Thông tấn xã Việt Nam

boiduongba-1588140425-16.jpg

Li dn:

Từ thời khắc thiêng liêng của ngày 15/9/1945, khi bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời được Việt Nam Thông tấn xã phát ra thế giới bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp đến nay, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đội ngũ người làm báo Việt Nam Thông tấn xã luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân. Trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, không một chiến trường, một hướng tiến quân, một địa bàn chiến đấu nào vắng bóng phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã.

Suốt cuộc trường chinh, Việt Nam Thông tấn xã luôn coi việc chi viện cho miền Nam, cho Thông tấn xã Giải phóng (cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) là nhiệm vụ thiêng liêng.

Thế hệ người làm báo của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng khi ấy không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử mà còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã lên đường ra trận. Chỉ tính riêng trong kháng chiến chống Mỹ, hơn 240 người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Máu của các phóng viên, kỹ thuật viên thấm trong mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt.

Ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng – hai người anh em ruột thịt, đã chính thức hợp nhất với tên gọi Thông tấn xã Việt Nam. Điều đó đã tạo nên sức mạnh để TTXVN hòa vào khí thế cách mạng chung của dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

GP10 – Từ lớp phóng viên đặc biệt đến chiến trường khốc liệt

Dù chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập kỷ nhưng ký ức về những tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc hành quân, băng mình trên trận địa từ Bắc vào Nam, từ quê hương Việt Nam tới đất bạn Lào, Campuchia để rồi có mặt tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… trong những ngày tháng Tư (1975) lịch sử vẫn vẹn nguyên trong ký ức các phóng viên chiến trường GP10 của Thông tấn xã Việt Nam.

GP10 (Giải phóng-khóa 10) là một trong những lớp phóng viên đặc biệt nhất của Thông tấn xã Việt Nam – lớp phóng viên được đào tạo riêng cho chiến trường, cho “trận đánh cuối cùng” để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ thời điểm bước lên chuyến tàu rời miền Bắc, chi viện cho miền Nam ruột thịt (ngày 16/3/1973), với khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, họ đã sống, chiến đấu như những người lính. Bằng cuốn sổ, cây bút và chiếc máy ảnh, họ đã viết tin, chụp hình phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân dân Việt Nam, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử khi giang sơn thu về một mối.

Bên cạnh đó, với trái tim nhân hậu, góc nhìn nhân văn, các phóng viên GP10 còn ghi lại những cuộc hội ngộ xúc động sau bao năm chia cắt, khổ đau, nụ cười rạng rỡ và giọt nước mắt nghẹn ngào của những con người từng ở hai đầu chiến tuyến.

GP10 là lớp phóng viên được đào tạo riêng cho chiến trường, cho “trận đánh cuối cùng” để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khát vng tui đôi mươi

Đầu năm 1972, chiến sự leo thang. Hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân: “Với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên, đẩy mạnh kháng chiến.”

Trên tinh thần đó, Việt Nam Thông tấn xã tổ chức tuyển chọn, đào tạo lớp phóng viên đặc biệt (GP10) để chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung và Thông tấn xã Giải phóng nói riêng, nhằm đảm bảo cho dòng tin không bị gián đoạn.

Tháng 4/1972, gần 150 sinh viên ưu tú của các trường (Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại giao) được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã, tham gia khóa đào tạo phóng viên chiến trường. Các lớp học được tổ chức tại T6 – một trong những địa điểm sơ tán của Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại huyện Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội).

Gia đình và đồng nghiệp tiễn nhà báo Trần Thanh Xuân (đội mũ) dẫn đầu đoàn phóng viên GP10 vào chiến trường miền Nam. (Ảnh: TTXVN)
Gia đình và đồng nghiệp tiễn nhà báo Trần Thanh Xuân (đội mũ) dẫn đầu đoàn phóng viên GP10 vào chiến trường miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

“Khi đó, chúng tôi đều là những thanh niên ngoài đôi mươi, tràn đầy nhiệt huyết, hòa mình vào tinh thần, khí thế chung (xếp bút nghiên, ra trận, tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt) của thế hệ trẻ bấy giờ,” nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy, nguyên học viên GP10 nhớ lại.

Các học viên GP10 được các cây bút kỳ cựu, dày dặn kinh nghiệm của giới báo chí cách mạng khi đó (như ông Đống Ngạc-thư ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, nhà báo Hoàng Tùng-Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã, nhà báo Trần Thanh Xuân-Phó Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã…) trực tiếp truyền dạy kiến thức, kỹ năng làm báo.

“Ban đầu, chúng tôi cảm thấy có phần gượng gạo bởi nhiều người trong số học viên GP10 năm ấy vốn là sinh viên các chuyên ngành gắn bó với những con số, công thức tính toán nhiều hơn các con chữ và chuyện viết lách (như hóa học, sinh học…). Tuy nhiên, cách truyền đạt dễ hiểu, hướng dẫn triển khai các thể loại tin, bài bằng chính kinh nghiệm thực tế của các giảng viên qua những trường hợp, ví dụ cụ thể đã giúp chúng tôi có hình dung rõ ràng hơn về công việc sắp tới, để nhập cuộc nhanh hơn khi vào chiến trường,” ông Sỹ Thủy kể.

Các học viên GP10 được các cây bút kỳ cựu, dày dặn kinh nghiệm của giới báo chí cách mạng khi đó trực tiếp truyền dạy kiến thức, kỹ năng làm báo.

Trong khoảng sáu tháng tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã, sinh viên Sỹ Thủy năm ấy cùng nhiều người bạn vẫn hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học. Ông bảo: “Trước khi vào chiến trường, chúng tôi đều là những cử nhân. Thời điểm ấy, chúng tôi đều tự dặn lòng, cả dân tộc đang dồn lực cho cuộc kháng chiến, mỗi người đều nỗ lực gấp hai, ba lần, thậm chí nhiều hơn nữa. Vì thế, không có lý do gì để những thanh niên như chúng tôi đứng ngoài ‘guồng quay’ ấy.”

Từ suy nghĩ đó, ban ngày, các học viên GP10 tham gia lớp học nghiệp vụ báo chí. Vào buổi tối và những ngày nghỉ, họ lại trở về với giáo trình đại học, đến các cơ sở thực tế thu thập tư liệu, hoàn thành luận văn tốt nghiệp. “Khát vọng cống hiến, trở về xây dựng quê hương, được làm công việc đúng với chuyên ngành đào tạo sau khi đất nước yên tiếng súng là động lực để tôi vượt qua những mệt mỏi, thiếu thốn của giai đoạn ấy,” ông Thủy chia sẻ.

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người phóng viên chiến trường năm xưa khung cảnh Thủ đô những ngày “rực lửa.” Lặng đi chừng vài phút, ông bảo, giai đoạn cuối năm 1972, từ nơi sơ tán hướng về Hà Nội trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” với tiếng còi hú liên tục, cảnh pháo phòng không sáng rực trời, tiếng máy bay gầm rít, các học viên GP10 đều cảm thấy “lòng nóng như lửa đốt,” muốn khóa học kết thúc thật nhanh để lên đường ra trận, góp sức vào cuộc chiến chung.

Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đim ta nơi hu phương

Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973, các học viên GP10 được trở về quê nhà đón năm mới cùng gia đình. Với họ, đó là cái Tết không thể quên.

Chính chàng sinh viên Nguyễn Sỹ Thủy năm ấy cũng không đoán định trước rằng đám cưới của mình lại diễn ra ngay trong Tết.“Gia đình hiểu rằng, sau lần hội ngộ này, chưa biết đến khi nào tôi mới lại trở về. Bởi vậy, cha mẹ động viên tôi tổ chức đám cưới luôn để tôi có thêm điểm tựa tinh thần nơi hậu phương, ông bà sớm có cháu bồng bế,” nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy nhớ lại.

