Cuộc chiến vì hòa bình

ttxvn2904tr-1588147446-3.jpg

Từ ngày 28/1/1973 đến ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, tại Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, nơi đặt trụ sở của phái đoàn Liên hợp quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đoàn A) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B), gần một nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ ta đã trải qua 823 ngày đêm dũng cảm, mưu trí, kiên cường đấu tranh với kẻ thù để thực thi Hiệp định Paris ngay giữa trung tâm đầu não của Việt Nam Cộng hòa.

Xin trân trọng giới thiệu chùm 4 bài viết về những những năm tháng hào hùng của các cán bộ, chiến sỹ ta, đặc biệt là Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B) trong thời gian tại Trại Davis.

Nơi đây, nhờ ý chí kiên cường, tinh thần cách mạng kiên trung và niềm tin bất diệt về chiến thắng của người chiến sỹ cách mạng, đã tỏa sáng trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng cho cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

Cánh quân thứ 6 cho ngày thống nhất

Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp quân sự bốn bên trong thời gian 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban Liên hợp quân sự hai bên, đồng thời là trụ sở, nơi đóng quân của hai phái đoàn quân sự ta từ ngày 28/1/1973 đến 30/4/1975.

Cùng với 5 cánh quân chủ lực tiến công vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc đấu trí đầy cam go của quân ta giữa lòng định tại Trại Davis cũng là một cánh quân đặc biệt quan trọng.

Đây là vùng đất đầu tiên được chính thức và công khai đặt dưới quyền kiểm soát của cách mạng tại Sài Gòn. Đồng thời, đây cũng là vùng đất giải phóng đầu tiên nhờ thắng lợi của Hiệp định Paris và trở thành vùng lãnh thổ bất khả xâm phạm giữa trung tâm đầu não của đối phương cho đến này giải phóng miền Nam.

Có thể nói, cùng với 5 cánh quân chủ lực tiến công vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc đấu trí đầy cam go của quân ta giữa lòng định tại Trại Davis cũng là một cánh quân đặc biệt quan trọng.

Sự ra đời của Ban Liên hợp quân sự thực thi Hiệp định Paris 1973

Trại Davis được xây dựng vào khoảng giữa năm 1961 tại sân bay Tân Sơn Nhất, ban đầu là nơi cư trú của một nhóm công tác An ninh Quân đội Mỹ, được đưa sang Việt Nam với danh nghĩa Tổ Viễn thám số 3.

Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ “Quyết thắng” của quân đội ta đã tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên, phải tới 14 giờ ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)
Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ “Quyết thắng” của quân đội ta đã tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên, phải tới 14 giờ ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)

Ngày 22/12/1961, một thành viên của Tổ Viễn thám số 3 tên James Thomas Davis bị quân du kích phục kích và chết tại Hậu Nghĩa (nay thuộc tỉnh Long An). Bạn bè trong Tổ đã đặt tên trại cư trú theo tên của Davis và dựng một khu tưởng niệm Davis nhỏ ở trong trại.

Khuôn viên Trại Davis như hình thang, chiều rộng nhất khoảng 200m, cạnh ngắn nhất 100m. Trại được xây dựng kiểu dã chiến, gồm nhiều dãy nhà gỗ, nền đất nện và bê tông, lợp phibrô ximăng, trang thiết bị bên trong từ giường, ghế, bàn, tủ đều bằng sắt, hàng rào vòng trong là lưới sắt.

Thực thi các điều khoản của Hiệp định Paris, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã chọn Trại Davis để làm nơi làm việc của Phái đoàn đại biểu quân sự bốn bên cũng như nơi ở của hai phái Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đoàn A) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B).

Nguyên nhân là do nơi đây thuận tiện cho việc di chuyển của các phái đoàn bằng máy bay, đồng thời nơi này có sẵn một số cơ sở hạ tầng cần thiết.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam tại Trại Davis), việc sắp xếp này của Việt Nam Cộng hòa chính là nhằm cô lập hai đoàn ta ở Trại Davis, ngăn không cho ta có điều kiện tiếp xúc với người dân Sài Gòn. Đồng thời, chúng có thể dễ dàng kiểm soát thông tin, phá sóng, gây nhiễu điện của ta.

Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ban Liên hợp quân sự bốn bên Trung ương gồm Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Đoàn Chính phủ Hoa Kỳ; Đoàn Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Sau đó, từ ngày 29/3/1973, Ban Liên hợp quân sự chỉ còn hai bên là Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các điều khoản về các vấn đề quân sự và trao trả nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt. Song song với đó, còn có Tổ Liên hợp quân sự bốn bên, chuyên lo vấn đề người Mỹ mất tích, mồ mả, hài cốt…

Bất chấp mọi khó khăn và thủ đoạn của địch, từ tháng 1/1973 đến ngày 30/4/1975, hai đoàn đại biểu quân sự của ta đã kiên cường bám trụ tại Trại Davis để đấu tranh.

Theo Đại tá Nguyễn Bạch Vân, Trại Davis được ví như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, được pháp lý của Hiệp định Paris thừa nhận, một trận địa cách mạng công khai trong lòng địch.

Hoạt động của hai phái đoàn ta đã góp phần đặc biệt xuất sắc phối hợp với quân dân cả nước buộc quân Mỹ và quân chư hầu phải rút khỏi nước ta, đánh cho quân ngụy sụp đổ hoàn toàn, ngay trong sào huyệt của chúng.

Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Từ chiến trường khốc liệt với tiếng súng, tiếng bom, những người lính bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu về ngoại giao quân sự xung quanh những vấn đề quan trọng đầu tiên của Hiệp định Paris.

Thứ nhất, vấn đề ngừng bắn và vấn đề quân Mỹ, quân chư hầu của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Thứ hai, trao trả nhân viên quân sự, thường dân nước ngoài, nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và bị giam giữ.

Cánh quân thứ 6 cho ngày giải phóng

Ông Lê Hùng, Trưởng ban Liên lạc truyền thống “Trại Davis” (sinh năm 1948 tại Bến Tre) vẫn còn nhớ những ngày tháng với muôn vàn khó khăn, thách thức giữa lòng địch.

Khi đó, ông là Thiếu úy công tác tại Phòng Tác chiến Miền được cử tham gia đoàn Liên hợp B, làm nhiệm vụ Văn phòng, thư ký ghi chép các cuộc họp, liên lạc giữa các đoàn bốn bên và sau này là hai bên.

