Italy và bài học cho cả châu Âu

italycorona-1585023601-35.jpg

Dịch bệnh COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra đã bùng phát mạnh mẽ, và ảnh hưởng đến 195 quốc gia/vùng lãnh thể trên toàn thế giới.

Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Theo thống kê của worldometers (tính đến trưa 24/3), đất nước hình chiếc ủng này đã có đến 63.927 ca nhiễm, trong đó 6.077 trường hợp tử vong (nhiều nhất thế giới).

“Cuộc chiến” chống COVID-19 tại Italy có thể xem là bài học quý giá cho các quốc gia châu Âu láng giềng đang đi theo một quỹ đạo tương tự.

Thờ ơ và chủ quan trước dịch bệnh

Bình thường, một bữa ăn ở quảng trường St Mark tại Venice chỉ tốn một khoản hầu bao nhỏ. Thậm chí, hôm 3/3, chủ các quán bar tại đây đã triển khai chương trình mua một tặng một cho mỗi món đồ uống được gọi nhằm thu hút khách hàng trước cảnh thành phố trở nên vắng lặng giữa cơn bùng phát virus corona ở Italy. Chương trình này dự kiến sẽ kéo dài trong một tháng.

Ở Rome, nơi những du khách đang có mặt tại thủ đô vẫn duy trì tâm trạng thoải mái và lựa chọn tiếp tục chuyến du lịch của mình thay vì trở về nhà, các nhà hàng đã hài hước mời họ thử món “carbonaravirus” (ghép giữa “carbonara” – một món mỳ nổi tiếng và “virus”).

Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường ở Italy cho dù có hàng chục ca tử vong...
Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường ở Italy cho dù có hàng chục ca tử vong…

Đó là những gì đã xảy ra trong tuần đầu tiên của tháng 3. Khó có thể trách các chủ doanh nghiệp lo xa trước tác động của virus corona tới việc làm ăn của họ, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo liên tục đưa ra những thông điệp gây bối rối.

Ngày 27/2, tức bốn ngày sau khi 11 thị trấn ở miền bắc Italy bị phong tỏa và 17 người đã thiệt mạng vì virus cùng 650 người khác bị nhiễm bệnh, Nicola Zingaretti, lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền, đã tới Milan, thủ phủ vùng Lombardy – trung tâm bùng phát dịch bệnh, để uống một ly rượu khai vị với một nhóm sinh viên.

Ở Rome, nơi những du khách đang có mặt tại thủ đô vẫn duy trì tâm trạng thoải mái và lựa chọn tiếp tục chuyến du lịch của mình thay vì trở về nhà…

“Chúng ta không cần phải thay đổi thói quen của mình,” ông viết trong một bài đăng trên mạng xã hội. “Nền kinh tế của chúng ta mạnh hơn nỗi lo sợ: hãy ra ngoài và làm một bữa khai vị, uống một tách cà phê hay ăn một chiếc pizza.”

Cùng ngày, Beppe Sala, thị trưởng thành phố Milan, đã chia sẻ một đoạn video với khẩu hiệu “Milan không dừng lại.” Đoạn video có hình ảnh người dân ôm nhau, ăn uống tại các nhà hàng, đi dạo trong công viên và chờ đợi tại các ga tàu. 9 ngày sau chuyến đi tới Milan, khi số người chết đã tăng lên 233 và số trường hợp được xác nhận dương tính với virus là 5.883 người, Zingaretti thông báo rằng ông cũng đã bị nhiễm virus.

Giuseppe Pantaleo, một nhà tâm lý học xã hội thuộc trường Đại học Vita-Salute San Raffaele ở Milan cho biết: “Ban đầu, mọi người không thực sự tin những gì đang xảy ra, vì thế các chính trị gia như Zingaretti chỉ muốn trấn an người dân. Ông ấy đến Milan để chứng minh rằng một số hình thức hoạt động xã hội vẫn an toàn và rằng chính phủ đang nỗ lực tìm giải pháp… nhưng rõ ràng là ông ấy đã đánh giá thấp mức độ rủi ro.”

Một số người cho rằng COVID-19 nó chỉ nguy hiểm hơn bệnh cúm mùa một chút. (Nguồn: AFP)
Một số người cho rằng COVID-19 nó chỉ nguy hiểm hơn bệnh cúm mùa một chút. (Nguồn: AFP)

Các thông tin y tế cũng đầy mâu thuẫn, với một số đánh giá virus là rất nghiêm trọng, trong khi số khác cho rằng nó chỉ nguy hiểm hơn bệnh cúm một chút.

Khi virus lây lan, công chúng lại tìm đến sự hài hước, với những hình ảnh meme và video được chia sẻ khắp nơi trên mạng xã hội, bao gồm một đoạn video ghi lại cảnh một bà cụ người Italy cho lời khuyên về việc rửa tay. Một đoạn video khác lại có nội dung về một băng đảng lên kế hoạch buôn lậu Amuchina – sản phẩm rửa tay diệt khuẩn sản xuất tại Italy đang cháy hàng, thay vì cocaine.

“Dù là trong các nhóm xã hội hay trên mạng xã hội, mọi người đều phản ứng bằng những trò đùa và sự mỉa mai,” Pantaleo chia sẻ. “Bật cười là một phản ứng rất phổ biến của con người khi phải đối mặt với ý nghĩ về cái chết. Nhưng tất nhiên, trong những ngày đầu, chẳng ai nghĩ đó là một khả năng nghiêm trọng.”