Cựu học viên GP10 gọi quãng thời gian tham gia chương trình huấn luyện ở Hòa Bình là những ngày ở “thiên đường.”

Vậy là, một đám cưới giản dị nhưng ấm cúng diễn ra ngay trong ngày mùng Hai Tết Quý Sửu 1973 với trầu cau, hoa trái vườn nhà và chiếc phông đỏ dán hình đôi chim câu đấu mỏ vào nhau. Đám cưới giữa thời chiến, đại diện chính quyền xã đến chúc mừng và “quán triệt” tinh thần: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ.”

Phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng đang trao đổi công việc. (Ảnh: TTXVN)
Phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng đang trao đổi công việc. (Ảnh: TTXVN)

Ba ngày sau đám cưới, nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy từ biệt gia đình ở Thái Bình. Các học viên GP10 hội ngộ tại ga Hàng Cỏ để lên đường tới T105-ngôi trường của Ban Thống nhất Trung ương đặt bí mật tại Hòa Bình, để rèn luyện sức khỏe, kỹ năng thực địa.

“Hệ thống loa phóng thanh ở ga liên tục phát nội dung Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong số thanh niên GP10 năm ấy, có những bạn trầm ngâm, chăm chú lắng nghe, có nhóm bạn hồ hởi chia sẻ với nhau kỷ niệm về quê ăn Tết. Một trong những câu chuyện khiến chúng tôi xúc động nhất chính là câu chuyện đám cưới của anh Sỹ Thủy, mừng vì gia đình anh đã có một cái Tết đủ đầy, ấm cúng hơn,” bà Cao Tân Hòa, cựu học viên GP10 chia sẻ.

Sau hồi còi vang vọng, gần 150 học viên GP10 nô nức bước lên tàu. Nhớ lại quãng thời gian tham gia chương trình huấn luyện ở Hòa Bình, bà Hòa gọi đó là những ngày ở “thiên đường.” Bởi lẽ, trong hơn một tháng ấy, bên cạnh việc rèn luyện (đeo gạch hành quân bộ, leo núi, băng rừng…), các học viên GP10 được “tẩm bổ” chu đáo.

“Mỗi lần đến giờ ăn, chúng tôi lại òa lên vì bất ngờ, vỗ tay sung sướng. Sinh viên nghèo vốn chỉ quen với cơm độn bột mỳ, canh ‘không người lái,’ bánh nắp hầm khô khốc (một loại bánh làm từ bột mỳ, sau khi nhào bột, dàn đều lên nắp nồi gang dày rồi đặt lên bếp than hoặc bếp củi để nướng)… Vậy mà nay, chúng tôi được ăn cơm trắng, mỗi bữa đều có khoảng ba món ăn mặn. Thực đơn thay đổi thường xuyên. Đã thế, cán bộ còn liên tục động viên: ‘Nhà báo ăn nhiều vào, ăn thêm nữa đi để lấy sức ra chiến trường, tiến về giải phóng miền Nam.’ Còn gì vui thích hơn!” bà Hòa nhớ lại.

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. (Ảnh: TTXVN)
Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến xe đnh mnh

Sau khi kết thúc khóa học, các học viên GP10 được chia thành ba khối, vượt Trường Sơn tiến về ba hướng: B1-chiến trường Bình Trị Thiên; B2-chiến trường Nam Bộ và B3-chiến trường Trung Trung Bộ.

Chiều 16/3/1973, sân ga Thường Tín có cả nụ cười và nước mắt. “Nhiều người thân, bạn bè ra tiễn chúng tôi lên đường. Thời thanh niên sôi nổi là vậy nhưng chúng tôi vẫn ngập ngừng, e ngại, chẳng dám ôm ghì lấy nhau giữa chốn đông người. Cuộc chia ly chỉ có những cái nắm tay siết chặt, những giọt nước mắt giấu trong chiếc khăn tay và những ánh mắt bịn rịn,” bà Hòa kể.

Bước lên tàu, các học viên GP10 để lại phía sau tất cả quần áo, tư trang cá nhân, thẻ đoàn viên, thư từ của một thời hoa mộng. 

Bước lên tàu, các học viên GP10 để lại phía sau tất cả quần áo, tư trang cá nhân, thẻ đoàn viên, thư từ của một thời hoa mộng. Họ mang theo võng tăng, khoác lên người chiếc balô con cóc, mũ tai bèo…

Đến điểm trung chuyển ở Thanh Hóa, những chiếc xe Zil mui trần tiếp tục chở những nhà báo trẻ đầy nhiệt huyết vượt Trường Sơn. Đến đầu tháng 4/1973, đoàn GP10 đã cách Hà Nội khoảng 1.000km, phần lớn đi đường rừng.

Những bức ảnh quý giá thời mới vào chiến trường miền Nam của nhà báo Triệu Thị Thùy - cựu học viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã. (Ảnh: TTXVN)
Những bức ảnh quý giá thời mới vào chiến trường miền Nam của nhà báo Triệu Thị Thùy – cựu học viên GP10 của Việt Nam Thông tấn xã. (Ảnh: TTXVN)

“Ban đầu, chúng tôi còn hào hứng chia nhau đếm xem mình đã đi qua bao nhiêu ngọn núi cao, con suối sâu, đoạn cua gấp; nhưng rồi, nhiều quá, không thể đếm xuể. Nhiều lúc, chúng tôi không dám nhìn sang hai bên bởi một bên là núi cao cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm, chỉ thấy thấp thoáng những ngọn cây. Tây Nguyên nắng rát, khiến anh em đều thấm mệt, nhiều người ôm balô ngủ gật. Thỉnh thoảng, chúng tôi bị đánh thức bởi hiệu lệnh (‘cúi xuống’ hay ‘nghiêng đầu sang trái,’ ‘ghé đầu sang phải’) của chiến sỹ lái xe để tránh những cành cây hai bên đường,” ông Hoàng Đình Chiến, cựu học viên GP10, kể lại.

Sự cố bất ngờ xảy ra sau hơn nửa tháng rời Hà Nội. Một chiếc xe khác chở đoàn phóng viên B2 gặp nạn. Ông Hoàng Đình Chiến nghẹn ngào nói: “Đó là một ngày đau buồn, khắc sâu trong tim chúng tôi nỗi đau chia lìa vĩnh viễn. Chúng tôi vẫn biết ra trận là hy sinh, mất mát. Thế nhưng, khi ấy, chúng tôi vẫn là những thanh niên trẻ trung, tràn đầy sức sống. Lần đầu tiên chứng kiến đồng nghiệp, đồng chí vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu, chúng tôi không khỏi bàng hoàng.”

Lúc đó là khoảng 10 giờ ngày 2/4/1973. Xe chở nhóm phóng viên B2 bị đổ ở gần thị xã Mường Mày (tỉnh Attapeu, Lào). Hai phóng viên Phạm Thị Kim Oanh và Trần Viết Thuyên cùng ông Lâm Văn Bang (cán bộ miền Nam tập kết) đã vĩnh viễn ra đi. Nhiều người bị thương nặng, phải chuyển ra Bắc và trở thành những thương binh: Nguyễn Văn Huê, Nguyễn Thu Hương, Đoàn Văn Đức…

Những phóng viên trẻ đã không thể vào tới chiến trường như ước vọng ngày lên đường. Khi chứng kiến các bạn ra đi, tim người may mắn sống sót như thắt lại. Ông Hoàng Đình Chiến và những đồng nghiệp GP10 năm ấy tự hứa với lòng mình rằng sẽ phải cố gắng hơn, làm nhiều hơn để thay các bạn hoàn thành nhiệm vụ.

Thế hệ phóng viên GP10 đã góp phần quan trọng để giữ cho dòng tin không bị gián đoạn giữa chiến trường khốc liệt.