Ông Lê Hùng cho biết, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt, Bộ Chỉ huy Miền đã cử cán bộ vào thông báo đã sẵn sàng phương án cử một đơn vị đặc công vào Trại Davis đưa đoàn ta ra nơi an toàn, khi quân ta bắt đầu cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn.

Xe tăng quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Tuy nhiên, lãnh đạo đoàn họp bàn, nhận định, lúc này ta vẫn có đủ yếu tố cần thiết để chiến đấu và bám trụ thắng lợi tại chỗ. Cuộc họp nhất trí đề nghị Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền cho phép đoàn tự tổ chức chiến đấu tại chỗ và bảo đảm sẽ đủ sức bảo toàn lực lượng. Cấp trên đồng ý.

Và ngay trước ngày chiến thắng 30/4/1975, hai chiến sỹ ta đã hy sinh, 4 đồng chí khác bị thương ngay trong Trại Davis. “Đó cũng chỉ là những mất mát nhìn thấy được sát giờ chiến thắng. Ngoài ra, còn vô vàn những khó khăn, vất vả và hiểm nguy không dễ nhìn ra mà anh em đã phải nỗ lực vượt qua trong cuộc đấu tranh với địch suốt hơn 2 năm 3 tháng tại Trại Davis” – ông Lê Hùng nhấn mạnh.

Trong giai đoạn cuối năm 1973, quân ngụy muốn xóa bỏ Hiệp định Paris, giải quyết vấn đề miền Nam bằng quân sự. Chiến sự lan rộng và quyết liệt, tiếng súng lại nổ trên khắp miền Nam.

Không thể thực hiện sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình theo Hiệp định Paris, ta không có con đường nào khác là buộc phải dùng bạo lực cách mạng để hoàn thành mục tiêu.

Tình hình đó khiến từ tháng 6/1974, hoạt động Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương đi vào bế tắc và tê liệt, không còn khả năng đạt được bất cứ kết quả tích cực nào trong đàm phán nữa.

Ngày 22/6/1974, Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố đình chỉ vô thời hạn các cuộc họp Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương.

Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 2 vượt sông tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 2 vượt sông tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ngày 8/10/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào công việc của miền Nam Việt Nam; lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, lập ra ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc, thi hành Hiệp định Paris; tuyên bố chính thức đình chỉ mọi cuộc họp Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương và Tổ Liên hợp quân sự 4 bên về người mất tích. Ngày 11/10/1974, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ra Tuyên bố tương tự về vấn đề này.

Kể từ đây, cuộc đấu tranh với địch tại Trại Davis chuyển từ trực diện đấu tranh đòi thi hành Hiệp định sang đấu tranh dư luận hỗ trợ chiến trường.

Về mặt pháp lý công khai, ta vẫn duy trì hai đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam ở Trại Davis; giữ mối quan hệ bình thường với Ủy ban quốc tế.

Không những vậy, trong giai đoạn này, ta đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động và đấu tranh cách mạng thông qua giới báo chí truyền thông.

Các buổi họp báo vẫn được tổ chức hàng tuần ngay tại Trại Davis, thông qua đó để giới thiệu về tính chính nghĩa trong cuộc đấu tranh cách mạng của ta; tố cáo hành động chiến tranh phá hoại Hiệp định của Mỹ-ngụy, kêu gọi sự ủng hộ của dư luận thế giới đối với việc ta buộc phải sử dụng biện pháp quân sự đánh trả để bảo vệ Hiệp định Paris.

Trại Davis cũng là nơi ta tiến hành các biện pháp tình báo phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị và chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mùa Xuân 1975.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự, nguyên lãnh đạo Đoàn A, tại Trại Davis có một tổ trinh sát kỹ thuật của ta được trang bị phương tiện hiện đại, để theo dõi các mạng thông tin của địch và hỗ trợ các nhiệm vụ tình báo kỹ thuật.

Các thông tin về hoạt động luân chuyển khí tài, quân lực của địch, tình hình nội bộ chính quyền Sài Gòn và đánh giá khả năng tham chiến trở lại của Mỹ khi chế độ Sài Gòn nguy cấp là những tài liệu quý góp phần làm nên chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 3/5/1975, Tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng Miền (B2), Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và cũng là người từng giữ chức Trưởng đoàn đầu tiên của Đoàn B đã vào thăm lại Trại Davis và tuyên bố Quân ủy Miền công nhận đơn vị Trại Davis “là một tiền tiêu của Chiến dịch Hồ Chí Minh.”

Ngày 12/9/2011, Chủ tịch Nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho hai đoàn Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên, khẳng định những đóng góp to lớn của hai đoàn trong giai đoạn ở Trại Davis./.

Xe tăng và bộ binh quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Xe tăng và bộ binh quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)

Lá cờ báo tin chiến thắng

Những ngày sống và đấu tranh công khai ngay tại lòng địch đã mang lại những kết quả quan trọng cho thành công chung của cách mạng. Những thành viên của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn “giương cao” ngọn cờ cách mạng và đặc biệt, trong sáng 30/4/1975, lá cờ cách mạng đã được cắm lên ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất và khoảnh khắc “bất diệt” đó được ghi lại bởi Nhiếp ảnh gia Phùng Bất Diệt.

Quyết tâm treo cờ ngay giữa Sài Gòn

Ông Trần Trung Đệ, nguyên Thiếu úy, sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Trại Davis, tham gia Đoàn với cấp bậc Thiếu úy, thuộc Ban Chính trị, chuyên nhiệm vụ cung cấp báo chí phục vụ công tác đấu tranh tuyên truyền với địch.

Sáng 30/4/1975, lá cờ cách mạng đã được cắm lên ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất và khoảnh khắc “bất diệt” đó được ghi lại bởi Nhiếp ảnh gia Phùng Bất Diệt.

Ông Trần Trung Đệ chia sẻ, vào đêm Giao thừa năm 1973 trong Trại Davis, một chiến sỹ thông tin của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa treo một lá cờ lên trên dàn ăngten di động. Sau đó, địch phản đối quyết liệt không cho mình được treo cờ. Chúng dùng máy bay trực thăng quần thảo, lính dù vây lớp lớp bên ngoài gây sức ép đòi ta phải hạ cờ.

