EKN) và Tổ chức tài chính phát triển Thụy Điển (Swedfund). Các cơ quan này đã và đang tiếp tục trao đổi, thảo luận với các đối tác Việt Nam về các định hướng hợp tác như nâng cấp mạng truyền tải, triển khai 4G/5G cũng như tăng khả năng lưu trữ năng lượng nhằm gia tăng cấu phần năng lượng tái tạo trong bức tranh chung về năng lượng.

Phục hồi sau COVID-19 và hướng đến quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững là chìa khóa để thúc đẩy tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của Việt Nam – điểm đến đầu tư chất lượng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu./.

Chạy bằng năng lượng sạch, hệ thống đường sắt quốc nội của Thụy Điển là một  trong những hệ thống thân thiện với môi trường nhất trên thế giới. (Ảnh: Fredrik  Schlyter/Imagebank.sweden.se)
Chạy bằng năng lượng sạch, hệ thống đường sắt quốc nội của Thụy Điển là một trong những hệ thống thân thiện với môi trường nhất trên thế giới. (Ảnh: Fredrik Schlyter/Imagebank.sweden.se)