Từ biệt những người bị thương nặng phải ở lại điều trị, nhóm phóng viên GP10 tiếp tục lên đường. “Chúng tôi lội bộ xuyên rừng qua những cung đường mòn Trường Sơn. Trước khi vượt sông Sekon, chúng tôi lấy nhật ký ra đọc lại rồi thả tất cả trôi theo dòng nước siết. Tuổi đôi mươi là vậy! Chúng tôi muốn để lại phía sau tất cả những ưu tư, lo lắng, bi thương để nhập cuộc,” nhà báo Hoàng Đình Chiến nói.

Với tâm thế ấy, thế hệ phóng viên GP10 đã góp phần quan trọng để giữ cho dòng tin không bị gián đoạn giữa chiến trường khốc liệt./.

Điện báo viên B8 đang thu phát tin. Ảnh: TTXVN
Điện báo viên B8 đang thu phát tin. Ảnh: TTXVN

Trước yêu cầu của cách mạng, bên cạnh nhiệm vụ thông tin nhanh, đúng định hướng, góp phần quan trọng vào việc cổ vũ tinh thần quân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thế hệ người làm báo Thông tấn xã Việt Nam khi ấy còn trực tiếp cầm súng chiến đấu như những chiến sỹ kiên cường, sẵn sàng hy sinh để bảo toàn căn cứ.

Ni nim n nhà báo nơi rng sâu

“Những phóng viên nữ được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã khi ấy cũng không hề bị bắt buộc ra mặt trận. Thế nhưng, khi cả dân tộc đang ‘căng mình’ chi viện cho miền Nam, chúng tôi không thể ngồi yên! Nhiều câu chuyện về những cô gái bị sốt rét rừng hành hạ, vết thương chi chít trên cơ thể, mái tóc óng ả của thiếu nữ trở nên xác xơ… không thể ngăn cản chúng tôi viết đơn tình nguyện đi B,” nữ nhà báo Minh Huệ, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ chia sẻ.

Đường Trường Sơn, “tuyến lửa” huyền thoại thử thách ý chí và bản lĩnh con người, đặt phóng viên chiến trường vào những hoàn cảnh khắc nghiệt.

Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: TTXVN)
Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Nhà báo Cao Tân Hòa, cựu học viên GP10 nhớ lại, khoảng hơn 10 ngày từ khi rời Hà Nội (16/3/1973), chiếc xe chở nhóm phóng viên B3 vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng gặp nạn trên đường Hồ Chí Minh. Nữ phóng viên Cao Tân Hòa bị thương nặng, phải ở lại điều trị tại một binh trạm thuộc Bộ Tư lệnh 559 trong gần một tháng. Bác sỹ quân y kết luận bà bị chấn thương sọ não, cần chuyển về tuyến sau điều trị.

“Nghe xong, tôi thấy mọi thứ chao đảo trước mắt mình. Không lẽ, vào đến đây rồi, tôi lại phải quay về? Cuộc hành trình mới của tôi mới bắt đầu không lâu và tôi không muốn phải dừng lại! Khát vọng lên đường thôi thúc tôi thuyết phục các bác sỹ cho phép tiếp tục điều trị tại binh trạm, để sau khi hồi phục, tôi có thể thuận tiện lên đường làm nhiệm vụ. Lúc ấy, tôi thiết nghĩ, nếu trí óc bị ảnh hưởng, không thể làm phóng viên lấy tin, viết bài, tôi vẫn có thể góp sức vào cuộc chiến chung bằng những công việc khác như phục vụ hậu cần, chăm sóc thương binh,” bà Hòa kể lại.

Đường Trường Sơn, “tuyến lửa” huyền thoại thử thách ý chí và bản lĩnh con người, đặt phóng viên chiến trường vào những hoàn cảnh khắc nghiệt.

Với chiếc balô, mũ tai bèo và gậy Trường Sơn, các nữ phóng viên chiến trường đã lội suối, băng rừng. Dưới đại ngàn Tây Nguyên, những cô gái tuổi đôi mươi đã đi đến tận cùng những cung bậc cảm xúc: Yêu thương, sẻ chia, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi…

“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt, bên mưa quây…” Bà Hòa vừa lẩm nhẩm câu hát vừa bảo, nếu chưa trải nghiệm thực tế, sẽ rất khó để hình dung được sự khắc nghiệt của thời tiết. “Khi vừa trải qua những ngày hành quân mệt nhoài dưới cái nắng như đổ lửa cuối mùa khô ở Đông Trường Sơn, chúng tôi lại dầm mình giữa những cơn mưa tầm tã của Tây Trường Sơn. Ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa… đã trở thành điều bình thường trên đường hành quân vào vùng chiến sự,” người phụ nữ từng trải qua một thời đạn bom nhớ lại.

Miên man trong câu chuyện, bà bảo, chỉ phụ nữ mới thấu hiểu nỗi vất vả khi “đến tháng” mà phải ở vào hoàn cảnh thiếu nước. Sau những chặng hành quân, việc được dừng chân ở gần bờ suối là điều lý tưởng. Còn nếu dừng lại ở lưng chừng đèo hay vách núi thì ôi thôi… là khổ! Chị em chỉ còn cách cuốn vải xô lại, mang theo đến nơi có nguồn nước thì lấy ra giặt.

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)
Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã tham gia đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Tay súng-tay bút, tay súng-tay máy

“Vào miền Nam, chúng tôi không chỉ là nhà báo viết tin, chụp ảnh, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng mà còn trực tiếp cầm súng chiến đấu, bảo vệ căn cứ, tham gia tải gạo, làm rẫy, tăng gia sản xuất…,” nhà báo Vương Nghĩa Đàn, cựu học viên khóa GP10 nhớ lại.

Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng có mặt trong tất cả các chiến dịch lớn, ở những địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất, luồn sâu vào vùng địch, trong ấp chiến lược.

Nhà báo Hứa Kiểm-một trong những tay máy nòng cốt của tổ ảnh quân sự đã kiên cường bám trụ ở “tuyến lửa” Vĩnh Linh, “cung đường lửa”-Đường 20 Quyết thắng…

Ngược dòng thời gian, cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm kể, vào đầu năm 1966, một tuyến đường mới dài hơn 120km (Đường 20) được mở, bắt đầu từ thôn Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình), vắt ngang dãy Trường Sơn, gặp Đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm (Khăm Muộn, Lào). Đây là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng có mặt trong tất cả các chiến dịch lớn, ở những địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất, luồn sâu vào vùng địch, trong ấp chiến lược.

Bởi vậy, đến trước thời điểm Hiệp định Paris được ký kết, Đường 20, đặc biệt là cụm trọng điểm liên hoàn ATP (gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) trở thành mục tiêu đánh phá tàn khốc của đế quốc Mỹ.

Theo lời kể của ông, trong giai đoạn nửa cuối năm 1966, có ngày, địch cho máy bay B52 quần thảo khu vực này tới 18 lần. Sự tàn phá của địch khiến nơi đây hoang tàn như vùng đất chết: Cây cối cháy rụi, rừng già biến thành đồi trọc, vùng đất đỏ biến thành ao bùn lầy…

“Vượt lầy” góp phần quan trọng làm nên ý nghĩa của bộ ảnh “Đường 20 Quyết ThắngThắng.” Với bộ ảnh này, cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
“Vượt lầy” góp phần quan trọng làm nên ý nghĩa của bộ ảnh “Đường 20 Quyết ThắngThắng.” Với bộ ảnh này, cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Để có được những bức ảnh ghi lại cảnh những đoàn xe, chiến sỹ vượt qua những đoạn đường lầy, nhà báo Hứa Kiểm cũng phải lội bùn hàng giờ. Những lớp bùn nhầy nhụa, bết dính khiến cho công việc càng trở nên khó khăn. Ông càng cố giơ máy lên cao thì lại càng bị kéo lún xuống, lúc cúi thấp để chụp thì lại sợ bùn bắn lên làm hỏng máy. “Giữa chiến tranh, phương tiện kỹ thuật hạn chế, một chiếc máy ảnh quý giá lắm,” ông Kiểm nói.