Ông Trần Trung Đệ, nguyên Thiếu úy, sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam hồi tưởng thời gian sống, chiến đấu tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Ông Trần Trung Đệ, nguyên Thiếu úy, sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam hồi tưởng thời gian sống, chiến đấu tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

“Giao thừa là thời khắc rất thiêng liêng, rất quý với anh em, nhất là những người xa quê, xa nhà trong vùng địch, anh em bột phát treo cờ chứ không phải chỉ đạo từ cấp trên. Sau đó, lãnh đạo trả lời là Giao thừa anh em treo lên rồi sẽ cất đi, ở đây không có cái gọi là “hạ cờ” như đòi hỏi của địch,” ông Trần Trung Đệ nhớ lại.

Câu chuyện này đã để lại ấn tượng sâu sắc với ông Trần Trung Đệ. “Tôi tự nhủ rồi sẽ có lúc mình phải treo lá cờ lên mà không ai nói gì được. Tôi cứ quyết tâm vậy, tâm niệm vậy từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, nhưng cũng chỉ nghĩ trong lòng mà không nói với ai. Tôi ở trong Trại Davis tận hai lần Giao thừa mà không có cơ hội để làm điều đó,” ông Trần Trung Đệ cho biết.

Lúc đó, ông Trần Trung Đệ giữ vai trò là người nhận tài liệu chuyển từ Hà Nội vào, trong đó có rất nhiều cờ. Chính vì vậy, phòng ông có rất nhiều cờ, cả cờ đỏ sao vàng và cờ xanh đỏ (cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam), đủ kích thước, từ to 2mx3m đến nhỏ hơn là 1,8mx2m, nhiều nhất là kích thước 60cmx80cm, cả cờ đuôi nheo nhỏ nhỏ.

Theo ông Trần Trung Đệ, mỗi lần nhận cờ, ông lại nhớ đến tâm nguyện của mình, nên chuẩn bị một cái cây tầm vông, chuốt mắt tầm vông sạch sẽ, mang vào trong nhà cất đi. Rồi chuẩn bị cả dây buộc chuẩn bị cho ngày được treo cờ. Cũng chính vì mang tâm lý như thế, ông đã để ý tìm kiếm chỗ treo và phát hiện cái tháp nước là cao nhất trong trại là nơi treo cờ tốt nhất.

“Vậy nhưng tôi cũng chỉ nghĩ rồi để đó. Thỉnh thoảng tôi lấy lá cờ ra phơi. Mấy cậu lính thợ ở nhà lầu bên cạnh gọi với sang “anh giải phóng ơi, anh phơi cờ làm gì vậy.” Tôi trả lời đàng hoàng “phơi cho khô, để lúc treo cho sạch,” họ lại hỏi “thế anh treo ở đâu?” Tôi trả lời “khi nào tôi treo, các anh sẽ rõ” bởi mình không thể nói là mình sẽ treo cờ ở Sài Gòn,” ông Đệ kể lại.

 Xe tăng quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
 Xe tăng quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Khoảng 8 giờ ngày 30/4/1975, nhận thấy tình hình chiến thắng đã cận kề, ông Đệ báo cáo với Chủ nhiệm Chính trị Ngô Văn Sương, đề nghị treo cờ.

Ông Sương gọi điện báo Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn và báo lại là cấp trên đồng ý cho treo cờ và giao ông Đệ làm nhiệm vụ này. Ông Đệ cùng hạ sỹ quan dưới quyền là Phạm Văn Lãi, Nguyễn Cảnh Hòe và xin thêm một người bên vệ binh là anh Nguyễn Văn Cẩn để thực hiện nhiệm vụ.

Ông Đệ cho biết, trước đó, anh em tôi đã họp phân tích những nguy cơ bị bắn khi treo cờ, những góc, hướng nào an toàn… Chúng tôi ngại nhất phía trại lính dù, nhưng từ sáng 29/4, bên đó đã vắng bóng.

Tính thì phải cho hết tình huống, chứ cũng xác định lúc đó cũng không vấn đề gì. “Trước đó, để thử phản ứng, tối 28/4, tôi đã treo một lá cờ 80cmx100cm lên cái giá của sân bóng rổ (quay về hướng gia binh địch), nhưng không thấy có phản ứng gì,” ông Đệ nhớ lại.

Trèo lên tháp nước lúc đó không phải là chuyện dễ. Ông Lãi đeo súng ngắn nhận nhiệm vụ treo cờ, còn ông Cẩn mang theo cả súng ngắn và tiểu liên làm nhiệm vụ bảo vệ và đưa cờ lên. Còn ông Đệ và anh Hòe cũng mang theo vũ khí yểm trợ nhưng đứng bên dưới.

“Đó là lá cờ lớn nhất 2mx3m, lá cờ xanh đỏ sao vàng. Sau khi treo xong, mọi người thấy vậy, rời khỏi hầm, nhảy lên vui mừng hô hào. Tôi cũng không nói được câu nào, nhưng trong lòng sướng lắm, tôi ôm lấy cậu Lãi và cậu Cẩn, quên cả cậu Hòe bên cạnh.

Lúc đó khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30/4. Sau đó, bộ đội của Quân đoàn 4 khi đến chiếm Tân Sơn Nhất đã đến ngay Trại Davis, có người nói là nhờ thấy lá cờ mà anh em tìm đến được ngay,” ông Đệ rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Bức ảnh “sống mãi” của Phùng Bất Diệt

Khoảnh khắc treo cờ trong Trại Davis là sự khẳng định chiến thắng đã đến với quân giải phóng. Hình ảnh đó đã được ghi lại bởi Nhiếp ảnh Phùng Bất Diệt (tên thật là Phùng Văn Hiền), tham gia Đoàn B trong tổ báo chí, chuyên quay phim, chụp hình.

Bức ảnh các chiến sỹ đoàn B cắm cờ trên trại Davis sáng 30/4/1975. (Ảnh: Phùng Bất Diệt)
Bức ảnh các chiến sỹ đoàn B cắm cờ trên trại Davis sáng 30/4/1975. (Ảnh: Phùng Bất Diệt)

Ông Phùng Bất Diệt quê ở Mỏ Cày Nam, Bến Tre. Năm 1962, từ Sài Gòn về Bến Tre, ông được các anh du kích, bộ đội rủ vào quân giải phóng.

