Căng mình chống “giặc” COVID-19:

Từ chập tối đến sáng (12/4), khi nhận được tin dữ, nữ điều dưỡng Hoàng Thị Thu Hương (Điều dưỡng trưởng Khu B6, Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh) ngồi lặng thinh trong phòng. Trong lòng chị là cả khoảng trống vô tận, một nỗi day dứt khôn nguôi khi không kịp về nhìn người cha thân yêu lần cuối.

Trong cái đêm dài nhất đời người ấy, biết phải làm gì khi đi không được, ngồi lại thì lòng không yên, Hương lặng lẽ cầm cây bút, nắn nót tô đi tô lại 5 chữ: “Con nhớ bố! Bố ơi…!”

Lập bàn thờ vọng ở nơi làm việc

Những ngày này, đội ngũ nhân viên y tế cả nước đang từng ngày, từng giờ căng mình đối diện mọi khó khăn, thử thách, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình chăm sóc cho các bệnh nhân để phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 (COVID-19) gây ra.

Ba tháng nay, Bệnh viện số 2 được đóng và lập tại Bệnh viện Phổi tỉnh, biệt lập với bên ngoài. Nơi đây trở thành “tâm điểm” của dịch khi điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại tỉnh Quảng Ninh.

Đã hơn hai tháng “cắm chốt,” thi thoảng, chị Hương nép mình một góc bên cửa sổ lặng quan sát qua hồ rộng lớn bên hông bệnh viện, xa xăm hướng về nhà mình, về phía đường phố mọi người qua lại.

Đã hơn hai tháng “cắm chốt,” thi thoảng, chị Hương nép mình một góc bên cửa sổ lặng quan sát qua hồ rộng lớn bên hông bệnh viện, xa xăm hướng về nhà mình, về phía đường phố mọi người qua lại.

Như thường lệ, 17 giờ 30 chiều 12/4, hết ca trực ngày, chị Hương trở về phòng. 18 giờ 30 phút, điện thoại của chị đặt trên chiếc bàn trong phòng réo liên hồi.

Những nữ điều dưỡng tại Bệnh viện số 2 của tỉnh Quảng Ninh làm thủ tục cho các bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Những nữ điều dưỡng tại Bệnh viện số 2 của tỉnh Quảng Ninh làm thủ tục cho các bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi đó, chị Hương đang lúi húi trong phòng vệ sinh, cô bé điều dưỡng đứng ngoài giọng thảng thốt: “Chị Hương ơi, tắm sắp xong chưa?”

– “Ừ, chị sắp xong rồi, lại có bệnh nhân nào làm sao à?,” chị đáp.

– “Không ạ, nhưng chị cứ nhanh lên rồi đi ra đi.”

Bước ra khỏi nhà tắm, chị Hương thấy mấy chị em điều dưỡng đang ở trong phòng, nắm chặt tay động viên bình tĩnh rồi bảo rằng gia đình gọi điện bố chị vừa mất.

Lặng đứng người, Hương không tin vào mắt vào tai mình. Mới ngày hôm qua, chị còn gọi điện về hỏi thăm tình hình gia đình mọi người vẫn ổn, vậy mà…

Bệnh viện cách nơi bố chị đang ở chỉ chừng 2km, ấy vậy mà giờ đây, khoảng cách rất gần đó có một bức tường vô hình khiến Hương không thể bước qua, chạy về ôm người cha ruột lần cuối.

Đứng không vững, chị Hương ngồi thụp xuống, òa khóc. Xung quanh, những người đồng nghiệp ôm chặt, mong chị bình tĩnh vượt qua nỗi đau này.

Bệnh viện cách nơi bố chị đang ở chỉ chừng 2km, đi xe máy chỉ hơn 10 phút, ấy vậy mà giờ đây, khoảng cách rất gần đó có một bức tường vô hình khiến Hương không thể bước qua, chạy về ôm người cha ruột lần cuối trước khi đưa ông về nơi cực lạc.

Vì công việc, vì nhiệm vụ thu dung, điều trị và cách ly người bệnh COVID-19, chị Hương phải phải nén đau thương ở lại hoàn thành nhiệm vụ, cúi đầu chịu tang cha từ nơi xa…

Ban lãnh đạo Bệnh viện số 2 đã lập bàn thờ vọng ngay tại nơi chị Hương đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ban lãnh đạo Bệnh viện số 2 đã lập bàn thờ vọng ngay tại nơi chị Hương đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điều dưỡng Hương kể, chưa bao giờ thấy đêm nào lại dài như đêm đó. Chị không thể chợp mắt, mọi ký ức, mọi nỗi nhớ về cha cứ ùa về. Tim chị như thắt lại, nấc nghẹn mà không biết phải làm sao.

Trong cuộc đời mỗi con người, không có sự mất mát nào lớn hơn mất cha, mất mẹ. Vậy mà, lần cuối tiễn đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng, chị Hương lại không thể có mặt… Bệnh viện số 2 điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đã hơn 2 tháng nay cũng là chừng ấy thời gian chị gắn bó với công việc tại bệnh viện, không thể ra ngoài.