Trong thời chiến, việc thu thập thông tin, chụp được những bức ảnh đã khó, việc phát tin, in ảnh, gửi về tổng xã còn khó khăn gấp nhiều lần.

Nhà báo Hứa Kiểm nhớ lại, giữa rừng sâu, khi tráng phim, in ảnh, phóng viên phải chui vào màn để tránh không bị muỗi, côn trùng bám vào làm hỏng phim. Ở nhiều nơi, anh em còn phải tự đào giếng để lấy nước sinh hoạt, làm ảnh.

Ngoài ra, do không có phòng tối, những chiến sỹ trên mặt trận thông tin phải đợi khi màn đêm buông xuống mới có thể mang phim ra tráng. “Không ít lần, khi tôi đang in, tráng ảnh thì máy bay địch quần thảo trên đầu. Tôi được lệnh vào hầm trú ẩn. Lúc trở lại, tất cả số phim đã tan tành theo đạn bom. Ngoài ra, trong hang, độ ẩm không khí cao nên phim cũng bị hỏng nhiều. Phóng viên và kỹ thuật viên phải dùng máy quay tay phát điện để gửi về tổng xã, có khi cặm cụi cả buổi cũng chỉ gửi được một tấm ảnh,” ông Kiểm nhớ lại một thời gian khó.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, khoảng 240 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã ngã xuống trên khắp các mặt trận từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN)
Bộ phận điện vụ của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN)

Ông Vũ Tiến Cường, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng cho biết sau những trận càn của địch, có những phân xã đã hy sinh toàn bộ, điển hình như phân xã Nam Tây Nguyên có năm phóng viên, kỹ thuật viên đều hy sinh trong năm 1969. Ngoài ra, có nhiều căn cứ (phân xã Kiên Giang, phân xã Long An…) liên tục bị địch càn quét nhằm ngăn cản việc cung cấp thông tin về tình hình chiến sự cho Trung ương Cục miền Nam và các cơ quan báo chí trong, ngoài nước.

Việt Nam Thông tấn xã luôn coi việc chi viện cho miền Nam, cho Thông tấn xã Giải phóng là nhiệm vụ thiêng liêng. Trong khoảng thời gian từ năm 1959-1975, Việt Nam Thông tấn xã đã cử gần 450 phóng viên, kỹ thuật viên vào chiến trường miền Nam, chưa kể những đoàn phóng viên đi các chiến dịch.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, khoảng 240 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã ngã xuống trên khắp các mặt trận từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Bên cạnh đó, Việt Nam Thông tấn xã còn tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc cho Thông tấn xã Giải phóng. Để chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyển biến mới ở miền Nam, tháng 3/1973, một đoàn xe chở lượng lớn trang thiết bị kỹ thuật (bao gồm máy phát sóng 500W, máy truyền ảnh, máy truyền chữ…) đã khởi hành từ Hà Nội theo đường giao liên vượt Trường Sơn vào căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng. Nhờ đó, khả năng cung cấp thông tin, uy tín, vị thế của Thông tấn xã Giải phóng được nâng lên.

Trong buổi làm việc với Việt Nam Thông tấn xã (ngày 26/3/1974), bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã biểu dương sự chi viện, giúp đỡ của Việt Nam Thông tấn xã đối với Thông tấn xã Giải phóng để đơn vị này ngày càng phát triển, góp phần thông tin, tuyên truyền cho nhân dân trong nước và dư luận quốc tế hiểu được tính chính nghĩa trong cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam. Việc tiếp sức này càng có ý nghĩa to lớn khi đặt trong hoàn cảnh Việt Nam Thông tấn xã vừa phải xây dựng, bảo đảm thông tin vừa phải chiến đấu để bảo toàn, giữ vững lực lượng lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật để tin, ảnh của hai cơ quan thông tấn không bị gián đoạn./.

Tiến về Sài Gòn – Những bản tin, hình ảnh mang tính sử liệu

Bước sang năm 1975, toàn ngành dồn sức chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với các phóng viên, kỹ thuật viên đang có mặt ở miền Nam, Việt Nam Thông tấn xã tiếp tục cử thêm nhiều cán bộ chi viện cho miền Nam, sẵn sàng ghi lại những khoảnh khắc lịch sử.

Dù nhân vật, sự kiện, bối cảnh nào xuất hiện trong những bản tin, khuôn hình của phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng gửi về từ tuyến lửa thì ẩn sau đó vẫn là khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.

Thn tc tiến v Sài Gòn

Từ giữa tháng 3/1975, trước tình hình chiến sự dồn dập, các tổ phóng viên cơ động của Việt Nam Thông tấn xã liên tục được huy động vào mặt trận.

Bám sát các binh đoàn chủ lực, những người làm báo Thông tấn xã Việt Nam khi ấy đã có mặt ở các thành phố, thị xã mới được giải phóng suốt từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Bình Định, Phước Long…

Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Đặc biệt, ngày 2/4/1975, một đoàn công tác đặc biệt do nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã, dẫn đầu đã xuất phát, tiến vào chiến trường để phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng đưa tin, ảnh về chiến thắng của quân dân ta. Ngày 9/4/1975, đoàn tới căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh.

“Chỉ cần nghe thấy bốn chữ ‘Giải phóng Sài Gòn,’ chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để băng rừng, vượt suối. Số phận, nghề nghiệp đã cho tôi may mắn được có mặt chứng kiến những bước ngoặt quan trọng, thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc giữa lòng Sài Gòn 45 năm trước,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh hồi tưởng.

Nhờ đó, những phóng viên chiến trường đã có những bản tin, bài viết, bức ảnh mang tính sử liệu, gắn với những bước ngoặt lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Nhà báo Thanh Bền - cựu phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: TTXVN)
Nhà báo Thanh Bền – cựu phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: TTXVN)

Ngược dòng thời gian, nhà báo Nguyễn Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng nhớ lại: “Đầu tháng 4/1975, tình hình trở nên gấp rút. Sáng ngày 6/4 năm ấy, nhà báo Trần Thanh Xuân, Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng đã triệu tập tôi cùng bốn thành viên khác để thành lập tổ Thông tấn xã Giải phóng đầu tiên xuống đường phố Sài Gòn thu thập thông tin, ghi nhận, phản ánh tình hình, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân dân ta. Lúc đó, tim tôi như nghẹn lại vì sung sướng. Tôi hiểu rằng, ngày toàn thắng đã rất gần.”

Nhà báo Thanh Bền cho biết, trong cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc của quan ta, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng luôn sát cánh bên nhau trong từng mũi tiến công; cùng có mặt tại các trận đánh và trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

“Hành quân tới đâu, phóng viên tin tranh thủ tốc ký, ghi nhận tình hình, phóng viên ảnh tranh thủ thu vào ống kính từng khoảnh khắc quý giá bởi thời gian, sự kiện… là những thứ ‘một đi không trở lại.’ Trong khi đó, các điện báo viên lại căng ăngten, mở đài, kết nối với tổng xã để truyền tin, ảnh cập nhật tình hình,” nhà báo Thanh Bền kể.

Từ căn cứ Tây Ninh, do xe ôtô bị hư hỏng nặng, nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã trực tiếp cử phóng viên tin Trần Mai Hạnh và phóng viên ảnh Văn Bảo dùng xe máy tiến về Sài Gòn với yêu cầu bằng mọi giá phải đến được Dinh Độc Lập để có ảnh và bài tường thuật về giờ phút toàn thắng.