Ông lấy tên là Phùng Bất Diệt, mang vỏ bọc một thanh niên từ Sài Gòn về chơi để vào đồn ngụy, tìm hiểu nội tình cho quân giải phóng đánh chiếm đồn.

“Bố tôi biết vậy rất lo, vì thấy du kích bị địch giết nhiều, nên gọi về vừa khóc vừa bảo “mày ở nhà, tao gá vợ cho, không thì đi thật xa, chứ ở đây sớm muộn tụi nó cũng biết.”  Tôi quyết định tham gia quân giải phóng, đó là ngày 19/6/1962. Các anh ở Cục Chính trị Miền thấy cái tên tôi là lạ, lại có chút lanh lợi do từ Sài Gòn về, nên rút về Cục Chính trị Miền, cho đi học quay phim rồi về làm tại Xưởng phim Quân Giải phóng,” ông Phùng Bất Diệt nhớ lại.

Thời gian ở Trại Davis, ông Phùng Bất Diệt làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh. Ông sử dụng chiếc máy quay phim Bell Howell và máy ảnh Leica M5 (là một trong 5 chiếc máy ảnh được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Cộng hòa Dân chủ Đức tặng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Lúc đó, chiếc Leica M5 là một trong những chiếc máy ảnh được giới báo chí tại Sài Gòn ao ước, xuýt xoa mỗi khi nhìn thấy.

Cựu chiến binh Phùng Bất Diệt bên tấm ảnh ghi lại thời khắc lịch sử ông đã chụp sáng 30/4/1975 tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Cựu chiến binh Phùng Bất Diệt bên tấm ảnh ghi lại thời khắc lịch sử ông đã chụp sáng 30/4/1975 tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Về khoảnh khắc chụp được bức ảnh treo cờ chiến thắng trong Trại Davis năm xưa, ông Phùng Bất Diệt cho biết: “Lúc các ông ấy đi treo cờ, tôi không biết, nhưng khi đang treo, tôi được báo và cũng không nhớ ai báo. Tôi xách cái Leica M5 chạy đến chụp 2 hay 3 kiểu gì đó, sau chọn rửa được một kiểu là cái ảnh hiện nay vẫn được các sách báo, tài liệu về Trại Davis sử dụng. Thực ra, lúc đó cũng không để ý ai là người đứng trên ai là người đứng dưới (treo cờ). Sau này mới biết, đó là anh Lãi và anh Cẩn.”

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng ông Phùng Bất Diệt trở nên linh hoạt, hào hứng khi nhắc về những năm tháng ở Trại Davis.

Thời đó, ông quay phim khá nhiều các cuộc họp, các chuyến đi của anh em đoàn B thực hiện nhiệm vụ ở ngoài Trại Davis và cả trận ném bom Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975. Ngay sau khi dứt tiếng bom, ông đã leo lên nhà lầu quay sang sân bay.

Những thước phim mô tả sân bay Tân Sơn Nhất mịt mù khói lửa, còi xe cứu hỏa ầm ĩ ngay sau trận đánh đã được lãnh đạo rất khen ngợi. “Tôi cũng chụp khá nhiều ảnh, nhưng tấm ảnh chụp anh em cắm cờ trên Trại Davis ngày 30/4/1975 là bức ảnh đáng nhớ nhất. Mọi người vẫn nói với tôi là đó là tấm ảnh để đời, tôi cũng thấy đúng là như vậy”- ông Phùng Bất Diệt hào sảng chia sẻ./.

Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh cùng nội các ra trước Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh Việt Nam, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh cùng nội các ra trước Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh Việt Nam, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Kiên định niềm tin chiến thắng

Những năm tháng trong Trại Davis của phái đoàn ta luôn đối mặt với khó khăn, thách thức đầy cam go. Địch thường xuyên gây áp lực, đe dọa, trấn áp tinh thần đến dụ dỗ… Nhưng lý tưởng cách mạng sáng ngời đã giúp cán bộ, chiến sỹ ta giữ vững niềm tin chiến thắng ngay giữa đầu não địch.

Những bông hoa đua nở, những mối tình giữa cán bộ ta trong Trại Davis và vùng căn cứ đơm hoa, kết trái trong những tháng ngày ác liệt nhất…

Đấu trí giữa đầu não địch

Với những cán bộ, chiến sỹ tham gia Phái đoàn liên hợp quân sự của ta tại Trại Davis, ngay từ khi nhận nhiệm vụ cũng là lúc xác định bước vào một cuộc chiến đấu mới với kẻ thù với vô vàn hiểm nguy.

Lý tưởng cách mạng sáng ngời đã giúp cán bộ, chiến sỹ ta giữ vững niềm tin chiến thắng ngay giữa đầu não địch.

Thực tế, ngay từ ngày đầu tiên Phái đoàn ta bước chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã là cuộc đấu trí với những âm mưu phá hoại của kẻ thù mà phần thắng đã thuộc về những người chiến sĩ cách mạng mang trong mình ý chí quyết thắng của chính nghĩa và khát vọng hòa bình.

Một cuộc họp báo của ta tại trại Davis.(Ảnh tư liệu: TTXVN)
Một cuộc họp báo của ta tại trại Davis.(Ảnh tư liệu: TTXVN)

Ngày 28/1/1973, khi phái đoàn của ta (gồm hai đoàn A và B) tới căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, lực lượng chức trách tại đây có ý định buộc các đại biểu phải tiến hành các thủ tục nhập cảnh như đã áp dụng đối với những người nước ngoài. Phái đoàn đã không chịu theo các thủ tục do cảnh sát và nhân viên hải quan yêu cầu.

Các đại biểu khẳng định, sự thống nhất của nước Việt Nam đã được công nhận ngay từ Hiệp định Geneva 1954 và Hiệp định Paris 1973; đồng thời tuyên bố từ chối tuân theo các thủ tục do chính quyền Việt Nam Cộng hòa tự tạo ra.

Chính quyền Sài Gòn không từ bỏ yêu cầu, điều quân đội vây quanh máy bay của hai đoàn của ta. Cả hai đoàn của ta cương quyết ngồi trên máy bay, không nhân nhượng, bất chấp cái nóng như nung của khoang máy bay trên đường băng ximăng.