Để sẻ chia với nỗi đau của đồng nghiệp, ban lãnh đạo Bệnh viện số 2 đã lập bàn thờ vọng ngay tại nơi chị đang làm nhiệm vụ.

Để sẻ chia với nỗi đau của đồng nghiệp, ban lãnh đạo Bệnh viện số 2 đã lập bàn thờ vọng ngay tại nơi chị đang làm nhiệm vụ.

Hơn 2 tháng căng mình chống ‘giặc’ COVID-19

Hương kể rằng chị làm việc ở Bệnh viện Phổi Quảng Ninh từ năm 1993. Trước nguy cơ diễn biến dịch bệnh COVID-19, Ngày 1/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 347/QĐ-UBND về việc thành lập Bệnh viện số 2 thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Bệnh viện số 2 có quy mô 200 giường bệnh, với các trang thiết bị đảm bảo hiệu quả trong hoạt động tiếp nhận, khám, điều trị những trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh COVID-19. Bệnh viện được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị y tế hiện đại như: máy thở, máy chụp X – quang tại chỗ, monitor, hệ thống lọc máu…

(Ảnh: PV/Vietnam+)
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện số 2 trưng dụng toàn bộ nhân viên y tế của Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh và các nhân viên do Sở Y tế điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ. Và, là Điều dưỡng trưởng Khoa Bệnh phổi (Bệnh viện Phổi tỉnh Quảng Ninh), chị Hương được cử làm Điều dưỡng Trưởng Khoa B6-Bệnh viện số 2.

Kể từ khi nhận nhiệm vụ (ngày 8/2), hơn hai tháng nay hầu như chưa về nhà dù nơi ở chỉ cách bệnh viện 500m.  Đặc biệt, kể từ ngày 13/3, khi có ca bệnh số 52 dương tính vào điều trị tại đây, chị Hương và đồng nghiệp của mình được cách ly hoàn toàn.

Chị kể, trong gia đình chị có 3 người đang công tác tại Bệnh viện, chồng chị làm việc Khoa Chống nhiễm khuẩn, em gái chị cũng là điều dưỡng.

Hơn 1 tuần trước khi bố chị Hương mất, chồng và em gái chị hết thời gian cách ly được trở về nhà, chỉ còn Hương, vì nhiệm vụ điều dưỡng trưởng chị vẫn ở lại.

“Nhà có 3 anh em, khi bố mất, mình không về được. Trong cuộc sống, chưa bao giờ rơi vào tình huống như thế này. Cảm xúc khi đó thật khó tả, lẫn lộn. Ở nơi xa, cha tôi chắc cũng sẽ thấu hiểu và thông cảm với cảnh ngộ của con gái,” chị Hương nghẹn ngào.

Những y bác sỹ, điều dưỡng tại Bệnh viện số 2. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Những y bác sỹ, điều dưỡng tại Bệnh viện số 2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê, trong hơn 2 tháng qua, tại Quảng Ninh đã ghi nhậ‌n 7 trường hợp nhi‌ễm bệnh COVID-19. Trong đó, có 2 trường hợp đang điều trị tại Bện‌h việ‌n Số 2; có 5 người sau phi phát hiện bệnh đã được chuyển lên bện‌h việ‌n Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Hà Nội.

Hai bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 là BN52 nữ, 24 tuổi, địa chỉ tại thành phố Hạ Long và BN149, nam, 40 tuổi, địa chỉ tại thành phố Hà Nội.

Sau thời gian cách ly, theo dõi điều trị tại Bệnh viện Số 2 Quảng Ninh, hiện sức khoẻ của cả hai bệnh nhân đều ổn định. Ngoài hai bệnh nhân dương tính với COVID-19 trên, Bệnh viện số 2 đang tổ chức cách ly cho nhiều đối tượng khác. Hiện nay, tại Khoa của chị Hương còn bệnh nhân là đối tượng F1 đang điều trị.

“Là đội ngũ y, bác sỹ, chúng tôi hiểu hơn ai hết nỗi lo của xã hội khi có dịch. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy chúng tôi phải cứng rắn để tiếp tục là chỗ dựa đáng tin cậy của người dân,” chị Hương tỏ lòng.

Là đội ngũ y, bác sỹ, chúng tôi hiểu hơn ai hết nỗi lo của xã hội khi có dịch. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy chúng tôi phải cứng rắn để tiếp tục là chỗ dựa đáng tin cậy của người dân.

Rồi chị bảo, khi được về nhà, việc đầu tiên chị làm sẽ là đến thắp nén nhang cho người cha quá cố, để được khóc cho đỡ ấm ức, cho thỏa nỗi nhớ người cả đời vất vả vì con cháu.

Quả thực, cuộc chiến chống dịch COVID-19 dự báo sẽ còn dài, đội ngũ y, bác sỹ là những chiến sỹ tiên phong trên tuyến đầu, đối diện với bao vất vả, hiểm nguy.

Bên cạnh những vất vả mà họ phải căng mình từ Tết đến giờ để đối mặt với dịch bệnh, những nỗi niềm riêng gác lại thực sự là những hy sinh to lớn, góp phần vào cuộc chiến đấu và chiến thắng “giặc vô hình” COVID-19./.

Bác sỹ kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân số 52. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân số 52. (Ảnh: PV/Vietnam+)