Phóng viên chiến trường đã có những bản tin, bài viết, bức ảnh mang tính sử liệu, gắn với những bước ngoặt lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Trên đường đi, chiếc xe máy bị thủng lốp. Không còn cách nào khác, hai phóng viên chia nhau người dắt, người đẩy xe, theo dấu lốp ôtô trên đường để đuổi theo đoàn quân phía trước, tiến về Sài Gòn.

“Dọc theo cuộc chiến, chúng tôi đã vượt qua bao bom đạn, hiểm nguy rình rập, từng hành quân bộ dài ngày, đẩy xe cả chục km để giúp lái xe vượt qua những trảng cây ngút ngàn giữa rừng già. Lần này, chúng tôi đã vượt cả nghìn km từ Hà Nội vào đây, không thể để lỡ giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn. Đó là động lực để tôi và anh Văn Bảo mải miết băng rừng, đuổi theo đoàn quân phía trước,” nhà báo Trần Mai Hạnh kể.

Thời điểm hai phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã tới được cửa ngõ Sài Gòn là 12 giờ đêm 29/4/1975.

Nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (giữa) tiễn hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975 lên đường tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)
Nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (giữa) tiễn hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975 lên đường tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

Nhng bc nh, bn tin lch s

Đêm cuối cùng của chiến tranh, không gian ầm vang âm thanh của nhiều loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng-Tây Ninh, tiếng trọng pháo gầm thét, chớp lửa rực sáng bầu trời phía Đông Nam. “Có lẽ, đêm ấy, nhiều người đã không thể chợp mắt bởi cảm giác hồi hộp, xúc động, mừng vui, háo hức xen lẫn lo lắng bao phủ tâm trí,” nhà báo Thanh Bền trải lòng.

Sáng 30/4/1975, tổ mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã (gồm các phóng viên Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái) đã bám sát Quân đoàn 2 tiến vào dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Cùng với mũi thọc sâu của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203, tổ mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam là những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Cùng với mũi thọc sâu của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203, họ là những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, thu thập được những tư liệu chân thực, ghi lại những hình ảnh mang tính lịch sử về sự kiện này, trong đó có bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập” của nhà báo Trần Mai Hưởng, được sử dụng rộng rãi như một trong những biểu tượng của ngày chiến thắng.

Ảnh chụp Bản tin Đấu tranh Thống nhất sáng 1/5/1975 đăng bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” phát báo đêm 30/4/1975 của nhà báo Trần Mai Hạnh. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)
Ảnh chụp Bản tin Đấu tranh Thống nhất sáng 1/5/1975 đăng bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” phát báo đêm 30/4/1975 của nhà báo Trần Mai Hạnh. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

Thực hiện nhiệm vụ do nhà báo Đào Tùng (Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã) giao phó, trưa 30/4/1975, hai phóng viên Trần Mai Hạnh, Văn Bảo cũng đã có mặt tại Dinh Độc Lập. “Khi vừa tới nơi, ngay lập tức, tôi tìm hiểu các dữ kiện: chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập lúc mấy giờ? Chiến sỹ cắm cờ quân giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập tên là gì? Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào?… Sau đó, tôi ra bến cảng Sài Gòn để viết bài tường thuật về sự kiện trọng đại,” nhà báo Trần Mai Hạnh nhớ lại.

Bài tường thuật có nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” của phóng viên Trần Mai Hạnh được đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã phát đêm 30/4/1975, được đọc trong bản tin thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam trưa 1/5/1975. Sau đó, nhan đề bài tường thuật được đổi thành “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” và đăng trang trọng trên Báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2/5/1975 chào mừng đất nước thống nhất.

Thời gian đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng ký ức về buổi sáng lịch sử ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm. Ông kể, từ các ngõ phố, người dân tay cầm cờ đỏ sao vàng, cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra. Trên khắp các ngả đường, người cười, người khóc, nghẹn ngào xúc động, cùng nhau hô vang: “Hòa bình rồi! Thống nhất rồi! Hết chiến tranh rồi!”

Ông bảo, dù không ghi lại được khoảnh khắc xe tăng của quân ta tiến vào Dinh Độc Lập nhưng ông đã kịp chụp lại hình ảnh người dân nô nức đón chào quân giải phóng. Với ông, đó là bức ảnh kết thúc chiến tranh.

Vào lúc 12 giờ ngày 30/4/1975, đoàn cán bộ Thông tấn xã Giải phóng do Giám đốc Trần Thanh Xuân dẫn đầu cũng đã có mặt tại Sài Gòn để tiếp quản Việt Tấn xã – cơ quan thông tấn của nguỵ quyền Sài Gòn.

Phóng viên TTXVN Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được hình ảnh xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Phóng viên TTXVN Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được hình ảnh xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Nt lng trong bn hòa ca

Theo lời kể của nhà báo Trần Mai Hưởng, ngay sau khi ghi lại những hình ảnh lịch sử tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, ông cùng phóng viên Vũ Tạo mượn chiếc xe máy của Đại tá Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, để đi tới những địa điểm khác trong thành phố nhằm ghi lại khung cảnh Sài Gòn ngày giải phóng.

Dấu vết của một cuộc tháo chạy tán loạn hiện rõ qua khung cảnh tan hoang, giấy tờ bừa bộn, xe cộ ngổn ngang ở Đại sứ quán Mỹ, nha cảnh sát, Phủ Thủ tướng nguỵ quyền Sài Gòn… Trong khi đó, ở khu vực đường Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, nhiều bà mẹ đã không cầm được nước mắt, ôm những đứa con thơ, khóc nức nở.

Trong ngày đại thắng, bên cạnh niềm hạnh phúc vỡ, có những phóng viên đã nén nỗi lo, nước mắt sợ hãi vào trong để hoàn thành công việc.

Ngay trong đêm 30/4/1975, phần lớn phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng tham gia các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đã hội ngộ trong niềm hân hoan.

Để dòng thông tin không bị gián đoạn, họ lại lập tức bắt tay vào công việc, viết bài tường thuật về việc giải phóng, tiếp quản các cơ sở. Thông tin từ các cánh quân, phân xã, phân khu dồn dập chuyển về căn cứ ở Tây Ninh. Tại đây, Tổng biên tập Đào Tùng đã huy động toàn bộ lực lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia vào việc xử lý thông tin để chuyển về Hà Nội.

Trong ngày đại thắng, bên cạnh niềm hạnh phúc vỡ, có những phóng viên đã nén nỗi lo, nước mắt sợ hãi vào trong để hoàn thành công việc. Tại căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng ở Tây Ninh, nhà báo Vương Nghĩa Đàn thấp thỏm lo âu. Đến 30/4/1975, khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, người bạn đời của bà (nhà báo Vũ Long Sơn) theo một đơn vị đặc công ra trận từ trước đó vẫn chưa trở về.

Phóng viên ảnh Vũ Tạo của TTXVN đã chụp được hình ảnh lịch sử các chiến sỹ Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh Vũ Tạo/TTXVN)
Phóng viên ảnh Vũ Tạo của TTXVN đã chụp được hình ảnh lịch sử các chiến sỹ Quân đoàn 2 – Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh Vũ Tạo/TTXVN)

“Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Tôi chỉ cắm cúi làm việc, né tránh mọi lời thăm hỏi, động viên. Nước mắt lúc nào cũng chỉ trực trào ra. Biết lòng tôi rối bời, dáng vẻ thất thần, các đồng nghiệp, những người xung quanh cũng tránh nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi đau đớn hình dung đến trường hợp xấu nhất và xót xa nghĩ: ‘Ngày đất nước thống nhất, bao gia đình sum họp, lẽ nào, tôi mất anh?’ Nhiều lần, tôi phải dùng lý trí để bật dậy, tự đánh, cấu vào người mình cho tỉnh, để thoát ra khỏi tâm trạng tồi tệ,” bà Đàn trải lòng.