Khi lệnh cấm được ban hành…

Chính phủ đã cấm việc hôn lên má và ôm, cũng như khuyên dân chúng nên duy trì khoảng cách. Tuy nhiên, người dân vẫn ra đường, đến các quán bar, nhà hàng, công viên và bãi biển. Vì các trường học và trường đại học đều cho nghỉ, thanh thiếu niên và sinh viên đã tận dụng cơ hội này để giao lưu nhiều hơn với bạn bè.

Với đa phần người dân, cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường, cho tới khi xuất hiện một sự thay đổi đột ngột vào ngày 8/3, khi số ca tử vong do Covid-19 tăng vọt hơn 50%.

Các thông tin y tế cũng đầy mâu thuẫn, với một số đánh giá virus là rất nghiêm trọng, trong khi số khác cho rằng nó chỉ nguy hiểm hơn bệnh cúm một chút.

Thủ tướng Giuseppe Conte đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ vùng Lombardy và 14 tỉnh khác bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh ở miền bắc. Tin tức về lệnh phong tỏa đã bị rò rỉ với báo giới Italy vài giờ trước khi có thông báo chính thức, kích động hàng ngàn người dân quê ở miền nam chạy khỏi miền bắc để về nhà.

Quân đội đứng canh gác tại quảng trưởng Piazza del Duomo ở Milan, Italy.
Quân đội đứng canh gác tại quảng trưởng Piazza del Duomo ở Milan, Italy.

Lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố vào ngày 10/3, nhưng các biện pháp này chỉ thực sự có tác động vài ngày sau đó, khi các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không bán nhu yếu phẩm khác bị đóng cửa hàng loạt trên cả nước.

Giọng điệu của ông Conte đã trở nên rõ ràng và thẳng thắn hơn, nhưng cũng khiêm nhường hơn. Ông cảm ơn người dân Italy “vì những hy sinh to lớn” của họ cho lợi ích chung, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi mọi người ở nhà.

Sara Raginelli, một nhà tâm lý học ở Ancona thuộc vùng Marche cho biết: “Vào khoảnh khắc chính trị thay đổi và bắt đầu nói chuyện một cách rõ ràng và thẳng thắn hơn, hành vi của mọi người cũng thay đổi, và họ dần phát triển thái độ nhận thức cao hơn. Khi người dân Italy được yêu cầu ở trong nhà, và những biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt được áp dụng, đa phần dân chúng đều chấp hành.”

Tuy nhiên, sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng, trong vòng một tuần, cảnh sát đã xử phạt hơn 40.000 công dân không chấp hành các quy định phong tỏa. Các quy định này chỉ cho phép người dân ra ngoài khi thực sự cần thiết, chẳng hạn như vì công việc, các lý do sức khỏe, hoặc đi siêu thị.

Cảnh sát cũng đã tăng cường kiểm tra trong những ngày gần đây, và quân đội liên tục tuần tra trên các con phố ở Naples và Sicily. Có lẽ đã hiểu lầm quy định, một số người đã tận dụng cơ hội này để đi chạy bộ hoặc đi dạo trong công viên, dẫn đến việc đóng cửa toàn bộ các công viên vào hôm 21/3. Người dân vẫn có thể tập thể dục ngoài trời miễn là họ không đi xa khỏi nhà.

Các quy định này chỉ cho phép người dân ra ngoài khi thực sự cần thiết, chẳng hạn như vì công việc, các lý do sức khỏe, hoặc đi siêu thị.

Sau khi số người tử vong tăng mạnh lên 4.825 vào tối ngày 21/3, thủ tướng Conte đã có một bài phát biểu ấn tượng khác, thông báo rằng tất cả các doanh nghiệp, trừ các nhà cung ứng nhu yếu phẩm và dịch vụ thiết yếu, phải đóng cửa. “Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của chúng ta trong thời kỳ hậu chiến,” ông nói.

Người dân Italy lạc quan trước ‘cơn bão’ dịch bệnh COVID-19.

Động thái này dự kiến sẽ càng khiến người dân cảm nhận rõ ràng được mức độ nghiêm trọng của virus.

Pantaleo chia sẻ: “Giờ đây, khi chúng ta đang thực sự cảm nhận được nguy cơ về cái chết – của chúng ta, của người thân hay bạn bè, chúng ta trở nên nghiêm túc hơn và có nhiều động lực hơn để hành xử theo các chuẩn mực xã hội.”

“Vì vậy, việc làm gương là rất quan trọng, vì nếu có các tiêu chuẩn rõ ràng và các nhà lãnh đạo tuân thủ theo đó, thì người dân cũng sẽ làm theo. Chúng ta cũng sẽ thấy lòng tự trọng của mình tăng lên khi cùng nhau hành động vì một mục tiêu chung, và ngay cả việc giữ bình tĩnh hết mức có thể và ở yên trong nhà cũng là một cách để đóng góp.”

Hiện tại, nước Anh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh tương tự Italy. Những kinh nghiệm từ Italy – cụ thể là về sự chủ quan của người dân trong ngày đầu của cuộc khủng hoảng – có thể là lời cảnh báo cho các quốc gia khác ở châu Âu đang đi theo một quỹ đạo lây nhiễm tương tự.

Cảnh vắng lặng trên cây cầu Westminster ở London, Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh. (Nguồn: THX)
Cảnh vắng lặng trên cây cầu Westminster ở London, Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh. (Nguồn: THX)