Cuộc đấu tranh kéo dài từ chiều 28/1/1973 đến chiều 29/1/1973. Cuối cùng do sức ép của phía Mỹ (để đảm bảo thời gian tiến hành cuộc họp đầu tiên theo quy định), khoảng 14 giờ ngày 29/1, phía Việt Nam Cộng hòa buộc phải xóa bỏ yêu cầu làm thủ tục nhập cảnh và phía Mỹ đã đưa xe đến đón thành viên của phái đoàn ta về trụ sở dành cho mình tại Trại Davis.

Quân giải phóng đánh chiếm cầu Thị Nghè, sáng 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN )
Quân giải phóng đánh chiếm cầu Thị Nghè, sáng 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN )

Sự có mặt của Phái đoàn quân sự ta tại Trại Davis như một chiếc gai trong mắt chính quyền Sài Gòn. Rắp tâm phá hoại Hiệp định Paris thể hiện ngay trong những hành xử đầy mưu mô phá hoại, kích động, gây sức ép của chính quyền Sài Gòn đối với cán bộ chiến sỹ ta trong suốt 823 ngày đêm chiến đấu tại Trại Davis.

Địch dường như không che giấu ý đồ của chúng đối với Trại Davis. Án ngữ trước cửa trại là trại huấn luyện của sư đoàn dù; xung quanh trại Davis, địch cho đào hào sâu, chăng dây thép gai và dựng tới mười ba trạm gác có đặt súng cỡ đạn 12,7mm.

Đầu năm 1975, đối phương tăng cường thêm một đơn vị xe tăng và một đại đội bộ binh đến bao vây, ngày đêm khống chế nghiêm ngặt trụ sở của hai đoàn ta.

Ông Lê Hùng, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trại Davis chia sẻ, phái đoàn ta chịu nhiều áp lực, sức ép của địch. Sống giữa kẻ thù, hàng rào lớp lớp, cả chục vọng gác ngày đêm có lính gác ở tầm cao. Mỗi khi quan hệ giữa đoàn ta và Việt Nam Cộng hòa xấu đi, địch tăng thêm chốt gác, lính dù gây sự, chửi đổng… nhằm uy hiếp tinh thần ta.

Ngay trước mặt Trại Davis, địch đặt một Lữ đoàn dù, xung quanh là các trạm gác, danh tiếng là bảo vệ, nhưng thực ra là khống chế, trấn áp tinh thần. Có giai đoạn, địch sử dụng xe xúc đào hào xung quanh trại sâu tới 2-3m, gia tăng các lớp dây thép gai, tăng cường tuần tra vì sợ ta đào hầm.

 Ông Trần Trung Đệ, nguyên Thiếu úy, sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam hồi tưởng thời gian sống, chiến đấu tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
 Ông Trần Trung Đệ, nguyên Thiếu úy, sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam hồi tưởng thời gian sống, chiến đấu tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo ông Trần Trung Đệ (sỹ quan Ban Chính trị, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Trại Davis), cùng với những cách thức trấn áp, uy hiếp tinh thần ta, bọn chúng còn liên tục dụ dỗ, gạ gẫm cán bộ, chiến sỹ ta đi theo chúng.

Dù vậy, anh em ta lúc nào cũng cương quyết, bền tâm, nên không có bất cứ chuyện gì xảy ra về bảo vệ nội bộ. Thời đó rất căng thẳng, vì xung quanh là địch, là rào kẽm gai, còn có tôn chắn không cho nhìn ra.

Việc cắt điện, cắt nước thường xuyên diễn ra. Địch cắt điện, mình dùng đèn cầy, tổ chức đốt đèn cầy họp chi bộ ngoài đường. Chúng thấy cắt điện không ăn thua nên quay ra cắt nước. Bị cắt nước, ta tiến hành đào giếng.

Khu nhà ta ở do Việt Nam Cộng hòa bố trí, mái tôn, nền đất, tường ván, và chung quanh “ trang trí “ toàn bằng rào kẽm gai. Từ ngày 18/4, ta đào hầm, đến ngày 28/4 đào gần kín, không để địch biết. Đất thì lật tủ sắt ra, đổ vào tủ sắt rồi làm nắp cửa hầm. Đường hầm nối từ nhà này sang nhà khác, tạo cả hầm sở chỉ huy, hầm cứu thương. Sau này, hầm cứu thương được sử dụng cho quân y cứu chữa cho các đồng chí bị thương vì pháo rạng ngày 29/4/1975.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáu (thường gọi là Mai Sơn, hiện 92 tuổi), nguyên Tổ trưởng Tổ quân y đoàn B Trại Davis với cấp bậc Thượng úy (trước khi tham gia Trại Davis, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn 9) cho biết giai đoạn trong Trại Davis công việc quân y cơ bản không có vất vả gì nhiều.

Ông đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường, đối mặt với nguy hiểm và công việc chăm sóc y tế trong bối cảnh thiếu thốn, khó khăn hơn nhiều. Do anh em đang tuổi trẻ, được lựa chọn đều có sức khỏe tốt, tại trại Davis, sinh hoạt điều độ, nên hầu như không có trường hợp bệnh tật gì nặng.

Dù vậy, theo ông Mai Sơn, không phải mọi cái đều thuận lợi. Những năm tháng ở trại Davis cũng có những kỷ niệm đáng nhớ về công tác quân y.

Thẻ công vụ của bác sỹ Ấn khi tham gia đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam làm việc tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Thẻ công vụ của bác sỹ Ấn khi tham gia đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam làm việc tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tháng 11/1973, bác sỹ Trần Văn Ấn (tổ Quân y đoàn B) phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sỹ đoàn Hungary (Phái đoàn Quốc tế tham gia giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris), để mổ cắt ruột thừa cho một cán bộ đoàn ta ngay trong Trại Davis. Bởi đúng vào giai đoạn đó, quan hệ hai bên căng thẳng, địch lấy cớ không chịu cho ta đưa bệnh nhân đến bệnh viện như những thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định Paris và cũng không bố trí máy bay đưa người về căn cứ.