Thế rồi, hạnh phúc đã mỉm cười với bà. Đến trung tuần tháng 5/1975, nhà báo Vũ Long Sơn trở về, mang theo rất nhiều cuộn phim đã chụp. Ông kể lại, sau ngày 30/4/1975, ông say sưa đi khắp các tỉnh Nam Bộ để ghi lại không khí hân hoan, niềm vui chiến thắng. “Đó cũng là công việc, nhiệm vụ của người lính trên mặt trận thông tin. Sau những ngày khắc khoải lo lắng, tôi thấy ấm lòng vì cả hai chúng tôi đều đã góp sức mình vào thắng lợi chung của dân tộc,” nữ phóng viên chiến trường năm xưa bồi hồi chia sẻ./.

TTXVN: Tiếp nối truyền thống, vững bước tương lai

Suốt chặng đường gần 75 năm đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) không ngừng lớn mạnh, phát triển vượt bậc về cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, điều hành thông tin và đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng.

Đội ngũ người làm báo TTXVN đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành để giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận thông tin-tư tưởng, bảo đảm thông tin thông tấn là dòng thông tin chủ lưu, liên tục và chuẩn xác, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, là nguồn thông tin phong phú và tin cậy cho các cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế cũng như độc giả trên khắp thế giới.

Để hiểu rõ hơn về vai trò, đóng góp của TTXVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như định hướng phát triển của TTXVN trong tương lai, VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN.

Trong suốt 75 năm đồng hành cùng dân tộc, Việt Nam Thông tấn xã – VNTTX (nay là Thông tấn xã Việt Nam – TTXVN) đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xin Tổng giám đốc cho biết vai trò của VNTTX và Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được thể hiện như thế nào?

Trước tiên, tôi phải khẳng định, để nói về đóng góp của VNTTX và TTXGP, sau này hợp thành TTXVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước phải cần nhiều thời gian và rất nhiều trang giấy. Khuôn khổ cuộc phỏng vấn này không cho phép tôi nêu được đầy đủ và toàn diện.

Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn về vai trò của VNTTX ở miền Bắc và của TTXGP ở miền Nam trong giai đoạn lịch sử này ở ba hoạt động đặc biệt. Đó là đưa phóng viên lên tuyến đầu, cung cấp thông tin mật phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cung cấp thông tin thời sự từ chiến trường và từ bàn đàm phán. “Cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước” là đánh giá ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa mà Bộ chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho TTXVN thời kỳ đó.

Về hoạt động đưa phóng viên lên tuyến đầu, đội ngũ đông đảo những người làm báo của VNTTX và TTXGP thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Họ dũng cảm xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bằng ngòi bút, máy ảnh, máy quay và bằng cả vũ khí, để dòng chảy thông tin của TTXVN không một phút ngừng nghỉ. Họ thực sự là những tấm gương về đức hy sinh, sự tận tâm với nghề, cần cù và sáng tạo. Bất chấp nguy hiểm, nhiều phóng viên tin, phóng viên ảnh và kỹ thuật viên đã lên đường ra mặt trận.

Không chỉ thực hiện công tác thông tin, nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật TTXGP còn trực tiếp tham gia nhiều trận đánh cùng Quân Giải phóng. Theo thống kê chưa đầy đủ, TTXGP có hơn 240 nhà báo và kỹ thuật viên hy sinh, tương đương gần 50% tổng biên chế của TTXGP vào cuối năm 1974. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trong các cánh rừng, hài cốt đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Đó là tổn thất nặng nề, song cũng chính là đóng góp vô giá của TTXGP đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, TTXGP có hơn 240 nhà báo và kỹ thuật viên hy sinh, tương đương gần 50% tổng biên chế của TTXGP vào cuối năm 1974.

Thứ hai, về hoạt động cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời chiến: Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, TTXVN đã tận dụng tất cả các lợi thế của mình để khai thác được từ nhiều nguồn, như thông tin của phóng viên chiến trường về những động thái bất thường của bên kia chiến tuyến, thông tin của hệ thống các phóng viên thường trú TTXVN ở nước ngoài gửi về và thông tin mà đội ngũ ở Tổng xã thường xuyên theo dõi và khai thác từ đài phát thanh và các hãng thông tấn phương Tây.

Từ các báo cáo mật chứa đựng nhiều thông tin quý giá của TTXVN, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thêm cơ sở để dự báo và ra các quyết sách mang lại chiến thắng cho Việt Nam trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Điều này giải thích tại sao các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Tố Hữu và nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã từng nhiều lần đến thăm và làm việc tại các trụ sở của TTXVN.

Đồng chí Lê Văn Lương (nguyên Bí thư Khu ủy Tả Ngạn, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã có lần dành cả ngày ở TTXVN và đã nói với lãnh đạo TTXVN: “Nguồn tin của các anh quan trọng lắm. Bộ Chính trị coi đây là nguồn tin chiến lược, bổ sung và thẩm định các nguồn tin riêng của Trung ương, giúp Đảng hoạch định quyết sách đúng trong chiến tranh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường đến TTXVN vào thời điểm trước các trận đánh lớn như Xuân Mậu Thân 1968, Quảng Trị 1972.

Từ các báo cáo mật chứa đựng nhiều thông tin quý giá của TTXVN, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thêm cơ sở để dự báo và ra các quyết sách mang lại chiến thắng cho Việt Nam trên chiến trường và trên bàn đàm phán.

Thứ ba là hoạt động cung cấp thông tin thời sự. Quan điểm của TTXVN là thông tin thời chiến phải kịp thời và có lợi cho đất nước, không được gây hoang mang cho nhân dân và chiến sĩ, đồng thời thông tin phải khách quan để thế giới thấy rõ bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong thời kỳ chiến sự ác liệt “vừa đánh, vừa đàm”, thông tin từ phóng viên chiến trường miền Nam của TTXGP và thông tin của các phóng viên VNTTX có mặt tại các sự kiện chính trị-ngoại giao lớn của đất nước, như đàm phán Hiệp định Paris, đặc biệt có giá trị.

Bên cạnh đó, VNTTX còn thực hiện hiệu quả thông tin về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc. Mặc dù số lượng cán bộ thời kỳ đó còn ít ỏi, song VNTTX không bỏ sót thông tin quan trọng nào.

Tôi có thể khẳng định, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước là giai đoạn hào hùng và đáng tự hào nhất của TTXVN và đây là niềm tự hào chung của tất cả các thế hệ nhà báo thông tấn.

– Trong suốt cuộc trường chinh của dân tộc, VNTTX luôn coi việc chi viện nhân lực cho miền Nam, cho TTXGP là nhiệm vụ thiêng liêng để giữ vững mạch máu thông tin. Điều đó được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

Chi viện cho miền Nam, cho TTXGP ruột thịt là nhiệm vụ thiêng liêng của VNTTX.

Chúng ta cần nhắc lại giai đoạn lịch sử của năm 1959, năm mở đầu phong trào Đồng khởi của nhân dân ta ở miền Nam. Khi đó, rất cần có một cơ quan thông tin để kịp thời phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt đó. Sau một thời gian tập hợp lực lượng và chuẩn bị phương tiện, lúc 19 giờ ngày 12/10/1960, bản tin đầu tiên của TTXGP được phát đi, với tiêu đề “Giải phóng xã” và dòng chữ “Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam,” thông báo với nhân dân trong nước và thế giới cuộc đồng khởi của đồng bào miền Nam phá thế kìm kẹp của địch.

Sự ra đời của TTXGP đã khai thông liên lạc miền Bắc với miền Nam trên làn sóng điện.

TTXGP trở thành cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, thực hiện nhiệm vụ thông tin và phổ biến kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào, phản ánh khí thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng ở miền Nam và sau này là sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn.

