Các chính phủ trên khắp châu Âu đang có xu hướng nhờ tới công nghệ để theo dõi sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và những người bị cách ly – một cách tiếp cận học hỏi từ châu Á – nhưng cách làm này lại mang tới những thách thức với quyền riêng tư vốn đã là thứ văn hóa đặc sản của châu lục này.
Từ Helsinki đến Madrid, các ứng dụng đang được phát triển để người dân báo cáo các triệu chứng của họ cho bác sỹ và nhà nghiên cứu; theo dõi và mô hình hóa sự lây lan của loại virus giống cúm này; và đảm bảo rằng những người bị cách ly ở nhà.
Những người ủng hộ quyền riêng tư thận trọng với bất kỳ sự đánh đổi nào giữa quyền riêng tư cá nhân đối với sức khỏe cộng đồng và giám sát kỹ thuật số
Tuy nhiên, tiến trình này diễn ra khá chắp vá, có sự phối hợp ít ỏi giữa các bên liên quan. Trong khi đó, những người ủng hộ quyền riêng tư thận trọng với bất kỳ sự đánh đổi nào giữa quyền riêng tư cá nhân đối với sức khỏe cộng đồng và giám sát kỹ thuật số mà quy tắc bảo mật dữ liệu của Liên minh châu Âu, Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), tìm cách ngăn chặn.
Lấy ví dụ Ba Lan: Chính phủ nước này vừa ra mắt một ứng dụng điện thoại thông minh, được gọi là Cách ly tại nhà (Home Quarantine), cho những công dân ở nước ngoài trở về kể từ ngày 15/3 bị yêu cầu tự cách ly trong hai tuần.
Để đăng ký, người dùng tải lên thông tin cá nhân và một bức ảnh. Sau đó, họ sẽ nhận được lời nhắc qua tin nhắn và trả lời các thông tin khai báo y tế trong vòng 20 phút cùng với việc tải lên một bức ảnh tự chụp selfie mới.

Kamil Pokora, một người quản lý sản phẩm vừa trở về Gdansk sau kỳ nghỉ ở Thái Lan, cho biết cảnh sát đã kiểm tra lịch sử đi lại của anh ta. Pokora cũng đang sử dụng Home Quarantine một cách tự nguyện nhưng thấy rằng nó không hoạt động ổn định.
“Phần mềm này có nhiều lỗi,” anh Pokora, 37 tuổi cho biết. “Tôi tiếp tục được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ thậm chí không có trong ứng dụng. Nó rất không thân thiện với người dùng.”
Văn phòng bảo vệ dữ liệu cá nhân của Ba Lan, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi GDPR, cho biết họ không được hỏi ý kiến về Home Quarantine. Phát ngôn viên Adam Sanocki cho biết cơ quan này sẽ giám sát việc triển khai và, nếu tìm thấy sự bất thường, sẽ có hành động để đảm bảo dữ liệu cá nhân được bảo vệ.
Khi được hỏi về những lời phàn nàn đối với ứng dụng Home Quarantine, Bộ Kỹ thuật số Ba Lan cho biết họ liên tục theo dõi hệ thống và cải thiện ứng dụng khi cần thiết, trên cơ sở phản hồi từ người dùng.
Thậm chí, Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Kaminski cho biết hôm thứ Tư 25/3, chính phủ đã lên kế hoạch bắt buộc mọi người bị cách ly phải sử dụng Home Quarantine.
Cách làm của châu Á
Home Quarantine là giải pháp công nghệ sao chép cách tiếp cận chủ động và hiệu quả của Đài Loan (Trung Quốc). Vùng lãnh thổ này vừa mới nâng cấp ‘kho vũ khí” chống COVID-19 của mình với “hàng rào điện tử” dựa trên tín hiệu định vị điện thoại di động, nhằm giữ các cá nhân có nguy cơ lây nhiễm ở nhà.
Home Quarantine là giải pháp công nghệ sao chép cách tiếp cận chủ động và hiệu quả của Đài Loan (Trung Quốc).
Đài Loan, một trong những khu vực có số lượng ca nhiễm COVID-19 thấp ở châu Á, đã yêu cầu những người đến từ nước ngoài tải xuống thiết bị di động một bảng câu hỏi và khai báo họ đến từ sân bay nào, lịch sử đi lại trong 14 ngày cùng các triệu chứng sức khỏe của họ.
Những người được đánh giá có rủi ro thấp sẽ nhận được tin nhắn thông báo họ được tự do đi lại. Ngược lại, những người bị coi là có nguy cơ phải tự cách ly trong 14 ngày, và sự tuân thủ của họ được cơ quan chức năng giám sát qua dữ liệu định vị từ điện thoại thông minh.
Theo GDPR, sự đồng ý xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm cần phải được thực hiện một cách tự nguyện, tự do và có những hạn chế luật pháp rất lớn đối với việc sử dụng nó. Ví dụ, nó không được lưu trữ vô thời hạn hoặc được sử dụng cho mục đích khác.
Chuyên gia về quyền riêng tư Frederike Kaltheuner, một thành viên chính sách công nghệ của Mozilla Foundation có trụ sở ở Berlin (Đức), cho rằng cần phải có bằng chứng rõ ràng về các giải pháp công nghệ đáng để thỏa hiệp về quyền riêng tư: “Nói cách khác: chúng ta cần phải biết các công cụ này thực sự hoạt động.”