Rạng sáng 29/4/1975, Trung tá Nguyễn Tiến Bộ (đoàn A) bị trúng đạn pháo, chân phải dập nát, không có khả năng phục hồi, cần phải xử lý ngay để tránh nguy cơ hoại tử. Bác sỹ Mai Sơn trực tiếp tiến hành phẫu thuật cắt chân cho Trung tá Bộ trong căn hầm y tế dã chiến thiếu những điều kiện tiêu chuẩn về y tế ngay dưới lòng đất Trại Davis.

Ca phẫu thuật đã rất thành công, diễn ra trong tiếng nổ rền vang của những đợt pháo bắn cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất báo hiệu giờ chiến thắng đã cận kề.

Hai đám cưới một niềm tin

Trong những ngày cam go, căng thẳng ở Trại Davis, tình yêu giữa những chàng trai nơi “tuyến đầu” Trại Davis với những cô gái “hậu phương” vùng căn cứ cũng đơm hoa, kết trái.

Nhiều đám cưới được tổ chức ngay giữa những ngày đấu tranh thực hiện thỏa thuận hòa bình của Hiệp định Paris như một minh chứng cho niềm tin và khát vọng của những người chiến sĩ cách mạng về một ngày thống nhất non sông.

Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tham gia đoàn B với tư cách là sỹ quan tùy tùng của tướng Phạm Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam tại Trại Davis), Đại tá Nguyễn Bạch Vân quen một người bạn trong đoàn A tại Trại Davis.

Thấy ông Bạch Vân lúc đó đã gần 40 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, người bạn này đã làm mối cho ông với bà Quách Dương Liễu (lúc đó 28 tuổi, đang làm việc tại Trạm Dân y Miền).

Sau lần gặp mặt đầu tiên tại Trạm Dân y Miền, hai bên trao đổi thư từ qua lại thường xuyên trong vài tháng và nảy sinh tình cảm. Tất nhiên, trong thời điểm đó, chuyện này nhanh chóng được lãnh đạo nắm bắt và ủng hộ nhiệt tình.

Cả ông Bạch Vân và bà Dương Liễu đều “lăn tăn” về chuyện cưới xin, vì cả bố mẹ hai bên đều ở miền Bắc, trong khi cuộc chiến đấu tuy đã trên danh nghĩa đã ngừng bắn nhưng vẫn còn rất căng thẳng, cam go.

“Sau đó lãnh đạo động viên là việc cưới hỏi là cưới hỏi, chiến đấu là chiến đấu, không thể vì chuyện này ảnh hưởng đến chuyện kia. Cứ cưới đi rồi đến nay mai thống nhất đưa nhau về lại mặt nhà gái. Và thế là tôi với bà nhà tôi quyết định cưới nhau,” ông Bạch Vân cười nhớ lại.

Nở nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt rạng rỡ, bà Quách Dương Liễu kể lại: “Lúc đó dù hàng tuần vẫn có máy bay từ Trại Davis về vùng giải phóng, nhưng không phải chuyến nào ông ấy (ông Bạch Vân) cũng được đi, nên đến tận ngày cưới, tụi tôi mới gặp nhau lại lần thứ 2. Đám cưới được tổ chức vào đầu năm 1974, tại Lò Gò, Trung ương Cục miền Nam. Đại diện nhà trai là đơn vị Bộ Tham mưu Miền ở Lộc Ninh còn nhà gái là Dân y Miền.”

Một đám cưới giản dị mà trang trọng và vui vẻ với những món đồ miền Bắc mà ông Bạch Vân mang về từ Trại Davis. Đúng như những gì tiên liệu trước, sau ngày Giải phóng, ông bà đã cùng nhau trở về Bắc ra mắt hai họ nội ngoại, giới thiệu đứa con đầu lòng sinh ngay trong tháng 4/1975 lịch sử.

Một sự trùng hợp thú vị khác đến với bác sỹ Trần Văn Ẩn, một trong hai bác sỹ của Tổ quân y đoàn B, người đã có mặt gần như suốt thời gian tồn tại của Phái đoàn quân sự ta tại Trại Davis. Nhờ những năm tháng sống ở Trại Davis, ông Ẩn cũng đã có được hạnh phúc lứa đôi.

Ở độ tuổi 91, bác sỹ Trần Văn Ấn vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan đã có từ những ngày sống chiến đấu tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Ở độ tuổi 91, bác sỹ Trần Văn Ấn vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan đã có từ những ngày sống chiến đấu tại trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Năm nay đã 91 tuổi, đau yếu bởi tuổi già, nhưng ông Ẩn vẫn rất minh mẫn và hóm hỉnh. Theo ông, những gì diễn ra tại Trại Davis năm xưa luôn là một quãng thời gian rất đỗi tự hào trong những ngày phục vụ trong quân ngũ của tất cả những người từng ở đó.

Riêng ông, nỗi nhớ về những ngày ở Trại Davis không chỉ có sự căng thẳng, không khoan nhượng với kẻ thù hay những lần mổ cho thương binh trong tiếng đạn nổ mà còn là kỷ niệm ngọt ngào về niềm hạnh phúc lứa đôi giữa những ngày đấu tranh vì hòa bình, thống nhất của dân tộc. “Cũng nhờ vào những ngày ở Trại Davis mà tôi có người bầu bạn đỡ đần tuổi già hôm nay đấy”- ông Ẩn cười nói.

Kém chồng tới 16 tuổi, bà Hồ Thị Y (vợ bác sỹ Ẩn), vốn là con gái vùng đất cách mạng Bến Tre. Năm 1973, khi đó mới 18 tuổi, bà nấu ăn tại Bệnh viện K71.

“Cũng có quen biết từ trước và mọi người cũng hay trêu đùa ghép cặp. Nhưng ổng nhiều tuổi lại là cán bộ, nên cũng không có ý gì. Nhưng khi ổng đi vào Davis, thấy lo, thấy nhớ, gặp lại thấy mừng, rồi sau đó thương nhau. Ổng tập kết học ở ngoài Bắc nên hay kể cho tôi nghe về Hà Nội rồi bảo chiến tranh còn chưa chấm dứt, nhưng nhất định sẽ thắng. Cưới nhau đẻ con rồi sau này thống nhất tôi đưa mẹ con bà ra thăm Hà Nội,” bà Hồ Thị Y vui vẻ chia sẻ.