Sự ra đời của TTXGP đã khai thông liên lạc miền Bắc với miền Nam trên làn sóng điện. Kể từ ngày lịch sử đó, bản tin của TTXGP phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày. Cũng từ ngày đó, trên các báo ở miền Bắc và thế giới có nguồn tin TTXGP. Qua VNTTX ở Hà Nội, bản tin TTXGP được đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng ở miền Bắc, được phát đi thế giới với tên viết tắt là “LPA.”

Cũng từ sau ngày 12/10/1960, các đợt chi viện nhân lực và thiết bị cho TTXGP liên tiếp được VNTTX tổ chức thực hiện. Đặc biệt, khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ và leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, VNTTX bước vào cuộc chiến đấu mới, một mặt vừa tổ chức lực lượng, chuẩn bị cơ sở dự phòng, tăng cường trang thiết bị, vừa tiếp tục chi viện cho TTXGP ruột thịt, vừa mở rộng thông tin đối nội và đối ngoại. Lực lượng lãnh đạo và hàng trăm phóng viên tin, ảnh, kỹ thuật viên nối tiếp nhau vào mặt trận đã đảm bảo cho TTXGP không bỏ sót thông tin về mặt trận nào.

Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho TTXGP, VNTTX còn đào tạo phóng viên, kỹ thuật viên, cử cán bộ lãnh đạo tham gia chiến trường. Từ năm 1959-1975, VNTTX đã cử vào chiến trường gần 450 người.

Với lực lượng cán bộ đông đảo, TTXGP xây dựng cơ cấu tổ chức thành các phòng biên tập tin đối nội, đối ngoại, thế giới, nhiếp ảnh, điện vụ kỹ thuật, văn phòng, tổng hợp, in ấn, giao liên, phát hành. Hàng ngày, TTXGP in và phát hành trên 400 bản tin các loại như tin phổ biến, tin nhanh, tin đặc biệt, tài liệu tham khảo.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, để chuẩn bị đón thời cơ mới, theo lệnh của Trung ương Cục miền Nam, TTXGP nhanh chóng dời căn cứ Kađôn trở về căn cứ cũ tại Phum Cháy, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, TTXGP được VNTTX chi viện một đoàn quân mới, lớp GP10, gồm 100 phóng viên, biên tập viên, điện báo viên và cán bộ kỹ thuật, do đồng chí Trần Thanh Xuân, Phó Giám đốc VNTTX làm trưởng đoàn, cùng 14 xe vận tải chở hành chục tấn máy móc, thiết bị thông tin.

Khi tiếng nổ ran của băng pháo dài từ nóc nhà số 5 Lý Thường Kiệt thả xuống, cũng là lúc tiếng reo hò của quần chúng vang lên làm nức lòng người. Đó cũng là tiếng pháo đầu tiên ở Hà Nội mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, đồng chí Đào Tùng, Giám đốc VNTTX, đích thân từ Hà Nội dẫn đầu một lực lượng cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật giỏi tăng cường vào Nam. Phóng viên VNTTX và TTXGP sát cánh bên nhau trên từng mũi tiến quân, có mặt ở tất cả các địa phương trong cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc đó, đặc biệt có mặt trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chính họ là một số trong những phóng viên ghi nhận và phát đi những thông tin và hình ảnh về sự đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh.

Mỗi khi đọc lại các trang sử TTXVN viết về ngày 30/4/1975, các nhà báo thông tấn ngày nay đều trào dâng niềm xúc động và tự hào. Khi lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên VNTTX và TTXGP ở Sài Gòn chứng kiến sự cáo chung của nội các Dương Văn Minh và tường thuật bằng tin, bài, hình ảnh thì tại Hà Nội, trước cửa trụ sở VNTTX ở số 5 Lý Thường Kiệt, nhân dân đứng đông như trong ngày hội chờ tin giải phóng Sài Gòn. Khi tiếng nổ ran của băng pháo dài từ nóc nhà số 5 Lý Thường Kiệt thả xuống, cũng là lúc tiếng reo hò của quần chúng vang lên làm nức lòng người. Đó cũng là tiếng pháo đầu tiên ở Hà Nội mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

– Ngày 12/5/1976, VNTTX và TTXGP – hai người anh em ruột thịt, đã chính thức hợp nhất với tên gọi TTXVN. Thưa ông, điều đó đã tạo nên sức mạnh ra sao khi TTXVN hòa vào khí thế cách mạng chung của dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa?

Đối với TTXVN, ngày 12/5/1976 là thời khắc lịch sử khi VNTTX và TTXGP chính thức hợp nhất. Sức mạnh của hai cơ quan thông tấn ruột thịt đã được hợp nhất trong giai đoạn mới của đất nước và sức mạnh đó tiếp tục được củng cố khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Song hành cùng với sự phát triển của đất nước, TTXVN đã không ngừng lớn mạnh cả về cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, điều hành thông tin và đổi mới trang thiết bị kỹ thuật hạ tầng, phát triển nhiều loại hình thông tin trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường hợp tác quốc tế.

Có thể khẳng định TTXVN nay đã trở thành một hãng thông tấn quốc gia hiện đại, với khoảng 2.300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên… hoạt động theo mô hình tổ hợp, trong đó có năm ban biên tập tin nguồn, Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa, Trung tâm Truyền hình Thông tấn – kênh thông tin chính luận chuyên biệt; các tòa soạn báo gồm báo Tin tức, Thể thao và Văn hóa, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – tờ báo ảnh duy nhất phát hành song ngữ là tiếng Việt và 11 tiếng dân tộc thiểu số, cùng các báo đối ngoại đều “duy nhất ở Việt Nam” như nhật báo tiếng Anh Việt Nam News, tạp chí tiếng Pháp Le Courrier du Vietnam, Báo ảnh Việt Nam (bằng 10 ngữ), Thời báo Việt-Hàn, tạp chí tiếng Anh chuyên đề về luật Vietnam Law & Legal Forum, và báo điện tử VietnamPlus – một trong những báo điện tử hàng đầu Việt Nam với 6 ngôn ngữ thể hiện; bên cạnh đó là Nhà Xuất bản Thông tấn, các đơn vị chức năng, hai doanh nghiệp in đặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Có thể khẳng định TTXVN nay đã trở thành một hãng thông tấn quốc gia hiện đại, với khoảng 2.300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên… 

TTXVN sản xuất gần 70 sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: tin văn bản, ảnh, truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh, cùng nhiều sản phẩm thông tin hiện đại như megastory, phát hành trên các bản tin, báo in, báo điện tử, truyền hình, truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội.

TTXVN cũng là cơ quan báo chí có hệ thống cơ quan thường trú ngoài nước lớn nhất Việt Nam, với 30 cơ quan thường trú tại 28 quốc gia, cùng với đó là mạng lưới cơ quan thường trú tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các phóng viên của chúng ta nỗ lực không ngừng, khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới.

Hoạt động đối ngoại ngành không ngừng phát triển. TTXVN có quan hệ hợp tác với hơn 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí nước ngoài tại cả năm châu lục, với uy tín không ngừng được nâng cao tại các tổ chức báo chí quốc tế và khu vực.

Có thể khẳng định rằng TTXVN đã phát triển nhanh, mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành hãng thông tấn quốc gia hàng đầu trong khu vực. Với vai trò là cơ quan thông tấn tin cậy của Đảng và Nhà nước, có nhiều đóng góp quan trọng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong suốt nhiều thập kỷ, TTXVN vinh dự là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

– Trong những giai đoạn ác liệt nhất của hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của TTXVN. Ngày nay, đội ngũ người làm báo TTXVN đã kế thừa truyền thống đó như thế nào để giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận thông tin-tư tưởng, đảm bảo thông tin thông tấn là dòng tin chủ lưu, liên tục, chuẩn xác và có tính định hướng cao?