Ở Phần Lan, tờ báo quốc gia Helsingin Sanomat và nhà phát triển phần mềm Futurice sắp ra mắt một dịch vụ web và di động để mọi người báo cáo các triệu chứng hô hấp của họ.
Thông tin cá nhân duy nhất mà mọi người khai cáo là tuổi và mã bưu chính của họ. Đây là những thông tin mà những người ủng hộ ứng dụng nói sẽ giúp lập bản đồ về sự lây lan của đại dịch. Chính phủ Phần Lan, trong khi hỗ trợ trên thực tế nhưng tới nay vẫn chưa chính thức lên tiếng ủng hộ sáng kiến này.
Luật do thám
Ở những nơi khác, các chính phủ đang gấp rút thông qua luật tình trạng khẩn cấp để cho phép sử dụng dữ liệu điện thoại thông minh cá nhân phục vụ theo dõi các liên lạc và thực thi cách ly – ngay cả khi họ không có được công nghệ để làm điều đó.
Slovakia tuần này đề xuất luật tạm thời cho phép theo dõi các phong trào cá nhân trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.
“Điều này thể hiện sự vi phạm nhân quyền và tự do rất lớn,” Bộ trưởng Tư pháp Maria Kolikova nói trước quốc hội, tuy nhiên, nữ bộ trưởng này tin rằng “quyền sống là trên hết.”
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã chỉ trích dự luật mà ông gọi là một “đạo luật gián điệp.”
“Điều này thể hiện sự vi phạm nhân quyền và tự do rất lớn…nhưng quyền sống là trên hết”
Một đề xuất của Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho phép theo dõi điện thoại thông minh cá nhân mà không có lệnh tư pháp đã bị chặn bởi các chính trị gia Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác chủ chốt trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel.
“Đây là một sự xâm phạm trên phạm vi rộng đối với các quyền công dân,” Bộ trưởng Bộ Tư pháp Christine Lambrecht của SPD cho biết.
Christian Drosten, nhà virus học hàng đầu của Đức, cho biết việc sử dụng dữ liệu định vị thiết bị di động cá nhân để theo dõi liên lạc, như ở Hàn Quốc, vẫn cần được hỗ trợ bởi các đội ngũ dịch tễ giỏi có thể phỏng vấn số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 và theo dõi những người có thể đã bị tiếp xúc với họ.
“Nước Đức thiếu những tài nguyên đó, và vì vậy, đối với tôi, câu hỏi là liệu chúng ta có thể học được điều gì từ họ hay không, có một chút vô ích,” ông Drosten, giám đốc Viện Virus học tại bệnh viện Charite ở Berlin, nói trong một chương trình của đài phát thanh NDR.

Cuộc đua lập trình, sáng kiến từ cơ sở
Trước tình trạng đáng báo động về số ca lây nhiễm và tử vong, một số quốc gia đã phát động các cuộc thi lập trình (hackathons) hoặc đề xuất các sáng kiến để tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chính phủ đã kêu gọi các công ty đưa ra những giải pháp công nghệ. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như trường hợp nhà khoa học dữ liệu Ottavio Crivaro với lời kêu gọi mọi người quyên tặng dữ liệu lịch sử đi lại của họ cho việc lập bản đồ số về đại dịch.
Việc tập trung vào công nghệ cũng có thể làm mất đi giá trị những câu trả lời đơn giản hơn trong bài toán kiểm soát dịch bệnh.
Sáng kiến của ông Ottavio Crivaro có nhiều nét tương đồng với ứng dụng TraceTogether của Singapore, thu thập dữ liệu định vị điện thoại thông minh và dữ liệu Bluetooth từ các tình nguyện viên để kiểm tra xem họ có ở gần người bị nhiễm virus hay không.
Việc tập trung vào công nghệ cũng có thể làm mất đi giá trị những câu trả lời đơn giản hơn trong bài toán kiểm soát dịch bệnh.
Ví dụ, Ấn Độ cho phép sử dụng mực không thể xóa để đóng dấu bàn tay của người dân trong khu vực cách ly. Mực không xóa vốn được Ấn Độ sử dụng để ngăn mọi người bỏ phiếu nhiều lần trong các cuộc bầu cử.
“Có một số giải pháp công nghệ thấp cho những vấn đề này,” Edin Omanovic, Giám đốc của Privacy International, một tổ chức phi chính phủ. “Nói đến kiểm soát cách ly, đôi khi điều tốt nhất chỉ là đi đến và kiểm tra.”./.