Nghe lời “dụ ngọt” của ông Ẩn, bà Y báo tổ chức xin phép tổ chức lễ cưới. Đám cưới đã diễn ra đầu năm 1974 tại Lộc Ninh. “Đám cưới vui lắm. Mọi người ăn bánh kẹo, uống trà, hút thuốc lá Điện Biên, toàn đồ miền Bắc.Tôi nhớ mãi ai cũng chúc cô dâu chú rể vui duyên mới không quên nhiệm vụ”- bà Hồ Thị Y nhắc lại đám cưới của mình với ánh mắt vẫn ngời niềm hạnh phúc như ngày nào.

Cuối năm, hai vợ chồng ông bà sinh con đầu lòng. Niềm tin chiến thắng, đoàn tụ của họ đã trở thành hiện thực khi chỉ mấy tháng sau đó, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất một nhà.

Hơn 45 năm đã trôi qua, biết bao thăm trầm của cuộc sống đến với vợ chồng Đại tá Bạch Vân hay bác sỹ Trần Văn Ẩn. Hôm nay, những cặp vợ chồng ấy dù “đầu đã bạc, tay đã run” nhưng vẫn luôn ân cần chăm sóc lẫn nhau, trân quý những phút giây hạnh phúc ngọt ngào bên nhau.

Niềm hạnh phúc giản dị ấy được xây dựng, vun đắp từ những ước mong và niềm tin tất thắng mà họ đã luôn có, kể cả trong những ngày gian khó nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cách đây gần nửa thế kỷ./.

Xe tăng diễu hành trên đường phố Sài Gòn tại lễ mittinh mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)
Xe tăng diễu hành trên đường phố Sài Gòn tại lễ mittinh mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)

Sáng mãi biểu tượng khát vọng thống nhất

Với việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phái đoàn quân sự của ta tại Trại Davis hoàn thành nhiệm vụ và chấm dứt hoạt động. Đã 45 năm trôi qua, những ký ức của cán bộ, chiến sỹ ta trong lòng địch vẫn lưu mãi.

Trại Davis như một minh chứng hào hùng của cuộc đấu tranh cách mạng giữa lòng địch, với nhiều cam go, gian khổ nhưng kiên cường bất khuất của những người chiến sỹ cách mạng.

Trại Davis đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, như một sự khẳng định về vai trò của quân ta trong Cách mạng. Những người từng tham gia Phái đoàn đang mong ngóng từng ngày Trại Davis được phục dựng lại, như một minh chứng hào hùng của cuộc đấu tranh cách mạng giữa lòng địch, với nhiều cam go, gian khổ nhưng kiên cường bất khuất của những người chiến sỹ cách mạng.

Ký ức không phai

Năm 1973, ông Nguyễn Tiến Quân (sinh năm 1950 tại Phan Rang, Ninh Thuận) đang là Hạ sỹ, thuộc bộ phận Ban Thông tin Miền. Do từng trực tiếp tham gia đánh trận, có kinh nghiệm chiến đấu, giỏi võ và bắn súng giỏi nên được gọi lên nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng vệ binh đoàn B Trại Davis.

Đại diện đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trong một buổi giám sát thực hiện Hiệp định Paris. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Đại diện đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trong một buổi giám sát thực hiện Hiệp định Paris. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Ông Quân nhớ lại, khoảng đầu tháng 4/1975, chỉ huy nhóm họp, thông báo tình hình ta sẽ tấn công giải phóng Sài Gòn. Cán bộ, chiến sỹ hai đoàn A và B sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với mọi tình huống.

Từ ngày 18/4/1975, anh em bắt đầu tiến hành đào hầm bằng cuốc, xẻng cá nhân, cọc màn Mỹ bằng thép đập bẹt đầu. Rất may đất bên dưới trại qua một lớp đất lèn cứng là khá mềm và nhiều cát nên đào cũng đỡ vất vả.

Nhờ thiết kế của dãy nhà ta ở Trại Davis là nhà sàn, nên anh em chui xuống sàn đào tránh được sự soi xét của địch từ các trạm gác tầm cao. Toàn bộ đất được cho vào bao tải vận chuyển vào những chỗ kín, hoặc cho vào các hòm, tủ sắt tài liệu (sau này được dùng làm nắp hầm).

Do cán bộ tham gia đoàn B nhiều người đã có tuổi, lại nắm giữ chức vụ quan trọng, anh em trẻ, nhất là vệ binh là lực lượng đào hầm chính của đoàn.

“Có những hôm tận 3 giờ sáng, Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn (sau này là Thiếu tướng) còn chui xuống thăm hỏi anh em, mang trà thuốc tiếp tế cho anh em đào hầm. Chỉ mười ngày sau, ta cơ bản có được một hệ thống hầm liên thông giữa các phòng, đơn vị, đảm bảo yếu tố chiến đấu khi cần thiết,” ông Quân nhớ lại.

Đại úy Phạm Xuân Thệ (bên phải), Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) cùng các chiến sỹ Quân giải phóng dẫn giải Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu của Ngụy quyền Sài Gòn tới Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, trưa 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)
Đại úy Phạm Xuân Thệ (bên phải), Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) cùng các chiến sỹ Quân giải phóng dẫn giải Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu của Ngụy quyền Sài Gòn tới Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, trưa 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Với hệ thống hầm hào đào gấp gáp đó, 300 cán bộ, chiến sỹ ta trong Trại Davis với trang bị chủ yếu vũ khí cá nhân đơn giản đã dũng cảm, kiên cường quyết tâm bám trụ lại ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất chờ đón đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Từ cơ sở phòng làm việc có sẵn, Trại Davis trở thành một địa điểm an toàn, bảo mật nhất tại Sài Gòn sau ngày giải phóng. Chính vì vậy, ngày 2/5/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tham mưu tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trại Davis và tổ chức cuộc họp quan trọng với một số cán bộ cấp cao các Quân đoàn, Sư đoàn trước khi chuyển đến Sở Chỉ huy mới.

Sau ngày 30/4/1975, Trại Davis có thời gian được sử dụng làm nơi làm việc của Tướng Trần Văn Trà, với tư cách là Tư lệnh Quân quản Sài Gòn.

Một thời gian dài sau đó trại bị bỏ hoang và các kết cấu trên đất dần bị phá bỏ. Hiện nay, toàn bộ khu vực Trại Davis cũ đang nằm trong khu vực quân sự thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng.