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành từ sau năm 1975 đến nay, tôi có thể khẳng định rằng đội ngũ những người làm báo TTXVN đã và đang viết tiếp các trang vàng lịch sử của ngành. Những điều bạn vừa nêu, như dòng tin chủ lưu, liên tục, chuẩn xác, tính định hướng cao, là đặc điểm nổi bật của thông tin thông tấn. Theo tôi, cần bổ sung những đặc tính khác, như hiện đại, hấp dẫn và đa dạng về hình thức thể hiện và kênh phát hành…

Thông tin thông tấn có được các đặc tính nổi bật đó là nhờ sự tận tụy với nghề, sự năng động, nhạy bén và sáng tạo của đội ngũ người làm báo của ngành. Có không ít phóng viên đã trải qua những thử thách khắc nghiệt của nghề báo, tác nghiệp tại những địa bàn khó khăn như vùng núi, hải đảo và trong những thời điểm “nước sôi lửa bỏng.”

Có những phóng viên của chúng ta phải xông vào các điểm nóng về thiên tai, sự cố; phải bám sát hàng ngày, hàng giờ diễn biến của các phiên tòa “điểm,” thức trọn đêm ở Đồng Đăng để giữ được vị trí ghi hình tốt trong sự kiện Thượng đỉnh Mỹ-Triều, trắng đêm chờ thông tin của Bộ Giáo dục Đào tạo về những trường hợp gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Phóng viên TTXVN đã có những chuyến vượt sóng ra đảo xa để phản ánh đời sống của người dân và chiến sỹ nơi tiền tiêu của Tổ quốc, hay các chuyến tác nghiệp đột xuất của phóng viên thường trú ngoài nước tới các địa bàn đang là điểm nóng, xung đột quân sự, nội chiến hay để tiếp cận những trường hợp bảo hộ công dân Việt Nam…

Chúng ta sẽ mãi không quên hình ảnh người đồng nghiệp trẻ đầy nhiệt huyết, đầy hoài bão của chúng ta, phóng viên Đinh Hữu Dư, anh đã hy sinh khi đang tác nghiệp, đưa tin trận lũ quét kinh hoàng ở Yên Bái tháng 10/2017 .

Gần đây nhất là đợt thông tin về dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt bốn tháng qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều nhà báo thông tấn làm việc không kể ngày đêm để đưa tin từ các vùng tâm dịch tại Việt Nam và trên thế giới.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự bất chấp hiểm nguy của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam cũng như sự chu đáo, nhiệt tình của các cán bộ chiến sỹ đã được các nhà báo TTXVN phản ánh sinh động.

TTXVN cũng đi đầu trong phản ánh những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế đối với thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh này, với những nhận định làm nức lòng người và khích lệ người dân Việt Nam cùng chung tay với chính phủ. Đây là một trong nhiều đợt thông tin lớn mà TTXVN huy động sức mạnh của toàn ngành, thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan báo chí chủ lực quốc gia.

– Trong thời đại công nghệ số, đứng trước áp lực cạnh tranh thông tin (đến từ sự phát triển không ngừng của truyền thông trong nước và quốc tế, kể cả truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội), TTXVN sẽ tiếp tục có những đổi mới gì để giữ vững vai trò định hướng thông tin, nhằm phục vụ đắc lực hơn nữa công cuộc Đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của độc giả, thưa ông?

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đứng trước những thách thức nặng nề hơn. Chúng ta đã đặt mục tiêu đưa TTXVN trở thành một hãng thông tấn quốc gia đa phương tiện mạnh. Mục tiêu này bao hàm nhiều ý nghĩa. Nhưng để biết được chúng ta cần chú trọng hướng phát triển nào, trước tiên, chúng ta phải hiểu được những thách thức lớn nhất đối với TTXVN hiện nay là gì để từ đó đặt ra các bước đi cụ thể.

Thách thức đầu tiên là làm thế nào để TTXVN không bị tụt hậu.

Thách thức đầu tiên là làm thế nào để TTXVN không bị tụt hậu. Để vượt qua thách thức này chúng ta phải nắm bắt được xu thế của truyền thông thế giới để từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp theo hướng làm chủ công nghệ hiện đại và ứng dụng cho sản xuất thông tin.

Trong lĩnh vực này, thì việc ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm báo cũng như đầu tư cho hạ tầng công nghệ, kỹ thuật của ngành là đòi hỏi tiên quyết.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại giữ một vai trò quan trọng. Việc tham khảo, học hỏi các hãng thông tấn bè bạn, nhất là các hãng thông tấn hàng đầu thế giới, đang và sẽ được TTXVN chú trọng.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng uy tín của TTXVN đã không ngừng được nâng cao trên diễn đàn báo chí quốc tế những năm gần đây. Ngày càng có nhiều hãng thông tấn, cơ quan báo chí từ châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, tìm đến TTXVN đề nghị thiết lập quan hệ hợp tác. TTXVN được bầu vào Ban Chấp hành OANA liên tục nhiều nhiệm kỳ gần đây. Thực tế này chứng tỏ chúng ta đang nằm trong dòng chảy thông tin thế giới, và nhiệm vụ của chúng ta là duy trì và củng cố vị thế này.

Thách thức thứ hai là nạn tin giả và sự lấn lướt của mạng xã hội. 

Thách thức thứ hai là nạn tin giả và sự lấn lướt của mạng xã hội. Bất kỳ hãng thông tấn hay cơ quan báo chí nào, của Việt Nam cũng như thế giới đều đang phải đương đầu với thách thức này. Tin giả đang như một bệnh dịch len lỏi vào từng ngóc ngách của xã hội, “ký sinh” trên mạng xã hội mà bùng phát. Nó không chỉ bóp méo thực trạng xã hội mà còn được sử dụng cho các âm mưu chính trị và gây rối trật tự xã hội. Chẳng đâu xa, những tác hại của tin giả trong đại dịch COVID-19 toàn cầu hiện nay là minh chứng rõ rệt nhất.

Vì vậy, không chỉ trông chờ biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng mà mỗi chúng ta – mỗi người làm báo của TTXVN – có thêm nhiệm vụ của một “công dân mạng” chân chính. Đó là kịp thời có thông tin chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, xuyên tạc trên các sản phẩm thông tin của ngành và ngay trên mạng xã hội. Đây là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên mà lãnh đạo ngành đặt ra với mỗi thành viên của gia đình thông tấn.

Thứ ba là thách thức về con người. Nghề báo có một số đặc thù, phải trải qua cọ xát thực tế để tích lũy kiến thức và rèn luyện bản lĩnh, cũng như luôn phải tiếp cận với công nghệ mới để không bị bỏ lại phía sau.

Trong chiến tranh hay trong thời bình, nhà báo thông tấn đều luôn là những người đứng ở tuyến đầu. Dù phương pháp tác nghiệp ở mỗi thời có những điểm khác nhau, nhưng phẩm chất và đạo đức nhà báo thì không có gì thay đổi.

Trong tình hình xã hội ngày nay, nhà báo cần giữ vững đạo đức và trách nhiệm xã hội của người cầm bút, vượt qua được mọi cám dỗ để viết và viết những gì có lợi cho đất nước. Sự phát triển nhanh của công nghệ đòi hỏi mỗi phóng viên, biên tập viên của TTXVN ngày càng phải đa năng hơn, đặc biệt là các nhà báo trẻ. Tôi đặt nhiều hy vọng ở thế hệ trẻ của TTXVN hiện nay.

Để vượt lên chính mình của ngày hôm qua, đội ngũ những người làm báo chúng ta, ngoài kiến thức chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, giờ đây cần phải am hiểu công nghệ, cập nhật các phương thức làm báo hiện đại, nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp.

Chúng ta đang sống trong những ngày kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là những ngày tháng đầy hoài niệm về lịch sử vẻ vang của Ngành. Trân trọng và biết ơn các thế hệ đi trước, chúng ta càng ý thức được trách nhiệm của mình, càng phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với quá khứ và thích ứng tốt với tương lai.

– Trân trọng cảm ơn ông!