Là chứng tích lịch sử về một giai đoạn đấu tranh quân sự, ngoại giao tiêu biểu trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Trại Davis được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2017.

Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sỹ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà (Trường đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam tại trại Davis), giới thiệu tài liệu thu thập được về quá trình xây dựng trại Davis. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo Đại tá Nguyễn Bạch Vân, Trại Davis xứng đáng là Di tích lịch sử cấp quốc gia, bởi nơi đây ghi dấu sự thể hiện bản lĩnh, ý chí, trí tuệ Việt Nam, phát huy cao độ chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao, quân sự thi hành Hiệp định hòa bình Paris 1973.

Trại Davis là vùng đất đầu tiên được chính thức và công khai đặt dưới quyền kiểm soát của Cách mạng, là vùng đất giải phóng đầu tiên nhờ thắng lợi của Hiệp định Paris.

Trại Davis là trung tâm ngoại giao quân sự, Tổng hành dinh của hai đoàn đại biểu quân sự Trung ương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trại Davis là di tích lịch sử cách mạng, lưu giữ nhưng giá trị, thể hiện tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris, có giá trị lớn trong giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, công tác nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Khôi phục lại biểu tượng khát vọng thống nhất đất nước

Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sĩ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà, nguyên Trưởng Ban liên lạc truyền thống “Trại Davis” trầm ngâm cho biết Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Trưởng đoàn B) khi còn sống rất băn khoăn vì Phái đoàn liên hợp quân sự của ta tại Trại Davis là một đơn vị đặc biệt “không có tiền bối và cũng không có hậu duệ,” vì vậy những hoạt động lưu giữ truyền thống của đơn vị rất khó khăn.

Một cuộc họp 4 bên tại trại Davis. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Một cuộc họp 4 bên tại trại Davis. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Các thành viên tham gia Phái đoàn liên hợp quân sự nay còn sống, đa phần tuổi cũng đã cao, sức yếu. Mong muốn của anh em cũng như ý nguyện của những đồng chí đã khuất là phục dựng lại Trại Davis với tư cách một địa điểm di tích lịch sử cách mạng, để thế hệ sau biết được ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó.

Lật giở những tài liệu còn lưu trữ được về Trại Davis, Đại tá Bạch Vân cho biết, trong những năm qua, các cán bộ trong Ban liên lạc truyền thống “Trại Davis” đã dày công thu thập những hiện vật, tài liệu liên quan đến Trại Davis.

Đó là những bức ảnh ghi lại cuộc sống của anh em ta trong Trại Davis cho đến các cuộc họp, các chuyến công tác giám sát thực hiện việc Mỹ rút quân về nước, trao trả tù binh, các hiện vật mà cán bộ ta đã sử dụng trong thời gian sống tại Trại Davis…

Trong đó có cả những tài liệu về quá trình công binh Mỹ xây dựng Trại Davis; bản đồ tổng thể xây dựng Trại Davis ghi rõ từng vật liệu xây dựng, công năng các khối nhà…

“Đây sẽ là tài liệu rất quan trọng cho việc phục chế sau này. Chúng tôi rất ước mong có ngày được sử dụng nó để góp phần lưu giữ, tôn vinh một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của lịch sử dân tộc,” ông Bạch Vân chia sẻ.

Lực lượng quân đội Mỹ rút quân về nước dưới sự giám sát của các thành viên Ban liên hợp 4 bên. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Lực lượng quân đội Mỹ rút quân về nước dưới sự giám sát của các thành viên Ban liên hợp 4 bên. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Hiện nay, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thực hiện đề xuất phục dựng Di tích lịch sử quốc gia Trại Davis.

Theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vị trí khoanh vùng phục dựng Di tích lịch sử Quốc gia Trại Davis nằm hoàn toàn trong đất quốc phòng, do các đơn vị của Quân chủng Phòng không-Không quân quản lý, thuộc phường 12, Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích khoanh vùng để phục dựng di tích là 4.000m2.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Trại Davis là di tích lịch sử cách mạng, nơi lưu giữ những giá trị thể hiện tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong quá trình đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris.

Di tích này có giá trị to lớn đối với công tác giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, công tác nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong cuộc làm việc cùng các đơn vị liên quan về đề xuất phục dựng Di tích lịch sử Quốc gia Trại Davis, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần bàn bạc, thực hiện các quy trình pháp lý theo quy định về chủ quyền xây dựng dự án và trực tiếp quản lý dự án.

Bộ Văn, hóa Thể thao và Du lịch luôn ủng hộ và sẽ hỗ trợ Bộ Quốc phòng về các vấn đề chuyên môn liên quan để công tác phục dựng Trại Davis đúng quy định pháp luật, đảm bảo các giá trị văn hóa và lịch sử, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách đến với Thành phố Hồ Chí Minh và những người quan tâm đến lịch sử quân sự Việt Nam.

Về vấn đề này, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, theo quy định của pháp luật, Di tích lịch sử Trại Davis nằm trên địa bàn Thành phố được giao cho chính quyền địa phương quản lý về văn hóa, nhưng chủ quyền xây dựng dự án và trực tiếp quản lý cần bàn bạc lại.

Nếu thuộc quyền Thành phố Hồ Chí Minh, cần tổ chức bàn giao lại cho Bộ Quốc phòng và phối hợp với Quân khu 7 thực hiện các quy định về quản lý nhà nước. Bộ Quốc phòng chủ động chỉ đạo vấn đề giao đất…

Trong vòng 5 năm tới, phải hoàn tất thủ tục, hoàn thiện Đề án, triển khai xây dựng để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan lịch sử dân tộc của nhân dân và khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.

Nếu được phục dựng lại, Trại Davis sẽ là một trong những di tích lịch sử quân sự đặc biệt quan trọng, di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu Di tích lịch sử Trại Davis cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; Địa đạo Củ Chi; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh; Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc lập); di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Chiến Khu Đ; di tích Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền (căn cứ Tà Thiết); Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (căn cứ Căm Xe)… tạo thành chuỗi du lịch về nguồn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và cả nước./.

Nhân dân Sài Gòn tham gia cuộc mít tinh mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Nhân dân Sài Gòn tham gia cuộc mít tinh mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)